Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/10/2019-16:53:00 PM
Đối thoại Kinh tế Việt Nam – Kansai lần thứ 4 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 08/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn Kinh tế Kansai (Kankeiren) tổ chức Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 4. Đối thoại được tổ chức thường niên từ năm 2016 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vùng Kansai gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác, cũng như tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Toàn cảnh Đối thoại. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Đối thoại, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Đối thoại là dịp các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi và thảo luận về vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp vùng Kansai, đặc biệt là vấn đề thuế và cơ sở hạ tầng. Quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, hợp tác chính trị, đối thoại với sự tin cậy cao, là nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển thành công. Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2019, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 4247 dự án, vốn đầu tư đăng ký hơn 58,22 tỷ USD. Theo khảo sát của JETRO năm 2018, có 65% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi, 70% số doanh nghiệp có mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho sự lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản, là sự ghi nhận đối với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua.

Tại Đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc tế, Liên đoàn Kinh tế Kansai Inous Tsuyoshi cho biết, đây là một trong những hoạt động quốc tế của Kankeiren nhằm giúp các doanh nghiệp khu vực Kansai mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ông Inous Tsuyoshi đánh giá cao nội dung được tập trung thảo luận tại các Đối thoại lần trước. Đồng thời mong muốn, Việt Nam chia sẻ các thông tin về khung khổ pháp lý và vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đây là dịp để các diễn giả đến từ các bộ, ngành của Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp vùng Kansai cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiều sáng kiến tận dụng cơ hội mới, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, từ đó góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.

Chia sẻ một số vướng mắc trong đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Hồng Vân, Trưởng phòng nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết một số vướng mắc về ghi vốn điều lệ của doanh nghiệp; bổ sung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp; thay đổi cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; thay đổi chủ sở hữu do chủ sở hữu đã giải thể theo pháp luật nước ngoài; giữ tên doanh nghiệp và quản lý dự án đầu tư sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp…

Một số quan điểm của của doanh nghiệp Nhật Bản trong việc sửa đổi luật ở Việt Nam, ông Kodama Keita, Giám đốc Công ty hóa chất hiếm Việt Nam (VREC) cho biết, công ty VREC được thành lập năm 2016, với ngành nghề kinh doanh chế biến sâu cát Zircon được khai thác tại Việt Nam để sản xuất ra hợp chất Zirconium xuất khẩu qua Nhật Bản. Đồng thời, thực hiện sản xuất kinh doanh trên nền tảng tuân thủ các pháp luật liên quan đến nghiệp vụ pháp nhân, ngoài ra còn tuân thủ rất nhiều về các quy định pháp luật khác như các Luật khoáng sản, hóa chất, bảo vệ môi trường…

Tại Đối thoại, hai bên đã cập nhật, chia sẻ những thông tin các thông tin liên quan đến thể chế, đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chế xuất, điện năng lượng mặt trời,… Về thực thi thể chế, hai bên cho rằng, sau khi luật được ban hành cần sớm có các nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cơ chế đối thoại chính sách Việt Nam - Kansai theo hướng cập nhật chính sách mới của Việt Nam liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm tăng cường sự hợp tác toàn diện Kansai -Việt Nam nói riêng và Việt Nam - Nhật Bản nói chung./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1279
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)