Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, qua đó đã huy động được khoảng 1.609.296 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Theo đó, các loại hợp đồng chủ yếu thực hiện theo hình thức BOT và BT, còn lại là các dự án BOO, BLT và BOT kết hợp BT tập trung trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trụ sở làm việc, năng lượng, cấp nước, thoát nước và môi trường.
Các công trình, dịch vụ từ các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội.
Tồn tại, bất cấp trong triển khai dự án PPP
Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy việc triển khai các dự án PPP còn một số tồn tại, bất cập như việc lựa chọn nhà đầu tư vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đa số các dự án PPP áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kéo dài.
Hạn chế trong khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị dự án, nhiều danh mục dự án kêu gọi đầu tư được phê duyệt nhưng đến nay kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Việc lựa chọn dự án còn nóng vội dẫn đến công tác chuẩn bị dự án, thẩm định dự án còn chưa khảo sát kỹ, chưa lấy ý kiến rộng rãi đến người dân. Trong quá trình thực hiện dự án, thiếu cơ chế người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Hạn chế về minh bạch thông tin, công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai. Trong giai đoạn trước khi Nghị định 63/2018/NĐ-CP được ban hành, người dân chưa được tiếp cận các nội dung về thông tin hợp đồng (giá, phí hàng hóa dịch vụ), tình hình thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư trúng thầu.
Áp dụng loại hợp đồng chưa phù hợp, thời gian qua, trong lĩnh vực giao thông, một số tuyến đường chỉ nâng cấp, cải tạo nhưng người dân vẫn phải trả phí hoặc người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo. Người dân không đồng tình đối với việc các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng được kiểm soát bởi các nhà đầu tư tập trung vào lợi nhuận thay vì phục vụ lợi ích cộng đồng, doanh thu từ các trạm thu phí được sử dụng vào mục đích không rõ ràng, mức tăng phí không hợp lý. Từ đó, dẫn đến bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí được dư luận phản ánh trong thời gian qua.
Các công cụ tài chính để chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đầu tư và đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư không đủ nguồn lực để bố trí, công tác chuẩn bị dự án chưa được thực hiện bài bản một phần do chưa có nguồn lực bố trí để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi. Đồng thời dự án PPP kém hấp dẫn nhà đầu tư do thiếu cơ chế bố trí vốn đầu tư công tham gia đầu tư trong dự án PPP cũng như thiếu công cụ chia sẻ rủi ro cho dự án (bảo lãnh doanh thu, lưu lượng, chuyển đổi ngoại tệ, thay đổi quy hoạch...).
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án PPP, chế tài xử phạt. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chưa rõ ràng và nhà đầu tư còn thiếu, cụ thể về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án. Thiếu cơ chế giám sát đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm của nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ.
Luật PPP sẽ khắc phục những vấn đề nêu trên
Đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi cạnh tranh, rút ngắn thủ tục đấu thầu (dự thảo Luật Điều 21, Điều 31), so với quy định hiện hành, các trường hợp chỉ định thầu đang thu hẹp theo hướng chặt chẽ hơn (chỉ bao gồm 02 trường hợp: bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước và dự án đã ký hợp đồng PPP nhưng bị chấm dứt, đình chỉ, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ công cho cộng đồng).
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư được xây dựng theo hướng đơn giản hóa quy trình lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể là các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (như phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi.
Việc lựa chọn dự án được thực hiện kỹ lưỡng (dự thảo Luật Điều 6, Điều 16, Điều 23), thông qua cơ chế thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP tại dự thảo Luật, việc thẩm định dự án PPP được thực hiện bài bản hơn, đảm bảo sau quá trình thẩm định, với ý kiến của các cơ quan nhà nước mang tính chất liên ngành sẽ giúp phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn dự án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin (dự thảo Luật Điều 10, Điều 22), thông tin tại tất cả các bước như chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng được công khai, minh bạch trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bên cạnh đó, để minh bạch thông tin đến người dân, đặc biệt là đối tượng chịu tác động của dự án, dự thảo Luật đã bổ sung cơ chế tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu ảnh hưởng của dự án. Cụ thể, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cơ quan chuẩn bị dự án phải tổng hợp kết quả tham vấn ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của dự án.
Đưa ra nguyên tắc áp dụng loại hợp đồng phù hợp (dự thảo Luật Điều 39 khoản 6), chỉ lựa chọn áp dụng loại hợp đồng có cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP đầu tư, xây dựng mới và người dân có hơn một sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ. Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, áp dụng loại hợp đồng nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư (không thu phí trực tiếp từ người sử dụng).
Khẳng định rõ cơ chế bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP cũng như công cụ tài chính để thực hiện đầu tư và đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư, Điều 64 dự thảo Luật quy định phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình được bố trí từ vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc giá trị tài sản công. Điều 76, 77 dự thảo Luật quy định về các bảo đảm của Chính phủ, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với các dự án PPP quan trọng theo hướng Chính phủ quyết định cho từng trường hợp dự án PPP cụ thể, không áp dụng tràn lan.
Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án PPP, chế tài xử phạt, quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan nhà nước, dự thảo Luật quy định các chương riêng (chương VIII, IX, X), trong đó quy định cụ thể về: giải quyết kiến nghị, tranh chấp và xử lý vi phạm; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kiểm toán nhà nước và giám sát hoạt động đầu tư theo phương thức PPP; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư theo phương thức PPP.
Riêng về chế tài xử phạt, Điều 99 dự thảo Luật đã quy định các mức xử phạt và đối tượng vi phạm khác nhau từ thấp đến cao, cụ thể là: cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia, hủy, đình chỉ, không công nhận hoặc tuyên bố vô hiệu đối với kết quả đấu thầu, chấm dứt, đình chỉ hợp đồng và truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài và khung hình phạt cụ thể được Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo linh hoạt trong công tác điều hành./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư