(MPI) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 11/11/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật PPP.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật PPP tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9/2019. Ảnh: Quochoi.vn |
Trên cơ sở Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PPP đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 tại Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, với sự cần thiết của việc xây dựng Luật PPP trong bối cảnh hiện nay của đất nước và tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế, dự thảo Luật PPP đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện nhằm thể chế hóa các định hướng của Đảng, Nhà nước về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP nói riêng.
Xây dựng luật với giá trị pháp lý cao, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP. Xử lý các mâu thuẫn, khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, mở ra một giai đoạn mới trong việc triển khai thu hút đầu tư PPP bảo đảm công bằng, minh bạch, ổn định, tin cậy và hiệu quả kinh tế.
Bảo đảm quy định của Luật phù hợp với các cam kết trong điềuước quốc tế về đầu tư, thương mại mà Việt Nam là thành viên. Bảo đảm dự án khi đưa vào triển khai tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm hài hoà lợi ích cho người dân, lợi ích của nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân. Sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công. Tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để tạo niềm tin, thu hút khu vực tư nhân. Đồng thời tạo tiền đề để triển khai nhiều hơn các dự án PPP trong lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội hay các dự án dành cho các nhóm đối tượng yếu thế. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả. Hạn chế hệ quả không mong muốn của khu vực tư nhân. Quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án phù hợp với lĩnh vực, quy mô dự án. Phát huy các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế trong thời gian qua. Hoàn thiện, đổi mới trong điều kiện hạn chế tối đa xáo trộn để không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật PPP, Chính phủ luôn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật này và các luật có liên quan như dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, tài sản công...
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và thực hiện thống nhất dự thảo Luật theo hướng nguyên tắc áp dụng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Do đó, hầu hết các nội dung liên quan đến pháp luật khác, dự thảo luật có các điều khoản viện dẫn cụ thể đến các luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.
Mặt khác, hiện quy định về PPP nói riêng và luật pháp tại Việt Nam nói chung được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Vì vậy, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc - quốc gia được đánh giá là thành công trong triển khai PPP, dự thảo Luật PPP quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này”.
Đây là quy định về một số nội dung đặc thù cho dự án PPP nhằm bảo đảm tính minh bạch phạm vi áp dụng quy định của pháp luật; tính ổn định, xuyên suốt của một dự án PPP; hơn nữa, quy định này cho thấy cam kết rõ ràng từ phía Nhà nước đối với khu vực tư nhân để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư tổ chức tài chính khi đầu tư các dự án PPP quy mô lớn, dài hạn và tiềm ẩn rủi ro trong tương lai.
Đây cũng là một trong các nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với sự chuyển biến trong chính sách PPP của Việt Nam, đó là các cơ chế bảo đảm của Chính phủ. Việc thiếu hụt chính sách đối với các cơ chế này trong dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải tạm dừng.
Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, Chính phủ quyết định cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng trường hợp dự án PPP thông qua Nghị quyết của Chính phủ.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, một trong những biện pháp cơ bản nhằm chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền/Cơ quan ký kết hợp đồng và Nhà đầu tư là điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí. Trường hợp các biện pháp này vẫn không thể bảo đảm được phương án tài chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thì việc xem xét có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu là rất cần thiết.
Qua khảo sát, nghiên cứu cách tiếp cận mới trên thế giới về chia sẻ rủi ro trong dự án PPP, dự thảo Luật thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” mà thông qua cơ chế này, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế; đồng thời cho phép Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu. Cách tiếp cận này vẫn tôn trọng cơ chế thị trường, đồng thời tránh trường hợp nhà đầu tư ỷ lại không phát huy năng lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư một cách thực chất.
Dự thảo Luật PPP được bố cục thành11 chương với 102 điều trên cơ sở kế thừa các quy định tốt đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 về PPP, đồng thời bổ sung các chính sách, định hướng mới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư