(MPI) - Tham gia thảo luận về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) tại Hội trường ngày 20/11/2019, đa số đại biểu đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật cũng như các nội dung trình của Chính phủ. Đồng thời tham gia thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.
|
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng dự án Luật đầu tư (sửa đổi). Đồng thời bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi tên gọi, bố cục, nội dung Dự thảo.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6, đại biểu nhất trí quy định bãi bỏ Phụ lục 1,2,3 Luật đầu tư năm 2014, giữ các quy định danh mục đầu tư có điều kiện như dự thảo luật là phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Về đưa ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào dịch vụ ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 76 đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong dự thảo Luật là tương đối chặt chẽ và đầy đủ. Đồng thời đề nghị cần làm rõ hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải chấm dứt hoạt động và phải đánh giá mức độ thiệt hại đối với các doanh nghiệp này, để từ đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp này thật thỏa đáng.
Về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu tán thành với việc bãi bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì quy định điều kiện kinh doanh cho một số ngành, nghề đến nay không cần thiết, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để phù hợp với công ước quốc tế. Việc sửa đổi mang tính kỹ thuật đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để thống nhất với quy định của một số luật có liên quan. Đồng thời đề nghị phải đánh giá tác động giải trình, làm rõ về cơ sở đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn lại, nhất là về nội dung các điều kiện đầu tư kinh doanh, hình thức áp dụng và hồ sơ quy trình thủ tục được sửa đổi, bổ sung. Cân nhắc việc sửa đổi các quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để bảo đảm thực chất, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch về trình tự, thủ tục cho nhà đầu tư và tuân thủ theo khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật.
Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại Chương III, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, khả thi, bảo đảm quyền của nhà đầu tư được tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đầu tư thì phải có chế tài xử lý thu hồi các khoản ưu đãi mà họ đã được hưởng nhằm bảo đảm chặt chẽ và công bằng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn cho rằng, qua thời gian thực hiện Luật đầu tư, môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển, thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng. Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính. Bên cạnh những tiến bộ được ghi nhận, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận và yêu cầu sửa đổi luật quan trọng này. Do vậy, Đại biểu bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật đầu tư, nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, Luật Đầu tư sửa đổi lần này với nhiều đổi mới mạnh mẽ, cơ chế thông thoáng chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển môi trường đầu tư, hứa hẹn thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư uy tín, tiềm lực đến với Việt Nam thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo bày tỏ sự tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cho rằng việc đổi tên Luật thành Luật đầu tư (sửa đổi) là phù hợp. Đồng thời cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật đầu tư năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các hoạt động đầu tư ngày càng sôi động hơn, công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng được nâng cao hơn, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình tổ chức thực hiện, luật đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập về cơ chế, thủ tục, trình tự, nội dung. Trước yêu cầu mới phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện pháp luật, về đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản có liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với các quy định về hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư, ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư như dự thảo Luật đã nêu. Đồng thời tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xét duyệt đầu tư; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; chuyển nhượng dự án.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho rằng, Luật đầu tư (sửa đổi) lần này bổ sung rất nhiều điều và có hướng cải cách tốt về thủ tục hành chính cũng như thu hút được nguồn lực xã hội để đầu tư, trong khi nguồn lực ngân sách còn khó khăn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cũng bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật đầu tư. Bởi thời gian qua khi triển khai luật đã gặp phải một số vấn đề như quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật đầu tư và một số luật khác có liên quan đến vấn đề đầu tư kinh doanh.
Điều 19 dự thảo Luật bổ sung cơ chế là Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Theo đó, Chính phủ bổ sung mức ưu đãi và thời gian ưu đãi đầu tư như mức ưu đãi đầu tư đặc biệt không cao hơn 50% mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Thời hạn áp dụng ưu đãi đối với dự án ưu đãi đầu tư đặc biệt tối đa không quá gấp 2 lần so với thời hạn ưu đãi dài nhất theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo rà soát các lĩnh vực, địa bàn cần đặc biệt ưu đãi đầu tư để quy định cụ thể trong danh mục, làm cơ sở xem xét, quyết định các chính sách ưu đãi.
Về quản lý đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn - bỏ. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé bày tỏ thống nhất với các nội dung như dự kiến đã bổ sung trong Dự thảo nhằm đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, đảm bảo công khai, minh bạch.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật đầu tư đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của luật nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về kinh doanh, đầu tư, đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc sửa đổi Luật lần này cũng sẽ khắc phục một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề phát sinh mới trong hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài, như là tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường hay là tình trạng đầu tư chui, núp bóng thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam,… Do vậy cần phải có quan điểm, định hướng và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đại biểu bày tỏ hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đã được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư. Bởi thực tế các quan hệ giữa bên có nợ cần thu hồi và bên nợ là quan hệ dân sự. Hiện nay, Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, các cơ quan và các thiết chế bảo vệ thi hành luật pháp, như là Tòa án, Viện kiểm sát, trọng tài hay cơ quan thi hành án, kể cả thừa phát lại. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quá yếu, còn lỏng lẻo trong khi đó xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh cũng như các quy định của pháp luật dẫn đến hoạt động này đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. “Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn và đáp ứng yêu cầu đảm bảo về an ninh trật tự, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình, sau đó sẽ gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp thứ 9./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư