Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/05/2020-15:20:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020 tỉnh Kon Tum

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Ước tính đến thời điểm ngày 15/4/2020, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm Vụ đông xuân 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 10.182 ha, giảm 4,26% (- 453 ha) so với cùng kỳ vụ đông xuân 2018 - 2019. Cụ thể DTGT một số loại cây trồng như sau:

Cây lúa 7.053 ha, giảm 0,98% (- 70 ha).

Cây ngô 715 ha, giảm 3,68% (- 27 ha).

Cây mía 977 ha, giảm 16,52% (- 193 ha). Nguyên nhân diện tích mía giảm là do những năm gần đây giá mía giảm, trong khi đó giá các chi phí đầu vào như phân bón, giống, công lao động... tăng cao nên hiệu quả kinh tế đối với cây mía thấp. Một số hộ đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cây lạc 25 ha, giảm 25,66% (- 9 ha).

Đậu các loại 83 ha, giảm 26,91% (- 30 ha).

Diện tích cây lạc, cây đậu giảm do những năm trước nông dân tận dụng diện tích đất cây cao su, cây điều đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để trồng xen. Năm nay, một phần diện tích cây cao su, cây điều đã khép tán trưởng thành nên diện tích cây lạc, cây đậu giảm so với năm trước.

Rau các loại 1.155 ha, tăng 1,88% (+ 21 ha).

+ Thời gian vừa qua, khí hậu hanh khô, ít mưa làm cho mực nước các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giảm xuống gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Tính đến ngày 15/4/2020, đã có 1.030,64 ha bị hạn ảnh hưởng đến năng suất. Trong đó, thành phố Kon Tum 732,72 ha (266,19 ha lúa, 400,63 ha cây công nghiệp và 65,9 ha rau màu); Đăk Hà 65,57 ha lúa; Đăk Tô 93,87 ha (13,16 ha lúa và 80,71 ha cây công nghiệp); Ngọc Hồi 7,55 ha lúa; Sa Thầy 87,45 ha (68,95 ha lúa và 18,5 ha cây công nghiệp); Kon Rẫy 15,91 ha lúa; Ia H' Drai 27,57 ha (6,95 ha lúa; 20,6 ha cây công nghiệp và 0,02 ha rau màu).

Hiện nay, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi đã đặt bơm tưới nước chống hạn, thường xuyên kiểm tra đập đầu mối, hệ thống kênh mương để kịp thời tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy từ đầu mối đến cuối kênh; khắc phục, gia cố, sửa chữa các công trình để chống thất thoát nguồn nước; thông báo lịch điều tiết nguồn nước các công trình thủy lợi và tổ chức tưới luân phiên hợp lý cho các loại cây trồng nhằm hạn chế khô hạn xảy ra. Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân đắp bờ giữ nước ở chân ruộng, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, thực hiện theo lịch tưới của các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã thông báo. Theo dõi, kiểm tra, xác định cụ thể tình hình khô hạn của từng khu vực; chuẩn bị tốt các điều kiện để chống hạn như: máy bơm nước, xăng dầu, đường ống, nguồn nước dự kiến bơm chống hạn…

- Chăn nuôi: Tình hình dịch bệnh (16/3/2020 - 15/4/2020)

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên 90 con lợn (12 lợn nái, 53 lợn thịt, 25 lợn con) tại huyện Đăk Hà và huyện Ia H’Drai.

Dịch bệnh lở mồm long móng tiếp tục phát sinh trên 51 con gia súc (34 trâu, 17 bò) của 18 hộ chăn nuôi; đã tiêu hủy 01 trâu.

Các dịch bệnh thông thường khác trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.

b) Lâm nghiệp

Hiện nay, tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao liên tục duy trì và kéo dài, mặc dù đã có một vài cơn mưa đầu mùa nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); phân công trực PCCCR theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về PCCCR được tăng cường. Tính đến 15/4/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ cháy rừng tại huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy gây thiệt hại 46,601 ha rừng (bao gồm: 44,551 ha rừng trồng, 2,05 ha rừng tự nhiên), tăng 06 vụ (+ 24,631 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân, xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tính đến ngày 15/4/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 9,974 ha, giảm 08 vụ (+ 2,806 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ước tính đến thời điểm 30/4/2020, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 30/4/2020, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 37.830 m3, giảm 6,72% (-2.727 m3); sản lượng củi khai thác là 79.940 ste, giảm 8,74% (-7.660 ste) so với cùng kỳ năm trước.

c) Thủy sản

Ước tính đến 15/4/2020, diện tích nuôi trồng thủy sản là 705 ha, tăng 1,44% (+10 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản là 1.560 tấn, tăng 8,03% (+116 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 910 tấn, tăng 10,71% (+88 tấn); Sản lượng khai thác nước ngọt là 650 tấn, tăng 4,5% (+28 tấn).

Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên. Bên cạnh đó, việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.

2. Công nghiệp

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2020

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 năm 2020 ước tính giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,95%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,27%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,22% và ngành công nghiệp khai khoáng giảm 26,39%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 năm 2020 giảm chủ yếu do chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện và chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm. Thời tiết trên địa bàn đang trong mùa khô hạn, lượng nước trong các hồ chứa giảm thấp so cùng kỳ năm trước, do đó các đơn vị sản xuất điện đã chủ động điều tiết giảm công suất nhà máy để ổn định sản xuất nên chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện giảm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; ngành sản xuất sản phẩm khác từ cao su không xuất được các đơn hàng nên giảm sản lượng; ngành sản xuất trang phục thiếu nguyên liệu đầu vào do đó sản lượng cũng bị giảm đã làm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4 giảm so với cùng kỳ.

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2020

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 tăng 8,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,33%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,86%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,01%.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng 68.377 m3, giảm 41,10%; Tinh bột sắn 122.303 tấn, tăng 1,73%; Đường RE 9.445 tấn, giảm 14,11%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 12,55 triệu viên, tăng 2,12%; Điện sản xuất 398,11 triệu Kwh, tăng 8,99%.

Mặc dù có chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2020 tương đối ổn định, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo đã hoạt động khá ổn định. Các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại… tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

3. Vốn đầu tư

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 4 đầu năm 2020 là 124.353 triệu đồng, tăng 6,62% so với cùng kỳ. Trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 94.777 triệu đồng, chiếm 76,22% trong tổng nguồn vốn và tăng 8,14% so với cùng kỳ; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 29.246 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 23,52% trong tổng nguồn vốn và tăng 2,84% so với cùng kỳ.

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm 2020 là 413.041 triệu đồng, tăng 5,65% so với cùng kỳ. Trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 294.846 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 71,38% trong tổng nguồn vốn và tăng 6,51% so với cùng kỳ; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 117.615 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 28,48% trong tổng nguồn vốn và tăng 3,77% so với cùng kỳ; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã là 580 triệu đồng, chiếm 0,14% trong tổng số nguồn vốn.

Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,... Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 4 năm 2020 đạt 1.152,76 tỷ đồng, giảm 16,95% so với tháng trước và giảm 24,73% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.036,68 tỷ đồng, chiếm 89,93% trong tổng số, giảm 12,06% so với tháng trước và giảm 18,77% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 69,63 tỷ đồng, chiếm 6,04% trong tổng số, giảm 44,57% so với tháng trước và giảm 58,85% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 46,45 tỷ đồng, chiếm 4,03% trong tổng số, giảm 44,44% so với tháng trước và giảm 46,04% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 4 năm 2020 giảm nhiều so với tháng trước là do các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ tạm ngừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 5.709,13 tỷ đồng, giảm 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.858,53 tỷ đồng, chiếm 85,1% trong tổng số, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 507,96 tỷ đồng, chiếm 8,9% trong tổng số, giảm 20,17% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 342,65 tỷ đồng, chiếm 6% trong tổng số, giảm 4,98% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính 4 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt trong tháng 4 thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg và Công điện số 06/CĐ-CTUBND ngày 16/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Mặt khác, ngành dịch vụ ăn uống còn bị tác động bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) có hiệu lực từ 01/01/2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh dịch vụ bia rượu nói chung, nhất là với dịch vụ kinh doanh quán nhậu.

b) Vận tải

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 4 năm 2020: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 4 năm 2020 đạt 77.522,4 triệu đồng, giảm 46,81% so với cùng kỳ năm trước và giảm 43,15% so với tháng trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 28.232,8 triệu đồng, giảm 44,74% so với tháng trước; vận chuyển ước đạt 550,95 nghìn lượt khách, giảm 41,70%; luân chuyển ước đạt 67.524,03 nghìn lượt khách.km, giảm 44,41%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 48.703,6 triệu đồng, giảm 42,42%; vận chuyển ước đạt 526,42 nghìn tấn, giảm 45,25%; luân chuyển ước đạt 27.185,6 nghìn tấn.km, giảm 44,32%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải: Doanh thu ước đạt 586,0 triệu đồng, giảm 13,57%.

Hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa trong tháng giảm so với tháng trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (từ ngày 01-15/4/2020) và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg (từ ngày 16/4/2020), nên hoạt động vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa giảm rất mạnh.

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 4 tháng đầu năm 2020: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 4 tháng đầu năm 2020 đạt 531.233,2 triệu đồng, giảm 8,95% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 198.999,8 triệu đồng, giảm 9,71%; vận chuyển ước đạt 3.661,23 nghìn lượt khách, giảm 9,40%; luân chuyển ước đạt 466.718,28 nghìn lượt khách.km, giảm 8,39%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 329.600,4 triệu đồng, giảm 8,62%; vận chuyển ước đạt 3.701,38 nghìn tấn, giảm 7,59%; luân chuyển ước đạt 188.696,38 nghìn tấn.km, giảm 6,37%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải: Doanh thu ước đạt 2.633,0 triệu đồng, tăng 11,03%.

c) Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2020 giảm 1,31% so với tháng trước; giảm 0,50% so với tháng 12 năm trước; tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; tăng 11,39% so với kỳ gốc 2014; CPI bình quân 4 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,61%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 02 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,24%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Có 06 nhóm giảm là nhóm Đồ uống và thuốc lá giảm 0,42%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,1%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,52%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%; nhóm Giao thông giảm 12,82%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,19%. Có 03 nhóm không biến động giá là nhóm Giáo dục; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế; nhóm Bưu chính viễn thông.

5. Một số tình hình xã hội

a) Y tế

- Tình hình dịch bệnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc COVID-19. Tình hình dịch bệnh khác ổn định; số ca mắc các bệnh tay - chân - miệng, quai bị, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, ho gà, viêm gan vi rút A giảm so với cùng kỳ năm trước; quai bị, bạch hầu tăng so với cùng kỳ năm trước; không ghi nhận mắc mới các bệnh phong, dại, viêm não Nhật Bản, cúm A,...

Công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã được quan tâm và có sự chủ động tích cực. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, các Bộ, ngành liên quan. Thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối với với các sở, ngành, địa phương kiểm soát các nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 (kiểm soát, cách ly người nhập cảnh, đối tượng xâm nhập trái phép qua biên giới; kiểm soát, kiểm dịch tại các cửa ngõ vào tỉnh; giám sát tại cộng đồng; tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế, cách ly tập trung và kết thúc cách ly các đối tượng theo quy định); tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, giường bệnh, thuốc, trang thiết bị... để thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân…

Tính đến ngày 31/3/2020: Bệnh tay - chân - miệng ghi nhận 02 ca mắc, giảm 63 ca; quai bị ghi nhận 62 ca mắc, giảm 118 ca; sốt xuất huyết ghi nhận 22 ca mắc, giảm 38 ca; sốt rét ghi nhận 13 ca mắc, giảm 15 ca; sởi ghi nhận 01 ca mắc, giảm 09 ca; ho gà không ghi nhận ca mắc, giảm 01 ca; viêm gan vi rút A không ghi nhận ca mắc, giảm 02 ca; thủy đậu ghi nhận 246 ca mắc, tăng 64 ca; bạch hầu ghi nhận 03 ca mắc, tăng 03 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Phòng chống HIV/AIDS

Trong tháng, không ghi nhận ca nhiễm HIV mới. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 31/3/2020: 497 người, trong đó số người tử vong do AIDS 188, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 309 người (đang quản lý được 150 người). Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV 117 người; điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (INH) 07 người.

- An toàn vệ sinh thực phẩm

Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc trên địa bàn tỉnh.

b) Tình hình giáo dục

Do tiếp tục thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nên học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể đến trường, gây ảnh hưởng đến tình hình học tập của học sinh nói chung và đặc biệt đã gây không ít khó khăn cho học sinh lớp 12, khi đang trong giai đoạn ôn tập trước khi bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Để nắm vững và nâng cao kiến thức, ngoài việc học trực tuyến thì nhà trường còn yêu cầu học sinh truy cập vào Trang Thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy các đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 để tự giải tại nhà. Cũng trong dịp này, để tạo điều kiện cho các em học sinh học tập tốt hơn trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng chương trình “Học trên truyền hình” dành cho học sinh, trong đó ưu tiên lớp 9 và 12. Với phương thức học trực tuyến, làm bài kiểm tra online, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình từ phía nhà trường, giáo viên, các em học sinh có thể vừa ôn thi tại nhà vừa hoàn thành chương trình học đúng tiến độ.

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Văn bản hướng dẫn đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu UBND huyện, thành phố, sở, ban, ngành hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động tập trung đông người nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

d) An ninh trật tự - An toàn giao thông

- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông tháng 3/2020

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 29 vụ. Hậu quả: chết 01 người, bị thương 04 người, mất một số tài sản trị giá 25 triệu đồng.

Tội phạm về ma túy: phát hiện 09 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Thu giữ 0.4gr heroin, 23,2926gr Methamphetamine và 103 viên ma túy tổng hợp.

Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 05 vụ, trong đó: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng 02 vụ, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 01 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự 01 vụ, hủy hoại rừng 01 vụ. Thu giữ 31,964 m3 gỗ các loại.

Tai nạn giao thông: xảy ra 07 vụ. Hậu quả: chết 09 người, hư hỏng 04 ô tô, 05 mô tô, xe gắn máy và 01 phương tiện khác.

- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông 3 tháng đầu năm 2020

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 105 vụ. Hậu quả: chết 08 người, bị thương 32 người, mất 06 mô tô, 01 ti vi, 01 laptop, 17 điện thoại di động, mất một số tài sản trị giá 25 triệu đồng và 1.501.550.000 đồng tiền mặt.

Tội phạm về ma túy: phát hiện 29 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 28 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 1,028gr hêroin, 605,1851 gr ma túy tổng hợp, loại khác 1,4847gr, 23,2926gr Methamphetamine và 103 viên ma túy tổng hợp.

Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 19 vụ, trong đó: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 10 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 02 vụ, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 04 vụ, sản xuất, buôn bán hàng cấm 01 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, hủy hoại rừng 01 vụ. Thu giữ 94,181 m3 gỗ các loại, 240kg pháo các loại.

Tai nạn giao thông: xảy ra 17 vụ. Hậu quả: chết 18 người, bị thương 06 người, hư hỏng 06 ô tô, 19 mô tô, xe gắn máy và 01 phương tiện khác.

e) Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 3/2020, xảy ra 02 vụ cháy, ước thiệt hại khoảng 63 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm xảy ra 06 vụ, ước thiệt hại khoảng 178 triệu đồng.

g) Vi phạm môi trường

Trong tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ vi phạm môi trường nào./.


Cục Thống kê tỉnh Kon Tum

    Tổng số lượt xem: 628
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)