Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/06/2013-14:11:00 PM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 21 tháng 5 năm 2013
I. NÔNG NGHIỆP
Trồng trọt
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 5 cơ bản thuận lợi, lúa phát triển tốt; sản xuất lúa chủ yếu là chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam, sản lượng và năng suất không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 15/5/2013, các địa phương miền Bắc đã kết thúc gieo trồng lúa đông xuân, diện tích đạt 1157,1 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Thời tiết nắng nóng trong tháng 4,5 là nguyên nhân chính làm sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây lúa. Tuy nhiên, các địa phương đã kịp thời tiến hành phun thuốc nên chưa gây ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất. Nhìn chung, lúa đông xuân phát triển khá và đồng đều ở tất cả các tỉnh; trà lúa chính vụ đã bắt đầu trổ, chuẩn bị vào kỳ thu hoạch.
Các địa phương miền Nam đã thu hoạch 1,95 triệu ha lúa đông xuân, tăng 2,2% cùng kỳ năm trước. Sản lượng ước đạt 13,1 triệu tấn, tương đương vụ đông xuân năm 2012. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong, sản lượng ước tính đạt 10,86 triệu tấn, tăng 0,3% do diện tích tăng 1,2% (năng suất giảm 0,7%) so với vụ đông xuân năm 2012. Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1347,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 102,1% cùng kỳ năm trước.
Gieo trồng các loại cây hoa màu: Tính đến trung tuần tháng Năm, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 646,3 nghìn ha, bằng 109,3% cùng kỳ năm trước; khoai lang 92,4 nghìn ha, bằng 99,6%; lạc 160,4 nghìn ha, bằng 95,9%; đậu tương 64,7 nghìn ha, bằng 110,2%; rau đậu các loại 545 nghìn ha, bằng 105%. Nắng nóng trên diện rộng làm cho nguồn nước ở một số sông, hồ, đập khu vực đầu nguồn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bị cạn kiệt, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của các loại cây trồng.
Chăn nuôi
Chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn: đàn trâu, bò giảm dần ở hầu hết các tỉnh qua các năm chủ yếu do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp. Đàn lợn hồi phục chậmở các địa phương do giá thức ăn vẫn ở mức cao, giá thịt lợn hơi giảm. Chăn nuôi gia cầm bắt đầu hồi phục từ đầu năm nhưng đến nay phát triển chậm lại do giá bán giảm, giá thức ăn cao, người nuôi không có lãi. Số lượng trâu bò đều giảm so với cùng kỳ (trâu giảm 2,54%, bò giảm 3,16%); Số lượng lợn và gia cầm tăng nhẹ (lợn tăng 1,08%; gia cầm tăng 1,17%).
Giá thịt xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh hoành hành làm cho người chăn nuôi không dám đầu tư tái đàn.
II. LÂM NGHIỆP
Trong kỳ tình hình thời tiết khô hạn vẫn tiếp diễn, tuy nhiên tại nhiều địa phương đã có mưa, lượng mưa tương đối lớn nên thuận lợi hơn cho công tác lâm sinh, đặc biệt là trồng rừng mới. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 5/2013 ước đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 14,8 nghìn ha, tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 13,3 triệu cây (+1,1%); sản lượng gỗ khai thác 417 nghìn m3 (+6,9%); sản lượng củi khai thác 2,7 triệu ste (+2,3%).
Tính chung 5 tháng đầu năm kết quả thực hiện ước đạt: Diện tích rừng trồng tập trung 29,5 nghìn ha, tương đương so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 94,9 triệu cây (+2,5%); sản lượng gỗ khai thác 1961,7 nghìn m3 (+7,7%); sản lượng củi khai thác 12,9 triệu ste (+2,8%).
Tình hình thiệt hại rừng: Diện tích rừng thiệt hại trong kỳ là 139,5 ha, trong đó: Cháy rừng xảy ra 21 vụ, diện tích rừng bị cháy 79,7 ha; phá rừng 88 vụ, diện tích bị phá 59,8 ha. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại 673,6 ha (-42,2%), trong đó diện tích bị cháy 525,4 ha (-50,7%), diện tích bị phá 148,2 ha (+49,8%).
III. THỦY SẢN
Sản lượng thủy sản tháng 5 ước tính đạt 530 nghìn tấn; tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 416 nghìn tấn, giảm 0,5%; tôm đạt 44 nghìn tấn, tăng 2,6% ; các loại thủy sản khác, đạt 70 nghìn tấn, tăng 3,7%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Nuôi trồng thủy sản trong tháng bắt đầu vào vụ thu hoạch, ước tính sản lượng thu được 305 nghìn tấn các loại thủy sản; giảm 1% so cùng kỳ, do sản lượng cá giảm 2% (đạt 257 nghìn tấn); tôm đạt 28 nghìn tấn; tăng 3,3%.
Xuất khẩu thủy sản đã khởi sắc do nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng cá tra và tôm có xu hướng tăng trở lại khi lượng dự trữ của một số nước nhập khẩu chính đã cạn và nhu cầu mới gia tăng. Giá cá tra nguyên liệu loại 1 từ 22-23 nghìn đồng/kg, tăng nhẹ (tăng khoảng 500đ/kg) và ổn định hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên người nuôi cá tra vẫn còn hòa vốn hoặc lỗ từ 1000-2000 đồng/kg nên chưa thể khuyến khích người nuôi mở rộng sản xuất. Các hộ nuôi nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn do khả năng tiêu thụ chậm, hình thức thanh toán của Doanh nghiệp kéo dài tạo nên sức ép cho người nuôi trong việc thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất, một số hộ thu hoạch xong không thả nuôi lại mà chuyển sang nuôi đối tượng khác. Diện tích đang thả nuôi cá tra thấp hơn so với cùng kỳ: diện tích thả nuôi tại An Giang là 750 ha, giảm 6,3%; Cần Thơ 740 ha, giảm 4,6 % Bến Tre535 ha, giảm 8,55%.... Mặc dù đã bước vào vụ thu hoạch, sản lượng cá tra trong tháng vẫn giảm ở nhiều địa phương: An Giang 21 nghìn tấn; giảm 5%; Cần Thơ 7 nghìn tấn giảm 8,6%, Vĩnh Long 1,2 nghìn tấn giảm 66% so với cùng kỳ.
Tình hình nuôi tôm sú phát triển khá ổn định tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh có xảy ra nhưng không lan rộng, phần lớn các diện tích bị dịch bệnh đã được xử lý kịp thời. Trong thángCà Mau thu được 13,5 nghìn tấn, bằngxấp sỉso với cùng kỳ; Bạc Liêu thu được 5,5 nghìn tấn, tăng 11,6%... Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xuất hiện cục bộ ở một số địa phương song không bị lây lan rộng. Nuôi tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cá và các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định gắn với việc thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông lâm thủy sản. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua , tôm - lúa, lúa - cá…. nuôi lồng, bè trên biển phát triển với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài….
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 224,8 nghìn tấn; tăng 2,1% so cùng kỳ trong đó khai thác biển đạt 209,8 nghìn tấn; tăng 2,2%. Thời tiết biển khá thuận lợi, các địa phương tích cực tạo điều kiện cho các chủ tàu thuyền ra khơi, bám biển khai khác hải sản như trang bị máy thông tin liên lạc, thành lập tổ, đội tự nguyện để giúp đỡ nhau trong việc đánh bắt hải sản trên biển; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho các chuyến đi biển xa bờ. Thủy sản khai thác tập trung vào đối tượng cá lớn vùng biển xa bờnhư cá thu, cá ngừ ...Tuy nhiên Nghề khai thác cá ngừ đại dương không hiệu quả do giá cá ngừ đại dương liên tục ở mức thấp, dao động từ 50-55 nghìn đồng/kg giảm 54% so cùng kỳ năm trước dẫn tới sản lượng khai thác cá ngừ củaBình Định trong tháng chỉ đạt 710 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ; tại Phú yên có 292 tàu tàu khai thác cá ngừ trong tháng đều nằm lại bờ...
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.090 nghìn tấn; tăng nhẹso cùng kỳ (0,8%). Trong đó Sản lượng nuôi trồng ước đạt 992 nghìn tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ do sản lượngcá nuôi giảm 4,2% (chiếm 77% trong tổng sản lượng nuôi); sản lượng thủy sảnthủy sản khai thác đạt 1089,4 nghìn tấn, tăng 3,6% do tăng từ khai thác biển: đạt 1034,7 nghìn tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương tại Bình Định ước đạt 3810 tấn, tăng 44%; Phú Yên đạt 3900 tấn, giảm 18,3%.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH
1.Sản xuấtlúa:
- Nâng cấp, tu sửa các hệ thống công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, phấn đấu tích đủ nước trước khi mùa mưa chấm dứt; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm và có hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng thiếu nước vào cuối vụ Đông Xuân và cung cấp đủ nước để xuống giống vụ Hè Thu, vụ Mùa theo kế hoạch; Tuân thủ lịch thời vụ để né sâu bệnh, bảo đảm cung cấp và tiết kiệm nước.
- Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giống, cơ cấu giống hợp lý; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, vật tư nông nghiệp.
2. Sản xuất chăn nuôi
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi; ngăn chặn triệt để nạn buôn lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, khép kín theo chuỗi giá trị; chủ động phòng chống dịch, đặc biệt chú ý phòng chống bệnh cúm gia cầm H5N1, H7N9,phát triển nhanh chăn nuôi theo hư­ớng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bảo đảm yêu cầu về giống, kỹ thuật, thức ăn, chế phẩm sinh học cho sản xuất chăn nuôi. Tiếp tục khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi, giết mổ theo hình thức gia trại, trang trại, công nghiệp khép kín.
3. Phát triển nuôi trồng thủy sản: Phát triển các sản phẩm chủ lực như tôm nước lợ, cá tra nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh để tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng mô hình vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng GAP, Global GAP. Triển khai điều tra, quy hoạch, nâng cao năng lực dự báo về ngư trường, nguồn lợi thủy sản, hướng dẫn vả quản lý khai thác hải sản theo quy định.
4. Phát triển và bảo vệ rừng:
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ và các địa phương trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm.
5. Theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường: nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho nông sản./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiep T5.13.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1423
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)