Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26 tháng 02 năm 2013
I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 02/2013 và 2 tháng đầu năm 2013 là tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây vụ đông trên cả nước.
Cây lúa: Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2649,6 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 10,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 676,1 nghìn ha, tăng 31,4%; các địa phương phía Nam đã cơ bản gieo cấy xong, đạt 1973,5 nghìn ha, tăng 4,6%.
Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân miền Bắc nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng bằng sông Hồng gieo cấy nhanh hơn 97% so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết ấm áp trong những ngày trước và sau Tết nguyên đán, thuận lợi cho bà con nông dân cày ải, gieo mạ và lấy nước dự trữ, đảm bảo đủ các điều kiện cho sản xuất để sau Tết bà con gieo trồng sớm, phấn đấu hoàn thành diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2013 đúng khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, do lượng nước ở hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 30%, lượng nước ở thượng lưu cũng nhỏ hơn từ 10 - 20%, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3, 4/2013) sẽ thiếu hụt khoảng 10 – 15%. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời chỉ đạo các địa phương tích cực cải tạo các công trình thủy lợi, chuẩn bị các trạm bơm dã chiến để tích đủ nước vào đồng ruộng. Đến nay đã tiến hành 03 đợt xả nước, việc lấy nước cơ bản đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, từ đầu tháng 01/2013 đến nay liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh kéo dài, trời rét đậm, nhiệt độ ban ngày thường ở mức dưới 15oC, ban đêm dưới 10oC là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ gieo trồng lúa cũng như các cây hoa màu khác của vụ Đông Xuân 2013. Đối với diện tích mạ đã gieo, bà con nông dân các tỉnh phía Bắc đang tập trung chăm sóc và phòng chống rét.
Các địa phương phía Nam cơ bản đã kết thúc việc gieo cấy lúa đông xuân. Nhìn chung các trà lúa năm nay phát triển tốt. Tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, trà lúa chính vụ đang làm đòng, trổ chín. Thời tiết trong những ngày qua se lạnh, sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi sâu bệnh phát triển trên các trà lúa chính vụ và trà muộn, chủ yếu là bệnh rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá, tuy nhiênmức độ gây hại chủ yếu không nhiều (An Giang 79,3 nghìn ha, Trà Vinh gần 7 nghìn ha, Đồng Tháp 11,2 nghìn ha bị nhiễm bệnh). Đến nay, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 281 nghìn ha lúa đông xuân sớm, tăng 32,6% cùng kỳ năm trước và chiếm 17,6% so diện tích xuống giống (Đồng Tháp thu hoạch 106 nghìn ha, chiếm 51% diện tích xuống giống, Long An thu hoạch 79,8 nghìn ha, chiếm 30% diện tích xuống giống). Năng suất trên diện tích thu hoạch đạt khá, ước tăng từ 1-2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2012.
Thời tiết thuận lợi nên tiến độ gieo trồng các loại cây rau màu vụ đông xuân năm nay cũng nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm 15 tháng Hai, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 224 nghìn ha ngô, tăng 5,2% cùng kỳ năm trước; 101,6 nghìn ha khoai lang, tăng 1,6%; 48,8 nghìn ha đậu tương, bằng 64,4%; 94,9 nghìn ha lạc, bằng 100,8%; 355,2 nghìn ha rau đậu, bằng 107,9%.
Thị trường hoa và cây cảnh Tết Quý Tỵ: Năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ấm kéo dài nên hoa và cây cảnh sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, lượng hoa, cây cảnh được trưng bày và chơi trong những ngày Tết Quý Tỵ nhiều và phong phú, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người mua, giá cả cũng không tăng nhiều so với năm ngoái tuy nhiên vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định do dịch bệnh không xảy ra và rét đậm, rét hại kéo dài đã kết thúc. Trong tháng do không có đợt rét hại, rét đậm nên số trâu bò chết rét tính đến nay chỉ hơn 500 con, giảm 1/3 so cùng kỳ 2012. Hiện tại đàn trâu, bò của cả nước ước giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường tết Nguyên đán 2013. Nhìn chung trong dịp tết Nguyên đán vừa qua giá thịt lợn không có biến động lớn và không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt. Ước tính tổng số lợn của cả nước giảm khoảng 2 - 3% so với cùng kỳ năm 2012.
Chăn nuôi gia cầm biến động khá lớn về số đầu con do lượng gia cầm giết thịt nhiều trong dịp tết Nguyên đán 2013. Hiện tại dịch cúm gia cầm đã được khống chế, người chăn nuôi đang tập trung đầu tư tái đàn ổn định sản xuất. Ước tính số lượng gia cầm của cả nước giảm khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm 2012.
Tình hình dịch bệnh: Tính đến ngày 22/2/2013, cả nước có 02 tỉnh: Long An và Quảng Nam có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày; không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
II. LÂM NGHIỆP
Trong kỳ các địa phương trên cả nước đã phát động toàn dân thực hiện phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Tỵ 2013, đồng thời triển khai sản xuất lâm nghiệp năm 2013. Hiện tại, các tỉnh miền Bắc đã tiến hành trồng rừng tập trung vụ Xuân năm 2013, tuy nhiên do điều kiện thời tiết rét đậm và khô hạn đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng trong kỳ.
Ước tính kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 2 đạt được như sau: Diện tích rừng trồng tập trung đạt 1225 ha, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2012; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 31,2 triệu cây, tăng 3,3%; sản lượng gỗ khai thác 278 nghìn m3, tăng 8,2%; sản lượng củi khai thác 2,55 triệu ste, tăng 2,9%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2013: Diện tích rừng trồng tập trung đạt 1225 ha, tăng 6,5% so cùng kỳ 2012; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 31,8 triệu cây, tăng 3,5%; sản lượng gỗ khai thác 643 nghìn m3, tăng 8,4%; sản lượng củi khai thác 5,1 triệu ste, tăng 3,2%.
Tình hình thiệt hại rừng: Bước vào đầu mùa khô các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng cháy rừng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng đến người dân, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài nên đã xuất hiện nguy cơ cháy rừng cao tại nhiều địa phương, trọng điểm là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong 3 ngày từ 19/2 đến 21/2 đã xảy ra cháy lớn ở rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thuộc huyện Chư Păh - Gia lai, diện tích bị cháy ước tính 270 ha. Tổng hợp sơ bộ diện tích rừng bị thiệt hại trong kỳ là 296,4 ha (cháy rừng 272,4 ha, phá rừng 24 ha). Tính chung 2 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại 317,2 ha, trong đó cháy rừng 281,4 ha, phá rừng 35,8 ha.
III. THỦY SẢN
Trong tháng 2 sản lượng thủy sản ước tính đạt 346,4 nghìn tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 268,4 nghìn tấn, giảm 3,2%; tôm đạt 27,7 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Nuôi trồng:
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 139,1 nghìn tấn, giảm 2,7%; trong đó cá đạt 106,4 nghìn tấn, giảm 5%; tôm đạt 17,3 nghìn tấn, tăng 4,8%. Hiện tại sản xuất cá tra xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do giá cá tra nguyên liệu vẫn còn thấp, người nuôi cá bị lỗ. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường cá tra lớn đều giảm. Hiện nay phần lớn các nhà máy chế biến cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long không chạy hết công suất hoạt động do thị trường xuất khẩu không thuận lợi và thiếu vốn mua cá. Trong khi đó, các ngân hàng lại đang siết chặt tín dụng vì sợ rủi ro. Chính vì thế, đã có không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng để giữ công nhân. Trong tháng sản lượng cá tra thu hoạch thấp hơn so với cùng kỳ, các tỉnh nuôi lớn đều giảm là: An Giang đạt 18 nghìn tấn giảm 30%; Cần thơ đạt 8 nghìn tấn giảm 11,1%; Đồng Tháp đạt 20,6 nghìn tấn giảm 3,3%... dẫn tới giảm sản lượng cá nuôi chung của cả nước.
Tình hình nuôi tôm và thủy sản khác khá ốn định do thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi đang thả vụ tôm thẻ chân trắng và tôm sú nuôi quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp với các đối tượng khác, nạo vét ao nuôi và chuẩn bị thả giống đối với nuôi tôm sú thâm canh vụ mới. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong tháng tăng chủ yếu tại các vùng nuôi nội địa, quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp và tỉa thưa thả bù phục vụ nhu cầu Tết Nguyên Đán.
Khai thác thủy sản:
Sản lượng khai thác ước đạt 207,3 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước; Khai thác biển ước đạt 193,7 nghìn tấn, giảm 2,3%, trong đó cá đạt 151,8 nghìn tấn, giảm 1,7%; tôm đạt 9,9 nghìn tấn giảm 2,9 %. Thời tiết và ngư trường biển khá thuận lợi nên các chuyến đánh bắt xa bờ đều đạt sản lượng khá, nhưng sản lượng khai thác trong tháng giảm so với cùng kỳ do phần lớn các ngư dân khai thác vùng ven bờ và vùng lộng nghỉ nghỉ Tết Nguyên đán và tu sửa tàu thuyền dẫn tới thời gian bám biển giảm. Ngành Thủy sản tiếp tục thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, theo dõi, quản lý, hướng dẫn tàu thuyền cho ngư dân khai thác hải sản tại các ngư trường, để thông báo cho ngư dân khi có gió mùa và biển động xảy ra.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2013, sản lượng thủy sản đạt 722,5 nghìn tấn, tăng 0,4%, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 309,7 nghìn tấn, giảm 1,7%; sản lượng khai thác đạt 412,8 nghìn tấn, tăng 2%; khai thác biển đạt 387 nghìn tấn, tăng 2,3%. Khai thác cá lớn và cá ngừ đại dương tiếp tục phát triển mạnh: Sản lượng cá ngừ đại dương Bình Định khoảng 1.500 tấn, tăng 2,3 lần (+1.050 tấn) so với cùng kỳ; Phú yên 1.500 tấn, tăng 11,1%. Giá cá ngừ đại dương hiện nay giảm gần 40% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ sản lượng đánh bắt tăng cao, các tàu cá thành lập từng tổ, đội để hỗ trợ nhau trong việc khai thác thủy hải sản, vận chuyển sản phẩm vào bờ, nhằm giảm chi phí nên hoạt động khai thác cá ngừ vẫn có lãi.
IV. HỖ TRỢ SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Từ cuối năm 2012 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng Elso hoạt động mạnh nên hầu hết các nơi có lượng mưa ít, các khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã là cuối mùa mưa nhưng lượng mưa cũng không nhiều, bình quân chỉ đạt 60-75% so với mức trung bình nhiều năm. Lưu lượng giảm dần, dung tích trữ nước trong các hồ chứa chỉ đạt từ 50-70%. Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, nhiều địa phương đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn, đồng thời triển khai các biện pháp tích nước hồ chứa, nạo vétkênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, điều hành cấp nước luân phiên, tưới tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng... để chống hạn, cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt. Nhiều tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan về phương án hỗ trợ chống hạn và xâm nhập mặn từ ngân sách trung ương. Vì vậy, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ báo cáo của các địa phương và các quy định hiện hành, khả năng cân đối của ngân sách địa phương và ngân sách trung ương đề xuất phương án hỗ trợ chung cho các địa phương trong cả nước.
Về hỗ trợ tạm trữ lúa gạo: Tại Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 07/2/2013, Thủ tướng Chính đã chỉ đạo mua tạm trữ 1.000.000 tấn (một triệu tấn) quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc:gạo là 2:1 trong vụ Đông Xuân năm 2012 - 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long; loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm; Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 20 tháng 2 năm 2013 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2013;Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 20/2/2013 đến ngày 20/5/2013.
Giá cả thực phẩm và rau xanh cho tết nguyên đán Quý Tỵ: Năm nay do việc chuẩn bị nguồn hàng từ trước, đặc biêt do hoạt động tạm trữ của các đầu mối phân phối lớn nên đã không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Giá rau xanh và thực phẩm những ngày tết ghi nhận mức tăng biến so với ngày thường tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng so với mọi năm do dịp Tết Quý Tỵnăm này nghỉ tết dài, người lao động về quê ăn tết nên sức ép của cầu kéo lên giá cả tại các thành phố lớn giảm./.
File đính kèm: BC Nongnghiep T02.13.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư