Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào làm đất, gieo trồng cây vụ mùa, tăng cường chăm sóc diện tích đã cấy và gieo trồng, tranh thủ thời tiết nắng phơi khô, bảo quản sản phẩm thu hoạch cây vụ xuân, thu hoạch sản phẩm cây lâu năm. Trong tháng thời tiết mưa, nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh. Thủy sản phát triển ổn định.
Nông nghiệp
Tính đến 15/8/2020, toàn tỉnh đã gieo cấy được 23.835 ha lúa mùa, giảm 0,61% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên lúa một vụ vùng cao mắc bệnh đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm 36,9 ha; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 110 ha; bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn diện tích nhiễm 22 ha; bệnh khô văn diện tích nhiễm 553 ha; sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm 262,3 ha; sâu đục thân hai chấm diện tích nhiễm 01 ha; rầy nâu, rầy lưng trắng, diện tích nhiễm 20 ha. Trên lúa mùa vùng thấp: Sâu cuốn lá nhỏ, diện tích nhiễm 679,5 ha; ốc bươu diện tích nhiễm 60 ha; bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 19 ha; bệnh bạc lá- ĐSVK diện tích nhiễm 13,1 ha; bệnh nghẹt rễ diện tích nhiễm 15,4 ha; Trên cây ngô hè thu: Sâu keo mùa thu gây hại trên ngô diện tích nhiễm 15 ha; Cây sắn: Bệnh khảm lá sắn gây hại trên giống KM419 đã nhổ bỏ tiêu hủy 0,55 ha.
Các loại cây trồng khác nhìn chung được gieo trồng đảm bảo tiến độ. Đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được 25.036 ha ngô vụ mùa, đạt 99,2% (-201 ha) so với cùng kỳ năm trước; 1.686 ha đậu tương, đạt 91,04% (-151 ha); 1.421 ha rau, đậu các loại tăng 2,16% (+30 ha).
Cây chè trồng tập trung: Các địa phương chuẩn bị các điều kiện để trồng chè mới; kế hoạch trồng mới năm 2020 là 315 ha, nhu cầu giống cần 5,42 triệu bầu, trong đó: Chè Shan 4,54 triệu bầu, chè Kim tuyên 0,88 triệu bầu. Hiện nay, các công ty (công ty Thành Tiến, công ty CP chè Thanh Bình, công ty TNHH Tấn Phát) đã sản xuất và giâm ươm 7,85 triệu bầu (chè Shan 5,59 triệu bầu, chè Kim tuyên 2,26 triệu bầu). Đáp ứng đủ nhu cầu trồng mới năm 2020; đến nay, đã làm đất được 5,2 ha tại huyện Bát Xát.
Cây ăn quả lâu năm: Các địa phương tập trung vào chăm sóc, làm cỏ, bón phân và thu hoạch một số cây ăn quả đến kỳ cho thu hoạch.
Chăn nuôi phát triển tương đối ổn định. Các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Đến hết tháng 8 dự ước đàn trâu hiện có là 122,182 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước giảm 4,52% (-5,781 nghìn con); đàn bò hiện có dự ước là 20,692 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,04% (+0,804 nghìn con). Tổng đàn lợn hiện có là 300,647 nghìn con, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 20,23% (-76,226 nghìn con). Đàn lợn giảm ở hầu hết các huyện, thành phố do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, người dân không đầu tư vào chăn nuôi lợn. Tổng đàn gia cầm hiện có là 6.436 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 54,9% (+2.281 nghìn con). Trong đó, đàn gà dự ước là 5.565 nghìn con, so với cùng kỳ năm trước tăng 55,32% (+1.982 nghìn con). Nguyên nhân chủ yếu do người dân không đầu tư chăn nuôi lợn, nên đã chuyển sang đầu tư chăn nuôi gia cầm, giá bán ra của sản phẩm gia cầm giữ ở mức cao và ổn định, nên người dân đầu tư phát triển đàn gia cầm. Mặt khác, do thời tiết thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, công tác thú y và tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm được thực hiện tốt, nên không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) phát sinh tại 86 hộ chăn nuôi thuộc 24 thôn của 08 xã làm cho 348 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu huỷ, khối lượng tiêu huỷ 17,926 tấn. Luỹ kế từ ngày 01/05/2020 đến ngày 14/8/2020, bệnh DTLCP xảy ra tại 446 hộ chăn nuôi thuộc 163 thôn của 58 xã làm cho 1.627 con lợn bị mắc bệnh, phải tiêu huỷ; khối lượng tiêu huỷ 88,636 tấn; ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Công tác tiêm phòng: Tiêm phòng lũy kế 1.609,2 nghìn liều các loại cho đàn gia súc, gia cầm, đạt 62% kế hoạch năm và tăng 11% so CK; bên cạnh số lượng vắc xin vắc xin ngân sách tỉnh hỗ trợ; người chăn nuôi đã chủ động đầu kinh phí tiêm phòng một số loại vắc xin tiêm phòng cho lợn, như: Lép tô, Ecoli, Viêm phổi, Suyễn lợn, Circo, Đậu dê,… ước khoảng 120 nghìn liều; vắc xin gia cầm, như: Newcastle, Gumboro, Tụ huyết trùng ước khoảng 700 nghìn liều; kiểm dịch xuất tỉnh luỹ kế 07 con ngựa; 935 nghìn con cá giống; 1.410 con gia cầm; 150 thùng ong.
Lâm nghiệp
Trồng và chăm sóc rừng: Trong tháng trồng được 846,2 ha, lũy kế trồng rừng 3.960,9 ha, đạt 73,4% so KH và tăng 69% so với cùng kỳ (gồm 2.532 ha trồng rừng xã hội hóa; 1.428,9 ha trồng lại rừng). Trồng cây phân tán: Kết quả trên địa bàn toàn tỉnh là 536.871 (tương đương 536 ha). Công tác chuẩn bị
Cây giống: Tổng số cây gieo ươm 35 triệu cây (quế, Sa mộc, mỡ, sơn tra, Keo tai tượng...); số cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn trồng vụ xuân - hè: khoảng trên 6,0 triệu cây.
Khai thác lâm sản: Trong tháng tăng 2,91 nghìn m3, lũy kế 52,46 nghìn m3 (quy tròn 57,23nghìn m3) gồm: Khai thác gỗ rừng trồng, cây trồng phân tán: 2,19 nghìn m3, lũy kế 13,95 nghìn m3; chế biến lâm sản: Sản phẩm từ ván dán MDF: 163,7 m3 tương đương 233,8 m3 gỗ tròn, lũy kế 10,47 nghìn m3 tương đương 14,96 nghìn m3 gỗ tròn. Sản phẩm từ ván bóc: 551 m3 tương đương 688,7 m3 gỗ tròn, lũy kế 20,96 nghìn m3 tương đương 26,199 nghìn m3 gỗ tròn, Sản phẩm từ gỗ: lũy kế 7,09 nghìn cái (Bàn, ghế, tủ... xuất khẩu) tương đương 2,13 nghìn m3. Khai thác lâm sản phụ trong tháng: 410,1 tấn lũy kế 3,32 nghìn tấn gồm các loại cành, lá Quế, nhựa thông, tre nứa vầu,...
Quản lý bảo vệ rừng: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng đã phát hiện xử lý 10 vụ vi phạm, lũy kế 119 vụ (tăng 39 vụ so với CK); tang vật, phương tiện tịch thu: Gỗ các loại: 1,17 m3, lũy kế 38,2 m3. Tổng tiền thu nộp ngân sách NN 71,5 triệu đồng, lũy kế 1.109,4 triệu đồng. Bảo vệ rừng: 274,97 nghìn ha, đạt 100% so KH; khoanh nuôi tái sinh: 3,562 nghìn ha đạt 100% so với kế hoạch giao. Trong đó KNTS chuyển tiếp 2.962/2.962 ha; KNTS mới: 600/600 ha.
Phòng chống cháy rừng: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, tăng cường công tác trực phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc và triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra cơ sở, bám sát cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy an toàn. Tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động đặc biệt trong những ngày nắng nóng khô hanh kéo dài; trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Thuỷ sản
Công tác sản xuất và cung ứng giống thủy sản (cá hương, cá giống các loại) trong tháng ước đạt 1,96 triệu con, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 19,83 triệu con.
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 2,44% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 17,29% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,65%, tăng thấp hơn mức tăng của 8 tháng năm 2019 so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp dự ước tháng 8 năm 2020 tăng 2,44% so với tháng trước, tăng 17,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 10,23%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,69%; sản xuất và phân phối điện tăng 21,95%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,87%.
Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,65% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn mức tăng 19,27% của năm 2019 so với cùng kỳ. (Biểu đồ). Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2020 tăng thấp hơn mức tăng của năm 2019 so với cùng kỳ chủ yếu là do chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,89% (thấp hơn mức tăng của năm 2019 là 4,13%). Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 9,89%, đóng góp 3,41% điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo tăng 16,5 đóng góp 5,85 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 19,29%, đóng góp 5,28 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,95%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ: Công nghiệp khai thác quặng kim loại tăng 15,61%, mặc dù có khó khăn trong tình hình xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục ký được đơn đặt hàng; khai khoáng khác tăng 3,1%, sức mua, biến động thất thường của thị trường trong và ngoài tỉnh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của DN, nhưng các DN vẫn cố gắng bám sát kế hoạch đề ra từ đầu năm, giữ cho lao động ổn định, do vậy sản xuất vẫn được duy trì, xuất kho sản phẩm theo đơn đặt hàng ổn định; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22,47%; ngành sản xuất kim loại tăng 6,36%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 17,41%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,56%, do thị hiếu sử dụng sản phẩm của khách hàng tăng; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 7,75%; sản xuất và phân phối điện tăng 19,29%, trong tháng hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có mưa, nhiều nơi mưa rất to, nguồn nước dồi dào duy trì cung cấp đủ để các nhà máy thủy điện nâng công suất phát điện; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,62%;...Một số ngành có chỉ số giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 6,0%; sản xuất đồ uống giảm 3,32%; chế biến gỗ giảm 25,87%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 68,57%, nguyên nhân giảm do trong kỳ DN đã cho công nhân nghỉ do dịch bệnh covid -19 kéo dài, mặt khác do giá nguyên liệu đầu vào chưa ổn định; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 20,14%. Các ngành sản phẩm có chỉ số giảm so với cùng kỳ do một số doanh nghiệp tập trung tiêu thụ hàng tồn kho của kỳ trước hoặc do sức mua và biến động thất thường của thị trường và do tầm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ: Quặng sắt tăng 2,17% (+38,84 nghìn tấn); quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 29,46% (+16,455 nghìn tấn); quặng Apatit tăng 3,1% (+87,574 nghìn tấn); phốt pho vàng tăng 13,52% (+10,968 nghìn tấn); axit sunfuric tăng 6,46% (+19,886 nghìn tấn); Axit photphoric tăng 92,7% (+104,833 nghìn tấn); phụ gia thức ăn gia súc (DCP) tăng 21,71% (+9,238 nghìn tấn); phân bón su pe lân (P2O5) tăng 19,89% (+25,096 nghìn tấn); phân bón NPK tăng 8,75% (+7,811 nghìn tấn); phân lân nung chảy tăng 8,32% (+4,573 nghìn tấn); gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 32,10% (+20,901 triệu viên); xi măng portland đen tăng 45,27% (+4,955 nghìn tấn); đồng ka tốt tăng 26,53% (+2,284 nghìn tấn); vàng chưa gia công tăng 14,11% (+54 kg); thùng, bể chứa và các vật chứa bằng sắt, thép có dung tích > 300 lít tăng 2,96% (+7,59 nghìn cái); sản lượng điện thương phẩm đạt 1835 triệu kw/h, tăng 6,79% (+117 triệu kw/h); sản lượng điện sản xuất đạt 3197 triệu kw/h, tăng 22,48% (+ 587 triệu kw/h); nước sạch tăng 4,62% (+533 nghìn m3). Một số sản phẩm giảm: tinh bột sắn giảm 10,4% (-1,383 nghìn tấn); bia hơi giảm 4,84% (-35 nghìn lít); nước tinh khiết giảm 1,39% (-48 nghìn lít); gỗ cưa hoặc xẻ giảm 9,84% (-1,564 m3); gỗ cốp pha giảm 17,85% (-302 m3); sản phẩm khác từ gỗ giảm 56,85% (-84,336 triệu cái); giấy làm vàng mã giảm 671 tấn; Cao Atiso giảm 7,394 tấn; phân bón DAP giảm 12,07% (-19,714 nghìn tấn); bê tông tươi giảm 1,39% (-1,359 m3); sản phẩm cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép giảm 5,94% (-3,595 m2),...
Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tháng 8/2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực DN Nhà nước giảm 6,5%; DN ngoài Nhà nước tăng 1,64%; DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,79%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các DN ngành khai khoáng giảm 3,93% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,15%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,13%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,16%.
Vốn đầu tư phát triển
Dịch Covid-19 trong nước bùng phát trở lại, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh hoạt động bị ngưng trệ. Các dự án, công trình bị dừng tiến độ hoặc tiến độ thực hiện rất chậm. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám và 8 tháng năm 2020 đạt mức thấp.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai thực hiện tháng 8 ước tính đạt 233,585 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 102,815 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 130,77 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm 2020 ước đạt 1.533,710 tỷ đồng, đạt 53,51% KH năm và đạt 83,14% (-311,119 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 660,08 tỷ đồng đạt 68,01% so với KH năm và giảm 44,69% (-533,418 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 873,63 tỷ đồng, đạt 46,08% KH năm và tăng 34,13% (+222,298 tỷ đồng).
Trong 8 tháng năm 2020 nhìn chung các nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện thấp hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân do: Một số các dự án chủ đầu tư dừng hoặc tiến độ thực hiện rất chậm do thời điểm này dịch Covid – 19 lại tiếp tục bùng phát lây lan trên diện rộng và phức tạp một số địa phương lại tiếp tục thực hiện giãn cách hay cách ly xã hội nên các DN, công xưởng, xí nghiệp hay hộ kinh doanh lại rơi vào tình trạng ngưng trệ đầu tư. Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tiếp tục nâng cấp cao tốc Nội Bài –Lào Cai, nối kéo dài đến thị xã Sa Pa; triển khai dự án cảng hàng không Sa Pa... Phải thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân theo đúng thời gian quy định.
Thương mại dịch vụ và giá cả
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong nước dịch Covid bùng phát trở lại tại một số tỉnh, trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt. Mặc dù các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ được thực hiện giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, tuy nhiên hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 vẫn giảm so với cùng kỳ do tâm lý sợ dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám giảm 2,11% so với tháng trước và giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 1,08%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 1.802,248 tỷ đồng, giảm 2,11% so với tháng trước và giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.435,017 tỷ đồng, tăng 0,25% và tăng 2,0%. Nguyên nhân các nhóm ngành hàng trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước là do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân và nhu cầu phục vụ cho sản xuất tăng. Do chuẩn bị bước vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm một số hàng hóa phục vụ cho học sinh tăng như: quần áo, giầy dép, sách giáo khoa, đồ dùng dụng cụ học tập, phương tiện đi lại;... doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 197,564 tỷ đồng, giảm 14,17% và giảm 10,66%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6,185 tỷ đồng, giảm 7,83% và giảm 52,16%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 163,482 tỷ đồng, giảm 5,41% và giảm 3,65%. Nguyên nhân làm cho doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác giảm do với tháng trước là do nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và các lễ tiệc được tổ chức tại các nhà hàng giảm, các đơn vị kinh doanh du lịch nhận được lượt khách du lịch theo tour giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid.
Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 13.455,631 tỷ đồng, giảm 1,08% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 10.744,854 tỷ đồng, chiếm 79,86% tổng mức và tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng tăng: Lương thực, thực phẩm tăng 6,14%; may mặc tăng 11,13%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 5,66%; vật phẩm, văn hóa giáo dục tăng 25,15%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,17%; ô tô các loại tăng 5,32%; phương tiện đi lại tăng 1,7%; đá quý, kim loại quý tăng 3,21%. Một số ngành hàng giảm: nhóm xăng dầu các loại giảm 12,96%; nhiên liệu khác giảm 0,12%; hàng hóa khác giảm 1,37%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 1.433,259 tỷ đồng, chiếm 10,65% tổng mức và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, giảm ở cả dịch vụ lưu trú và ăn uống. Lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 1.062,25 nghìn lượt khách, so với cùng kỳ năm trước giảm 14,4% (-223,718 nghìn lượt khách), ngày khách phục vụ ước đạt 1.021,825 nghìn ngày khách giảm 19,23% (-243,231 nghìn ngày khách). Nguyên nhân giảm là do doanh thu tháng 8 năm 2020 giảm so với tháng trước do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang tái nhiễm ở một tỉnh thành nên nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống của khách giảm; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 53,433 tỷ đồng, chiếm 0,40% tổng mức và giảm 50,03% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách ước đạt 21,458 nghìn lượt khách, so với cùng kỳ năm trước giảm 57,86%; ngày khách ước đạt 48,469 nghìn ngày khách, so với cùng kỳ năm trước giảm 54,86%; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.224,086 tỷ đồng, chiếm 9,09% tổng mức và giảm 8,12% so với cùng kỳ năm 2019, tăng ở 3 nhóm dịch vụ (1,50%-11,71%). Nhóm có doanh thu tăng cao nhất là dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng với mức 11,71%; nhóm có doanh thu tăng thấp nhất là nhóm dịch vụ dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ chỉ tăng với mức 1,50%. Có 03 nhóm giảm (từ 10,46% đến 21,97%), nhóm hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác giảm ít nhất là 10,46%, nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm mạnh nhất với mức là 21,97%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới và bùng phát trở lại ở Việt Nam tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh. Giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 1.983,25 triệu USD, giảm 16,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 761,58 triệu USD, giảm 27,7%; nhập khẩu đạt 380,58 triệu USD, tăng 17,48%.
Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trong tháng 8 ước đạt: 280,06 triệu USD, tăng 6,6% so với trước, giảm 2,48% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.983,25 triệu USD, đạt 43,11% KH, giảm 16,49% so với cùng kỳ. Chi tiết theo loại hình: Xuất khẩu ước đạt 82,74 triệu USD, tăng 13,40% so với cùng kỳ, giảm 31,76% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 đạt 761,58 triệu USD, đạt 44,80% KH, giảm 27,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 27,42 triệu USD, tăng 10,88% với tháng trước giảm 18,34% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 380,58 triệu USD, đạt 47,57% KH, tăng 17,48% so với cùng kỳ; các loại hình khác đạt ước đạt 169,90 triệu USD, tăng 2,95% so với tháng trước, giảm 28,36% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 841,09 triệu USD, đạt 40,05% KH, giảm 15,68 % so với cùng kỳ.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trong tháng 8 ước đạt 244,06 triệu USD, tăng 7,18% so với tháng trước, tăng 8,98% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.739 triệu USD, giảm 7,95% so với cùng kỳ. Trong đó: Cửa khẩu quốc tế đường bộ ước đạt 219,03 triệu USD, tăng 6,63% so với tháng trước, tăng 15,72% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2020 ước đạt 1.506,43 triệu USD, giảm 4,48% so với cùng kỳ năm 2019; cửa khẩu quốc tế đường sắt ước đạt 24,33 triệu USD, tăng 14,17% so với tháng trước, giảm 10,58% so với cùng kỳ, nguyên nhân do nhập khẩu phân bón giảm. Lũy kế 8 tháng năm 2020 ước đạt 224,85 triệu USD, tăng 12,59% so cùng kỳ năm 2019; cửa khẩu phụ Bản Vược ước đạt 0,7 triệu USD, giảm 30% so với tháng trước, giảm 89% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2020 ước đạt 7,91 triệu USD, giảm 91,39% so cùng kỳ năm 2019; Cửa khẩu Mường Khương trong tháng không phát sinh hoạt động thông quan XNK. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 30 nghìn USD.
Một số mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu hết tháng 8/2020 ước đạt và so với cùng kỳ: Xuất khẩu: Phốt pho vàng: 64,3 nghìn tấn, tăng 40%, đạt giá trị 160,59 triệu USD, tăng 22,9%; giày dép các loại: 771,4 nghìn đôi, giảm 28%, đạt giá trị 2,8 triệu USD, giảm 26,3%; quặng đạt 42,8 nghìn tấn, giảm 96,5%, đạt giá trị 1,9 triệu USD, giảm 95%; nông sản hơn 662,59 nghìn tấn, đạt giá trị 534,18 triệu USD, giảm 17,5%, chủ yếu bao gồm: Thanh long 439,45 nghìn tấn, giảm 23,32%, giá trị đạt 366,14 triệu USD, giảm 30,53%; dưa hấu 63,05 nghìn tấn, tăng 78,10%, giá trị đạt 14,9 triệu USD, giảm 58,42%; chuối đạt 26,35 nghìn tấn, tăng hơn 02 lần so với cùng kỳ năm 2019, giá trị đạt 4,18 triệu USD, giảm 33%; sắn các loại đạt 42,69 nghìn tấn, giảm 51,34%,, giá trị đạt 8,65 USD, giảm 46,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu: Phân bón: 342,07 nghìn tấn, giảm 39,04%, đạt giá trị 78,75 triệu USD, giảm 8,2%; than cốc: 53,13 nghìn tấn, giảm 73,5%, đạt giá trị 15,45 triệu USD, giảm 79,29%; năng lượng điện: 930,5 triệu Kw/h, đạt 51,17 triệu USD, giảm 24,36%; rau, hoa, củ quả các loại: 323,70 nghìn tấn, tăng 71%, đạt giá trị 43,82 triệu USD, tăng 23,31%; máy móc, thiết bị đạt giá trị 17,6 triệu USD, giảm 6,1%; hóa chất: 52,3 nghìn tấn, giảm 3,29%, đạt giá trị 22,49 triệu USD, tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tại Lào Cai tháng 8/2020 giảm 0,44% so với tháng trước, so với gốc năm 2014 tăng 2,17%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 4 nhóm chỉ số ổn định, 3 nhóm chỉ số tăng, 4 nhóm chỉ số giảm so với tháng trước. Nhóm có chỉ số ổn định: Nhóm Đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc, dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục (CPI = 100%). Các nhóm có chỉ số tăng: Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,08%; nhóm giao thông tăng 0,12%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%. Các nguyên nhân chính làm CPI tháng 8 tăng là do: Giá một số thực phẩm có mức giá tăng (trứng các loại, rau tươi, khô và chế biến…), do nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung giảm, tác động làm hạn chế mức giảm chung của nhóm; giá điện, nước sinh hoạt tăng, tác động làm chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08%, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,04%; giá nhiên liệu tăng 0,46%, tác động làm chỉ số nhóm dịch vụ giao thông tăng 0,12%, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,04%; giá đồ trang sức tăng 12,39%, tác động làm chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Nhóm có chỉ số giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,55%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 2,09%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,11%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,54%. Các nguyên nhân chính làm CPI tháng 8 giảm là do: Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm làm giá thịt lợn giảm, do các thương lái điều chỉnh, tác động làm chỉ số nhóm thực phẩm giảm 0,81%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,51%; giá quần áo may sẵn giảm 2,09%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,64%; giá tủ lạnh và đồ dùng nấu ăn giảm, tác động làm chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,11%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,02%; giá ti vi giảm 8,59%, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,29%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng bình quân tháng 8 là 5,374 triệu đồng/chỉ tăng 8,63%. Giá USD bình quân là 23,257 nghìn đồng/USD giảm 0,07%, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Hoạt động vận tải tháng Tám với mức giảm 3,37% lượng hành khách vận chuyển và giảm 5,26% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước do tình hình dịch Covid-19 do dịch Covid lại bùng phát trở lại tại một số tình. Tính chung 8 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 2,9% và vận chuyển hàng hóa giảm 17,03% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách (HK) tháng Tám ước tính đạt 2.069,02 nghìn HK, tăng 12,29% và 124.021,57 nghìn HK.Km, tăng 28,76% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 120,655 tỷ đồng, tăng 3,99%, riêng doanh thu cáp treo đạt 69,954 tỷ đồng giảm 4,63% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong tháng mưa nhiều lên nhu cầu đi lại giảm và dịch Covid bùng phát lần hai, học sinh, sinh viên và người dân hạn chế đi du lịch.
Tính chung 8 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 12.931,92 nghìn HK, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước và 650,708 nghìn HK.Km, tăng 4,62%, trong đó vận tải hành khách đường bộ đạt 12.656,81 nghìn HK, giảm 3,55% và 650.652,79 nghìn HK.Km, tăng 4,63%; đường thủy đạt 275,11 nghìn HK, tăng 40,72% và 54,94 nghìn HK.Km, giảm 50,24%. Doanh thu đạt 716,915 tỷ đồng, giảm 20,4%, riêng doanh thu cáp treo đạt 335,59 tỷ đồng, giảm 37,61%.
Vận tải hàng hóa tháng Tám ước tính đạt 723,42 nghìn tấn, giảm 26,03% so với cùng kỳ năm trước và 41.844,06 nghìn tấn.km, tăng 2,59%, doanh thu vận tải hàng hóa tháng 8 ước đạt 188,355 tỷ đồng, giảm 12,91%. Tính chung 8 tháng năm 2020, vận tải hàng hóa đạt 6.022,22 nghìn tấn, giảm 17,03% và 298.622,56 nghìn tấn.km, giảm 10,19%, doanh thu đạt 1.462,627 tỷ đồng, giảm 7,02%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 6.021,56 nghìn tấn, giảm 17,02% và 298.621,90 nghìn tấn.km, giảm 10,19% so với năm trước; đường thủy đạt 0,66 nghìn tấn, giảm 52,55% và 0,66 nghìn tấn.km, giảm 52,44%.
Tài chính, ngân hàng
Thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong tháng 8/2020 đạt thấp so với cùng kỳ. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các ngân hàng Lào Cai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng để ứng phó với dịch Covid-19.
Tài chính
Thu ngân sách trên địa bàn tháng 8 ước đạt 482,291 tỷ đồng, lũy kế thực hiện là 3.680 tỷ đồng, đạt 49,87% so với dự toán năm và giảm 20% so với cùng kỳ. Trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 60,872 tỷ đồng, lũy kế thực hiện là 850 tỷ đồng, đạt 53,13% dự toán năm và giảm 32,07% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 8 ước đạt 935,122 tỷ đồng, lũy kế thực hiện là 8.200 tỷ đồng bằng 60,72% so với dự toán năm và tăng 21,93% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng
Các NH, QTDND trên địa bàn tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020 của tỉnh, tập trung huy động vốn, tăng cường tiếp xúc khách hàng, các dự án hiệu quả khả thi để đầu tư nhất là cho vay các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc 4 chương trình 19 đề án phát triển KT-XH của Tỉnh, cho vay xây dựng Nông thôn mới, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2020. Tập trung đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 154/KH-LCA1, ngày 31/3/2020 về KH hành động của ngành Ngân hàng Lào Cai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng để ứng phó với dịch Covid-19; Chương trình 07/CTr-UBND ngày 30/6/2020 của UBND tỉnh.
Tổng nguồn vốn ước đến 31/8/2020 đạt 51.800 tỷ đồng, tăng 5,5% (+2.723 tỷ đồng) so với 31/12/2019. Trong đó: Nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt: 28.700 tỷ đồng, tăng 9,49% (+2.488 tỷ đồng), chiếm 55,41% tổng nguồn vốn hoạt động. Nguồn vay TW, HĐ ngoài địa bàn, nguồn vốn khác: 23.100 tỷ đồng, tăng 1,03% (+235 tỷ đồng). Tổng dư nợ ước đến 31/8/2020: 47.000 tỷ đồng, tăng 1,39% (+644 tỷ đồng) so với 31/12/2019.
Nợ xấu trên toàn địa bàn ước đến 31/8/2019: 420 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với 31/12/2019. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ: 0,89%, giảm 0,08% so với 31/12/2019.
Một số vấn đề xã hội
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh: Công tác giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên, chỉ đạo kịp thời hoạt động giám sát, kiểm tra và phòng chống các dịch bệnh, cảnh báo nguy cơ bệnh dịch bệnh nguy hiểm, theo mùa. Duy trì các tổ giám sát dịch bệnh, thường trực công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa. Tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương như cúm mùa, tiêu chảy,... xảy ra rải rác tại các huyện, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời khỏi bệnh. Số phơi nhiễm dại được tiêm vắc xin: 180, lũy kế: 1.734 người; tiêm huyết thanh kháng dại: 16, lũy kế: 171 người. Trong tháng không có tử vong do bệnh dại.
Tình hình dịch HIV trên địa bàn tỉnh: BN nhiễm HIV mới: 12 (lũy kế: 3.161 người); BN AIDS mới: 01 (lũy kế: 2.592 người), số BN AIDS tử vong: 02 (lũy kế:1.540).
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường kiểm tra thường xuyên, trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phầm cấp tính nào trên địa bàn.
Tai nạn giao thông
Tháng Tám, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 8/2020 xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 01 người chết và 7 người bị thương. Thiệt hại tài sản khoảng 120 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ giảm 10%; số người chết giảm 75%; số người bị thương giảm 46,15%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng 4,5 lần; số người bị thương tăng gấp 7 lần. Tính chung 8 tháng năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm 25 người chết và 44 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 7%; số người chết tăng 01 người; số người bị thương giảm 15,38%.
Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra nồng độ cồn. Trong tháng đã lập biên bản xử lý 585 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 276 phương tiện các loại, tước 172 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 2,202 tỷ đồng.
Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng (từ ngày 15/7-15/8) do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa, kèm theo dông lốc, sét đánh, sạt lở. Mưa lớn gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của nhân dân các huyện, thị, thành phố Cụ thể: Làm 02 người bị chết, 23 ngôi nhà, 4 công trình thủy lợi, nhiều tuyến đường tỉnh, đường do huyện, xã quản lý bị sạt lở, hư hỏng; 26 ha lúa bị hư hỏng, thiệt hại; 06 con trâu bị sét đánh, lũ cuốn trôi. Ước thiệt hại trên 9 tỷ đồng. Lũy kế thiệt hại từ đầu năm đến nay trên 151 tỷ đồng.
Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Cháy, nổ: Tháng 8, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy tại nhà ông Nguyễn Văn Đà, địa chỉ xóm 1 thôn Tả Hà 2, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng. Vụ cháy không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 150 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy do chập điện.
Môi trường: Tháng 8, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 11 vụ với số tiền xử phạt 167,5 triệu đồng, lũy kế 8 tháng xảy ra 24 vụ đã xử lý 20 vụ với số tiền xử phạt 391 triệu đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước./.