Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/12/2020-17:33:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2020 của tỉnh Phú Yên

1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Nông nghiệp

- Trồng trọt:

Tiếp tục chăm sóc lúa vụ mùa, rau màu và cây trồng cạn. Các ngành chức năng theo dõi và phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Khẩn trương vệ sinh ruộng đồng để chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 theo lịch thời vụ hàng năm.
Diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu là24.130 ha, giảm 2,4% (giảm 598 ha)[1]so vụ hè thu nămtrước;năng suất thu hoạch 72,97 tạ/ha, tăng 6,1% (tăng 4,2 tạ/ha); năng suất cao là nhờ thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh, nguồn nước dự trữ trong các hồ chứa dồi dào, mặt khác do vụ hè thu năm trước ảnh hưởng nắng hạn nên năng suất thấp.
Lúa vụ mùa, sử dụng các giống lúa chủ yếu: ML48, ML49, ML213, ĐV108.... Tính đến ngày 15/11/2020, các địa phương đã gieo sạ 4.116 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trà sớm đang giai đoạn cuối đẻ nhánh - trổ, dự kiến bắt đầu thu hoạch khoảng cuối tháng 11.

Hiện nay, nông dân tiếp tục gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày để cung ứng cho nhu cầu người tiêu dùng. Diện tích gieo trồng tính đến nay: Ngô 5.290 ha, tăng 1%; sắn 27.637 ha, tăng 6,6%; mía 23.641 ha, giảm 9,8%; đậu tương 70 ha, giảm 51,5%; lạc 631 ha, giảm 6,5%; vừng (mè) 1.036 ha, tăng 1,7%; rau các loại 7.348 ha, tăng 12,5%; đậu các loại 3.681 ha, giảm 2,9%. Các cây trồng chính của tỉnh đều tăng, giảm không ổn định chủ yếu là do giá cả, thị trường, đầu ra không ổn định đồng thời do yếu tố mùa vụ.
Sản lượng cây lâu năm 11 tháng năm 2020: Chuối gần 21,9 ngàn tấn, tăng 3,7%; dứa gàn 12,4 ngàn tấn, tăng 45,1% nhờ diện tích cho sản phẩm tăng 39,5%; dừa quả 18,4 ngàn tấn, tăng 4,2%; điều 112 tấn, giảm 21,3%; tiêu hạt 790 tấn, tăng 2,4%; cao su 4.410 tấn, tăng 1,5% ... so với cùng kỳ năm trước.

- Về tình hình sâu bệnh hại cây trồng:

+ Lúa vụ mùa: Bệnh lem lép thối hạt 6,8 ha, chuột gây hại 24,4 ha, sâu cuốn lá nhỏ 2,5 ha và một số đối tượng gây hại rải rác: Bệnh khô vằn, bọ trĩ,...

+ Cây hành lá: Bệnh thối nhũn gây hại 1,1 ha tại xã Bình Kiến.

+ Rau cải: Sâu tơ gây hại 0,6 ha, rệp muội gây hại 0,6 ha tại huyện Tuy An. Ngoài ra, còn có bệnh thối nhũn do vi khuẩn gây hại xà lách tại thị xã Đông Hòa.

+ Cây ngô: Sâu keo mùa thu gây hại 0,7 ha tại huyện Sông Hinh, Tuy An. Ngoài ra, sâu đục thân còn xuất hiện rải rác với mật độ thấp tại huyện Phú Hòa.

+ Cây mía: Sâu đục thân gây hại diện tích nhiễm nhẹ 80 ha, bệnh đốm vòng gây hại diện tích nhiễm 16 ha.

Chi cục Trồng trọt và BVTV đang tăng cường công tác ước tính, dự báo sâu bệnh hại cây trồng và hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ hoặc tiêu hủy cây bị bệnh.

- Về công tác phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm: Lũy kế đến nay tiêm vaccine LMLM cho trâu, bò (đợt II/2020) được 76.844 con; tiêm vaccine tụ huyết trùng cho trâu, bò (đợt II/2020) được 25.124 con; tiêm vaccine dại chó được 17.519 con. Tiêm vaccine cúm gia cầm (đợt II/2020) vaccine do ngân sách nhà nước hỗ trợ, tiêm được 99.800 con; tiêm vaccine cúm gia cầm (do người dân mua tiêm được 216.150 con.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng, do ảnh hưởng của 2 cơn bão thời tiết mưa nhiều gây lũ lụt ở một số địa phương nên kế hoạch trồng rừng của các doanh nghiệp và hộ dân triển khai chậm lại, ước tính trồng được 1.300 ha rừng tập trung bằng 35,1% so với cùng kỳ năm trước; khai thác được 11,5 ngàn m3bằng 25,2%; củi khai thác 18,3 ngàn ster bằng 65,4%. Tính chung 11 tháng, trồng rừng tập trung 3.800 ha, giảm 15,6%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 193,3 ngàn m3, giảm 39,2%; sản lượng củi 135,5 ngàn ster, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị thực hiện khai thác khoảng 3.370 ha diện tích rừng trồng tập trung và khai thác cây gỗ trồng phân tán.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Lâm nghiệp, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), đồng thời năm nay thời tiết mưa nhiều nên từ đầu năm đến nay, chỉ xảy ra 01 vụ cháy rừng trồng phi lao tại Phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa (diện tích cháy 14,8 ha, thiệt hại khoảng 20%).
Từ đầu năm đến nay, công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử lý kịp thời239 vụ vi phạm giảm 11,2%, trong đó: 11 vụ phá rừng trái pháp luật làm diện tích rừng bị giảm 39,9 ha. Xử lý 253 vụ vi phạm, phạt tiền 1.759,1 triệu đồng; khối lượng gỗ tịch thu 377,4 m3.

1.3. Thuỷ sản

- Nuôi trồng: Kết thúc diện tích nuôi trồng thủy sản, ước tính đạt 2.628 ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá đạt 264 ha, bằng 100%; diện tích nuôi tôm đạt 2.114 ha, tăng 0,2% (tôm sú 229 ha, tăng 0,9%; tôm thẻ chân trắng 1.885 ha, tăng 0,1%); thủy sản khác 250 ha, tăng 1,6%.

- Sản lượng thủy sản tháng 11/2020 ước tính đạt 2.161 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá 1.650 tấn, giảm 6,7%; tôm các loại 211 tấn, giảm 64,7%; thủy sản khác 300 tấn giảm 25,7%. Chia ra: Sản lượng thuỷ sản khai thác 1.627 tấn, giảm 11,3% (trong đó: Cá các loại 1.520 tấn, giảm 11,2%; tôm 16 tấn, giảm 20%; thủy sản khác 91 tấn, giảm 11,7%); sản lượng thủy sản nuôi trồng 534 tấn, giảm 43% (trong đó: Cá 130 tấn, gấp 2,3 lần; tôm 195 tấn, giảm 66,3%; thủy sản khác 209 tấn, giảm 30,5%).

Tính chung 11 tháng, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 72.745 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại 57.011 tấn, tăng 0,5%; tôm 11.123 tấn, tăng 3,5%; thủy sản các loại 4.611 tấn, tăng 0,1%. Trong tổng sản lượng cá các loại khai thác biển, cá ngừ đại dương 3.025 tấn chiếm 5,4% và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

1.4. Tình hình thiệt hại về nuôi trồng do ảnh hưởng của bão số 12

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh vào lúc 17 giờ ngày 11/11/2020, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, liên quan đến sản xuất nông nghiệp, như sau:

- Về thủy lợi: Hơn 1.180 m kênh mương bị sạt, cuốn trôi, hư hỏng, hơn 80 m đá xây bị ngã đổ và các thiệt hại khác.

- Về nông, lâm nghiệp: Hơn 122 ha diện tích hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh, 12 ha lúa vụ mùa bị thiệt hại và hơn 202 ha mía, 349 ha lúa bị ngã đổ, ngập nước.

- Về chăn nuôi: Làm chết 01 con bò, 16 con lợn, nước lũ đã làm chết và cuốn trôi 2.570 con gà, vịt.

- Về lĩnh vực thủy sản: 05 chiếc tàu (dưới 20CV) bị chìm lúc neo đậu tránh bão. Nuôi trồng thủy sản ao đìa, thiệt hại 156,87 ha nuôi trồng bị sạt lở, có khả năng mất trắng từ 50-100% (thị xã Sông Cầu 152,5 ha, huyện Tuy An 4,37 ha). Ước tính thiệt hại khoảng 12,1 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè: Có 1.813 lồng bè thủy sản các loại bị thiệt hại[2]. Ước tính thiệt hại khoảng 44,1 tỷ đồng.
Hiện nay, tình trạng ngập úng và lũ lụt trên các sông vẫn còn, sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu và thống kê, báo cáo thiệt hại.

2. Sản xuất công nghiệp

- Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,1%[3]; sản xuất, phân phối điện, hơi nước tăng 10,4%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,8%.

Lũy kế 11 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 9,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,2%; sản xuất, phân phối điện và hơi nước tăng 23,6%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,2%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 theo giá so sánh năm 2010 ước tính 1.571,2 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng 23,2 tỷ đồng, tăng 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 1.279,1 tỷ đồng, tăng11,8%; sản xuất và phân phối điện, hơi nước 252,9 tỷ đồng, tăng 12,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải 16 tỷ đồng, tăng 5,1%.
Lũy kế 11 tháng năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước tính 17.655,1 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng 225,1 tỷ đồng, giảm 2,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 15.011,8 tỷ đồng, tăng 4%; sản xuất và phân phối điện, hơi nước 2.265,1 tỷ đồng, tăng 18,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải 153,1 tỷ đồng, tăng 4,7%.

- Trong tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất tăng sovới cùng kỳ năm trước như: Viên nén tăng 48,2%; chip điện tử tăng 41,9%; ván gỗ các loại tăng 35,5%; điện sản xuất tăng 32,6%; xi măng các loại tăng 22,1%; mây tre lá các loại tăng 18,9%; thuốc viên các loại tăng 14,5%; dăm gỗ các loại tăng 12,7%; điện thương phẩm tăng 10,2%; nước uống được tăng 5,2%; tinh bột sắn tăng 4%; nhân hạt điều các loại tăng 3,4%; trang in các loại tăng 1,8%...; một số sản phẩm chủ yếu xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên sản xuất giảm như: Hải sản các loại giảm 4,6%; quần áo các loại giảm 3,6%; nước khoáng các loại giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

3. Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 01/11/2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 455 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký là 4.821,6 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 01 doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,6 tỷ đồng/01 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 26 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 73,3%; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là108doanh nghiệp, giảm 18,2%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là69doanh nghiệp, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư

- Trong tháng, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện dự án/công trình trọng điểm nên nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2020 ước đạt 378,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so tháng trước và tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 243,8 tỷ đồng, tăng 68,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 133,7 tỷ đồng, tăng 23,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 1,4 tỷ đồng, tăng 23,5%. Trong tháng, tập trung đầu tư, thi công một số ngành như: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 86,4 tỷ đồng, tăng 31,3%; xây dựng 42,2 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; vận tải và kho bãi 167,2 tỷ đồng, gấp 3 lần; giáo dục đào tạo 27,9 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý theo giá hiện hành ước tính 4.445,4 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với kế hoạch năm chỉ đạt 63,3%; trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.030,9 tỷ đồng, tăng 41,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 1.404,7 tỷ đồng, tăng 17,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 9,8 tỷ đồng, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước.

5. Tài chính, ngân hàng

5.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 17/11/2020 đạt4.345 tỷ đồng, đạt 81,7%dự toán trung ương giao (DTTW);đạt 48,3% dự toán tỉnh giao.
Tổng chi ngân sách địa phương 9.605 tỷ đồng, đạt 92,1% DTTW; đạt 67,8% dự toán tỉnh giao; trong đó chi ĐTPT là 4.911 tỷ đồng, chi thường xuyên là 4.694 tỷ đồng.

5.2. Hoạt động ngân hàng

Nhìn chung, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

- Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng; 3,0-4,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng[4]; 3,7-6,35%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 4,5-7,4%/năm. Lãi suất huy động USD là 0%/năm.

- Lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm đối với ngắn hạn[5], ở mức 7,0-10,6%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng ở mức 5-15%/năm đối với ngắn hạn; 6,39-16%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-9,1%/năm, trong đó lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-7,8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-9,1%/năm.

- Tổng huy động vốn trên toàn địa bàn tính đếnđến 15/11/2020đạt 27.988 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 tăng 11,8%; trong đó, phân theo loại tiền: Tiền gửi VND27.689tỷ đồng, chiếm 98,93% tổng nguồn vốn, so với cuối năm tăng 12,3%; tiền gửi ngoại tệ quy VND 275 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 giảm 14,3%. Phân theo cơ cấu tiền gửi: Tiền gửi tiết kiệm 24.282 tỷ đồng, chiếm 86,76% tổng nguồn vốn, so với cuối năm tăng 13,3%; Tiền gửi thanh toán 3.682 tỷ đồng, so với cuối năm tăng 4%.

- Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tính đếnđến 15/11/2020đạt33.256tỷ đồng, so với cuối năm tăng 5,7%; trong đó, dư nợ cho vay bằng VND32.733tỷ đồng, chiếm 98,43% tổng dư nợ, so với cuối năm tăng 6,33%. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn: Dư nợ cho vay ngắn hạn19.067tỷ đồng, chiếm 57,33% tổng dư nợ, so với cuối năm tăng 8,64%; dư nợ cho vay trung, dài hạn14.189tỷ đồng, so với cuối năm tăng 2%.

- Nợ xấu trên địa bàn tính đến 31/10/2020, dư nợ xấu là 275,72 tỷ đồng, giảm 248,58 tỷ đồng so với cuối năm 2019 (giảm do khoản nợ xấu được hạch toán ngoại bảng), chiếm 0,83% trên tổng dư nợ. Hầu hếtcác TCTD đều đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép (<2%). Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, nợ xấu có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao so với dư nợ; nợ xấu phát sinh chủ yếu tập trung các khoản nợ như cho vay cá nhân trả góp, các vụ việc đã khởi kiện ra toà, qua thi hành án nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản (chiếm 43,56% nợ xấu toàn địa bàn).

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại tháng 11/2020 có mức tăng trưởng ổn định, riêng hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành và các dịch vụ khác do ảnh hưởng mưa, bão liên tục nên doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính 2.981,5 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2.445,3 tỷ đồng, tăng 10,4%; doanh thu lưu trú 10,7 tỷ đồng, giảm 38,2%; doanh thu ăn uống 373,3 tỷ đồng, giảm 3,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành 0,5 tỷ đồng, tăng 4,9% và doanh thu dịch vụ khác 151,7 tỷ đồng, giảm 9,2%.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2020 ước tính 2.445,3 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước[6]. Trong đó, một số nhóm ngành có mức tăng cao hơn mức tăng chung so với cùng kỳ năm trước như: Lương thực, thực phẩm 1.296,9 tỷ đồng, tăng 15,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 264,8 tỷ đồng, tăng 13,1%; gỗ và vật liệu xây dựng 171,4 tỷ đồng, tăng 11,1%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) 10 tỷ đồng, tăng 16,2%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) 12,7 tỷ đồng, tăng 12,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 82,4 tỷ đồng, tăng 38,1%; dịch vụ sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 42,7 tỷ, tăng 15,7%. Riêng nhóm ngành có mức giảm so với cùng kỳ năm trước là nhóm xăng, dầu các loại 157,7 tỷ đồng, giảm 23,1%

Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Phú Yên đã chủ trì làm đầu mối tổ chức cho doanh nghiệp thực hiện phiên chợ hàng Việt về bán tại xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tổ chức 03 ngày (20/11-22/11/2020), bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc 21h tối hàng ngày, thu hút trên 10 doanh nghiệp tham gia với trên 20 gian hàng.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành ước tính tháng 11/2020 là 384,5 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, so với cùng kỳ năm trước, dịch vụ lưu trú 10,7 tỷ đồng, giảm 38,2%, lượt khách phục vụ ước đạt 32,6 ngàn lượt khách, giảm 56,8%; dịch vụ ăn uống 373,3 tỷ đồng, giảm 3,2%.

- Dịch vụ khác ước tính 151,7 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó dịch vụ giảm so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ kinh doanh bất động sản 14,6 tỷ đồng, giảm 7,1%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ 31,8 tỷ đồng, giảm 8,8%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí 39,1 tỷ đồng, giảm 20,6%; dịch vụ khác 25,2 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước tính 31.191 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Kinh doanh thương nghiệp 26.233,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,1% và tăng 7,6%; lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 3.613,1 tỷ đồng, chiếm 11,6% và giảm 14,6%; dịch vụ 1.344,1 tỷ đồng, chiếm 4,3% và giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vụ kiểm tra, quản lý thị trường từ đầu năm đến ngày 08/11/2020 là 802 vụ, số vụ vi phạm là 660 vụ, số vụ xử lý 715 vụ với 800 hành vi vi phạm. Tổng số tiền thu nộp NSNN là 3.423 triệu đồng, trong đó: Phạt hành chính là 2.957 triệu đồng, bán hàng hóa là 466 triệu đồng.

6.2. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tỉnh Phú Yên tháng 11/2020 tăng 0,3% so tháng trước, do tác động của các nhóm hàng hóa, dịch vụ như:Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,39%[7](tác động làm CPI chung tăng 0,47%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,84% (tác động làm CPI chung giảm 0,02%); giao thông giảm 0,63% (do giá do nhiên liệu xăng dầu giảm 1,8%); nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,4% (do nhu cầu sử dụng điện nước giảm); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,19%; 2 nhóm có giá không đổi so với tháng trước là nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm giáo dục.

CPI tháng 11/2020 tăng 3,23% so cùng kỳ năm trước, do tác động tăng chính của 2 nhóm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,44% (lương thực tăng 11,89%, thực phẩm tăng 10,11%, ăn uống ngoài gia đình tăng 16,37%); giáo dục tăng 5,16% và 2 nhóm có giá giảm là: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,47%; giao thông giảm 13,14% (do giá do nhiên liệu xăng dầu giảm 25,94%).

CPI tháng 11/2020 tăng 1,27% so tháng 12 năm trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng6,48% (lương thực tăng 11,09%, thực phẩm tăng 2,9%, ăn uống ngoài gia đình tăng 16,37%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,05%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,27%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,62%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,4%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45%; giao thông giảm 13,77% (do nhiên liệu xăng dầu giảm 26,83%); bưu chính viễn thông giảm 0,84%; giáo dục tăng 5,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,83%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,71%.

- Giá vàng 99,99 bình quân trong tháng 11/2020 là 5.458.000 đồng/chỉ; so tháng trước tăng 1,83%; so cùng tháng năm trước tăng 29,96%; so tháng 12 năm trước tăng 30,39%; so kỳ gốc 2019 tăng 40,2%. Giá Đô la Mỹ bình quân trong tháng là23.269 VND/USD; so tháng trước giảm 0,03%; so cùng tháng năm trước tăng 0,03%; so tháng 12 năm trước bằng 100%; so kỳ gốc 2019 giảm 0,06%.

- CPI bình quân 11 tháng năm 2020 so bình quân cùng kỳ năm trước tăng 5,3%.Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ CPI có 9 nhóm hàng có chỉ số giá tăng:Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,48% (trong đó: Lương thực tăng 5,2%, thực phẩm tăng 15,76%, ăn uống ngoài gia đình tăng 12,08%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,01%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,87%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,32%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,62%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,21%; giáo dục tăng 5,24%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,65%. 2nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Nhómgiao thông giảm 11,15%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

- Bình quân 11 tháng năm 2020, giá vàng 99,99 là 4.897.190 đồng/chỉ; so bình quân cùng kỳ tăng 26,54%. Giá Đô la Mỹ là 23.330 VND/USD; so bình quân cùng kỳ tăng 0,16%.

6.3. Giao thông vận tải

Trong tháng hoạt động vận tải tiếp tục được duy trì và ổn định và phát triển với doanh thu tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có quy mô lớn, chất lượng xe và cách phục vụ ngày càng được nâng cao, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân.

Tổng doanh thu ngành vận tải tháng 11/2020 ước tính 345,6 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước[8]; trong đó: Doanh thu vận tải hành khách 45,8 tỷ đồng, giảm 4,5%; doanh thu vận tải hàng hóa 295,8 tỷ đồng, tăng 15,1%; kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 4 tỷ đồng, giảm 27,7%. Trong tổng doanh thu vận tải, doanh thu vận tải đường bộ 341,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,9%, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải đường bộ, đã duy trì và phát triển nhiều loại hình vận tải khách[9]. Sản lượng vận tải trong tháng 11/2020 như sau:

Khối lượng hành khách vận chuyển chủ yếu là đường bộ ước tính 1.213,2 ngàn lượt khách, giảm 3,7%; khối lượng hành khách luân chuyển 46.317 ngàn lượt khách.km, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước;

Khối lượng hàng hóa vận chuyển chủ yếu là đường bộ ước tính 1.165,5 ngàn tấn, tăng 8,4% và luân chuyển đạt 97.122,9 ngàn tấn.km, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Lũy kế 11 tháng, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính 3.251,4 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách 498,7 tỷ đồng, giảm 16,9%; vận tải hàng hóa là 2.700,3 tỷ đồng, tăng 2,3%. Trong tổng doanh thu hoạt động vận tải, vận tải đường bộ là 3.199 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 98,4%, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng vận tải hành khách 11 tháng ước tính 11.946,1 ngàn lượt khách, giảm 18,5% và luân chuyển 645.647,4 ngàn lượt khách.km, giảm 21,9%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển 10.583,6 ngàn tấn, giảm 4,7%, luân chuyển 762.108,3 ngàn tấn.km, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng không, lượng hành khách qua Cảng hàng không Tuy Hòa trong tháng đạt 30.561 lượt khách, lũy kế 11 tháng đạt 311.606 lượt khách[10], giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động các Bến xe khách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bến, không để ứ đọng khách[11].
Vận tải đường sắt, lượng hành khách lên tàu tại các Ga trên địa bàn tỉnh trong tháng đạt 6.087 lượt khách, lũy kế 11 tháng đầu năm đạt 91.727 lượt khách, giảm 51,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải đường biển, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Rô trong tháng ước đạt 7.000 tấn, lũy kế 11 tháng đầu năm đạt 174.000 tấn, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước.

7. Các vấn đề xã hội

7.1. Hoạt động văn hóa - Thể thao

-Hoạt động văn hóa, tuyên truyền
Tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan 140 panô với nội dung phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đợt 2/2020 tại các tuyến đường thành phố Tuy Hòa; đội tuyên truyền lưu động phục vụ 10 suất diễn tại các huyện trên địa bàn tỉnh Phú Yên chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, với chủ đề “Sáng mãi niềm tin” thu hút hơn 19.600 lượt người xem; đội Chiếu phim lưu đã thực hiện 16 buổi chiếu tại các xã thuộc huyện Tuy An với 02 bộ phim truyện, 02 phóng sự tuyên truyền và 02 bộ phim hoạt hình, thu hút 2.350 lượt khán giả đến xem. Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và biểu diễn chương trình phục vụ khách du lịch tại Tháp Nhạn vào tối thứ 7 hàng tuần; dàn dựng chương trình kỷ niệm 60 năm Đồng Khởi Hòa Thịnh (22/12/1960-22/12/2020), chương trình chào năm mới 2021.

Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu và phục vụ sách lưu động Nội trú huyện Sông Hinh và Sơn Hòa; tặng sách cho người cao tuổi huyện Phú Hòa 120 người/ 300 bản sách; trưng bày sách ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) 60 bản; 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) 60 bản; ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) 60 bản. Tổ chức phục vụ bạn đọc 9.100 lượt bạn đọc với 12.245 Lượt tài liệu và 1.100 lượt truy cập trang Web; cấp 90 thẻ bạn đọc; xử lý kỹ thuật tài liệu 95 tên; số hóa dữ liệu toàn văn350trang.

- Hoạt động thể dục, thể thao Tổ chức thành công vòng chung kết giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc; giải Fultal bắt đầu từ ngày 15/11/2020 tại tỉnh Phú Yên. Cử các đội tuyển tham gia các giải toàn quốc: Đội Võ cổ truyền tham giả giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc năm 2020 tại tỉnh Bình Định; đội vovinam tham gia giải vô địch Vovinam toàn quốc năm 2020 tại Hà Tĩnh; đội Yoga Phú Yên tham gia giải vô địch Yoga toàn quốc lần thứ III năm 2020 tại Đồng Nai.

7.2. Y tế

Bệnh sốt xuất huyết, từ ngày 19/10-18/11/2020, phát hiện 19 ổ dịch, 727 ca mắc, không tử vong; so với cùng kỳ năm trước tăng 3 ổ dịch, số mắc tăng 1,26 lần; lũy kế toàn tỉnh có 263 ổ dịch, 6.177 ca mắc sốt xuất huyết, 01 tử vong; so với cùng kỳ năm trước tăng 95 ổ dịch, số mắc tăng 43,9%, tử vong tăng 01 ca. Bệnh tay chân miệng 34 ca mắc, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước số mắc tăng 3%; lũy kế toàn tỉnh có 368 ca mắc, không tử vong, so với cùng kỳ năm trước số mắc tăng 1,2 lần. Sốt rét có 4 trường hợp mắc, sốt rét ác tính 0, tử vong 0, so với cùng kỳ năm trước số mắc giảm 92%, SRAT, không tử vong; lũy kế toàn tỉnh có 134 ca mắc, không SRAT, không tử vong; so với cùng kỳ năm trước số mắc giảm 78%, SRAT giảm 2 ca, không tử vong.

Chương trình tiêm chủng mở rộng đến 18/11/2020 đạt 88,74% số cháu dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại Vaccine phòng bệnh; số bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi đạt tỷ lệ 91,77%.

Toàn tỉnh đã phát hiện mới 04 trường hợp nhiễm HIV(+) (TP. Tuy Hòa 1, Đông Hòa 1, Sông Cầu 1, Sơn Hòa 1). Luỹ kế toàn tỉnh có 797 ca nhiễm HIV (trong đó 297 bệnh nhân AIDS, 197 bệnh nhân tử vong).

7.3. Giáo dục

Phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi. Hoàn thành công tác chấm phúc khảo Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THPT năm học 2020-2021; công tác tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh dự thi cấp quốc gia được thực hiện đúng quy định.

Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động chuyên môn như: Thẩm định kết quả xây dựng Nông thôn mới; kiểm tra các cơ sở giáo dục Mầm non tư thục trên địa bàn huyện Tuy An; kiểm tra chuyên đề chuyên môn đầu năm học đối với các trường Tiểu học trên địa bàn huyện Đồng Xuân; kiểm tra đột xuất công tác dạy thêm tại thị trấn Chí Thạnh …

7.4. Trật tự an toàn xã hội

-Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, trong tháng 11/2020 (từ ngày 15/10-14/11/2020) tăng số vụ, số người bị thương và giảm số người chết so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Đã xảy ra 14 vụ, tăng 2 vụ; làm chết 7 người, giảm 3 người; bị thương 15 người, tăng 8 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 91 triệu đồng. Trong tháng chỉ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Lũy kế từ 15/12/2019-14/11/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 148 vụ tai nạn giao thông, bằng số vụ; làm chết 88 người, tăng 6 người; bị thương 110 người, giảm 4 người so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 1.379,8 triệu đồng. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 146 vụ, tăng 5 vụ; làm chết 86 người, tăng 8 người; bị thương 110 người, giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại tài sản 1.377,8 triệu đồng. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 5 vụ, giảm 2 người chết và giảm 1 người bị thương; thiệt hại tài sản 2 triệu đồng.

- Tình hình cháy, nổ - vi phạm môi trường

Từ ngày 15/10-14/11/2020 toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, ước thiệt hại tài sản 100 triệu đồng. Lũy kế đến 14/11/2020, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, ước thiệt hại tài sản 1.140 triệu đồng.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện 23 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 20 vụ, phạt tiền 3 triệu đồng. Lũy kế đến 15/11/2020, toàn tỉnh phát hiện 183 vụ vi phạm môi trường, lập biên bản xử lý vi phạm 106 vụ, phạt tiền 136,25 triệu đồng.

7.5. Các chính sách an sinh xã hội

Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại pháp luật về lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành cho 575 lượt người thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, huyện Sơn Hòa và tại công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết PY, công ty PYMEPHACO.

Cấp mới 04 và cấp lại 04 giấy phép lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.

Tư vấn nghề, việc làm 1.232 người; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động 392 người đến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh thuộc các thành phần kinh tế. Tiếp nhận và giải quyết 469 trường hợp hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chế độ ưu đãi đốivới người có công, thẩm định và giải quyết chế độ 108 hồ sơ các loại, trong đó chủ yếu là hồ sơ mai táng phí (76 hồ sơ), thờ cúng liệt sĩ (27 hồ sơ)…

Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại và công tác khắc phục do bão số 9, bão số 12 trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp đến thời gian ngày 10/11/2020: Có 01 người chết (cơn bão số 08); 04 nhà sập hoàn toàn; 21 nhà hư hỏng nặng trên 50%.
Tổ chức các hoạt động truyền thông nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

8. Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19)

Sở Y tế đã triển khai Thông báo số 367/TB-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đến các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị y tế trong tỉnh; Triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Công văn số 6030/BYT-KCB ngày 04/11/2020 của Bộ Y tế.

Đếnđến 17 giờ ngày 19/11/2020, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp bệnh xác định, không trường hợp bệnh nghi ngờ. Đã thực hiện giám sát y tế 24.262 trường hợp, hiện tại còn 11 người đang trong thời gian giám sát, cụ thể: Cách ly tại cơ sở y tế: 0 người; Cách ly tại cơ sở cách ly tập trung: 0 người; Cách ly tại nhà/ nơi lưu trú: 0 người; Đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày: 11 người. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm 2.198 trường hợp, kết quả: Âm tính 2.183, dương tính 03 và đã khỏi bệnh./.


[1]giảm chủ yếu do chuyển sang diện tích đất phi nông nghiệp và những diện tích không chủ động nguồn nước tưới chuyển sang trồng các loại cây như: Ngô, rau, đậu xanh..., có hiệu quả kinh tế hơn.

[2]Trong đó: 1.521 lồng tôm hùm ở thị xã Sông Cầu thiệt hại do bị ảnh hưởng sóng gió trong bão và hiện tượng ngọt hóa (Xuân Phương 762 lồng, Xuân Yên 31 lồng, Xuân Đài 33 lồng, Xuân Thành 695 lồng); huyện Tuy An 255 lồng cá mú, cá hồng và 37 bè hàu bị trôi mất

[3]Trong đó, các ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 10,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất tăng 9,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 3,5%;... góp phần làm tăng chỉ số phát triển của toàn ngành công nghiệp.

[4]Từ ngày 01/10/2020, NHNN Việt Nam đã quyếtđịnhđiều chỉnh các mức lãi suất, trong đó có lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống còn 4,0%/năm theo Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020.

[5]Từ ngày 01/10/2020, NHNN Việt Nam đã quyết địnhđiều chỉnh các mức lãi suất, trong đó có lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng để đápứng nhu cầu vay vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm theo Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020.

[6]Trong 12 nhóm ngành so với cùng kỳ năm trước, thì nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm là nhóm tăng cao nhất, tăng 38,1%, do ảnh hưởng giá vàng thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước tăng cao; nhóm xăng, dầu các loại là nhóm có mức giảm nhiều nhất, giảm 23,1%, chủ yếu do giá dầu thế giới giảm, làm cho giá bán trong nước giảm theo nên doanh thu đạt mức thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

[7]Trong đó: Giá lương thực tăng 3,18% (gạo tẻ thường tăng 4,54% do giá lúa tăng; các sản phẩm chế biến từ gạo như: Bún, bánh phở, bánh đa tăng 5,65%). Thực phẩm tăng 1,54% do nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng mưa, bão hư hại cho trồng trọt, đánh bắt thủy sản, cung không đủ cầu nên giá tăng (thịt hộp tăng 2,54%; trứng tươi các loại tăng 6,45%; cá tươi, hoặc ướp lạnh tăng 2,17%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,53%; thuỷ hải sản tươi sống khác tăng 2,98%; bắp cải tăng 11,27%; su hào tăng 12,48%; cà chua tăng 3,53%; rau muống tăng 5,93%; đỗ quả tươi tăng 14,4%; rau dạng quả, củ tăng 12,38%; măng tươi tăng 3,03%; rau tươi khác tăng 16,47%; rau chế biến các loại tăng 8,43%; rau gia vị tươi, khô các loại tăng 4,84%; chuối tăng 5,39%; táo tăng 2,39%; xoài tăng 4,30%; quả tươi khác tăng 2,59%.

[8]Trong đó: Doanh thu vận tải của kinh tế ngoài Nhà nước 99,3 tỷ đồng, tăng 5,2%; cơ sở cá thể 242,4 tỷ đồng, tăng 15%.

[9]Luồng tuyến vận tải có 30 tuyến vận tải khách liên tỉnh (tăng 04 tuyến: Phú Yên – Cần Thơ, Phú Yên – Long An, Phú Yên – Bến Tre, Phú Yên – Trà Vinh), 07 tuyến nội tỉnh, 05 tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt (tuyến Tuy Hòa – Sơn Hòa).

[10]Tuyến TP. HCM – Tuy Hòa: Trong tháng thực hiện 162 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 19.564 HK, hệ số sử dụng ghế đạt 68,9%. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/11/2020 thực hiện 1.194 chuyến bay, vận chuyển 176.157 HK, hệ số ghế sử dụng 73,6%; giảm 24,1% số khách và giảm 15,3% số chuyến so với cùng kỳ năm trước. Các Hãng hàng không đã thực hiện bay theo kế hoạch: Vietjet bay 14 chuyến/tuần; Vietnam Airlines bay 14 chuyến/tuần (mỗi ngày bay 01 chuyến đến và 01 chuyến đi); riêng Jetstar Pacific Airlines bay bình quân 12 chuyến/tuần.

Tuyến Hà Nội – Tuy Hòa: Trong tháng thực hiện 76 chuyến bay (cả đến và đi), vận chuyển 10.997 HK, hệ số sử dụng ghế đạt 69,6%. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/11/2020 thực hiện 938 chuyến bay, vận chuyển 135.449HK, hệ số sử dụng ghế đạt 66,2%. Các Hãng hàng khôngVietnam AirlineVietJet Airđã thực hiện bay theo kế hoạch; tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, lượng hành khách đi lại giảm nên các Hãng thực hiện việc cắt giảm chuyến bay vì lý do thương mại; riêng Bamboo Airways chưa có kế hoạch bay trở lại.

[11]Kết quả thực hiện tại Bến xe liên tỉnh và Bến xe Nam Tuy Hòa: Trong tháng có 2.012 lượt xe xuất bến, với 47.337 lượt khách lên xe; lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/11/2020 có 19.948 lượt xe xuất bến, với 441.995 lượt khách lên xe, giảm 8,37% lượt xe và giảm 19,05% lượt khách so với cùng kỳ năm trước.


Website Cục thống kê tỉnh Phú Yên

  • Tổng số lượt xem: 1455
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)