1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Trong tháng, thời tiết có các đợt ấm và rét xen kẽ lẫn nhau. Rét đậm, rét hại, có nơi xảy ra băng tuyết nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ Xuân năm 2021 đảm bảo cung ứng đầy đủ số lượng, chất lượng các loại giống, vật tư nông nghiệp cho sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, các quy trình sản xuất, đưa cây giống, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các địa phương tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi. Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, kiểm tra giám sát trên từng địa bàn, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới vào địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, tuần rừng, ngăn chặn việc khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép và tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
1.1.1. Trồng trọt
Thu hoạch vụ Đông
Trong tháng 01, người dân địa phương chủ yếu thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông với diện tích gieo trồng không lớn, chủ yếu gieo trồng nhóm cây rau là chính. Thu hoạch rau các loại vụ Đông ước đạt 978,43 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước 117,09 tạ/ha, tăng 0,01% so với cùng kỳ; sản lượng ước 11.488,57 tấn, tăng 2,79% so với cùng kỳ. Vùng rau an toàn tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt ở huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
Thu hoạch thuốc lá Đông ước thực hiện được 61ha, đạt 15% diện tích gieo trồng, chủ yếu thu hoạch ở huyện Hữu Lũng.
Diện tích gieo trồng một số cây khác vụ Đông - Xuân
Từ đầu tháng 01 đến nay trên địa bàn tỉnh đang tiến hành cày ải đất và trồng rau các loại vụ Xuân. Trên diện tích rau màu đã thu hoạch người dân khẩn trương làm sạch đồng ruộng và cày ải để tiếp tục trồng rau các loại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cung ứng rau cho thị trường phục vụ Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm. Tổng diện tích gieo trồng rau các loại vụ Đông - Xuân được 2.689,38 ha (trong đó vụ Đông: 2.263,7 ha; vụ Xuân: 425,68 ha), tăng 0.34% so với cùng kỳ, các giống rau chủ yếu là rau diếp, cải các loại, bắp cải, su hào...
Diện tích làm đất ước 3.711 ha, giảm 0,03% so với cùng kỳ, trong đó diện tích cày bằng máy ước thực hiện 2.959,4 ha, chiếm 79,73% tổng diện tích làm đất.
Tình hình dịch bệnh
Các ngành chức năng của tỉnh làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng. Các đối tượng dịch hại có sự biến động nhẹ về mật độ, tỷ lệ và diện tích gây hại. Trong đó, các loài dịch hại chính như: Rệp sáp hại cây ăn quả có múi, sâu róm hại thông, bệnh gỉ sắt hại cây bạch đàn có diện tích gây hại tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đã được phát hiện sớm, khuyến cáo phòng trừ kịp thời, hiệu quả không để phát sinh thành dịch, ít ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
1.1.2. Chăn nuôi
Tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, so với tháng trước có tăng nhẹ do sinh sản, người chăn nuôi mua vào để vỗ béo và một số do được hỗ trợ về vốn, con giống từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Không có dịch bệnh lớn xảy ra.
- Tổng đàn trâu hiện có ước 83.924 con, giảm 2,37%, do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng sức kéo giảm. Số trâu xuất chuồng là 2.213 con, tăng 0,68% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất chuồng đạt 527,58 tấn, tăng 0,39% so với cùng kỳ.
- Tổng đàn bò hiện có ước 32.312 con, tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước. Số bò xuất chuồng ước 675 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 131,93 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng đàn lợn hiện có ước 121.600 con, tăng 16,69% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, đàn lợn phát triển tương đối ổn định và chuẩn bị cho nhu cầu thịt lợn tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Số con xuất chuồng trong tháng ước 17.353 con, tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hơi xuất chuồng đạt 1.282,85 tấn, tăng 13,12% so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt lợn hơi dao động từ 80.000-85.000 đồng/kg.
- Tổng đàn gia cầm ước 5.308,12 nghìn con, tăng 4,42% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn gà là 4.942,25 nghìn con, tăng 5,12% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm tăng là do các hộ gia đình được hỗ trợ từ các chương trình dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình 30a. Sản lượng hơi xuất chuồng ước đạt 1.608,14 tấn (trong đó sản lượng gà hơi ước 1.436,25 tấn). Sản lượng trứng gia cầm đạt 4.781,79 nghìn quả (trong đó số lượng trứng gà đạt 4.286,61 nghìn quả). Giá trứng gà ta hiện nay ở mức 43,57 nghìn đồng/10 quả, trứng gà công nghiệp 27,19 nghìn đồng/10 quả. Được giá, cùng với thị trường tiêu thụ ổn định nên người dân nuôi gà đẻ trứng nhiều đặc biệt là giống gà siêu trứng cho sản lượng trứng cao.
Tình hình dịch bệnh
- Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra trên địa bàn tỉnh (với 16 hộ chăn nuôi/11 thôn/11 xã/07 huyện) tổng số con mắc bệnh là 24 con, chết và tiêu hủy 04 con (tương đương trọng lượng 793kg); ngành chức năng đã cấp phát 38 lít thuốc sát trùng và 150 kg vôi để tiêu độc, khử trùng. Bệnh lở mồm long móng trâu, bò xảy ra 01 hộ ở huyện Lộc Bình. Tổng số lợn chết, tiêu hủy 10 con (tương đương trọng lượng 332kg), nguyên nhân do chăn nuôi nhỏ lẻ, con giống không rõ nguồn gốc, an toàn sinh học trong chăn nuôi không đảm bảo (ngành chức năng đã cấp phát 02 lít thuốc sát trùng và 100 kg vôi hướng dẫn bà con thực hiện tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch và các hộ xung quanh).
- Tháng 01/2021 tiêm phòng được 93.812 lượt con, lũy kế từ đầu năm đạt 93.812 lượt con đạt 157% so với cùng kỳ. Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện đảm bảo quy định.
1.2. Lâm nghiệp
1.2.1. Công tác trồng rừng
Trong tháng thực hiện bảo vệ rừng được 40.000 ha đạt 100% kế hoạch giao. Theo dõi, cập nhật công tác sản xuất, gieo ươm giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đôn đốc các chủ vườn ươm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ cây con ở vườn ươm còn tồn năm 2020, đảm bảo nguồn cây giống cung ứng cho các chương trình, dự án, thị trường trong và ngoài tỉnh đảm bảo chất lượng.
1.2.2. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng
Lực lượng kiểm lâm các cấp tăng cường kiểm tra địa bàn để chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương cơ sở thường xuyên duy trì chế độ trực, gác lửa rừng tại các xã trọng điểm, theo dõi cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh; đôn đốc cấp ủy, chính quyền địa phương và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án Quản lý Bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Lộc Bình, thiệt hại 3,46 ha rừng trồng thông và bạch đàn.
1.2.3. Khai thác và thu nhặt lâm sản
Công tác khai thác và thu hoạch các sản phẩm lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào thu hái củi đun làm chất đốt phục vụ cho nhu cầu sử dụng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đối với khai thác củi có giảm nhẹ so với cùng kỳ do người dân đã chuyển từ đốt củi sang dùng các loại nhiên liệu khác để đun nấu, sấy thuốc lá và do số hộ nuôi lợn cũng ít dần việc dùng củi đun nấu cũng giảm theo. Cụ thể:
- Khai thác gỗ tròn các loại: 11.462,23 m3, tăng 2,53 % so cùng kỳ năm trước. Tăng do rừng đến tuổi khai thác, chủ yếu là khai thác gỗ thông, keo của các hộ gia đình.
- Củi các loại: 83.154,41 ste, giảm 1,21% so cùng kỳ năm trước.
1.3. Thủy sản
1.3.1 Nuôi trồng thuỷ sản
Tiếp tục nuôi dưỡng, chống rét và chăm sóc đàn cá đã thả, đồng thời tiến hành khai thác cá phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho Tết Nguyên đán. Trên các diện tích đã khai thác, do trời rét nên người dân chưa tiến hành thả cá, bà con tranh thủ vệ sinh ao thả chuẩn bị diện tích nuôi mới khi vào vụ.
Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có đến ngày 15/01/2021 là 1.260 ha, mô hình nuôi cá lồng tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình được triển khai có hiệu quả.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước 83,25 tấn, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán các loại cá nuôi dao động từ 40 đến 87 nghìn đồng/kg, các loại cá nuôi chủ yếu: trắm, trôi, mè, chép, rô phi … chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình.
1.3.2 Khai thác thủy sản
Ước tính khai thác thuỷ sản các loại trong tháng là 13,24 tấn, tăng 2,8% với so với cùng kỳ. Lượng thủy sản từ sông, suối trong vài năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh phát triển tăng dần, do ngăn chặn được việc đánh bắt bằng các hình thức xung điện, ruốc thuốc cá chết hàng loạt. Hiện nay, việc đánh bắt bằng các hình thức truyền thống như chài, lưới, câu được áp dụng nên sản lượng cá thu được khá cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Giá bán tôm, cá được đánh bắt ở sông, suối dao động từ 100 đến 180 nghìn đồng/kg.
2. Sản xuất công nghiệp
Trong tháng 01 năm 2021, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn ổn định và tăng trưởng khá so với cùng kỳ; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định, nhiều phương thức sản xuất, trao đổi được đưa ra có hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn: Quy mô nền kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp, chất lượng nhân lực thấp,… Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động trực tiếp đến sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh trong năm 2021.Vì vậy, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cụ thể, kết quả thực hiện sản xuất ngành công nghiệp dự ước tháng 01 năm 2021 như sau:
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2021 so với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 so với tháng trước tăng 0,74%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,41%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,57%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,38%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 3,32%.
Trong công nghiệp khai khoáng, ngành khai thác than cứng và than non tăng 2,48%, khai khoáng khác (sản phẩm đá xây dựng khác) tăng 0,45%.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Ngành chế biến thực phẩm giảm 21,01%, do Công ty Cổ phần Chè Thái Bình không có nguyên liệu để sản xuất, hiện nay công ty tập trung tiêu thụ chè vào dịp Tết Nguyên đán; một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm do nhu cầu, đơn đặt hàng giảm và có những ngành sản xuất sản phẩm phụ thuộc vào nguyên liệu mang tính chất mùa vụ nên ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong tháng như: Sản xuất đồ uống, thuốc lá, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất sản phẩm điện tử, quang học. Những ngành có chỉ số sản xuất tăng như: Sản xuất sản phẩm bánh quy tăng 2,8%; sản phẩm rượu trắng tăng 18,03% để phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới; sản xuất sản phẩm sơ chế thuộc da, sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất xi măng, muối công nghiệp, máy bơm, bật lửa ga… do sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng đạt tốc độ tăng nhẹ so với tháng trước.
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số tăng 0,38%. Trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 0,43%; điện thương phẩm tăng 0,86% so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,32%. Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,22%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 0,76%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,52%.
2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2021 so với cùng kỳ
Nhìn chung chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp tháng 01/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do tháng 01/2020 thời gian sản xuất ngắn vì trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 so với cùng kỳ tăng 23,23%. Trong đó, công nghiệp khai thác tăng 25,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,38%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 13,25%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,65% so với cùng kỳ.
Ngành khai khoáng có chỉ số sản xuất tăng cao chủ yếu do sản phẩm than đá (than cứng) sản xuất, khai thác có hiệu quả tăng 16,04% và sản phẩm đá xây dựng tăng 35,23% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá với chỉ số tăng 34,38% so với cùng kỳ, trong đó các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm colophan có chỉ số sản xuất tăng rất cao do các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đã chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh nên đơn hàng sản xuất nhiều, ổn định (sản phẩm gỗ dán tăng 119,13%, gỗ lạng tăng 171,1%, ván ép công nghiệp tăng 137,5%, sản phẩm colophan tăng 93,78%). Một số ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành xây dựng như gạch, xi măng cũng tăng khá do thời tiết khô ráo thuận lợi thi công các công trình. (xi măng tăng 30,55%; gạch các loại tăng 33,3%).
Ngoài ra, các sản phẩm khác trong công nghiệp chế biến chế tạo cũng tăng so với cùng kỳ như: bánh quy tăng 38,71%, nước tinh khiết tăng 74,51%, sản phẩm in tăng 44,54%; ống tuyp tăng 43,38%; sản phẩm thuộc da tăng 28,35%, bơm chân không tăng 23,28%, bật lửa ga tăng 78,39%,…do số ngày sản xuất trong tháng cùng kỳ năm trước ngắn hơn vì trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng sản xuất cùng kỳ đạt thấp nên chỉ số so sánh cùng kỳ tăng. Đối với sản phẩm khuôn đúc bằng kim loại màu của Công ty kim loại màu Bắc Bộ tăng 372,73% so với cùng kỳ do từ tháng 3/2020 công ty đã sắp xếp xong bộ máy nhân sự và ổn định hoạt động sản xuất.
Riêng ngành điện, sự tăng giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 01/2021 tăng 13,25%; điện thương phẩm tăng 13,43% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nên nhu cầu sử dụng điện tăng.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 6,65%. Cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,24%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 12,29%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,92%.
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn về điều kiện mặt bằng sản xuất và tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là các lao động có kỹ thuật sử dụng và vận hành máy móc.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2021 tăng 0,39% so với tháng trước và giảm 3,30% so với cùng kỳ. Trong đó, so với cùng kỳ ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 6,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,69%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 4,03%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,14%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chỉ số sử dụng lao động giảm là do một số doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, sử dụng máy móc thay thế con người, nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công.
3. Đầu tư, xây dựng
3.1. Tình hình vốn đầu tư thực hiện tháng 01 năm 2021
Để các dự án hoàn thành theo đúng tiến độ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở, ban, ngành của địa phương. Thủ tục hành chính cần đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng theo quyết định phê duyệt dự án, nhất là các dự án phải hoàn thành trong năm 2021 và các dự án trọng điểm. Tập trung thẩm định dự án, tư vấn quản lý dự án, khảo sát thiết kế, giám sát thi công và dự toán công trình đảm bảo chất lượng, đúng thời gian theo quy định, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, kịp thời tháo gỡ những khó khăn nâng cao chất lượng dự án công trình. Tổ chức khởi công các công trình mới theo kế hoạch được giao, đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công. Chương trình xây dựng nông thôn mới cả vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 01/2021 ước thực hiện 154,16 tỷ đồng, đạt 5,29% so với kế hoạch năm 2021, tăng 6,57 % (tương đương tăng 9,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 88 tỷ đồng, tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 66,15 tỷ đồng, tăng 5,88% so với cùng kỳ.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
- Dự án Khu tái định cư dân cư thành phố Lạng Sơn, công trình có tổng mức đầu tư 450,72 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 01/2021 ước thực hiện được 332,71 tỷ đồng, đạt 73,82 % so với kế hoạch.
- Dự án Cầu thị trấn Lộc Bình: Công trình có tổng mức đầu tư 181,19 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 01/2021 ước thực hiện được 156,71 tỷ đồng, đạt 86,49% so với kế hoạch.
- Dự án đường Hữu Nghị Bảo Lâm thuộc hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, huyện Cao Lộc: Công trình có tổng mức đầu tư 440,8 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 01/2021 ước thực hiện được 350,9 tỷ đồng, đạt 79,60% so với kế hoạch.
- Dự án chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả đầu ra: Công trình có tổng mức đầu tư 164,63 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 01/2021 ước thực hiện được 144,62 tỷ đồng, đạt 87,84% so với kế hoạch ….
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính[1]
Ngay từ đầu năm, cơ quan Thuế, Hải quan, các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tập trung vào các lĩnh vực như tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phí, lệ phí… ; phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt và vượt dự toán được giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 01 năm 2021 là 560 tỷ đồng, đạt 9,9% so với dự toán Trung ương giao, đạt 9,6% so với dự toán tỉnh giao, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2020.Trong đó, thu nội địa đạt 260 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2020, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 300 tỷ đồng, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách bảo đảm đúng định mức, chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, dành nguồn chi trả nợ và kiểm soát nợ công ngay trong dự toán giao đầu năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 01 năm 2021 ước đạt 877 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 275 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chi thường xuyên là 526 tỷ đồng giảm 5%% so với cùng kỳ năm 2020.
4.2. Ngân hàng[2]
Ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, tập trung vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, quan tâm các lĩnh vực được ưu tiên; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Ước thực hiện đến 31/01/2021: Tổng huy động vốn đạt 31.129 tỷ đồng tăng 0,3% so với 31/12/2020, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt 33.671 tỷ đồng, tăng 0,2% so với 31/12/2020, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
5. Thương mại và dịch vụ
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2021 ước đạt 1.866,02 tỷ đồng, tăng 4,31% so với tháng trước, tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước.
* Doanh thu chia theo ngành hoạt động:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2021 ước đạt 1.668,91 tỷ đồng, tăng 4,55% so với tháng trước, tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 01, hầu hết các ngành hàng đều có ước tính doanh thu tăng so với tháng trước, trong đó: hàng may mặc tăng 9,47%; hàng hóa khác tăng 8,59%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 8,16%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 7,67%; vật phẩm văn hóa, giáo dục 7,13%; phương tiện đi lại tăng 6,88%; ô tô các loại tăng 5,93%; xăng dầu các loại tăng 5,78%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 5,28%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 5,08%; ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 4,14%.
Nguyên nhân các nhóm ngành hàng hóa trên tăng là do: nhu cầu mua sắm nhóm đồ dùng gia đình và một số mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, ngoài ra các mặt hàng phục cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như quần áo ấm, chăn, ga, đệm điện, lò sưởi, lò vi sóng, điều hoà….Ngoài những mặt hàng tăng trên, có mặt hàng gỗ và vật liệu xây dựng trong tháng giảm 9,01% do vào những ngày giáp tết các mặt hàng phục vụ cho xây dựng như đá, cát sỏi, xi măng, sắt thép… tiêu thụ chậm.
- Đối với ngành dịch vụ: Hoạt động các ngành dịch vụ tháng 01/2021 tăng khá hơn so với tháng trước. Cụ thể:
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 01/2021: ước đạt 156,55 tỷ đồng, tăng 2,12% so với tháng trước và tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước (Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 9,1 tỷ đồng, tăng 2,57% so với tháng trước; tăng 3,11% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 147,44 tỷ đồng, tăng 2,09% so với tháng trước và tăng 7,03% so với cùng kỳ).
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01 năm 2021: ước đạt 0,42 tỷ đồng, tăng 4,37% so với tháng trước và giảm 57,86% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động du lịch nước ngoài tạm thời chưa hoạt động trở lại, chỉ có số ít khách đi công tác, hội thảo đăng ký qua Trung tâm lữ hành.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 01 năm 2021: ước đạt 40,14 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các nhóm dịch vụ tăng so với tháng trước là: mhóm kinh doanh bất động sản tăng 4,82%; nhóm dịch vụ hành chính tăng 2,78%; nhóm dịch vụ y tế tăng 2,22%; nhóm dịch vụ khác tăng 5,68%.
5.2. Vận tải
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu toàn ngành vận tải tăng khá cao (tăng 54,38%). Trong đó: Vận tải hàng hóa tăng 77,89%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 93,11%; bưu chính, chuyển phát tăng 275%, riêng hoạt động vận tải hành khách doanh thu chỉ bằng 70,19% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 01/2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cố gắng trả hết các đơn hàng trước Tết Nguyên đán, do vậy doanh thu tháng 01/2021 tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, làm cho người dân có e ngại nên tạm dừng việc đăng ký đi du lịch, cũng như việc di chuyển ra khỏi địa bàn bằng phương tiện xe công cộng khi không có việc cần thiết. Bên cạnh đó, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên, số lượng các gia đình trên địa bàn tỉnh mua sắm được xe ô tô phục vụ sinh hoạt đã tăng lên đáng kể, các yếu tố trên đã góp phần làm ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động vận tải hành khách (bằng 70,19% so với cùng kỳ năm trước).
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Lạng Sơn: Số lượng xe ô tô đăng ký mới trong tháng (tính từ 15/12/2020-14/01/2021) là 491 xe, tổng số ô tô hiện đang quản lý 31.534 xe; số xe mô tô, xe gắn máy đăng ký mới trong tháng: 2.432 xe, số xe mô tô, xe gắn máy hiện đang quản lý: 484.694 xe.
6. Chỉ số giá
6.1. CPI chung toàn tỉnh tháng 01 năm 2021 tăng 0,19% so với tháng trước; giảm 2,04% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:
Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:
* Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78%, trong đó:
+ Lương thực giảm 0,01%: Chỉ số giá nhóm lương thực giảm nhẹ do giá của mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác giảm 0,84%, bên cạnh đó giá gạo lại tăng 0,06%.
+ Thực phẩm tăng 0,95%: Chỉ số giá của các mặt hàng trong nhóm thực phẩm biến động so với tháng trước, cụ thể: (1) Giá thịt gia súc tươi sống tăng 3,56%, (riêng giá thịt lợn tăng 3,97%).Giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường bình quân dao động ở mức từ 125.000đ/kg – 140.000đ/kg (tăng từ 5.000đ/kg – 7.000đ/kg so với tháng trước). Giá thịt lợn tăng kéo theo giá dầu mỡ và chất béo, thịt chế biến tăng. (2) Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 0,71%. (3) Giá trứng các loại giảm 0,73%.
+ Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,57%: Hầu hết những tháng cuối năm thường có nhiều sự kiện được tổ chức như: đám cưới, hội nghị, tổng kết, nhu cầu của khách du lịch đến Lạng Sơn tăng... các nhà hàng, quán ăn phục vụ dịch vụ ăn uống đều gia tăng đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân.
* May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,12%: Chỉ số giá nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng so với tháng trước chủ yếu tăng ở các mặt hàng như: quần áo ấm, găng tay, bít tất, khăn quàng, mũ... do thời tiết trong tháng có nhiều đợt rét đậm nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
* Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%: Những mặt hàng trong nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng chủ yếu ở các mặt hàng: lò vi sóng, máy điều hòa, thiết bị sưởi khác… Do trong tháng có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên nhu cầu tiêu dùng người dân tăng cao.
* Nhóm giao thông tăng 2,74%: Tính đến 16 giờ ngày 11/01/2021 giá xăng A95 là 17.093 đ/lít, giá dầu Diezen là 12.791 đ/lít. Chỉ số giá chung nhóm nhiên liệu tăng 5,64% so với tháng trước đóng góp tăng 0,02% điểm CPI chung. Giá vé tàu hỏa tăng 3,11%.
Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước, cụ thể:
* Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,45%: Chỉ số giá nhóm hàng trên biến động chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,45%; Giá điện sinh hoạt giảm 15,61% (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 2 do bị ảnh hưởng của dịch Covd-19); giá nước sinh hoạt giảm 0,04%; Giá dầu hỏa tăng 7,65%, giá gas tăng 5,64%.
* Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,18%.
Chỉ số giá CPI chung toàn tỉnh tháng 01/2021 giảm 2,04% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: (1) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,95%; (2) Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,77%; (3) Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 4,59%; (4) Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,33%; (5) Nhóm giao thông giảm 6,65%; (6) Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,48%; (7) Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 3,07%.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng so với tháng trước tăng 1,89%: trong tháng giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,22% so với tháng trước, giảm 0,43% so với cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[3]
Trung tâm Dịch vụ việc làm: Tổ chức tư vấn cho 5.209 người (trong đó TVGTVL là 4.904 người, BHTN là 305 người). Tổ chức 04 phiên GDVL vào thứ 5 hàng tuần tại Trung tâm với tổng số 97 người tham gia và 08 phiên GDVL lưu động tại các huyện Tràng Định, Đình Lập, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Bình Gia, Chi Lăng, Sư đoàn bộ binh 3 với 4.760 người người lao động tham gia. Tổng số doanh nghiệp tham gia mới là: 02 doanh nghiệp và 04 hộ gia đình. Số lao động đạt kết quả các phiên giao dịch việc làm: 08 người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài ra số hẹn phỏng vấn lại tại DN là 01 người
Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách BHTN, kết quả có 305 người nộp hồ sơ hưởng BHTN; 333 người có quyết định hưởng trợ cấp BHTN với kinh phí chi trả là 4,09 tỷ đồng.
Trường cao đẳng nghề Lạng Sơn: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho học sinh, sinh viên, giáo dục kỹ năng mềm theo chuyên đề cho hơn 600 học sinh, sinh viên. Cấp phát chế độ chính sách học sinh, sinh viên với tổng kinh phí 344 triệu. Phối hợp tổ chức hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giai đoạn 2020 – 2025. Phối hợp tổ chức hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp một số trường THCS trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho cho 4.062 người có công với kinh phí 7.727 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến tháng là 115 hồ sơ[4]. Di chuyển hồ sơ đối tượng người có công thay đổi nơi cư trú: 03 người.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[5]
7.2.1. Công tác phòng, chống dịch bệnh
a) Công tác phòng, chống dịch COVID-19
Tiếp tục chỉ đạo, giám sát thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 như: Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, kiểm soát chặt chẽ quy trình nhập cảnh để phòng chống dịch bệnh xâm nhập; củng cố bệnh viện an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, giám sát tại cộng đồng; .... Đảm bảo hóa chất, vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch. Sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra.
Duy trì các hoạt động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức cho người dân để nâng cao nhận thức và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
* Tình hình dịch bệnh Covid-19 tính đến 15h00, ngày 10/01/2021: Trong tháng, dịch bệnh do COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, không có ca dương tính mới.
- Số người đang cách ly theo dõi tại cơ sở y tế: 02 người (Cộng dồn 729 người); 727 người đã hoàn thành cách ly, đủ điều kiện trở về cộng đồng.
- Số người đang cách ly tại khu Quân sự: 550 người (Cộng dồn 12.546 người); 11.934 người đã hoàn thành cách ly, 43 người Trung Quốc được trao trả về nước, 19 chuyển cách ly tại Khách sạn.
- Số người đang cách ly tại Khách sạn: 398 chuyên gia Trung Quốc (Cộng dồn 8.771 người): 8.368 người đã hoàn thành cách ly, 04 người Trung Quốc được trao trả về nước, 01 người Trung Quốc chuyển cách ly.
- Tổng số mẫu xét nghiệm Covid-19: 52.882 (Kết quả âm tính: 52.457, chờ kết quả: 417; số dương tính: 04 làm XN 2 lần). Trong đó xét nghiệm cho lái xe qua cửa khẩu từ ngày 10/8/2020: 14.498 mẫu (Kết quả âm tính: 14.081 mẫu, 417 mẫu đang chờ kết quả).
b) Công tác phòng, chống dịch bệnh khác
Trong tháng tiếp tục kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm gây dịch; không để dịch lớn xảy ra; Trong tháng có 01 ca bệnh sốt xuất huyết (đã được điều trị khỏi); có 05 bệnh có số mắc tăng[6] và 09 bệnh có số ca mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ[7].
7.2.2. Thực hiện các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số
Các chương trình mục tiêu quốc gia và các Dự án được duy trì và triển khai thực hiện có hiệu quả, cụ thể: Dự án Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến[8]; Dự án Tiêm chủng mở rộng[9]; Dự án phòng chống HIV/AIDS[10]; Dự án Dân số - Kế hoạch hóa gia đình[11]; Dự án vệ sinh, an toàn thực phẩm[12];...
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[13]
7.3.1. Hoạt động văn hóa
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch trình UBND tỉnh dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị; dự thảo Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025; dự thảo Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Múa sư tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Tham mưu văn bản về việc sửa chữa nhỏ tại di tích Đền Mới, phường Hoàng Văn Thụ.
Hoạt động bảo tàng: Mở cửa nhà trưng bày, phòng triển lãm chuyên đề phục vụ đón tiếp: 87 lượt khách tham quan. Làm thủ tục tiếp nhận 45 hiện vật gốc, 22 hiện vật phục chế, 1.576 trang tư liệu lịch sử cách mạng, 353 file ảnh; 36 tài liệu cuốn sách bàn giao từ phòng chuyên môn nghiệp vụ; tiến hành phân loại ảnh, tư liệu, hiện vật mới tiếp nhận; Thực hiện nhập dữ liệu tư liệu mới đăng ký vào hệ thống quản lý. Sắp xếp, bảo dưỡng định kỳ hiện vật bằng tre gỗ, kim loại tại kho cơ sở.
Hoạt động chiếu phim: Các đội chiếu phim lưu động đã chiếu chương trình phim dành cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, và các phim truyện lẻ ; phóng sự tài liệu và phim truyện…Kết quả đã thực hiện được trong tháng 145 buổi (06 buổi chính trị) tại 32 lượt xã, 145 lượt thôn, 2320 lượt tuyên truyền, với 13.840 lượt người xem. Rạp Chiếu phim Đông Kinh chiếu 10 phim (02 phim Việt Nam, 08 phim nước ngoài) với 40 suất chiếu (chiếu 04 - 06 suất chiếu/ngày), 232 lượt người, doanh thu: 12.575.000 đồng.
Hoạt động thư viện: Xây dựng cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu Báo, tổng số 11.215 biểu ghi (Trong đó nhập mới 50 biểu ghi). Phục vụ bạn đọc tại chỗ với 1.500 lượt độc giả, 4.500 lượt luân chuyển sách; lượt độc giả truy cập Thư viện điện tử tổng số 1.073.225 lượt (Tháng hiện tại 3.331 lượt). Kho lưu động Phục vụ tại cơ sở: lượt độc giả: 8.400 lượt; lượt luân chuyển sách, báo: 168.000 lượt .
7.3.2. Hoạt động thể dục, thể thao
Trong tháng, đã tổ chức thành công Giải Việt dã tỉnh Lạng Sơn năm 2020; Giải Bóng bàn các đơn vị, địa phương toàn quốc thành viên Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam lần thứ nhất, tranh Cúp Mẫu Sơn năm 2020. Chuẩn bị nội dung diễu hành xe đạp, giao lưu võ thuật trong khuôn khổ Festival hoa Đào – Xuân Xứ Lạng năm 2021; dự thảo Kế hoạch, thành lập ban tổ chức, tiểu ban giúp việc, quay clip quảng bá về giải chạy “Mẫu Sơn Jungle Paths” năm 2021.
Xây dựng Kế hoạch Giải Thể thao Cán bộ lãnh đạo quản lý tỉnh Lạng Sơn năm 2021; kế hoạch tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh và các môn thi đấu trước Đại hội TDTT tỉnh; kế hoạch tổ chức hoạt động TDTT mừng Đảng mừng Xuân Tân Sửu 2021. Duy trì công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc.
7.3.3. Hoạt động du lịch
Dự ước Tổng lượng khách đạt: 298.500 lượt, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 2,7%. Trong đó:
+ Khách quốc tế đạt 8.300 lượt, giảm 88,2% so với cùng kỳ.
+ Khách trong nước đạt 290.200 lượt, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu ước đạt 189 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Trong thời gian từ ngày 08/01 đến ngày 10/01 do ảnh hưởng của không khí lạnh, Khu du lịch Mẫu Sơn xuất hiện hiện tượng băng giá. Trong 03 ngày Khu du lịch đã tiếp đón 5.500 lượt khách tham quan du lịch đến tham quan. Lượng khách đến Mẫu Sơn trong 02 tuần đầu tháng 01 năm 2021 khoảng 9.200 lượt khách.
7.4. Giáo dục[14]
Trong tháng 01 năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên trong toàn ngành; thực hiện tốt các hoạt động, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh, văn bản hướng dẫn của ngành tới các đơn vị trực thuộc; tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021; Hội nghị sơ kết 03 năm công tác phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với UBND các huyện, thành phố. Triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh, văn bản hướng dẫn của ngành tới các cơ sở giáo dục. Việc thực hiện các đề án, dự án, các hoạt động trọng tâm còn chậm tiến độ
7.5. Trật tự - An toàn giao thông[15]
Tháng 01 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Làm 04 người chết, 02 người bị thương. Giảm 02 vụ (-28,57%), giảm 03 người chết (-42,86%), giảm 01 người bị thương (-33,33%) so với tháng 01 năm 2020.
Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
7.6. Môi trường
Trong tháng 01/2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra trường hợp vi phạm môi trường, xảy ra 01 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại là 50 triệu đồng.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 01 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 01 vụ thiệt hại do sương muối, sương mù, rét hại. Số gia súc bị chết: 18 con. Ước tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh trên 39 triệu đồng.
[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
[4] Trong đó: Trợ cấp mai táng phí cho 115 thân nhân của NCC với cách mạng và người hoạt động kháng chiến theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ trần, cụ thể: thương – bệnh binh: 09 trường hợp; 04 thân nhân liệt sĩ. 14 thân nhân người HĐKC GPDT; thân nhân người HĐKC bị nhiễm CĐHH: 02 người; thân nhân hưởng theo QĐ 62: 17 trường hợp; thân nhân hưởng theo QĐ 49: 50 trường hợp; thân nhân CCB theo NĐ 150: 08 trường hợp; QĐ hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: 11 trường hợp.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Sởi 01ca (tăng 01ca); Lao phổi 46 ca (tăng 15 ca);bệnh do virut Adeno 13 ca (tăng 04ca); Lỵ Amip 03ca (tăng 01ca); Quai bị 44 ca (tăng 31ca).
[7] Tay chân miệng 01ca (giảm 07ca); Dại 0 ca (mắc giảm 01ca; tử vong giảm 01ca); Ho gà 0 ca (giảm 01ca); Viêm gan virut B 0 ca (giảm 03 ca); Cúm 756 (giảm 269 ca); Lỵ trực trùng 05 ca (giảm 01ca); Thủy đậu 41ca (giảm 33 ca); Tiêu chảy 218 ca (giảm 16 ca); Viêm gan virut khác 0 ca (giảm 05 ca).
[8] Thực hiện trong tháng 01/2021: Phòng, chống Lao: Xét nghiệm đờm 399, đạt 6,6% kế hoạch; Phòng, chống Sốt rét: Số Lam giám sát 303, đạt 3,79% kế hoạch.
[9] Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ cácloại vắc xin tháng 12 (từ 01/12 đến 31/12) là 1.050/910 trẻ đạt 115,4%, số cộng dồn (01/01-31/12/2020) là 13.362/13.912 trẻ, đạt 96%, đạt chỉ tiêu giao năm 2020 (chỉ tiêu giao >95%). Số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24 giờ trong tháng 12/2020 là923/1.063trẻ (đạt 86,8%), số cộng dồn đến 31/12/2020 là 11.105/13.064 đạt 85%, đạt chỉ tiêu giao (chỉ tiêu giao ≥ 80%). Số phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ trong tháng 12/2020 là 2.224/1.063 người đạt 209,2%, số cộng dồn là 11.640/13.064 người đạt 89,1%, đạt chỉ tiêu giao năm 2020.
[10] Triển khai các hoạt động thường xuyên của Dự án theo kế hoạch giao; trong tháng đã xét nghiệm HIV được 4.034 mẫu, 01 mẫu dương tính; số HIV mới phát hiện, quản lý: 01 trường hợp; Số chuyển AIDS trong tháng: 03 trường hợp (1 nam, 02 nữ); Số tử vong do AIDS và liên quan trong tháng: 01 trường hợp. Lũy tích các trường hợp nhiễm HIV là 3.059 trường hợp, trong đó số còn sống là: 932 (522 nam, 410 nữ); số bệnh nhân quản lý được tư vấn, chăm sóc tại nhà và cộng đồng: 865/932 người, đạt 92,81%; trong đó số bệnh nhân hiện đang quản lý và dùng thuốc ARV: 735 bệnh nhân (712 bệnh nhân điều trị tại tỉnh; 23 bệnh nhân đang điều trị ở ngoại tỉnh).
Duy trì 10 cơ sở điều trị và 9 điểm cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 01/2021 đã tổ chức khởi liều được 26 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tính đến ngày 31/12/2020 là: 1.641 bệnh nhân, đạt 99,45% so với chỉ tiêu giao (chỉ tiêu giao 1.650 người).
[11] Về biến động dân số trong tháng: Trong tháng có 1.152 trẻ mới sinh, trong đó trẻ nam là 615 trẻ nữ là 537 (tỷ số giới tính khi sinh 114,5/100). Trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên là 105 trẻ chiếm 9,1%; đặt vòng tránh thai 190 ca..
[12] Trong tháng, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tổ chức tập huấn và thông tin truyền thông kiến thức về ATTP. Kiểm tra đột xuất 03 cơ sở thực phẩm. (Trong đó: 01 cơ sở kinh doanh sản phẩm nước uống đóng chai, bình, 02 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước uống đóng chai, bình). Xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở, số tiền 30.000.000đ. Cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP: 02 cơ sở. Tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm: 02 sản phẩm.
[13] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
[14] Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo.
[15] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.
File đính kèm: Tinh_hinh_KTXH_thang_01_nam_2021_tinh_Lang_Son.pdf
Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn