Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/05/2021-09:11:00 AM
Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021 tỉnh Cao Bằng

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

Nông nghiệp

Trồng trọt

Cây hàng năm

Sản xuất nông nghiệp tháng 5 chủ yếu là chăm sóc, phòng chống sâu bệnh cho các cây trồng vụ đông xuân, đồng thời thu hoạch rau màu, ngô và thuốc lá. Tính đến 15/5 diện tích gieo trồng các loại cây cơ bản đã xong, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân 2021 ước đạt 37.523,26 ha, tăng 0,88% hay tăng 325,98 ha so với chính thức vụ đông xuân năm trước, trong đó:

Diện tích lúa đông xuân ước tính gieo trồng được 3.651,75 ha tăng 0,36% hay tăng 13,14 ha so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,83% so với kế hoạch, diện tích tăng chủ yếu là lúa nương. Hiện nay, cây lúa đang giai đoạn cuối đẻ nhánh và đứng cái vì vậy bà con tích cực chăm sóc, bón phân cân đối, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh gây hại.

Diện tích cây ngô ước tính gieo trồng được 25.843,1 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,18% hay tăng 47,15 ha và tăng 2,73% so với kế hoạch. Cây ngô là loại cây dễ trồng, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh vì vậy bà con nông dân gieo trồng hết diện tích và tận dụng một số diện tích đỗ tương, lạc... không gieo trồng được chuyển sang trồng ngô.

Cây thuốc lá ước tính gieo trồng được 3.031,44 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,19% hay tăng 5,67 ha, diện tích thuốc lá tăng so năm trước là do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, tạo tâm lý an tâm sản xuất cho bàn con nông dân vùng trồng nguyên liệu. Diện tích cây khoai lang ước tính gieo trồng được 175,91 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,87% hay tăng 11,31 ha. Diện tích cây đậu tương gieo trồng được 580,22 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 4,63% hay giảm 28,17 ha. Diện tích cây lạc gieo trồng được 301,54 ha, giảm 5,56% hay giảm 17,76 ha. Diện tích rau, đậu các loại gieo trồng được 2.344,26 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,48% hay tăng 142,73 ha.

Nhìn chung, tiến độ gieo trồng các loại cây trồng chính ở hầu hết các địa phương tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, số diện tích đã gieo trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Cây lâu năm

Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, mận, dứa, đu đủ… Đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài… Cây ăn quả của địa phương chủ yếu là được trồng phân tán, phần lớn chỉ phục vụ cho gia đình, khối lượng sản phẩm trao đổi trên thị trường không nhiều.

Tình hình sâu bệnh hại cây trồng

Trong tháng, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cây lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, sâu đục thân gây hại; cây ngô bị sâu keo mùa thu, châu chấu tre, bệnh khô vằn gây hại. Trên cây ăn quả chủ yếu là bệnh rệp muội, rệp sáp, sâu vẽ bùa, sâu đục cành, bệnh sẹo quả… gây hại nhẹ. Ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.

Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển bình thường, công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò vẫn xảy ra tại một số địa phương. Trong tháng, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò phát sinh thêm 08 ổ dịch tại các huyện Hòa An, Bảo Lạc, Thạch An, Thành Phố... tính từ đầu năm đến ngày 17/5 làm mắc 671 con, chết 28 con trâu, bò; đặc biệt trong tháng dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tái phát lại, bùng phát mạnh và liên tiếp tại 04 huyện Quảng Hòa, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hòa An làm mắc và tiêu hủy 204 con với trọng lượng trên 12 tấn, lũy kế từ đầu năm 523 con với trọng lượng trên 19 tấn; các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng, kiểm soát, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở những điểm tái bùng phát không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Các dịch bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy... làm chết 5 con trâu, bò, lũy kế từ đầu năm 39 con. Bệnh dịch tả, phù đầu lợn con... làm chết 8 con, lũy kế từ đầu năm 53 con. Đàn gia cầm mắc rải rác các bệnh Newcastle, tụ huyết trùng... làm chết 97 con, luỹ kế từ đầu năm 1.235 con.

Tổng đàn trâu ước tính 101.819 con, tăng 0,34% hay tăng 344 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 110.023 con, tăng 2,18% hay tăng 2.349 con so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn ước tính 292.239 con, tăng 2,64% hay tăng 7.523 con. Tổng đàn gia cầm ước tính có 2.785 nghìn con, tăng 5,98% hay tăng 157,07 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt và ổn định về quy mô.

Ước tính sản lượng thịt xuất chuồng tháng 5/2021: Thịt trâu 147,72 tấn, tăng 4,03%, lũy kế từ đầu năm 717 tấn, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 177,8 tấn, giảm 1,44%, lũy kế từ đầu năm 865,7 tấn, giảm 0,29%; thịt lợn 1.878,95 tấn, tăng 1,26%, lũy kế từ đầu năm 10.203,19 tấn, tăng 3,38%; thịt gia cầm các loại 493,87 tấn, tăng 1,35%, lũy kế từ đầu năm 2.435,52 tấn, tăng 0,61%; sản lượng trứng gia cầm các loại 2.071,44 nghìn quả, tăng 0,37%, lũy kế từ đầu năm 9.820,2 nghìn quả, giảm 0,06% so với cùng kỳ năm trước.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các chủ rừng có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình. Tính đến ngày 17/5/2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ chặt phá rừng với diện tích 0,2 ha tại Thành Phố, Nguyên Bình, Bảo Lâm.

Ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh trong tháng đạt 150,6 ha, giảm 11,52% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 645,93 ha, giảm 9,24%. Sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 2.044,25 m³, tăng 26,19% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm ước đạt 10.868,65 m³, tăng 2,52%. Sản lượng củi khai thác ước tính đạt 70.120 Ster, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm ước tính đạt 352.914 Ster, tăng 0,01%. Số cây lâm nghiệp phân tán trồng được khoảng 24,5 nghìn cây, chủ yếu là keo, lát, sa mộc, thông, xoan... lũy kế từ đầu năm 606,99 nghìn cây.

Thuỷ sản

Trong tháng 5, nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng tập trung vào chăm sóc diện tích nuôi trồng hiện có và khai thác tỉa những diện tích thả gối vụ từ năm cuối năm 2020. Khai thác thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì khá tốt. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 42 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 172,21 tấn, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nuôi trồng ước tính đạt 34,75 tấn, tăng 5,69%, lũy kế từ đầu năm 142,22 tấn, tăng 0,15%; khai thác ước tính đạt 7,25 tấn, tăng 1,83%, lũy kế từ đầu năm 29,99 tấn, tăng 2,35%.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Tháng 5 năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định và đạt mức tăng khá so với tháng trước. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 năm 2021 tăng 19,96% so với tháng trước và tăng 3,62% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,52%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,31%, chỉ số tăng tập trung chủ yếu ở sản phẩm phôi thép do giá thép thành phẩm trên thì trường tăng mạnh, vì vậy đã khuyến khích các đơn vị sản xuất phôi thép hoạt động tối đa công suất; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,74%; riêng ngành khai khoáng giảm 25,52%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 6,54%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,21%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,46%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,34%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước: Quặng manggan và tinh quặng manggan tăng 22,54%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 20,45%; đường tăng 19,94%; điện thương phẩm tăng 5,57%; điện sản xuất tăng 5,06%; nước uống được tăng 3,67%; sắt thép không hợp kim tăng 0,7%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Xi măng giảm 55,49%; cát tự nhiên các loại giảm 38,91%; gạch xây giảm 13,55%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 11,33%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 10,25%; sản phẩm in khác giảm 9,87%; đá xây dựng giảm 8,18%; nước tinh khiết giảm 0,82%.

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Ước tính tháng 5 năm 2021 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 85,18 tỷ đồng, giảm 1,71% so với tháng trước, bằng 38,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 73,68 tỷ đồng, giảm 2,66%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 11,5 tỷ đồng, tăng 4,83% so với tháng trước.

Các công trình thực hiện trong tháng có khối lượng lớn thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước: Kè bờ trái Sông Hiến, Khu tái định cư đường phía Nam khu đô thị mới, kè chống sạt lở ổn định dân cư Cao Bình, đường tỉnh 207 đoạn Km0-31 đoạn Quảng Hòa - Hạ Lang ...

Trong tháng, tình hình khởi công mới và hoàn thành bàn giao các công trình, dự án còn ít, chủ yếu thực hiện các công trình chuyển tiếp. Các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra giám sát, đôn đốc thường xuyên các đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện công trình, dự án chuyển nguồn của năm 2020 và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện thi công các công trình theo kế hoạch vốn năm 2021 đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính thực hiện được 521,14 tỷ đồng, bằng 80,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 470,3 tỷ đồng, giảm 21,88%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 50,84 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020.

IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và xâm nhập vào địa bàn tỉnh rất cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 08/5/2021 về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Theo đó, từ 00h00’ ngày 10/5/2021 tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, các sự kiện tập trung đông người. Vì vậy, doanh thu của các hoạt động thương mại, du lịch, vận tải trong tháng 5 năm 2021 đều giảm so với tháng trước, cụ thể:

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2021 ước đạt 675,7 tỷ đồng, giảm 2,67% so với tháng trước và giảm 1,55% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 563,91 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng giảm so với tháng trước bao gồm: Nhóm hàng may mặc giảm 13,25%; nhóm vật phẩm, văn hoá, giáo dục 3,61%; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 1,75%; nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con giảm 1,83%; nhóm xăng, dầu các loại giảm 4,77%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 6,69%; nhóm hàng hoá khác giảm 5,99%. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng tăng so với tháng trước như: nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 4,27%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,62%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,91%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,67%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 0,99%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 74,24 tỷ đồng, giảm 14,08% so với tháng trước và giảm 18,76% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ du lịch lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tháng 5 năm 2021 ước tính đạt 0,16 tỷ đồng, giảm 63,64% so với tháng trước và giảm 52,28% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 37,39 tỷ đồng, giảm 5,39% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.554,53 tỷ đồng, tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.902,71 tỷ đồng, tăng 13,83%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 449,79 tỷ đồng, tăng 7,18%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,74 tỷ đồng, giảm 0,29%; doanh thu hoạt động dịch vụ tiêu dùng khác đạt 200,29 tỷ đồng, tăng 10,8%.

Hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5 năm 2021 ước đạt 24,25 tỷ đồng, giảm 8,22% so với tháng trước và tăng 26,98% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ vận tải ước đạt 131,32 tỷ đồng, tăng 19,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách đạt 35,39 tỷ đồng, tăng 14,85%; doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa đạt 94,02 tỷ đồng, tăng 29,98%; doanh thu từ hoạt động kho bãi đạt 1,91 tỷ đồng, giảm 65,81% so với cùng kỳ năm 2020.

Vận tải hành khách

Ước tính tháng 5 năm 2021 vận chuyển hành khách đạt 126,97 nghìn lượt hành khách, giảm 15,6% so với tháng trước, tăng 19,81% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 7,18 triệu HK.Km, giảm 15,9% so với tháng trước, tăng 29,46% so với cùng kỳ năm 2020.

Vận tải hành khách trong 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 703,75 nghìn hành khách và đạt 40,95 triệu HK.Km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển tăng 16,22% và số hành khách luân chuyển tăng 23,21%.

Vận tải hàng hoá

Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 5 năm 2021 đạt 125,48 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 3,39 triệu tấn.km, so với tháng trước giảm 10,13% hàng hóa vận chuyển và giảm 6,36% hàng hóa luân chuyển. So với cùng kỳ năm 2020 tăng 38,54% hàng hóa vận chuyển và tăng 15,8% hàng hóa luân chuyển.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa ước tính đạt 932,04 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 12,3%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 17,82 triệu tấn.km, tăng 15,25% so với cùng kỳ năm trước.

V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm

Để tăng cường công tác phòng chống dịch trước và trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt các nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo Sở Y tế bố trí đủ nhân lực y tế tham gia phục vụ các điểm bầu cử; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra chỉ đạo kịp thời các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, an toàn thực phẩm trong thời gian tổ chức bầu cử trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Trong tháng, ngành Y tế đã tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 12/5/2021, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19, các trường hợp nghi nhiễm được cách ly, giám sát y tế chặt chẽ theo đúng hướng dẫn và quy định.

Từ ngày 16/4/2021 đến ngày 13/5/2021, ngành Y tế tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca (đợt 1) do Bộ Y tế cấp cho 8.084 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.

Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tích cực giám sát tại các cơ sở y tế. Trong tháng ghi nhận một số bệnh dịch lưu hành tại địa phương như: Tay - chân - miệng 01 ca; Cúm thông thường 649 ca; Tiêu chảy 356 ca; Thủy đậu 74 ca; Quai bị 02 ca, bệnh do vi rút Adeno virus 58 ca… Các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có tử vong.

Trong tháng phát hiện 03 trường hợp nhiễm mới HIV, 01 người tử vong do AIDS, không có trường hợp mới chuyển AIDS. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 12/5/2021 có 17 trường hợp nhiễm mới HIV, 02 trường hợp tử vong do AIDS, không có trường hợp mới chuyển AIDS.

Về việc thực hiện chương trình cai nghiện Methadone tính đến 12/5/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số bệnh nhân đang điều trị là 1.452 người.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả thanh tra, kiểm tra được 428 cơ sở thực phẩm, trong đó có 346 cơ sở đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 82 cơ sở chưa đạt do khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, một số cơ sở thủ tục hành chính đã hết hạn.

Ngày 14/5/2021, xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm (thức ăn tự nấu trong tiệc cưới tại hộ gia đình) ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng với 22 người bị ngộ độc (trong đó 02 người tử vong). Hiện tại, 20 người đang điều trị tại trung tâm y tế huyện Bảo Lạc đều ổn định.

Thiệt hại do thiên tai

Từ ngày 15/4/2021 đến ngày 14/5/2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 03 đợt thiên tai tại các huyện Hà Quảng, Hòa An, Bảo Lâm. Thiên tai làm 31 nhà bị hư hại; 02 phòng học bị tốc mái hoàn toàn; 01 con bò bị sét đánh chết; 12,94 ha hoa màu bị thiệt hại trên 30%; diện tích đất canh tác bị bồi lấp 500m2; sạt lở taluy dương các tuyến QL4A, QL34, đường tỉnh 202 với khối lượng đất đá 5.119m3, sạt lở taluy âm QL34 với chiều dài 6m vào nền đường 0,5m. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 1.063 triệu đồng.

Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện bị thiệt hại chỉ đạo các xã rà soát, thống kê thiệt hại và báo cáo theo quy định. Đồng thời, vận động bà con nhân dân giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả, ổn định sinh hoạt và sản xuất.

Trật tự an toàn giao thông

Trong tháng 5 (từ 15/4 - 14/5/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 06 người chết, thiệt hại tài sản ước tính 23 triệu đồng. Tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 16 người và bị thương 22 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm nay giảm 41,67%; số người chết giảm 15,79%; số người bị thương giảm 45%.

Riêng, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 30/4 - 3/5/2021), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 293 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ra quyết định xử phạt 64 trường hợp, phạt vi phạm hành chính 125 triệu đồng, tạm giữ 1 xe ô tô, 34 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 13 trường hợp. Đặc biệt, trong 4 ngày nghỉ trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông.

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/4/2021 đến ngày 14/5/2021, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 04 vụ với tổng số tiền phạt 10,5 đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay đã phát hiện 60 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 37 vụ với tổng số tiền phạt là 244,8 triệu đồng.

Cùng khoảng thời gian từ ngày 15/4/2021 đến ngày 14/5/2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không xảy ra vụ cháy, nổ. Tính chung từ đầu năm 2021 đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy (tăng 01 so với cùng kỳ năm 2020), giá trị thiệt hại 1.485 triệu đồng, không có thiệt hại về người.

Đánh giá chung

Trong tháng 5 năm 2021 gieo trồng các loại cây vụ đông xuân cơ bản đã xong, số diện tích gieo trồng sinh trưởng và phát triển tốt, dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tái phát lại; sản xuất công nghiệp ổn định và có mức tăng khá so với tháng trước; thương mại, du lịch, vận tải giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh trên cả nước vào những ngày cuối tháng 4; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; số vụ tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ; kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 12/5/2021 tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc Covid-19.

Trên cơ sở đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 năm 2021 cần tập trung những nội dung sau:

Một là, tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các cây trồng vụ đông xuân. Đối với chăn nuôi, tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi; chăn nuôi gia cầm kiểm soát tốt về mặt tăng đàn, theo dõi sát nhu cầu của thị trường.

Hai là, đề ra các giải pháp thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thúc đẩy kinh tế cửa khẩu trong thời gian tới.

Ba là, thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bốn là, xây dựng đề án tăng thu ngân sách đảm bảo hoàn thành thu ngân sách năm 2021.

Năm là, thực hiện rà soát, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống của dịch bệnh Covid-19 để chủ động ứng phó theo nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” trong các tình huống thực tế của dịch.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.



Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng

    Tổng số lượt xem: 525
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)