Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/10/2018-14:59:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Hải Dương

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực; kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định; lĩnh vực văn hóa xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và ổn định; an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

I. Kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Cây hàng năm;tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2018 toàn tỉnh đạt 67.667 ha, giảm 1% (-654 ha) so với vụ mùa năm 2017, trong đó, cây lương thực có hạt đạt 59.027 ha, chiếm 87,2% tổng diện tích gieo trồng vụ mùa 2018, giảm 1,4% (-827 ha).

Năng suất lúa vụ mùa ước đạt 55,5 tạ/ha, tăng 20,2% (+9,3 tạ/ha). Nguyên nhân do năng suất lúa vụ mùa năm trước đạt thấp (thấp nhất trong 10 năm trở lại đây); đồng thời, vụ mùa năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển. Đến 15/9, toàn bộ diện tích trà mùa trung đã trỗ bông; nếu từ nay đến cuối vụ thời tiết thuận lợi cho lúa trỗ bông, vào chắc và phòng trừ tốt sâu bệnh, dự kiến năng suất lúa vụ mùa năm nay đạt khá, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong 9 tháng đầu năm diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 157.556ha, giảm1% (-1.616ha) so với năm 2017; trong đó, diện tích vụđông xuân đạt89.889ha, chiếm 57,1%tổng diện tích gieo trồng,giảm1,1% (-962 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đôngchiếm 13,6%,giảm -374ha; vụ chiêm xuânchiếm 43,4%,giảm -588ha).

Một số cây chủ lực có diện tích gieo trồng lớn bao gồm: cây lúa 116.408 ha, chiếm 73,9% tổng diện tích gieo trồng, giảm 1,5% (-1.750 ha) so với năm 2017; ngô 4.222 ha, chiếm 2,7%, giảm 6,2% (-281 ha); cải các loại 4.118 ha, chiếm 2,6%, tăng 9,9% (+371 ha), hành củ 5.155 ha, chiếm 3,3%, giảm 6,7% (-369 ha),… so với năm 2017.

Sản lượng rau các loại 9 tháng đầu năm ước đạt 717.675 tấn, tăng 3,1% (+21.343 tấn); sản lượng tăng là do diện tích tăng 0,9% (+288 ha) và năng suất tăng 2,1% (+4,8 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước.

Cây lâu năm;tổng diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng ước đạt 21.655 ha, giảm 0,1% (-16 ha) so với cùng kỳ năm 2017. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 21.133 ha, chiếm 97,6% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh, diện tích cây gia vị, dược liệu ước đạt 175 ha, chiếm 0,8%; diện tích cây lâu năm khác ước đạt 203 ha, chiếm 0,9%, các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.

Ước tính 9 tháng, sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017 như: xoài sản lượng ước đạt 2.930 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ; sản lượng chuối ước đạt 53.681 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ; ổi sản lượng ước đạt 33.552 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ và cây ăn quả khác nhìn chung đều cho sản lượng cao hơn so với cùng kỳ.

Sản lượng vải đạt 66.144 tấn, so với năm trước tăng 127,4% (+37.051 tấn). Năm 2018, năng suất vải thiều đạt cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho cây vải sinh trưởng và phát triển, đầu năm 2018 xuất hiện 3 đợt rét đậm thuận lợi cho cây vải phân hóa mầm hoa nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao. Bên cạnh cây vải, năm nay cây nhãn cũng được mùa, sản lượng nhãn ước đạt 10.378 tấn, tăng 70,6% (+4.296 tấn).

1.2. Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kết hợp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin nên không có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên,chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng có thời điểm giảm mạnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, người chăn nuôi thua lỗ nên thu hẹp qui mô sản xuất hoặc không tái đàn. Từ quý II trở lại đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã tăng cao, duy trì ở mức 45.000 -52.000 đồng/kg, người chăn nuôi lợn đã đầu tư tái đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn gặp khó khăn do nguồn lợn giống khan hiếm nên đàn lợn khôi phục chậm sau một thời gian dài giảm mạnh.

Tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.100 con, giảm 2,4%; đàn bò ước đạt 21.630 con, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn thịt ước đạt 494.000 con, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn gia cầm ước đạt 10.142 nghìn con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 8.610 nghìn con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 403 tấn, giảm 3,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 1.342 tấn, tăng 3,1%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 72.134 tấn, giảm 5,4%.

Diễn biến thời tiết thuận lợi, thời tiết ấm, không có rét đậm, rét hại tạo điều kiện tốt cho sinh trưởng của đàn gia súc, gia cầm. Hiệu quả kinh tế của chăn nuôi gia cầm đạt khá, nhất là đàn gà, thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán thịt gia cầm ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Mặt khác,do hiệu quả chăn nuôi lợn giảm mạnh, nhiều hộ trang trại, gia trại chuyển sang nuôi gà để bù đắp chi phí đầu tư chuồng trại, nên sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 26.873 tấn, tăng 9,3% so vớicùng kỳ năm 2017; trong đó,sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 22.193 tấn, tăng 16,5%.

1.3.Lâm nghiệp

Ước 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh trồng mới được 400.000 cây phân tán, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 50 nghìn cây, do quỹ đất trồng cây phân tán giảm. Cây được trồng tập trung vào mùa xuân (sau tiết lập xuân) ở các khu đô thị mới, công viên, trường học, khu di tích, danh lam thắng cảnh và trồng bổ sung ở các tuyến đường trục chính.

Để phục vụ công tác trồng rừng và trồng cây phân tán,UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển các vườn ươm các loại giống cây lâm nghiệp và nhân giống các loại cây lấy gỗ khác. Ước 9 tháng đầu năm, tổng số cây ươm giống lâm nghiệp đạt 97 ngàn cây, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Ước tính 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.060 m3, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng khai thác củi ước đạt 112.490 ster, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,3%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán.

1.4. Thuỷ sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.305 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích thu hoạch ước đạt 11.435 ha, tăng 1,9%. Hiện nay, nuôi cá vẫn là xu hướng chính trong nuôi trồng thuỷ sản ở tất cả các địa phương trong tỉnh, kỹ thuật nuôi đã được phổ biến rộng rãi, chất lượng con giống không ngừng được phát triển, bổ sung theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Năm nay, do làm tốt công tác phòng trừ, vệ sinh, xử lý ao trước khi nuôi nên đã hạn chế dịch bệnh.

Tổng số lồng ước đạt 3.445 lồng, tăng 4,5% (+148 lồng) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lồng nuôi cá tăng do giá cá thương phẩm ổn định, người nuôi có lãi; điều kiện môi trường nuôi thuận lợi, cá ít bị bệnh, phát triển tốt. Thể tích lồng nuôi trung bình 108m3/lồng, mỗi lồng nuôi ước đạt hơn 4 tấn cá/năm, gần bằng 1 ha mặt nước. Hiệu quả kinh tế từ nuôi lồng bè khá cao, trung bình mỗi lồng cá cho thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Các lồng nuôi cá mới đều nằm trong quy hoạch phát triển cá lồng của tỉnh; tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Sách, Kinh Môn, Thanh Hà, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành, Thị xã Chí Linh và TP. Hải Dương.

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế trên, hình thức nuôi cá lồng còn tồn tại một số bất cập như: hình thức nuôi tự phát nên các hộ phát triển một cách tuỳ ý, cự ly các lồng, cụm đặt lồng không đảm bảo khoảng cách, không đáp ứng được yêu cầu xả thải, hoà loãng chất thải, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Việc phát triển lồng bè ồ ạt còn gây ảnh hưởng đến quan trắc thuỷ văn, vấn đề môi trường, giao thông thuỷ nội địa.

Sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 1.395 tấn, giảm 1,9% (-27 tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá khai thác ước đạt 958 tấn giảm 2% (-20 tấn), tôm đạt 56 tấn giảm 3,45% (-2 tấn), thuỷ sản khác đạt 381 tấn giảm 1,3% (-5 tấn) so với vùng kỳ năm trước. Hiện nay, nguồn thuỷ sản khai thác không còn dồi dào như trước do khai thác quá mức, một số diện tích mặt nước tự nhiên bị ô nhiễm, phương tiện đánh bắt không được nâng cấp nên sản lượng cá khai thác giảm.

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 54.015 tấn, chiếm 97,5% tổng sản lượng thuỷ sản trong toàn tỉnh, tăng 3,1% (+1.603 tấn) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá đạt 53.981 tấn, tăng 3,1% (+1.606 tấn); tôm đạt 4 tấn, giảm 20,0% (-1 tấn); thuỷ sản khác 30 tấn giảm 6,3% (-2 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Trước những chuyển biến tích cực của kinh tế trong nước cũng như kinh tế thế giới, sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan.

Tính theo phương pháp chỉ số, sảnxuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 ước tăng9,1%so với cùng kỳ.Ngànhcung cấp nước, xử lý nước thải, rác thảicó mức tăng cao nhất (+15,1%);tiếp đến là ngành chế biến, chế tạo (+10,3%);ngành sản xuất và phân phối điện,khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà (+3,2%); riêng ngành khai khoáng giảm (-26,8%).

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

So với tháng trước, sản xuất công nghiệp trong tỉnh về cơ bản không có nhiều biến động, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ (+1,4%); trong đó,công nghiệp khai khoáng tăng14,1%;công nghiệp chế biến, chế tạo tăng0,8%;sản xuất và phân phối điện tăng 5,8%;cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng3,7%.Nguyên nhân ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng khá cao là do tháng trước thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng tới sản lượng đá khai thác và nhu cầu về điện sinh hoạt.

So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 7,2%; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 17,8%; hai ngành còn lại có chỉ số giảm đó là ngành khai khoáng giảm 26,1% và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 4,5%.

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng khá là:bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket… cho người lớn +17,0%; áo sơ mi cho người lớn +22,5%;áo phông (T- shirt), áo may ô người lớn +42,9%;sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu +17,4%; clanke xi măng +12,9%; sắt thép không hợp kim +12,8%;mạch điện tử tích hợp +15,5%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy +17,5%;dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế≤1000V +10,9%; máy khâu khác, trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình +66,1%;xe có động cơ chở được 5 người trở lên +32,4%;bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ +20,9%; nước uống được +10,2%...

Trong quý 3, do ảnh hưởng từ việc sụt giảm sản lượng đá khai thác và ngành sản xuất, phân phối điện, làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp quý 3 tăng thấp hơn so với hai quý đầu năm (quý 3 +6,6% so với quý 1 +12,2% và quý 2 +8,7%).

Ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cao hơn quý 2 nhưng thấp hơn quý 1), vẫn ở mức cao do cónhiều sản phẩm tăng như: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket… cho người lớn +32,0%;áo phông (T- shirt), áo may ô cho người lớn +37,2%;clanke xi măng +9,6%; mạch điện tử tích hợp +18,4%;xe có động cơ chở được 5 người trở lên chưa được phân vào đâu +24,0%...

Tính chung 9 tháng đầu năm,chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (+11,2%) và của 6 tháng đầu năm nay (+10,4%). Nguyên nhân là do công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp chậm lại và hoạt động sản xuất, phân phối điện tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm.

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao như: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket… cho người lớn +33,9%;áo phông (T-shirt), áo may ô cho người lớn +29,3%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài +10,8%;sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu +24,9%;mạch điện tử tích hợp +22,1%; linh kiện điện tử +35,8%; máy kết hợp từ hai chức năng in, quét, copy +17,1%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác +15,0%;máy khâu loại khác, trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình+26,5%;bộ đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 13,1%; nước uống được tăng 19,5%...

Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm có lượng sản xuất giảm là: thức ăn cho gia súc -12,9%; clanke xi măng -2,6%; xi măng portland đen -9,8%; máy khâu loại dùng cho gia đình -9,8%; xe có động cơ chở được 05 người trở lên chưa được phân vào đâu -1,3%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngành sản xuất xi măng chịu sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu (từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...); tình trạng cung vượt cầu ngày càng rõ rệt. Sự khan hiếm và tăng giá một số nguyên liệu đầu. Tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài cả về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội còn thấp do thiếu vốn, thiếu công nghệ và lao động có tay nghề.

2.2. Chỉ số tiêu thụ

Tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 tăng 5,0% so với tháng trước, tăng 10,8% so với cùng kỳ, tính chung 8 tháng đầu năm tăng 8,5%.

Các ngành có lượng tiêu thụ tăng đó là: sản xuất trang phục +24,3%; sản xuất da và các sản phẩm da có liên quan +12,2%; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện +16,0%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy +23,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic +26,9%; sản xuất kim loại +7,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) +12,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học +19,4%; sản xuất thiết bị điện +18,5%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu +21,7%; sản xuất xe có động cơ +6,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác +30,3%...

2.3. Chỉ số tồn kho

Tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 01/9 tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Các ngành có tồn kho giảm: sản xuất chế biến thực phẩm -30,8%; sản xuất đồ uống -62,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan -20,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ -30,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy -48,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu -29,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn -45,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 30,9%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu -36,8%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế -25,0%...

2.4. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng đầu năm tăng 36%.

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy +9,8%; in, sao chép bản ghi +15,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic +8,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn +9,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học +13,0%; sản xuất thiết bị điện +26,3%; sản xuất xe có động cơ +16,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế +19,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác +14,7%...

3. Tình hình phát triển doanh nghiệp

Từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 1.124 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 7.826 tỷ đồng(tăng 39,7% về số vốn đăng ký).Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 12.484 DN; tổng vốn đăng ký là: 136.756 tỷ đồng.giải thể 182 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tạm ngừng 356 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.

Theo kế hoạch năm 2018, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, xử lý những vướng mắc và cơ bản hoàn thành các thủ tục cổ phần hóa 2 đơn vị ngành giao thông vẫn tải; triển khai cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên giống gia súc tỉnh; tiếp tục thực hiện các thủ tục thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp đã cổ phần hóa theotheo đúng quyết định.

4. Hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư

Ước tháng 9, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 218,5 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 74,6 tỷ đồng, giảm 1,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 132,6 tỷ đồng, tăng 9,6%; vốn ngân sách cấp xã đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 11,4% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.117,8 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 508,4 tỷ đồng, giảm 35,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 534,9 tỷ đồng, tăng 47,1%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 74,5 tỷ đồng, tăng 4,9%.

Ước quý 3 nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 14.082 tỷ đồng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.393 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 7.587 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.102 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tích cực triển khai thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, đã tổ chức làm việc với một số tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các chủ đầu tư triển khai dự án. Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chín tháng ước đạt 30.745 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.352 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 18.344 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9.049 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu hút đầu tư trong nước;đã quyết định chủ trương đầu tư cho 108 dự án đầu tư, với tổng số vốn thu hút đầu tư đăng ký đạt 5.317,7 tỷ đồng (tăng 251,2% so với cùng kỳ 2017). Tiếp tục rà soát, kiểm tra, xử lý đối với các dự án chậm triển khai, đã chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư/Văn bản chấp thuận đầu tư của 10 dự án.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài;Trong 9 tháng năm 2018, số vốn đầu tư nước ngoài đạt 469,2 triệu USD tăng 63,2% so với cùng kỳ 2017 (287,5 triệu USD); trong đó:

+ Cấp mới cho 30 dự án với số vốn đăng ký 201,5 triệu USD (20 dự án ngoài KCN, với số vốn 110,9 triệu USD; 10 dự án trong KCN với số vốn 90,6 triệu USD), tăng 12,5% so với cùng kỳ trước.

+ Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 26 lượt dự án với số vốn tăng thêm 267,7 triệu USD (05 dự án ngoài KCN 34,7 triệu USD, 21 dự án trong KCN, với số vốn tăng 233 triệu USD), tăng gần 3 lần so với cùng kỳ trước; có nhiều dự án tăng vốn lớn như như: Công ty TNHH Kefico tăng thêm 120 triệu USD; Chi nhánh C.ty TNHH khí công nghiệp Messer Hải Phòng tăng 22,8 triệu USD, Dự án may Tinh Lợi tăng 49,2 triệu USD, Công ty TNHH Best facific tăng thêm 20 triệu USD, Dự án chế tác kim cương của Công ty TNHH Laurelton Diamond tăng 12 triệu USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 383 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn 7.541,8 triệu USD; tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 4.500 triệu USD. Thu hút trên 170.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.

Các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ những năm trước và cấp mới trong năm 2018 hầu hết đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục triển khai đầu tư và đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, có 28 dự án đã hoàn thành đầu tư và đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng năm 2018 của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn ước đạt 400 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI tại địa bàn đạt 4.500 đạt 57,9 % trên tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bên cạnh các dự án đang triển khai đầu tư, các dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả, nhiều dự án tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô như Công ty TNHH Kefico, Dự án may Tinh Lợi, Dự án Messer Hải Phòng...

Trong 9 tháng đầu năm, các cơ quan quản lý nhà nước đã quyết định thu hồi giáy phép đầu tư của 10 dự án FDI do nhà đầu tư không tiếp tục triển khai, với tổng vốn đầu tư 77,8 triệu USD.

5. Thương mại, giá cả, dịch vụ

Công tác quản lý thị trường được tăng cường, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra nhằm bảo vệ quyền lợi của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường (đã kiểm tra 1.181 vụ, xử lý vi phạm 1.064 vụ; tổng trị giá tiền phạt và tiền hàng tịch thu 1.797,1 triệu đồng).

5.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Trong quý III, hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tổ chức tốt Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018, ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều với một số địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tham gia các hội chợ triển lãm trong nước, hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - Viet Nam Expo Hà Nội, hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh; vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại 04 hội chợ. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử Hải Dương” thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2018.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 9 năm 2018 ước đạt 3.749 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,5%; tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm ước đạt 32.190 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo loại hình kinh tế, 9 tháng đầu năm kinh tế cá thể đạt 20.229 tỷ đồng, chiếm 62,8% và tăng 11,0% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 11.339 tỷ đồng, chiếm 35,2% và tăng 13,8%; các khu vực kinh tế còn lại (nhà nước, tập thể và FDI) đạt 622 tỷ đồng, chiếm 1,9%, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá quý I đạt 10.323 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11,5% (giảm 0,4% so với cùng kỳ của 9 tháng); quý II đạt 10.552 tỷ đồng, tăng 11,7% (giảm 0,2% so với cùng kỳ của 9 tháng và tăng 0,2% so với tốc độ tăng của quý I); quý 3 đạt 11.122 tỷ đồng, tăng 12,5% (tăng 0,6% so với cùng kỳ của 9 tháng và tăng so với tốc độ tăng của quý I là 1,0%, quý II là 0,8%). Dự ước cả năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 43.579 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước.

5.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 766 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước; tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm ước đạt 6.318 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo loại hình kinh tế; kinh tế cá thể đạt 4.253 tỷ đồng, chiếm 67,3% và tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 1.620 tỷ đồng, chiếm 25,6% và tăng 7,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 319 tỷ đồng, chiếm 5,0% và tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 218 tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng số và tăng 8,4% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 2.463 tỷ đồng, chiếm 39,0% và tăng 8,0%; dịch vụ khác đạt 3.605 tỷ đồng, chiếm 57,1%, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý I đạt 2.093 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 9,1% (tăng 1,5% so với cùng kỳ của 9 tháng); quý II đạt 2.107 tỷ đồng, tăng 6,6% (giảm 1,0% so với cùng kỳ của 9 tháng và 2,5% so với tốc độ tăng của quý I); quý 3 đạt 2.156 tỷ đồng, tăng 9,0% (tăng 1,4% so với cùng kỳ của 9 tháng và giảm 0,1% so với tốc độ tăng của quý I, tăng 2,4% so với tốc độ tăng của quý II). Dự ước năm 2018, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 8.601 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước.

5.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 9 ước đạt 697 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 4,5%; trong đó, vận tải hành khách đạt 122 tỷ đồng, tăng 0,5%; vận tải hàng hoá đạt 527 tỷ đồng tăng 5,9%.

Doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 5.903 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vận tải hành khách đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 11,5%; vận tải hàng hoá đạt 4.424 tỷ đồng, tăng 10,6%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 409 tỷ đồng, tăng 9,9%.

Doanh thu quý I đạt 1.889 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 10,7% (giảm 0,1% so với cùng kỳ của 9 tháng); quý II đạt 1.984 tỷ đồng, tăng 10,0% (giảm 0,8% so với cùng kỳ của 9 tháng và 0,7% so với tốc độ tăng của quý I); quý 3 đạt 2030 tỷ đồng, tăng 11,6% (tăng 0,8% so với cùng kỳ của 9 tháng; 0,9% so với tốc độ tăng của quý I, 1,6% so với tốc độ tăng của quý II). Dự ước năm 2018, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 8.043 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 9 năm 2018 ước đạt 2,1 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 1,3%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 144 triệu hành khách.km, tăng 6,9% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm khối lượng hành khách vận chuyển đạt 19,5 triệu hành khách, so với cùng kỳ tăng 11,1%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.169,7 triệu hành khách.km, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 9 ước đạt 6,1 triệu tấn, so với tháng trước tăng 2,8%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 428 triệu tấn.km, tăng 5,5% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 54 triệu tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 3.749,9 triệu tấn.km, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Công tác quản lý thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý thuế, truy thu nợ thuế. Thu ngân sách ước chín tháng đầu năm đạt khá so với dự toán và so với cùngkỳnăm trước; tổng thu ngân sách nhà nướctrên địa bàn tỉnh ước đạt 11.498 tỷ 695 triệu đồng, bằng 79,1% dự toán năm (tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó: thu nội địa ước đạt 9.313 tỷ đồng, bằng 82,2% dự toán năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu tăng khá như: các khoản thu về nhà, đất tăng 68,4%, Thu từ khu vực DNNN trung ương tăng 32,5%... Tuy nhiên, một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong thu nội địa đạt thấp so với dự toán như: thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 69,1% dự toán, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 66,2% dự toán.

Ngân sách địa phương đã bảo đảm được các khoản chi thường xuyên, chi bảo đảm an sinh xã hội và một số khoản chi khác theo kế hoạch. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương chín tháng ước đạt 8.550 tỷ 381 triệu đồng, bằng 79,4% dự toán năm, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 1.676 tỷ 269 triệu đồng, bằng 113,3% dự toán năm, chi thường xuyên 6.368 tỷ 537 triệu đồng, bằng 75,5% dự toán năm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

7. Tín dụng, ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, các TCTD đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với những đối tượng ưu tiên theo quy định; đồng thời tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh, lãi suất ưu đãi, với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường. Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 6,0-8,5%/năm với ngắn hạn và từ 8,5-10%/năm với trung, dài hạn; lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, trung dài hạn phổ biến từ mức 5-6,5%/năm.

Ước đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn huy động 97.200 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 11,4% so với cuối năm 2017; tổng dư nợ tín dụng 70.400 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ và 7,9% so với cuối năm 2017, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 34.800 tỷ đồng, tăng 10,3% và 5,6%, xây dựng nông thôn mới 24.150 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2017, DNNVV 16.200 tỷ đồng, tăng 1,6% và 1,1%. Đề án phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ 17.650 tỷ đồng, tăng 9,2% và 7,1%, dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 3.096 tỷ đồng, tăng 8,8% và 7,4%. Nợ xấu chiếm khoảng 1,6% tổng dư nợ.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Tổng điều tradân số và nhà ở năm 2019

Thực hiện theo quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh đã thành lập đầy đủ Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; hiện nay Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện, xã đang tiến hành công tác vẽ sơ đồ nền các xã, phường, thị trấn và phân chia địa bàn điều tra.

2. Văn hóa, thể thao

Văn hóa;Tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, mừng Đảng, mừng xuân, đặc biệt là Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc; phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và chương trình Tết sum vầy 2018.

Tổ chức chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường tại di tích đền thờ nhà giáo Chu Văn An, di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc; tổ chức kiểm kê di sản văn hóa Hát Ca trù tỉnh Hải Dương năm 2018 tại 5 huyện và thành phố Hải Dương. Hướng dẫn thực hiện áp dụng thử nghiệm Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích. Tiếp tục quan tâm công tác tôn tạo, trùng tu, nâng cấp các khu, điểm di tích trên địa bàn tỉnh.

Thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” theo hướng dẫn của BCĐ trung ương. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", hoạt động TDTT quần chúng tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, ngành trong toàn tỉnh đã tổ chức, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức tốt Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh và chuẩn bị tốt lực lượng tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.

Xây dựng Đề án hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh, Tạp chí Văn hóa thể thao & Du lịch, Trung tâm nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn thành Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh.

Thể thao;Ngày 24/8, tại Nhà Thi đấu TDTT tỉnh diễn ra Hội thi Thể thao Khối Thi đua Văn hóa – Xã hội tỉnh Hải Dương năm 2018. Hội thi thể thao lần này cósự tham dự của hơn 100 VĐV là những cán bộ, công chức viên chức, người lao độn; các VĐV thi đấu ở 3 môn: cầu lông, bóng bàn và kéo co. Trong đó, môn cầu lông có 2 nội dung đôi nam và đôi nữ.

Ngày 7/9, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt tuyên dương các huấn luyện viên, vận động viên Hải Dương tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) năm 2018. Đoàn thể thao Việt Nam giành được 4 huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 18 huy chương đồng, xếp thứ 16; Hải Dương có 1 huấn luyện viên và 12 vận động viên thi đấu tham gia thi đấu.

3. Y tế

Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế. Hoạt động khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến TW được triển khai áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh được triển khai áp dụng tại tuyến huyện.

Tiếp tục thực hiện tốt Đề án xây dựng Tiêu chí quốc gia về Y tế xã, đến nay toàn tỉnh có 230/265 (đạt 86,6%) xã đạt tiêu chí quốc gia về Y tế, dự kiến cuối năm toàn tỉnh 2018 đạt trên 90%. Thực hiện các biện pháp khống chế mất cân bằng giới tính khi sinh, tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số giới tính khi sinh chưa có chuyển biến tích cực.

4. Giáo dục

Tỉnh đã tổ chức tốt việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019; kỳ thi PTTH quốc gia năm 2018. Công tác phổ cập giáo dục được các cấp, các ngành và Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. 100% xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc tự kiểm tra theo đúng kế hoạch.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018, tỉnh có 65/98 học sinh dự thi đạt giải, đạt tỷ lệ 66,3%, với 2 giải Nhất, 10 giải Nhì, 26 giải Ba và 27 giải Khuyến khích; có 01 học sinh được tham dự Olympic Quốc tế môn Sinh học tại Iran.

Công tác phân luồng học sinh có những chuyển biến tích cực, việc định hướng, chọn lựa nghề nghiệp của học sinh ngày càng gắn với thực tế. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư hơn và đạt kết quả tốt. Tích cực triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 theo Kế hoạch, nhiều trung tâm Anh ngữ được mở tại địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ phong phú của nhân dân.

Hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề, Trung tâm dạy nghề. Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã ổn định và tiếp tục hoạt động theo Kế hoạch. Chỉ đạo thực hiện hướng dẫn các địa phương trong tỉnh làm đề án thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

5. Lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội

Trong 9 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm mới cho 26.300 lao động. Thị trường lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, đã tổ chức 56 phiên giao dịch việc làm, tổ chức giới thiệu việc làm cho 4.665 người lao động, đạt tỉ lệ 204,2% so với cùng kỳ 2017.

Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 32.592 triệu đồng, thu hút 780 dự án, hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho 780 lao động đạt 150,8% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện tốt công tác dạy nghề, tuyển mới được 30.323 người. Công nhận tốt nghiệp cho 24.457 người. Kiểm tra việc thực hiện Pháp luật Lao động tại 20 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, đôn đốc các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại về Pháp luật Lao động sau kiểm tra.

Tổ chức đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công và người cao tuổi tiêu biểu, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em vùng sâu, vùng xa và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Tích cực vận động, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết nguyên đán 2018. Ban hành Kế hoạch tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; xây dựng và triển khai kế hoạch điều dưỡng người có công và thân nhân năm 2018, thực hiện tốt chế độ điều dưỡng tại gia đình đối với người có công và thân nhân theo quy định.

6. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh và đôn đốc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đông dân cư. Đôn đốc các cơ sở lắp đặt và vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, đến nay có 10 trạm quan trắc môi trường nước thải, 03 trạm quan trắc khí thải tự động. Triển khai thực hiện Quy định quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng Chín, cơ quan chức năng đã phát hiện 9 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 9 vụ với tổng số tiền phạt 336 triệu đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm đã phát hiện 217 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 217 vụ với tổng số tiền phạt 2.459 triệu đồng.

7. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ;trong tháng Chín, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, nổ nào thiệt hại ước tính 7 triệu đồng. Tính chung 9 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, nổ thiệt hại ước tính 2.504 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông;trong tháng Tám, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông làm chết 10 người, bị thương 07 người. Tám tháng năm 2018 xảy ra 134 vụ tai nạn giao thông, làm chết 130 người, bị thương 78 người; so với cùng kỳ năm 2017, tai nạn giao thông tăng 31 vụ (30,1%), tăng 25 người chết (23,8%) và tăng 2 người bị thương (3%)./.


Cục Thống kê Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 1080
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)