Với sự cố gắng phấn đấu của toàn Đảng bộ, nhân dân và các doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,6% so với năm 2018 (KH năm tăng trên 8,5%); Thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư tăng khá so với năm 2018.
|
I. Kinh tế
1. Tăng trưởng kinh tế
Trên cơ sở số liệu ước tính được Tổng cục Thống kê công bố, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá 2010) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp thứ 2 (năm 2015 – 8,2%) trong vòng 5 năm trở lại đây, cao hơn bình quân cả nước (ước tăng gần 7,0%); thấp hơn một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) giảm 3,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,9% (công nghiệp +12,2%, xây dựng +10,1%); dịch vụ tăng 6,7%.
Đóng góp vào tăng trưởng chung 8,6%, nhóm ngành NLTS làm giảm 0,3 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 6,7 điểm% (trong đó, công nghiệp đóng góp 6,1 điểm%, xây dựng đóng góp 0,6 điểm%); dịch vụ đóng góp 2,2 điểm%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; cơ cấu kinh tế ước đạt 8,8% - 59,7% - 31,5% (năm 2018 là 9,9% - 57,3% - 32,8%).
Ngành NLTS năm 2018 tăng trưởng cao (+5,9%) nên đóng góp làm tăng GRDP 0,7 điểm%; tuy nhiên năm 2019 ước giảm 3,1% đã kéo “lùi” tăng trưởng của tỉnh xuống 0,3 điểm%. Đây là nguyên nhân chính làm cho GRDP của tỉnh tăng thấp hơn năm trước 0,7 điểm% (NLTS làm giảm 1 điểm%); nguyên nhân do giá trị, sản lượng cây lúa, cây vải giảm, chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Ngành công nghiệp, xây dựng của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 13,5%, đó là nhờ sự đóng góp chủ lực của các ngành sản xuất sản phẩm điện tử; ngành sản xuất trang phục; ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng... Ngành xây dựng vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng 10,1%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
2.1. Sản xuất nông nghiệp
Cây hàng năm; Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2019 của tỉnh đạt 155.592 ha, giảm 1,1% (-1.808 ha) so với năm 2018; trong đó, vụ đông xuân năm 2019 đạt 88.854 ha, giảm 0,8% (-728 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông tăng 214 ha, vụ chiêm xuân giảm 942 ha); vụ mùa giảm 1,6% (-1.080 ha). Trong tổng diện tích gieo trồng năm 2019, diện tích vụ đông 21.384 ha, chiếm 13,7%; vụ chiêm xuân 67.470 ha, chiếm 43,4% ; mùa mùa 66.738 ha, chiếm 42,9%.
Một số cây chủ lực có diện tích gieo trồng lớn như lúa là cây trồng chính trong nhóm cây hàng năm, diện tích lúa đạt 114.887 ha, chiếm 73,8% tổng diện tích gieo trồng; giảm 1,3% (-1.521 ha) so với năm 2018 (diện tích lúa năm 2018 đạt 116.408 ha); diện tích ngô 3.589 ha, chiếm 2,3%, giảm 7,5% (- 291 ha); cải các loại 3.599 ha, chiếm 2,3%, giảm 12,6% (-519ha), hành củ 5.758 ha, chiếm 3,7%, tăng 11,7% (+603ha),… so với năm 2018.
Về năng suất lúa bình quân cả năm sơ bộ đạt 59,62 tạ/ha, giảm 1,8% (-0,74 tạ/ha); ngô 61,18 tạ/ha, tăng 5,5% (+3,2 tạ/ha), rau các loại 232,56 tạ/ha, giảm 0,9% (-2,02 tạ/ha)… so với năm 2018. Năm 2019, năng suất của hầu hết cây rau đều thấp hơn so với năm 2018, chủ yếu là giảm ở vụ Đông xuân như: dưa hấu (-2,09 tạ/ha), cà rốt (-19,03 tạ/ha), hành củ tươi (-9,4 tạ/ha), mủa (-3,85 tạ/ha), củ đậu (-34,39 tạ/ha),...Bên cạnh đó một số loại rau lấy củ cho năng suất cao hơn năm 2018 như: dưa chuột, bí xanh, cải các loại, rau muống,...
Sản lượng rau các loại năm 2019 sơ bộ đạt 704.368 tấn, giảm 0,3% (-2.105 tấn). Sản lượng rau các loại giảm chủ yếu do năng suất rau ở vụ Đông xuân giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Cây lâu năm; tổng diện tích trồng cây lâu năm sơ bộ đạt 22.033 ha, tăng 0,8% (+165 ha) so với cùng kỳ năm 2018. Trong tổng diện tích trồng cây lâu năm, diện tích trồng cây ăn quả sơ bộ đạt 21.349 ha, chiếm 96,9% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh; diện tích cây lâu năm khác sơ bộ đạt 465 ha, chiếm 2,1%, các cây lâu năm còn lại là cây lấy dầu, diện tích cây gia vị, dược liệu và cây chè búp chiếm tỷ trọng nhỏ.
Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, theo kết quả điều tra diện tích, sản lượng vải năm 2019 cho thấy diện tích cây vải năm 2019 đạt 9.781 ha, giảm 3,8% (- 391 ha) so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân diện tích trồng vải giảm so với cùng kỳ năm 2018 là do một vài năm gần đây, năng suất vải thiều đạt thấp, một số diện tích vải thiều kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị hơn như: cam đường canh, na, ổi, mít,... Bên cạnh đó, do hiệu quả kinh tế cây vải mang lại không cao; sản phẩm thu hoạch thường tập trung trong thời gian ngắn; mặt khác sản phẩm khó bảo quản, giá bán bấp bênh không ổn định. Tình trạng “được mùa mất giá” thường xảy ra đối với sản phẩm vải thiều do thị trường tiêu thụ không ổn định. Sản lượng vải thiều năm 2019 là 24.236 tấn, giảm 63,4% so với năm 2018, nguyên nhân chủ yếu do năng suất thu hoạch giảm 40,1 tạ/ha (-61,7% so với năm 2018).
Chăn nuôi; năm 2019, chăn nuôi gia cầm tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khá, nhất là đàn gà, thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán thịt gia cầm ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Nhưng bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn đạt thấp do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện từ tháng 02/2019 ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh đã làm cho nhiều hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh bị chết và bị tiêu hủy. Hiện tại nguồn cung lợn thịt hơi đang khan hiếm cục bộ do số lượng lợn chết và tiêu hủy quá lớn.
Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra, đàn trâu, bò có xu hướng tăng. Thời điểm 31/12/2019, đàn trâu trên địa bàn tỉnh ước 4.350 con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018; Số con trâu xuất chuồng năm 2019 ước đạt 1.835 con, tăng 4,9%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước 519 tấn, tăng 6,0% so với năm 2018. Đàn bò ước 21.600 con, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018; số con bò xuất chuồng năm 2019 ước 8.900 con tăng 9,6%, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước 1.834 tấn, tăng 10,9% so với năm 2018. Nguyên nhân đàn trâu, bò tăng là do nhu cầu tiêu thụ thịt trâu bò trên thị trường tăng do sản lượng thịt lợn hơi giảm mạnh, nên nhiều hộ mở rông qui mô nuôi trâu bò.
Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/12 ước 250.000 con chiếm 92,1% tổng đàn giảm 48,2% (-232.639 con) so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 63,0% (96.634 con) so với thời điểm 01/10/2019; Số con lợn thịt xuất chuồng cả năm 2019 ước 587.757 con, giảm 46,4% (-509.725 con), sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 53.661 tấn, giảm 43,5% (-41.272 tấn) so với năm 2018. Đàn lợn giảm sâu là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện từ tháng 02/2019 ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh đã làm cho nhiều hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh bị chết và bị tiêu hủy. Hiện tại nguồn cung lợn thịt hơi đang khan hiếm do số lượng lợn chết và tiêu hủy quá lớn; giá thịt lợn hơi xuất chuồng quá cao 85.000-90.000 đồng/kg (gần gấp đôi 6 tháng đầu năm).
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước tính 12.932 nghìn con tăng 7,9% (+949,6 nghìn con) so với thời điểm 01/01/2019, trong đó đàn gà ước 9.908 nghìn con, tăng 8% (+731 nghìn con). Nguyên nhân đàn gà tăng so với cùng kỳ năm trước là do các hộ chăn nuôi đã làm tốt công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường nên bệnh dịch không xảy ra, đàn gà được duy trì và phát triển tốt.
Số con gà xuất chuồng năm 2019 ước 18.043 nghìn con, tăng 20,2% (+3.037,2 nghìn con) so với năm 2018. Sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước 36.299,9 tấn, tăng 23,8% (+6.979 tấn). Sản lượng trứng gà năm 2019 ước 149.338,6 nghìn quả, giảm 1,4% (-2.075,1 nghìn quả), trong đó trứng gà công nghiệp ước 93.158,6 nghìn quả, chiếm 62,3% tổng sản lượng trứng gà, giảm 0,4% (-336,7 nghìn quả) so với năm 2018.
2.2. Sản xuất lâm nghiệp
Năm 2019, phong trào trồng rừng và chăm sóc nuôi dưỡng rừng trên địa bàn luôn được duy trì và phát triển bền vững, diện tích rừng được trồng mới trong năm sơ bộ 89 ha, trong đó rừng phòng hộ trồng mới 11 ha, còn lại chủ yếu là diện tích rừng trồng sản xuất đã được khai thác năm 2018. Công tác bảo vệ phát triển rừng trong những năm qua luôn được các cấp, các ngành quan tâm và chú trọng thực hiện, toàn tỉnh sơ bộ có 549 ha diện tích rừng trồng được chăm sóc, so với năm 2018 tăng 30 ha; trong đó, rừng trồng được chăm sóc khu vực nhà nước là 113 ha, còn lại là diện tích rừng trồng cây keo thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể. Do nhà nước không cấp kinh phí cho hoạt động khoanh nuôi tái sinh rừng nên diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh năm 2019 không phát sinh. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ sơ bộ là 5.965 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Sơ bộ năm 2019, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán sơ bộ là 3.231 m3, tăng 4,6% so với năm 2018; sản lượng khai thác củi sơ bộ là 45.897 ster, so với năm 2018 tăng 2,7%. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán.
2.3. Sản xuất thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác năm 2019 sơ bộ 1.711 tấn, giảm 1,6% (-28 tấn) so với năm 2018; trong đó, cá là 1.117 tấn giảm 3,8% (-27 tấn), tôm 68 tấn, giảm 2,9% (-2 tấn), thuỷ sản khác 526 tấn tăng 0,2% (+1 tấn) so với năm 2018. Nguyên nhân sản lượng cá khai thác giảm là do nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, một số diện tích mặt nước tự nhiên bị ô nhiễm làm thủy sản tự nhiên sinh trưởng kém, phương tiện đánh bắt không được nâng cấp, năng suất đánh bắt giảm dẫn đến sản lượng thủy sản khai thác giảm. Sản lượng khai thác thủy sản khác tăng 0,2%, chủ yếu tăng ở sản lượng khai thác rươi, nguyên nhân do hoạt động khoanh vùng bảo vệ, khai thác rươi mang lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm gần đây nên nhiều hộ đầu tư mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ khai thác.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng năm 2019 sơ bộ 78.417 tấn, tăng 8,8% (+6.359 tấn) so với năm 2018. Nguyên nhân sản lượng thủy sản tăng là do diễn biến thời tiết trong năm tương đối thuận lợi, công tác phòng trừ dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả nên thủy sản phát triển tốt, người dân đã có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống cấp thoát nước thuận lợi. Hầu hết diện tích nuôi trồng được nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, cho năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cao. Mặt khác, nuôi thủy sản lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2018, UBND tỉnh có chủ trương khuyến khích phát triển phương thức nuôi thủy sản lồng bè; nhiều hộ đã đầu tư mở rộng qui mô nuôi và chuyển đổi sang nuôi những loài cá có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao như cá trắm, cá chép.., áp dụng biện pháp kỹ thuật trong việc nuôi cá lồng, làm cho năng suất, sản lượng trong nuôi cá lồng tăng cao so với năm 2018.
Trong tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, sản lượng cá nuôi mặt nước sơ bộ là 67.260 tấn, chiếm tỷ trọng 85,8% và tăng 3,4% (+2.212 tấn) so với năm 2018. Sản lượng cá tăng và chiếm tỷ trọng chủ yếu do cá là loài thủy sản truyền thống dễ nuôi và phổ biến. Hiện nay, người dân chủ yếu tập trung đầu tư nuôi các loài cá có chất lượng, năng suất cao như: cá trắm, cá chép, cá rô phi…
3. Sản xuất công nghiệp
Năm 2019, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
3.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Ước tháng 12 so với tháng trước, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 3,0% và tăng ở hầu hết các ngành. Nguyên nhân là do tháng cuối năm các doanh nghiệp tiếp tục gấp rút đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Trong nhóm ngành chính, công nghiệp khai khoáng tăng 3,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 4,7%.
Ước tháng 12 so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tháng 12 ước tăng 9,0%; trong đó, ngành khai khoáng giảm 18,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 5,8%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 2,8%.
Quý III, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đóng góp vào mức tăng chung cụ thể như sau: ngành khai khoáng tăng 9,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 30,1%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 14,2%.
Sang quý IV, bên cạnh việc môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ nét, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực tham gia phong trào "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được lượng sản xuất tăng ổn định. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh quý IV ước tăng 8,0% trong đó đa số các ngành đều có chỉ số tăng cụ thể: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 10,8%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 1,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 10,9%.
Tính chung cả năm 2019, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan với mức tăng 10,2%, trong đó tác động của từng nhóm ngành đến mức tăng chung cụ thể như sau: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 7,4%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 12,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%.
Nguyên nhân đối với ngành khai khoáng, sản lượng đá khai thác giảm do nhiều vùng nguyên liệu hết hạn, giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng trong khi đó nhu cầu thị trường trầm thấp hơn những năm trước do hiện nay trên địa bàn tỉnh ít công trình xây dựng lớn.
Với các sản phẩm có lượng sản xuất tăng như: bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 17,6%; áo phông (T- shirt), áo may ô và các loại áo khác tăng 8,4%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 21,9%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 28,0%; sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công tăng 4,1%; đinh, đinh mũ, ghim, vít, then, đai ốc,.. tăng 18,8%; mạch điện tử tích hợp tăng 18,7%; micro và các linh kiện của chúng tăng 31,8%; …
Tuy nhiên vẫn còn một số sản phẩm có lượng sản xuất giảm, cụ thể: thức ăn chăn nuôi do bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch tả lợn châu Phi làm cho lượng sản xuất giảm 8,0%; ngoài ra còn một số sản phẩm khác giảm như: máy kết hợp từ hai chức năng trở lên: in, quét, coppy... giảm 2,7%; xe có động cơ chở được 5 người trở lên giảm 20,9%; ….
3.2. Chỉ số tiêu thụ
So với tháng trước, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tháng 12 năm 2019 tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ, tính chung cả năm 2019 tăng 10,8%. Trong đó nhiều ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: dệt tăng 47,3%; sản xuất trang phục tăng 9,4%; sản xuất da và các sản phẩm da có liên quan tăng 21,9%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 10,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 23,0%; sản xuất kim loại tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 19,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 6,7%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 2,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 7,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 60,4%...
3.3. Chỉ số tồn kho
Chỉ số tồn kho tại thời điềm 01/12/2019 giảm 23,0% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số tồn kho giảm là: sản xuất đồ uống giảm 58,9%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 22,0%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 9,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học giảm 15,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,7%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 20,7%...
Các ngành có chỉ số tồn kho tăng là: dệt tăng 58,6% do có một doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô sản xuất (nhà xưởng công ty Best Pacific tại Cẩm Giàng); sản xuất trang phục tăng 1,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 1,4%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 21,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plactic tăng 40,3%; sản xuất kim loại tăng 28,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,9%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 90,4% (cũng do có thêm một dự án FDI về sản xuất đồ chơi đi vào sản xuất đại trà), sản xuất thiết bị điện tăng 17,9%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 43,8%...
3.4. Chỉ số sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2019 tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 3,6% so với cùng kỳ, tính chung 11 tháng đầu năm tăng 3,0%. Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng như: dệt tăng 21,5%; sản xuất trang phục tăng 3,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,0%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 0,2%; in sao chép bản ghi các loại tăng 4,0%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 5,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 27,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,2%; thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải chế phế liệu tăng 3,6% ..
4. Tình hình phát triển doanh nghiệp
Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022; tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ước cả năm 2019 thành lập mới được khoảng 1.900 doanh nghiệp, đạt 76% kế hoạch (trong đó có khoảng 100 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, đạt 9% kế hoạch); giải thể 160 doanh nghiệp.
Tổ chức các Hội nghị gặp mặt đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ khởi nghiệp trong thanh niên của tỉnh giai đoạn 2019 - 2025.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước; đôn đốc hoàn thiện thủ tục cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh.Tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 06 doanh nghiệp theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020.
5. Hoạt động đầu tư
5.1 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Phân bổ kịp thời vốn đầu tư công cho các công trình, dự án và hỗ trợ cho các Chương trình, đề án. Triển khai một số dự án giao thông kết nối với một số tỉnh, thành phố trong vùng. Tập trung đôn đốc triển khai một số công trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình chuyển tiếp, các dự án khởi công mới.
Ước tháng 12, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 304 tỷ đồng, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 179 tỷ đồng, tăng 267,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 110 tỷ đồng, giảm 3,7%; vốn ngân sách cấp xã đạt 15 tỷ đồng, tăng 131,4%.
Thực hiện quý III, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 533 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 287 tỷ đồng, tăng 29,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 212 tỷ đồng, giảm 38,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 34 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Ước tính quý IV, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 852 tỷ đồng, tăng 62,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 502 tỷ đồng, tăng 198,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 307 tỷ đồng, giảm 8,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 43 tỷ đồng, tăng 115,6%.
Tính chung cả năm 2019, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.170 tỷ đồng, tăng 73,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 846 tỷ đồng, giảm 3,0%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 134 tỷ đồng, tăng 41,5%.
5.2 Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn
Thực hiện quý III, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 15.271 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước: trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.345 tỷ đồng, giảm 3,4%; vốn ngoài nhà nước đạt 8.008 tỷ đồng, tăng 5,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.918 tỷ đồng, tăng 16,0%.
Ước tính quý IV, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 12.506 tỷ đồng, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm trước: trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.606 tỷ đồng, tăng 27,4%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.190 tỷ đồng, tăng 10,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.710 tỷ đồng, tăng 34,2%.
Tính chung că năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 46.923 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước: trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 5.192 tỷ đồng, tăng 12,6%; vốn ngoài nhà nước đạt 27.045 tỷ đồng, tăng 8,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 14.686 tỷ đồng, tăng 24,3%.
5.3. Thu hút đầu tư
Với việc tổ chức tốt Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2019, các ý kiến, kiến nghị đã được UBND tỉnh tiếp thu và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần làm cho thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Về thu hút đầu tư trong nước, Từ đầu năm đến nay, đã chấp thuận đầu tư cho192 dự án trong nước ngoài khu công nghiệp (gồm: 128 dự án mới và 64 dự án điều chỉnh), tổng số vốn đầu tư thu hút khoảng 10.764,6 tỷ đồng, thu hồi 23 dự án.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Từ đầu năm đến nay đãthu hút được808,3 triệu USD tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó cấp mới cho 65dự án với số vốn đăng ký461,1triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 30lượt dự án với số vốn tăng thêm 362,2triệu USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 700 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 451 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 8.382,4 triệu USD.
Cùng với sự gia tăng trong việc thu hút đầu tư năm 2019, tình hình giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Hầu hết các dự án sau khi được cấp đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục tục đất đai, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng nhà máy. Trong năm 2019 có trên 40 dự án triển khai và đã hoàn thành đầu tư, đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
6. Thương mại, giá cả, dịch vụ
6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 12 năm 2019 ước đạt khoảng 4.639 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước; tăng 19,4% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng; nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất đạt 1.617 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối trong tổng số, đạt 720 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 609 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước;....
Trong quý III, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 12.707 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó; phân theo mặt hàng; nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 18,1%; hàng may mặc đạt 720 tỷ đồng, tăng 7,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.659 tỷ đồng, tăng 11,0%; vật phẩm văn hóa, giáo dục đạt 153 tỷ đồng, tăng 4,8%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 13,3% so; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) đạt 360 tỷ đồng, tăng 13,7%;....
Ước quý IV, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 13.622 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó; phân theo mặt hàng; nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.734 tỷ đồng, tăng 21,1%; hàng may mặc đạt 781 tỷ đồng, tăng 15,0%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.784 tỷ đồng, tăng 12,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục đạt 167 tỷ đồng, tăng 16,8%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.124 tỷ đồng, tăng 19,9% so; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) đạt 373 tỷ đồng, tăng 11,7%;....
Tính chung cả năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 49.579 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,9%.
Phân theo mặt hàng; nhóm lương thực, thực phẩm là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 34,5% trong tổng số và đạt 17.095 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 15,1% trong tổng số, đạt 7.479 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 6.609 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm trước;....
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tổ chức tốt Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2019, ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của một số địa phương. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử Hải Dương” thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
6.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 ước đạt 790 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó; dịch vụ lưu trú đạt 30 tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 340 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ; dịch vụ khác đạt 419 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý III đạt 2.353 tỷ đồng; tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó; dịch vụ lưu trú đạt 87 tỷ đồng, 14,5% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 999 tỷ đồng, tăng 11,4%; dịch vụ khác đạt 1.236tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý IV ước đạt 2.369 tỷ đồng; tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó; dịch vụ lưu trú đạt 91 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 12,3%; dịch vụ khác đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2019, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 9.123 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ; loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7%.
Phân theo ngành kinh tế; dịch vụ lưu trú đạt 333 tỷ đồng, chiếm 3,6% trong tổng số và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 3.971 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng số và tăng 10,5%; dịch vụ khác đạt 4.806 tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng số, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tiếp tục hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Hải Dương với một số tỉnh, thành phố. Toàn tỉnh ước đón và phục vụ khoảng 4.295 nghìn lượt khách tăng 8,7%, Doanh thu du lịch ước đạt 1.980tỷ đồng, tăng10% so với cùng kỳ năm trước.
6.3. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 12 ước đạt 939 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,6%, tăng 12,7% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 120 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,9%, so với cùng kỳ tăng 11,4%; vận tải hàng hoá đạt 730 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 13,1% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 89 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải quý III đạt 2.595 tỷ đồng, 9,8%; trong đó, vận tải hành khách đạt 348 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 14,1%; vận tải hàng hoá đạt 1.992 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 252 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Ước quý IV, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 2.769 tỷ đồng, tăng 9,8%; trong đó, vận tải hành khách đạt 348 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ vận tải hàng hoá 5.156 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 262 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Ước tính cả năm 2019, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 10.373 tỷ đồng, tăng 9,6% (loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%); trong đó, vận tải hành khách đạt 1.367 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11,4%; vận tải hàng hoá đạt 8.005 tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 990 tỷ đồng, tăng 3,2%.
Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 12 ước đạt 3,0 triệu hành khách, so với tháng trước tăng 1,7% và tăng 7,0% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 149 triệu hành khách.km, tăng 1,3 so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ. Cả năm 2019 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 34,8 triệu hành khách, so với cùng kỳ tăng 10,0%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.475 triệu hành khách.km tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 ước đạt 13,7 triệu tấn, so với tháng trước tăng 1,1% và tăng 11,2% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 843 triệu tấn.km, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ. Cả năm 2019 khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 141,6 triệu tấn, so với cùng năm trước tăng 9,8%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 9.305 triệu tấn.km, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước.
6.4. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Giá trị hàng hóa xuất khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 7.596 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 89,3% về giá trị.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 7.264 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
6.5 Thị trường giá cả
Trong tháng cuối cùng (dương lịch) của năm 2019, chỉ còn một tháng nữa là đón tết cổ truyền của dân tộc, tình hình giá cả thị trường vẫn tiếp tục theo xu hướng tăng, với mức tăng cao hơn tháng trước. Nhóm hàng có xu hướng tăng cao vẫn là các nhóm thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn tăng cao do nguồn cung thiếu hụt, kéo theo một số một số mặt hàng như giò, chả, thịt gia cầm tươi sống, thủy hải sản chế biến, thủy hải sản tươi sống.. cũng tăng theo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,32% so với tháng trước; tăng 7,18% so với tháng 12 năm trước; bình quân năm 2019 tăng 3,39% so với bình quân cùng kỳ năm trước. So với tháng trước khu nông thôn tăng cao hơn khu khu vực thành thị, mức tăng cao hơn chủ yếu là mặt hàng thịt lợn và mặt hàng liên quan đến thịt lợn, cụ thể: khu vực thành thị tăng 0,79% và khu vực nông thôn tăng 1,51%.
Nguyên nhân làm cho CPI tháng 12 năm nay tăng chủ do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu phi đã mất đi nguồn thực phẩm lớn nên hiện nay giá thịt lợn tăng cao, tăng bình quân 20-30.000 đồng/kg tùy từng loại do giá lợn hơi tăng tương ứng.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, hầu hết các nhóm đều tăng so với tháng trước như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,51%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,20%;Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Giao thông tăng 0,62%; Văn hóa, giải trí, và du lịch tăng 0,74% và Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,37%, riêng nhóm hàng nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,01% so với tháng trước.
7. Hoạt động tài chính, ngân hàng
Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay cơ bản giữ ổn định trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2019, ước tổng nguồn vốn huy động ước đạt 116.186 tỷ (tăng 16,6% so với năm 2018). Tổng dư nợ tín dụng 80.627 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Nợ xấu 869,4 tỷ đồng chiếm 1,07% tổng dư nợ.
8. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 19.231 tỷ đồng, tăng 12,4% so với thực hiện năm 2018 (Ngân sách địa phương được hưởng 14.175 tỷ đồng); trong đó:
Thu nội địa: Ước đạt 15.481 tỷ đồng, bằng 128,3% dự toán (tương ứng tăng 3.419 tỷ đồng), tăng 12,9% so với thực hiện năm 2018, bao gồm:
- Thu tiền sử dụng đất ước đạt 4.100 tỷ đồng (tăng 2.700 tỷ đồng)
- Thu xổ số kiến thiết ước đạt 40 tỷ đồng (bằng dự toán)
- Thu thường xuyên ước đạt 11.341 tỷ đồng (tăng 719 tỷ đồng)
Thu huy động đóng góp: ước đạt 50 tỷ đồng.
Thu qua hải quan: Ước đạt 3.700 tỷ đồng, bằng 131,2% dự toán (tương ứng tăng 880 tỷ đồng), bằng 111,4% so với thực hiện năm 2018.
Về chi NSNN, tổng chi cân đối ngân sách địa phương, ước đạt 17.427 tỷ đồng, bằng 145,4% dự toán năm chủ yếu tăng chi do kinh phí chuyển nguồn từ năm 2018 sang và nguồn tăng thu tiền sử dụng đất ngân sách ngân sách huyện, xã, thu thường xuyên năm 2019 ngân sách cấp huyện, xã; kinh phí ngân sách trung ương bổ sung.
Chi đầu tư phát triển ước đạt 5.792 tỷ đồng, bằng 265,5% dự toán năm. Nguyên nhân tăng chi các cấp ngân sách là do chuyển số dư tạm ứng chuyển nguồn sang thực thanh toán là 221 tỷ đồng, số dư dự toán đầu tư XDCB của các cấp ngân sách và chi từ số tăng thu tiền đất, số dư dự toán đầu tư XDCB của các cấp ngân sách và chi từ số tăng thu tiền đất năm 2018 dành cho đầu tư chuyển nguồn sang là 1.369 tỷ đồng, từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2019: 2.700 tỷ đồng; từ tăng thu thường xuyên năm 2019 của ngân sách huyện, xã để chi đầu tư dự kiến: 47 tỷ đồng, chi từ nguồn huy động đóng góp 50 tỷ đồng.
Chi thường xuyên ước đạt 11.593 tỷ đồng, bằng 131,5% so với dự toán. Nguyên nhân tăng chi tại các sự nghiệp chủ yếu do bổ sung tăng lương theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ là 162,2 tỷ đồng và các nhiệm vụ chi của các đơn vị chuyển tiếp từ năm trước sang.
II. Một số vấn đề xã hội
1.Văn hóa, thể thao
Văn hóa; Công tác bảo tồn văn hóa, tôn tạo, trùng tu, nâng cấp các khu, điểm di tích được tích cực thực hiện; tiếp tục đầu tư tôn tạo di tích chùa Côn Sơn; triển khai khảo sát và lập danh mục đề nghị tu bổ cấp thiết, chống xuống cấp 17 di tích, 26 di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh, 02 di tích đề nghị xếp hạng quốc gia. Hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ di tích chùa Ngũ Đài, thành phố Chí Linh. Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Đền - Đình Sượt, thành phố Hải Dương. Lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của tỉnh như lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc; Lễ hội Văn hóa Du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019; Vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam năm 2019; lễ hội văn hóa gắn với công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại 1; Ngày hội xuống nước tỉnh Hải Dương năm 2019.
Thể thao; Chiều 12/12, Ban Tổ chức Giải việt dã Báo Hải Dương họp triển khai kế hoạch tổ chức Lễ phát động Ngày chạy Olympic và Giải việt dã Báo Hải Dương mở rộng lần thứ 28 năm 2019 - "Cùng Natrumax chạy vì sức khỏe cộng đồng". Giải sẽ diễn ra tại công viên Bạch Đằng (TP Hải Dương) vào ngày 21/12, với khoảng 1.200 - 1.300 người thuộc các khối đại biểu, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, sinh viên, học sinh, vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao, các đoàn VĐV, trọng tài. Tại giải năm nay, các VĐV tranh tài ở 2 nội dung là chạy phong trào và chạy nâng cao. VĐV các huyện, thị xã, thành phố, 2 ngành công an, quân đội và các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia chạy phong trào. VĐV các tỉnh, thành phố tham gia chạy nâng cao. Năm nay, giải có nhà tài trợ mới là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu sữa và Dinh dưỡng quốc tế Natrumax.
2. Y tế
Thời tiết thay đổi thất thường, các loại virus gây bệnh phát triển mạnh kéo theo nguy cơ bệnh dịch có thể bùng phát, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người cao tuổi như: cảm cúm, viêm phổi, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng...Theo Bệnh viện Phổi, trung bình mỗi ngày trong tháng tiếp đón 125 bệnh nhân đến khám (chủ yếu là người cao tuổi, tăng gần 40% so với thông thường), Bệnh viện Nhi có gần 190 trẻ, (tăng 25%) chủ yếu là bệnh liên quan hô hấp, tiêu hóa và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Công tác phòng chống dịch bệnh đã và đang được ngành y tế tăng cường, chỉ đạo phòng chống các bệnh truyền nhiễm theo mùa, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch sát với tình hình thực tế địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP trong các đơn vị, tại các bếp ăn trong trường học; theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh; có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.
Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng chống bệnh dịch cho người dân và cộng đồng, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế, hoạt động khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến TW được triển khai áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 79 gói kỹ thuật từ tuyến Trung ương ở nhiều lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa và cận lâm sàng, nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh cũng được triển khai áp dụng tại tuyến huyện.
3. Giáo dục
Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019; tổ chức tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 và tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững; Số lượng học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc (tăng 5 giải nhất). Làm tốt công tác chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục dục phổ thông mới.
Thực hiện Đề án “Tổ chức, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2019-2021”, đến nay, đã thực hiện sáp nhập 72 trường mầm non, tiểu học, THCS để thành lập mới 36 trường, giảm 36 được trường so với năm học trước. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục tăng. Tổ chức xét tuyển giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh.
Tiếp tục triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020”; các trường đào tạo nghề, trung tâm hướng nghiệp dậy nghề tiếp tục thông tin, phối hợp với các tổ chức sử dụng lao động, gắn đào tạo, hướng nghiệp dậy nghề với nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
4. Lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội
Trong năm 2019 ước giải quyết việc làm mới cho 35.700 lao động, đạt 100,6% kế hoạch, xuất khẩu lao động được 4.320 người, đạt 100,4% kế hoạch năm 2019. Thị trường lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, đã thu hút sự góp mặt của 1.217 đơn vị với số lao động được tuyển dụng là 3.939 người. Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 39.432 triệu đồng, với 955 dự án và tạo việc làm cho 970 lao động được vay vốn.
Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, đã có 501 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những tồn tại về pháp luật lao động sau kiểm tra.
Tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng; triển khai các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội .... Tích cực vận động, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tặng quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Nguyên đán 2019. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo và tặng quà Tết cho các hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,9% (giảm 0,63% so với 2018; KH giảm 1%); Hộ cận nghèo còn 2,77% (giảm 0,43% so với 2018; KH giảm 0,5%).
Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2019 đạt 87,6%.
5. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức kiểm tra, quản lý nguồn thải ra sông Bắc Hưng Hải; kiểm soát nguồn gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các huyện xây dựng và thực hiện phương án thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn. Xây dựng và triển khai Đề án quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh lắp đặt và quản lý vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động. Tổ chức kiểm tra 48 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2019.
Trong tháng 12, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 vụ vi phạm môi trường, chủ yếu là khai thác cát trái phép, đã xử lý 7 vụ, số tiền xử phạt là 215,2 triệu đồng. Cộng dồn cả năm đã phát hiện 134 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó xử lý 121 vụ với tổng số tiền phạt 2.285 triệu đồng.
6. Trật tự an toàn xã hội
Quản lý chặt chẽ đối tượng, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối; phòng chống trấn áp tội phạm, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, trộm cắp.
Về tai nạn cháy, nổ; trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, nổ làm 02 người chết, 03 người bị thương, ước giá trị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Cả năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy, nổ làm chết 04 người, bị thương 03 người, thiệt hại ước tính 202.774 triệu đồng.
Về tai nạn giao thông; tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 4 người. Mười một tháng năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 206 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 193 người, bị thương 93 người; so với cùng kỳ năm 2018, TNGT tăng 9 vụ (4,6%), tăng 17 người chết (9,7%) và tăng 5 người bị thương (6,0%).
* * *
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 tiếp tục ổn định và phát triển, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, sản xuất công nghiệp có mức tăng khá cao, xuất khẩu, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, thu ngân sách hoàn thành và vượt dự toán năm. Các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Nghị quyết Chính phủ tiếp tục được chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa thể thao có nhiều bước tiến bộ.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương năm 2019 còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, sản xuất nông nghiệp giảm, còn một số chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu không đạt kế hoạch như: Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GRDP ; tốc độ tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu; số doanh nghiệp đăng ký mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế./.