Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/08/2021-15:42:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Hải Dương

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông nghiệp trong tỉnh ổn định, nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc lúa và thu hoạch cây rau mầu vụ mùa, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

1.1. Trồng trọt

Tính đến hết tháng 8 tổng diện tích gieo cấy lúa vụ mùa toàn tỉnh ước đạt 55.200 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,3% (-701 ha); gieo trồng được gần 6.000 ha cây rau các loại, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, cơ bản các địa phương đã gieo cấy xong diện tích lúa vụ mùa, hầu hết diện tích lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Thời tiết trong tháng khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.

Về tình hình sâu bệnh: Diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn là gần 1.000 ha; sâu cuốn lá nhỏ trên 2.000 ha; bị chuột gây hại trên 300 ha.

Hiện nay, nông dân đang tích cực chăm sóc, thu hoạch cây rau hè thu để chuẩn bị tiến hành gieo trồng cây vụ đông sớm. Rau màu hè thu năm nay sinh trưởng, phát triển tương đối thuận lợi. Một số diện tích cây rau mầu đã cho thu hoạch, nhìn chung năng suất tương đương so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh ổn định, không phát sinh dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tuy nhiên, giá bán xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã tác động không nhỏ đến việc tái đàn.

Ước tại thời điểm 31/8/2021, đàn trâu đạt 5.500 con, tăng 12,0%, đàn bò 15.700 con, giảm 5,5%; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 8 tháng 1.804 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 604 tấn, tăng 8,5%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 1.200 tấn giảm 3%).

Chăn nuôi lợn đang phục hồi khá hiệu quả. Chăn nuôi lợn với quy mô lớn trong các doanh nghiệp, trang trại cho hiệu quả kinh tế cao do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc tái đàn do nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao và tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại. Tại thời điểm 31/8/2021 đàn lợn ước đạt 240.000 con, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8 tháng đạt 36.077 tấn, tăng 13,7%.

Về đàn gia cầm, do chăn nuôi lợn khôi phục chậm, nhiều hộ trang trại, gia trại chuyển sang nuôi gà để duy trì quy mô chuồng trại đã xây dựng, nên đàn gia cầm tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Ước tại thời điểm 31/8/2021 tổng đàn gia cầm đạt 14.986 nghìn con, tăng 5,3%; trong đó đàn gà 11.448 nghìn con tăng 7,2%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 8 tháng 39.627 tấn, tăng 9,8%; sản lượng trứng 384.101 nghìn quả, tăng 14,8%, trong đó trứng gà 135.125 nghìn quả, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm năm trước.

1.3. Thủy sản

Trong tháng 8, sản xuất thủy sản tương đối ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Diễn biến thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi, nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nên các loài cá phát triển tốt, cho năng suất cao.

Phương thức nuôi thủy sản lồng bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao vẫn được duy trì và phát triển như trắm giòn, chép giòn, cá lăng, cá rô phi đơn tính...

2. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 8, dịch Covid - 19 đã bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh, một số ổ dịch có liên quan đến khu, cụm công nghiệp; nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng và giảm so với tháng trước.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số doanh nghiệp, xưởng sản xuất phải tạm ngừng hoạt động từ 3 đến 7 ngày; một số dây chuyền sản xuất thiếu công nhân do người lao động sinh sống trong các khu phong toả, khu cách ly y tế, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nửa đầu tháng 8. Vì vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 ước giảm 4,1% so với tháng trước. Ngành sản xuất trang phục và ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu linh kiện ô tô) là các ngành chịu tác động nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch đầu tháng 8, so với tháng trước lần lượt giảm 7% và 13%.

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 17,8%; trong đó, tăng chủ yếu do ngành sản xuất và phân phối điện (+110,4%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (+9,3%). Ảnh hưởng của dịch bệnh làm tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của các tháng trước (tháng 6: +20,6%; tháng 7: +14,7%; tháng 8: +9,3%). Ngành sản xuất và phân phối điện không chịu tác động của dịch bệnh, đồng thời nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đang dần hoạt động ổn định nên có mức tăng trưởng cao, tháng sau cao hơn tháng trước (tháng 6: +47,1%; tháng 7: +71,6%; tháng 8: +110,4%).

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp ước tăng 11,3% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 39,3% vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp. Mặc dù tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo đang có xu hướng chậm lại nhưng tốc độ tăng hiện nay (+8%) vẫn cao gấp nhiều lần tăng trưởng công nghiệp của năm 2020 (+1,4%). Ngược lại, ngành sản xuất và phân phối điện đang sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa do đóng góp của nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương.

Chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng năm 2021

(so với cùng kỳ năm trước - %)

CHUNG

Trong đó:

Chế biến

chế tạo

SX và phân phối điện,

nước nóng

Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải

Tháng 01

109,7

108,0

126,8

101,9

Tháng 02

69,1

64,3

103,9

94,8

Tháng 3

99,7

98,6

107,3

104,2

Tháng 4

128,7

127,7

140,3

95,5

Tháng 5

116,5

116,3

120,4

103,2

Tháng 6

123,7

120,6

147,1

102,7

Tháng 7

120,5

114,7

171,6

105,1

Ước tháng 8

117,8

109,3

210,4

102,7

Tính chung 8 tháng

111,3

108,0

139,3

101,3

Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao trong 8 tháng đầu năm như: Quần áo người lớn tăng 7,5%; than cốc và bán than cốc luyện từ đá tăng 20,0%; sắt, thép các loại tăng 19,5%; micro và các linh kiện của chúng tăng 9,5%; xe ô tô từ 5 người trở lên tăng 176,2%; điện sản xuất tăng 43,6%...

Các ngành: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất thiết bị điện vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2021 tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 2,3% so với cùng kỳ, tính chung 8 tháng đầu năm giảm 1,8%.

Một số ngành có chỉ số sử dụng lao động 8 tháng đầu năm giảm sâu là khai khoáng khác (-20,5%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-19,1%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (-14,5%); thoát nước và xử lý nước thải (-11,9%)...

Các ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng là sản xuất, chế biến thực phẩm (+3,8%); sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (+15,9%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+4,7%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+13,4%); sản xuất xe có động cơ (+1,1%)....

3. Hoạt động đầu tư

Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy giải ngân nhanh nguồnvốn nàycó ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác. Đây là tiền đề để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch, vừa tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, người lao động vừa góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chậm, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 45,2% so với kế hoạch.

Ước tháng 8, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 316,4 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 110,0 tỷ đồng, giảm 31,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 181,1 tỷ đồng, tăng 13,1%; vốn ngân sách cấp xã đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 12,5%.

Tính chung 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.605 tỷ đồng, bằng 45,2% kế hoạch năm, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 626 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm, giảm 19,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 845 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch năm, tăng 17,3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 134 tỷ đồng, bằng 65,2% kế hoạch năm, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách

do địa phương quản lý

8T.2020

8T.2021

8T.2021 8T.2020

(Tỷ đồng)

(Tỷ đồng)

(%)

Tổng số

1.604

1.605

100,1

Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh

764

626

81,9

Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện

720

845

117,3

Vốn ngân sách nhà nước cấp xã

120

134

111,9

Một số dự án lớn đang triển khai thực hiện như: Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương (tổng mức đầu tư 1.175 tỷ đồng); Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" (tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng); Xây dựng đường trục Đông - Tây, tỉnh Hải Dương (tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng); Xây dựng khối nhà Khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng); Đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh (tổng mức đầu tư 715 tỷ đồng).

4. Thương mại, dịch vụ

Do tình hình dịch bệnh bùng phát, hoạt động thương mại, dịch vụ đều bị ảnh hưởng, đặc biệt các ngành dịch vụ ăn uống, vận tải, vui chơi, giải trí, du lịch… song các ngành kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 5.152 tỷ đồng, giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 40.722 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 8 ước đạt 4.433 tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 34.985 tỷ đồng, tăng 6,4%.

Phân theo mặt hàng, nhóm lương thực, thực phẩm đạt là nhóm chiếm cơ cấu lớn nhất với 38,8% trong tổng số và đạt 13.575 tỷ đồng, tăng 10,9%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 5.163 tỷ đồng, tăng 1,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 4.909 tỷ đồng, tăng 11,3%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 8 ước đạt 719 tỷ đồng, giảm 5,2% so với tháng trước và giảm 2,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng ước đạt 5.737 tỷ đồng, giảm 2,3%.

Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 65 tỷ đồng, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 1.774 tỷ đồng, giảm 16,5%; dịch vụ khác đạt 3.897 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 8 ước đạt 743 tỷ đồng, giảm 4,0% so với tháng trước, giảm 3,9% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 72 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 16,9%, so với cùng kỳ giảm 13,2%; vận tải hàng hoá đạt 616 tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 55 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 5.153 tỷ đồng, giảm 8,2% (loại trừ yếu tố giá giảm 10,1%) so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 624 tỷ đồng, giảm 15,4%; vận tải hàng hoá đạt 4.320 tỷ đồng, giảm 6,8%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 399 tỷ đồng, giảm 11,1%.

5. Chỉ số giá

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,18% so với tháng trước; tăng 1,84% so với tháng 12 năm trước; bình quân 8 tháng đầu năm giảm 0,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 cao hơn so với tháng trước, chủ yếu là do nhóm lương thực tăng 0,45%; nhóm thực phẩm tăng 0,15%; nhóm giá nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,73%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%...

Giá vàng bình quân tháng 8 giảm 1,13% (-59 ngàn đồng/chỉ) so với tháng trước; giá Đô la Mỹ tháng 8 giảm nhẹ 0,44% và (-10 ngàn đồng/USD)so với tháng trước.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 8 ước 806 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 11.722 tỷ đồng, đạt 90,2% kế hoạch năm, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 9.958 tỷ đồng, đạt 90,6% kế hoạch năm, tăng 30,1%; thu qua Hải quan đạt 1.764 tỷ, tăng 51,8%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 477 tỷ đồng, bằng 94,8% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 2.387 tỷ đồng, tăng 35,1%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.565 tỷ đồng, tăng 52,0%; thu thuế thu nhập cá nhân 657 tỷ đồng, tăng 6,5%; các khoản thu về nhà, đất 3.192 tỷ đồng, tăng 28,0%.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến hết ngày 15/8 ước đạt 10.130 tỷ đồng, bằng 96,3% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.147 tỷ đồng, bằng 97,4%; chi thường xuyên đạt 6.957 tỷ đồng, bằng 95,7%.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Lãi suất huy động VND tiếp tục duy trì ở mức thấp, đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 3,0-3,6%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3,7-4,7%/năm; riêng với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tiếp tục giảm 0,1%/năm, còn từ 5,5%/năm.

Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 5,5-10%/năm đối với ngắn hạn và từ 7-11%/năm đối với trung dài hạn. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,5-4,4%/năm, trung dài hạn phổ biến ở mức 5-6,5%/năm.

Công tác huy động vốn: Ước tính đến 31/8, tổng nguồn vốn huy động 147.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2020 và tăng 0,8% so với tháng trước; trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng giảm 33,2% và tăng 1,7%; tiền gửi bằng Đồng Việt Nam tăng 4,3% và 0,8%.

Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng thời điểm 31/8 ước đạt 97.200 tỷ đồng, tăng 7,6% so với 31/12/2020 và tăng 0,6% so với tháng trước; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 8,7% và 0,5%; dư nợ trung dài hạn tăng 5,2% và 0,8%; dư nợ cho vay ngoại tệ tăng 17,3% và 4,4%.

Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến 15/8/2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu nợ cho 814 khách hàng, dư nợ 2.334 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 54.652 khách hàng, dư nợ 65.856 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn, giảm là 5 tỷ đồng; cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 là 40.307 tỷ đồng. Riêng ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hải Dương đã gia hạn nợ cho 1.135 khách hàng, số dư nợ 50 tỷ; cho vay mới 5 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 là 0,5 tỷ.

Công tác thanh toán, tiền tệ - kho quỹ: Chủ động điều hòa, đảm bảo cơ cấu các loại tiền chi ra lưu thông; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, đảm bảo an toàn kho quỹ. Thực hiện tốt vai trò trung gian thanh toán giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn; chuyển tiền đi, đến kịp thời, chính xác, an toàn; giải quyết kịp thời vướng mắc trong thanh toán của các đơn vị thành viên. Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1.Văn hóa, thể thao

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách để phòng chống dịch. Vì vậy, trong tháng không có hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức.

2. Y tế

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhằm kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid - 19 tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu người dân không tụ tập tổ chức ăn uống đông người; tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid tại các hiệu thuốc bán lẻ trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ người ra vào tại các chốt kiểm dịch,người đi về từ tỉnh ngoài, vùng có dịch, thiết lập, quản lý, giám sát khu cách ly, phong tỏa... Ở những vùng có dịch, tạm dừng hoạt động một số ngành dịch vụ không thiết yếu, dừng các cuộc họp chưa cần thiết tại cơ quan đơn vị, bố trí làm việc trực tuyến hoặc đến cơ quan đơn vị không quá 50% số người trong một phòng, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm: Sớm hơn một bước, cao hơn một cấp.

Trong đợt dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4/2021 cho đến nay (hết 24/8/2021) tỉnh Hải Dương đã có 172 trường hợp mắc Covid-19, trong đó nhiều nhất vẫn là TP Hải Dương 55 ca; huyện Gia Lộc 46 ca, huyện Nam Sách 43 ca huyện Kim Thành 14 ca; số còn lại nằm rải rác ở các huyện trong tỉnh.

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine ngừa covid-19 cho người dân trong tỉnh, từ 8/3/2021 đến ngày 16/8/2021, toàn tỉnh đã tiêm cho 132.571 người, trong đó 48.595 người đã hoàn thành tiêm 2 mũi.

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật bản, sởi... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện nghiêm công tác giám sát, điều tra dịch tễ khi có ca nghi mắc đầu tiên, các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ và cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

3. Giáo dục

Tháng 8, ngành Giáo Dục của tỉnh đã hoàn thành công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021; hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp,

Để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức tập huấn theo hình thức online cho đội ngũ giáo viên về đổi mới nội dung hình thức, phương pháp dạy học; chỉ đạo các trường chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất đầy đủ, an toàn, đảm bảo chất lượng năm học.

Kế hoạch khai giảng năm học mới cũng được chuẩn bị với nhiều phương án khác nhau tùy theo diễn biến của dịch. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định các trường sẽ tổ chức khai giảng trực tiếp, còn trường hợp dịch diễn biến phức tạp các trường sẽ tổ chức khai giảng gián tiếp (online).

4. Bảo vệ môi trường

Tháng 8, trên địa bàn tỉnh phát hiện 30 vụ vi phạm môi trường, xử lý 34 vụ (04 vụ từ các tháng trước), các vụ vi phạm chủ yếu do đổ rác thải, xả nước thải, khói trái phép gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 831,7 triệu đồng. Trong đó điển hình là công ty TNHH Fuji Selko Việt Nam bị xử phạt 344 triệu đồng, Công ty CP BB Sun Việt Nam bị xử phạt 302,2 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng.

Tính chung 8 tháng đầu năm đã phát hiện 171 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý 167 vụ với tổng số tiền phạt 2.172 triệu đồng.

5. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ: Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy, cụ thể: 01 vụ xảy ra tại huyện Bình Giang, không gây thiệt hại về người, nhưng giá trị thiệt hại trên 600 triệu đồng; 01 vụ cháy kho chứa nguyên liệu của Công ty TNHH Vật liệu giày An Dương ở cụm công nghiệp Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, không gây thiệt hại về người, thiệt hại tài sản ước khoảng 20 tỷ đồng; 01 vụ cháy xe chở hàng container trên quốc lộ 5 đoạn qua phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, vụ cháy không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.

Tính chung 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy nổ, làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại khoảng 24.910 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 07 người, làm 08 người bị thương.

Tính chung 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 98 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 78 người, làm bị thương 44 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 68 vụ (-41%), giảm 58 người chết (-42.6%) và giảm 23 người bị thương (-34%)./.


Cục Thống kê Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 494
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)