Trong quý III, bức tranh kinh tế toàn cầu đã không đạt được như kỳ vọng do diến biến phức tạp của đại dịch và việc triển khai tiêm phòng vắc-xin không đồng đều. Các dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế Thế giới và khu vực Đông Nam Á cả năm 2021 nhìn chung đều thấp hơn so với các dự báo được công bố trong nửa đầu năm nay.
Trong nước, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp ở các tỉnh phía Nam ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đều “thấp” hơn các nhận định trước đó; cụ thể: Ngân hàng Thế giới (WB) ước 4,8% (giảm 1,8 điểm%); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước 3,8% (giảm 2,9 điểm%).
Trong bối cảnh đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương cũng chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Từ đầu năm 2021, Tỉnh đã có 03 đợt bùng phát dịch bệnh; đợt dịch thứ nhất (từ 27/01 đến 18/3) đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán nên ảnh hưởng khá lớn đến hầu hết các ngành, lĩnh vực; các đợt dịch thứ 2 (từ 27/4 đến 10/6) và thứ 3 (từ 27/7 đến 25/9) đều được kiểm soát tốt nên ít ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, riêng các hoạt động dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng lớn do các biện pháp giãn cách xã hội. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh trong quý I giảm 3% nhưng trong quý II và quý III đều tăng trưởng rất cao (trên 12%). Ước tính tăng trưởng GRDP của tỉnh Hải Dương trong 9 tháng đầu năm đạt trên 7%; khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng (trên 8%) là có thể thực hiện được.
I. KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt 59,0 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khá do làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, phương thức nuôi lồng bè tiếp tục được mở rộng.
1.1 Trồng trọt
Cây hàng năm; diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân năm 2021 đạt 87.668 ha, giảm 0,33% (-290 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông tăng 509 ha, vụ chiêm xuân giảm 799 ha). Năng suất lúa chiêm xuân đạt 65,63 tạ/ha, tăng 4,03% (+2,54 tạ/ha); năng suất một số loại cây rau chủ lực vụ đông xuân đều cao hơn so với vụ đông xuân năm trước (chủ yếu tăng ở vụ đông).
Diện tích gieo trồng vụ mùa toàn tỉnh ước đạt 65.060 ha, giảm 1,1% (-704 ha) so với vụ mùa năm trước; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 56.200 ha, chiếm 86,4%, giảm 1,3%. Diện tích gieo trồng vụ mùa giảm (740 ha) chủ yếu do giảm diện tích gieo cấy lúa (-703 ha); một số diện tích được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở, phát triển các cụm công nghiệp.
Cây lúa là cây trồng chủ lực trong vụ mùa, diện tích gieo trồng chiếm 84,8% tổng diện tích gieo trồng, dự kiến năng suất đạt 59,0 tạ/ha, tăng 1,6% (+0,9 tạ/ha). Đến 15/9/2021, cơ bản diện tích trà mùa trung đã trỗ bông và đang vào trắc, dự kiến cho thu hoạch vào cuối tháng 9.
Cây lâu năm; tổng diện tích trồng cây lâu năm 9 tháng ước đạt 22.200 ha, tăng 0,4% (+80 ha); trong đó, diện tích trồng cây ăn quả 21.410 ha, chiếm 96,5%, tăng 75 ha. Cây vải là cây lâu năm trọng điểm, diện tích ước đạt 9.050 ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng một số cây ăn quả chính đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020 như: xoài 3.285 tấn, tăng 2,5%; chuối 50.000 tấn, tăng 3,6%; ổi trên 45.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ; riêng sản lượng vải ước đạt 55.000 tấn, tăng 27,88% (+11.990 tấn).
1.2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm cơ bản ổn định: Đàn trâu, đàn lợn và đàn gia cầm phát triển tốt, riêng đàn bò giảm so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước đạt 92.330 tấn (+14.157 tấn) tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng thịt lợn và thịt gia cầm đều tăng cao (lần lượt tăng 18,3% và 18,6%).
Đàn trâu tại thời điểm 01/10/2021 ước đạt 5.544 con, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 699 tấn, tăng 13,8%.
Đàn bò có xu hướng giảm do hình thức chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Tổng đàn bò ước đạt 15.550 con, giảm 4,4%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 1.364 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lợn: Việc tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả. Tổng đàn lợn thịt (không bao gồm lợn con chưa tách mẹ) tại thời điểm 01/10/2021 ước đạt 283.000 con, tăng 27,4%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 41.727 tấn, tăng 18,3%.
Gia cầm: Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.315 nghìn con tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 48.540 tấn, tăng 18,6%; sản lượng trứng ước đạt 430.516 nghìn quả, tăng 23,6%. Đàn gia cầm đang được duy trì tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khá, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả nên không có dịch bệnh xảy ra.
1.3. Lâm nghiệp
Trong 9 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh ước đạt 91 ha, tương đương so với năm 2020, trong đó chủ yếu là diện tích rừng trồng cây keo, bạch đàn thuộc rừng sản xuất của khu vực hộ cá thể; diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt gần 300 ha, tăng 30 ha. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 3.000 ha, chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Ước tính 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 8.468 m3, giảm trước 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Củi khai thác chủ yếu là chặt cành, làm cỏ, phát quang và tận dụng thu gom khi khai thác gỗ của cây trồng phân tán. Các sản phẩm lâm sản khác như tre, nhựa thông, măng tươi, mộc nhĩ… biến động không lớn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp.
1.4. Thủy sản
Sản xuất thủy sản tương đối ổn định và đạt kết quả khá. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước đạt 67.926 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng cá 67.857 tấn, tăng 5,4%. Phương thức nuôi trồng thủy sản lồng bè được duy trì và phát triển khá. Sản lượng cá lồng 9 tháng ước đạt trên 13.167 tấn chiếm 19,4% sản lượng cá nuôi trồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản lượng cá lồng ước tăng mạnh là do thời tiết tương đối thuận lợi, lưu lượng dòng chảy ổn định tạo điều kiện tốt cho cá phát triển, không phát sinh dịch bệnh.
Sản lượng khai thác thủy sản nội địa 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.224 tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng cá khai thác ước đạt 822 tấn giảm 1,2%.
2. Sản xuất công nghiệp
Trong quý III và 9 tháng đầu năm, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh nhưng bằng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả, tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng kiểm soát tốt được dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục khởi sắc.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Ước tháng 9, sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 7,8% so với tháng trước và tăng 185,6% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô và sản xuất điện là đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng công nghiệp trong tháng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng năm 2021
(so với cùng kỳ năm trước - %)
|
CHUNG
|
Trong đó:
|
Chế biến
chế tạo
|
SX và phân phối điện,
nước nóng
|
Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải
|
Tháng 01
|
109,7
|
108,0
|
126,8
|
101,9
|
Tháng 02
|
69,1
|
64,3
|
103,9
|
94,8
|
Tháng 3
|
99,7
|
98,6
|
107,3
|
104,2
|
Tháng 4
|
128,7
|
127,7
|
140,3
|
95,5
|
Tháng 5
|
116,5
|
116,3
|
120,4
|
103,2
|
Tháng 6
|
123,7
|
120,6
|
147,1
|
102,7
|
Tháng 7
|
120,5
|
114,7
|
171,6
|
105,1
|
Tháng 8
|
115,9
|
109,2
|
189,3
|
103,9
|
Ước tháng 9
|
114,4
|
107,6
|
185,6
|
102,9
|
Tính chung 9 tháng
|
111,5
|
107,9
|
141,9
|
101,6
|
Ước thực hiện quý III, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 16,9% so với cùng kỳ (tăng 2,1% so với quý II); đồng thời, quý II cũng tăng 22,8% so với cùng kỳ; nên tính chung 9 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng 11,5%. Bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi, một số dự án lớn mới đi vào hoạt động như: Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương; Dự án mở rộng sản xuất xe ô tô của Ford Việt Nam; Dự án mở rộng, nâng công suất sản xuất thép, than cốc và nhiệt điện trong khu liên hợp gang thép Hoà Phát; Dự án mở rộng sản xuất (phụ tùng ô tô) của công ty TNHH Kefico Việt Nam... giúp sản xuất công nghiệp tăng mạnh.
Một số ngành sản xuất chủ lực của Tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng cao:
- Ngành sản xuất và phân phối điện, quý III tăng 81,4% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm tăng 41,9%, trong đó điện sản xuất tăng 46,9%.
- Ngành sản xuất xe có động cơ quý III tăng 21,8% so với cùng kỳ, 9 tháng đầu năm tăng 19,7%, trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên chưa được phân vào đâu tăng 194,9%, bộ dây điện cho xe có động cơ tăng 5,4%.
- Ngành sản xuất kim loại quý III tăng 19,2% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm tăng 17,7%, trong đó sản phẩm sắt thép các loại tăng 20,4%.
- Ngành sản xuất than cốc quý III bằng tăng 16,9% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm đạt tăng 18,8%...
Bên cạnh đó, cũng có còn nhiều ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng chậm lại như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-8,0%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sp quang học (-7,4%); thiết bị điện (-15,6%); sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị (-9,6%).
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 dự ước bằng 100,5% so với tháng trước, bằng 102,6% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là sản xuất, chế biến thực phẩm bằng 105,2%; dệt bằng 106,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất bằng 101,8%; sản xuất kim loại bằng 3,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 117,9%; sản xuất thiết bị điện bằng 107,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác bằng 106,6%...
Các ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm là: khai khoáng khác (-32,7%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-14,5%); sản xuất máy móc, thiết bị (-27,8%), sản xuất giường, tủ, bàn ghế (-14,5%)...
3. Hoạt động đầu tư
3.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Ước tháng 9, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 388,5 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 114,5 tỷ đồng, giảm 40,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 249,7 tỷ đồng, tăng 34,8%; vốn ngân sách cấp xã đạt 24,3 tỷ đồng, tăng 4,8%.
Ước tính quý III, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.003 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc thực thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 53,4% so với kế hoạch năm 2021. Dịch Covid-19 tiếp tục là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bêncạnh đó, còn do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, do thay đổi quy hoạch của địa phương nên một số dự án đến nay chưa giải ngân. Một số dự án chậm tiến độ còn do các hoạt động nhập khẩu trang thiết bị, hoạt động cần sự tham gia của tư vấn nước ngoài không thực hiện được.
3.2. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn
Thực hiện quý II, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 11.580 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.190 tỷ đồng, giảm 15,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.475 tỷ đồng, tăng 3,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.915 tỷ đồng, giảm 0,3%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn
|
9T.2020
|
9T.2021
|
9T.2021 9T.2020
|
|
(Tỷ đồng)
|
(Tỷ đồng)
|
(%)
|
Tổng số
|
37.497
|
34.401
|
91,7
|
Vốn nhà nước trên địa bàn
|
4.171
|
3.283
|
78,7
|
Vốn ngoài nhà nước
|
21.185
|
20.009
|
94,4
|
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
12.140
|
11.109
|
91,5
|
Ước quý III, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 14.409 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 1.463 tỷ đồng, giảm 18,7%; vốn ngoài nhà nước đạt 7.513 tỷ đồng, giảm 11,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5.432 tỷ đồng, giảm 8,7%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 34.401 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước đạt 3.283 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 20.009 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11.109 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
3.3. Thu hút đầu tư
Đầu tư trong nước, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 101 dự án (56 dự án mới và 45 dự án điều chỉnh), với tổng vốn đầu tư 4.943 tỷ đồng, bằng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (16.273 tỷ đồng). Thu hồi chấm dứt hoạt động 03 dự án. Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành mới 1.023 doanh nghiệp (bằng 88,8% so với cùng kỳ trước), với tổng vốn đăng ký 13 nghìn tỷ đồng. Giải thể 390 doanh nghiệp, hoạt động trở lại 491 doanh nghiệp.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 288,7 triệu USD bằng 64,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cấp mới cho 14 dự án với số vốn đăng ký 102,9 triệu USD (10 dự án ngoài KCN với số vốn đăng ký 80,9 triệu USD, 04 dự án trong KCN với số vốn đăng ký 22 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn đầu tư 37 lượt dự án, với số vốn tăng thêm 178,3 triệu USD (07 lượt dự án ngoài KCN với số vốn tăng thêm là 11 triệu USD, 30 lượt dự án trong KCN với số vốn tăng thêm là 167,3 triệu USD); 20 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị góp vốn 7,5 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Hiện nay, một số dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn tạm dừng chưa được hoạt động như dịch vụ Karaoke; mát-xa, quán bar, vũ trường; quán game internet, bi-a; rạp chiếu phim, bể bơi dịch vụ… Vì vậy, hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại vẫn đảm bảo thông suốt ngay cả trong các đợt cao điểm phòng, chống dịch; do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng ước đạt 48.688 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước.
4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 9 ước đạt 5.947 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,9% và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ước quý III, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 5.491 tỷ đồng, tăng 5,1%; nhóm ô tô các loại đạt 3.088 tỷ đồng, tăng 8,0%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.914 tỷ đồng, tăng 10,0%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.902 tỷ đồng, giảm 8,0%;...
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 42.166 tỷ đồng tăng 6,5% so với cùng kỳ. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm chiếm cơ cấu lớn nhất với 36,9% trong tổng số và đạt 15.575 tỷ đồng, tăng 10,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng cũng chiếm cơ cấu tương đối với 13,7% trong tổng số, đạt 5.789 tỷ đồng, tăng 0,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 5.581 tỷ đồng, tăng 11,0%.
4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 791 tỷ đồng, tăng 11,0% so với tháng trước, giảm 7,9% so với cùng kỳ.
Ước quý III, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 2.262 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ lưu trú đạt 24 tỷ đồng, giảm 38,8%; dịch vụ ăn uống đạt 666 tỷ đồng, giảm 25,5%; dịch vụ khác đạt 1.571 tỷ đồng, tăng 3,3%. Đây là quý giảm sâu nhất kể từ đầu năm. Đại dịch Covid-19 đã mang lại thách thức chưa từng có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với vận tải hành khách, các cơ sở du lịch, nhà hàng, khách sạn hầu hết đã rơi vào tình trạng “ngủ đông”.
Tính chung 9 tháng, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 6.522 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: dịch vụ lưu trú đạt 72 tỷ đồng, giảm 38,8% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 1.988 tỷ đồng, giảm 19,1%; dịch vụ khác đạt 4.460 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
4.3. Vận tải
Doanh thu vận tải tháng 9 ước đạt 817 tỷ đồng, tăng 7,6% so với tháng trước, giảm 0,1% so với tháng trước, giảm 7,9% so với cùng kỳ.
Ước quý III, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 2.358 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ; trong đó: vận tải hành khách đạt 249 tỷ đồng, giảm 15,7%; vận tải hàng hoá đạt 1.945 tỷ đồng, giảm 0,7%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 161 tỷ đồng, giảm 3,6%.
Ước tính 9 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đạt 6.183 tỷ đồng, giảm 7,0% so với cùng kỳ năm trước; loại trừ yếu tố giá giảm 10,1%.
Doanh thu vận tải hành khách đạt 707 tỷ đồng, giảm 15,4%; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 16,7 triệu hành khách, giảm 20,4%; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 653 triệu hành khách.km giảm 21,9%.
Doanh thu vận tải hàng hoá đạt 5.019 tỷ đồng, giảm 5,2%; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 78,3 triệu tấn, giảm 10,8%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 5.388 triệu tấn.km, giảm 11,0%.
5. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm 1,31% so với tháng trước; tăng 0,49% so với tháng 12 năm trước; bình quân 9 tháng đầu năm giảm 0,16% so với bình quân cùng kỳ. Nguyên nhân làm cho chỉ số giá tháng 9 giảm so với tháng trước chủ yếu là do nhóm thực phẩm giảm 2,76%; nhóm giá nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 3,50%;... so với tháng trước.
Giá vàng tháng 9 tăng 0,04% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng 9 là 5.156 ngàn đồng/chỉ, tăng 2 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; giá Đô la Mỹ tháng 9 có xu hướng giảm, với mức giảm nhẹ 0,57% và giảm 132 đồng/USD so với tháng trước.
6. Hoạt động tài chính, ngân hàng
6.1. Thu, chi ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 9 ước 648 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 13.004 tỷ đồng, đạt 100,0% kế hoạch năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 11.017 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm, tăng 10,8%; thu qua Hải quan đạt 1.986 tỷ, đạt 99,3% kế hoạch, tăng 15,7%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 514 tỷ đồng, bằng 75,7% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 2.781 tỷ đồng, tăng 26,6%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 1.671 tỷ đồng, tăng 19,7%; thu thuế thu nhập cá nhân 717 tỷ đồng, tăng 0,7%; các khoản thu về nhà, đất 3.581 tỷ đồng, tăng 3,9%.
Tổng chi ngân sách nhà nước đến hết ngày 15/9 ước đạt 11.566 tỷ đồng, bằng 94,8% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.649 tỷ đồng, bằng 89,7%; chi thường xuyên đạt 7.888 tỷ đồng, bằng 97,3%.
6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động ngân hàng bảo đảm liên tục, không bị gián đoạn do giãn cách, cách ly xã hội. Nguồn vốn huy động tăng trưởng chậm so với cùng kỳ các năm trước, ước đến cuối tháng 9 đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 8% so với 31/12/2020 và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Dư nợ tín dụng ước đạt 98.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với với 31/12/2020 và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, được tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nợ xấu khoảng 970 tỷ đồng, chiếm 0,98% tổng dư nợ tín dụng.
Ước đến ngày 30/9/2021, dư nợ tín dụng hộ nghèo và đối tượng chính sách đạt 3.734 tỷ đồng, tăng 4,4% so với 31/12/2020 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Công tác phòng, chống dịch Covid-19
Trong 9 tháng đầu năm (tính đến ngày 25/9/2021), tỉnh Hải Dương ghi nhận 924 ca mắc Covid-19 (trong nước 891 ca, nhập cảnh 33); trong đó, lần thứ nhất từ ngày 27/01 đến ngày 18/3/2021 có 726 ca bệnh, không có trường hợp tử vong; lần thứ hai từ ngày 27/4 đến ngày 10/6/20221 có 52 ca bệnh, không có trường hợp tử vong; lần thứ ba từ ngày 27/7 đến hết ngày 28/8/2021, ghi nhận 137 ca bệnh, có 01 trường hợp tử vong; gần nhất ngày 23/9/2021 phát hiện 01 ca dương tính trong cộng đồng.
Thực hiện nghiêm túc việc phong tỏa, giãn cách xã hội và truy vết điều tra dịch tễ, tổ chức cách ly y tế kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động Tổ Covid cộng đồng, Tổ an toàn Covid. Công tác thông tin tuyên truyền được các cấp ủy đảng và chính quyền triển khai quy mô, bài bản, với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh. Hiện nay, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hầu như không có sự lây lan, lây nhiễm trong cộng đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay tỉnh Hải Dương tiếp nhận sự hỗ trợ, viện trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân với tổng trị giá 111.260 triệu đồng (trong đó; tiền mặt: 98.510 triệu đồng; vật tư y tế: 12.750 triệu đồng) và 26,1 tấn gạo. Nhân lực bổ sung, hỗ trợ, viện trợ cho công tác phòng chống dịch là 5.036 lượt người (nhân lực ngành y tế trong tỉnh: 4.305 lượt người, nhân lực y tế từ tỉnh ngoài: 20 lượt người; lực lượng khác: 711 lượt người). Thành lập 03 bệnh viện dã chiến, với 650 giường bệnh, 300 y bác sỹ làm việc tại các bệnh viện dã chiến.
Số tiền chi cho công tác phòng chống dịch bệnh covid-19 là 272.238 triệu đồng, chi hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và người dân chịu ảnh hưởng của dịch covid-19 là 19.653 triệu đồng.
Tỉnh đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 trên địa tỉnh vơi số tiền là 28.406 triệu đồng; trong đó:
- Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 25.641 triệu đồng;
- Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất: 02 doanh nghiệp với 299 người lao động, tổng số tiền là 1.513 triệu đồng;
- Hỗ trợ cho 02 trường hợp người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 37 lao động với số tiền là 140 triệu đồng;
- Hỗ trợ cho 61 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương và 24 trẻ em dưới 6 tuổi với số tiền là 252 triệu đồng;
- Hỗ trợ cho 10 lao động ngừng việc và 3 trẻ em dưới 6 tuổi với số tiền là 17 triệu đồng;
- Hỗ trợ tiền ăn cho 915 người là đối tượng F0, F1 với số tiền là 843 triệu đồng;
- Hỗ trợ cho 05 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch vơi số tiền là 18,6 triệu đồng.
Công tác xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin: Từ đầu năm đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.875.860 lượt người; tiêm vắc xin được 355.837 liều; trong đó, 223.911 liều mũi 1 và 131.926 liều mũi 2.
Từ tháng 5/2021 đến nay trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 59 xã, phường, thị trấn (29 xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; 30 xã, phường, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16), các địa phương thực hiện giãn cách xã hội chủ yếu tại các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Kim Thành và thành phố Hải Dương.
Trong đợt dịch lần thứ 4 có 8.270 người trở về từ các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của dịch bệnh (trong đó trở về từ thành phố Hà Nội: 900 người; thành phố Hồ Chí Minh: 34 người, các tỉnh thành khác: 7.336 người).
2. Y tế
Triển khai thực hiện các chương trình, đề án của ngành, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình, từng bước giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; kế hoạch công tác Dân số trọng tâm giai đoạn 2021-2025 và Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình năm 2021. Thực hiện đề án xây dựng Tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Triển khai thực hiện phương án tổ chức tiếp nhận khám, chữa bệnh.
3. Văn hóa, thể thao
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, từ đầu năm đến nay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách để phòng chống dịch. Hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ, hoạt động có tập trung đông người; không tổ chức đón các đoàn khách thập phương, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh.
4. Giáo dục
Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021, cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch đầu năm học đề ra. Chất lượng phổ cập, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, nâng cao. Hoạt động giáo dục toàn diện được giữ vững; chất lượng học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, tổng số 81/99 học sinh dự thi đạt giải (04 giải Nhất, 20 giải Nhì, 20 giải Ba và 24 Khuyến khích), đạt tỷ lệ 81,8% và tỉnh Hải Dương xếp thứ 5 toàn quốc.
Hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 và thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn phòng, chống dịch Covid-19; kỳ thi tốt nghiệp TPTH năm 2021 có hơn 22.000 thí sinh đăng ký dự thi (tăng gần 2.300 thí sinh so với năm 2020). Tổ chức 40 điểm thi (tăng 7 điểm thi so với năm trước) và 963 phòng thi.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia được các địa phương, nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư, toàn tỉnh hiện có 636 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 75% và giảm 0,37% so với cùng kỳ năm học trước), trong đó Mầm non 194 trường (đạt 65,5% và tăng 1,54%); Tiểu học 213 trường (đạt 86,9% và giảm 7,6%); THCS 196 trường (đạt 77,8% và tăng 4,62%); THPT 33 trường (đạt 60,1% và giảm 1%).
5. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội
Trong 9 tháng đầu năm, tổ chức 46 phiên giao dịch việc làm (38 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 05 phiên lưu động và tham gia 03 phiên online), thu hút sự tham gia của 1.146 doanh nghiệp và 8.599 người lao động, trong đó có 3.341 người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại sàn giao dịch. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, triển khai các giải pháp phù hợp và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 (giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 6.664 người, với tổng số kinh phí gần 131,6 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề cho 165 người hưởng trợ cấp thất nghiệp);
Quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo và đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, bảo đảm trang trọng, có ý nghĩa thiết thực. Thực hiện giải quyết chế độ, chính sách cho người có công đảm bảo theo quy định, không để tồn đọng hồ sơ. Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2021 và kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2021.
6. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Tháng 9, trên địa bàn tỉnh phát hiện 38 vụ vi phạm môi trường, xử lý 42 vụ (04 vụ từ các tháng trước), các vụ vi phạm chủ yếu do đổ rác thải, xả nước thải, vứt khẩu trang không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 1.279,6 triệu đồng. Trong đó điển hình là công ty Quảng Phong Việt Nam bị xử phạt 754 triệu đồng và buộc đình chỉ sản xuất 7,5 tháng; xử phạt 04 đối tượng dùng tàu vỏ sắt không có biển kiểm soát khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy thuộc địa phận thị xã Kinh Môn 502,5 triệu đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 209 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý 209 vụ với tổng số tiền phạt 3.451,6 triệu đồng.
7. Trật tự an toàn xã hội
Về tai nạn cháy, nổ: Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy, đều xảy ra tại thành phố Hải Dương, cả 02 vụ không gây thiệt hại về người, nhưng giá trị thiệt hại khoảng 260 triệu đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy nổ, làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại khoảng 25.170 triệu đồng.
Về tai nạn giao thông (TNGT): Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 11 người, làm 06 người bị thương.
Tính chung 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 130 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 107 người, làm bị thương 50 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 58 vụ (-30.9%), giảm 44 người chết (-29.1%) và giảm 30 người bị thương (-38%)./.