Nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Hải Dương đặt ra trong năm 2022 là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, ngay từ đầu năm cần hoàn thiện, trình Trung ương thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; hoàn thiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, báo cáo các Bộ, cơ quan Trung ương thẩm định, trình phê duyệt thành lập khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh.
Trong tháng 01, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương có nhiều nét tích cực: diện tích sản xuất vụ Đông tiếp tục tăng, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hoá, xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ; sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 03 năm gần đây; nhiều dự án đầu tư được khởi công, giải ngân vốn đầu tư công đạt cao; các ngành dịch vụ tăng khá trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; các hoạt động văn hoá, thể thao bước đầu được khôi phục phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn.
I. KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch cây rau mầu vụ Đông và đẩy mạnh trồng cây rau vụ xuân năm 2022. Tập trung chăm sóc diện tích mạ trà xuân sớm, cày ải, làm đất chuẩn bị cho gieo cấy vụ chiêm xuân.
Vụ đông năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng được 22.354 ha, tăng 2,5% (+543 ha) so với vụ đông năm trước. Do làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, tích tụ ruộng đất, nên diện tích gieo trồng cây vụ đông mở rộng phát triển; xuất hiện nhiều hộ thuê, mượn đất sản xuất với qui mô lớn.
Cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2022 tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau, màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo nhu cầu thị trường xuất khẩu, cung cấp cho các thành phố lớn và khu vực miền Trung. Trong cơ cấu cây rau vụ đông đã có sự phân chia giữa các địa phương, tạo ra nét riêng biệt góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: huyện Kinh Môn, Nam Sách trồng hành củ và mủa; huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành chuyên trồng các loại rau su hào, bắp cải, súp lơ, củ đậu; huyện Nam Sách, Cẩm Giàng chuyên trồng cà rốt....
Nhóm cây rau các loại có diện tích gieo trồng lớn nhất 17.785 ha, chiếm tỷ trọng 79,6% tổng diện tích gieo trồng, tăng 3,2%. Một số cây trồng có diện tích gieo trồng tăng: Rau cải các loại đạt 1.539 ha, tăng 24,2% (+300 ha); cây su hào đạt 1.603 ha, tăng 6,2% (+93 ha); cây gia vị đạt 716 ha, tăng 17,4% (+106 ha)...
1.2. Chăn nuôi
Việc tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Đặc biệt là chăn nuôi lợn ở các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn phát triển mạnh do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường... thu được hiệu quả kinh tế cao.
Tổng đàn lợn thịt tại thời điểm 31/01/2022 ước đạt 261.000 con, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước; số con lợn thịt xuất chuồng tháng 01 ước đạt 49.560 con, tăng 19,2%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 5.200 tấn, tăng 22%.
Chăn nuôi gia cầm đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giá thịt gia cầm hơi xuất chuồng giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất, dự ước trong thời gian tới đàn gia cầm có xu hướng giảm.
Tại thời điểm 31/01/2022, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.100 nghìn con tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 01 ước đạt 6.000 tấn, tăng 2,5%; sản lượng trứng ước đạt 48.283 nghìn quả, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đàn trâu xu hướng tăng do nhu cầu thị trường, đàn bò giảm do hiệu quả kinh tế thấp. Tại thời điểm 31/01/2022 đàn trâu ước đạt 5.500 con, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 15.600 con, giảm 1,5%; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tháng 01 ước đạt 240 tấn, tăng 4,3%.
1.3. Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản trong tháng 01 tương đối ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ hơn so với cùng kỳ năm 2021; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm giòn, Chép giòn, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính...
Diện tích thuỷ sản đang nuôi ước đạt trên 12.000 ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 10.212 tấn, tăng 37,5% so với cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp
Những ngày đầu năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tương đối ổn định. Nguyên nhân là do các biện pháp phòng, chống dịch đã được điều chỉnh linh hoạt, tạo điều kiện tối đa để các hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra bình thường. Cùng với đó, thị trường trong nước và thế giới cũng đang trên đà phục hồi, cầu hàng hoá tăng mạnh.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp
So với tháng 12/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 bằng 98,1% (giảm 1,9%) do cuối tháng 01 người lao động bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết âm lịch hàng năm (năm 2021, Tết âm lịch vào giữa tháng 02 nên số ngày làm việc nhiều hơn). Bên cạnh đó, trong tháng đầu tiên của năm, một số doanh nghiệp còn đang đợi đơn hàng và chờ tín hiệu từ thị trường. Riêng hoạt động sản xuất và phân phối điện bằng 118,8%; nguyên nhân là do đã bước vào mùa khô, lượng nước tại các hồ thuỷ điện phía Bắc không đạt kế hoạch, nên thuỷ điện sẽ bị hạn chế và thay vào đó nhiệt điện sẽ được huy động tăng sản lượng.
CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
|
Đơn vị tính: %
|
|
T01.2020
|
T01.2021
|
T01.2022
|
|
T01.2019
|
T01.2020
|
T01.2021
|
Chung
|
102,0
|
109,7
|
117,9
|
Khai khoáng
|
93,6
|
91,6
|
86,2
|
Công nghiệp chế biến, chế tạo
|
100,4
|
108,0
|
113,9
|
SX và phân phối điện, khí đốt, nước nóng
|
118,6
|
126,8
|
150,7
|
Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải
|
101,2
|
101,9
|
104,8
|
|
|
|
|
|
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 bằng 117,9%; trong đó, sản xuất và phân phối điện bằng 150,7% (điện sản xuất bằng 155,8%); công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 113,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải bằng 104,8%. Cụ thể, tình hình sản xuất một số ngành quan trọng của tỉnh như sau:
- Ngành sản xuất kim loại bằng 117,8%, trong đó sản phẩm sắt thép các loại bằng 116,1%. Do thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước tăng, các dự án đầu tư công và xây dựng nhà ở được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, sắt thép Trung Quốc đang gặp khó khăn khi sản lượng suy giảm do thiếu điện sản xuất.
- Ngành sản xuất xe có động cơ bằng 128,5%; trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên chưa được phân vào đâu bằng 218,3%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ bằng 110,7%; bộ phận thiết bị điện sử dụng cho xe có động cơ bằng 130,0%.
- Các ngành: Dệt bằng 110,8%; sản xuất trang phục bằng 118,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan bằng 121,7%. Cùng với việc các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang dần hồi phục thì nhóm ngành này còn được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử.
- Một số ngành sản xuất khác có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,1%; sản xuất than cốc tăng 6,3%;...
Ngoài ra, một số ngành do không chủ động được hợp đồng sản xuất, thị trường tiêu thụ thu hẹp, năng lực sản xuất mới đã hết nên lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 3,2%; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 8,9%;...
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 31/01/2022 ước giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,6%; dệt tăng 13,0%; sản xuất trang phục tăng 6,3%; sản xuất da tăng 5,2%; sản xuất kim loại tăng 6,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 7,1%...
Các ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng kỳ năm 2021 là: khai khoáng khác giảm 47,3%; sản xuất đồ uống giảm 2,75%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 9,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 5,43%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 10,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,8%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 30,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 9,42%...
3. Hoạt động đầu tư
Mục tiêu lớn trong năm 2022 của tỉnh Hải Dương sẽ là tập trung thu hút đầu tư FDI có chất lượng. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thu hút các Nhà đầu tư vốn FDI thực sự có chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp xanh, công nghệ cao, …sử dụng ít tài nguyên, đất đai, tạo giá trị gia tăng cao, gây nguồn thu bền vững cho tỉnh trong tương lai.
Năm 2022, sẽ mở chiến dịch thu hút mạnh mẽ FDI thông qua xúc tiến đầu tư để nhanh chóng lấp đầy khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.170 ha và 20 cụm công nghiệp với diện tích 1.244 ha, tổng diện tích khoảng 2.414 ha thu hút đầu tư FDI. Hết sức quan tâm để đón bắt làn sóng đầu tư nước ngoài, chuyển dịch vào Việt Nam với cơ hội mới.
Về đầu tư từ ngân sách nhà nước, sau khi có phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Hải Dương đã kịp thời xây dựng phương án phân bổ ngân sách các cấp.
Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý toàn tỉnh là 5.195 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh là 2.216 tỷ đồng, chiếm 42,6%, vốn ngân sách cấp huyện là 2.539 tỷ đồng, chiếm 48,9%, vốn ngân sách cấp xã là 439 tỷ đồng, chiếm 8,5%. Để thực hiện tốt kế hoạch công tác đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, nhiệm vụ yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm.
Ước tháng 1, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 301 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch năm, tăng 207,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 124 tỷ đồng, 198,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 151 tỷ đồng, tăng 212,1%; vốn ngân sách cấp xã đạt 26 tỷ đồng, tăng 222,2%.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Tháng 01 năm 2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc hạn chế tập trung đông người, hạn chế đi lại tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các ngành dịch vụ, trong đó tập trung ở một số ngành dịch vụ vui chơi, giải trí, vận tải hành khách…
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã giúp hoạt động thương mại, vận tải, ăn uống và một số ngành dịch vụ thiết yếu dần khôi phục trở lại. Vì vậy các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải diễn ra khá sôi động nhu cầu mua sắm cũng tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 01 ước đạt 8.018 tỷ đồng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá
Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết năm nay khá tốt, các ngành chức năng trong Tỉnh đã chỉ đạo rà soát nguồn cung và thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 01 ước đạt 6.953 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 2.391 tỷ đồng, tăng 16,8%, là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,4%; nhóm ô tô các loại đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 8,7%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 781 tỷ đồng, tăng 6,0%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 767 tỷ đồng, tăng 10,2%.
4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 01 ước đạt 1.065 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 11 tỷ đồng, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 385 tỷ đồng, tăng 9,8%; dịch vụ khác đạt 670 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
4.3. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 01 ước đạt 1.073 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước, tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 105 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 14,9%, so với cùng kỳ giảm 17,5%; vận tải hàng hoá đạt 904 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 63 tỷ đồng, tăng 5,0% so với tháng trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ.
4.4. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 01 tăng 0,02% so với tháng trước; tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ.
Nguyên nhân làm cho giá tiêu dùng tháng 01 so với tháng trước tăng là do một số nhóm hàng có xu hướng tăng, tăng cao chủ yếu vẫn là các nhóm thực phẩm, nhất là những nhóm hàng phục vụ tết như lương thực, thực phẩm, may mặc, cây cảnh, hoa tươi.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng có xu hướng tăng, tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 0,81%, do ảnh hưởng của 02 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu liên tiếp trong tháng 01. Tiếp theo, Đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,18%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%; Bưu chính viễn thông tăng 0,05%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,29; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,08%.
Giá vàng tháng này biến động phức tạp, tháng này, giá Vàng có xu hướng tăng, tăng 0,98% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng này là 5.276 ngàn đồng/chỉ, tăng 51 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,3% và giảm 6.938 đồng/USD so với tháng trước.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Văn hóa, thể thao
UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và các phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.
Từ ngày 29/12, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa- Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu”, với ý nghĩa coi công ơn của thầy Chu Văn An tựa như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu của Trường Quốc Tử Giám. Cuộc trưng bày lần nàylà sự phối hợp giữa lịch sử và hiện đại, không chỉ làm nổi bật cuộc đời, sự nghiệp, những triết lý và nhân cách cao đẹp thầy Chu mà còn giới thiệu đến công chúng về Quốc Tử Giám - nơi thầy Chu Văn An đã từng dạy học; những địa điểm phụng thờ, những ngôi trường, con đường, trụ sở mang tên Thầy, trong đó có quê hương Hải Dương, để thấy được sự suy tôn, ngưỡng mộ,một niềm tôn kính đặc biệtcủa hậu thế đối với thầy giáo Chu Văn An.
2. Y tế
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ 16 giờ ngày 23/12/2021 đến 16 giờ ngày 23/01/2022 toàn tỉnh ghi nhận 6.693 ca bệnh, hiện còn 3.409 bệnh nhân đang điều trị.
Đến nay toàn tỉnh đã tiêm được hơn 2,86 triệu liều vaccine (đạt hơn 96%). Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 1,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 01 mũi vaccine phòng covid-19 (đạt 98,3%); gần 1,2 triệu người tiêm 2 mũi (đạt 88,2%); trên 260.000 người tiêm 3 mũi (đạt 19,8%) và hơn 150.000 người từ 12 - 17 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đạt gần 98,7%), hơn 132.000 người được tiêm 2 mũi ( đạt gần 83,8%).
Kể từ 0 giờ ngày 19/01/2022 , tỉnh Hải Dương điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, Đối với người đến/về tỉnh Hải Dương, phải tuyệt đối tuân thủ 5K, tự chi trả chi phí xét nghiệm và chấp hành nghiêm những quy định cụ thể của tỉnh.
Tất cả các trường hợp trong thời gian tự theo dõi sức khỏe không được tụ tập và đến nơi đông người, nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng, … thì báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định; nếu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3. Giáo dục
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các hoạt động giáo dục bị gián đoạn nhiều lần, học sinh cấp cấp mới đi học trở lại trong vòng một tháng nay.
Ngành Giáo dục vẫn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm vaccine cho học sinh có độ tuổi từ 12 tuổi trở lên. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình kế hoạch kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ I năm học 2021-2022 và kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia...
4. Bảo vệ môi trường
Tháng 01/2022, toàn tỉnh phát hiện 80 vụ vi phạm môi trường (04 vụ khai thác cát trái phép, 76 vụ vứt rác không đúng nơi quy định), xử lý 76 vụ (01 vụ khai thác cát trái phép, 75 vụ vứt rác không đúng nơi quy định), tổng số tiền xử phạt là 793,65 triệu đồng.
5. Trật tự an toàn xã hội
Về tai nạn cháy, nổ; Trong tháng 01/2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ nào.
Về tai nạn giao thông; Tháng 01/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 13 người, làm 08 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 10 vụ (-35,7%), giảm 14 người chết (-51,9%), giảm 03 người bị thương (-27%)./.
File đính kèm: Solieu_KTXHT1.2022cuatinhHaiDuong.xlsx