Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng động lực đã yếu đi so với nửa đầu năm 2021. Sự khác biệt trong triển vọng kinh tế giữa các quốc gia do chênh lệch lớn trong tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 và hỗ trợ chính sách vẫn là một mối lo ngại lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021. Theo Liên minh Châu Âu (EU), GDP toàn cầu năm 2021 (không bao gồm EU) được dự báo sẽ tăng ở mức 5,8%. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới cho thấy có sự khác biệt giữa các nền kinh tế phát triển, thị trường mới nổi và đang phát triển. Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển tương đối vững chắc ở mức 5,4%, phản ánh việc mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ chính sách bền vững. Điều này trái ngược với phục hồi của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Triển vọng tăng trưởng năm 2021 của các quốc gia châu Á mới nổi và đang phát triển khác (không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ) suy yếu do biến thể Delta lan rộng khắp Đông Nam Á đã dẫn đến những hạn chế mới về di chuyển.
Kinh tế - xã hội nước ta năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt đợt bùng phát dịch thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 với số ca nhiễm tăng mạnh, thực hiện phong tỏa kéo dài kể từ tháng 6 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng vắc-xin đã tạo điều kiện để các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Sau giãn cách, tình hình kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi từ quý IV/2021. Trong tháng 11/2021 sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, số doanh nghiệp mới tăng mạnh khi các hoạt động kinh tế và dịch vụ hành chính được khôi phục, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giữ vững. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị hạn chế bởi sự gia tăng mạnh của các trường hợp mắc Covid-19 mới buộc một số tỉnh phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa, nguồn cung lao động hạn chế ở các thành phố lớn. Hơn nữa, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ cản trở mục tiêu thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng đã kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện “mục tiêu kép” vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa xây dựng và triển khai các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, an toàn đời sống cho nhân dân. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2021 như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Trên cơ sở số liệu năm 2021, ước tính tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2017-2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,34%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 3,51%, đóng góp 1,86 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,01%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP.
Quy mô nền kinh tế năm 2021 theo giá hiện hành đạt 19.843 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 36,88 triệu đồng, tăng 1,21 triệu đồng so với năm 2020. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.506 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.995 tỷ đồng, chiếm 20,13%; khu vực dịch vụ đạt 10.587 tỷ đồng, chiếm 53,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 755 tỷ đồng, chiếm 3,81%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh song với sự nỗ lực vượt bậc và có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được coi là bệ đỡ của nền kinh tế khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội.
2.1. Nông nghiệp
Cây hàng năm
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 12 chủ yếu là cày ải, thu rơm, làm đất, gieo trồng và chăm sóc các loại rau màu vụ đông để phục vụ nhu cầu gia đình, thị trường góp phần tăng giá trị kinh tế từ nông nghiệp như: bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, khoai tây, cải các loại…
Năm 2021, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền trong công tác cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân; hệ thống kênh mương, trạm bơm thường xuyên cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho sản xuất. Công tác khuyến nông được đẩy mạnh; khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung với hình thức liên kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Kết quả chính thức sản xuất vụ đông xuân
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.667 ha, tăng 1,26% hay tăng 470 ha so với chính thức vụ đông xuân năm 2020. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2021 đạt 125.062 tấn, tăng 3,2% hay tăng 3.876 tấn so với cùng vụ năm trước.
Kết quả sơ bộ vụ mùa
Tổng diện tích gieo trồng đạt 57.203 ha, tăng 3,58% hay tăng 1.975 ha so với cùng vụ năm trước. Trong đó, Cây lúa gieo trồng được 25.552 ha, tăng 0,66% hay tăng 167 ha so vụ mùa năm trước, so với kế hoạch giảm 2,08% hay giảm 543 ha; cây ngô diện tích gieo trồng là 15.392 ha, tăng 3,04% hay tăng 454 ha; so với kế hoạch tăng 12,37% hay tăng 1.712 ha.
Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2021 đạt 163.396 tấn, tăng 1,96% hay tăng 3.143 tấn so với cùng vụ năm trước. Trong đó, cây lúa năng suất bình quân ước đạt 44,58 tạ/ha, tăng 0,5% so với cùng vụ năm trước; so với kế hoạch tăng 0,92% hay tăng 0,41 tạ/ha; sản lượng đạt 113.912 tấn, tăng 1,15% so với cùng vụ năm trước; cây ngô năng suất ước đạt 32,15 tạ/ha, tăng 0,82% so với cùng vụ và vượt 3,01% so với kế hoạch; sản lượng đạt 49.482 tấn, tăng 3,87%.
Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hàng năm: Cây đỗ tương trồng được 1.858 ha tăng 0,05% hay tăng 1 ha; năng suất ước đạt 10,05 tạ/ha, tăng 9,6% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 1.867 tấn, tăng 9,63% so với vụ mùa 2020. Cây lạc trồng được 1.610 ha, giảm 6,67% hay giảm 115 ha so với cùng vụ năm trước; năng suất ước đạt 15,60 tạ/ha, tăng 2,43%; sản lượng đạt 2.511 tấn, giảm 4,42% so với cùng vụ năm trước. Cây mía trồng được 2.846 ha, giảm 3,46% hay giảm 102 ha so với vụ mùa năm trước, chủ yếu ở huyện Quảng Hòa, Hạ Lang…; năng suất ước đạt 601,24 tạ/ha, giảm 0,69%; sản lượng đạt 171.111 tấn, giảm 4,13% so với cùng vụ năm trước. Cây rau, đậu các loại và các cây trồng khác trồng được 2.064 ha, tăng 3,67%; sản lượng đạt 17.041 tấn, tăng 3,2% so với cùng vụ năm trước.
Kết quả sơ bộ cả năm
Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 94.870 ha, tăng 2,65% hay tăng 2.445 ha so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở một số cây trồng như: cây lúa, ngô, khoai lang, rau các loại... Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 288.458 tấn, tăng 2,49% hay tăng 7.019 tấn so năm 2020. Diện tích tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhu cầu thuê lao động ở các cửa khẩu giảm mạnh; lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở miền xuôi trở về nhà tránh dịch, nguồn lao động dồi dào vì vậy các hộ gia đình tận dụng gieo trồng hết diện tích bỏ hoang từ những năm trước và đầu tư mở rộng thêm.
Cây lúa cả năm gieo trồng được 29.185 ha, tăng 0,56% hay tăng 162 ha so năm 2020; năng suất bình quân ước đạt 45,46 tạ/ha, tăng 0,48%; sản lượng đạt 132.675 tấn, tăng 1,04% so với năm trước. Hiện nay một số huyện đang thực hiện chương trình tái cơ cấu cây lúa, chủ yếu là sử dụng các giống lúa thuần chất lượng tốt để sản xuất hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vì vậy năng suất và sản lượng tăng so với năm trước.
Cây ngô diện tích gieo trồng là 41.255 ha, tăng 1,28% hay tăng 521 ha ở các huyện: Trùng Khánh, Bảo Lạc, Hạ Lang, Hòa An... Diện tích cây ngô tăng nhiều do là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh nên bà con nông dân gieo trồng hết diện tích; một số diện tích chuyển đổi từ trồng mía, lạc... sang trồng ngô. Năng suất ước đạt 37,76 tạ/ha, tăng 2,45% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 155.763 tấn, tăng 3,76%.
Cây khoai lang trồng được 1.271 ha, tăng 2,58% hay tăng 32 ha; năng suất ước đạt 76,91 tạ/ha, tăng 0,12% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 9.774 tấn, tăng 2,65% so với năm 2020.
Cây đỗ tương trồng được 2.406 ha, giảm 2,39% hay giảm 59 ha; năng suất ước đạt 9,68 tạ/ha, tăng 8,49% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 2.329 tấn, tăng 5,86% so với năm 2020.
Cây lạc trồng được 1.911 ha, giảm 6,51% hay giảm 133 ha so năm trước; năng suất ước đạt 15,03 tạ/ha, tăng 0,32%; sản lượng đạt 2.872 tấn, giảm 6,21% so với năm trước.
Cây thuốc lá là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 2021 cây thuốc lá trồng được 3.054 ha, tăng 0,93% hay tăng 28 ha so với cùng kỳ; diện tích tăng chủ yếu ở Hà Quảng (+26,4 ha) do năm nay việc cam kết thu mua sản phẩm cũng như việc đầu tư, hỗ trợ bà con nông dân được cải thiện, tạo tâm lý an tâm sản xuất cho bà con nông dân vùng trồng nguyên liệu.
Cây sắn trồng được 2.903 ha, tăng 30,06% hay tăng 671 so với năm 2020, diện tích sắn tăng mạnh ở huyện Bảo Lâm do được UBND huyện đầu tư các mô hình trồng sắn cao sản cho năng suất cao và được bà con khai hoang mở rộng diện tích, mặt khác từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều lao động trở về nhà và không đi làm ở tỉnh khác được nên các hộ gia đình có nguồn lao động và trồng được sắn trên những diện tích trước đó đã bỏ hoang. Năng suất ước đạt 147,53 tạ/ha, giảm 3,31 tạ/ha; sản lượng đạt 42.823 tấn, tăng 27,21% hay tăng 9.160 tấn so với năm 2020.
Cây thạch đen trồng được 515 ha, tăng 16,78% hay tăng 74 ha so với năm trước do hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm thạch làm từ cây thạch đen ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, vì vậy bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng nhằm tăng thêm thu nhập. Năng suất ước đạt 56,7 tạ/ha, tăng 0,48 tạ/ha; sản lượng đạt 2.919 tấn, tăng 17,83% hay tăng 442 tấn so với năm 2020.
Cây mía trồng được 2.846 ha, giảm 3,46% hay giảm 102 ha so với năm trước, chủ yếu ở huyện Quảng Hòa, Hạ Lang… Diện tích mía giảm do giá bán thấp, năng lực sản xuất của nhà máy đường còn hạn chế về sản lượng, một số vùng trồng mía còn xa Nhà máy và không xuất bán sang Trung Quốc được nên người dân đã dần phá bỏ cây mía để chuyển sang trồng các loại cây khác. Năng suất ước đạt 601,24 tạ/ha, giảm 0,69%; sản lượng đạt 171.111 tấn, giảm 4,13% so với năm trước.
Rau, đậu các loại trồng được 4.243 ha, tăng 3,69% hay tăng 151 ha; năng suất ước đạt 87,1 tạ/ha, tăng 2,42% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 36.954 tấn, tăng 6,21% so với năm 2020. Diện tích, năng suất, sản lượng nhóm này tăng hơn so cùng kỳ năm trước do hiện nay trên địa bàn tỉnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng an toàn như sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phân bón; quy trình an toàn sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm sinh học… của đề án phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu. Người dân đã chú trọng việc sản xuất rau theo mô hình hữu cơ, chất lượng rau được tăng lên, giá bán tăng vì vậy bà con cũng mạnh dạn hơn trong việc mở rộng diện tích trồng rau, đậu các loại.
Cây lâu năm
Trong tháng, chủ yếu là phát quang, cắt tỉa và chăm sóc diện tích trồng mới, đồng thời thu hoạch sản phẩm một số cây ăn quả để phục vụ gia đình và trao đổi trên thị trường như: đu đủ, chuối, ổi, cam, quýt, bưởi, chanh…
Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được bà con trồng phân tán mang tính tự cung, tự cấp, chưa hình thành vùng trồng tập trung phát theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay các huyện đã lựa chọn ra những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng để trồng tập trung như: cây cam, quýt trồng nhiều ở các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An...; thanh long được trồng tại các huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thành phố Cao Bằng...; lê trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Nguyên Bình, Trùng Khánh... Một số loại cây có giá trị kinh tế cao như hồi được trồng tại huyện Trùng Khánh, Thạch An thu sản phẩm là hoa hồi, còn 02 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc trồng hồi chủ yếu là thu sản phẩm lá để chưng cất tinh dầu và một số loại cây đang được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng chưa có sản phẩm thu hoạch như hồ đào, hà thủ ô, sâm...
Trong năm 2021 thời tiết tương đối thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển các loại cây ăn quả và các loại cây lâu năm khác. Sơ bộ diện tích cây lâu năm hiện có 9.194 ha, tăng 16,51% hay tăng 1.303 ha so với năm 2020. Trong đó nhóm cây gia vị, cây dược liệu lâu năm đạt 5.812 ha, tăng 27,85% hay tăng 1.266 ha chủ yếu là cây hồi, được trồng nhiều tại huyện Thạch An, Trùng Khánh, Quảng Hòa với mục đích thu hoa, tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc được trồng để lấy lá chưng cất tinh dầu và số ít diện tích thu hoa để lấy hạt làm giống; nhóm cây ăn quả đạt 2.759 ha, tăng 2,72% hay tăng 73 ha, một số cây ăn quả trọng điểm của tỉnh đang chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa vì vậy diện tích, sản lượng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước như sản lượng cam, quýt, bưởi đạt 3.049 tấn, tăng 146 tấn; cây thanh long đạt 445 tấn, tăng 12 tấn... Nhóm cây lâu năm khác đạt 397 ha, giảm 3,17% hay giảm 13 ha; nhóm cây chè đạt 226 ha, giảm 9,24% hay giảm 23 ha.
Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi năm 2021 trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục có phát sinh nhưng được kiểm soát kịp thời. Công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh được các địa phương thực hiện thường xuyên, đa số các ổ dịch bệnh được phát hiện sớm và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, chủ động tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan, thực hiện vùng an toàn dịch bệnh.
Tổng đàn trâu hiện có 102.091 con, tăng 1,39% hay tăng 1.399 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 107.405 con, tăng 0,18% hay tăng 190 con, đàn trâu, bò tăng so với năm trước là do chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua giống, thức ăn và phòng trừ dịch bệnh; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2.244 tấn, giảm 0,43% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 8,59%, quý III/2021 giảm 3,01%, quý IV/2021 giảm 2,46%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.259 tấn, giảm 3,82% (6 tháng đầu năm tăng 4,67%, quý III/2021 giảm 6,04%, quý IV/2021 giảm 4,65% so với cùng kỳ).
Tổng số lợn hiện có 302.285 con, tăng 5,45% hay tăng 15.623 con so với cùng thời điểm năm 2020, dịch tả lợn Châu Phi đã phần nào được kiểm soát, người dân bắt đầu chăn nuôi trở lại với quy mô lớn hơn, mở rộng đàn lợn nái, lợn con chưa tách mẹ tăng mạnh; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 25.353 tấn, tăng 4,15% (6 tháng đầu năm tăng 4,66%, quý III/2021 tăng 4,25%, quý IV/2021 tăng 0,86%).
Tổng số gia cầm hiện có 2.967 nghìn con, tăng 0,24% so hay tăng 7 nghìn con với cùng thời điểm năm trước, đàn gia cầm tăng chủ yếu ở đàn gà, vịt do không có dịch bệnh lớn xảy ra, khả năng chống chịu bệnh tốt, vòng quay chăn nuôi ngắn; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 6.696 tấn, tăng 2,52% (6 tháng đầu năm tăng 3,77%, quý III/2021 tăng 2,95%, quý IV/2021 tăng 4,74%); sản lượng trứng gia cầm đạt 39.123 nghìn quả, tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh, tính từ ngày 12/11 đến ngày 14/12/2021, trên toàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới và không có trâu, bò chết do bệnh viêm da nổi cục, lũy kế từ đầu năm 765 con; dịch tả lợn Châu Phi làm mắc và tiêu hủy 1.867 con, tăng 436 con so với tháng trước, lũy kế từ đầu năm 12.172 con của 2.290 hộ chăn nuôi với trên 600 tấn, các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 12 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy, viêm phổi... lũy kế từ đầu năm là 100 con; 22 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng... lũy kế từ đầu năm là 205 con; 208 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, phân trắng... lũy kế từ đầu năm là 3.879 con.
2.2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 12 chủ yếu là duy trì tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các hộ gia đình có diện tích rừng giao khoán và bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang chặt tỉa.
Trong năm 2021, ngành lâm nghiệp hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất, rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn; rừng trồng chuyển theo hướng đa chức năng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, năng suất, sản lượng lâm sản ngoài gỗ và giá trị từng loại rừng đã được nâng cao. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương.
Tổng diện tích rừng trồng mới năm 2021 đạt 3.375 ha, giảm 18,05% so với cùng kỳ năm 2020, diện tích rừng trồng mới chủ yếu là rừng sản xuất, chiếm 96,56% do các hộ dân tự mua cây giống về trồng trên diện tích sau khai thác và diện tích được nhận giao khoán bảo vệ và được trồng tại các huyện: Thạch An, Bảo Lạc, Nguyên Bình và Thành phố Cao Bằng... Sản lượng khai thác gỗ đạt 27.615 m³, tăng 8,79% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng gỗ khai thác hiện chủ yếu là từ rừng trồng. Sản lượng củi khai thác đạt 758.542 ster, tăng 1,65% so với năm 2020, sản lượng củi khai thác chủ yếu là tận thu từ cành và ngọn cây khi khai thác gỗ rừng trồng. Các loại lâm sản khác đem lại hiệu quả kinh tế cao nên được bà con tăng cường thu nhặt để phục vụ gia đình và trao đổi trên thị trường như: mộc nhĩ, tăng 9,42%; hạt trẩu, tăng 6,29%; dược liệu tăng 3,67%; rau rừng tăng 1,17%; trám, tăng 0,92%; mật ong, tăng 0,76%; măng, tăng 0,35%...
Trong năm 2021, toàn tỉnh có 53,86 ha diện tích rừng bị thiệt hại bao gồm: 40,7 ha do cháy rừng (6 tháng đầu năm cháy 34,02 ha, quý III/2021 cháy 0,98 ha, quý IV/2021 cháy 5,7 ha); 13,16 ha do chặt phá rừng (6 tháng đầu năm bị chặt, phá 7,3 ha, quý III/2021 bị chặt, phá 4,78 ha, quý IV/2021 bị chặt, phá 1,07 ha).
2.3. Thủy sản
Sản xuất thủy sản tháng 12 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung chăm sóc diện tích nuôi trồng và thu hoạch những diện tích nuôi thả ở ruộng, ao, hồ, lồng bè. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp, chủ yếu phục vụ gia đình, sản lượng trao đổi trên thị trường không nhiều.
Trong năm 2021, ngành thủy sản ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định vì vậy diện tích nuôi trồng, sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 590 tấn, tăng 2,91% hay tăng 17 tấn so với năm 2020. Trong đó: Sản lượng cá đạt 573 tấn, tăng 2,46%; tôm 2 tấn, tăng 11,54% và một số loại thủy sản khác đạt 14 tấn, tăng 22,91% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 476 tấn, tăng 3,09% hay tăng 14 tấn so với năm 2020, trong đó: sản lượng cá thu được 474 tấn, tăng 2,87%; thủy sản khác 2 tấn, tăng 85%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh chủ đạo vẫn là các loài cá: cá trắm, cá chép, rô phi, trôi,... phù hợp với khí hậu của địa phương. Phương thức nuôi chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và nuôi ao, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi nên sản lượng thu hoạch chưa được cao.
Tổng sản lượng khai thác đạt 114 tấn, tăng 2,16% hay tăng 3 tấn so với năm 2020, trong đó: cá đạt 100 tấn, tăng 0,53%; tôm đạt 2 tấn, tăng 11,54%; sản lượng thủy sản khác đạt 12 tấn, tăng 15,77%. Sản lượng khai thác thủy sản tăng do thủy sản tự nhiên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành tương đối cao nên nhiều hộ đánh bắt để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho gia đình.
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, giá thành nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng (IIP quý I/2021giảm 3,34%; IIP quý II/2021 giảm 1,08%; IIP quý III/2021 giảm 22,38%; IIP quý IV/2021 tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước) trong đó: ngành khai khoáng; ngành chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện giảm so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 12/2021 ước tính giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 8,35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 14,67%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,68%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,29%; ngành khai khoáng giảm 6,98% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng giảm 11,1%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,55%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,3%; riêng ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,84%.
Trong năm 2021, một số sản phẩm tăng so với năm trước: manggan và sản phẩm của manggan tăng 63,1%; đường tăng 12,81%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 6,7%; điện thương phẩm tăng 3,52%; nước uống được tăng 2,7%... Một số sản phẩm giảm so với năm trước: xi măng giảm 57,64%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 44,73%; cát tự nhiên giảm 42,04%; điện sản xuất giảm 9,67%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 7,96%; đá xây dựng giảm 2,58%...
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp. Hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, thị trường cung - cầu bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ vì vậy một số doanh nghiệp phải thay đổi hình thức, ngành nghề kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và rút lui khỏi thị trường tăng lên đáng kể. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 khả quan hơn quý IV/2021.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính từ đầu năm đến ngày 13/12/2021, có 135 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 802 tỷ đồng, giảm 14,55% về số doanh nghiệp; giảm 34,95% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và đăng ký hoạt động cho 79 đơn vị trực thuộc (18 chi nhánh, 5 văn phòng đại diện, 56 địa điểm kinh doanh). Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 5,94 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 51 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 470 doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh; 153 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 67 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 86 doanh nghiệp giải thể.
Tính đến ngày 15/12/2021 tổng số dự án được cấp mới Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 17 dự án với tổng vốn đăng ký là 791 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần về số lượng dự án và tăng gấp 4 lần về vốn đăng ký so với năm 2020; số dự án được chấp thuận điều chỉnh Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 19 dự án, trong đó có 8 dự án đăng ký điều chỉnh tổng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm là 1.201 tỷ đồng.
Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 33,33% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 khó khăn hơn quý III/2021; 66,67% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định. Dự kiến quý I/2022 so với quý IV/2021, có 66,67% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và tốt lên; 33,33% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, có 33,33% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2021 giảm so với quý III/2021; 66,67% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất tăng lên và ổn định. Các doanh nghiệp dự kiến xu hướng này tiếp tục ở quý I/2022.
Về đơn đặt hàng, có 33,33% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2021 giảm so với quý III/2021; 66,67% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và tăng. Xu hướng này các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục ở quý tiếp theo.
Về giá bán bình quân, có 16,67% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý IV/2021 tăng so với quý III/2021; 83,33% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Xu hướng này các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục ở quý tiếp theo.
5. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020, chỉ bằng 66,53%. Vốn đầu tư toàn xã hội giảm do năm 2021 chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, các doanh nghiệp kinh doanh giảm sút, không có vốn để đầu tư; đồng thời năm 2021 là năm đầu của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nên nhiều dự án, công trình chưa phân bổ vốn kịp thời.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý IV năm 2021 theo giá hiện hành ước thực hiện được 2.480,11 tỷ đồng, tăng 38,18% so với quý trước và giảm 38,64% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư quý IV năm 2021 ước tính giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu ở các nguồn: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước giảm 50,16%; vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước giảm 82,91%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân giảm 13,02%; vốn huy động khác giảm 38,85%.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 theo giá hiện hành ước thực hiện được 6.897,46 tỷ đồng, giảm 33,47% so với năm 2020 và bằng 34,76% GRDP. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 2.501,54 tỷ đồng, giảm 46,22%; vốn vay từ các nguồn khác 57,86 tỷ đồng, giảm 36,21%; vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước 15,92 tỷ đồng, giảm 65,6%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 2.716,65 tỷ đồng, giảm 27,86%; vốn huy động khác 1.595,0 tỷ đồng, giảm 11,48%.
Trong vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước, vốn ngân sách do địa phương quản lý năm 2021 ước 2.386,96 tỷ đồng, giảm 36,78% so với năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước 2.254,79 tỷ đồng, giảm 36,97%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước 132,17 tỷ đồng, giảm 33,34%.
Khối lượng thực hiện trong năm chủ yếu của một số dự án sau: Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Kè bờ trái, phải Sông Hiến; kè sạt lở, ổn định dân cư bờ trái sông Bằng - Thành phố Cao Bằng; Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Cao Bằng; Kè chống sạt lở Sông Bằng, bảo vệ khu dân cư thị trấn Nước Hai; Kè chống sạt lở ổn định dân cư Cao Bình, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng và phố đi bộ ven Sông Bằng.
Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước bao gồm vốn của tổ chức doanh nghiệp và hộ dân cư. So với năm 2020, vốn đầu tư của cả hai loại hình đều giảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng so với năm 2020 nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong vốn đầu tư toàn xã hội, tỉnh Cao Bằng chưa thu hút được đầu tư nước ngoài.
6. Thương mại, dịch vụ, giá cả
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm duy trì ổn định và tăng so với năm 2020. Các ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải có tín hiệu phục hồi khi tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2021 ước đạt 798,74 tỷ đồng, tăng 0,32% so với tháng trước, giảm 1,48% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 8.871,77 tỷ đồng, tăng 4,05% so với năm 2020. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.279,08 tỷ đồng, tăng 6,70% so với năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng ở một số nhóm hàng: lương thực, thực phẩm tăng 6,12%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,19%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 7,67%; xăng, dầu các loại tăng 25,62%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 30,13%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 16,88%; hàng hóa khác tăng 8,33%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.115,5 tỷ đồng, giảm 8,67% so với năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 25,57%; doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 7,29%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,65 tỷ đồng, giảm 57,32% so với năm trước.
Hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thời điểm cuối năm có xu hướng chững lại, doanh thu tháng 12 giảm so với tháng trước. Tỉnh đã thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là du lịch nội địa, đẩy mạnh thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 474,54 tỷ đồng, giảm 0,36% so với năm trước.
Hoạt động xuất nhập khẩu
Đến ngày 15/12/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 660 triệu USD, đạt 140% KH, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 328 triệu USD, tăng 31%; kim ngạch nhập khẩu 121 triệu USD, tăng 44%; kim ngạch giám sát hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan 211 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước thực hiện kim ngạch xuất nhập khẩu đến 31/12/2021 đạt 681 triệu USD, đạt 145% KH, tăng 6,6% so với năm 2020, trong đó: kim ngạch xuất khẩu 338 triệu USD, tăng 21,6%; kim ngạch nhập khẩu 124 triệu USD, giảm 25,3%; kim ngạch giám sát hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan 219 triệu USD, tăng 12,3% so với năm 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2021 giảm 0,15% so với tháng trước. Chỉ số giá trong tháng giảm chủ yếu do có 08/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ số giá giảm, trong đó chỉ số nhóm giao thông giảm nhiều nhất 1,63% do giá xăng, dầu trong tháng điều chỉnh giảm. Đồng thời, các nhóm chỉ số giá giảm: nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,38%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón giảm 0,05%; nhóm nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13%; nhóm giáo dục giảm 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,41%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% (Lương thực tăng 0,32%; thực phẩm tăng 0,46%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,05%). Các nhóm hàng hóa còn lại chỉ số giá ổn định, không tăng không giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 giảm 1,33% so với tháng 12/2020. Tính chung quý IV năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng bình quân giảm 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá bình quân năm 2021 giảm 1,5% so với năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2021 giảm 0,23% so với tháng trước, giảm 2,78% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân quý IV năm 2021 giảm 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2021 tăng 7,17% so với năm 2020.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,76% so với tháng trước, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân năm 2021 giảm 1,2% so với năm trước.
Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải
Tháng 12 năm 2021, doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 26,02 tỷ đồng, tăng 8,13% so với tháng trước, giảm 17,94% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động vận tải năm 2021 ước đạt 292,73 tỷ đồng, tăng 2,82% so với năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 61,68 tỷ đồng, giảm 13,4%, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 221,52 tỷ đồng tăng 9,69%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 9,53 tỷ đồng, giảm 17,33% so với năm 2020.
Vận tải hành khách
Dự ước tháng 12 năm 2021 số lượt hành khách vận chuyển đạt 87,3 nghìn lượt hành khách, tăng 4,05% so với tháng trước, giảm 40,85% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 3,9 triệu HK.Km giảm 0,92% so với tháng trước, giảm 54,33% so với cùng kỳ.
Ước năm 2021 số lượng hành khách vận chuyển đạt 1.235,16 nghìn hành khách và số hành khách luân chuyển đạt 67,78 triệu HK.km, so với năm 2020 số hành khách vận chuyển giảm 15,97%, hành khách luân chuyển giảm 16,02%.
Vận tải hàng hóa
Dự ước khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12 năm 2021 đạt 133,79 nghìn tấn hàng hóa, tăng 11,98% so với tháng trước, giảm 13,11% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 3,4 triệu tấn.km, giảm 13,41% so với tháng trước, giảm 35,14% so với cùng kỳ.
Ước tính năm 2021, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1.790,73 nghìn tấn, giảm 8,87% so với năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 44,49 triệu tấn.km, tăng 7,3% so với năm 2020.
7. Tài chính, ngân hàng
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn duy trì tiến độ. Thu ngân sách được các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng thu đảm bảo đạt và vượt kế hoạch. Chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2021 đạt 1.668 tỷ đồng, bằng 112,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 1.372 tỷ đồng, bằng 106,89%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 296 tỷ đồng, bằng 152,18%. Trong thu nội địa một số nguồn thu có tốc độ tăng khá như: thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản, tăng 78,67%; thu từ doanh nghiệp nhà nước, tăng 55,92%; thu phí, lệ phí tăng 7,75%; thuế bảo vệ môi trường, tăng 7,49%... Ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp tăng cường thu ngân sách như: Rà soát nguồn thu, tăng cường khai thác tăng thu ở tất cả các lĩnh vực, các hoạt động kinh tế. Tập trung thực hiện các Đề án thu ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực cửa khẩu, khoáng sản và kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quản lý nợ đọng và thu hồi nợ thuế theo đúng quy trình; phân tích các khoản nợ, phát hành thông báo, đôn đốc các doanh nghiệp, cá nhân còn nợ thuế thực hiện đúng nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước…
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2021 đạt 8.178 tỷ đồng, bằng 76,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 5.492 tỷ đồng, bằng 87,07%; chi đầu tư phát triển 2.564 tỷ đồng, bằng 60,51%; chi trả nợ lãi 2,5 tỷ đồng, bằng 133,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh tác động dịch Covid-19 và trên cơ sở tiến độ thu ngân sách, các cấp, các ngành điều hành quản lý chi ngân sách Nhà nước đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ của nhà nước quy định, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của địa phương. Đồng thời, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết và cấp bách; chủ động sắp xếp bố trí các khoản chi theo đúng dự toán đã được giao, bổ sung dự toán kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ phát sinh đột xuất như: Chi các chế độ đặc thù, mua sắm vật tư y tế, phương tiện bảo hộ, các vật dụng tại địa điểm cách ly, thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi thường xuyên; ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội, các khoản chi thường xuyên để đảm bảo hoạt động của đơn vị.
Hoạt động tín dụng ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 góp phần khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn huy động tại địa phương dồi dào, tăng trưởng tốt, cơ cấu vốn ổn định, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng cao và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo cho nền kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức cao.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-12%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng nguồn vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 31/12/2021 đạt 24.680 tỷ đồng, tăng 3,7% hay tăng 879 tỷ đồng so đầu năm, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 21.520 tỷ đồng, chiếm 87,2% tổng nguồn vốn và tăng 3,1% hay tăng 648 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.160 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng nguồn vốn, tăng 7,9% hay tăng 231 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tính đến ngày 31/12/2021 đạt 12.905 tỷ đồng, tăng 3,2% hay tăng 397 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: dư nợ ngắn hạn 4.775 tỷ đồng, chiếm 37% và tăng 3,7%; dư nợ tín dụng trung và dài hạn 8.130 tỷ đồng, chiếm 63% và tăng 2,9% so với thời điểm đầu năm. Nợ xấu 90 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ và tăng 13,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
Nhìn chung, các chương trình, chính sách tín dụng tiếp tục triển khai đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế, công tác thanh toán cung ứng điều hòa tiền mặt luôn được đảm bảo an toàn, nhanh chóng, chính xác, đáp ứng đầy đủ trong mọi thời điểm; các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch thanh toán của các tổ chức, đơn vị và cá nhân.
II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Dân số, lao động
Dân số trung bình năm 2021 của toàn tỉnh ước tính 537.978 người, tăng 4.892 người, tương đương tăng 0,92% so với năm 2020. Trong tổng dân số, dân số thành thị 137.159 người, chiếm 25,5%; dân số nông thôn 400.819 người, chiếm 74,5%; dân số nam 269.534 người, chiếm 50,1%; dân số nữ 268.444 người, chiếm 49,9%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 100,4 nam/100 nữ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh năm 2021 ước tính 353.572 người, tăng 4.582 người so với năm trước, bao gồm: Lao động nam 179.332 người, chiếm 50,72% tổng số và lao động nữ 174.240 người, chiếm 49,28%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị 71.422 người, chiếm 20,2%; khu vực nông thôn 282.150 người, chiếm 79,8%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong năm 2021 ước tính 350.364 người, tăng 1,29% so với năm 2020, bằng 99,09% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh. Trong tổng số lao động đang làm việc thì lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản 251.526 người, chiếm 71,79%; lao động trong ngành Công nghiệp và xây dựng 29.956, chiếm 8,55% và lao động trong các ngành Dịch vụ 68.882 người, chiếm 19,66%.
2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội
Đời sống dân cư
Trong năm 2021, tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đời sống của các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không có sự thay đổi so với năm trước do năm 2021 không có sự điều chỉnh mới về mức lương cơ bản. Tuy nhiên, chế độ tiền lương, tiền phụ cấp được thanh toán kịp thời nên đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động được ổn định. Một số công nhân, lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhất là khu vực dịch vụ như vận tải, ăn uống, du lịch... đã được ngành chức năng hỗ trợ kịp thời.
Đời sống nông dân ở khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo nông thôn có sự khởi sắc. Lao động ở nông thôn chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp nên ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong năm có dịch bệnh trên đàn lợn và gia súc nhưng nhờ sự triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp chống dịch bệnh của các cấp và ngành chức năng đã kiểm soát được dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại.
Công tác an sinh xã hội
Công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và thực hiện hiệu quả:
* Bảo trợ xã hội
Chính quyền địa phương và các đoàn thể thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng quà cho các trung tâm đang nuôi dưỡng đối tượng Bảo trợ của tỉnh và tặng quà cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... sống tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 10.975 suất quà với tổng giá trị 4.451,6 triệu đồng.
Trợ cấp đột xuất cho những hộ bị cháy nhà, thiên tai, dịch bệnh, đột xuất khác... trong năm 2021 với tổng số tiền trên 575,65 triệu đồng.
Cấp phát 1.440,06 tấn gạo cứu đói dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và cứu đói giáp hạt cho 10/10 huyện, thành phố với 23.141 hộ, 96.004 nhân khẩu;
Số BHYT/sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh cấp miễn phí cấp cho các đối tượng là: 345.249 thẻ.
* Thực hiện chính sách với người có công
Toàn tỉnh hiện có trên 48.000 đối tượng người có công, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp hàng tháng cho trên 4.300 người với kinh phí thực hiện trên 105 tỷ đồng/năm. Năm 2021, tiếp nhận, giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng, một lần và trợ cấp mai táng phí cho 1.449 trường hợp người có công và thân nhân người có công.
Tặng sổ tiết kiệm cho người có công là 12 sổ trị giá 36 triệu đồng.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức thăm, chúc tết, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 cho 35.871 đối tượng người có công và thân nhân người có công với số tiền trên 11,5 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 381 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với số tiền 8.587 triệu đồng.
* Kết quả hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Đã thực hiện giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 907 đơn vị, với 9.719 lao động, tổng số tiền 1.443,432 tirệu đồng (giảm đến tháng 12/2021).
- Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất: tạm dừng đóng cho 01 doanh nghiệp, với 12 lao động, số tiền 60,973 triệu đồng.
- Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: hỗ trợ cho 04 doanh nghiệp, hợp tác xã với 28 lao động, số tiền 151,5 triệu đồng.
- Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: phê duyệt hỗ trợ 02 lao động, với số tiền 4 triệu đồng (trong đó hỗ trợ thêm đối với người lao động đang nuôi con chưa đủ 06 tuổi: 2 triệu đồng).
- Chính sách Hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế:
+ Đối với đối tượng F0, F1 đã hoàn thành cách ly y tế: phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 94 người với số tiền 101,189 triệu đồng, trong đó có 07 trẻ em. Đã chi trả 50 người, với số tiền 49,504 triệu đồng.
+ Đối với đối tượng F1 đang cách ly y tế: phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 185 người, với số tiền 205,2 triệu đồng, trong đó có 14 trẻ em. Đã chi trả cho 106 người, với số tiền 117,52 triệu đồng.
- Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: hỗ trợ cho 19 hướng dẫn viên du lịch, với số tiền 70,49 triệu đồng.
- Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 121 hộ kinh doanh, với số tiền 363 triệu đồng. Đã thực hiện chi trả cho 50 hộ kinh doanh, với số tiền 150 triệu đồng.
- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: hỗ trợ cho 513 lượt lao động, với số tiền 1.300,1 triệu đồng của 09 doanh nghiệp, HTX.
* Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp
- Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19:
+ Số đơn vị được giảm mức đóng: 886 đơn vị
+ Số lao động được giảm mức đóng: 9.406 lao động
+ Tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là 5,676 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện giảm đóng đến hết tháng 11/2021 là 946 triệu đồng.
- Hỗ trợ người lao động: Tổng số lao động được hỗ trợ là 12.120 người với tổng số tiền hỗ trợ: 29,701 tỷ đồng. Tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ cho lao động tự do, có 05 hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
3. Giáo dục đào tạo
Ngành giáo dục đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 đúng kế hoạch; tổ chức thành công, an toàn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 – 2021 (đợt 1 và đợt 2); tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Tiếp tục duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp và kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 154 trường đạt chuẩn quốc gia (giảm 01 trường do sáp nhập), dự kiến đến hết năm 2021 có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2021 – 2022, triển khai chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và triển khai đối với lớp 2, lớp 6; rà soát đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đáp ứng việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục.
4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được ngành Y tế quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Đặc biệt tăng cường phòng chống dịch Covid-19, tập trung nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch Covid-19.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 05/11/2021 đến 18h00 ngày 22/12/2021 là 285 ca nhiễm, trong đó khỏi bệnh 188 ca, đang điều trị 96 ca, tử vong 01 ca tại huyện Bảo Lâm. Tổng số liều vắc xin đã tiêm tính đến ngày 21/12/2021 là 650.400 mũi, trong đó 298.358 người đã được tiêm mũi 2, 2.213 người đã được tiêm mũi 3; Số trẻ từ 12 đến 15 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin là 27.273 trẻ, tiêm mũi 2 là 19.669 trẻ; số trẻ từ 16-17 tuổi được tiêm mũi 1 là 12.692 trẻ, tiêm mũi 2 là 10.017 trẻ.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác như: Rubella, Tay - Chân - Miệng, Cúm thông thường, Tiêu chảy, Quai bị, Thuỷ đậu... xảy ra rải rác ở các huyện, thành phố; cơ bản các trường hợp mắc bệnh được phát hiện và điều trị, xử lý kịp thời, không có tử vong.
Trong năm 2021, có 55 trường hợp nhiễm HIV mới (trong đó có 04 người ngoại tỉnh), không có trường hợp mới chuyển sang giai đoạn AIDS, 15 người nhiễm HIV/AIDS mới tử vong. Toàn tỉnh có 121/161 xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV.
Về ngộ độc thực phẩm, trong năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ, làm 29 người mắc trong đó có 02 người tử vong.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong năm, tỉnh đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương đảm bảo an toàn, lành mạnh và ý nghĩa.
Các di tích văn hóa được chú trọng bảo tồn, tôn tạo. Công viên địa chất non nước Cao Bằng tiếp tục được quan tâm xây dựng và phát triển, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm phát huy tối đa các giá trị.
Thực hiện hiệu quả công tác nếp sống văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kết quả ước thực hiện năm 2021, tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 85%; tỷ lệ xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa 56%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 95%; tỷ lệ xóm có nhà văn hóa đạt 81%.
Tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 – 2030 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Cao Bằng lần thứ X năm 2021. Công tác đào tạo thể thao được tổ chức tốt theo kế hoạch. Trong năm 2021, tổ chức giải thể thao cấp tỉnh được 10 giải, tham gia 08 giải khu vực và toàn quốc; Số huy chương các loại đạt 30 huy chương.
6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội
Tai nạn giao thông
Từ ngày 16/11-15/12/2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 02 người, bị thương 24 người, giá trị tài sản thiệt hại 115 triệu đồng. Tổng số vụ tai nạn giao thông cộng dồn từ đầu năm 68 vụ, làm chết 29 người, bị thương 81 người. So với năm 2020, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Tình hình cháy, nổ
Trong tháng 12 trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy tại Thành phố Cao Bằng, làm cháy 03 nhà, không có thiệt hại về người, ước tính tổng giá trị thiệt hại 3,5 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, có 23 vụ cháy xảy ra, tổng giá trị thiệt hại tài sản ước tính 6,78 tỷ đồng.
7. Tình hình thiệt hại do thiên tai
Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ thiên tai làm 03 người chết (02 người chết do sét đánh, 01 người bị lũ cuốn trôi), 01 người bị thương, 759 nhà bị tốc mái và hư hại, 362,412 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 60 con gia súc chết và nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 8.343,61 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ và có hướng khắc phục hậu quả đối với những gia đình bị thiệt hại.
Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng