(MPI) - Ngày 09/12/2022, tại Viêng Chăn, CHDCND Lào đã diễn ra cuộc Gặp mặt Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-Chen Vông-Phô-Sỷ, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước CHXHCN Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan của Lào.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương đánh giá, đây là sự kiện rất quan trọng nhằm cổ vũ, động viên, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; đồng thời cũng là dịp để đánh giá về tình hình đầu tư doanh nghiệp, chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa hai nước và tổ chức Hội nghị hợp tác Đầu tư Việt Nam - Lào, dự kiến sẽ diễn ra tại Thủ đô Viên Chăn vào cuối tháng 12/2022.
Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, trong đó có việc tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Lãnh đạo hai Đảng, hai Chính phủ quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt và đã được các Bộ, ngành hai nước triển khai thực hiện rất tích cực. Với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào thời gian qua đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào.
Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt trên 118 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Trong 11 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào tăng 49%, cả năm 2022 có thể tăng 57,7%. Kết quả này là rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, dòng vốn đầu tư nước ngoài chưa hồi phục và chịu sự canh tranh gay gắt.
Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…
Trong năm 2022, một số một số dự án lớn, quan trọng đã được các cơ quan của hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: dự án Xê-ca-man 3; dự án nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải; dự án khai thác và chế biến khoáng sản Alumin bau xít của Tập đoàn Việt Phương; tiến độ xử lý liên quan đến dự án muối mỏ Kali và dự án sân bay Noong-khảng,… cũng đang có tiến triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu chúng ta đạt được, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào cũng còn gặp một số khó khăn, vướng do tác động của đại dịch Covit-19 và tình hình thế giới làm ảnh hưởng kinh tế vĩ mô của Lào như: trênh lệch tỷ giá của đồng KIP, khan hiếm ngoại tệ, lạm phát tăng; các vấn đề liên quan đến khơi thông nguồn vốn, thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, lao động, thuê đất, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Các đại biểu tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MPI |
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành của Lào tiếp tục quan tâm hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam tiếp tục là đầu mối thúc đẩy các cơ quan của Lào sớm xem xét, xử lý những vấn đề doanh nghiệp nêu ra tại cuộc Gặp gỡ doanh nghiệp. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chấp hành pháp luật của hai nước; luôn nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội với Lào và giữ gìn hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tổ chức các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại nước bạn Lào vừa coi đây là mục tiêu phát triển của doanh nghiệp vừa là trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển của đất nước Lào anh em, đóng góp cho nước bạn cũng giống như đóng góp cho nước nhà.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan phía Lào và của doanh nghiệp để cùng với các Bộ, ngành, địa phương hai nước có giải pháp hỗ trợ kịp thời tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ưu tiên xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư