1.Hiện trạng thực hiện
Một trong những thành công lớn nhất của vòng đàm phán Uruguay (UR) là việc thông quan Hiệp định Nông nghiệp (AoA) để qua đó lần đầu tiên đưa nông nghiệp vào trong khuôn khổ của tiến trình tự do thương mại toàn cầu. Hiệp định Nông nghiệp đạt được năm 1994 là tượng trưng cho sự chấm dứt một thời kỳ mà các chính sách nông nghiệp được xây dựng độc lập với GATT.
Tác động lớn của AoA là qui định thuế hoá các biện pháp phi thuế quan và giảm mức thuế quan để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Hiệp định cũng yêu cầu các nước thành viên phải giảm dần mức trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước. Nhìn chung, AoA đã đem lại nhiều lợi ích cho các nước xuất khẩu nông sản thông qua mở rộng thị trường và tháo bỏ các rào cản thương mại.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Hiệp định đã nảy sinh nhiều vấn đề mà nó bắt nguồn chính từ nguồn gốc của sự hình thành AoA trong vòng đàm phán Uruguay. Thực tế, AoA chủ yếu phản ánh kết quả đàm phán tay đôi giữa Mỹ và các nước EU. Thương mại nông nghiệp do vậy vẫn chịu ảnh hưởng rất mạnh của những chính sách trợ cấp và bảo hộ nặng nề.
Mặc dù đã có cắt giảm những mức trợ cấp trong nước và trợ cấp xuất khẩu của các nước phát triển vẫn còn ở mức rất cao. Trong năm 1998, tổng mức hộ trợ cho những người sản xuất nông nghiệp trong các nước OECD lên tới 273,6 tỷ USD, trong đó riêng các nước EU là 129,8 tỷ, Nhật bản 49 tỷ, Mỹ 50 tỷ. Tuy các nước phát triển cam kết sẽ giảm bảo hộ và trợ giúp trong nước, nhưng việc thực hiện cam kết này còn rất hạn chế. Có rất nhiều vấn đề không minh bạch về thống kê và luật pháp của các nước phát triển nhằm lý giải quá trình giảm mức độ trợ giúp. Điều này thể hiện rõ nhiều nước phát triển, như các nước EU, Nhật bản, Hàn quốc, không muốn cải cách mạnh mẽ hơn nữa chính sách nông nghiệp của mình.
Năm 1996, EU chiếm gần 84% trị giá của thế giới về trợ cấp nông nghiệp và nông sản xuất khẩu. Trong khi đó Mỹ trợ cấp chủ yếu thông quan tín dụng xuất khẩu ở mức 5 tỷ USD. Đây là vấn đề sẽ gây nhiều tranh luận trong vòng đàm phán tới. Việc xoá bỏ dần dần các biện pháp trợ cấp xuất khẩu có lẽ là điều không tránh khỏi trong tương lai, vì đó là điều kiện tiên quyết cho việc thiết lập một nền thương mại nông nghiệp thế giới dựa trên những lợi thế so sánh.
Vấn đề nóng bỏng nhất là đối với chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong nước. Nhiều nước, nhất là EU, Nhật bản, Hàn quốc, đã bảo vệ quan điểm mà theo đó, các chính sách hỗ trợnông nghiệp nhằm tạo dựng một nền nông nghiệp đa chức năng không chỉ sản xuất ra của cải vật chất mà còn góp phần vào việc gìn giữ và tăng việc làm, gìn giữ nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hoá. Chi phí dành cho nông nghiệp chiếm khoảng hơn một nửa ngân sách của EU. Thêm vào các khoản trợ cấp trực tiếp này, còn có nguồn hộ trợ từ người tiêu dùng khi họ thường phải mua các nông sản với giá cao hơn hẳn so với giá quốc tế (nhất là đối với đường, sữa, thịt bò) do sự bảo hộ cao qua mức thuế quan cao và hạn ngạch thuế quan.
Bên cạnh, ngày càng có nhiều mối lo ngại mới của người tiêu dùng và công dân các nước về môi trường, an ninh lương thực và nhất là an toàn thực phẩm. Những khía cạnh này, trước kia hoặc ít được quan tâm hoặc không ai để ý tới khi định ra chính sách nông nghiệp, nay lại là mối quan tâm hàng đầu ở nhiều nước, vì thế đã xảy ra những cuộc biểu tình của các tổ chức phi Chính phủ, nhất là trong cuộc họp các bộ trưởng của WTO ở Seattle. Gần đây, giữa Mỹ và EU đã nảy sinh nhiều tranh chấp gay gắt về thực phẩm biến đổi gen (GMOs) và thực phẩm có chứa hormone.
Những vấn đề mới nảy sinh cũng như những nhượng bộ đối xử đặc biết đối với nông nghiệp tại vòng UR đòi hỏi nhu cầu bức xúc cho nhiều nước phải tiến hành vòng đàm phán mới về nông nghiệp. Nhất là những nước có xu hướng xuất khẩu nông sản và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đòi hỏi cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong các qui định của WTO đối với thương mại nông nghiệp thế giới.
2.Quan điểm chính của các nhóm nước
Các nước EU và các nước phát triển khác (Nhật bản, Hàn Quốc)
Quan điểm cơ bản trong đàm phán nông nghiệp của EU và hai nước Đông á là phải coi nông nghiệp là một lĩnh vực đặc biệt cần được đối xử khác so với các ngành trong khuôn khổ WTO. Các mối lo ngại phi thương mại (NTCs) của EU bao gồm tác động đối với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, lao động, văn hoá, con người. Trong một thời gian dài, EU không chấp nhận việc áp dụng các nguyên tắc tự do thương mại trong chính sách nông nghiệp. Đàm phán nông nghiệp trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi trong Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) của EU. Do vậy, EU sẽ phải cố gắng giữ vững mức trợ cấp cao như hiện nay đối với trợ cấp trong nước cũng như trợ cấp xuất khẩu. Đối với trợ cấp trong nước, EU sẽ cố gắng giữ những điều khoản của “hộp xanh lơ” (blue box) cho phép trợ cấp trực tiếp cho nông dân để hạn chế mức sản xuất của họ.
EU cũng rất quan tâm đến các vấn đề nhạy cảm khác bao gồm các biện pháp kiểm dịch động thực vật của Hiệp định SPS. EU mong muốn đưa ra vấn đề này để phản ánh sự lo ngại của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm trong những trường hợp họ không đủ chứng cứ khoa học để chứng minh cho việc áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu (theo như yêu cầu của Hiệp định SPS), nhất là đối với thực phẩm sử dụng hormones và biến đổi gen.
Quan điểm của Mỹ
Quan điểm đàm phán của Mỹ phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị trong nước và ảnh hưởng của các nhóm có lợi ích khác nhau thông qua vận động hành lang để tác động tới Lượng viện và Chính phủ Mỹ. Đối với mở cửa thị trường, Mỹ mong muốn mở rộng mức hạn ngạch thuế quan vì cho rằng mức cam kết trong UR là quá thấp nó khiến cho các cam kết cắt giảm thuế hầu như không có tác dụng. Mỹ cũng rất quan tâm đến việc nhiều nước muồn dùng hàng rào kỹ thuật hoặc an toàn thực phẩm để hạn chế việc nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen vì Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về nông sản biến đổi gen (GMOs).
Trong khi đó xoá bỏ hết trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản là mộ trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ là. Tuy nhiên, Mỹ lại không mong muốn các qui định của WTO về giới hạn việc sử dụng tín dùng hoặc bảo lĩnh tín dụng đối với xuất khẩu nông nghiệp.
Về trợ cấp trong nước, quan điểm đàm phán của Mỹ chưa hoàn toàn rõ ràng và phụ thuộc vào sự vận động hành lang của các nhóm khác nhau. Một mặt Mỹ đã bãi bỏ các chương trình hỗ trợ đối với lúa mì, thức ăn gia súc, bông, và gạo tuy nhiên áp lực lại gia tăng với yêu cầu cung cấp tín dụng ưu đãi cho hoạt động buôn bán các mặt hàng này.
Quan điểm của Nhóm Cairns (nhóm 15 nước xuất khẩu nông sản)
Nền tảng trong quan điểm đàm phán của Cairns là phải coi nông nghiệp cũng như mọi ngành hàng hoá khác cần được qui định chặc chẽ trong khuôn khổ tự do hoá thương mại và không nên đối xử đặc biệt. Nhóm Cairns yêu cầu bãi bỏ mọi trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản. Điều này có vẻ như quá tham vọng vì thực tế trợ cấp xuất khẩu chỉ bị cắt giảm khoảng 1/5 trong vòng đàm phán UR. Cairns cũng cho rằng tín dụng xuất khẩu cũng là một hình thức trợ cấp xuất khẩu do vậy cần phải được giám sát chặc chẽ hơn bởi các qui định của WTO.
Đối với trợ cấp trong nước, huỷ bỏ blue box và cần có qui định chặt chẽ hơn đối với các trợ cấp thuộc hộp xanh (green box) là mong muốn của Cairns. Các nước này cho rằng trong quá trình thực hiện các cam kết UR, nhiều nước đã giảm trợ cấp trong nước bằng việc thay đổi các hình thức trợ cấp để nó có thể nằm trong hộp xanh và do vậy không bị buộc phải cắt bỏ.
Về mở cửa thị trường, Cairns hy vọng vào cắt giảm mạnh đối với thuế trần cam kết qua việc sử dụng các công thức cắt giảm thuế mạnh mẽ như “Swiss formula”. Bên cạnh đó, các nước này yêu cầu nâng mức hạn ngạch thuế quan vì mức cam kết 5% thị trường đạt được tại vòng UR là quá thấp. Cairns cũng cho rằng WTO cần có qui định chặt chẽ hơn về doanh nghiệp thương mại nhà nước để hạn chế việc nhiều nước sử dụng các STEs như một công cụ trá hình để tiếp tục chính sách trợ cấp trong nước và xuất khẩu.
Quan điểm của các nước đang phát triển
Xuất khẩu nông nghiệp chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển, không kể xuất khẩu từ dầu mỏ. Do vậy, mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu nông nghiệp là quan điểm cơ bản của nhóm các nước này.
Nhiều nước đang phát triển cho rằng kết quả của vòng UR về nông nghiệp là thiên vị cho các nước phát triển vì chỉ dừng chủ yếu ở các cam kết về thuế quan trong khi cam kết về cắt giảm trợ cấp trong nước và xuất khẩu là không đáng kể. Trong khi đó chỉ có các nước phát triển là sử dụng nhiều biện pháp trợ cấp, trong khi đó các nước đang phát triển do hạn chế về ngân sách nên không thể áp dụng trợ cấp trong nước để bảo vệ sản xuất của họ. Điều đó có nghĩa là các nước đang phát triển có vẻ như phải chịu thiệt nhiều hơn so với các nước phát triển.
Tại vòng đàm phán tương lai, các nước đang phát triển muốn tăng cường hơn nữa tiếng nói và sự tham gia của họ. Hiện nay, trong tổng số hơn 140 nước thành viên của WTO, các nước đang phát triển chiếm tới 80%. Vấn đề các nước đang phát triển quan tâm nhất là việc cắt giảm mạnh mẽ hơn nưa các loại trợ cấp bao gồm hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Rõ ràng, các nhà sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển không thể cạnh tranh nổi với mức ngân sách rất lớn mà hàng năm các nước phát triển dùng để trợ cấp cho nông nghiệp.
Một quan tâm nữa của các nước đang phát triển là vấn đề thuế leo thang vì thực tế là phần lớn các nước phát triển áp dụng mức thuế tương đối thấp đối với nông sản thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp. Tuy nhiên mức, thuế nhập khẩu tăng lên rất nhanh cùng với mức độ chế biến và giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong khi đó đối với các nước đang phát triển thì để chuyển đổi căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân phụ thuộc rất nhiều vào mức độ công nghiệp hoá và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, các nước đang phát triển cho rằng việc áp dụng mức thuế leo thang đối với sản phẩm nông sản chế biến là từ chối tạo cơ hội cho họ phát triển để bắt kịp với các nước phương Bắc.
Một chủ đề quan trọng nữa là các nước đang phát triển mong muốn các nước phát triển phải cụ thể hoá và tăng cương hơn nữa các trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển để họ có thể tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình đàm phán trong tương lai và thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Những nước kém phát triển và nhập khẩu lương thực mong muốn nhận được sự trợ giúp về viện trợ lương thực cũng như hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật để họ có thể gia tăng mức độ đảm bảo an ninh lương thực.
3.Hướng đàm phán sắp tới
Mục tiêu lâu dài của WTO là nhằm thành lập một hệ thống thương mại công bằng theo định hướng thị trường thông qua một chương trình cải cách cơ bản đầy tham vọng bao gồm các quy định đã được cải tiến và các cam kết cụ thể về hỗ trợ và bảo hộ nhằm chấn chỉnh và ngăn chặn những hạn chế và làm bóp méo thị trường nông sản thế giới. Các nước thành viên của WTO cam kết đàm phán toàn diện về tất cả các vấn đề của hiệp định nông nghiệp, gồm: cải tiến đáng kể về mở cửa thị trường; giảm và nhằm loại bỏ dần mọi dạng trợ cấp xuất khẩu; giảm đáng kể các hỗ trợ trong nước gây biến dạng thương mại. Tuy nhiên, điều cần lưu tâm nhất là sự thành bại hay phạm vi của các cam kết trong tương lai sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự nhượng bộ của EU và một số nước phát triển khác. Trong khi đó, Mỹ sẽ phần nào đóng vai trò trung gian hoà giải trong phần lớn các vấn đề nhạy cảm nhất như trợ cấp trong nước thuộc blue box và trợ cấp xuất khẩu.
Có thể nói vòng đàm phán trong tương lai sẽ động chạm đến tất cả mọi vấn đề của Hiệp định nông nghiệp. Đối với việc mở cửa thị trường, đàm phán sẽ tập trung vào việc mở rộng hạn ngạch thuế quan và giảm bớt sự leo thang thuế quan đối với sản phẩm chế biến. Đây sẽ là sự đối đầu giữa các nước đang phát triển, nhóm Cairns và các nước phát triển, nhất là EU và Nhật bản. EU và Nhật bản vẫn sẽ dựa vào các mối lo ngại phi thương mại (NTCs) để biện hộ cho việc áp dụng mức thuế quan cao để bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Đối với chủ để trợ cấp xuất khẩu, đàm phán trong tương lai sẽ nhiều khả năng tập trung vào việc huỷ bỏ trợ cấp xuất khẩu theo yêu cầu của các nước đang phát triển, Cairns và cả Mỹ. Như vậy, đối với lĩnh vực này, sẽ có thể xảy ra tình huống một mình EU đương đầu với phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, thực tế EU sẽ rất khó tìm được lý do để duy trì mức trợ cấp xuất khẩu cao như hiện nay, mặc dù mong muốn bỏ hết mọi trợ cấp xuất khẩu có vẻ như là điều khó xảy ra. Thậm chí các nước thuộc nhóm Cairm còn muốn đưa vấn đề đi xa hơn nữa qua việc kêu gọi đưa tín dụng xuất khẩu vào trong khuôn khổ kiểm soát của WTO. Vấn đề này chắc sẽ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phía Mỹ, nước hiện nay chiếm tới 80% tổng mức tín dụng xuất khẩu cho nông nghiệp trên thế giới. Thực tế, Mỹ sử dụng tín dụng xuất khẩu vừa để thúc đẩy xuất khẩu hàng của Mỹ vừa thực hiện chính sách viện trợ tạo ảnh hưởng cho các nước tiếp nhận viện trợ.
Vấn đề nóng bỏng nhất trong vòng đàm phán tương lai nhiều khả năng sẽ là trợ cấp trong nước, cụ thể là các dạng trợ cấp thuộc hộp blue box. Một lần nữa, EU sẽ phải đương đầu với phần còn lại của thế giới. Trong vòng UR, Mỹ cũng là đồng minh mạnh mẽ của EU về vấn đề này tuy nhiên gần đây với sự thay đổi về chính sách trong nước của Mỹ đối với nông nghiệp cùng với việc trợ cấp trực tiếp cho nông dân để hạn chế sản xuất ở Mỹ đã hầu như bị bãi bỏ. Trong khi đó, trợ cấp trong nước là hòn đá tảng trong chính sách nông nghiệp chung CAP của EU. Điều nay cho thấy, EU chỉ có thể nhượng bộ trong trường hợp Chính phủ các nước này dành được sử ủng hộ trong nước để cải cách CAP. Hơn nữa, một điều cơ bản khác biệt so với UR, lần này EU không thể sử dụng vấn đề nông nghiệp làm con tin để trì hoãn và trao đổi nhượng bộ với các lĩnh vực khác vì nông nghiệp được đàm phán một cách riêng rẽ. EU chỉ có thể tiếp tục sử dụng việc mua chuộc các nhóm nước đang phát triển thông quan các hiệp định thương mại khu vực riêng rẽ để dùng các ưu đãi nhằm kéo những nước đang phát triển ủng hộ quan điểm của EU. Kết quả của vòng đàm phán tương lai về trợ cấp trong nước do vậy khó có thể dự đoán chính xác mặc dù xu hướng hiện nay trên thế giới sẽ phần nào ép buộc các nước EU phải cam kết cắt bỏ mạnh mẽ hơn nữa trợ cấp trực tiếp cho người nông dân để hạn chế sản xuất.
Một điểm duy nhất mà các nước thành viên có thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung là nhất trí việc đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển sẽ là một phần không thể tách rời của mọi quá trình đàm phán và sẽ được tổng hợp vào Lịch trình Ưu đãi và Cam kết và ở mức độ thích hợp, có thể sẽ được đưa vào các quy định và nguyên tắc chuẩn bị được thương thảo để có thể có hiệu lực thi hành và cho phép các nước đang phát triển đáp ứng thích đáng nhu cầu phát triển, kể cả an ninh lương thực và phát triển nông thôn. Mặc dù vậy, việc các nước đang phát triển có thể thành công đến đâu trong cố gắng khiến các nước phát triển cụ thể hoá trợ giúp kỹ thuật và các qui định về đối xử đặc biệt cho các nước đang phát triển là không đơn giản.
Bên cạnh đó, các nước EU cùng với Nhật bản phần nào thành công trong việc đưa vào chương trình nghị sự đàm phán trong tương lai những mối lo ngại phi thương mại (NTCs) khi WTO khẳng định những mối quan ngại đó sẽ được tính đến trong quá trình đàm phán trong những năm tới đây. Đây là lý do cơ bản để các nước EU cùng với Nhật bản, Hàn quốc dựa vào để bảo vệ quan điểm của họ trong đàm phán tương lai về nông nghiệp.
4.Khuyến nghị
Thuận lợi:
-Có thể thấy rằng vòng đàm phán về nông nghiệp trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự nhượng bộ của EU về cắt giảm trợ cấp, nhất là trợ cấp trong nước dưới những hình thức khác nhau và trợ cấp xuất khẩu. Nếu điều này đạt được theo mong muốn của các nước đang phát triển và nhất là nhóm Cairns thì sẽ dẫn đến những thay đổi rất lớn về quan hệ cung cầu về hàng nông sản trên thế giới và qua đó sẽ nâng giá của phần lớn các mặt hàng nông sản như: ngũ cốc (gồm gạo), đường, thịt. Thực tế, do tác động của chính sách trợ cấp khiến phần lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều mặt hàng ở các nước EU, Nhật bản và Hàn quốc có hiệu quả thấp và khó có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu của các nước đang phát triển và của Mỹ một khi hàng rào thuế quan cũng như trợ cấp bị cắt bỏ. Như vậy, điều này sẽ tạo ra một cơ hội to lớn cho các nước đang phát triển đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở những ngành hàng mà họ có lợi thế cao như rau quả nhiệt đới, thịt, bông, đường, ngũ cốc.
-Tác động mở cửa thị trường nông sản ở nhiều nước phát triển, thông qua cắt giảm thuế nhập khẩu, mở rộng hạn ngạch thuế quan, giảm dần thuế leo thang đánh vào nông sản chế biến, cũng sẽ tạo ra điều kiện cơ bản cho các nước đang phát triển và nhất là các nước thuộc nhóm Cairns ra tăng lượng hàng nông sản xuất khẩu.
Tác động tổng hợp của 2 yếu tố trên sẽ dẫn đến một thị trường nông sản thế giới minh bạch và theo định hướng thị trường hơn. Điều nay sẽ tác động thuận lợi đến Việt Nam qua các cách sau. Thứ nhất, những hàng nông sản mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh cao như gạo, cà phê, hoặc có nhiều tiềm năng rau quả nhiệt đới và ôn đới, thịt sẽ dễ dàng thâm nhập vào thị trường rộng lớn của các nước phát triển gồm EU, Nhật bản, và Hàn quốc. Thức hai, do việc giảm bớt các bóp méo thương mại của các trợ cấp ở các nước phát triển dẫn đến thị trường nông sản sẽ ít bị biến động hơn và giá cả sẽ ổn định hơn. Điều này đồng nghĩa với việc giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản của chúng ta sẽ ổn định và dễ dự đoán hơn trước. Đây là ảnh hưởng rất có lợi đối với ổn định thu nhập của người nông dân và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển bền vững của nhiều ngành hàng nông sản.
Một trong những ví dụ cụ thể là ngay đối với ngành mía đường của chúng ta, nếu các nước EU bãi bỏ trợ cấp đối với sản xuất đường từ củ cải và mở cửa thị trường đường thì giá đường trên thế giới sẽ nhiều khả năng tăng nhanh từ mức 230-250 USD/tấn như hiện nay lên tới mức 320-340 USD/tấn. Tại mức giá này, thì đường sản xuất trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với đường thế giới và thậm chí có thể xuất khẩu mà không phải bù lỗ.
Khó khăn:
-Sẽ có nhiều qui định chặt chẽ và khắt khe hơn về trợ cấp xuất khẩu và cả tín dụng xuất khẩu. Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ đối với nước ta vì hiện nay chúng ta đã thực hiện chính sách trợ cấp xuất khẩu, như thưởng xuất khẩu cho 4 mặt hàng gạo, cà phê, thịt lợn và rau quả đóng hộp và trợ giá dứa xuất khẩu sang Mỹ. Như vậy, sẽ hạn chế khả năng của Chính phủ hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai.
-WTO sẽ có qui định chặt chẽ hơn về doanh nghiệp thương mại nhà nước (STEs). Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc chúng ta thông qua các doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ nông dân, như trong chương trình dự trữ bắt buộc gạo và cà phê. Các doanh nghiệp nhà nước cũng phải được minh bạch hoá hơn trong hoạt động thương mại cũng như trong cân đối tài chính. Các doanh nghiệp Nhà nước sẽ bị bắt buộc phải cạnh tranh trong một môi trường hoàn toàn bình đẳng không những với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong nước mà ngay cả đối với doanh nghiệp nước ngoài.
-Hơn nữa, trong trường hợp chúng ta chưa gia nhập WTO thì những điều khoản mới của Tổ chức thương mại thế giới về nông nghiệp chắc chắn sẽ khiến chúng ta phải nhượng bộ hơn nữa và công tác đàm phán cho việc gia nhập sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Các nước thành viên sẽ ép buộc các nước đàm phán gia nhập phải cam kết mạnh mẽ hơn, nhượng bộ nhiều hơn.
Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế