Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/06/2013-08:20:00 AM
Báo cáo đánh giá 6 tháng đầu năm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 21 tháng 6 năm 2013
1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2012
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc đ phát triển ổn định: Trong 6 tháng đầu năm 2013 sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển nhưng với tốc độ chậm lại. Tăng trưởng GDP toàn ngành Quý II/2013 đạt 2,0%, thấp hơn Quý I/2013 (2,24%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2013 tăng 2,07% (thấp hơn so với tốc độ tăng 6 tháng 2012: 2,88%, 6 tháng 2011: 3,9%),
Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá cố định 2010) 6 tháng năm 2013 ước tăng 2,4%trong đó nông nghiệp tăng 2,2%, lâm nghiệp tăng 5,68%, sản xuất thủy sản có tốc độ tăng chậm lại rõ rệt với2,53%.
Sản xuất nông nghiệp
Trồng trọt:
6 tháng đầu năm 2013, ngành trồng trọt gặp nhiều khó khăn: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn cục bộ ảnh hưởng một số vùng các tỉnh ĐNB. Một số diện tích sản xuất ở hạ lưu các tỉnh ĐBSCL xuống giống trễ sẽ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ; tình hình vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thường biến động vào cuối năm, nhất là đầu vụ xuống giống lúa đông xuân; tình hình cung ứng lúa giống cho vụ Đông Xuân thường thiếu hụt do khả năng sản xuất giống trong vụ thu đông bị hạn chế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thuận lợi: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; một số chủ trương đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân góp phần thúc đẩy cho phát triển sản xuất nông nghiệp; Các chương trình “cánh đồng mẫu lớn”, “ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP”, chương trình 1 phải 5 giảm,… đã phát huy hiệu quả; cơ cấu giống lúa đang dần được cải thiện theo hướng chất lượng cao, lúa thơm được chú trọng do thị trường xuất khẩu được mở rộng; năng suất bình quân gia tăng, một số doanh nghiệp đã chú ý đến xây dựng thương hiệu gạo; có biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời.
Kết quả sản xuất lúa vụ Đông Xuân trên cả nước đạt kết quả tốt. Tính đến ngày 15/6, cả nước đã cơ bản thu hoạch xong cây trồng vụ đông xuân và đang tiến hành xuống giống các loại cây trồng vụ hè thu. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3.139,9 nghìn ha, tăng 15,7 nghìn ha; năng suất ước đạt 64,5 tạ/ha; sản lượng đạt 20,26 triệu tấn, xấp xỉ vụ đông xuân 2012.
Cân đối cung cầu: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 43,7 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL, sản lượng lúa cả năm ước đạt 24,571 triệu tấn (so với 2012 tăng khoảng 172 ngàn tấn). Với sản lượng lúa như trên, lượng gạo dành cho xuất khẩu cả năm khoảng 8,3 triệu tấn. Trong khi đó, theo dự báo của FAO, sản lượng gạo toàn cầu ước đạt 489,5 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu dùng ước đạt 477,8 triệu tấn và tồn kho ở mức 173,1 triệu tấn. So với thời điểm cuối năm 2012, sản lượng gạo tăng 4,3 triệu tấn.
Với áp lực thị trường suy yếu và xu hướng giá giảm đang ảnh hưởng đến giá xuất khẩu (nhất là đối với gạo trắng) của tất cả các nước xuất khẩu gạo lớn. Chính vì vậy, việc xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy giá lúa Đông Xuân 2013 đầu vụ ở mức tương đối cao nhưng khi bắt đầu thu hoạch, giá lúa biến động theo chiều giảm dần do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu nên giá thu mua lúa thấp. Do giá thu mua lúa thấp nên lượng lúa Đông xuân tồn đọng nhiều. Từ ngày 15-6 đến 31-7, các tỉnh ĐBSCL triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đợt 2, giá lúa hè thu đã nhích lên bình quân từ 100-200đ/kg so thời điểm cuối tháng 5.
Đối với các loại cây trồng khác:
Trong tháng các địa phương trong cả nước đã bắt đầu triển khai trồng các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ hè thu, mùa. Tính từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng diện tích gieo trồng các cây hoa màu trên cả nước đạt 1.095 ngàn ha, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích ngô tăng khá, đạt 598,5 ngàn ha, tăng 2,7%; khoai lang đạt 88,2 ngàn ha, bằng 97,4%.
Sản lượng một số cây công nghiệp tiếp tục tăng do nhiều diện tích đến kỳ cho sản phẩm. Sản lượng cây cao su 6 tháng đầu năm 2013 ước tính đạt 309 ngàn tấn, tăng 7,9%; chè búp ước đạt 407,6 ngàn tấn, tăng 2,3%; hồ tiêu ước đạt 109 ngàn tấn, tăng 4,8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, một số cây công nghiệp có sản lượng ước tính tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do không hiệu quả, nhiều diện tích chuyển sang cây trồng khác như sản lượng điều ước tính đạt 278,1 ngàn tấn, giảm 11,4%; dâu tằm ước đạt 57,7 ngàn tấn, giảm 26,3%; dừa ước đạt 653,5 ngàn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước
Chăn nuôi
Sản xuất chăn nuôi các tháng đầu năm 2013 có một số thuận lợi như vấn đề kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát nhập lậu gia cầm được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Tuy nhiên do kinh tế suy giảm, cung vượt cầu bởi sức mua giảm sút, trong đó có mặt hàng thực phẩm, giá bán xuống thấp, trong khi chi phí sản xuất đầu vào của chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao, nhất là thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y (đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ), tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có nhiều chuyển biến, người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng đến sản phẩm trong nước nên cũng ảnh hưởng đến sức mua, dịch bệnh vẫn bùng phát cục bộ ở một số địa phương nên dẫn tới việc khôi phục sản xuất, tái đàn chậm.Tính đến ngày 15/6/2013, đàn trâu giảm 2,54% so với cùng kỳ 2012; đàn bò giảm 3,16% (tuy nhiên số bò sữa tăng 10,3%); đàn lợn giảm 0,52%; gia cầm giảm 2,01%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 6 tháng đầu năm ước đạt 2,56 triệu tấn, xấp xỉ sản lượng cùng kỳ 2012 (giảm 0,2%). Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước giảm nên vẫn cơ bản đáp ứng được tiêu dùng trong nước.
Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi nên vẫn duy trì được tốc độ phát triển khá. Thời tiết có mưa sớm hơn nên các địa phương (chủ yếu các tỉnh phía Bắc) đã triển khai trồng rừng đảm bảo thời vụ; tình hình khai thác gỗ và lâm sản khác nhìn chung đều tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới tập trung 66,1 ngàn ha, tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước. Giá bán sản phẩm gỗ cao, sản xuất có lãi nên một số nơi người trồng khai thác cả rừng non mặc dù chưa đạt năng suất cao nhất và đầu tư trồng lại ngay trên diện tích mới khai thác cũng là nguyên nhân làm tăng diện tích rừng trồng mới trong kỳ; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác tăng 7,2% do nhiều năm qua các chương trình dự án trọng điểm trong sản xuất lâm nghiệp đã đầu tư cho trồng. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1354,6 ha, giảm 10,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 845 ha (giảm 2,3%), diện tích rừng bị phá 509,6 ha (giảm 21,8%)
Thủy sản
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tập trung nuôi trồngcác loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới khó khăn kéo theo xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn bất ổn phần nào ảnh hưởng tới kết quả sản xuất thủy sản. Sản lượng thuỷ sản sản xuất ước đạt 2737 nghìn tấn, tăng 1,5%, trong đó cá 2109 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm 262 nghìn tấn, tăng 2,8%.
Khai thác: Nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá ngừ, mực, ...) xuất hiện nhiều, ngư dân tập trung khai thác nên các chuyến khai thác đa phần có lãi. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo sản xuất và khai thác thủy sản của ngư dân. Nhiều tàu cá và ngư dân bị tầu nước ngoài xua đuổi, uy hiếp cản trở sản xuất; một số tàu bị bắt giữ, xử phạt khi hoạt động ở khu vực chồng lấn, giáp ranh với các nước. Để động viên ngư dân yên tâm bám biển khi ra khơi, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ khuyến khích các chủ tàu liên kết, hợp tác nhau trong sản xuất. Việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển với phương châm cùng ngư trường, cùng nghề, cùng nơi cú trú tại một số địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Hải Phòng... đạt kết quả tốt.
Nuôi trồng: Hoạt động nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm lại phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, các rào cản thường mại ngày càng được các quốc gia áp dụng. Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản khó tiêu thụ hàng hóa, tồn kho và nợ đọng kéo dài nên không thu mua thủy sản nuôi cho dân. Vì vậy, người nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra bỏ nuôi khá nhiều.
Sản xuất muối
Do điều kiện thời tiết thuận lợi ở các vùng sản xuất muối khu vực miền Trung, hơn nữa Bộ đã tập trung chỉ đạo các địa phương trung đẩy mạnh sản xuất, đồng thời khẩn trương cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng đồng muối và phát huy tối đa các dự án sản xuất muối công nghiệp, nên dự kiến sản lượng muối năm 2013 sẽ đạt trên 1.000.000 tấn (tương đương với cùng kỳ năm2012), đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước. Tính đến ngày 15/6/2013, diện tích sản xuất muối cả nước đạt 14.242 ha; trong đó, diện tích muối công nghiệp đạt 3.394 ha. Sản lượng muối đạt 796.497 tấn (bằng 146% so với cùng kỳ 2012); trong đó, muối sản xuất công nghiệp đạt 193.366 tấn. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 236.012 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012.
Giá muối vẫn giữ ở mức hợp lý, có lãi cho người sản xuất (cụ thể: Miền Bắc từ 1.600 - 2.200 đ/kg; Nam Trung Bộ: muối sản xuất thủ công từ 850 – 2.000 đ/kg, muối sản xuất công nghiệp từ 1.000 - 1.200 đ/kg; Đồng bằng sông Cửu Long: muối đen và vàng từ 900-1.000 đ/kg, muối trắng từ 1.200- 1.700 đ/kg) nên đời sống diêm dân cơ bản ổn định.
Phát triển nông thôn
Đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: đến nay bình quân trên cả nước đã đạt 6,41 tiêu chí/xã, tăng 1,13 tiêu chí/xã so với đầu năm 2012, trong đó đã có 35 xã đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí; khoảng 84% số xã đã hoàn thành qui hoạch chung xây dựng nông thôn mới; 60,4% số xã (5.442/9008 xã) đã phê duyệt xong đề án, trong đó có 865 xã đã hoàn thành thẩm định và đang chờ thủ tục phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi một số tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới (QĐ 342/QĐ-TTg ngày 20/2/2013) cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện của các địa phương. Ngoài ra, để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tiết kiệm kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung cơ chế quản lý đầu tư xây dựng công trình áp dụng cơ chế đặc thù (Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013).
2. Một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm
Trồng trọt:
- Trước mắt cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt chính sách tạm trữ lúa gạo: Hạn chế phân giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp không nằm trên vùng sản xuất; ưu tiên cho doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân; điều chỉnh thời gian cho phù hợp với thời gian thu hoạch của các địa phương; giảm bớt khâu trung gian, đẩy nhanh tiến độ thu mua ngay sau khi bà con thu hoạch (để giảm tổn thất sau thu hoạch, đặc biệt do gặp trời mưa).
- Vụ Hè Thu: Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân, đặc biệt đối với diện tích đất lúa năng suất kém, thiếu nước và xen canh vụ 2, vụ 3 đối với đất chuyên lúa. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh chủ động triển khai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. Kinh phí, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình tín dụng kiên cố hóa kênh mương...; Đảm bảo nguồn cung và chất lượng lúa giống đi đôi với hướng dẫn kỹ thuật cho người sản xuất; Tăng diện tích lúa chất lượng cao; Quản lý chặt chẽ thị trường thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho lúa; Đối với việc tổ chức sản xuất theo mô hình Cánh đồng mẫu lớn cần thiết phải có mối liên kết giữa DN và nông dân, chính quyền, nhà khoa học. Phía địa phương cần tham gia giám sát, hỗ trợ việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa DN và ND.
- Về lâu dài, cần điều chỉnh sản lượng, đặc biệt là sản lượng xuất khẩu, để giữ giá hợp lý cho người nông dân (theo Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về an ninh lương thực xác định mục tiêu xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo/năm). Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Đề án với mục đích: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần mức xuất khẩu gạo khoảng 4 triệu tấn/năm (tương đương 8 triệu tấn lúa), đảm bảo không thay đổi điều kiện thổ nhưỡng và hạ tầng sản xuất để quay lại sản xuất lúa khi cần thiết (phù hợp với mục tiêu đến năm 2020 giữ 3,8 triệu/ha đất lúa). Đối với diện tích chuyển đổi, cần tính toán và xây dựng phương án liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con đảm bảo đầu ra; Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo.
Chăn nuôi:
-Ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu gia cầm: Thời gian vừa qua với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tình trạng nhập lậu gia cầm cơ bản được kiểm soát tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương (cấp xã, thôn) và cộng đồng dân cư.
- Tăng cường quản lý công tác thú y trong giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Hiện nay người dân thiếu tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nên giảm sức mua do quản lý chưa tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu làm quyết liệt nội dung này thì sẽ tạo lòng tin cho người tiêu dùng, tạo đầu ra và nâng cao giá thực phẩm.
- Tăng cường kiểm soát giá và chất lượng thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu chuyển đổi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành, trong đó tập trung nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật đơn giản để người dân tự sản xuất.
- Về lâu dài, cần điều chỉnh đàn gia súc, gia cầm với số lượng hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng vẫn giữ được giá có lợi cho người chăn nuôi: giảm sản lượng thịt lợn hơi (do giá đang xuống thấp dưới mức giá thành); tăng số lượng trâu bò và gia súc ăn cỏ...; tăng cường các biện pháp chống dịch; mở rộng các mô hình chăn nuôi theo trang trại (hiện mới chiếm tỷ trọng 30-35%); triển khai bảo hiểm cho chăn nuôi.
Về thủy sản:
- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề tồn dư thuốc kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu; Kiểm soát, quản lý chặt các cơ sở kinh doanh giống.
- Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phù hợp với cam kết WTO; Thông tin, đàm phán và tiến hành các biện pháp pháp lý khi cần thiết để giải quyết, tránh các vụ kiện bán phá giá và các rào cản kỹ thuật khác.
-Về lâu dài, cần quan tâm hơn nữa để đầu tư cho các trung tâm giống thủy sản; Đầu tư xử lý hạ tầng các vùng nuôi tập trung (đảm bảo nước canh tác cũng như xử lý môi trường để phòng chống dịch bệnh) tập trung chủ yếu cho khu vực ĐBSCL.
Về phát triển nông thôn:
Thực hiện tốt việc sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các chính sách mới; Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình MTQG về nông thôn mới, bổ sung các chính sách mới nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tiết kiệm chi phí và huy động được các nguồn lực ngoài nhà nước.
Hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phòng trành thiên tai bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân trước mùa mua lũ như: Các công trình an toàn hồ chứa, kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, các dự án di dân khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sửa chữa nâng cấp đê sông, đê biển...
3. Dự báo tình hình thực hiện kế hoạch lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản cả năm 2013.
Trong những tháng cuối năm, dự kiến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn do sắp bước vào mùa mưa lũ, giá cả các sản phẩm nông sản vẫn ở mức thấp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản vẫn có nguy cơ bùng phát, giá nguyên liệu đầu vào (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành kế hoạch đề ra: Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết trung ương 7 Khóa X dần đi vào cuộc sống, các chính sách hỗ trợ sản xuất và kích thích kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả…
Dự báo giá trị sản xuất toàn ngành năm 2013 (theo giá cố định 2010) ước tăng 2,8%, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 5,8%,thủy sản tăng2,7%. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành sẽ đạt khoảng 2,37%, đạt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao nhưng vẫn thấp hơn thực hiện năm 2012 (2,72%).
Dự báo các chỉ tiêu tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt kế hoạch đề ra (82%); tỷ lệ che phủ rừng đạt và 40,5% (kế hoạch 40,7%)./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiepT6.13.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2518
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)