Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/09/2013-15:00:00 PM
Báo cáo đánh giá 9 tháng đầu năm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 9 năm 2013
1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2013
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 gặp một số khó khăn: Thời tiết nắng hạn kéo dài đầu năm ảnh hưởng kết quả sản xuất vụ Đông xuân ở nhiều địa phương, tình hình xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều địa phương phía Nam; thời tiết quý III biến đổi phức tạp, mưa bão triền miên trên hầu hết các tỉnh thành Miền Bắc gây ngập lụt, sạt lở; nhiều diện tích lúa và hoa mùa bị cuốn trôi, mất trắng hoặc phải gieo trồng lại. Bên cạnh đó, giá bán nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ở mức thấp trong khi nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao đã gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp trong 10 năm qua (chỉ cao hơn năm 2009 = 2,6%).
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2013 (theo giá cố định 2010) ước đạt 535 667,47 tỷ đồng, tăng 2,71% so cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 387 164,07 tỷ đồng tăng 2,34%, lâm nghiệp đạt 17 153 tỷ đồng tăng 5,6% và thuỷ sản đạt 131 350,4 tỷ đồng tăng 3,43%. Kết quả sản xuất từng ngành khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản như sau:
Sản xuất nông nghiệp
Giá cả đầu vào sản xuất tăng và giữ ở mức cao nhưng giá nhiều loại nông sản, thực phẩm giảm do nhu cầu trong nước giảm và thị trường xuất khẩu giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Trồng trọt
Lúa mùa: Tính đến trung tuần tháng Chín, cả nước đã gieo cấy được 1734,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 101% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1185,6 nghìn ha, bằng 100,1%; các địa phương phía Nam gieo cấy 549 nghìn ha, bằng 103,1%.
Lúa hè thu và Thu đông: Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, các địa phương trên cả nước đang bước vào thu hoạch lúa hè thu và lúa Thu đông sớm.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích lúa hè thu và thu đông cả nước ước đạt 2,76 triệu ha, tăng 103 nghìn ha (+3,88%); năng suất ước đạt 51,9 tạ/ha, giảm 0,58 tạ/ha (-1,11%); sản lượng ước đạt 14,34 triệu tấn, tăng 379,3 ngàn tấn (+2,72%).
Tính chung cả vụ đông xuân thì diện tích lúa cả năm 2013 ước tính đạt 7890,7 nghìn ha, tăng 129,5 nghìn ha so với năm trước; năng suất ước đạt 55,9 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 44,1 triệu tấn, tăng gần 407 nghìn tấn.
Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm ban đầu là chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vụ 3 sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn rất hạn chế, diện tích gieo cấy lúa mùa và lúa thu đông cả nước không những không giảm mà còn có xu hướng tăng nhẹ.
Cây hàng năm khác
Cũng đến thời điểm trên, cả nước đã gieo trồng được 993,3 nghìn ha ngô, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2012; khoai lang 131,3 nghìn ha, tăng 0,6%; lạc 205,3 nghìn ha, giảm 1,3%; đậu tương 115,3 nghìn ha, tăng 0,3% và 866,4 nghìn ha rau, đậu, tăng 4,9%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi 9 tháng năm 2013 của cả nước còn nhiều khó khăn nhất là giai đoạn 6 tháng đầu năm do giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp trong khi giá thức ăn và các chi phí khác cho chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi thua lỗ và bỏ chuồng nhiều.
Chăn nuôi trâu, bò: Uớc tính tổng số trâu, bò của cả nước vào tháng 9 năm 2013 giảm khoảng 2-3%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm giảm khoảng 0,6%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm 2012. Đàn trâu, bò giảm do diện tích chăn thả thu hẹp và hiệu quả chăn nuôi thấp. Đàn bò sữa phát triển tương đối tốt, giá sữa ổn định.
Chăn nuôi lợn: Ước tính tổng số lợn của cả nước vào tháng 9/2013 giảm khoảng 0,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2012. Đàn lợn giảm chủ yếu trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm giá bán lợn hơi giảm thấp, người chăn nuôi thua lỗ. Từ tháng 7 đến nay giá lợn hơi đã tăng trở lại nên chăn nuôi lợn đang có dấu hiệu phục hồi để chuẩn bị nguồn cung thịt cho thị trường tiêu dùng những tháng cuối năm.
Chăn nuôi gia cầm: Ước tính tổng số đàn gia cầm của cả nước vào tháng 9/2013 giảm khoảng 1,5-2%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng giảm khoảng 1,3%; sản lượng trứng gia cầm tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Hiện nay giá thịt gà hơi đã tăng, chăn nuôi gia cầm có thời gian quay vòng ngắn nên nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trước đây bỏ trống chuồng bắt đầu nuôi trở lại để chuẩn bị nguồn thịt cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Lâm nghiệp
Năm nay có mưa sớm hơn nên các địa phương đã triển khai trồng rừng đảm bảo thời vụ; tình hình khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhìn chung đều tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng Chín đạt được như sau:Diện tích rừng trồng mới tập trung 18,6 nghìn ha, bằng 78,2% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 25,6 triệu cây (+1,2%); sản lượng gỗ khai thác 333 nghìn m3 (+6,2%); sản lượng củi khai thác 2,4 triệu ste (+1,1%).
Tính chung chín tháng đầu năm 2013: Diện tích rừng trồng mới tập trung 128,6 nghìn ha, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2013: Diện tích rừng trồng mới tập trung 195 nghìn ha, tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 172,9 triệu cây (+2,0%); sản lượng gỗ khai thác 5597 nghìn m3 (+6,8); sản lượng củi khai thác 27,95 triệu ste (+2,0%).
Thủy sản
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tập trung nuôi trồngcác loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển bền vững. Tuy nhiên tình hình kinh tế thế giới khó khăn kéo theo xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn không ổn định; Bộ Thương mại Mỹtiến hành tăng mức thuế chống bán phá giá cá tra. Sản lượng thuỷ sản sản xuẩt 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4.496 nghìn tấn, tăng 2,7%, trong đó cá đạt 3.335 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 475 nghìn tấn, tăng 6,4%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.003 nghìn ha, tăng 0,7 so với cùng kỳ. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 2.353 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳtrong đó sản lượng cá nuôi đạt 1764 nghìn tấn, tăng 0,3%; sản lượng tôm nuôi đạt 362 nghìn tấn, tăng 8%; thuỷ sản nuôi trồng khác đạt 227 nghìn tấn, tăng 7%.
Nuôi cá bị thua lỗ kéo dài: Giá cá tra nguyên liệu sụt giảm trong các tháng đầu năm, tuy có nhích lên từ cuối tháng 8 lại đây do khan hiếm nhưng giá thành nhìn chung vẫn thấp hơn giá bán; giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm, các ngân hàng lại đang siết chặt tín dụng vì sợ rủi ro dẫn tới không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ 2 lần ra phán quyết áp đặt mức thế chống phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế nhập khẩu cao[1] làm cho việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này càng gặp nhiều khó khăn hơn làm cho diện tích nuôi cá tra bị thu hẹp. Hầu hết các tỉnh sản xuất cá tra công nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đều giảm diện tích nuôi so với cùng kỳ. Dự báo sản lượng cá tra vẫn còn tiếp tục giảm trong các tháng cuối năm.
Nuôi tôm tăng khá vàthay đổi nhiều về cơ cấu nuôi theo xu hướng tăng mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng và giảm dần nuôi tôm sú do nôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao và ít dịch bệnh hơn: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong kỳ ước tính đạt 49 nghìn ha, tăng 47,3% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 154,3 nghìn tấn, tăng 39,2%trong khidiện tích nuôi tôm khoảng 576 nghìn ha, giảm 0,3%; Sản lượng thu hoạch đạt 380,9 nghìn tấn, giảm 0,7%.
Khai thác thủy sản
Thời tiết biển tương đối thuận lợi, Các địa phương rất quan tâm tạo điều kiện cho các chủ tàu thuyền ra khơi xa khai khác như trang bị máy thông tin liên lạc, thành lập tổ, đội tự nguyện để giúp đỡ nhau trong việc đánh bắt hải sản trên biển; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá nên các chuyến đi biển xa bờ đạt hiệu quả khá.
Sản lượng thuỷ sản khai thác 9 tháng ước đạt 2143 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 2004 nghìn tấn, tăng 3,5%.
2. Một số giải pháp thúc đẩy sản xuất
- Qua những kết quả ban đầu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án tái cơ cấu, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh nghiên cứu rút kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2014.
- Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm; Quyết liệt trong việc ngăn chặn hàng nhập lậu giá rẻ, chất lượng thấp, xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong phạm vi cho phép để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và bảo vệ sản xuất trong nước.
- Hiện nay đang là cao điểm thiên tai, bão lũ, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất.
- Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đầu tư của nhà nước cần đóng vai trò là nguồn vốn mồi, tạo cú hích để dẫn dắt các thành phần kinh tế tại nông thôn phát triển, giúp phục hồi tốc độ tăng trưởng./.

File đính kèm:
Bao cao 9 thang.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2393
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)