Báo cáo tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh An Giang
Phần Thứ nhất
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2008/NQ-CP NGÀY 11/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ
A. MỘT SỐ TÌNH HÌNH NỔI BẬT TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30/2008/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ.
1. Tình hình triển khai thực hiện:
Ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Sở, ngành, địa phương tên địa bàn tỉnh nghiên cứu triển khai thực hiện, thực hiện điều chỉnh, bổ sung nhiều nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác năm 2009 của tỉnh cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết.
Qua 4 tháng nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và các chủ trương, chính sách kích cầu theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước giảm bớt khó khăn mặc dù sự suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn còn đang tác động mạnh đến nhiều ngành, lĩnh vực và quốc gia. Doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã bắt đầu tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; người lao động đang bắt đầu làm việc ổn định trở lại. Theo điều tra, đánh giá chung của Cục Thống kê, toàn tỉnh hiện có 35% số lượng doanh nghiệp tiếp tục giữ vững sản xuất, 50% số lượng doanh nghiệp tạm thời ổn định sản xuất và 15% doanh nghiệp còn gặp khó khăn (chủ yếu là do thị trường), đây là 01 tín hiệu cũng rất khả quan.
Mặc dù tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,02% (thấp nhất trong hơn 10 năm qua), nhưng sản xuất công nghiệp trong các tháng 2, tháng 4 đã bắt đầu tăng cao hơn so tháng trước, giá trị sản xuất 4 tháng tăng gần 6% so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp có một vụ mùa Đông Xuân bội thu với năng suất, giá cả ở mức cao, nhân dân rất phấn khởi (năng suất 7,15 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,67 triệu tấn, lợi nhuận 1 ha khoảng 15 - 20 triệu đồng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng tháng đều tăng, 4 tháng đạt 8.132 tỷ đồng, tăng 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đều tăng so tháng trước, tháng 4 tăng 18% so tháng 3, tuy nhiên kim ngạch 4 tháng đạt 163 triệu USD chỉ bằng 72% so cùng kỳ. Thu ngân sách tăng dần qua từng tháng, tháng 3 tăng 28% so tháng 2 và tháng 4 tăng 7% so tháng 3; thu 4 tháng đạt trên 1 ngàn tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ và đến nay số thu đã đạt trên 36% dự toán năm, vẫn duy trì được tiến độ thu. Các hoạt động văn hoá xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, công tác chăm lo Tết cổ truyền CholChnamThmây của đồng bào dân tộc, các lễ hội được chuẩn bị chu đáo; công tác quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo. Các kết quả đạt được theo chủ trương kích cầu của Chính phủ cũng đều đạt khá so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là về tiến độ giải ngân đầu tư từ các nguồn vốn Chính phủ, vốn tỉnh; tiến độ giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng... từ đó góp phần làm giảm bớt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Thuận lợi và khó khăn chung
a. Thuận lợi:
- Các chủ trương, chính sách kích thích kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ đã ban hành là hết sức thiết thực, phù hợp, đang từng bước đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, người lao động, người nông dân, nhất là về mặt giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh hàng hoá, giúp địa phương phần nào vượt qua khó khăn do suy giảm kinh tế.
- Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương; các khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, người dân đều được ghi nhận điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là các chính sách mới ban hành gần đây đã giải quyết gần hết các khó khăn của doanh nghiệp, địa phương.
- Toàn Đảng bộ tỉnh đều có quyết tâm cao; các giải pháp, các chủ trương, chính sách đề ra của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều được các ngành, các cấp triển khai tích cực.
- Sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, vụ lúa Đông Xuân được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất vụ Hè Thu và vụ 3 thắng lợi.
b. Khó khăn, tồn tại:
- Tình trạng suy thoái kinh tế thế giới vẫn còn tiếp diễn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước và của tỉnh; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tuy được nhiều hỗ trợ từ các chủ trương, chính sách để giữ vững ổn định sản xuất nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
- Thực hiện các chính sách miễn, giãn, giảm thuế theo chủ trương của Chính phủ, khả năng hụt thu của tỉnh so dự toán là 180 tỷ đồng sẽ gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.
- Công tác hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm theo Quyết định 30/2009/QĐ-TTg còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đảm bảo đúng các quy định về số lượng lao động bị mất việc, việc nắm chính xác đối tượng lao động bị mất việc để kịp thời hỗ trợ phải mất nhiều thời gian điều tra, khảo...
- Nhu cầu vay vốn của các đối tượng từ ngân hàng chính sách xã hội là rất lớn, việc chậm cấp bổ sung vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội TW ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
B. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN:
I. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VỐN NSNN:
1.Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2008 theo Công văn số 16001/BTC-ĐT:
Tổng nguồn vốn đầu tư cuối năm 2008: 1.123.770 triệu đồng, trong đó:
- Vốn đầu tư tập trung: 248.300 triệu đồng
- Vốn TW hỗ trợ có mục tiêu: 188.930 triệu đồng; gồm: CTMTQG, CT 135, 5 triệu ha rừng: 37.940 triệu; Chương trình, dự án lớn của TW: 150.990 triệu đồng
- Vốn thu từ XSKT: 400.000 triệu đồng.
- Vốn thu tiền sử dụng đất: 230.000 triệu đồng.
- Vốn ngoài nước: 30.000 triệu đồng.
- Các nguồn vốn bổ sung trong năm: 26.540 triệu đồng.
* Sau khi trừ phần vốn đầu tư do cấp huyện quản lý, vốn thu từ sử dụng đất, trả nợ vay, vốn các chương trình MTQG…, nguồn vốn đầu tư cuối năm 2008 do cấp tỉnh quản lý: 667.970 triệu đồng, cụ thể: Nguồn vốn cân đối từ NSĐP do Cấp tỉnh quản lý: 145.070 triệu đồng; nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu: 132.900 triệu đồng; nguồn vốn từ thu xổ số kiến thiết: 400.000 triệu đồng.
Giá trị khối lượng thực hiện đến 31/12/2008 là: 771.112 triệu đồng, giá trị giải ngân đến 31/12/2008 là 619.683 triệu đồng (đạt 92,77% so kế hoạch được giao), đến 31/01/2009 là 658.916 triệu đồng, đạt 98,64%.
Theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ “cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn NSNN năm 2008 chưa giải ngân đến hết ngày 31/6/2009”, số vốn còn lại kéo dài thanh toán đến 31/6/2009 trên địa bàn tỉnh là 9.054 triệu đồng, chủ yếu thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình giáo dục tiểu học thuộc Đề án mức chất lượng tối thiểu. Hiện nay một số dự án đã hoàn thành và một số dự án khác đã nghiệm thu chuẩn bị thanh toán giải ngân vốn, do đó khả năng thực hiện giải ngân vốn công trình thuộc kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2008 đến 31/6/2009 đạt 100% kế hoạch vốn.
2. Tình hình phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN năm 2009:
Thực hiện theo Quyết định giao chỉ tiêu dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 của Chính phủ, sau khi cân đối tổng nguồn vốn đầu tư năm 2009 tỉnh An Giang phân bổ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương là: 1.332.467 triệu, bao gồm: vốn cân đối ngân sách địa phương: 653.300 triệu; vốn thu từ XSKT: 380.000 triệu; vốn ngoài nước: 32.900 triệu; vốn TW hỗ trợ có mục tiêu: 266.267 triệu.
* Bổ sung kết dư năm 2008 chuyển sang 3.771 triệu đồng gồm: vốn chương trình 135 là 3.512 triệu đồng và dự án 5 triệu ha rừng 259 triệu đồng.
Như vậy tổng vốn đầu tư năm 2009 là 1.336.238 triệu đồng.
Theo Quyết định số 2818/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 đã phân bổ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý và vốn thu từ xổ số kiến thiết là 596.245 triệu đồng (sau khi trừ phần vốn phân bổ cho cấp huyện quản lý, vốn thu từ sử dụng đất, trả nợ vay vốn các chương trình MTQG,...), trong đó phân bổ theo từng ngành và lĩnh vực như sau: lĩnh vực công nghiệp là 84.590 triệu, chiếm 31,37%; Nông - thủy lợi - thủy sản là 54.874 triệu, chiếm 9,2%; giao thông vận tải 47.600 triệu, chiếm 7,98%; giáo dục - đào tạo - dạy nghề là 240.000 triệu, chiếm 40,25; Y tế là 54.000 triệu, chiếm 9,06%; phục lợi xã hội và công cộng là 51.550 triệu, chiếm 8,65%; khoa học và công nghệ và môi trường 13.607 triệu, chiếm 2,28%; Thương mại - Du lịch là 20.000 triệu, chiếm 3,35%; An ninh - Quốc phòng là 5.200 triệu, chiếm 0,87%; Quản lý nhà nước - Đảng - Đoàn thể là 19.824 triệu, chiếm 3,32%.
* Tình hình thực hiệnKế hoạch ĐTXD quý I/2009:
Đối với cấp tỉnh quản lý: 596.245 triệu. Tổng giá trị khối lượng hoàn thành quý I/2009 là 299.406 triệu, đạt 50,2% KH; giá trị giải ngân đến 31/3/2009 là: 242.895 triệu, đạt 40,74% kế hoạch; tăng hơn 18,9% so cùng kỳ. Trong đó: thiết kế quy hoạch đã giải ngân là 365 triệu, đạt 12,11% KH; chuẩn bị đầu tư đã giải ngân là 70 triệu, đạt 1,4% KH; thực hiện đầu tư đã giải ngân là 242.430, đạt 41,21% so kế hoạch.
Riêng nguồn vốn xổ số kiến thiết đã giải ngân 87.542 triệu đồng, đạt 29,18% KH.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển do cấp tỉnh quản lý năm 2009 là 1.245 tỷ đồng (trong đó đề nghị trung ương hỗ trợ có mục tiêu 720.243 triệu đồng), sau khi phân bổ kế hoạch vốn 596.245 triệu đồng chỉ đạt 47,8% so yêu cầu. Do đó trong năm 2009, tỉnh An giang đã đề nghị ứng trước vốn đầu tư phát triển của địa phương theo công văn số 576/UBND-XDCB ngày 25/02/2009 để thực hiện các công trình cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2009 với tổng vốn xin ứng trước kế hoạch 2010 vốn NSNN là 352 tỷ đồng cho 11 công trình, trong đó vốn đối ứng ODA là 47 tỷ đồng (có danh mục đính kèm). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có ý kiến của Trung ương, trong khi giá trị khối lượng hiện nay là rất lớn (khoảng 50% kế hoạch cả năm 2009), do đó trong 6 tháng cuối năm đề nghị Trung ương sớm hỗ trợ, để tỉnh có nguồn thanh toán khối lượng hoàn thành công trình không làm ảnh hưởng tiến độ thi công công trình.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
1.Tình hình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ năm 2008:
a.Tổng nguồn vốn TPCP theo QĐ 171/TTg thông báo AG: 402.100 triệu:
- Các công trình đường GTNT đến trung tâm xã: 136.600 triệu;
- Các công trình thuỷ lợi: 152.000 triệu;
- ĐA kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn II: 53.500 triệu;
- Các dự án BVĐK tuyến huyện và liên huyện: 60.000 triệu;
* Từ đầu chương trình đến 2008 đã thông báo kế hoạch vốn: 366.900 triệu, cụ thể: Các công trình đường GTNT đến trung tâm xã 119.700 triệu; Các công trình thuỷ lợi là 133.700 triệu; ĐA kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn II: 53.500 triệu; Các dự án BVĐK tuyến huyện và liên huyện 60.000 triệu.
b. Đến 31/12/2008, tổng khối lượng giá trị hoàn thành 342.269 triệu đồng (khoảng 93,3% KH), tổng giá trị giải ngân 326.400 triệu đồng (khoảng 89% KH), trong đó: giá trị giải ngân của đường GTNT là 101.448 triệu đồng (85% KH), thuỷ lợi là 121.729 triệu đồng (trên 91% KH), giáo dục là 53.500 triệu đồng (100% KH), y tế là 49.723 triệu (83% KH).
c. Số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2008 là 43.965 triệu, gồm: Giao thông: còn lại 21.717 triệu # 18,14%, Thuỷ lợi: còn lại 11.971 triệu # 9 % KH, Y tế: còn lại 10.277 triệu đồng # 17,2% KH.
2.Tình hình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ năm 2009:
a. Tổng nhu cầu vốn đến cuối năm 2009: 965.201 triệu đồng, trong đó:Các dự án đường GTNT đến trung tâm xã: 184.425 triệu đồng; các Dự án thủy lợi: 317.729 triệu đồng (tổng mức 503.761 triệu); các dự án Y tế: 178.000 triệu đồng (tổng mức 491.606 triệu); các dự án Giáo dục và đào tạo: 285.047 triệu đồng (tổng mức 429.714 triệu).
b. Tổng số vốn Trung ương đã phân bổ cho tỉnh An Giang đến nay là: 512.830 triệu đồng, trong đó năm 2007 là 147,6 tỷ đồng, năm 2008 là 219,3 tỷ đồng, năm 2009 là 145,93 tỷ đồng, chia ra: các dự án đường GTNT đến trung tâm xã: 145.700 triệu đồng (2009: 26 tỷ); các dư án thủy lợi: 167.700 triệu đồng (2009: 34 tỷ); các dự án y tế:98.000 triệu đồng (2009: 38 tỷ); các dự án Giáo dục và Đào tạo: 101.430 triệu đồng (2009: 47,93 tỷ)
c. Nhu cầu đề nghị bổ sung vốn năm 2009 để thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành: 452.371 triệu đồng, trong đó: các dự án đường GTNT đến trung tâm xã: 38.725 triệu đồng; Các dư án thủy lợi: 150.029 triệu đồng; Các dự án y tế: 80.000 triệu đồng; Các dự án Giáo dục và Đào tạo: 183.570 triệu đồng.
Ngoài ra, để bảo đảm đến 2010 toàn tỉnh có 100% số xã có đường ô tô tới trung tâm xã, còn 52 xã cần đầu tư cầu và đường như sau: đường 373,01 km, cầu 150 cây, với tổng vốn đầu tư bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ: 814.091 triệu đồng, trong đó năm 2009: 433.814 triệu đồng.
* Tổng giá trị khối lượng hoàn thành đến 31/3/2009: 406.743/512.830 triệu đồng # 79,3% KH, đã giải ngân: 347.039/512.830 triệu đồng đạt 67,7% KH (Nếu so KH đến cuối 2008: 366,9 tỷ thì bằng 95%), số vốn còn lại tiếp tục thanh toán đến cuối năm 2009:165.791 triệu đồng. Trong đó:
- Các dự án đường GTNT đến trung tâm xã: khối lượng hoàn thành: 126.360 triệu đồng, Giải ngân: 106.884/145.700 triệu đồng, đạt 73,36% kế hoạch, phần vốn còn lại tiếp tục thanh toán cuối năm 2009: 38.816 triệu đồng.
- Dự án thủy lợi: khối lượng hoàn thành: 142.284 triệu đồng, giải ngân: 122.590/167.700 triệu đồng, đạt 73,10% kế hoạch, phần vốn còn lại tiếp tục thanh toán cuối năm 2009: 45.110 triệu đồng.
- Dự án y tế: khối lượng hoàn thành: 62.455 triệu đồng, giải ngân: 54.877/98.000 triệu đồng, đạt 55,99% kế hoạch, phần vốn còn lại tiếp tục thanh toán cuối năm 2009: 43.123 triệu đồng.
- Dự án Giáo dục và Đào tạo: khối lượng hoàn thành: 75.644 triệu đồng, giải ngân: 62.688/101.430 triệu đồng, đạt 61,80% kế hoạch, phần vốn còn lại tiếp tục thanh toán cuối năm 2009: 38.742 triệu đồng.
* Tổnggiá trị khối lượng hoàn thành còn lại tiếp tục thanh toán đến cuối năm 2009: 618.162 triệu đồng, trong đó: các công trình GTNT đến trung tâm xã 77.541 triệu đồng, các dự án thủy lợi: 195.139 triệu đồng, các dự án Y tế: 123.123 triệu đồng, các dự án Giáo dục và Đào tạo: 222.359 triệu đồng.
d. Tình hình phân bổ nguồn vốn tạm ứng trái phiếu Chính phủ: ngày 17/2/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số: 929/BKH-TH và tỉnh An Giang phân bổ Kế hoạch vốn tạm ứng đến 31/3/2009 là 69.000 triệu đồng, giải ngân 15.479 triệu, đạt 22,4%, gồm: Các dự án đường GTNT đến trung tâm xã 14.200 triệu đồng, đã giải ngân được 5.436 triệu đồng, đạt 38,28% KH; thủy lợi là 15.800 triệu, giải ngân 655 triệu, đạt 4% KH; giáo dục là 20.000 triệu, giải ngân 9.388 triệu, đạt 46,9% KH; y tế là 19.000 triệu đồng, chưa giải ngân.
đ. Đến ngày 24/3/2009 Bố Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009: 145.930 triệu đồng, giải ngân 20.727 triệu, đạt 14,2% KH, trong đó:
+ Các công trình đường GTNT đến trung tâm xã và các dự án thủy lợi giai đoạn 2006-2010 là: 60.000 triệu đồng. Tỉnh An Giang đã phân bổ vốn trên theo Quyết định số: 686/QĐ-UBND ngày 03/4/2009, trong đó phân bổ:
*Các công trình đường GTNT đến trung tâm xã là: 26.000 triệu đồng, đã giải ngân 5.436 triệu đồng, đạt 21% kế hoạch
*Các công trình thủy lợi giai đoạn 2006-2010: 34.000 triệu đồng, đã giải ngân 749 triệu đồng, đạt 2,2% kế hoạch vốn.
+Các dự án đề án chương trình kiến cố hoá trường lớp học và nhà công vụ (giai đoạn 2) là 47.930 triệu đồng, đã giải ngân đạt 9.388 triệu đồng, đạt 19,58%. Ước đến 31/6/2009 giải ngân đạt 100% kế hoạch TW giao.
+Y tế : Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 phân bổ cho các dự án y tế của An Giang là: 48.277 triệu đồng (gồm vốn KH 2008 chuyển sang: 10.277 triệu đồng, vốn kế hoạch năm 2009: 38.000 triệu dồng).
Khối lượng thực hiện đến 31/3/2009: 9.647 triệu đồng, đạt 19,98% kế hoạch. Giải ngân được 5.154 triệu đồng, đạt 10,68% kế hoạch. Ước đến 30/6/2009 giải ngân đạt 63.866 triệu đồng, vượt 15.589 triệu đồng so vốn kế hoạch năm 2009. Ước đến 31/12/2009 giải ngân đạt 128.277 triệu đồng, vượt 80.000 triệu đồng so vốn kế hoạch năm 2009 (kể cả phần vốn TPCP năm 2008 chuyển sang).
C. CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH:
1.Tình hình triển khai các quy định về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn thuế thu nhập cá nhân, hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn.
Thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thuế giá trịgia tăng theo quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BTC; Thông tư số 04/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính và Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh An Giang đã khẩn trướng tổ chức triển khai cho các đối tượng liên quan thông suốt nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, quy định của Chính phủ, như:
- Mở Hội nghị đối thoại, Hội nghị tập huấn để triển khai đầy đủ các chính sách và thủ tục kê khai giảm thuế, giãn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng cho trên 2.800 doanh nghiệp tham dự.
- Mở chuyên mục thuế trên truyền hình, chuyên đề phát thanh, Báo An Giang để đưa tin thường xuyên về các chính sách giảm, giãn nộp thuế.
- Bố trí cán bộ trực thường xuyên để trả lời giải quyết các thắc mắc của doanh nghiệp có liên quan đến giảm thuế, gia hạn nộp thuế.
2. Tình hình cân đối ngân sách địa phương và biện pháp tổ chức thực hiện.
- Dự toán thu năm 2009 Bộ Tài chính đã giao cho An Giang là 1.815 tỷ đồng. Tuy nhiên thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ, Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế nên đã làm hụt thu khoảng 259 tỷ đồng; cụ thể:
+ Giảm 30% thuế thu nhập cá nhân phải nộp quý IV/2008 và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 là 54 tỷ đồng.
+ Giãn thời hạn nộp thuế thu hoạt động nhập doanh nghiệp hàng quý năm 2009 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là 160 tỷ đồng.
+ Giãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng là 32 tỷ đồng.
+ Giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ thuộc nhóm 10% theo thông tư số 13/2009/TT-BTC làm giảm so dự toán là 12 tỷ đồng.
3. Dự kiến phương án tăng thu, tiết kiệm chi:
Đứng trước những khó khăn, thách thức, toàn ngành tài chính An Giang đã chủ động đề ra các biện pháp khai thác các nguồn thu để tăng thu 79 tỷ đồng, cụ thể:Tăng cường thanh tra kiểm tra, truy thu và xử phạt nộp ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng. Đẩy mạnh các biện pháp thu nợ theo quy định của luật quản lý thuế để tăng thu 69 tỷ đồng. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực quản lý.
Như vậy, dự toán thu năm 2009 Bộ Tài chính giao cho ngành thuế An Giang là 1.815 tỷ đồng, sau khi tính các khoản tăng, giảm do chính sách thuế nói trên thì dự báo khả năng giảm thu so dự toán là 180 tỷ đồng.
D. CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ:
Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTgvà Quyết định số 333/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 30/02/2009 của Ngân hàng nhà nước về việc hỗ trợ lãi suất cho cho các tổ chức, cá nhân vay sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh An Giang phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp – PTNT và Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức triển khai cho 47 Tổ chức tín dụng và chi nhánh Tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo sau, các Tổ chức tín dụng đã tổ chức triển khai cho các đối tượng theo nhóm và những khách hàng quen thuộc của mình. Song song với biện pháp triển khai trực tiếp cho khách hàng, một số ngân hàng thương mại (Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Công Thương, Ngoại Thương…) thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền trên báo, đài của địa phương thông qua các hình thức: hỏi đáp, phóng sự… Trong quá trình triển khai, Ngân hàng nhà nước – chi nhánh An Giang cùng các Sở, ngành có liên quan gặp gỡ đại diện Hiệp hội doanh nghiệp và Hiệp hội thuỷ sản để nắm bắt và phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực để kiến nghị Trung ương nghiên cứu tháo gỡ.
Tính đến ngày 31/3/2009, tổng dự nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất là 4.969 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ đầu tư toàn tỉnh; với số lượng là 4.993 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ; số lãi tiền vay phải trả tính theo hợp đồng tín dụng là 25,6 tỷ đồng; số tiền lãi vay đã hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay vốn là 9,9 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất phân theo ngành, lĩnh vực kinh tế: nông, lâm nghiệp 401 tỷ đồng (chiếm 8%); thủy sản 255 tỷ đồng (chiếm 5%); công nghiệp chế biến 2.593 tỷ đồng (chiếm 52%); xây dựng 100 tỷ đồng (chiếm 2%); thương nghiệp, sửa chữa 1.589 tỷ đồng (chiếm 32%); khác 31 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất theo đối tượng vay: doanh nghiệp 3.696 tỷ đồng (chiếm 74%); Hộ cá thể, gia đình 1.251 tỷ đồng (chiếm 25%); đối tượng khác 22 tỷ đồng.
E. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TỪ NGUỒN TÍN DỤNG NHÀ NƯỚC:
I. Tín dụng đầu tư:
1. Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn tín dụng nhà nước:
1.1. Số vốn đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã bố trí kế hoạch năm 2009 của tỉnh An Giang là 88,074 tỷ đồng cho 04 dự án và dự kiến NHPT VN sẽ chấp thuận bố trí bổ sung các dự án đang trình duyệt thì số vốn kế hoạch tăng lên là 203 tỷ đồng cho 16 dự án (trong đó 12 dự án mới đang trình TW duyệt, thực hiện giải ngân trong năm 2009 được 50% mức vốn vay, phần còn lại chuyển tiếp qua năm2010).
1.2. Số vốn đã giải ngân đến 31/03/2009 là 42,194 tỷ đồng cho 04 dự án đang đầu tư. Dự kiến giải ngân đến 30/6/2009 là 67,056 tỷ đồng và ước cả năm là 88,074 tỷ đồng cho 04 dự án đang đầu tư.
Nếu được Ngân hàng phát triển Việt Nam duyệt tiếp các dự án mới đang trình thì khả năng giải ngân năm 2009 sẽ là 203 tỷ đồng.
2. Đối với các khoản vay theo chương trình mục tiêu của Chính phủ: Kiên cố hóa kênh mương, GTNT, hạ tầng làng nghề, tôn nền vượt lũ:
2.1. Kế hoạch giải ngân năm 2009 đã thông báo là 163 tỷ đồng.
2.2. Số đã giải ngân từ đầu năm đến 31/03/2009 là 50 tỷ đồng đạt 31% kế hoạch. Ước giải ngân đến 15/4/2009 là 65 tỷ đồng đạt 40% kế hoạch và dự kiến giải ngân đến 30/6/2009 là 163 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch.
II. Tín dụng xuất khẩu:
Cho vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn đối với các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa thuộc danh mục theo Nghị định 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ, do đó mặt hàng cho vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn của tỉnh An Giang chủ yếu là xuất khẩu cá tra, ba sa.
1. Nhu cầu vay vốn tín dụng xuất khẩu năm 2009: 4.550 tỷ đồng.
- Năm 2008, tỉnh An Giang xuất khẩu cá tra, ba sa khoảng 179 ngàn tấn với giá trị là 406,710 triệu USD chiếm tỷ trọng 28,05% (gần 1/3) tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa cả nước. Do đó nhu cầu nguồn vốn tín dụng xuất khẩu cho cá tra, ba sa là 7.000 tỷ đồng. Theo quy định vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn theo Nghị định 106/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì nguồn vốn cho vay tối đa 85% của giá trị hợp đồng xuất nên nguồn vốn cho vay là 4.550 tỷ đồng/năm.
- Kế hoạch vốn của NHPT Việt Nam giao cho Chi nhánh NHPT An Giang năm 2009 với hạn mức bình quân 1.000 tỷ đồng tương đương với doanh số cho vay là 4.000 tỷ đồng. Như vậy cũng đáp ứng được gần 90% nhu cầu vay vốn.
2. Số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến 31/03/2009: là 843 tỷ đồng cho 11 doanh nghiệp xuất khẩu.
- Số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến 15/4/2009 là 1.078 tỷ đồng cho 11 doanh nghiệp xuất khẩu. Dự kiến giải ngân từ đầu năm đến 30/6/2009 là 2.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2009 là 4.000 tỷ đồng.
III. Bảo lãnh tín dụng theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg:
Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp đến 15/4/2009 là 113 hồ sơ, với tổng vốn đề nghị bảo lãnh theo nhu cầu của doanh nghiệp là 778 tỷ đồng. Nhưng qua xem xét hồ sơ thì Ngân hàng Phát triển đã từ chối bảo lãnh 76 hồ sơ (do không thuộc đối tượng), với số vốn là 492 tỷ đồng. Số hồ sơ thuộc đối tượng vay vốn thì ngân hàng hướng dẫn bổ sung để tổ chức thẩm định là 22 hồ sơ, với số vốn là 189 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/4/2009, tổng số hồ sơ đã được thông báo chấp thuận bảo lãnh tín dụng là 15 hồ sơ (14 doanh nghiệp), với tổng số tiền là 66,7 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp được phát hành chứng thư bảo lãnh là 11 doanh nghiệp, với số vốn 50,5 tỷ đồng.
Trong 15 hồ sơ đã được chấp thuận bảo lãnh có: 02 doanh nghiệp tư nhân, mức bảo lãnh 21,5 tỷ đồng; 11 công ty TNHH, mức bảo lãnh 40,2 tỷ đồng; 01 công ty cổ phần, mức bảo lãnh 5 tỷ đồng.
Phân theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp được bảo lãnh: công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có 08 doanh nghiệp với mức bảo lãnh 29,7 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản có 04 doanh nghiệp với mức bảo lãnh 35 tỷ đồng; y tế có 01 doanh nghiệp với mức bảo lãnh 01 tỷ đồng; xây dựng có 02 doanh nghiệp với mức bảo lãnh 01 tỷ đồng.
Phần Thứ hai
CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM VÀ CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO ĐỐI VỚI 61 HUYỆN NGHÈO
I. Chương trình hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
1. Đánh giá tình hình mất việc làm thiếu việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương thời gian qua
1.1. Tình hình mất việc làm trong doanh nghiệp:
- Đến cuối quý I/2009 số lao động mất việc làm ngoài tỉnh, ngoài nước do các huyện báo cáo về là 1.222 lao động, số lao động nữ chiếm trên 60% (trong đó có 12 lao động xuất khẩu về nước trước thời hạn do mất việc).
- Một doanh nghiệp ngành may giày có 78 lao động bị mất việc làm và 853 lao động thiếu việc làm phải ngừng việc tạm thời, một doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm hoãn hợp đồng lao động 2.055 công nhân khoảng giữa quý IV/2008 đến ngày 16/3/2009 thì hoạt động trở lại và hiện tại có khoảng 1.200 công nhân trở lại làm việc (chưa có dự kiến tuyển thêm công nhân), số công nhân còn lại phần lớn đã chuyển sang làm việc cho các công ty chế biến thủy sản khác.
1.2. Tình hình lao động trong các làng nghề:
Lao động trong các làng nghề đến cuối quý I/2009 có 733 lao động (có 371 lao động nữ) bị mất việc làm và 372 lao động thiếu việc làm (có 309 lao động nữ). Lao động trong các làng nghề chủ yếu là: làm nhang, làm lưỡi câu, thêu, may, chầm nón lá, đóng ghe, nghề mộc, sản xuất rập chuột,…
Nhìn chung, tình hình lao động ở địa phương chủ yếu tập trung nhiều ở khu vực nông nghiệp, chế biến thủy sản và ngành may mặc. Vừa qua lao động trong nông nghiệp khá ổn định, ngành chế biến thủy sản tuy có khó khăn từ quý IV/2008 đến nay nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn hoạt động để giữ chân công nhân, ngành may mặc chỉ có công ty giày đang gặp khó khăn do chưa có đơn hàng nhưng vẫn trả lương ngừng việc để giữ chân công nhân chờ khi có đơn hàng mới. Nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh trong thời gian qua vẫn hoạt động bình thường và khá ổn định.
2. Về chính sách, các giải pháp để hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm và chế độ thông tin báo cáo, thống kê, theo dõi doanh nghiệp trong thời gian qua:
- UBND tỉnh đã ban hành chính sách dạy nghề miễn phí và các chính sách vay vốn để giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề đối với người lao động bị mất việc làm; đồng thời, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sác hỗ trợ của Trung ương đến các doanh nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động nắm bắt kịp thời.
- Chế độ thông tin báo cáo, thống kê, theo dõi doanh nghiệp trong thời gian qua luôn đầy đủ và kịp thời khi có yêu cầu của cấp trên.
3. Việc triển khai Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/02/2009 của Bộ Lao động - TBXH, Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức triển khai cho trên 200 doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp dễ có nguy cơ để cho người lao động bị mất việc làm. Bên cạnh đó còn tuyên truyền trên các báo, đài, các phương tiện truyền thông ở địa phương.
4. Các giải pháp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm nhằm giảm bớt khó khăn và sớm tìm được việc làm cho người lao động.
- Chính sách vay vốn:
+ Được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
+ Được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời gian 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm.
+ Các đối tượng chính sách quy định tại Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt nam, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc người lao động về nước trước thời hạn.
- Chính sách hỗ trợ học nghề: Đối tượng lao động bị mất việc làm được tham gia học nghề ngắn hạn trong chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn (người học nghề không phải đóng học phí).
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp ngừng việc tạm thời từ 03 tháng trở lên được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do có một số doanh nghiệp không thể cắt giảm lao động khi đang tìm đơn hàng mới, bởi vì nếu cắt giảm lao động sẽ không có công nhân để đáp ứng kịp thời khi ký kết được hợp đồng mới; mặc dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn và phải cho công nhân ngừng việc.
5. Nhu cầu vay của các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết chính sách cho người lao động.
Đến nay chưa có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ đề nghị vay ở Ngân hàng phát triển do không đủ điều kiện về số lao động bị mất việc làm để được vay.
Trong tháng 3/2009 Công ty Giày An Giang có lập phương án sắp xếp lao động đề nghị vay khoảng 1,7 tỷ đồng để chi trả trợ cấp mất việc làm, trả lương ngừng việc và trả nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động; nhưng sau khi thẩm định thì công ty không đủ điều kiện để được vay theo quy định tại Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/02/2009 do công ty chủ yếu là cho công nhân ngừng việc.
II. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ:
Hiện nay ở tỉnh An Giang không có huyện nào thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Phần thứ ba
VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2007-2010
(ĐỀ ÁN 30)
1. Tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc thống kê thủ tục hành chính tại địa phương.
Thực hiện theo hướng dẫn của Tổ Chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (Đề án 30), UBND tỉnh đã được triển khai đến tất cả các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thông qua các lớp tập huấn, thông tin, truyền thông, chỉ đạo bằng văn bản.
Nhìn chung, các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã điểm đều đảm bảo thời hạn gửi biểu mẫu thống kê thủ tục chính về Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Cụ thể, đến thời điểm 14/3/2009 đã có 788 thủ tục hành chính được thống kê, trong đó 645 biểu mẫu được hoàn thiện sẽ được công bố trên website của tỉnh trong tháng 4 năm 2009.
2. Việc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí cán bộ chuyên trách và bảo đảm các điều kiện làm việc cho Tổ Công tác của địa phương.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17 tháng 7 năm 2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-UBND thành lập Tổ Công tác thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (gọi tắt là Tổ Công tác Đề án 30). Tổ Công tác Đề án 30 gồm 04 thành viên: 02 thành viên kiêm nhiệm do một đ/c Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Tổ trưởng, một đ/c Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm tổ phó vàhai chuyên viên giúp việc được điều động từ Sở Tư pháp và Trung tâm Tin học của tỉnh.
Nhằm đảm bảo điều kiện làm việc cho Tổ Công tác Đề án 30, theo Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 31/7/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ngoài lương và các phụ cấp hiện có, các thành viên của Tổ còn được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trưởng phòng cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các trang thiết bị làm việc cần thiết như bàn ghế, máy vi tính, máy in... cũng được trang bị đầy đủ để đảm bảo các điều kiện làm việc.
3. Việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc gắn thi đua khen thưởng, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ với việc thực hiện Đề án 30 tại địa phương.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2026/TTg-TCCV ngày 21/11/2008, đồng thời nhằm đảm bảo việc triển khai Đề án 30 trên địa bàn tỉnh đúng theo yêu cầu của Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng chính phủ về thời hạn và chất lượng các biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính, đến nay Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 02 văn bản chỉ đạo việc gắn công tác thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức với việc thực hiện Đề án 30 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn việc xét thi đua, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức thực hiện Đề án 30. Theo đó cán bộ, công chức thực hiện thống kê thủ tục hành chính đầy đủ, đúng thời hạn, có chất lượng sẽ được xem xét khen thưởng, trường hợp cán bộ, công chức được giao thực hiện thủ tục hành chính nhưng đểnhiều thủ tục hành chính do mình thực hiện không được điền biểu mẫu 1, hoặc điền biểu mẫu 1 không đạt chất lượng thì không được xét thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm hoặc sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định
Ngoài ra, trong quá trình triển khai giai đoạn 1 của Đề án 30, Tổ Công tác Đề án 30 của tỉnh thường xuyên báo cáo Sở Nội vụ và chính quyền địa phương về tình hình, kết quả thống kê thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước để làm cơ sở đánh giá thi đua, khen thưởng và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Sự quan tâm của người đứng đầu các cơ quan hành chính đối với việc thực hiện Đề án 30 tại địa phương.
Nhìn chung, Thủ trưởng các Sở, cơ quan ngang Sở, chính quyền địa phương các cấp đều có sự quan tâm đến việc thống kê thủ tục hành chính đang thực hiện tại cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn ban hành một số văn bản chỉ đạo việc thống kê thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên đã phê bình, rút kinh nghiệm một số đơn vị trực thuộc chậm triển khai thống kê thủ tục hành chính, đồng thời chỉ đạo gắn việc thực hiện Đề án 30 vào công tác thi đua, khen thưởng...
Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 30 nên việc triển khai thống kê thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, số lượng thủ tục hành chính phải thống kê và chất lượng các biểu mẫu thống kê. Điển hình, Ủy ban nhân dân phường Châu Phú A thị xã Châu Đốc đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chọn đơn vị khác thực hiện thí điểm.
5. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 30 và giải pháp tháo gỡ.
Qua triển khai Đề án 30 cho thấy việc điền biểu mẫu 1 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có một số khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể:
- Về cách thức triển khai Đề án 30: Các cơ quan ngang Sở như: Công an, Hải Quan, Cục thuế hiện đang triển khai thống kê thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Tổ Công tác Đề án 30 tỉnh, đồng thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc thống kê thủ tục hành chính như vậy có thể dẫn đến sự không thống nhất trong hướng dẫn, thực hiện và đưa ra kết quả không giống nhau đối với cùng một thủ tục thực hiện tại một cơ quan.
Vì vậy, cần có sự thống nhất trong thực hiện giữa Tổ Đề án của tỉnh và Tổ Công tác của các Bộ, theo đó Tổ Công tác của tỉnh là đơn vị hướng dẫn, tổ chức thực hiện tại địa phương theo chỉ đạo của Tổ Công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ.
- Công tác triển khai thống kê thủ tục hành chính tại các cơ quan: Nhìn chung, lãnh đạo các Sở, cơ quan ngang Sở, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát việc thực hiện thống kê thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số nơi cán bộ, công chức chưa có sự phối hợp tích cực với Tổ Công tác trong quá trình điền biểu mẫu 1 là do việc thống kê thủ tục hành chính là công việc mới, phức tạp, cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị còn phải thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ nên tiến độ thống kê đôi lúc chưa đảm bảo, chất lượng biểu mẫu 1, do cán bộ, công chức chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm của mình trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị.
Phần Thứ tư
CÁC KIẾN NGHỊ VỚI ĐOÀN CÔNG TÁC CHÍNH PHỦ
Qua quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh An Giang xin có một số đề xuất, kiến nghị đến Đoàn công tác của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Đề nghị Trung ương cho tỉnh ứng trước kế hoạch vốn NSNN năm 2010 là 352 tỷ đồng để thanh toán khối lượng hoàn thành cho 11 công trình của tỉnh (kèm CV 576/UBND-XDCB ngày 25/2/2009)
2. Ngoài phần vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 Trung ương đã thông báo 145,93 tỷ đồng, đề nghị Trung ương bổ sung thêm 452 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán khối lượng hoàn thành đến cuối năm 2009 (cho các công trình đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện).
3. Để đảm bảo đến năm 2010 toàn tỉnh có 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã, đề nghị đầu tư đường và cầu 52 xã (ngoài danh mục theo Quyết định 171/TTg) với qui mô 373 km + 150 cầu, với tổng vốn đầu tư đề nghị bổ sung từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 814 tỷ đồng, trong đó năm 2009 là 433 tỷ.
4. Đề nghị bổ sung Dự án kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao vào danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2009 (như kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với tỉnh An Giang ngày 18/3/2009)
5. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, năm 2009 tỉnh An Giang có kế hoạch sản xuất lúa Vụ 3 (vụ Thu Đông) 100.000 ha, trong đó diện tích mở mới là 30.000 ha
Đề nghị Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng (tương đương 2 triệu đồng/ha) để xây dựng hệ thống tưới, tiêu vững chắc, phục vụ cho sản xuất.
6. Để đảm bảo mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, giảm giá thành sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập người nông dân, chủ động trong phòng chống thiên tai, lũ lụt, hạn hán, tạo điều kiện tăng vụ, chuyển vụ, nâng cao sản lượng lương thực cho cả nước, phục vụ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Khmer vùng cao, thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn,tỉnh An Giang đã xây dựng Đề án phát triển Hệ thống trạm bơm điện tỉnh An Giang giai đoạn 2008 – 2012 và đã triển khai thực hiện trong năm 2008. Tuy nhiên, bước đầu triển khai thực hiện Đề án, tỉnh đã gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư xây dựng đường dây trung thế và các trạm bơm. Đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh 414 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, phân kỳ hỗ trợ như sau: năm 2009: 201 tỷ đồng (trong đó tỉnh đã thực hiện trước trong năm 2008 là 112 tỷ đồng); năm 2010: 102 tỷ đồng; năm 2011: 36 tỷ đồng; năm 2012: 75 tỷ đồng.
7. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 50% vốn đầu tư hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng (khoảng 600 tỷ đồng trong 10 năm) phục vụ 200 ngàn ha lúa ở tỉnh An Giang và xem đây là một chính sách cụ thể trong Đề án an ninh lương thực quốc gia.
8. Về chính sách hoàn thuế GTGT theo Nghị quyết 30 của Chính phủ đối với hàng hóa thực xuất trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng xuất khẩu thì được hoàn thuế. Riêng, đối với hàng hóa xuất khẩu biên giới không có hợp đồng thương mại, thanh toán bằng tiền mặt thì chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn.
Đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đường biên mậu.
9. Đối với hạn mức trần vốn vay bảo lãnh của dự án là 20 tỷ đồng, đã làm hạn chế các doanh nghiệp tiếp cận và tận dụng nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu.
Đề nghị Trung ương mở rộng đối tượng được bảo lãnh tín dụng và nâng mức vốn điều lệ tối đa từ 20 tỷ trước đây lên 70 tỷ đồng.
10. Đề nghị Trung ương giảm lãi suất ưu đãi tín dụng xuất khẩu và đầu tư còn 0%; hiện đang áp dụng là 6,9% cho VND và 5,4% cho USD. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại được hưởng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ nên hấp dẫn hơn do thủ tục đơn giản hơn, thời gian giải quyết nhanh hơn.
11. Đề nghị xem xét hỗ trợ lãi suất (4%) đối với các doanh nghiệp có nợ vay ngân hàng, do không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho nhiều,… không thể thanh toán nợ đúng hạn cho ngân hàng. Đồng thời, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý đối với các trường hợp hợp đồng vay của các doanh nghiệp đã ký trước đây với lãi suất cao.
12. Chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 30 của Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và áp dụng giải pháp xử lý nợ đối với hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai và các doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm; điều chỉnh áp dụng lãi suất cho vay các hợp đồng tín dụng xuống phù hợp theo mức lãi suất hiện hành.
Đề nghị Ngân hàng nhà nước sớm triển khai và hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện, nhằm hạn chế tiêu cực trong quá trình thẩm định, cho vay của các tổ chức tín dụng, thực tế là hình thức “đảo nợ”.
13. Để mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất, tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ và không bị ràng buộc.
Đề nghị Trung ương ban hành danh mục ngành nghề không được hỗ trợ lãi suất thay thế danh mục ngành nghề được hỗ trợ lãi suất.
14. Do thói quen sản xuất nhỏ lẻ nên các hộ kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hộ nuôi trồng thuỷ sản chưa quen sử dụng hoá đơn chứng từ nên không thể chứng minh chi phí đầu vào của phương án sản xuất nên rất khó được ngân hàng cho vay vốn.
Đối với yêu cầu hoá đơn chứng từ chứng minh chi phí đầu vào khi lập phương án sản xuất vay vốn: Đề nghị Trung ương cho phép các Tổ chức tín dụng thẩm định trên cơ sở định mức chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm theo định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền công bố theo từng thời kỳ, thời vụ sản xuất.
Đối với yêu cầu có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, lĩnh vực sản xuất cá giống thì hoàn toàn không thực hiện. Đề nghị Ngân hàng nhà nước sớm xem xét tháo gỡ.
Đối với trường hợp, khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất nhưng do không đáp ứng yêu cầu về thủ tục (như hoá đơn, chứng từ...)nên đề nghị vay vốn thông thường, không yêu cầu hỗ trợ lãi suất. Đề nghị Ngân hàng nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng quy trình xử lý.
15. Để phát triển nghề nuôi thủy sản, đảm bảo nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nuôi thuỷ sản khi gặp rủi ro (như đã hỗ trợ cho ngư dân); ngân hàng xem xét khoanh số nợ quá hạn chưa có khả năng thanh toán, đồng thời cho các doanh nghiệp tiếp tục vay vốn để phát triển nuôi thủy sản.
16. Điều kiện để doanh nghiệp có người lao động bị mất việc làm và ngừng việc tạm thời đề nghị vay vốn theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ là khó áp dụng trong điều kiện của tỉnh An Giang.
Đề nghị xem xét sửa đổi điều kiện để được vay vốn như sau: “Doanh nghiệp có số lao động phải ngừng việc tạm thời từ đủ 03 tháng trở lên; và có số lao động phải ngừng việc từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên vẫn được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ”.
17. Để không làm gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đề nghị cho phép tạm hoãn hoặc không bắt buộc áp dụng đơn giá tiền lương mới; có lộ trình thực hiện khi điều kiện cho phép và tuỳ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
18. Đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương sớm bổ sung 65 tỷ đồng nguồn vốn năm 2009 cho Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh phục vụ cho các đối tượng nghèo vay vốn nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội của Chính phủ.
19. Đề nghị Chính phủ bổ sung mặt hàng gạo xuất khẩu vào danh mục cho vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn theo Nghị định 106/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
20. Việc triển khai các quy định về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn thuế thu nhập cá nhân, hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn..., theo dự toán thu năm 2009 mà Bộ Tài chính giao cho ngành thuế An Giang thu 1.815 tỷ đồng. Sau khi tính các khoản tăng, giảm do chính sách thuế nói trên thì dự báo khả năng giảm thu so dự toán là 180 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét cân đối bổ sung phần hụt thu cho tỉnh./.