Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/03/2010-10:27:00 AM
Báo cáo tình hình thực hiện các ngành thương mại - dịch vụ tháng 3, Quý 1 năm 2010
I. Bối cảnh tác động
1. Bối cảnh quốc tế:
Từ cuối năm 2009, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các nền kinh tế lớn đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi: sức mua trên đà tăng trở lại với sự cải thiện trong tổng mức bán lẻ, các chính sách kích thích tăng trưởng được gia hạn, tăng trưởng dương xuất hiện trở lại tại một số nền kinh tế lớn trong quý IV/2009. Dự báo trong năm 2010 nhu cầu về nhiều nhóm hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm, cao su, vật liệu xây dựng sẽ tăng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và thương mại quốc tế nói riêng.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực nêu trên, nền kinh tế thế giới năm 2010 vẫn còn tồn tại những tác động tiêu cực như tiêu dùng của một số quốc gia phát triển đã gần đến khoảng bão hòa, hàng rào bảo hộ được thắt chặt hơn do khủng hoảng với những biện pháp tinh vi hơn, nguy cơ lạm phát quay trở lại… Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn từ tình trạng thâm hụt ngân sách, lạm phát và thất nghiệp ở mức cao. Tại Châu Âu, các nước EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ Hy Lạp đang có khả năng lan rộng.
2. Bối cảnh trong nước:
Cùng với đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, nền kinh tế của nước ta cũng đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. GDP tăng với tốc độ 5,32% trong năm 2009, tổng mức bán lẻ tăng với tốc độ khá 18,6%, trong khi lạm phát được kìm ở mức 6,88%. Trong tháng đầu năm 2010, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, hầu hết các ngành sản xuất đều có sự tăng trưởng.
Ngoài ra, thị trường tài chính tiền tệ diễn ra sôi động, thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm và hiện xoay quanh mức trên 500 điểm. Về chính sách, trong quý đầu năm 2010, ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá đồng USD và VND lên 18.544 VND/VND, thực thi quy định về lãi suất thỏa thuận đối với các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, giá xăng dầu, giá điện, than cũng được điều chỉnh tăng trong quý I/2010 cũng sẽ có những tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong thời gian tới.
II. Đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ tháng 3, Quý I/2009
1. Về xuất nhập khẩu hàng hoá
1.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 3 năm 2010 đạt 5,15 tỷ USD, tăng 37,7% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,45 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,01 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,68 tỷ USD, tăng 40,5%.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 2,25 triệu tấn, giảm 47% về lượng và 10% về kim ngạch; than đá giảm 15,5% về lượng và tăng 21,4% về kim ngạch; dệt may 2163 triệu USD, tăng 12,3%; da giày 1026 triệu USD, tăng 10,1%; sản phẩm gỗ 716 triệu USD, tăng 26,3%; linh kiện điện tử 703 triệu USD, tăng 40,9%; thuỷ sản 861 triệu USD, tăng 14,5%; gạo 1233 nghìn tấn, giảm 30,7% về lượng và giảm 16,7% về kim ngạch, cà phê giảm 25,5% về lượng và 31% về kim ngạch, sắn và sản phẩm sắn giảm 49,3% về lượng và 6,25% về kim ngạch ...
Nếu loại trừ yếu tố tăng đột biến của kim ngạch xuất khẩu vàng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2010 tăng khoảng 11,9% so với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2009. Do sự phục hồi của kinh tế thế giới sau khủng hoảng, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào sự tăng trưởng nêu trên như: giá hạt điều tăng 19,6%, chè các loại tăng 7,4%, hạt tiêu tăng 26,2%, gạo tăng 20,3%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 85,1%, than đá tăng 44%, dầu thô tăng 70%, cao su tăng 92,9%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 1 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (tỷ trọng ước đạt 26,4%), Mỹ (20,2%), ASEAN (16,8%), Nhật Bản (11,95%) và Trung Quốc (9,4%).
1.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2010 ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 28,2% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,7 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 53,1%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu các một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 như sau: xăng dầu giảm 14,4% về lượng và tăng 33,3% về kim ngạch, thép các loại tăng 16,2% về lượng và tăng 26,1% về kim ngạch, phân bón giảm 15,1% về lượng và giảm 17,15% về kim ngạch, giấy các loại tăng 12,7% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch, chất dẻo nguyên liệu tăng 5,2% về lượng nhưng tăng tới 53,1% về kim ngạch, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 10,8%, kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện tăng 53%...
Cũng như xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 55,7%, khí đốt hóa lỏng tăng 47,2%, chất dẻo nguyên liệu tăng 45,5%, sợi các loại tăng 37,2%, phôi thép tăng 18,3, kim loại thường tăng 50,3%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng hơn 1,3 tỷ USD.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu 3 tháng đầu năm 2009 là Trung Quốc (24,5%), ASEAN (22,4%), Hàn Quốc (11,3%), Nhật Bản (11,2%), Đài Loan (9%) và EU (8,7%).
Giá trị nhập siêu 3 tháng đầu năm 2009 ước đạt 3,5 tỷ USD, chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu.
1.3. Đánh giá chung về xuất nhập khẩu hàng hóa:
- Xuất nhập khẩu trong khu vực FDI tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 47,65% tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 40,25% tổng kim ngạch nhập khẩu.
- Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp phục hồi và có dấu hiệu tăng trưởng mạnh như: dây điện và dây cáp điện (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ), máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 66,7%), máy tính linh kiện điện tử (tăng 40,9%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 26,3%).
- Trái ngược với diễn biến đầu năm 2009, giá cả nhiều mặt hàng 3 tháng đầu năm 2010 có xu hướng tăng góp phần làm tăng cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu.
- So với cùng kỳ năm 2009, trong khi lượng của nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng thì lượng của một số mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, lại giảm và giảm mạnh, khiến cho khoảng cách giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu gia tăng, nhập siêu tăng cao.
2. Phát triển thương mại trong nước
2.1 Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:
Do sản xuất, kinh doanh và hoạt động dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán nên tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2010 theo giá thực tế ước tính đạt 246,3 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2009 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 17,9%). Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2010 tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2009.
2.2 Chỉ số giá:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2010 so với cùng kỳ năm trước tăng 8,46%; so với tháng 12/2009 tăng 3,35%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2010 tăng 8,04% so với bình quân cùng kỳ năm 2009.
Dự kiến tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng khoảng từ 0,5-0,6% so với tháng 2, theo đó, dự kiến CPI quý I/2010 đạt xấp xỉ 4%.
2.3 Một số mặt hàng trọng yếu:
a. Lương thực:
Thị trường gạo Châu Á ba tháng đầu năm 2010 diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau: trong khi thị trường sôi động trong tháng 1, thì hai tháng còn lại khá ảm đạm do các nhà nhập khẩu đang chờ vụ thu hoạch lớn từ các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Việt Nam và Thái Lan. Chính vì nhu cầu nhập khẩu không cao, trong khi nguồn cung của các nước vẫn đáp ứng tốt cầu nên giá gạo giảm nhẹ trong tháng 1 và giảm mạnh trong cuối tháng 2 và trong tháng 3 có xu hướng tăng trở lại do một số nước đang gia tăng lượng mua vào, hiện đang ở mức 540USD/tấn đối với gạo Thái Lan 100% B và từ 440 USD/tấn gạo 5% tấn của Việt Nam
Trong nước, các địa phương đã hoàn tất việc gieo cấy lúa Đông Xuân với diện tích tăng hơn năm trước, tại phía Nam một số địa phương đã thu hoạch với năng suất đạt khá cao (55-70 tạ/ha). So với thời điểm tháng 2/1010, hiện giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến đáng kể, với giá mua lúa khô là 4.100 - 4.300 đồng/kg. Trong quý I/2010 giá lúa gạo trong nước nhìn chung được ổn định tại miền Bắc, nhưng có xu hướng giảm nhẹ tại các tỉnh phía Nam.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, trong tháng 3, nước ta xuất khẩu được 500 nghìn tấn gạo đạt 267 triệu USD; tính chung cả quý I/2010 xuất khẩu gạo ước đạt 1233 nghìn tấn với trị giá 677 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 24.7% kế hoạch năm 2010.
So với thời điểm tháng 2/1010, hiện giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến đáng kể, với giá mua lúa khô là 4.100 - 4.300 đồng/kg
b. Xăng dầu:
Trên thị trường thế giới, trong vòng 6 tháng qua giá dầu thô kỳ hạn đã vài lần chạm ngưỡng 80 USD/thùng, nhưng sau đó đã sụt xuống 70-79 USD/thùng do dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng làm giới đầu tư lo ngại về nhu cầu ở nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này. Theo giới phân tích, có nhiều khả năng giá dầu sẽ giao dịch quanh mức 75-85 USD/thùng ít nhất là trong vòng 2 tháng tới và có thể sẽ leo lên trên 85 USD/thùng vào giữa năm nay, nếu kinh tế thế giới phục hồi bền vững. Tính đến thời điểm hiện nay, giá dầu bình quân tháng 3 giao dịch xung quanh ngưỡng 80 USD/thùng.
Trong nước, ngày 26/1/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2010/TT-BTC quy định từ ngày 1/2/2010 thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu sẽ giảm từ 5-10%, cụ thể thuế suất thuế nhập khẩu diasek giảm 5% còn 15%, dầu hỏa giảm 10% còn 20%, mazut giảm 5% còn 15%, mặt hàng xăng vẫn giữ nguyên ở mức 20%.
Trong 3 tháng đầu năm, cùng với sự biến động của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước đã có 3 lần điều chỉnh tăng, cụ thể: tăng 400 đồng/lít đối với mặt hàng dầu Mazut từ ngày 4/1/2010; từ ngày 14/1/2010, mặt hàng xăng tăng 450 đồng/lít, dầu Mazut tăng tiếp 400 đồng/lit, dầu hỏa và diezel tăng 300 đồng/lit; Ngày 22/2/2010, giá bản lẻ các mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng thêm 590 đồng/lít. Như vậy tính đến thời điểm hiện nay, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện đang ở mức: Xăng A92 16.990 đồng/lít, xăng A95 17.490 đồng/lít, diasel 0,25S 14.850 đồng/lít, diasel 0,5S 14.900 đồng/lít, mazut 3,5S 13.300 đồng/lít, mazut 0,3S 13.600 đồng/lít và dầu hỏa 15.500 đồng/lít.
Về tình hình hoạt động của NMLD Dung Quất, hiện tại vẫn còn một số lỗi kỹ thuật chưa thể khắc phục xong, công tác nghiệm thu chưa thể hoàn thành nên kế hoạch bàn giao chưa được tiến hành. Được biết, các lỗi kỹ thuật hiện nay chủ yếu là lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến quá trình vận hành, chạy thử và cho ra các sản phẩm của Nhà máy nên nhà thầu Technip đang phối hợp với Ban QLDA, Tập đoàn dầu khí khẩn trương xử lý, để sớm bàn giao Nhà máy cho Công ty TNHH 1 TV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Hiện Nhà máy đang vận hành 100% công suất và đã nhập trên 2,55 triệu tấn dầu thô, sản xuất được khoảng 2,05 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, trong đó bán ra thị trường trên 1,7 triệu tấn sản phẩm các loại.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, sản lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của nước ta ước đạt 1 triệu tấn, tăng 5,6% về lượng, tăng 9,3% về trị giá so với tháng 2/2010; tính cả quý I/2010 lượng xăng dầu nhập khẩu ước đạt 2,673 triệu tấn, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 23% kế hoạch năm 2010. Trong khi đó, sản lượng dầu thô xuất khẩu của nước ta tháng 3/2010 ước đạt 895 nghìn tấn, tăng 64,5% so với tháng 2/2010; tính cả quý I/2010 ước đạt 2,247 triệu tấn, giảm 46,8% so với cùng kỳ năm 2009 và lũy kế đạt 24,7% kế hoạch năm 2010.
c. Thép xây dựng:
Thị trường sắt thép trong tháng 3 và quý I/2010 có khá nhiều biến động, đặc biệt là giá cả. Mặc dù, nhu cầu thép thế giới vẫn chưa có tăng trưởng đột biến, tuy nhiên giá thép trong tháng 3 đã tăng cao ở hầu hết các thị trường. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu sản xuất thép tăng kéo theo sự gia tăng của giá thép thành phẩm. Cụ thể, giá phôi thép các loại liên tục tăng và hiện đứng ở mức 600 USD/tấn và 540 USD/tấn đối với phôi dẹt và phôi thanh, tức là tăng khoảng 30 USD/tấn so với tháng 2. Giá thép phế liệu cũng ngày càng tăng nhanh và chạm ngưỡng 400 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước:
Hiện nay, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường phục hồi chậm, nhưng giá nhiều loại thép vẫn đang tăng dần từ đầu tháng 2 cho đến nay. Ngay từ những ngày đầu tháng 3, giá thép trong nước đã được điều chỉnh tăng từ 500.000 - 600.000 đồng/tấn. Giá thép tăng là do chi phí sản xuất thép gia tăng, bắt đầu từ việc điện tăng giá tới 6,8% ngay từ ngày 01/3, tiếp đó là giá than cùng các loại nguyên liệu sản xuất thép đều tăng, đặc biệt là phôi thép và phế liệu thép nhập khẩu.
Như vậy, trong quý I/2010, nhu cầu thép xây dựng trong nước không có biến động lớn, nhưng giá thép trong nước đã qua 3 đợt điều chỉnh với mức tăng khá cao trong mỗi lần, hiện giá bán thép tròn đốt tại miền Bắc cũng tăng lên 11,8 triệu đồng/tấn và 12,2 triệu đồng/tấn tại miền Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng Cục hải quan, sản lượng thép nhập khẩu tháng 3 ước đạt 600 nghìn tấn với trị giá 378 nghìn USD, tăng 14,9% so với tháng 2/2010;tính cả quý I ước đạt 1648 nghìn tấn với trị giá 1034 nghìn USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2009.
d. Xi măng:
Thị trường xi măng trong tháng 3 và quý I/2010 không có nhiều biến động lớn, do chưa bước vào giai đoạn sôi động của mùa xây dựng nên nhu cầu xi măng tăng chậm trong khi nguồn cung dồi dào (sản lượng xi măng sản xuất năm 2010 dự kiến dư thừa hơn 2 triệu tấn). Mặc dù vậy, giá xi măng trong tháng 3 tăng nhẹ so với tháng 2, trung bình ở mức tăng từ 30.000 – 50.000 đồng/tấn. Giá xi măng tăng bời chi phí sản xuất của ngành tăng, xuất phát từ việc tăng giá điện (giá điện chiếm tới 18% giá xi măng), giá than, xăng dầu và giá vật tư tăng cao, do vậy giá xi măng trong năm nay dự kiến tăng nhẹ khoảng 2%-3%.
Nhìn chung trong quý I/2010, giá xi măng chỉ tăng nhẹ, hiện ổn định ở mức 1.100.000 – 1.400.000 đồng/tấn tại phía Nam vàphía Bắc phổ biến ở mức 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn.
e. Phân bón:
Tháng 3 là thời điểm bước vào chính vụ Chiêm Xuân, thêm đó theo dự báo của Hiệp hội phân bón Việt Nam, năm nay lúa được mùa nên nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ gia tăng mạnh. Tuy nhiên, do các công ty sản xuất phân bón đã chuẩn bị đủ cung cấp cho vụ Chiêm nên giá phân bón chỉ tăng nhẹ trong thời điểm hiện tại.
Trong tháng 3, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 200 nghìn tấn với trị giá 59 triệu USD (trong đó phân ure là 40 nghìn tấn và trị giá 10 triệu USD),giảm 17,7% so với tháng 2/2010; tính cả quý I/2010, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 948 nghìn tấn với trị giá 290 triệu USD ( trong đó phân ure ước đạt 306 nghìn tấn, trị giá 290 triệu USD), giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 26,3% kế hoạch năm 2010. Lượng phân bón tồn kho không nhiều: urê 85.000 tấn, DAP 10.000 tấn, SA 10.000 tấn và kali 19.000 tấn; trong nước sản xuất được 211.000 tấn urê. Các loại phân bón khác được sản xuất trong nước và lượng tồn kho là super lân 250.000 tấn, phân lân nung chảy 100.000 tấn, NPK 1,3 triệu tấn. Về cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước thời điểm hiện tại, nhưng dự báo tới mùa hè thu có thể xảy ra tình trạng khan hiếm phân bón do nhu cầu tăng cao trong khi sản lượng sản xuất của các nhà máy còn hạn chế.
Trong thời gian tới, do tác động từ việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá than và các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất phân bón thì giá phân bón sẽ có xu hướng gia tăng. Trên thị trường quốc tế, dự báo có thể xảy ra một đột biến lớn trong ngắn hạn về giá phân bón. Thực tế, các loại phân bón đã tăng trong quý 1/2010. Dự báo giá một số loại còn tiếp tục tăng trong thời gian gần. Giá sulphur tăng cao kéo theo giá DAP sẽ tăng trong tháng 4-5/2010.
3. Về phát triển các ngành dịch vụ
3.1. Tình hình phát triển khu vực dịch vụ trong Quý I/2010.
Tình hình kinh tế trong nước quý I/2010 có những tín hiệu khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Với chính sách lãi suất thỏa thuận, lãi suất có xu hướng tăng lên, giá xăng dầu biến động không nhiều, giá vàng có xu hướng dần đi vào ổn định, giá cả hàng hóa thiết yếu tăng đáng kể sau dịp Tết chưa có chiều hướng giảm,… Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có những bước phát triển đáng kể:
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong quý I/2010 ước khoảng 5,5-6,5%, tăng so với cùng kỳ năm 2009, trong đó một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ vận tải biển, dịch vụ du lịch.
Xuất khẩu dịch vụ trong quý I/2009 ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dịch vụ trong quý I/2010 ước đạt 1,78 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân dịch vụ ước thâm hụt ước 138 triệu USD.
3.2. Tình hình phát triển một số lĩnh vực dịch vụ chủ yếu.
3.2.1 Dịch vụ vận tải
Hoạt động vận tải tập trung chủ yếu cho vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết nguyên đán, chỉ riêng trong tháng 3 tháng đầu năm ước tính đạt 563 triệu lượt khách tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó vận chuyển đường bộ tăng 17%, đường không tăng 14%. Khối lượng vận chuyển hàng hoá ước tính đạt 55 triệu tấn tăng 9% trong đó vận tải đường bộ tăng 10%, vận tải đường sông tăng 3% và đường biển tăng 13%.
3.2.2 Bưu chính viễn thông
Các hoạt động bưu chính viễn thông cũng gia tăng đáng kể trong quý I/2010. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, số thuê bao mới của cả nước ước tính đạt 10 triệu thuê bao, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2009. Số thuê bao internet băng thông rộng trên cả nước ước tính đạt 4.2 triệu thuê bao, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá các dịch vụ tăng, riêng giá dịch vụ viễn thông giảm, nhờ thuê bao internet và điện thoại tăng, đa dạng hoá các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động của các hãng nên tổng doanh thu của ngành vẫn tăng so với 2009. Về chất lượng dịch vụ, mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng nhìn chung dịch vụ của các hãng địên thoại di động vẫn chưa làm hài lòng người tiêu dùng.
3.2.3 Du lịch
Trong những tháng đầu năm của năm 2010 mặc dù có những khó khăn nhất định, hoạt động du lịch đã sội động ngay từ ngày đầu quí do thời gian này nằm trong mùa lễ hội chung của cả nước. Toàn ngành du lịch triển khai mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút khách trên cơ sở nâng cấp hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch như: tổ chức các lễ hội du lịch nổi bật như: phục vụ nhân dân vui Tết truyền thống, hội Đống Đa (Hà Nội), hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Lồng Tống tại Tỉn Keo, Định Hoá (Thái nguyên), hội Lim (Bắc Ninh), lễ khai ấn đầu xuân tại Đền Trần (Nam Định), Hội bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội công bố năm du lịch Huế 2010,.…
Riêng trong tháng 3 nhiều tàu khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam trong đó: 750 du khách và thuyền viên tàu biển cao cấp Columbus đã cập cảng Hải Phòng theo hành trình khám phá Hải Phòng – Hà Nội - Hạ Long và Nha Trang. Ngày 9/3 tàu biển quốc tế Nautica (Mỹ) cập cảng Cái Lân đưa hơn 1.000 du khách Mỹ tham quan Hạ Long. Ngày 17/3 tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đón tầu du lịch Diamond Princess (quốc tịch Bermuda) với 2.600 du khách quốc tế đến tham quan.
Dịp đầu năm cũng là dịp các kễ hội diễn ra trên khắp cả nước và đón một lượng khách du lịch khá lớn. Tại Tây Ninh lễ hội núi Bà Đen đã thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách hành hương trong đó có gần 800 du khách nước ngoài. Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, trung bình mỗi ngày có từ 7.000 đến 12.000 lượt khách về dâng hương.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2010 ước tính đạt gần 360.000 lượt khách tăng nhẹ 2% so với tháng 2 và đưa tổng lượng khách trong 3 tháng đạt hơn 1,2 triệu lượt khách và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2010 chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc tăng 60%, Hàn Quốc tăng 20%, Đài Loan tăng 17%, Úc tăng 15%, Pháp tăng 10%, Thái Lan tăng 30%, Malaysia tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo phương tiện đi lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không và đường bộ tăng đáng kể. Xét theo mục đích chuyến đi của khách du lịch, khách du lịch theo mục đích nghỉ ngơi và khách du lịch theo công việc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái./.

File đính kèm:
BCKinhtedichvuT3.10.pdf

Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1404
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)