1. Tình hình chung
2 tháng đầu năm 2010, các Bộ, ngành và địa phương tích cực phân khai kế hoạch 2010, hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh phía Bắc, trận mưa cuối tháng 1 đã làm dịu bớt khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân ở Bắc Bộ, tình hình sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng ở một số nơi còn nghiêm trọng.
2. Tình hình sản xuất ngành trồng trọt
Trong tháng các địa phương ở miền Bắc tập trung gieo cấy lúa và rau, màu vụ xuân. Các địa phương ở miền Nam tiếp tục xuống giống lúa đông xuân, thu hoạch lúa đông xuân sớm và gieo trồng cây rau màu vụ đông xuân 2009. Đến ngày 15/02/2009, cả nước đã gieo cấy 2.555,6 ngàn ha lúa đông xuân, bằng 92,1% so cùng kỳ năm trước.
Ở các tỉnh miền Bắc, do có khuyến cáo về khả năng khô hạn, thiếu nước gieo cấy lúa vụ đông xuân nên các địa phương đã chủ động nạo vét kênh mương, huy động hết công suất của các trạm bơm phục vụ nước tưới tối đa cho bà con nông dân trong hai đợt xả nước các hồ thuỷ điện (đợt I từ ngày 25 tháng 1, đợt II từ ngày 7 tháng 2). Bên cạnh đó, những trận mưa cuối tháng 1 đã cung cấp lượng nước đáng kể phục vụ cho việc làm đất gieo trồng lúa và rau màu. Do vậy, tình trạng hạn hán ở các tỉnh miền Bắc đã cơ bản được khắc phục. Đầu tháng 2 thời tiết ấm, thuận lợi cho gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương miền Bắc đã đẩy mạnh tiến độ gieo cấy, đạt 632,4 ngàn ha, bằng 67,7% so cùng kỳ (Bắc Ninh bằng 141%, Hải Dương bằng 100%, Thái Nguyên bằng 89%, Hà Nội bằng 69%, Vĩnh Phúc bằng 52%, Hòa Bình bằng 41%,...). Điểm tích cực trong gieo cấy lúa đông xuân năm nay là các địa phương miền Bắc tiếp tục áp dụng phương pháp gieo thẳng bằng máy gieo sạ hàng do nông dân được sự giúp đỡ cả về vốn và kỹ thuật từ chính quyền địa phương. Tuy hạn hán đã cơ bản được khắc phục nhưng một số diện tích lúa trên chân ruộng cao của một số địa phương miền núi vẫn thiếu nước nên phải chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây màu (Hoà Bình 2.285 ha, Thái Nguyên 2.064 ha); Sâu bệnh đã bắt đầu gây hại trên một số diện tích lúa mới cấy ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, chủ yếu là rầy nâu, sâu cuốn lá.
Các địa phương miền Nam xuống giống đạt 1923,2 ngàn ha, bằng 104,5% cùng kỳ, trong đó các tỉnh ĐBSCL xuống giống đạt 1.562,7 nghìn ha, tăng 14 nghìn ha (+9%) do giá lúa hàng hóa từ năm 2009 đến nay vẫn đang ở mức cao, người trồng lúa có lãi nên khuyến khích bà con mở rộng diện tích gieo trồng lúa trên những diện tích cây màu. Hiện nay lúa đông xuân chính vụ đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Cũng đến thời điểm này đã thu hoạch 332,7 nghìn ha lúa đông xuân sớm (tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước) chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, năng suất trên diện tích đã cho thu hoạch đạt khá, tăng từ 0,5 đến 1ta/ha.
Tiến độ gieo trồng một số cây rau màu chủ yếu nhanh hơn so cùng kỳ. Tính đến ngày 15 tháng 2 diện tích ngô gieo trồng đạt 251,5 ngàn ha, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước; diện tích khoai lang đạt 81,1 ngàn ha, tăng 24,4%; đậu tương đạt 78,2 ngàn ha, tăng 9,2%; lạc đạt 112,8 ngàn ha, tăng 2,1%; rau, đậu các loại đạt 333,7 ngàn ha, tăng 10,3 %.
Nhận định chung: tình hình sâu bệnh hại lúa vẫn trong tầm kiểm soát, một số diện tích lúa Đông Xuân ở Bắc bộ cấy sớm lúc đầu có khó khăn do thời tiết nóng, nhưng đến nay không đáng lo ngại. Dự kiến sả nước đợt 3 bổ sung nước về hạ du, nâng cao mực nước tưới để hệ thống thuỷ lợi láy nước làm đất gieo cấy cho một số diện tích chưa có nước (Vĩnh Tường, Yên Lạc của tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Phong, Tiên Du của tỉnh Bắc Ninh, Quốc Oai, Sơn Tây của hà Nội). Như vậy, nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân ở Miền Bắc cơ bản được đáp ứng. Với tình hình sản xuất như hiện nay, sản xuất lúa vụ Đông Xuân vẫn có thể đạt kế hoạch đề ra. Kế hoạch 2010, dự kiến diện tích gieo cấy là 3 triệu ha, sản lượng 18,78 triệu tấn (tăng 0,15 triệu tấn so vụ Đông Xuân năm 2009), năng suất 62,6 tạ/ha (tăng 1,7 tạ/ha so vụ Đông Xuân năm 2009).
3. Tình hình sâu bệnh hại cây trồng
Tình hình sâu bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả lúa và rau màu ở các tỉnh miền Nam, các bệnh phổ biến là rầy nâu, sâu đục thân; đạo ôn, sâu cuốn lá; chuột hại và các bệnh khác như: cháy lá; bọ trĩ; bệnh lùn sọc đen; vàng lùn, lùn xoán lá trên diện tích lúa dang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng... Tính đến ngày 15/2 diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu, sâu đục thân là 76,6 ngàn ha (An Giang 24,0 ngàn ha, Bạc Liêu 10,8 ngàn ha, Long An 9,4 ngàn ha,...); diện tích lúa bị bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá là 76,2 ngàn ha (An Giang 33,0 ngàn ha, Long An 18,9 ngàn ha, Sóc Trăng 7,0 ngàn ha,...). Theo ngành chức năng dự báo, sâu bệnh sẽ tiếp tục phát triển, gây hại trên trà lúa đông xuân giai đoạn ngậm sữa và chắc xanh. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người nông dân thường xuyên theo dõi, phòng trừ kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng
4. Giá cả thị trường
Giá lúa gạo giảm khá mạnh so với tháng đầu năm 2010: lúa tẻ thường phổ biến ở mức 4.000-5.500 tùy loại.
Do trùng tháng Tết, mặt hàng thịt lợn vẫn giữ và hơi tăng giá so với tháng 1 năm 2010 do nhu cầu tăng cao: lợn hơi khoảng 33.000-36.000đ/kg (tăng 3.000đ/kg), giá lợn đùi ở mức 60.000đ/kg (đứng giá); thịt nạc vai 65.000đ/kg (đứng giá), thịt rọi 48.000-52.000đ/kg (giảm 2000/kg).
Các loại thực phẩm khác vẫn giữ ở mức giá cao như trước Tết ở một số loại, nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trực tiếp vẫn cao và nguồn cung còn hạn chế do ảnh hưởng của nuôi trồng, đánh bắt bị đình hoãn trong dịp Tết.
Giá các loại rau củ quả biến động tăng ở một số loại so với tháng trước, tuy nhiên biến động không nhiều.
Giá phân bón trong nớc giảm đáng kể: Giá urê Trung Quốc khoảng 6.800đ/kg (tăng 300đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 7.000đ/kg (tăng 300đ/kg), Urê Nga 7.000đ/kg (tăng 600đ/kg); phân lân 10.600-10.800đ/kg (tăng 200đ/kg); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 10.200đ/kg (tăng 300đ/kg), DAP Trung Quốc 8800đ/kg (tăng 400đ/kg.
5. Lâm nghiệp
Trong kỳ các địa phương tập trung trồng rừng mới và thực hiện Tết trồng cây dịp tết Nguyên đán 2010. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 02/2010 đạt 20,3 nghìn ha, tăng 5,3% so cùng kỳ 2009; cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 28 triệu cây, tăng 5,5% do năm nay kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây nên các địa phương tổ chức trồng nhiều; sản lượng gỗ khai thác đạt 220 nghìn m3, tăng 5,8%; sản lượng củi khai thác đạt 2.400 nghìn ste, tăng 2,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2010, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 20,3 nghìn ha, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước; cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 38 triệu cây, tăng 0,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 500 nghìn m3, tăng 4,8%; sản lượng củi khai thác đạt 4.700 nghìn ste, tăng 1%.
Do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nên đã sảy ra một số vụ cháy rừng. Theo báo cáo của các địa phương, chung 2 tháng đầu năm 2010, diện tích rừng bị thiệt hại 1.210 ha, gấp 2,6 lần so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích rừng bị cháy 1.029,4 ha, bị chặt phá 181,4 ha. Điển hình từ ngày 08 đến 15 tháng 02, đã sảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng tại khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lao Cai và Lai Châu; sơ bộ diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 1000 ha. Thời gian tới, theo cảnh báo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống cháy rừng, nhiều địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp IV và cấp V như các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Bình Phước, Đồng Nai, Cao Bằng, Lạng Sơn,…
6. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 02/2010 đạt 347.2 nghìn tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 271,2 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 25.6 nghìn tấn, tăng 3,2%.
Nuôi trồng thuỷ sản:
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 136 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 107 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 15 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 14 nghìn tấn, tăng 3,7%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trong tháng tăng chủ yếu thu hoạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán và đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thuỷ sản hoạt động sớm sau Tết Nguyên đán.
Diện tích nuôi tôm sú tại các vùng có xu hướng khôi phục lại do trong các tháng trước tôm sú được giá, các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục được phát triển do năng suất cao và được giá xuất khẩu. Nuôi cá tra có xu hướng phục hồi, phát triển theo hình thức nuôi qui mô lớn, liên doanh liên kết với các nhà máy, nên diện tích thả nuôi trong kỳ đang tăng trở lại (Bến Tre thả nuôi 715 ha, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, Tiền Giang 110 ha, tăng 10%,...). Dự kiến trong thời gian tới, sản lượng cá tra sẽ tăng trở lại.
Khai thác thuỷ sản:
Sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 211,2 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 197,1 nghìn tấn, tăng 2,5%. Khai thác biển đang vào vụ cá bắc, thời tiết biển tương đối thuận lợi, giá các mặt hàng thủy sản tăng. Ngư trường thuộc khu vực biển miền Trung và Nam bộ cá ngừ đại dương, cá cơm, ruốc, mực,… xuất hiện nhiều và dày đặc nên sau Tết Nguyên đán, ngư dân tranh thủ ra khơi sớm hơn mọi năm, nhiều ngư dân còn đi khai thác trong cả những ngày Tết.
Tính chung cả 02 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 699,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 286,5 ngàn tấn, tăng 3,6%; sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 413 nghìn tấn, tăng 3,9%.
7. Chăn nuôi
Đàn gia súc, gia cầm sau Tết nguyên đán giảm mạnh về số lượng do đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp tết. Dịch bệnh ở gia súc đã cơ bản được khống chế, dịch cúm gia cầm không lan rộng, đồng thời giá thịt hơi và giá thức ăn chăn nuôi ổn định sẽ khuyến khích người chăn nuôi đầu tư tái đàn trong thời gian tới.
Tình hình dịch bệnh: Tính đến 23/2/2010, dịch cúm gia cầm trong cả nước vẫn còn 7 tỉnh là Điện Biên, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Sóc Trăng và Cà Mau vẫn chưa qua 21 ngày. Dịch Lở mồm long móng còn 02 tỉnh là Nghệ An, Điện Biên vẫn chưa qua 21 ngày. Dịch tai xanh hiện nay trên cả nước không có địa phương nào phát sinh dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Công tác phòng chống dịch bệnh cần được tăng cường hơn nữa để bao vây khoanh vùng dịch, hạn chế vận chuyển lậu gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo vệ sinh tiêu độc khử trùng ở những vùng xảy ra dịch bệnh.
8.Về triển khai kế hoạch 2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
Việc phân khai vốn đầu tư thực hiện theo ngành đúng với tổng mức đầu tư Quyết định số 1908/QĐ-TTg ngày 19/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản khớp với kế hoạch giao tại Quyết định số 278/QĐ-BKH ngày 19/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
File đính kèm: BCnongnghiepT2.10.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư