Báo cáo số 117/BC-UBND ngày 30/11/2009 của UBND tỉnh Quảng Ninh
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2009:
Thực hiện Nghị quyết số 26/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XI - Kỳ họp thứ 14 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 trong bối cảnh chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; tình hình thời tiết, dịch bệnh và hệ quả của thiên tai lũ lụt năm 2008 càng gây thêm những khó khăn, thách thức, nhưng với cố gắng nỗ lực tình hình
A. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2009:
1.Tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh
(1) Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Ước thực hiện tăng trưởng kinh tế (GDP, giá so sánh 1994) tăng 10,3% so với năm 2008 (kế hoạch tăng 10-11%), trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,8% (kế hoạch tăng 2,8%); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 11% (kế hoạch tăng 10,01%); các ngành dịch vụ tính theo giá so sánh 1994 tăng 10,6% (kế hoạch tăng 12,45%). GDP bình quân đầu người ước đạt 1.273 USD (cao hơn mức bình quân cả nước đạt khoảng 1.099 USD).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Khu vực nông nghiệp 6,2%; công nghiệp và xây dựng 52,7%; dịch vụ 41% (năm 2008: nông nghiệp 6,7%; công nghiệp và xây dựng 52,4%; dịch vụ 40,9%).
(2) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vượt qua khó khăn đạt được kết quả tích cực.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng cao... nhưng với biện pháp khắc phục kịp thời như: hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, đổi mới kỹ thuật gieo cấy lúa..., nên sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả tích cực. Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp năm nay là đã mở rộng diện tích lúa gieo thẳng (trên 9.100 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích), có chi phí tiết kiệm khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/ha so với lúa cấy, năng suất lúa gieo thẳng đạt cao (trên 60 tạ/ha), nhờ đó đưa năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 45,2 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 228.406 tấn, tăng 740 tấn so với cùng kỳ (vụ Đông Xuân 104.624 tấn, tăng 224 tấn; vụ Mùa ước đạt 123.782 tấn, tăng 516 tấn).
Chăn nuôi đã có bước phát triển theo hướng nuôi tập trung (hiện có 56 trang trại), từng bước hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ để phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng nhìn chung chưa tăng. Tính đến 01/10/2009: Đàn trâu có 63.893 con, giảm 5%; đàn Bò 26.024 con, giảm 4,6%; đàn lợn (không kể lợn sữa) 348.206 con, giảm 3,9%; đàn gia cầm 2,358 triệu con, tăng 20,9%.
Đã trồng được 16.074 ha rừng tập trung đạt 106% kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ[1]. Độ che phủ của rừng ước đạt 49%[2]. Công tác quản lý đất lâm nghiệp có tiến bộ, đã phân định rõ từng loại đất rừng; nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến kinh doanh rừng và chế biến lâm sản. Phối hợp tốt với Hội bảo vệ động vật thế giới giám sát 46 cơ sở nuôi nhốt 364 cá thể gấu trên địa bàn. Công tác phòng chống cháy rừng được quan tâm nên đã giảm 7 vụ cháy rừng (21/28 vụ) so với năm 2008; diện tích rừng cháy giảm 23,33 ha.
Thuỷ sản tăng trên cả 2 lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng, trong đó sản lượng khai thác tăng khá nhờ thời tiết thuận lợi và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ dầu cho ngư dân. Tổng sản lượng thuỷ sản cả năm ước đạt 77.074 tấn, đạt 110% kế hoạch và tăng 6,4% so với cùng kỳ; trong đó đánh bắt 51.041 tấn, đạt 117% kế hoạch, tăng 8%; nuôi trồng 26.032 tấn, đạt 97,5% kế hoạch, tăng 3,3%.
(3) Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá;ngành xây dựng phát triển rõ nét.
Trong bối cảnh giảm phát, việc phấn đấu có tăng trưởng của ngành công ngiệp-xây dựng là cố gắng lớn. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) cả năm ước đạt 23.772 tỷ đồng, bằng 81,1% kế hoạch nhưng vẫn tăng 14,24% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp địa phương tăng cao nhưng chiếm tỷ trọng thấp (chiếm 20%); công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,97% (chiếm 17,2%); công nghiệp Trung ương chiếm tỷ trọng lớn (62,8% giá trị toàn ngành) tăng 7,04%[3]; đặc biệt công nghiệp than vẫn phát triển ổn định sau khi lập lại trật tự, có lợi nhuận khá mặc dù giá than giảm do ảnh hưởng lớn suy thoái kinh tế. TKV đã phấn đấu tăng khai thác và xuất khẩu, sản lượng than sạch ước đạt 39,7 triệu tấn, tăng 5,22%; than tiêu thụ ước đạt 42 triệu tấn, tăng 14,3% (trong đó xuất khẩu 24 triệu tấn, tăng 38,96%) là cố gắng lớn của ngành Than, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một số dự án đầu tư công nghiệp lớn về đóng tàu, nhiệt điện, xi măng… tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sản xuất[4], góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ như: Điện sản xuất ước đạt 1,43 tỷ kwh, tăng 1,09%; xi măng ước đạt 2,7 triệu tấn, tăng 4,19 lần; đóng tàu 371.890 tấn phương tiện, tăng 3%...; đã hoàn thành bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý. Tuy nhiên, do một số dự án lớn đưa vào sản xuất chậm so với dự kiến hoặc sản xuất không đạt công suất thiết kế (nhiệt điện Uông Bí mở rộng 300 MW; các nhà máy xi măng Cẩm phả, Thăng Long, Hạ Long; nhiệt điện Quảng Ninh...) nên chưa đạt kế hoạch (điện sản xuất bằng 43% KH; xi măng bằng 56% KH).
Hoạt động xây dựng có chuyển biến căn bản, nhất là trong công tác quy hoạch; đền bù, GPMB các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB (hết tháng 6 đã giải ngân đạt 96,7% KH giao đầu năm), toàn tỉnh đang phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch cả phần vốn bổ sung; các công trình trọng điểm được quan tâm chỉ đạo nhằm hoàn thành đúng tiến độ. Nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian đầu tư, sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ, nhờ tranh thủ tốt sự hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực tăng thu ngân sách của tỉnh, vốn đầu tư XDCB tăng cao, đã bổ sung thêm 1.484 tỷ đồng vốn đầu tư XDCB so với kế hoạch giao đầu năm[5] như: Nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái; đường Trới - Vũ Oai; cầu vượt Cẩm Phả, cầu vượt Uông Bí; đường 337, đường 329; Trường THPT chuyên Hạ Long, Bệnh viện Lao và bệnh phổi; bệnh viện Sản - Nhi…Với những cố gắng này góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, khắc phục tình trạng chậm trễ trong công tác đầu tư trước đây.
(4) Khu vực dịch vụ chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng vẫn tăng trưởng.
Thương mại phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 21.592 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2008, đáp ứng yêu cầu phục vụ vật tư nông nghiệp phát triển sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng núi. Giá cả ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,3% so với tháng 10 và tăng 5,37% so với tháng 12/2008, dự kiến năm 2009 tăng khoảng 8% so với tháng 12/2008, thấp hơn mức kế hoạch đề ra (tăng 16%).
Hoạt động xuất khẩu năm nay gặp nhiều khó khăn, giá cả nhiều mặt hàng đều ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường giảm (cả nước tăng trưởng âm khoảng 10%). Vì vậy, mặc dù một số mặt hàng chủ yếu có sự tăng đáng kể về lượng hàng hoá xuất khẩu như: Than tăng 30,6%; Hải sản tăng 2,63 lần; tùng hương tăng 28,5%; nến cây tăng 49%... , song đa số mặt hàng đều giảm về giá trị, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh năm 2009 ước đạt 1.908 triệu USD[6], bằng 100% so với cùng kỳ (kế hoạch đề ra tăng 15%).
Hoạt động du lịch có nhiều cố gắng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới khách quốc tế giảm, nhưng đã thu hút được khách nội địa tăng cao. Lượng khách du lịch tăng, ước đạt 5,244 triệu lượt khách[7], bằng 109% kế hoạch, tăng 19,9% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 2,064 triệu lượt, giảm 10,6%; khách nội địa 3,180 triệu lượt, tăng 54%. Nhưng do thay đổi cơ cấu khách, chỉ tiêu khách lưu trú ước đạt 2,08 triệu lượt, giảm 10,4%, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.607 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Đã tổ chức tốt Lễ hội du lịch Hạ Long năm 2009 gắn với cuộc vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long đã được đưa vào danh sách bầu chọn trong giai đoạn tiếp theo.
Hoạt động tín dụng ngân hàng tăng trưởng cao trên 2 lĩnh vực huy động và cho vay vốn, chất lượng tín dụng đảm bảo, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng dự kiến năm 2009 đạt 37.000 tỷ, tăng 47,4% so 31/12/2008. Trong đó: vốn huy động tại địa phương ước đạt 30.500 tỷ, tăng 49,8%, vượt mục tiêu đề ra. Tổng doanh số cho vay ước đạt 70.000 tỷ[8], tăng 91,6% so với năm 2008, góp phần tăng mức đầu tư xã hội. Thực hiện tốt chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất, chống suy giảm kinh tế, tính đến 30/9, tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng đạt 8.244,2 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng dư nợ và tổng số tiền lãi khách hàng được hỗ trợ là 105,5 tỷ đồng[9]. Dự kiến đến 31/12/2009, tổng số nợ xấu là 300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1% tổng dư nợ.
Dịch vụ viễn thôngtiếp tục phát triển. Đã phát triển mới 1.392.535 thuê bao điện thoại các loại[10], tỷ lệ điện thoại cố định và di động trả sau đạt 37 máy/100 dân (vượt mục tiêu Đại hội XII đề ra đến năm 2010 đạt 35 máy/100 dân). Tổng số thuê bao Internet phát triển thêm 20.966 thuê bao mới, nâng tổng số thuê bao Internet trên mạng đạt 93.727 thuê bao. Hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông hỗ trợ cải cách hành chính được đầu tư hoàn thiện. Tổng doanh thu viễn thông năm 2009 ước đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2008.
Dịch vụ vận tải, cảng biển phát triển khá. Các tuyến vận tải khách theo mô hình chuyến xe chất lượng cao phát triển, từng bước phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng; mở thêm 3 tuyến xe buýt mới (Bình Khê - Đông Triều; Bến Rừng - Hòn Gai; Bãi Cháy - Lộ Phong); các tuyến xe buýt đã tự hạch toán kinh doanh, không trợ giá. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 17,1 triệu lượt, tăng 28,2%; khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 15,984 triệu tấn, tăng 11,7%; tổng doanh thu vận tải ước đạt 2.181 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển ước đạt 36,8 triệu tấn, tăng 29,6% so với cùng kỳ.
(5) Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực: Ước thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt khoảng 32.915 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước 2.655 tỷ đồng, tăng 23%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước 734 tỷ đồng, tăng 13,9%; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh 4.600 tỷ đồng[11], tăng 76,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 80 triệu USD, tương đương 1.360 tỷ đồng, tăng 5,6%. Tuy nhiên, vốn đầu tư các doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư trên địa bàn (60-70%) đạt thấp với 22.619 tỷ đồng, bằng 92%[12]. Tình hình suy giảm kinh tế, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, tăng cường huy động vốn, bao gồm việc ứng trước kế hoạch đầu tư NSNN năm sau, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương; quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đẩy nhanh tiến độ.
Mặt khác, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm sút đáng kể. Tính đến hết 20/11/2009, số vốn thu hút mới đạt 25 triệu USD[13], so với cùng kỳ 2008, tổng số dự án và tổng vốn đầu tư đều giảm, số dự án giảm 55% (5/11 dự án), tổng số vốn thu hút chỉ bằng 14,6%; (25 triệu/171 triệu USD). Trong thời gian qua, có 09 dự án chấm dứt hoạt động với tổng vốn đầu tư 26,7 triệu USD do chậm triển khai, không đúng tiến độ hoặc không có khả năng tiếp tục thực hiện. Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh hiện có 104 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,593 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 535 triệu USD, bằng 33,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp tiếp tục tăng. Ước tính đến 30/11/2009, toàn tỉnh có khoảng 1.054 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 7.860,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2008 tăng 17,4% về số lượng doanh nghiệp (1.054/898) và bằng 76,8% về vốn đăng ký (7.860,9/10.231,9). Luỹ kế trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.025 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 46.708 tỷ đồng[14].
(6) Thu chi ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng và đạt kết quả tích cực.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2009 dự kiến đạt 16.427 tỷ đồng, đạt 119% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó: Hải quan thu 11.209 tỷ đồng, bằng 122% dự toán và tăng 7%; thu nội địa (phần cân đối ngân sách) ước đạt 4.716 tỷ đồng, đạt 113% dự toán và tăng 22%; các khoản thu để lại quản lý qua ngân sách ước đạt 502 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.
Thu nội địa (phần cân đối NSĐP) ước thực hiện năm 2009: Có 08 khoản thu tăng 721,5 tỷ đồng (chủ yếu gồm: thu từ doanh nghiệp quốc doanh Trung ương bằng 129% so dự toán mà chủ yếu của TKV và một số doanh nghiệp trọng điểm. Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 111% dự toán. Thu tiền sử dụng đất bằng 134% dự toán...); có 04 khoản thu giảm 164,5 tỷ đồng (gồm thu từ doanh nghiệp quốc doanh địa phương bằng 71% dự toán; Thu từ khu vực ngoài quốc doanh bằng 94% dự toán; Số thu lệ phí trước bạ bằng 83% dự toán; Khoản thu phí, lệ phí bằng 69% dự toán[15]). Hầu hết các địa phương đều tăng thu so với dự toán được như: Bình Liêu tăng 107%, Ba Chẽ tăng 94%, Tiên Yên tăng 43%, Hải Hà tăng 26%, Đông Triều tăng 24%, Hoành Bồ tăng 24%, Vân Đồn tăng 15%, Cẩm Phả tăng tăng 11%, Uông Bí tăng 13% ...
Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến đạt 5.514,5 tỷ đồng, đạt 129% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển 2.655 tỷ đồng, đạt 163% dự toán; chi thường xuyên 2.744,5 tỷ đồng, đạt 117% dự toán.
Các nhiệm vụ chi được đảm bảo kinh phí thực hiện theo kế hoạch. Tỉnh đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương (chủ yếu ngân sách tỉnh) cùng ngân sách Trung ương và huy động nguồn lực xã hội hóa từ dân doanh để chi cho an sinh xã hội như: Hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, trợ cấp người có mức lương thấp, nâng mức phụ cấp cho các đối tượng xã hội,... đồng thời cân đối nguồn đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phát sinh trong năm.
2. Văn hoá - xã hội
(1) Thực hiện có kết quả việc bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn. Cùng với việc chống suy giảm, ổn định phát triển kinh tế, nhiều chính sách hỗ trợ giảm bớt những khó khăn cho đời sống của Nhân dân đã được thực hiện, bên cạnh việc bảo đảm đủ nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đã có, đã thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội mới như: hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo ăn Tết theo Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 10,64 tỷ đồng; trợ cấp cho người có mức lương thấp theo Quyết định 169/QĐ-TTg 5,749 tỷ; bổ sung kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách 12,4 tỷ; tích cực triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg (đã và đang triển khai thí điểm cho 586 hộ trên địa bàn huyện Tiên Yên với kinh phí khoảng 6,8 tỷ) và chủ trương xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ… Tổng số tiền chi an sinh xã hội năm 2009 ước đạt khoảng 558.399 triệu đồng (ngân sách tỉnh 359.722 triệu đồng, Trung ương 185.408 triệu đồng và 15.269 triệu đồng nguồn huy động khác).
Dự kiến năm 2009 có khoảng 2,6 vạn lao động được giải quyết việc làm, đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2,6 vạn), trong đó: xuất khẩu lao động 350 người (chưa đạt mục tiêu đề ra 1.500 người).
Theo ước tính sơ bộ của chuẩn nghèo hiện hành, tính đến tháng 10/2009 toàn tỉnh có khoảng 2.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 5,02% cuối năm 2008 xuống còn 4,46% (còn 12.469 hộ). Tuy nhiên, đáng lưu ý là số cận nghèo cũng còn nhiều (khoảng 12.800 hộ), do đó công tác giảm nghèo bền vững cần đặc biệt quan tâm.
(2) Về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực xã hội khác.
Hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm chỉ đạo và triển khai tích cực. Đã hoàn thành 100% kế hoạch sự nghiệp khoa học, tổ chức triển khai 100% kế hoạch đầu tư phát triển KH&CN, khắc phục được tình trạng không sử dụng hết vốn được phân bổ như những năm trước đây. Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đặc biệt quan tâm, đã tổ chức triển khai trên 34 đề tài, dự án cấp tỉnh đóng góp tích cực vào công tác quản lý, phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hoá; sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường và được triển khai trên diện rộng trong hoạt động quản lý hành chính. Cổng thông tin điện tử tỉnh hoạt động ổn định, toàn tỉnh có 83 đơn vị được tạo lập hộp thư điện tử với 4.838 hộp thư và sử dụng luân chuyển tài liệu, công văn bắt đầu từ tháng 9/2009; hệ thống Hội nghị trực tuyến của tỉnh đã phát huy hiệu quả, giảm bớt chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại, phục vụ đắc lực vào công tác cải cách hành chính, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo hướng chuẩn hoá. Kết thúc năm học 2009 - 2010, quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được củng cố và phát triển, toàn tỉnh có 586 trường, tăng 07 trường so với năm học 2008-2009; đến tháng 8/2009, số trường học đạt chuẩn quốc gia của toàn tỉnh đạt 23,7%[16], dự kiến đến hết năm 2009 toàn tỉnh sẽ có thêm: 25 trường (4 mầm non; 10 tiểu học; 6 THCS và 5 THPT) đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia năm 2009 lên 162/586 (đạt 27,6%). Tổ chức thực hiện các kỳ thi nghiêm túc gắn với cuộc vận động nói không với tiêu cực; Kết quả năm 2008-2009: xét hoàn thành chương trình lớp 5 tiểu học: 99,9% (tăng 0,4%); xét hoàn thành chương trình lớp 9 THCS: 98,8% (giảm 0,3%); thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt 90,97% (tăng 4,46% so với lần I năm 2008). Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ổn định và tăng trưởng vững chắc sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động "hai không".
Công tác phòng chống dịch bệnh được đặc biệt quan tâm, khống chế kịp thời, không để lan rộng các dịch bệnh nguy hiểm, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Số lần khám, chữa bệnh tuyến tỉnh tăng 11%, tuyến huyện tăng 6%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn 18,7%, giảm 1,3% so với năm 2008, đạt kế hoạch đề ra. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển; dự kiến cuối năm có 76,4% (142/186) số trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, vượt chỉ tiêu (75% xã đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010).
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2009 khoảng 1.202 trẻ (giảm 0,3% so với năm 2008), chiếm 6,6% số trẻ sinh ra (18.222 trẻ). Dự kiến mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,03%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 0,03%.
Các lĩnh vực văn hoá, thông tin, phát thanh, truyền hình có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đời sống tinh thần của nhân dân. Khoảng trên 90% số hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam và 95% số hộ xem được Truyền hình Việt Nam (trừ những thôn, bản vùng sâu, vùng “lõm”). Mức hưởng thụ văn hoá, thông tin cho nhân dân được nâng lên, đến cuối năm có 87,4% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hoá và 44,8% (678/1511) thôn, bản, làng, khu phố được cấp bằng công nhận văn hóa; 1.228 nhà văn hoá thôn, khu, đạt 80%. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng[17] tiếp tục được quan tâm bằng nhiều nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được phát động rộng rãi, số người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ước đạt 22,5% (tăng 0,5%); số hộ gia đình thể thao đạt 12,5%, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thể thao thành tích cao của tỉnh đã tham gia hơn 60 lượt giải, đạt 177 huy chương các loại[18], tăng 19 huy chương so với dự kiến.
3. Tài nguyên và môi trường:
Đã tiến hành rà soát hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn, nhất là những địa bàn có lợi thế phát triển; tập trung khắc phục, ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường. So với năm 2008, tỷ lệ vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước giảm 70%; đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này giảm 5%, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài vượt cấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã trú trọng đến công tác bảo vệ môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là các công trình trọng điểm như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18A (đoạn Mông Dương - Móng Cái); Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt (đoạn Đông Triều - Hạ Long)... Nhiều doanh nghiệp đã phát huy lợi thế từ đất, tạo lợi nhuận cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Kết quả năm 2009, đã tiếp nhận và thụ lý, giải quyết 679 hồ sơ. Trong đó: Giao đất, thuê đất là 177 hồ sơ = 9.236,99 ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 07 dự án = 147,87 ha; thu hồi giao cho UBND huyện để bồi thường, GPMB 78 dự án = 2605,62 ha; thu hồi 16 dự án = 443,29 ha (do vi phạm luật đất đai và không còn nhu cầu sử dụng đất); cấp 192 giấy CNQSDĐ = 2.952,31 ha; cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước 28 hồ sơ; hoạt động khoáng sản 26 hồ sơ; thu hồi 02 giấy phép khai thác đá, cát; chấm dứt hiệu lực 01 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng; phê duyệt 28 báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt 32 Đề án BVMT, 66 hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, 07 hồ sơ về sự cố tràn dầu. Các hồ sơ đã được thụ lý, giải quyết đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định.
4. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Tiếp tục Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2010. Hoàn thành giai đoạn II Đề án 30 đảm bảo đúng tiến độ quy định của Thủ tướng Chính phủ, tập hợp và công bố trên 2.000 bộ thủ tục hành chính các cấp để rà soát trong giai đoạn tiếp theo; ban hành bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tổ chức 10 sở, ban, ngành vào làm việc tại Trụ sở liên cơ quan số 2, xây dựng mô hình thí điểm việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử trong việc đăng tải thông tin chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đã góp phần đảm bảo chế độ báo cáo, cung cấp thông tin công khai, minh bạch tới Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và xử lý kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân đến liên hệ giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp[19] để phòng chống tham nhũng và đạt được những kết quả nhất định trên cả 2 mặt phòng và chống. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các vụ việc được thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong năm 2009, đã triển khai 215 cuộc thanh, kiểm tra kinh tế xã hội; đã kết thúc 176 cuộc; sau thanh tra, kiểm tra: Đã thu hồi trên 7,6 tỷ đồng, thu hồi 36 Giấy chứng nhận QSD đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 03 tập thể và 30 cá nhân. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai tích cực gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đổi mới phương thức với sự quan tâm của Thủ trưởng các cấp, các ngành, đặc biệt đã có chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp, sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có sự chuyển biến tích cực, tuy số vụ việc có tăng, song cơ bản đã được giải quyết tốt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật (khiếu nại đạt 91,1%, tố cáo đạt 92,9%). Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo rà soát, giải quyết 39 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, kéo dài trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp công dân, đối thoại, chỉ đạo giải quyết 20 vụ việc, các vụ việc này đã cơ bản được chấm dứt, còn một số vụ việc đang tiếp tục đôn đốc thực hiện dứt điểm. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo được dư luận xã hội và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Quảng Ninh không có “điểm nóng” khiếu kiện, công dân khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương đã giảm.
5. An ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; quan hệ đối ngoại được tăng cường.
Các lực lượng vũ trang duy trì tốt chế độ thường trực, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hoàn thành công tác tuyển quân năm 2009 đảm bảo số lượng, chất lượng. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh được quan tâm. Chủ quyền, an ninh, trật tự khu vực biên giới, biển đảo cơ bản ổn định. Quan hệ đối ngoại giữa hai bên biên giới tiếp tục có bước phát triển.
Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại được tăng cường kiểm soát, trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về buôn lậu. Tính đến 31/10/2009 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 4.912 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 9,9 tỷ đồng, phát mại tịch thu 92,6 tỷ đồng.
Chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, đốt, thả đèn trời và pháo các loại. Công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được tăng cường, tỉnh đã mở 5 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đấu tranh làm rõ các chuyên án lớn về hình sự, kinh tế, ma tuý, các loại tệ nạn. Trong năm 2009, đã điều tra làm rõ 80,2% số vụ tội phạm về trật tự xã hội xảy ra (634/791), bắt 1.168 đối tượng; trong đó trọng án làm rõ 92% số vụ (160/174), bắt 340 đối tượng. Đáng lưu ý, là tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 1,5% số vụ so với 2008 nhưng số vụ có tính chất nghiêm trọng gia tăng.
Trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đường bộ giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2008: giảm 15% về số vụ (118/139), giảm 24,4% về số người chết (130/172), giảm 29% về số người bị thương (72/101). Tai nạn giao thông đường thuỷ xảy ra 2 vụ (giảm 1 vụ), làm chết 2 người (giảm 6), bị thương 2 người (bằng cùng kỳ). Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 2 vụ (giảm 3), làm chết 2 người (giảm 3). Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều tác động làm tình hình giao thông phức tạp, nhất là tuyến quốc lộ 18A từ Mông Dương-Móng Cái đang thi công làm ùn tắc (đã xảy ra 24 vụ). Tai nạn lao động xảy ra 23 vụ, làm chết 26 người (riêng ngành than 16 vụ, chết 19 người), giảm 2 vụ so với cùng kỳ và số người chết bằng cùng kỳ.
Chỉ đạo các ngành chức năng, và các địa phương biên giới thực hiện nghiêm túc các hiệp ước về biên giới và các thỏa thuận song phương trong công tác phân giới cắm mốc trên đất liền và khu vực cửa sông Bắc Luân. Đến nay công tác PGCM đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác đối ngoại trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch… nhất là các tỉnh, thành phố của Trung Quốc (Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hồng Kông, Ma Cao…) trong khu vực hai hành lang 1 vành đai kinh tế, các địa phương trong Hiệp hội Du lịch Đông Á (EATOF). Đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư của các đối tác có tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…
6. Kết quả thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (có báo cáo riêng gửi các đại biểu):
Qua kết quả thực hiện 14 Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành về một số cơ chế, chính sách trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các vấn đề để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh như [20]: cơ chế chính sách phát triển dịch vụ; cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội; chính sách duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành các tiêu chí làm căn cứ xác định mức phân bổ vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2009; biện pháp, cơ chế, chính sách thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình…, có thể nhận định chung: Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành. Qua thực tế triển khai đã khẳng định nhiều Nghị quyết đã ban hành rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân Theo đó, những vấn đề quan trọng của tỉnh đều được đặt trong chương trình của Hội đồng Nhân dân tỉnh để trao đổi thảo luận. Vì vậy, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhìn chung đã định hướng và là cơ sở pháp lý quan trọng để Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ban ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong qua trình xây dựng và tổ chức thực hiện một số Nghị quyết cũng còn những tồn tại nhất định do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan như: quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chưa đầy đủ tính khoa học; đặt vấn đề giải quyết còn chung chung, chưa rõ ràng; nặng về sự áp đặt các mục tiêu mang ý muốn chủ quan, chưa lường hết được diễn biến tình hình, không xem xét kỹ khả năng nguồn lực hoặc chưa xác định rõ nguồn lực thực hiện...nên tính khả thi chưa cao, đòi hỏi phải khắc phục trong thời gian tới.
* Dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006-2010 Căn cứ kết quả thực hiện 3 năm (2006-2008), ước thực hiện năm 2009 và các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2010, dự báo khả năng hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010 như sau:
- Về tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm[21] đạt 12,35%/năm, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 13-14%, chủ yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cũng như những khó khăn trong nước 3 năm 2008-2010. GDP bình quân đầu người quy ra USD theo tỷ giá hiện hành năm 2009 đạt khoảng 1.273 USD, đạt mục tiêu đề ra đến 2010 (từ 1.230 - 1.450), dự kiến năm 2010 là 1.402 USD, vượt 14% so với mục tiêu đề ra ở mức thấp.
Xét về các chỉ tiêu tăng trưởng từng khu vực: Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp (giá cố định 1994) tăng bình quân 5 năm[22] đạt 5,7%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 5,3-5,5%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994) bình quân 5 năm[23] tăng 17,6%, chưa đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 19-20%/năm; Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ (giá hiện hành) bình quân 5 năm[24] tăng 17,82%, vượt kế hoạch đề ra là 15-16%/năm.
- Về cơ cấu kinh tế: chuyển dịch còn chậm so với mục tiêu đề ra. Dự kiến cuối năm 2009, nông nghiệp chiếm 6,2% (kế hoạch đến năm 2010 là 4%), công nghiệp và xây dựng 52,7% (kế hoạch là 54%), dịch vụ 41% (kế hoạch là 42%).
Từ tình hình thực tế hiện nay, nếu không có các giải pháp chính sách thúc đẩy một cách mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp và dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt là phát triển dịch vụ cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ,... thì khó có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra.
- Về xuất khẩu:Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao và đã vượt mục tiêu đề ra: Năm 2006 kim ngạch xuất khẩu đạt 1.284 triệu USD, tăng 49%; năm 2007 đạt 1.375 triệu USD, tăng 6,7%; năm 2008 đạt 1.908 triệu USD, tăng 38,7%; ước năm 2009 đạt 1.908 triệu USD, tăng 0%; nếu năm 2010 tăng 9% (đạt 2.080 triệu USD) sẽ đưa bình quân 5 năm tăng 18,86% (vượt kế hoạch 5 năm 2006-2010 đề ra tăng 15%/năm và gấp 1,89 lần so với mục tiêu kim ngạch đạt 1.100 triệu USD vào năm 2010).
- Về các mặt xã hội và bảo vệ môi trường: Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực văn hóa xã hội khác đều đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc phát triển bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.Những vấn đề đặt ra trong các lĩnh vực này là: Tình trạng thiếu lao động tay nghề cao chậm được khắc phục; tình trạng thất nghiệp ở thành thị vẫn còn cao và lao động ở nông thôn còn dư thừa nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa vững chắc và đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là 7,4%, năm 2008 là 5,18%, ước cuối năm 2009 còn 4,46% đạt mục tiêu kế hoạch đề ra đến 2010 còn dưới 5%. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo còn cao.
Tình trạng ô nhiễm môi trường sống cũng là vấn đề rất lớn trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Khả năng xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2009 đạt khoảng 49% so với mục tiêu đề ra tới năm 2010 là 50%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch năm 2009 ước đạt 80%, hoàn thành kế hoạch đề ra đến năm 2010 từ 75 - 80%.
Tóm lại, qua đánh giá cho thấy, với các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch năm 2010 đến nay nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, trong đó có một số chỉ tiêu đã đạt hoặc cơ bản hoàn thành kế hoạch 5 năm từ năm 2008, 2009. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm kinh tế năm 2009 nên tình hình kinh tế cả nước và trên địa bàn tỉnh chưa ổn định; tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững; một số vấn đề xã hội, môi trường bức xúc chưa được giải quyết tốt. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho năm 2010 phải nỗ lực phấn đấu cao mới có thể hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.
B. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 cũng còn những hạn chế, tồn tại sau:
1. Do ảnh hưởng lớn về lạm phát và suy giảm kinh tế từ năm 2008, 2009 nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 thấp[25]. Sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Xuất khẩu và du lịch giảm mạnh, tiêu thụ hàng hoá còn khó khăn.
2. Sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng chưa đúng với khả năng do một số dự án xi măng, nhiệt điện chậm đưa vào sản xuất ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng GDP; tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
3. Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực tuy có bước cải thiện song chưa đáp ứng được mong muốn, vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng. Bộ máy hành chính tuy đã được tinh giản, song vẫn còn cồng kềnh, hiệu lực hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị vẫn còn tồn tại.
4. Do tác động của suy giảm kinh tế, một số chỉ tiêu không đạt: chỉ tiêu xuất khẩu lao động, thu hút đầu tư nước ngoài...; Đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc và vùng bị thiên tai gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo dễ xảy ra (toàn tỉnh còn khoảng 12.800 hộ cận nghèo), cho thấy tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tuy giảm từ 5,02% năm 2008 xuống 4,46% nhưng chưa thực sự vững chắc.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân chưa được cải thiện nhiều. Xã hội hoá triển khai chậm; vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa yên tâm. Tai nạn lao động chưa có chuyển biến so với cùng kỳ[26]...
5. Cải cách hành chính tuy đã đạt được kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển sản xuất, nhu cầu của nhân dân, kết quả rà soát các văn bản hành chính cho thấy thủ tục hành chính còn nặng nề, trong đó không ít những thủ tục phiền hà, không cần thiết, cần phải loại bỏ. Khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều, số lượng khiếu kiện đông người tăng hơn năm 2008[27]…
Nhìn chung lại, năm 2009 là năm có rất nhiều khó khăn thách thức, tuy vẫn còn những hạn chế tồn tại, nhưng kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng: suy giảm kinh tế được ngăn chặn, kinh tế tiếp tục có tăng trưởng: sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét và tăng trưởng liên tục trong 11 tháng qua, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá; tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiềm chế; thu ngân sách tăng cao; huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng; an sinh xã hội được bảo đảm, những khó khăn về việc làm, đời sống Nhân dân được khắc phục có hiệu quả; cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo có tiến bộ; an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn: sản xuất, xuất khẩu, du lịch phục hồi còn chậm; trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể còn có những tồn tại nhất định; đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn...Trong 25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, có 22 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch; 03 chỉ tiêu đạt thấp hơn mức kế hoạch đề ra là: giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ; tổng kim ngạch xuất khẩu và huy động vốn đầu tư toàn xã hội (Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Kế hoạch năm 2009 có Phụ lục đính kèm).
II. KIỂM ĐIỂM CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NĂM 2009.
Nhìn chung, năm 2009, sự chỉ đạo điêù hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã bao quát đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác theo Luật định, tập trung vào những công tác chủ yếu sau:
1. Chủ động xây dựng, triển khai sớm kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kịp thời có các giải pháp ứng phó ngăn chặn được suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển trong điều kiện kinh tế suy thoái.
Căn cứ Quyết định số 1675/2008/QĐ-TTg ngày 19/11/2008 và Quyết định số 1676/2008/QĐ-TTg ngày 19/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 cho Quảng Ninh, ngay sau kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã sớm ban hành quyết định số 3898/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 giao kế hoạch năm 2009 cho các ngành, địa phương và ngày 22/12/2008 đã tổ chức Hội nghị toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2009. Trên cơ sở dự báo tình hình, bám sát chỉ đạo của Trung ương đã khẩn trương ban hành chương trình công tác số 4961/CTr-UBND ngày 31/12/2008 đề ra 7 nhóm giải pháp chính chỉ đạo điều hành để thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, qua đó phát huy được lợi thế, khắc phục những hạn chế, tồn tại từ những năm trước, đảm bảo được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với thực tiễn địa phương, nêu cao vai trò và trách nhiệm các cấp chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tập trung chỉ đạo đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chủ động những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tập thể lãnh đạo tỉnh đã chủ động làm việc với Bộ chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ ngành Trung ương để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ kịp thời về nguồn lực cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn như hạ tầng giao thông, phát triển các khu kinh tế...; thành lập Tổ công tác triển khai các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của tỉnh nhằm kịp thời đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh như: điều hành giá cả, kinh doanh thương mại, du lịch, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của địa phương, định hướng tiêu dùng...
Tranh thủ thời điểm giá vật tư, nguyên liệu giảm, tỉnh ưu tiên bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để có thể sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2009.
Tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn hỗ trợ từ Trung ương cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình văn hóa xã hội (y tế, giáo dục, nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho người nghèo). Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được bổ sung thực hiện gần gấp hai lần so với kế hoạch giao đầu năm đã tạo thêm xung lực mới cho tăng trưởng.
2. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để duy trì tăng trưởng và đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.
Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh đã dành nhiều thời gian làm việc trực tiếp với các ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch, qua đó kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cơ quan, doanh nghiệp như: cùng với việc tích cực chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, xuất nhập khẩu, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh.. cho các doanh nghiệp; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Chính phủ về giãn nợ, miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi xuất, bảo lãnh tín dụng, tao điều kiện khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; phối hợp chặt chẽ với TKV bên cạnh việc đảm bảo duy trì trật tự trong khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than, tập trung tháo gỡ khó khăn cùng ngành than tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ nên năm 2009 đã hoàn thành kế hoạch của Tập đoàn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương; tập trung chỉ đạo công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, xử lý kịp thời triệt để các vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhất là những đơn vị thành viên của các Tổng Công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước trên địa bàn (TKV, EVN, Vinashin), tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia (điện, xi măng, cơ khí). Vì vậy mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, công tác đầu tư triển khai các dự án vẫn đạt tiến độ. Các công trình quan trọng như: nhiệt điện Hà Khánh, Xi măng Lam Thạch, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhiệt điện Cẩm Phả, Xi măng Hạ Long, Nhà máy Cơ khí Quang Trung Uông Bí.. đã đi vào sản xuất; nhiều công trình vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm nay đã được tập trung thực hiện và đưa vào sử dụng như đường 188, đường Trới-Vũ Oai, đường 337, đường 279…, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng, đưa mức tăng trưởng GDP của tỉnh đạt kế hoạch đề ra.
3. Tăng cường quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, tài nguyên và môi trường; quản lý điều hành có hiệu quả công tác thu-chi ngân sách, ổn định giá cả thị trường.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tiếp tục được chỉ đạo tích cực, tập trung chỉ đạo triển khai điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành như: quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch cấp nước đô thị và Khu công nghiệp, Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải, Quy hoạch phát triển vùng biển đảo Cô Tô....
Quan tâm chỉ đạo đổi mới quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản từ tiêu chí và nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư, phát huy hiệu quả ngay sau đầu tư để phục vụ kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, đã khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản so với các năm trước (năm 2009 đã xóa danh mục nợ đọng 126 công trình). Thực hiện tích cực chuẩn bị đầu tư theo Luật định, gắn với giải pháp linh hoạt cắt giảm hoặc điều hoà vốn và khuyến khích thi đua, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để tăng hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư được chỉ đạo sát sao, đến tháng 4/2009 đã hoàn tất, tháng 05/2009 các dự án, công trình Kế hoạch 2009 đấu thầu xong và khởi công (công tác này các năm trước thường trung tuần tháng 12 mới hoàn thành). Tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản năm 2009 có bước chuyển căn bản (hết tháng 6 đã giải ngân đạt 96,7% KH giao đầu năm) và phấn đấu trước 10/12/2009 hoàn thành 100% kế hoạch kể cả số vốn bổ sung. Qua đó, huy động các nguồn lực của Trung ương và các nguồn lực khác dành cho đầu tư phát triển...
Tăng cường công tác quản lý đất đai, rà soát việc thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh và tình hình thực nhiện nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư; kiên quyết thu hồi, xử lý các dự án đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường. Cùng với việc tăng cường quản lý nhà nước các loại tài nguyên, khoáng sản khác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường, thoát nước đô thị ở các địa bàn trọng điểm, khu vực sản xuất than, quốc lộ 18A, các sông hồ, Vịnh Hạ Long...; đầu tư nguồn lực thực hiện một số dự án bảo vệ môi trường, nên các địa bàn bức xúc về môi trường trước đây đã chuyển biến rõ rệt.
Ngay từ đầu năm, dự báo tình hình ngân sách có khó khăn, xuất hiện các yếu tố hụt thu do thực hiện các chính sách kích cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo một số biện pháp cơ bản đảm bảo năng động trong điều hành thu chi ngân sách để đảm bảo bù đắp thiếu hụt do ảnh hưởng giảm phát như: yêu cầu các địa phương giao dự toán thu tăng từ 5-7%, huy động và khai thác nguồn thu, nhất là từ tiền sử dụng đất, xử lý công nợ đọng dây dưa, kể cả sử dụng các chế tài cần thiết; tăng cường thanh kiểm tra tài chính; thực hiện nghiêm túc tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa bức thiết; nắm bắt tình hình để chủ động có biện pháp ứng phó điều hành thu chi ngân sách. Đồng thời tăng cường công tác quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có lộ trình phù hợp với thực tiễn địa phương, nhằm đảm bảo quyền lợi kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với đời sống của nhân dân, tao điều kiện cho cho các doanh nghiệp ổn định phát triển tiêu thụ sản phẩm do điều chỉnh giá. Với các biện pháp điều hành ngân sách đó đã góp phần quan trọng vào kết quả thu chi ngân sách của tỉnh đạt cao so với dự toán.
4. Quan tâm chỉ đạo các lĩnh vực văn hoá, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, vùng khó khăn.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các lĩnh vực văn hoá-xã hội...thông qua việc tăng đầu tư ngân sách kết hợp với đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực văn hoá-xã hội. Chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm. Cải tiến hình thức tổ chức thi cử, giao chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có chế độ cử tuyển theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học, củng cố và phát triển mạng lưới trường lớp, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là ngành học mầm non. Tạo điều kiện cho các Trường đại học có uy tín (Đại học Ngoại thương) đặt cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Quan tâm hỗ trợ các đề tài khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ đạo tổ chức lễ hội du lịch Hạ Long gắn với bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, cùng với nhiều hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí phong phú trong các lễ hội truyền thống, dịp Tết Nguyên Đán và những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân...
Đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người (như dịch sốt phát ban dạng sởi, dịch cúm A (H5N1), dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm); tăng cường biên chế, trang bị kỹ thuật cho các cơ sở y tế; triển khai đầu tư nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến tỉnh và huyện để khắc phục tình trạng quá tải trong các bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thuốc chữa bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục bố trí 1% tổng chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Văn hoá, thể thao được quan tâm và có bước phát triển; hệ thống thiết chế văn hoá, công trình văn hoá được quy hoạch và huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng (sân vận động, khu thể thao cột 3, bảo tàng, thư viện...), tiếp tục nâng mức hưởng thụ về chăm sóc sức khoẻ, văn hóa tinh thần của nhân dân.
Cùng với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Chính phủ ban hành, chủ động huy động nguồn lực ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thị xã, thành phố, hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội để bảo đảm an sinh xã hội như: trợ cấp tết, trợ cấp dầu; triển khai đề án cải thiện nhà ở cho người nghèo; thực hiện tốt chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67; hỗ trợ người nghèo bị ốm đau điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; hỗ trợ người tàn tật không có khả năng lao động; quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án 135 giai đoạn 2006-2010; đầu tư cho các xã nghèo khó khăn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về dạy nghề; hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho hộ nghèo; trợ cước, trợ giá..., kịp thời thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách và các hộ nghèo; Song song với đó là các biện pháp chỉ đạo điều hành kích thích phát triển kinh tế đã được áp dụng, nên hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo được sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động.
Tập trung chỉ đạo để bảo đảm đủ giống, phân bón, nước sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để các hộ dân sử dụng hết diện tích trồng trọt; triển khai ứng dụng phương pháp mới để tăng khả năng phòng trừ dịch bệnh cây trồng; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hàng hoá, giống lúa, giống cây trồng...để giúp nông dân khôi phục sản xuất, phát triển đàn gia súc, gia cầm đi đôi với phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ để đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản; tranh thủ nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đê, kè và thực hiện phương án di dời chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực xung yếu; chú trọng đầu tư và thông báo kịp thời các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá; Chủ động kế hoạch đối phó, trang bị phương tiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Sự điều hành tích cực, kịp thời của Uỷ ban nhân dân tỉnh góp phần cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng đạt kế hoạch đề ra, ổn định đời sống người nông dân.
5. Quan tâm chỉ đạo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai tốt hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế; cải tiến phương pháp chỉ đạo điều hành, lề lối làm việc tạo chuyển biến trong cải cách hành chính.
Quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chú trọng Công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, khẩn trương điều tra làm rõ, bắt giữ kịp thời hung thủ trong một số vụ trọng án, được dư luận ghi nhận và tạo niềm tin trong nhân dân. Quan tâm đầu tư nguồn lực hỗ trợ các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường lực lượng, đầu tư xử lý một số điểm nóng về giao thông đô thị..., nên số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đã giảm so với năm 2008. Tập trung đối thoại, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài.
Công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại được quan tâm chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp kịp thời, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, chú trọng ngăn chặn buôn lậu qua biên giới, do đó tình hình được kiểm soát tốt, không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, góp phần quan trọng vào việc ổn định sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Công tác phòng chống tham nhũng đẩy mạnh tuyên truyền gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bộ máy kiện toàn cùng với nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận chuyên trách và các lực lượng phòng chống tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường tập trung vào lĩnh vực trọng yếu, nhất là lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách, đất đai..., kiên quyết xử lý thu hồi tài sản thiệt hại.
Chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, xác định trọng tâm, trọng điểm trong mở rộng quan hệ hợp tác. Bên cạnh các thị trường truyền thống đã tích cực phát triển thị trường khác có tiềm năng, chú trọng hiệu quả, thiết thực theo hướng đảm bảo tận dụng thời cơ tiếp tục phát triển hợp tác sau phục hồi kinh tế.
Kiên quyết chỉ đạo thực hiện đề án 30 hoàn thành vượt tiến độ và công bố bộ thủ tục hành chính các cấp. Mô hình một cửa, một cửa liên thông, áp dụng tiêu chuẩn ISO trong cơ quan hành chính được triển khai tích cực; đẩy mạnh điều hành, xử lý công việc bằng công nghệ thông tin và sử dụng thư điện tử; phát huy vai trò Cổng thông tin điện tử của tỉnh..., bước đầu có hiệu quả rõ rệt, qua dư luận phản ánh khẳng định là một kênh cung cấp thông tin hữu ích cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân...
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất trong chỉ đạo điều hành theo hướng phân công rõ trách nhiệm nhưng không phân lập và không khép kín. Duy trì hàng tuần, thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và bàn bạc các nội dung quan trọng cần thống nhất tập thể, xác định nội dung quan trọng xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Thường xuyên chấn chỉnh quy định trách nhiệm rõ cho các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo hướng đổi mới lề lối làm việc, phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu, đề xuất và thực hiện chế độ thông tin báo cáo, khắc phục căn bản tình trạng thiếu chủ động hoặc đề xuất chung chung, không rõ quan điểm, chậm thời hạn…; Tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính sự nghiệp trong tỉnh.
Năm 2009 là năm dân vận chính quyền, trong chỉ đạo điều hành Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm duy trì tốt mối quan hệ chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh theo quy chế phối hợp để triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo ở cấp xã, một số cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua lao động sản xuất, nhất là việc chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng... Do đó, đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân.
Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ nêu trên, trong chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng còn một số tồn tại:
- Việc chấp hành chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất của các ngành, địa phương mặc dù được chấn chỉnh đã có chuyển biến tích cực hơn nhiều so với trước, song cá biệt có việc còn chậm, thụ động chờ chỉ đạo cấp trên, chất lượng đề xuất chưa cao; sự phối hợp giữa một số ngành trong giải quyết công việc nhìn chung đã chủ động hơn nhiều, song có lúc vẫn phải nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
- Công tác quản lý Nhà nước tuy đã được tăng cường hơn và thu được nhiều kết quả, nhưng trên một số mặt còn tồn tại: việc quản lý sử dụng tài nguyên đất đai, quản lý tài sản tuy cố gắng nhưng vẫn còn bất cập; thu hút đầu tư mặc dù đã quan tâm, từng bước cải thiện nhưng kết quả chưa tương xứng với tiềm năng; một số dự án, công trình chậm triển khai do chưa làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư hoặc giải phóng mặt bằng nên phải điều chuyển vốn; tình trạng khai thác than trái phép vẫn tái diễn ở một số nơi; bảo vệ môi trường, thoát nước đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu…
III. NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2009:
Đặc điểm của năm 2009 là năm kinh tế thế giới chuyển từ lạm phát sang giảm phát; bên cạnh những kinh nghiệm đã thực hiện tốt từ năm 2008, chúng ta đã tiếp tục có những giải pháp quan trọng để đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội trong hoàn cảnh mới:
- Năm 2009 là năm được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đặc biệt quan tâm, cùng với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời và hiệu quả của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và sự tham gia nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong việc thực hiện đồng bộ nghiêm túc các giải pháp, chính sách của Trung ương và địa phương, tạo ra sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn thách thức ngăn chặn suy giảm kinh tế, phục hồi tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
- Sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời và linh hoạt của Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhất là đánh giá tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách sát hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực. Triển khai đồng bộ chống suy giảm kinh tế với việc thực hiện các mục tiêu về bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể:
+ Chúng ta đã chủ động trong công tác dự báo, phân tích đánh giá tình hình thế giới và trong nước tác động đến sự phát triển của các ngành kinh tế, tận dụng thời cơ, lường trước thách thức để kịp thời đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp với diễn biến của tình hình để triển khai ngay trong thời gian ngắn cũng như chuẩn bị cho lâu dài, nhất là sau khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
+ Tập trung đảm bảo giữ vững sự ổn định kinh tế, chủ động cân đối về thu chi ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tín dụng thiết thực, hiệu quả, tạo nguồn lực quan trọng để thúc đẩy đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề của khủng hoảng.
+ Giải quyết tốt, gắn kết chặt chẽ các giải pháp chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội, nhằm ổn định đời sống nhân dân, ổn định trật tự xã hội, nhất là ở địa bàn nông thôn.
+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp làm việc, cùng với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách để mọi người dân biết, chia sẻ khó khăn, chung sức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010
I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH
Năm 2010, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, nhưng có nhiều khả năng năm 2010 sẽ có cải thiện, chuyển biến tích cực hơn[28]. Trong nước, kinh tế nước ta còn có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế năm 2009; các cân đối kinh tế chưa thật ổn định; giá cả diễn biến khó lường; hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn; sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn ở mức thấp; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động tay nghề cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa bảo đảm yêu cầu phát triển. Tình hình thiên tai, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp...
Ngoài ra, một số khó khăn chúng ta không hoàn toàn chủ động được như: việc đưa một số dự án lớn (điện, xi măng) vào sản xuất đảm bảo đúng tiến độ và công suất đề ra; sản xuất kinh doanh than là ngành kinh tế chủ lực còn khó khăn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi đó là: sự ổn định chính trị - xã hội; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; hạ tầng kinh tế - xã hội dù còn khó khăn nhưng đang có cải thiện tích cực (đường giao thông, các cơ sở y tế, giáo dục...). Năng lực sản xuất của các ngành kinh tế tiếp tục được nâng lên; hoạt động đầu tư phát triển đang có triển vọng tốt, một số công trình quan trọng về nhiệt điện (Thăng Long, Cẩm Phả, Mông Dương); giao thông (sân bay, đường cao tốc); thuỷ lợi... tiếp tục được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đang chuyển dịch đúng hướng. Những điều kiện thuận lợi này tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh đó, toàn tỉnh phải nỗ lực cao nhất để tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2010 và của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Theo đó toàn tỉnh cần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2010
1. Mục tiêu, nhiệm vụ
Tập trung mọi nỗ lực để phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009; tạo tiền đề để tăng trưởng nhanh và bền vững trong các năm tiếp theo; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Triển khai thực hiện tốt các Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh. Tập trung cao độ phát triển hạ tầng kinh tế, văn hoá - xã hội. Phấn đấu ở mức cao nhất hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
2.1. Phân tích tình hình.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên và những tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, dự kiến phương án tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2010 trên một số căn cứ sau:
- Tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi là điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên mức độ phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng sự chủ động của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp trong tỉnh có thể giảm thiểu được những thiệt hại do khách quan gây ra.
- Kinh tế trong nước đang có dấu hiệu phục hồi nhanh, những kết quả tích cực ở trong nước trong việc triển khai các giải pháp, chính sách chống suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, giá cả các loại nguyên liệu cơ bản trên thị trường được kiềm chế và kiểm soát, không có những đột biến lớn.
- Huy động vốn đầu tư phát triển tiếp tục tăng trong điều kiện kinh tế đã thuận lợi hơn so với năm 2009. Thu hút đầu tư tăng cao trong năm 2010 do tập trung triển khai kêu gọi đầu tư cho hạ tầng giao thông, dự án lớn trọng điểm bằng nhiều nguồn lực (nước ngoài, tập đoàn kinh tế...) Tiến độ sản xuất và đầu tư các dự án trọng điểm về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội cơ bản hoàn thành đúng tiến độ đề ra theo các giả định chủ yếu sau:
+ Ngành than tiêu thụ tại Quảng Ninh 42 triệu tấn (trong đó xuất khẩu 17 triệu tấn); giá bán than xuất khẩu tăng từ 15-20% so với năm 2009; tổng doanh thu tại Quảng Ninh tăng 8% so với năm 2009. Các công ty sản xuất cơ khí, công ty thương mại của Tập đoàn dự kiến đạt doanh thu 2.877 tỷ đồng, tăng 15%.
+ Các dự án trọng điểm về xi măng, nhiệt điện trên địa bàn tỉnh có tiến độ sản xuất kinh doanh theo dự kiến: Tổng sản lượng các nhà máy xi măng đang hoạt động và chuẩn bị hoạt động đạt 4,34 triệu tấn; dự kiến GTTT tăng 24,4% so với cùng kỳ[29]. Các ngành kinh tế còn lại (với chỉ số giá CPI ổn định) vẫn có mức tăng trưởng từ 2 - 3% so với cùng kỳ; dự kiến thu ngân sách, huy động vốn đầu tư tiếp tục tăng.
+ Chỉ số giá CPI năm 2010 dự kiến ở mức xoay quanh 8%
+ Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi. Kim ngạch XNK tăng, thu từ dịch vụ thương mại tăng, tuy nhiên phục hồi chậm; hoạt động du lịch từng bước hồi phục, tuy nhiên chưa tăng nhanh được lượng khách quốc tế.
Để đảm bảo tăng trưởng GDP có tính khả thi, dựa trên căn cứ thực tiễn phát triển của kinh tế trong nước và của tỉnh như đã phân tích, đảm bảo được tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, góp phần giữ được sự phát triển ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch, nếu điều kiện thuận lợi, sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường năm 2010 như sau:
2.2. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường năm 2010 ( dự kiến).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP, giá so sánh 1994) tăng từ 11-12% so với năm 2009.
Giá trị tăng thêm (GTTT) ngành nông, lâm và thuỷ sản (giá so sánh 1994) tăng khoảng 3,2%; GTTT ngành công nghiệp và xây dựng (giá so sánh 1994) tăng khoảng 12,3%; GTTT ngành dịch vụ tăng khoảng 11,7% theo giá so sánh và tăng 14,9% theo giá hiện hành.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tăng 9%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tăng 10%
Tổng thu ngân sách trên địa bàn (dự kiến): 16.395 tỷ đồng, bằng 99,8% so với ước thực hiện năm 2009. Trong đó: Hải quan thu 10.550 tỷ đồng, bằng 94%; thu nội địa (phần cân đối ngân sách) 5.610 tỷ đồng, tăng 19%; các khoản thu được để lại quản lý qua ngân sách 235 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách địa phương 5.453,8 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 1.843 tỷ đồng, chi thường xuyên 3.149,5 tỷ đồng.
Chỉ số tăng giá tiêu dùng khoảng 8%.
2.2. Các chỉ tiêu xã hội:
Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS ở 100% xã, phường, thị trấn; thực hiện phổ cập giáo dục THPT ở những địa bàn có điều kiện.
Tuyển mới cao đẳng nghề tăng 30,43%; trung cấp nghề tăng 15,11% so với ước thực hiện năm 2009.
Mức giảm tỷ lệ sinh bình quân là 0,03%; quy mô dân số cuối năm 2010 là 1,161 triệu người, tăng 1,04% so với năm 2009.
Tạo việc làm cho 2,68 vạn lao động, trong đó xuất khẩu 800 lao động.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4,09%.
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 18%.
Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 30 giường.
Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người: 20,5 m2
2.3. Các chỉ tiêu về môi trường:
Tỷ lệ che phủ rừng: 50%.
Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh: 83%.
Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch: 89,5%.
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 85%
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom: 90%.
Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 80%, trong đó tại các bệnh viện 100%.
Tỷ lệ thu gom và xử lý lượng rác thải hàng ngày tại các trung tâm đô thị, đạt tiêu chuẩn môi trường: 85%.
Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 2010
Trong năm 2010, cần tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp chính sách đã phát huy tác dụng trong năm 2009 và trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010; đồng thời tập trung tổ chức thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
1. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, thúc đẩy phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
-Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đấu thầu, quản lý và sử dụng đất đai...gắn với phân cấp mạnh về quyền hạn và trách nhiệm cho người quyết định đầu tư và chủ đầu tư. Ban hành chính sách phù hợp để giải quyết vướng mắc kéo dài trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
-Huy động tổng nguồn lực, đẩy mạnh khuyến khích các thành phần kinh tế để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các công trình, ưu tiên cho các công trình trọng điểm; các công trình phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII đã đề ra cho giai đoạn 2006-2010, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá...gắn với quản lý chặt chẽ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ bằng việc đổi mới công tác xây dựng cơ bản và tăng cường công tác thanh tra, giám sát tổng mức và hiệu quả đầu tư, khắc phục đầu tư dàn trải, chống thất thoát và lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình.
-Tiến hành đồng bộ 6 nhóm giải pháp về thu hút và quản lý vốn FDI đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 07/4/2009. Tăng cường vận động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các đối tác lớn, chủ động tiếp cận hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm lực có nhu cầu đầu tư vào Quảng Ninh, nhất là các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu kinh tế.
2. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển gắn với tăng cường thực hiện chính sách an sinh xã hội.
-Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngành than và các dự án trọng điểm công nghiệp đẩy mạnh sản xuất và sớm đưa dự án vào hoạt động: Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn I-300 MW; Nhiệt điện Quảng Ninh 600 MW; Nhiệt điện Cẩm Phả 600 MW; các nhà máy xi măng: Cẩm Phả, Thăng Long, Hạ Long, Lam Thạch; nhiệt điện: Mông Dương, Mạo Khê, Điền Công, Thăng Long; các dự án trong KCN Cái Lân (nhà máy sản xuất thép, kết cấu thép, điện Cái Lân, kết cấu hạ tầng)…
-Rà soát lại quy hoạch và bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ để giảm chi phí sản xuất và thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới cho sản xuất, nâng cao năng suất lao động và thực hiện các chính sách hỗ trợ để người làm nghề rừng có cuộc sống ổn định và được cải thiện. Chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở những vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, quan tâm đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá, bảo đảm phòng tránh thiên tai, tăng hiệu quả của đánh bắt xa bờ.
-Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là các huyện nghèo, xã nghèo. Thực hiện các biện pháp đặc biệt hỗ trợ các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn để giảm nghèo nhanh; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận được các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa, cải thiện đời sống. Quan tâm ổn định sản xuất, giảm thiểu khó khăn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, do biến động về giá cả đối với nông dân, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn đang có xu hướng gia tăng.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở đối với hoạt động dịch vụ cùng với đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, nhằm sớm khôi phục và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là thương mại, du lịch.
-Tích cực mở rộng thị trường, tận dụng mọi khả năng để đẩy mạnh xuất khẩu bằng các hình thức theo thông lệ quốc tế và phát triển biên mậu. Chú trọng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, khai thác tốt và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính ngân hàng, tư vấn, thiết kế, khoa học công nghệ.
- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiến độ thực hiện kế hoạch 5 năm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, xúc tiến đầu tư thương mại, tiếp cận thông tin thị trường. Hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới các DNNN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Điều hành dự toán thu - chi ngân sách, giá cả thị trường.
- Tập trung mọi biện pháp để phấn đấu số thu ngân sách năm 2010 vượt cao nhất có thể so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tạo nguồn lực cho đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ 2010, hoàn thành thực hiện Nghị quyết đảng bộ tỉnh khoá XII. Đổi mới công tác giải phóng mặt bằng, phát huy vai trò của chính quyền địa phương và Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để tăng cường biện pháp khai thác nguồn thu từ quỹ đất, tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Tích cực tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của các thành phần kinh tế.
- Phân bổ dự toán 2010 theo hướng đảm bảo tốt nhất các nhiệm vụ chi thường xuyên, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ trong quản lý tài chính với hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (tabmis).
- Phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo hiệu quả đầu tư theo hướng ưu tiên như sau: Các công trình để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12; công trình chuyển tiếp trọng điểm để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; công trình đã hoàn thành để giải quyết thanh toán nợ đọng; công trình mới có chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh; công trình mới cấp thiết đã đủ thủ tục để khởi công ngay trong quý I/2010
- Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách của các cơ quan đơn vị. Bố trí đủ dự phòng ngân sách để chủ động đối phó với thiên tai, dịch bệnh và những phát sinh trong điều hành nhiệm vụ năm 2010.
-Thực hiện đồng bộ các biện pháp về ổn định giá cả thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống đầu cơ nâng giá hưởng lợi bất chính, bảo đảm quyền lợi người sản xuất và người tiêu dùng.
4. Thực hiện các giải pháp chính sách để tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thêm việc làm mới bao gồm: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp mới, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; phát triển thị trường lao động; tăng cường cho vay giải quyết việc làm; duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm...
- Triển khai hiệu quả đề án dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp; mở rộng các hình thức dạy nghề, hỗ trợ cho vay để học nghề, tạo việc làm...Thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền lương và phụ cấp xã hội đối với cán bộ, công chức và các đối tượng xã hội khác.
- Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tích cực để xoá đói, giảm nghèo. Tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao (Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà ) cùng với việc tổ chức thực hiện giúp đỡ người nghèo, khó khăn và các đối tượng chính sách.
- Tổ chức tốt việc huy động nguồn thu cho Quỹ trợ cấp xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với phương châm Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài nước cùng tham gia. Sử dụng hiệu quả Quỹ trợ cấp xã hội cho công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chương trình xã hội cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho người nghèo.
- Thực hiện tích cực, hiệu quả việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, ký túc xá cho sinh viên, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, cho người lao động có thu nhập thấp. Tích cực triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 24/4/2009 của Chính phủ. Thực hiện tốt đề án cải thiện nhà ở cho người nghèo toàn tỉnh.
5. Bảo đảm an ninh, quốc phòng, mở rộng quan hệ đối ngoại.
-Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là các vùng trọng điểm, vùng biên giới, hải đảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các lực lượng thực hiện chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
- Đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ biên giới; hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới, hệ thống đồn trạm biên phòng, góp phần quản lý tốt đường biên mốc giới theo quy định. Chú trọng kết hợp củng cố quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm các điều kiện cơ bản về sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc ở các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới.
- Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020; kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia trên biển và thềm lục địa; bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển.
- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải toả đền bù đất đai nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
- Tổ chức thực hiện các cam kết, các biên bản ghi nhớ các chương trình hợp tác như: hai hành lang một vành đai kinh tế, hợp tác du lịch của các thành phố khu vực Đông Á (EATOP); đồng thời tiếp tục tạo điều kiện tổ chức tham quan, hội thảo quốc tế để học tập kinh nghiệm nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện hội nhập.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực thực hiện Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính hoàn thành tiến độ và chất lượng trong các cơ quan hành chính các cấp, tạo bước chuyển mới về chất. Nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Công bố công khai, minh bạch những quy định thưch hiện của từng thủ tục hành chính tại các công sở làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát.
- Nghiên cứu tiếp tục mở rộng phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế và xã hội cho các Ngành và địa phương đi đối với tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý theo pháp luật. Việc phân cấp quản lý phải gắn với phân cấp biên chế và ngân sách nhà nước.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục hiện đại hoá nền hành chính, từng bước thực hiện chương trình Chính phủ điện tử, đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước.
7. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, đặc biệt là trong tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và những khó khăn trong phục hồi kinh tế trong tỉnh, công tác điều hành, tổ chức thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng, năm 2010 phải quyết liệt và đồng bộ hơn nữa và tập trung thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh kỳ họp thứ 17, khoá XI. Các ngành, các cấp phải tổ chức tốt việc theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình, đề ra được các giải pháp, chính sách cụ thể sát với tình hình, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra ở tất cả các cấp và sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; nâng cao hiệu quả phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các đoàn thể và toàn dân nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra./.
Phụ lục
( Kèm theo báo cáo sô 117 /BC-UBND ngày 30 /11/2009 của UBND tỉnh)
TT
|
Chỉ tiêu
|
ĐVT
|
Chỉ tiêu HĐND tỉnh 2009
|
Ước thực hiện 2009
|
1
|
Tăng trưởng kinh tế GDP (giá so sánh 1994)
|
%
|
10-11
|
10,3
|
2
|
Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, ngư nghiệp (giá so sánh 1994)
|
%
|
2,8
|
2,8
|
3
|
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp và xây dựng (giá so sánh 1994)
|
%
|
10,01
|
11
|
4
|
Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ: - Theo giá so sánh 1994 - Theo giá hiện hành
|
% %
|
12,45 18,68
|
10,6 16
|
5
|
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tăng
|
%
|
15
|
0
|
6
|
Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng
|
%
|
15
|
4,9
|
7
|
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Trong đó: - Hải quan thu: - Thu nội địa (cân đối NS) - Các khoản thu để lại qua NS
|
Tỷ.đ “ "
|
13.859 9.500 4.159 500
|
16.426,7 11.209 4.716 502
|
8
|
Tổng chi ngân sách địa phương. Trong đó: - Chi đầu tư phát triển - Chi thường xuyên
|
Tỷ.đ “ "
|
4.284,9 1.633,4 2.338,0
|
5.514,5 2.655,0 2.744,5
|
9
|
Chỉ số tăng giá tiêu dùng
|
%
|
16
|
8
|
10
|
Giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; thực hiện phổ cập giáo dục THPT ở các H,TX, TP đồng bằng
|
Huy động 99% trẻ em 5 tuổi đến mẫu giáo vào lớp 1; 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn đúng độ tuổi; đang phổ cập THPT tại các địa bàn thuận lợi: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Yên Hưng,…
|
11
|
Tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng
|
%
|
16
|
27,56
|
12
|
Mức giảm tỷ lệ sinh
|
%
|
0,02
|
0,03
|
13
|
Tạo việc làm mới - Trong đó: xuất khẩu lao động
|
Người "
|
26.000 1.500
|
26.000 350
|
14
|
Tỷ lệ lao động qua đào tạo - Trong đó: đào tạo nghề
|
% "
|
45 34-35
|
45 35
|
15
|
Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống
|
%
|
4,5-4,7
|
4,46
|
16
|
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới
|
%
|
19
|
18,7
|
17
|
Số giường bệnh trên 1 vạn dân
|
Giường
|
28
|
28
|
18
|
Diện tích nhà ở đô thị bình quân dầu người
|
m2
|
20
|
20
|
19
|
Nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến cuối năm 2009
|
%
|
49
|
49
|
20
|
Tỷ lệ cung cấp nước sạch: - Dân số nông thôn - Dân số đô thị
|
% "
|
80 89
|
80 89,2
|
21
|
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý
|
%
|
71
|
71
|
22
|
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom
|
%
|
88
|
88
|
23
|
Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý
|
%
|
80
|
80
|
24
|
Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải hàng ngày tại các trung tâm đô thị đạt tiêu chuẩn môi trường
|
%
|
82
|
82
|
25
|
Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường
|
%
|
100
|
100
|
[1] Trong đó: Trồng rừng phòng hộ 3.124 ha đạt 126,4%KH tăng 1.033 ha so cùng kỳ, trồng rừng SX 12.950 ha.
[2] Toàn tỉnh hiện có 297.885,6 ha rừng (không kể rừng trồng mới năm 2008-2009) trong đó: Rừng tự nhiên còn 155.870,7 ha; rừng trồng các loại 135.426,8 ha; rừng khoanh nuôi phục hồi tái sinh 6.618 ha
[3] Năm 2006 tăng 9,3%; năm 2007 tăng 22%; năm 2008 tăng 4,2%
[4] Các nhà máy xi măng Cẩm Phả, Thăng Long đã hoàn thành đi vào sản xuất từ đầu năm; nhà máy xi măng Lam Thạch đã đưa vào SX dây chuyền II nâng công suất từ 0,5 lên 1,0 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Hạ Long đang hiệu chỉnh hoàn thành; các Nhà máy nhiệt điện: Quảng Ninh I (600 MW); Cẩm Phả I (300 MW) đều đã vận hành kỹ thuật, sẵn sàng sản xuất; ngày 08/7/2009, đã khởi công xây dựng Nhiệt điện Mạo Khê (440 MW)…
[5] Trong đó: ngân sách TW bổ sung 905 tỷ đồng[5]; ngân sách địa phương tăng 579 tỷ. Ngoài ra còn được ứng trước 384 tỷ đồng kế hoạch 2010 và 2011 (gồm: TW ứng cho tỉnh 284 tỷ; tỉnh ứng cho 14 địa phương 100 tỷ)
[6] Trong đó: Khu vực kinh tế Trung ương 1.394,87 triệu USD, giảm 2,7%; Khu vực kinh tế địa phương 354,86 triệu USD, tăng 10%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 158,88 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
[7] Trong đó: Khách tham quan Vịnh Hạ Long trên 2 triệu lượt, tăng 4%.
[8] Trong đó: cho vay ngắn hạn 58.500 tỷ, tăng 2,23 lần; cho vay trung và dài hạn 12.500 tỷ, tăng 20,2%.
[9] Trong đó: Tỷ trọng dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước chiếm 55,3% tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất; doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 39,9%; hợp tác xã và tổ chức khác chiếm 0,1%; hộ gia đình, cá nhân chiếm 4,7%.
[10] Trong đó: Máy cố định 50.913; di động trả sau 56.553; di động trả trước 1.285.069.
[11] Trong đó: Đầu tư trong dân cư 1.100 tỷ (tăng 81,8%); Doanh nghiệp NQD 3.500 tỷ, tăng 75%.
[12] Trong đó Tập đoàn TKV đầu tư khoảng 12.177 tỷ, tăng 63%.
[13] Trong đó, cấp mới 05 dự án với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 2 triệu USD cho 01 dự án. Các dự án cấp mới bao gồm: 04 dự án trong Khu công nghiệp với số vốn đầu tư là 17 triệu USD; 01 dự án ngoài Khu công nghiệp, vốn đầu tư 6 triệu USD;
[14] Trong đó: Công ty cổ phần 1917 (vốn 28.687 tỷ); Công ty TNHH 2 TV 2404 (vốn 5.109,7 tỷ); Công ty TNHH 1 TV 557 (vốn 1.174 tỷ); DNTN 1133 (vốn 1.039 tỷ); DNNN 14 (vốn 127 tỷ).
[15] Nguyên nhân giảm thu là do thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, bãi bỏ một số khoản thu phí, lệ phí.
[16] Cụ thể gồm: 10 trường Mầm non (tăng 03 trường so với năm học 2007-2008, đạt 5,88%); 95 trường Tiểu học (tăng 05 trường, đạt 57,2%); 30 trường THCS (tăng 10 trường, đạt 21,4%); 02 trường THPT (không tăng) đạt 3,77%
[17] Toàn tỉnh hiện có 626 di tích (cấp quốc gia 61; cấp tỉnh 44; di tích được kiểm kê, phân loại 451)
[18] Gồm: 36 vàng (tăng 1), 59 bạc (tăng 6), 82 đồng (tăng 12).
[19] Như: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền; rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế dân chủ, Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công; thực hiện tốt việc kê khai tài sản và minh bạch thu nhập: Đã có 74/74 đơn vị có báo cáo và 398 cán bộ thuộc diẹn Tỉnh uỷ quản lý thực hiện việc kê khai tài sản.
[20] như: Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 về một số cơ chế chính sách phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006–2010; Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá - xã hội; Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 04/7/2007 về hỗ trợ chi phí hoả thiêu tại An Lạc Viên; Chính sách thực hiện Đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2006-2015; Nghị quyết số 07/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 quy định một số chính sách thực hiện Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 15/7/2008 về việc ban hành các tiêu chí làm căn cứ xác định mức phân bổ vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010); Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 về lập dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước của tỉnh năm 2009; sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2009; Nghị quyết số 20/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 về một số biện pháp, cơ chế, chính sách thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đến 2010 và những năm tiếp theo...
[21] GDP: Năm 2006 tăng 13,78%; năm 2007 tăng 13,67%; năm 2008 tăng 13,02%; Ước năm 2009 tăng 10,3%; DK năm 2010 tăng 11-12%.
[22] GTSX NLN: Năm 2006 tăng 1,5%; năm 2007 tăng 9%; năm 2008 tăng 6,2%; Ước năm 2009 tăng 5%; DK năm 2010 tăng 5,5%.
[23] GTSXCN: Năm 2006 tăng 27,5%; năm 2007 tăng 16,9%; năm 2008 tăng 11,5%; Ước năm 2009 tăng 14,27%; DK năm 2010 tăng 18%.
[24] GTTT ngành DV: Năm 2006 tăng 20,2%; năm 2007 tăng 18,8%; năm 2008 tăng 19,6%; Ước năm 2009 tăng 15,6%; DK năm 2010 tăng 19%.
[25] Giai đoạn 5 năm 2001-2005 tăng bình quân 12,9%; 2006 tăng 13,78%; 2007 tăng 13,67%; 2008 tăng 13,02%.
[26] Tính đến 15/10/2008: đã xảy ra 23 vụ TNLĐ, làm chết 26 người, giảm 2 vụ và số người chết bằng cùng kỳ.
[27] Năm 2009, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 4.183 lượt công dân, tăng 0,8% (4.183/3.865 lượt) so với cùng kỳ năm 2008, với 1.546 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, giảm 0,9% (1.546/1.585 vụ việc) so với cùng kỳ; có 142 lượt đoàn đông người, với 78 vụ việc. Trong đó, tại tỉnh đã tiếp 1.412 lượt công dân, tăng 67,9% so với cùng kỳ (1.412/959 lượt), với 236 vụ việc, tăng 63,1% so với cùng kỳ (149/236 vụ việc), (có 75 lượt đoàn đông người, với 19 vụ việc đã được tiếp ở cấp huyện, sau đó tiếp tục đến Trụ sở tiếp công dân của tỉnh)
[28] WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ âm 2,9% năm 2009 tăng lên 2% năm 2010. IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2010 tăng trưởng 2,4% nhờ những cải thiện của các nền kinh tế lớn: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,... Cùng với tăng trưởng kinh tế, các hoạt động thương mại, đầu tư cũng từng bước phục hồi.
[29] Trong đó dự kiến: Xi măng Cẩm Phả công suất đạt 75% = 1,72 triệu tấn; xi măng Thăng Long công suất đạt 75% = 1,572 triệu tấn; xi măng Hạ Long công suất 2,02 triệu tấn/năm nhưng không được tính kết quả sản xuất của trạm nghiền phía Nam (chỉ tính số Clanhke sản xuất tại Hoành Bồ chuyển vào), dự kiến đạt 20 - 30% công suất = 0,2 triệu tấn. Tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 3,57 tỷ kwh, trong đó: Điện Uông Bí đạt 80% công suất = 1,73 tỷ kwh; Điện Quảng Ninh I (300 MW) đạt 75% công suất = 1,35 tỷ kwh; Điện Quảng Ninh II (300 MW) và Điện Cẩm Phả (300 MW) đạt 20-30% công suất ...
Website UBND Tỉnh Quảng Ninh