Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 21 tháng 01 năm 2014
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng Một là tập trung thu hoạch các cây trồng vụ đông và gieo cấy, chăm sóc lúa vụ Đông xuân.
- Cây lúa
Tính đến ngày 15/01/2014, cả nước đã gieo cấy được 1927,6 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy được 65,8 nghìn ha, bằng 111,5%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1861,8 nghìn ha, bằng 98,8%, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 1518,2 nghìn ha, bằng 95,9%.
Tiến độ gieo trồng lúa Đông xuân ở các tỉnh phía Bắc năm nay nhanh hơn cùng kỳ do thời tiết thuận lợi hơn. Mặc dù, đang là giữa mùa đông không tránh khỏi những đợt rét đậm, rét hạn kéo dài, tuy nhiên thời tiết ban ngày lại khá ấm, đảm bảo cho diện tích mạ đã gieo và chân ruộng lúa đã cấy phát triển tốt, không bị chết rét như những năm trước. Tại các địa phương phía Nam, do nước rút chậm nên tiến độ gieo cấy lúa Đông xuân chậm hơn so với cùng kỳ.
Ước tính diện tích gieo trồng lúa vụ Đông xuân năm nay không tăng hơn so với năm 2013. Mặc dù Đông xuân luôn là vụ lúa lớn nhất của năm về diện tích và năng suất, có ý nghĩa quyết định đến sản lượng lương thực cả năm và góp phần không nhỏ trong lợi nhuận của nông dân. Tuy nhiên, do người trồng lúa cũng gặp nhiều áp lực, đặc biệt là về giá cả, “được mùa thì rớt giá, rớt mùa thì mới được giá”, chưa kể một số địa phương thuộc vựa lúa ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt do hạn và xâm nhập mặn (Tiền Giang, Bến Tre..). Hiện nay, lúa Đông xuân các tỉnh ĐBSCL chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, trổ bông.
Thời tiết se lạnh vào đêm và sáng sớm, nước trên ruộng đầy đủ, nông dân kiểm soát lượng phân đạm sát sao nên đến thời điểm này, dịch bệnh ít xuất hiện. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm đúc rút từ những mùa vụ trước đó, bà con tích cực chăm sóc, phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại, chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tháng sau, rơi vào thời điểm tết Nguyên Đán, và theo dự báo thời tiết vẫn lạnh và lại ít nắng, mưa phùn nhiều, đây là điều kiện phát sinh của các loại sâu bệnh như: sâu đục thân, đạo ôn lá, sâu cuốn lá, ốc bưu vàng, chuột... Bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi khi có phát sinh thì phòng trị kịp thời, tránh lan trên diện rộng. Cây lúa phát triển xanh tốt là niềm vui lớn cho bà con nông dân để đón một cái tết thật sự an lành và hạnh phúc.
Về giống lúa: Vụ Đông xuân năm nay ngành Nông nghiệp các địa phương vẫn tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại giống có kháng hoặc ít nhiễm rầy nâu, vàng lùn lùn xoắn lá, giống ngắn ngày dễ chăm sóc, năng suất cao, chất lượng tốt như Jasmine, OM 2517 , OM 5451 , OM 6976, ML 202, ML 215, OM4498, OM3536, VNĐ 95-20, ML48, TH41, TH6,... Thực hiện “1 phải, 5 giảm” trên lúa, gieo sạ với mật độ vừa từ 120-150 kg/ha. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, nhiều địa phương đã chọn giống lúa ngắn ngày IR50404 gieo sạ, đây là loại giống lúa có phẩm chất thấp nên vào vụ thu hoạch, nguy cơ rớt giá dễ xảy ra, nhưng theo người dân đây là giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, cho thu hoạch sớm để tranh thủ xuống giống vụ Hè thu nên họ vẫn chọn để gieo sạ.
- Cây trồng khác
Cùng với việc gieo cấy lúa Đông xuân, tính đến trung tuần tháng Một, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 177,6 nghìn ha ngô, bằng 100,5% cùng kỳ năm trước; 50,2 nghìn ha khoai lang, bằng 86,7%; 39,7 nghìn ha đậu tương, bằng 87,4%; 35,2 nghìn ha lạc, bằng 99,3%; 302 nghìn ha rau, đậu, bằng 104,5%.
Thống kê sơ bộ, cơ cấu cây trồng vụ Đông các tỉnh phía Bắc năm 2014 tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau đậu có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ tiêu thụ; giảm diện tích cây lấy củ có chất bột và cây có hạt chứa dầu (lạc, đậu tương). Đồng thời cơ cấu cây trồng vụ Đông ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giá trị ngày công từ trồng cây vụ Đông không cao so với các ngành sản xuất phi nông nghiệp, dẫn đến nhiều lao động ở nông thôn không còn thiết tha với sản xuất vụ Đông. Trong khi đó, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất... cũng đều tăng cao đã ảnh hưởng đến đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, thời tiết những ngày đầu gieo trồng cây vụ Đông thường bất ổn, mưa bão nhiều, có những loại cây phải trồng đi trồng lại; đợi đến khi thời thiết thuận lợi thì lại hết thời vụ gieo trồng.
Đến thời điểm này, đa phần diện tích hoa màu vụ Đông đang vào thời kỳ thu hoạch. Hiện tại giá các loại rau màu tương đối thấp, nên lợi nhuận đem về không cao. Trên những chân ruộng đã thu hoạch, ngành Nông nghiệp các tỉnh tích cực đôn đốc bà con khẩn trương làm đất và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ công tác gieo trồng lúa vụ Xuân.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu, bò tại một số tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng đáng kể do đợt rét đậm, rét hại trong thời gian qua nhưng hiện tượng trâu, bò chết đói, chết rét không nhiều như những năm trước bởi công tác phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò của các địa phương khá chu đáo và kịp thời. Hiện tại, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn trâu, bò. Ước tính tháng Một số lượng trâu của cả nước giảm khoảng 2-3%; bò giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn: người chăn nuôi đang tập trung vỗ béo nhằm nâng cao khối lượng xuất chuồng, đáp ứng nguồn cung thịt lợn cho thị trường tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán 2014. Các mô hình chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại và trang trại với phương thức nuôi công nghiệp hay bán công nghiệp có xu hướng phát triển, chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng giảm dần. Ước tính số lượng lợn của cả nước tháng Một giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm: Do tình hình rét đậm ở miền Bắc kéo dài trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng tương đối lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển, sức đề kháng với bệnh tật của đàn gia cầm. Hiện tại người chăn nuôi gia cầm đang chuẩn bị nguồn cung thịt cho thị trường tết Nguyên đán 2014. Dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp do thời tiết thay đổi thất thường nên có nguy cơ bùng phát cao. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng Một tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 20/1/2014 cả nước còn tỉnh Bắc Ninh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 20/1/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 20/1/2014 cả nước còn tỉnh Lạng Sơn có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Giáp Ngọ và trồng rừng tập trung năm 2014. Trong tháng Một, do điều kiện thời tiết rét đậm và khô hạn nên các địa phương chưa triển khai trồng rừng tập trung; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 568 nghìn cây, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2013; gỗ khai thác ước đạt 382 nghìn m3 (+4,7%); củi khai thác ước đạt 2,6 triệu ste (+2,4%).
Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng tại các địa phương vẫn rất tích cực chú trọng, quan tâm nhưng do thời tiết đang mùa hanh khô nên hiện tượng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số tỉnh phía Bắc. Trong tháng tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 15,5 ha giảm 25,5% so với năm 2013, trong đó diện tích rừng bị cháy là 13,2 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 2,3 ha.
3. Thủy sản
Trong tháng Một, thời tiết lạnh kéo dài ảnh hưởng xấu tới sản xuất thủy sản tại các địa phương. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong tháng ước đạt 399 nghìn tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (0,8%). Trong đó, sản lượng cá đạt 294,2 nghìn tấn, giảm 0,2%; sản lượng tôm đạt 39,8 nghìn tấn, tăng 4,2% và sản lượng thuỷ sản khác đạt 65 nghìn tấn, tăng 3%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 182,8 nghìn tấn, tăng 0,7%. Trong đó sản lượng cá nuôi ước đạt 130 nghìn tấn, giảm 1%; sản lượng tôm nuôi ước đạt 29,9 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Tại thời điểm này, các hộ nuôi đang đẩy mạnh thu hoạch để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết Nguyên đán. Tình hình nuôi tôm khá ốn định, các hộ nuôi đang tiến hành nạo vét, cải tạo ao nuôi chuẩn bị cho thả vụ mới đối với các diện tích nuôi thâm canh. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong tháng tăng chủ yếu tại các vùng nuôi nội địa, quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp và tỉa thưa thả bù. Tình hình sản xuất cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá cá tra giảm thấp trong thời gian dài (bình quân dao động trong khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, xấp xỉ mức giá thành), sản xuất không hiệu quả, đồng thời các ngân hàng hiện nay vẫn thắt chặt tín dụng với hộ nuôi cá tra vì vậy sản lượng cá tra vẫn giảm so với cùng kỳ và làm cho sản lượng nuôi trồng thủy sản nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL giảm (An giang: -5%; Cần Thơ: -11%; Bến Tre: -8%; Vĩnh Long: -7%..).
Khai thác thuỷ sản
Khai thác biển đang vào vụ cá Bắc, thị trường khai thác hải sản tiêu thụ tốt. Do thời tiết biển bị ảnh hưởng bởi gió lạnh thổi mạnh nên các tàu giảm bớt thời gian bám biển so với tháng trước. Tuy nhiên, ngư dân vẫn nỗ lực bám biển để kịp về nghỉ ăn Tết Nguyên đán. Ước tính tổng sản lượng thủy sản khai thác trong tháng đạt 216,3 nghìn tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá 164,4 nghìn tấn, tăng 0,5%; tôm đạt 9,9 nghìn tấn, tăng 2,1%. Riêng sản lượng hải sản khai thác (biển) đạt 204,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ .
4. Một số giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới
- Đáp ứng nguồn cung lương thực và thực phẩm trong dịp tết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép các sản phẩm nông sản vào Việt Nam; Nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
- Rà soát, bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn và tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg và Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
Tiến độ gieo trồng cây nông nghiệp đến ngày 15 tháng 01 năm 2014
Đơn vị tính: Nghìn ha
|
Thực hiện cùng kỳ năm trước
|
Thực hiện kỳ này
|
Thực hiện kỳ này so với cùng kỳ năm trước (%)
|
1, Gieo cấy lúa đông xuân
|
1943,0
|
1927,6
|
99,2
|
Miền Bắc
|
59,0
|
65,8
|
111,5
|
Miền Nam
|
1884,0
|
1861,8
|
98,8
|
2, Gieo trồng một số cây khác
|
|
|
|
Ngô
|
176,6
|
177,6
|
100,5
|
Khoai lang
|
58,0
|
50,2
|
86,7
|
Đậu tương
|
45,5
|
39,7
|
87,4
|
Lạc
|
35,5
|
35,2
|
99,3
|
Rau, đậu
|
289,0
|
302,0
|
104,5
|
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư