Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26 tháng 02 năm 2014
1. Trồng trọt
Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2596,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 648,8 nghìn ha, bằng 96%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1947,5 nghìn ha, bằng 98,7%.
Các địa phương phía Bắc trong những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 tranh thủ thời gian các hồ thủy điện xả nước để tổ chức lấy nước, bơm nước đổ ải phục vụ sản xuất. Tính đến nay, các địa phương cơ bản đã lấy đủ nước phục vụ làm đất, cấy xuân; diện tích cày ải, mạ đã gieo đạt khá. Từ ngày 10 tháng 2 đến nay, do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 13 độ C nên bà con phải tạm ngừng việc cấy lúa. Các địa phương tăng cường chăm sóc lúa đã cấy, giữ đủ ẩm cho ruộng mạ. Đến nay diện tích lúa đã cấy vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 205,7 nghìn ha, bằng 78,7% so cùng kỳ và chiếm khoảng 36% diện tích kế hoạch, trong đó Hải Dương đạt 42,3 nghìn ha, bằng 83,8% cùng kỳ, bằng 67,3% kế hoạch, Hải Phòng đạt 22,6 nghìn ha, bằng 66% so cùng kỳ và đạt 60,05% kế hoạch, Vĩnh Phúc đạt 95% cùng kỳ, Hà Nội đạt 22,9 nghìn ha, bằng 58,32% cùng kỳ và mới đạt 22,4% kế hoạch. Tính đến thời điểm báo cáo, do được được che phủ ni lông và chăm sóc tốt nên không có diện tích mạ và lúa bị chết rét, trà lúa gieo cấy trước Tết đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trà cấy sau Tết bén rễ hồi xanh. Các địa phương cũng chủ động cấy thêm diện tích mạ dự phòng.
Các địa phương phía Nam cơ bản đã kết thúc việc gieo cấy lúa đông xuân. Tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh -làm đòng, số ít trong giai đoạn ngậm sữa, chuẩn bị trỗ. Tuy nhiên, tình hình thời tiết nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển như rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá... Một số địa phương có nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh là: An Giang 51,5 nghìn ha; Long An 46,6 nghìn ha; Bạc Liêu 29 nghìn ha, Kiên Giang 19 nghìn ha….Ngoài ra, trong thời gian tới, một số địa phương (Tiền Giang, Bến Tre) có thể bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Do xuống giống muộn hơn cùng kỳ, nên tính đến trung tuần tháng 2, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long mới thu hoạch được 232,1 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 82,6% cùng kỳ năm trước.
Tiến độ gieo trồng các loại cây rau màu vụ đông xuân tính đến trung tuần tháng Hai như sau: ngô 251,6 nghìn ha, bằng 112,6% cùng kỳ năm trước; khoai lang 58,2 nghìn ha, bằng 90,1%; đậu tương 43,1 nghìn ha, bằng 88,2%; lạc 99,8 nghìn ha, bằng 105,1%; rau đậu 389,3 nghìn ha, bằng 109,6%. Thời tiết rét đậm rét hại, kèm theo băng giá và mưa tuyết, sương muối diễn ra ở mốt số địa phương thuộc các tỉnh Miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn những ngày trung tuần tháng 12/2013 đến nay gây ảnh hưởng nặng đến hàng ngàn ha rau màu vụ Đông, trong đó gần 2000 ha bị mất trắng, không có khả năng hồi phục.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu bò: Rét đậm, rét hại ở miền Bắc đã gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển, sức đề kháng với bệnh tật của đàn trâu, bò đặc biệt là đàn trâu, bò tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Công tác phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò của các địa phương được chuẩn bị tương đối tốt nhưng do nhiệt độ xuống quá thấp trong thời gian dài, nguồn thức ăn sau Tết khan hiếm và một số hộ còn chủ quan nên hiện tượng trâu, bò chết đói, chết rét vẫn xảy ra. Theo số liệu tổng hợp của Cục Chăn nuôi đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm hơn 2.000 con trâu, bò bị chết đói, chết rét (chủ yếu là trâu, bò già và bê nghé non). Ước tính tháng 2 năm 2014 số lượng trâu của cả nước giảm khoảng hơn 2%; bò giảm khoảng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi lợn: Nguồn cung thịt lợn cho thị trường tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán 2014 được đảm bảo. Hiện tại dịch lợn tai xanh đã được khống chế nhưng do điều kiện thời tiết vẫn còn diễn biến bất lợi đặc biệt là rét đậm ở miền Bắc kết hợp với dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lợn chưa dám tái đàn trở lại sau Tết. Ước tính số lượng lợn của cả nước tháng 2 năm 2014 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi gia cầm: Dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh tại một số tỉnh thành trên cả nước và cùng với đó là nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 và H10N8 từ Trung Quốc vào Việt Nam đã gây cản trở lớn đến hoạt động chăn nuôi gia cầm trong nước. Theo Cục Thú y, tính đến ngày 20/2/2014 đã có 17 tỉnh thành trong cả nước xuất hiện dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm mắc bệnh là hơn 61 nghìn con, tiêu hủy hơn 84 nghìn con. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm nhận định, nguy cơ lây lan rộng dịch cúm gia cầm H5N1 là rất cao bởi thời tiết đang trong giai đoạn bất lợi và bất thường, làm giảm sức đề kháng của gia cầm, trong khi việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát hoàn toàn và việc chăn nuôi thủy cầm tại biên giới với Campuchia diễn biến phức tạp do vậy người dân không nên tái đàn gia cầm trong thời gian này cũng như bán gia cầm và nên thực hiện tiêu trùng, khử độc khu vực chăn nuôi. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 2 năm 2014 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013.
* Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 20/2/2014 cả nước có 17 tỉnh làĐắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa xuất hiện dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 20/2/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 20/2/2014 cả nước còn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
3. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong kỳ tập trung chủ yếu vào việc gieo, ươm, chăm sóc cây giống, chuẩn bị cho trồng rừng vụ Xuân 2014, đồng thời triển khai Tết trồng cây Xuân Giáp Ngọ theo lời dạy của Bác Hồ. Trong hai tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 1236 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 32 triệu cây (+0,6%); sản lượng gỗ khai thác đạt 672 nghìn m3 (+ 4,5%); sản lượng củi khai thác đạt 5,13 triệu ste (+0,6%).
Thời tiết đang vào mùa khô hạn nên tại hầu khắp các vùng trong cả nước đều có nguy cơ cháy rừng cao. Mặc dù các địa phương đã có sự chủ động và tích cực triển khai đồng bộ về công tác phòng chống cháy rừng, tập trung tuyên truyền hướng dẫn người dân phát nương rẫy đúng quy định; đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa cũng như ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa ý thức bảo vệ rừng của người dân còn thấp nên cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi, trọng điểm là các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Trong kỳ diện tích rừng bị thiệt hại là 227,4 ha, trong đó diện tích bị cháy 213,4 ha, diện tích bị chặt phá 14 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm 2014 diện tích rừng bị thiệt hại là 242,9 ha, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích bị cháy 226,6 ha; diện tích rừng bị chặt phá 16,3 ha; một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều như: Lạng Sơn 59,9 ha; Lai Châu 26,3 ha; Thái Nguyên 20,6 ha…
4. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tháng Hai ước tính đạt 369,7 nghìn tấn so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 286.8 nghìn tấn; tăng 3.4%, tôm đạt 28.9 nghìn tấn; tăng 6.3%.
Nuôi trồng thủy sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 323.6 nghìn tấn; giảm 1.5% so cùng kỳ, trong đó cá đạt 237.9 nghìn tấn, giảm 3.5%; tôm đạt 47.2 nghìn tấn, tăng 4.8%.
Nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn vì giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức thấp (Từ 21000-21500đ/kg), khủng hoảng đầu ra , khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng… Trước khó khăn trên nhiều hộ nuôi cá đã thu hẹp diện tích ao nuôi: Diện tích thả nuôi Trà Vinh giảm 65,85% so cùng kỳ; Vĩnh Long giảm 2,57%... Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng cũng giảm mạnh do diện tích thả nuôi bị thu hẹp từ trước đó: An Giang thu hoạch 14 nghìn tấn, giảm 6,3%; Cần Thơ 7.54 nghìn tấn, giảm 11,3%, Vĩnh Long 9 nghìn tấn, giảm 3,3%; Bến Tre 5,1 nghìn tấn, giảm 64,7% so cùng kỳ.
Tình hình nuôi tôm và thủy sản khác khá ốn định, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng tiếp tục nhanh, các hộ nuôi đang thả vụ tôm thẻ chân trắng và tôm sú nuôi quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp với các đối tượng khác, nạo vét ao nuôi và chuẩn bị thả giống đối với nuôi tôm sú thâm canh vụ mới.
Khai thác thủy sản
Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 228,9 nghìn tấn; tăng 7,8 % so cùng kỳ, do khai thác biển đạt 215,3 nghìn tấn; tăng 8,6%. Khai thác hải sản tăng khá chủ yếu do chênh lệch thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán (năm trước vào thời điểm đầu tháng nhiều tàu thuyền nằm bờ để tu sửa và ăn Tết), thêm vào đó vụ cá Bắc được mùa, các địa phương đã đóng mới, cải hoán tàu thuyền và tổ chức đánh bắt tại ngư trường khơi xa nhiều hơn… Các tỉnh tăng nhiều là: Kiên Giang +22%; Trà Vinh + 9%; Thanh Hóa +13,4%; Quảng Ngãi +33%...
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản đạt 768,8 nghìn tấn, tăng 2,3%, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 323,6 nghìn tấn, giảm 0,3%; sản lượng khai thác đạt 445,2 nghìn tấn, tăng 4,3%; khai thác biển đạt 419,4nghìn tấn, tăng 4,7% . Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các nghề khai thác không hiệu quả được chuyển sang nghế khác: Sản lượng cá ngừ đại dương năm trước khai thác đạt cao nhưng giá chỉ dao động ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg nhưng; năm nay ngược lại, sản lượng giảm nhiều (Bình Định -41%, Phú Yên -47,4%) nhưng giá lại dao động ở mức 80.000 -82.000 đồng/kg, tăng 26,1% (+17.000 đồng/kg). Khai thác các loài cá biển và thủy sản khác đều đạt khá.
4. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới
- Tổ chức tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng chống dịch cúm gia cầm trên toàn quốc.
- Các bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra đôn đốc các hoạt động phòng chống dịch, kịp thời thông tin dịch bệnh, xác định và giám sát chủng virus để xác định chủng vác xin phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của bệnh để làm căn cứ chỉ đạo phòng chống dịch.
- Tăng cường thông tin đến người dân để chủ động phòng chống dịch nhưng không làm hoang mang trong tâm lý người dân, dẫn đến giảm sút tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
- Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân tái đàn với số lượng phù hợp, đề phòng các nguy cơ suy giảm nguồn cung, dẫn đến tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi tái phát./.
TỔNG HỢP KẾT QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
|
Đến ngày 15/02/2014
|
|
|
|
|
Thực hiện
|
Thực hiện
|
Thực hiện so với
|
|
15/02/13
(Nghìn ha)
|
15/02/14
(Nghìn ha)
|
cùng kỳ (%)
|
1. Gieo cấy lúa đông xuân cả nước
|
2,649.6
|
2,596.3
|
98.0
|
- Miền Bắc
|
676.1
|
648.8
|
96.0
|
Trong đó Đồng bằng sông Hồng
|
261.3
|
205.7
|
78.7
|
- Miền Nam
|
1,973.5
|
1,947.5
|
98.7
|
Trong đó Đồng bằng sồng Cửu Long
|
1,599.8
|
1,569.1
|
98.1
|
2. Thu hoạch lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long
|
281.0
|
232.1
|
82.6
|
3. Gieo trồng một số cây màu
|
|
|
|
- Ngô
|
223.5
|
251.6
|
112.6
|
- Khoai lang
|
64.6
|
58.2
|
90.1
|
- Đậu tương
|
48.8
|
43.1
|
88.2
|
- Lạc
|
94.9
|
99.8
|
105.1
|
3. Gieo trồng rau, đậu các loại
|
355.2
|
379.3
|
106.8
|
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư