Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 4 năm 2014
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng tư là tập trung vào chăm sóc các loại cây trồng vụ Đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu Đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.
- Cây lúa
Tính đến 15/4/2014, cả nước đã gieo cấy được 3100,8 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 99,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1149,8 nghìn ha, bằng 101%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1951 nghìn ha, bằng 98,4%.
Từ giữa tháng Ba ở các địa phương phía Bắc thời tiết ấm áp tạo điều điện thuận lợi cho lúa Đông xuân sinh trưởng phát triển. Sâu bệnh chỉ mới chớm xuất hiện cục bộ, nên đến nay cây lúa đang phát triển và sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, cuối tháng Ba đầu tháng Tư xảy ra gió lốc kèm mưa đá trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai đã làm ảnh hưởng đến 1576 ha lúa và hoa màu, trong đó mất trắng 350 ha (chủ yếu là ngô và hoa màu).
Tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1473,6 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 87,1% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1330,5 nghìn ha, chiếm 85,1% diện tích gieo cấy và bằng 84,8% cùng kỳ. Theo báo cáo sơ bộ diện tích lúa toàn vùng đạt 1562,8 nghìn ha, giảm 1,5 nghìn ha; năng suất lúa đạt 70,1 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,9 triệu tấn, tăng 261,9 nghìn tấn so với vụ Đông xuân năm trước. Nguyên nhân chính năng suất lúa vụ Đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng là do lịch gieo cấy chậm hơn nên gặp được thời tiết thuận lợi, sâu bệnh gây hại ít xảy ra và bà con chủ động phòng trừ hiệu quả, mặt khác không bị hạn hán và xâm nhập mặn như những năm trước. Những tỉnh có năng suất lúa vụ Đông xuân tăng cao là: Tiền Giang: 72 tạ/ha tăng 3 tạ/ha, Vĩnh Long 70,9 tạ/ha tăng 4,5 tạ/ha, An Giang 75,5 tạ/ha tăng 2 tạ/ha.
Tính đến 15/4/2014, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 524,2 nghìn ha lúa Hè thu, bằng 64,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 508,5 nghìn ha, bằng 61,7%. Các tỉnh gieo xạ chậm là Long An (mới thực hiện được 1,8 nghìn ha tương đương 8,4% kế hoạch), An Giang (gieo sạ được 15,8 nghìn ha, bằng 7% kế hoạch).
Tình thình thu mua lúa tại ĐBSCL: Ngày 15/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông xuân 2013-2014 ở đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình được triển khai đã làm tăng giá lúa lên 150-250 đ/kg, giá lúa tươi loại thường tại ruộng thời điểm bắt đầu thu mua tạm trữ là 4.300 đến 4.350 đồng/kg nay giá dao động từ 4.500 đến 4.550 đồng/kg. Tuy nhiên giá lúa này vẫn thấp hơn so với giá lúa đầu tháng 3 (Do thị trường xuất khẩu lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn đồng thời đang giai đoạn thu hoạch đại trà nên giá lúa có phần sụt giảm, thương lái ép giá). Đến nay các địa phương đang tiếp tục thu mua hoàn thành chỉ tiêu phân bổ, Các tỉnh có tiến độ thu mua cao Tiền Giang 101,7% chỉ tiêu, Bạc Liêu 50% chỉ tiêu, Đồng Tháp 47,27% chỉ tiêu.
- Cây trồng khác
Tính đến trung tuần tháng Tư, cả nước gieo trồng được 453,3 nghìn ha ngô, bằng 101,8% cùng kỳ năm trước; 80 nghìn ha khoai lang, bằng 97,8%; 148,1 nghìn ha lạc, bằng 95,7%; 55,3 nghìn ha đậu tương, bằng 92,1%; 520,8 nghìn ha rau đậu, bằng 107,5%. Nhìn chung thời tiết đang thuận lợi cho công tác chăm sóc các loại cây trồng.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò không có biến động nhiều do thiên tai và dịch bệnh lớn không xảy ra. Ước tính số lượng trâu của cả nước tháng 4 năm 2014 giảm khoảng 1,5-2%; bò giảm khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi lợn phát triển khá ổn định do dịch lợn tai xanh không xảy ra và giá lợn hơi có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây. Giá lợn tăng chủ yếu do tác động của dịch cúm gia cầm nên người tiêu dùng chuyển từ sử dụng thịt gia cầm sang thịt lợn nhiều hơn. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 4 năm 2014 tăng khoảng 0,5-1% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi gia cầm: Theo Cục Thú Y, dịch cúm gia cầm vẫn còn xảy ra tại một vài tỉnh trong nửa đầu tháng 4 năm 2014 nhưng kể từ ngày 14/4/2014 đến nay cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày nữa. Như vậy sau một thời gian dài bùng phát mạnh và lây lan rộng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi thì hiện tại dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế. Mặc dù dịch cúm gia cầm đã được khống chế nhưng công tác khôi phục sản xuất chăn nuôi gia cầm sau dịch còn nhiều khó khăn, thách thức do sức mua giảm, giá các sản phẩm chăn nuôi gia cầm vẫn ở mức thấp và dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào cho nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa sẵn sàng đầu tư tái đàn. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 4 năm 2014 giảm khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2013.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp những tháng đầu năm gặp một số khó khăn nhất định do thời tiết rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc, tình hình khô hạn xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Tình hình khai thác và tiêu thụ các loại lâm sản chủ yếu cũng thuận lợi do thị trường tiêu thụ ổn định, giá tiêu thụ các loại lâm sản chủ yếu vẫn duy trì ở mức cao, diện tích rừng sản xuất đã được quy hoạch từ nhiều năm nay nên có nguồn cung ổn định; các loại lâm sản chủ yếu nhìn chung đều tăng khá so cùng kỳ năm trước.
Tổng hợp kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng Tư đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 7,5 nghìn ha, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 17,5 triệu cây, tương đương so cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 445,5 nghìn m3, tăng 7,6%; sản lượng củi khai thác đạt 2,85 triệu ste, tăng 1,8%.
Tính chung 4 tháng đầu năm kết quả thực hiện ước đạt: Diện tích rừng trồng mới tập trung 19 nghìn ha, tăng 29,3% so cùng kỳ năm năm trước; cây lâm nghiệp trồng phân tán 81,7 triệu cây, tăng 0,1%; sản lượng gỗ khai thác 1 635,5 nghìn m3, tăng 5,9%; sản lượng củi khai thác 10,5 triệu ste, tăng 2,5%.
Tình hình thiệt hại rừng: Những tháng đầu năm do thời tiết khô hạn nên một số nơi đã xảy ra cháy rừng chủ yếu các tỉnh Trung du miền núi phía bắc. Tuy nhiên, đến nay do đã có mưa nhiều nên nguy cơ cháy rừng đã giảm bớt. Trong kỳ diện tích rừng bị thiệt hại là 340 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 167 ha, diện tích rừng bị phá 73 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại là 840 ha, tăng 57,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 675 ha, tăng 51,4%; diện tích rừng bị phá 165 ha, tăng 87,4%.
3. Thủy sản
Sản lượng khai thác và nuôi trồng tháng Tư ước đạt 423,2 nghìn tấn, tăng 3,3 % so cùng kỳ, trong đó cá đạt 325,1 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 43,8 nghìn tấn, tăng 19,7%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 190,6 nghìn tấn, tăng 1,8 % so cùng kỳ, trong đó cá đạt 143,9 nghìn tấn, giảm 3%; tôm đạt 34,4 nghìn tấn, tăng 25,1%.
Nuôi cá tra có tín hiệu mừng: Trong tháng giá cá tra nguyên liệu tăng từ 2000-3000đ/kg, người sản xuất đã có lãi khoảng 1000đ/kg. Tuy nhiên do những khó khăn triền miên trong thời gian trước chưa được khắc phục, diện tích nuôi thu hẹp, sản lượng sụt giảm nên có ít người nuôi hưởng lợi từ đợt tăng giá này. Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng vẫn giảm, cụ thể: Đồng Tháp ước đạt 33,8 nghìn tấn, giảm 11,2%; Vĩnh Long 8,34 nghìn tấn, giảm 9,5%; An Giang 24, 9 nghìn tấn, giảm 2,4%....
Nuôi tôm tiếp tục chuyển dịch mạnh từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng do nhu cầu tiêu dùng tôm thẻ chân trắng tại thị trường trong nước và các nước nhập khẩu tăng. Bên cạnh, đó nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao, ít dịch bệnh và có thể nuôi từ 2-3 vụ/năm trong khi nuôi tôm sú chỉ nuôi được 1 vụ chính. Trong tháng, diện tích thả nuôi và sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng cao ở một số tỉnh như: Bến Tre thả nuôi 1,8 nghìn ha, tăng hơn 3 lần, sản lượng thu hoạch đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 11,8 lần so cùng kỳ; Trà Vinh thả nuôi 1,4 nghìn ha tăng 7,8 lần, sản lượng đạt 1,4 nghìn tấn, tăng 4,4 lần; Sóc Trăng thả nuôi 4 nghìn ha, tăng 3,7 lần, sản lượng đạt 4,7 nghìn tấn, tăng 4,6 lần so cùng kỳ.
Nuôi các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định gắn với việc thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 232,6 nghìn tấn, tăng 4,5%, trong đó khai thác biển đạt 222,6 nghìn tấn, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước. Thời tiết biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác vụ cá Nam, các loại thủy sản xuất hiện ngay từ đầu vụ, nhất là các loại cá cơm, cá sọc dưa, cá hố… giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên nhiều hộ ngư dân đã đồng loạt ra khơi bám biển.
Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 1608 nghìn tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 689 nghìn tấn, tăng 0,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 920 nghìn tấn, tăng 5,3%, trong đó khai thác biển đạt 872 nghìn tấn, tăng 5,6%.
Sản lượng cá ngừ đại dương trong 4 tháng giảm: Phú Yên khai thác được 2,5 nghìn tấn giảm 32,4% so cùng kỳ năm trước; Bình Định ước đạt 2,7 nghìn tấn, giảm 18,4%. Giá cá ngừ đại dương hiện nay dao động ở mức 80-85 nghìn đồng/kg, tăng 26,1% (+17 nghìn đồng/kg) so với cùng kỳ, ngư dân đánh bắt có lãi. Tuy nhiên, do chất lượng cá khai thác không cao, phần lớn cá ngừ khai thác mới chỉ đạt yêu cầu đóng hộp chưa đáp ứng thị trường nhập khẩu cá ngừ tươi của Nhật (giá trị cao gấp 6 lần) do kỹ thuật câu và sơ chế trên tàu.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
- Quý I năm 2014 tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại, chỉ đạt 2,43% (Quý I năm 2013 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2012). Vì vậy, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Quyết định 899/QĐ-TTg), trong đó có việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng màu có giá trị kinh tế cao hơn, ban hành các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân chuyển đổi. Đối với nguồn vốn tín dụng, đề nghị các Ngân hàng nhà nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện Chính sách tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết phiên họp tháng 2/2014 của Chính phủ.
- Về công tác phòng chống lụt bão, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp với cường độ và tần suất cao hơn. Để chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới, đảm bảo an toàn tính mạng, đời sống và sản xuất của người dân, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án phòng chống thiên tai như sửa chữa đê điều, kè chống sạt lở, an toàn hồ chứa...
Tiến độ gieo trồng cây nông nghiệp đến ngày 15 tháng 04 năm 2014
Đơn vị tính: Nghìn ha
|
Thực hiện cùng kỳ năm trước
|
Thực hiện kỳ này
|
Thực hiện kỳ này so với cùng kỳ năm trước (%)
|
1. Gieo cấy lúa đông xuân
|
3120,4
|
3100,8
|
99,4
|
Miền Bắc
|
1138,1
|
1149,8
|
101,0
|
Miền Nam
|
1982,4
|
1951,0
|
98,4
|
Trong đó : ĐB Sông Cửu Long
|
1599,4
|
1562,8
|
97,7
|
2. Thu hoạch lúa Đông xuân MN
|
1690,8
|
1473,6
|
87,1
|
Trong đó : ĐB Sông Cửu Long
|
1568,7
|
1330,5
|
84,8
|
3. Gieo cấy lúa Hè thu ở MN
|
839,5
|
524,2
|
62,4
|
Trong đó : ĐB Sông Cửu Long
|
824,8
|
508,5
|
61,7
|
4. Gieo trồng màu, lương thực
|
|
|
|
Trong đó : - Ngô
|
445,4
|
453,3
|
101,8
|
- Khoai lang
|
81,8
|
80,0
|
97,8
|
- Đậu tương
|
60,0
|
55,3
|
92,1
|
- Lạc
|
154,8
|
148,1
|
95,7
|
5. Gieo trồng rau, đậu các loại
|
484,7
|
520,8
|
107,5
|
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư