Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/06/2014-17:08:00 PM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2014
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 6 năm 2014
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã vượt qua nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt trong những tháng đầu năm ở miền Bắc và dịch bệnh, bảo đảm sản xuất phát triển ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá cố định năm 2010) ước 6 tháng đạt 357.443 tỷ đồng, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm gần đây (năm 2013 tăng 2,53%; năm 2012 tăng 2,81%; năm 2011: 2,08%), trong đó: nông nghiệp tăng 2,52%, lâm nghiệp tăng 5,87% và thủy sản tăng 6,02%.
I. Nông nghiệp
1. Trồng trọt
a) Cây hàng năm.
Sáu tháng đầu năm sản xuất nông nghiệp cả nước tập chung chủ yếu vào nhiệm vụ sản xuất vụ Đông xuân, bên cạnh đó là công tác chuẩn bị vụ Mùa ở phía Bắc và gieo trồng vụ Hè thu ở phía Nam. Hiện nay các địa phương phía Bắc đang vào mùa thu hoạch các cây trồng vụ Đông xuân, chuẩn bị công tác gieo cấy cho vụ Mùa. Các địa phương phía Nam cơ bản đã thu hoạch xong lúa Đông xuân và tiến hành xuống giống các loại cây trồng vụ Hè thu
- Cây lúa
Vụ Đông xuân cả nước gieo cấy được 3116,3 nghìn ha lúa, tăng 10,7 nghìn ha bằng 100,3% năm trước. Sơ bộ năng suất ước đạt 66,9 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 20,8 triệu tấn, tăng 812,2 nghìn tấn, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được mùa lúa, sản lượng đạt 11,2 triệu tấn, tăng 546 nghìn tấn (tương đương 5,1%).
Hiện nay các địa phương phía Bắc đang tiến hành thu hoạch được 995,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm trước. Sơ bộ đánh giá năng suất các tỉnh phía bắc đạt 62,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 7,3 triệu tấn, tăng 119,5 nghìn tấn. Riêng Đồng bằng Sông Hồng do diện tích giảm nhẹ (giảm 3,6 nghìn ha, tương đương giảm 0,6%) và chịu ảnh hưởng thời tiết nên năng suất lúa ước đạt 65,7 tạ/ha, xấp xỉ năm 2013; sản lượng khoảng 3,6 triệu tấn, giảm 24 nghìn tấn (-0,7%). Sản xuất lúa Đông xuân ở các địa phương phía Nam năm nay nhìn chung vô cùng thuận lợi, nguyên nhân chính là do bố trí lịch thời vụ chậm lại nên lúa gặp được điều kiện tự nhiên phù hợp hơn mọi năm. Năng suất, sản lượng tăng cao, trong đó đồng bằng sông Cửu Long năm nay vùng lúa chất lượng cao và mô hình cánh đồng mẫu lớn được quan tâm và mở rộng; Nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng giống lúa xác nhận cao từ 70-80% trên tổng diện tích gieo sạ; sản xuất theo hướng quy hoạch, diện tích xuống giống tập trung và đồng loạt đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tránh được tình hình sâu bệnh trên cây lúa.
Tình hình tiêu thụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long
Giá lúa Đông Xuân 2014 đầu vụ ở mức tương đối thuận lợi một phần do thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ tại các tỉnh từ ngày 15/3 đến ngày 30/4/2014. Nhờ vậy, giá lúa khá ổn định (giá lúa tươi dao động từ 4.300 – 5.000 đồng/kg, lúa khô từ 5.300 – 6.000 đồng/kg, tuỳ loại, xấp xỉ so với mức giá cùng kỳ) nhưng vẫn khó khăn do mùa vụ thu hoạch khác nhau giữa các tỉnh trong vùng.
Cũng tính đến trung tuần tháng 6 cả nước gieo cấy được 1977,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 103,3% cùng kỳ, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, đạt 1876,3 ha, bằng 98% so cùng kỳ. Thời tiết đầu vụ gặp nhiều khó khăn do nắng nóng và thiếu nước do mưa muộn nên tiến độ gieo cấy có phần chậm hơn cùng kỳ. Hiện đã có 205,6 ha lúa hè thu sớm được thu hoạch, bằng 63,9% cùng kỳ; các vùng khác được khuyến cáo khả năng thiếu nước tưới nên chuyển diện tích ở chân ruộng cao sang trồng màu.
Cây hàng năm khác
Vụ Đông xuân cả nước gieo trồng được 609,5 nghìn ha ngô bằng 101,4% cùng kỳ, sản lượng ước đạt 2,5 triệu tấn giảm 28,8 nghìn tấn. Trong đó miền Bắc gieo trồng 535,4 nghìn ha bằng 102,1% so với năm 2013, sản lượng ước đạt 2,1 triệu tấn giảm 56 nghìn tấn. Các tỉnh bị giảm năng suất nhiều nhất là Nghệ An (-8,6 tạ/ha), Lào Cai (-10,2 tạ/ha), Hòa Bình (-4,8 tạ/ha). Nguyên nhân đúng vào khoảng thời gian cây ngô phun râu thụ phấn mưa nhiều, riêng Nghệ An còn chịu ảnh hưởng của nắng nóng và gió nam làm giảm năng suất ngô xuân. Sản lượng khoai lang ước đạt 843 nghìn tấn, bằng 96,8% so năm trước, rau các loại đạt 8,4 triệu tấn, tăng 6,6%; Một số cây trồng do mưa nhiều nên sản lượng giảm so Đông xuân 2013: Lạc đạt 351,9 nghìn tấn, giảm 32 nghìn tấn (-8,3%), đỗ tương đạt 83,6 nghìn tấn, giảm 7 nghìn tấn (-7,7%).
b) Cây lâu năm
Theo báo cáo ước tính 6 tháng đầu năm 2014 của các địa phương thì tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm biến động không nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng cơ cấu các loại cây trồng có sự biến động để phù hợp với điều kiện canh tác của mỗi vùng miền và đem lại hiệu quả kinh tế.
Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay do hồ tiêu đang được giá và là loại cây dễ trồng xen canh nên có xu hướng phát triển mạnh; sản lượng ước đạt 116,7 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Cây cao su sản xuất ổn định nhưng thị trường tiêu thụ chậm giá thấp nên sản lượng thu hoạch cầm chừng chỉ đạt 312,8 nghìn tấn tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Cây chè búp phát triển tương đối ổn định nên sản lượng 6 tháng đạt vẫn tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu trong 6 tháng đầu năm cũng đạt khá, trong đó sản lượng cam ước tính đạt 278,39 ngìn tấn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; chuối đạt 1,01 triệu tấn, tăng 4,1%; đặc biệt sản lượng nho đạt 11,7 nghìn tấn tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số cây ăn quả khác như dứa, bưởi có sản lượng giảm là do lúc ra hoa kết trái gặp thời tiết không thuận lợi, và một số diện tích gieo trồng đang được cải tạo để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp điều kiện canh tác và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 cả nước có 2,58 triệu con trâu, bằng 99,37%; 5,18 triệu con bò, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2013. Nhìn chung số lượng trâu giảm chủ yếu do hiệu quả chăn nuôi thấp và diện tích chăn thả bị thu hẹp; riêng đàn bò sữa tiếp tục tăng, đạt 200,4 nghìn con, tăng 26 nghìn con (+14%) so cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu bò 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ, trong đó sản lượng sữa bò đạt 265,4 nghìn tấn, tăng 19,2% so cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn: Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 cả nước có 26,39 triệu con lợn, bằng 100,3%. Hiện tại chăn nuôi lợn khá thuận lợi do giá lợn hơi tăng và dịch lợn tai xanh không xảy ra đã kích thích người chăn nuôi đầu tư tái đàn. Tuy vậy, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt trong thời gian này vì rất dễ gặp rủi ro do giá cả không ổn định, thời tiết thay đổi thất thường nên dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào trong khi giá con giống và giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1963,3 nghìn tấn bằng 101,65% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm: Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 tổng số gia cầm của cả nước có 314,4 triệu con, bằng 100,7% so cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tính bằng 442,8 nghìn tấn, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng gia cầm đạt 4.543 triệu quả, bằng 105,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2 và 3 năm 2014 chăn nuôi gia cầm cũng gặp khó khăn do dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát tại 32 tỉnh thành trên cả nước đã gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng cùng như người sản xuất, làm cho việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm bị thu hẹp dẫn đến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hóa. Mặc dù đến nay dịch cúm gia cầm đã được khống chế tuy nhiên công tác khôi phục đàn gia cầm sau dịch vẫn còn nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia cầm cũng như là nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh. Giá thức ăn chăn nuôi còn ở mức cao cũng làm cho quá trình tái đàn còn chậm.
II. Lâm nghiệp
Trong sáu tháng đầu năm 2014, do điều kiện thời tiết khô hạn tại nhiều địa phương trong cả nước làm ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp, tuy nhiên năm nay cũng có thuận lợi do các tỉnh miền bắc có mưa sớm nên đã triển khai công tác trồng rừng đảm bảo thời vụ. Tình hình khai thác lâm sản cũng khả quan, các loại lâm sản chủ yếu khai thác đều tăng khá so cùng kỳ năm 2013. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được như sau:
Diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 71,4 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chủ yếu là diện tích rừng sản xuất (trên 90%). Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới tập trung đạt cao là: Tuyên Quang 10,8 nghìn ha (+13,4%); Yên Bái 10,4 nghìn ha (+15,6%); Quảng Ninh 10,1 nghìn ha (+12,8%); Phú Thọ 6,2 nghìn ha (+16,8%)... Diện tích rừng trồng tập trung tăng khá so cùng kỳ do nhu cầu về gỗ cho sản xuất và tiêu dùng tăng, giá tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên thị trường khá cao nên người dân, doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích rừng sản xuất. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính đạt 110,7 triệu cây (-0,5%).
Sản lượng gỗ khai thác trong sáu tháng đầu năm đạt 2616 nghìn m3, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi đạt 15,4 triệu ste, tăng 3,2%. Sản lượng gỗ khai thác tăng do có nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định cả trong nước và xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2014 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2013.
Năm 2014, trước nguy cơ cháy rừng trong mùa khô, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 5/3/2014 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đã có công điện khẩn số 01/CĐ-BNN-TCLN ngày 3/1/2014 về việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu năm, tuy nhiên trong kỳ do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài nên tại nhiều vùng trong cả nước đã xảy ra cháy rừng, đặc biệt là các tỉnh Trung bộ và Trung du miền núi phía bắc; đến đầu tháng 6/2014 một số tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh) vẫn còn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Tổng hợp sơ bộ trong sáu tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 2154 ha, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1734 ha, tăng gấp 2 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 420 ha, giảm 17,6%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Yên Bái 692,2 ha; Lai Châu 171 ha; Nghệ An 115 ha; Quảng Trị 99,3 ha…; một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều là: Đăk Nông 89,3 ha, Bắc Giang 89,2 ha; Lâm Đồng 56,7 ha; Kon Tum 54,8 ha…
3. Thủy sản
Thời tiết khá thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác biển, sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tập trung nuôi trồng các loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, tăng năng lực khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm bảo phát triển bền vững. Mặc dù sản xuất cá tra gặp khó khăn trong thời gian dài nhưng nuôi tôm và thủy sản khác đạt khá đã đóng góp phần lớn vào tăng kết quả sản xuất thủy sản.
a. Nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong kỳ ước đạt 933 nghìn ha, tăng 1,4% với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá đạt 286 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ; diện tích nuôi tôm đạt 601 nghìn ha, tăng 1,1%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 1453 nghìn tấn, tăng 3,4%; trong đó cá 1090,3 nghìn tấn, giảm 1%; tôm 229,5 nghìn tấn, tăng 26,2%; thuỷ sản nuôi trồng khác 133 nghìn tấn, tăng 9,2%.
Nuôi cá tra vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực, người nuôi liên tiếp gặp khó khăn như giá thức ăn tăng cao, giá tiêu thụ sản phẩm đầu ra giảm trong khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU giảm, mặt khác năm 2014 Bộ Thương mại Hoa kỳ đã điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 9, tăng tới 2,8 lần so với mức công bố tháng 9/2013. Diện tích nuôi thả cá tra công nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 15/6 ước tính 3.500 ha giảm 6,1% so với cùng kỳ. Sản lượng cá tra thu hoạch sáu tháng đầu năm đạt 55 nghìn tấn, giảm 1,6%, trong đó: Cần Thơ đạt 57 nghìn tấn (-7,5%); An Giang 126 nghìn tấn (-3.6%); Vĩnh Long 51 nghìn tấn (-1,7%)
Nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn nhất là ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, hộ nuôi cá tra chỉ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến khi cá đạt kích cỡ thương phẩm, nên giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp vẫn sản xuất ổn định do chủ động được từ khâu thả giống tới khi xuất khẩu ra thị trường thế giới, đầu tư theo hướng hiện đại, mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, ASC, BMP.... nhằm hướng đến tạo nguồn hàng đảm bảo an toàn, vệ sinh và chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu từng bước nâng cao giá trị hàng hóa nông sản chế biến trên thị trường trong nước và thế giới..
Nuôi tôm tiếp tục chuyển dịch mạnh đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân do tôm thẻ chân trắng thời gian nuôi ngắn, năng suất cao và hiệu quả hơn tôm sú. Diện tích tôm sú thu hoạch trong kỳ ước tính 495 nghìn ha, giảm 10% (-65 nghìn ha); tôm thẻ chân trắng đạt 53 nghìn ha, tăng 111% (+28 nghìn ha). Sản lượng tôm sú ước tính đạt 106 nghìn tấn (-5,5%), trong khi đó sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng mạnh, ước đạt 117 nghìn tấn, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, một số tỉnh có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng mạnh như: Trà Vinh 8939 tấn, tăng 708,2% (+7947 tấn); Bạc liêu 8149 tấn, tăng 550% (+7062 tấn); Tiền Giang 5278 tấn, tăng 129,7% (+3677 tấn); Bến tre 18282 tấn, tăng 12,5% (+9678 tấn)... Tuy nhiên người nuôi tôm đang gặp phải khó khăn do sự chuyển dịch ồ ạt, không tuân thủ đúng lịch thả nuôi và điều kiện kỹ thuật nên nhiều địa phương đã bị dịch bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng... phải thu hoạch sớm khi tôm chưa đủ kích cỡ thương phẩm. Nuôi tôm thẻ chân trắng tăng đột biến sẽ dẫn tới trong thời gian tới nguồn cung dư thừa, giá giảm và hộ nuôi nếu không tính toán kỹ sẽ lại thua lỗ.
Nuôi thủy sản biển tiếp tục phát triển khá với các đối tượng nuôi như nghêu, cá bớp, cá song, cá mú, cá hồng, cá chim, ốc hương, tu hài, ngọc trai, rong sụn... ước tính sản lượng thủy sản nuôi biển các loại đạt 170 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ.
b. Khai thác thủy sản
Sản lượng khai thác ước đạt 1413,5 nghìn tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ, trong đó khai thác biển ước đạt 1328,7 nghìn tấn, tăng 5,6%.
Khai thác hải sản chuyển dịch nhanh theo hướng tăng cường lực khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ. Thời tiết trên các ngư trường trong sáu tháng đầu năm tương đối thuận lợi, vụ cá bắc được mùa các loại cá nổi xuất hiện nhiều, tạo điều kiện cho bà con ngư dân khai thác hiệu quả, các chuyến ra khơi đều có kết quả cao từ tàu cá làm nghề lưới rê, nghề lưới vây và nghề câu... Ngư dân mạnh dạn đầu tư mua mới hoặc nâng cấp tàu công suất lớn vươn khơi, tổ chức lại phương thức sản xuất bằng cách thành lập tổ, đội tự nguyện để giúp đỡ nhau trong việc đánh bắt hải sản trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương rất tích cực hỗ trợ cho ngư dân vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá để các chuyến đi biển xa bờ đạt hiệu quả.
Trong thời gian gần đâyTrung Quốc đặt giàn khoan trái phép, xua đuổi, tấn công tàu cá Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa nên đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình khai thác hải sản ở vùng này.
Nghề câu cá ngừ đại dương còn chưa đạt hiệu quả cao do kỹ thuật khai thác của ngư dân hiện nay là câu tay kết hợp ánh sáng chưa phù hợp, tuy đạt sản lượng cao nhưng chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu dẫn tới giá bán thấp nên người dân tiếp tục chuyển sáng các nghề câu cá khác. Sản lượng cá ngừ đại dương trong 6 tháng ước đạt 10,4 nghìn tấn, giảm 16%, trong đó Phú Yên 3,2 nghìn tấn (-22,1%); Bình Định 5,7 nghìn tấn (- 12,3%); Khánh Hòa 1,5 nghìn tấn (- 21%).
3. Một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm
- Thúc đẩy ngành trồng trọt, thực hiện tốt chính sách tạm trữ lúa gạo, đảm bảo nguồn cung và chất lượng lúa giống, quản lý chặt chẽ thị trường thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho lúa, phát triển diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích áp dụng quy trình thực hành tốt trong nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt từ các diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn, hỗ trợ người dân thông qua chính sách hỗ trợ giống (Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014).
- Về chăn nuôi: Thúc đẩy hồi phục đàn gia súc gia cầm với số lượng hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng vẫn giữ được giá có lợi cho người chăn nuôi: tăng số lượng trâu bò và gia súc ăn cỏ...; tăng cường các biện pháp chống dịch; Kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm chăn nuôi.
- Về thủy sản: Tiếp tục đầu tư cho các trung tâm giống thủy sản; Đầu tư xử lý hạ tầng các vùng nuôi tập trung (đảm bảo nước canh tác cũng như xử lý môi trường để phòng chống dịch bệnh) tập trung chủ yếu cho khu vực ĐBSCL; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề tồn dư thuốc kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu; Tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho người nuôi cá tra, cá ba sa và tôm
- Về lâm nghiệp: Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp
- Hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng tránh thiên tai: Các công trình an toàn hồ chứa (đã có ý kiến Nghị quyết của Quốc hội nhưng chưa có nguồn), kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, các dự án di dân khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sửa chữa nâng cấp đê sông, đê biển...

File đính kèm:
Bieu_KTNN_T6.14.doc

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4718
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)