1. Vòng đàm phán Uruguay
Vòng đàm phán Uruguay được kết thúc với việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới vào ngày 1/1/1995. 124 nước đã ký kết thành lập tổ chức này và ngay năm đó 25 nước nộp đơn xin gia nhập, trong đó có Việt Nam. Kế thừa GATT, WTO đã mở rộng về nội dung và quy mô. Hệ thống thương mại đa biên đã mở rộng từ thuần tuý nhân nhượng thuế quan trong thương mại hàng hoá đến toàn bộ các định chế về thương mại hàng hoá và cả các lĩnh vực tiềm năng như thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Đồng thời, WTO cũng đã tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại có hiệu quả giữa các nước thành viên.
Bên cạnh các Hiệp định WTO khác, Hiệp định TBT, cũng là kết quả của vòng đàm phán này, điều chỉnh một trong các vấn đề phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại hàng hoá.
Vòng đàm phán Doha là sự tiếp tục tìm kiếm của WTO những biện pháp, thoả thuận mới nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống thương mại quốc tế. Vòng đàm phán này được khởi động từ năm 2001, song cũng không hứa hẹn đạt được nhiều thành công, đặc biệt trong các vấn đề như trợ cấp nông nghiệp, phi nông nghiệp, thương mại và môi trường, sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường dịch vụ, các vấn đề liên quan đến các nước kém và đang phát triển...
Tuyên bố Doha 2001, bên cạnh các vấn đề khác, đã đưa ra một số quyết định liên quan đến thực thi các nghĩa vụ minh bạch hoá của Hiệp định TBT.
Cũng như các Hiệp định đa biên khác của WTO, Hiệp định TBT có hiệu lực từ ngày 01/01/1995. Hàng năm Uỷ ban TBT của WTO đều tiến hành rà soát việc thực thi Hiệp định của các Thành viên. Bên cạnh đó, 3 năm một lần Uỷ ban TBT của WTO lại tiến hành việc thực thi Hiệp định, đặc biệt các điều khoản về minh bạch hoá, để đưa ra các khuyến nghị điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ của Hiệp định khi cần thiết theo hướng đảm bảo lợi ích kinh tế của các bên và sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ mà không thiên vị theo các nội dung của Điều 12 về đối xử đặc biệt và khác biệt.
Trong 10 năm qua, Uỷ ban TBT đã tiến hành 3 hội nghị 3 năm một lần như theo quy định của Hiệp định. Đó là vào các năm 1997,2000 và 2003. Chủ đề của các Hội nghị này, ngoài những vấn đề khác, đã tập trung vào các vấn đề:
- Minh bạch hoá;
- Hỗ trợ kỹ thuật và đối xử đặc biệt và khác biệt;
- Các tranh chấp thương mại có dẫn chiếu các điều khon của Hiệp định TBT;
- Thực thi Quy chế thực hành tốt về xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn, Quy chế thực hành pháp quy tốt...
Vấn đề quan trọng để đánh giá thực thi Hiệp định TBT theo quan điểm của Uỷ ban TBT là các nước thành viên phải thực hiện việc tuyên bố của mình (theo yêu cầu của Điều 15.2 của Hiệp định) về các biện pháp thực thi Hiệp định. Số liệu cho thấy đến cuối năm 2003, có 92/146 nước thành viên đã thực hiện việc tuyên bố này, mặc dù chưa đầy đủ song cũng cho thấy có sự cải thiện so với lần hội nghị 3 năm một lần thứ hai (77/139); ngoài ra, có 121/146 nước thành lập Điểm hỏi đáp về TBT.
Đánh giá của Uỷ ban TBT về việc thực hiện nghĩa về minh bạch hoá cho thấy đến đầu năm 2005 có 84/148 nước thành viên thực hiện việc thông báo về văn bản pháp quy kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy. Chi tiết diễn biến tình hình thông báo theo Hiệp định TBT của các Thành viên WTO tham khảo biểu đồ số 1 dưới đây:
Biểu đồ 1. Diễn biến tình hình thông báo theo Hiệp định TBT từ năm 1995 đến 2004
Thời gian cho phép góp ý kiến trung bình trong năm 2004 là 57,8 ngày (so với quy định tối thiểu 60 ngày). Điều này cho có sự cải thiện trong các năm gần đây (tham khảo biểu đồ số 2 dưới đây).
Biểu đồ số 2: Thời gian cho phép góp ý kiến trung bình từ năm 1995 đến 2004
Các thông báo chủ yếu tập trung vào Điều 2.9.2 (90%) và 5.6.2 (13%) của Hiệp định TBT. Nhận xét chung về thực thi nghĩa vụ minh bạch hoá của Hiệp định TBT, Uỷ ban TBT cho rằng việc không thông báo, thời hạn góp ý ngắn và việc xử lý các ý kiến góp ý không thoả đáng có thể gây ảnh hưởng tới thương mại. Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức của các cơ quan lập quy về sự cần thiết thực thi đúng đắn các nghĩa vụ minh bạch hoá đã yêu cầu.
Việc chấp nhận Quy chế thực hành tốt về xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn (Phụ lục 3 của Hiệp định) cho thấy đến cuối năm 2004 có 147 tổ chức tiêu chuẩn hoá của 106/148 nước thành viên chấp nhận Quy chế này.
Việc thực thi các điều khoản liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật cho thấy có nhiều chương trình, dự án của các nước và tổ chức quốc tế đã được thực hiện để giúp các nước đang phát triển và kém phát triển trong việc thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận trong hỗ trợ kỹ thuật cần thích hợp để nâng cao hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ này. Trong đó việc xác định nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật là rất quan trọng, bên cạnh đó phương thức hỗ trợ từng bước một (step-by-step approach), trước hết tập trung vào việc cung cấp kiến thức và kỹ năng, tiếp theo là xây dựng các cơ sở hạ tầng về kỹ thuật.
Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế