Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 7 năm 2014
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Trong tháng 7 nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp là đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa; thu hoạch lúa hè thu, hoa màu trong khung thời vụ tốt nhất, đồng thời theo dõi, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.
Lúa Mùa: Tính đến 15/7/2014, cả nước đã gieo cấy được 1088,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy ước đạt 953 nghìn ha, bằng 98%; Vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy 481 nghìn ha, đạt gần 94% cùng kỳ. Các địa phương phía Nam gieo cấy ước đạt135,6 nghìn ha, bằng 106,9 %. Nhìn chung vụ lúa mùa năm nay xuống giống trong điều kiện tương đối thuận lợi, tuy nhiên tiến độ gieo cấy chậm hơn năm ngoái do thu hoạch vụ đông xuân chậm. Hiện nay các địa phương phía Bắc tập trung gieo cấy lúa mùa kết thúc trước ngày 20/7; lúa mùa mới cấy đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh. Từ 15-20/7 do ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên các tỉnh miền núi phía bắc và ĐBSH đã chủ động dừng gieo cấy, tập trung tiêu nước đệm, khơi thông dòng chảy. Theo báo cáo của các tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 gây mưa lớn, đã làm cho trên 3,2 nghìn ha lúa bị gẫy đổ, 160 ha hoa màu bị ngập, đổ; tập trung chủ yếu ở một số chân ruộng thấp ở các tỉnh miền núi (Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn)
Lúa hè thu: Tính đến ngày 15/7, cả nước đã gieo cấy được 2083,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 92,5% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 1635,5 nghìn ha, bằng 93,3% chủ yếu do các địa phương chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây màu (Bến Tre, An Giang) hoặc sang trồng cây ăn quả (Tiền Giang, Vĩnh Long). Tình hình thời tiết lúc đầu vụ không mấy thuận lợi do ảnh hưởng của nắng nóng làm lúa sạ bị khô và chết, có ruộng người dân phải sạ lại lần thứ hai; nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng từ đợt nóng, khô hạn đầu vụ như: Nghệ An, Bình Định, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau. Hiện trà lúa Hè thu sớm ở ĐBSCL cho thu hoạch được 564,2 nghìn ha, bằng 71,4 % so cùng kỳ năm trước; trà lúa Hè thu muộn ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, phát triển tốt. Những ngày qua trên địa bàn các tỉnh Long An, Kiên Giang, Cần Thơ xuất hiện mưa, giông lớn kéo dài kết hợp với triều cường làm ngập úng và đổ ngã một số diện tích lúa thuộc vùng trũng đang trong giai đoạn ngậm sữa, chín, lúa bị ngã đổ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tiến độ thu hoạch.
Sau khi thu hoạch lúa Hè thu sớm, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục xuống giống được 285,2 nghìn ha lúa Thu đông trong khung thời vụ. Diện tích còn lại sẽ cố gắng kết thúc trước 15/8 để tránh ảnh hưởng đến vụ Đông xuân năm sau. Lúa Thu Đông đã gieo cấy đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng; sinh trưởng và phát triển khá; Các giống lúa chất lượng cao được nông dân ưa chuộng tiếp tục gieo sạ như: OM 4218, Jasmine 85, OM 6162.
Gieo trồng các loại rau, màu: Bên cạnh cây lúa các cây trồng rau màu khác cũng được được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 914,6 nghìn ha ngô, bằng 101,5% cùng kỳ năm trước; 104,5 nghìn ha khoai lang, bằng 95,7 %; 76,1 nghìn ha đậu tương, bằng 89,5%; 179,7 nghìn ha lạc, bằng 96%; 766 nghìn ha rau, đậu, bằng 104,1%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò không có biến động nhiều, dịch bệnh lớn không xảy ra. Ước tính số lượng trâu của cả nước tháng 7 năm 2014 giảm khoảng 1%, bò tăng 0,5-1% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi lợn phát triển tương đối tốt, người chăn nuôi có lãi do giá lợn hơi đang ở mức cao và dịch lợn tai xanh không xảy ra. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào vẫn còn cao cùng với lo ngại giá cả bấp bênh và dịch lợn tai xanh bùng phát trở lại nên người chăn nuôi vẫn còn dè chừng trong việc đầu tư tái đàn. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 7 năm 2014 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi gia cầm khá ổn định, dịch cúm gia cầm không xảy ra. Phần lớn người chăn nuôi gia cầm đều đang sản xuất cầm chừng do lo ngại tính không ổn định của thị trường và do thời tiết đang trong mùa mưa bão là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát dịch bệnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 7 năm 2014 tăng khoảng gần 1% so với cùng kỳ năm 2013.
* Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 20/7/2014 cả nước không còn tỉnh nào xuất hiện dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất do khu vực miền Bắc đã có mưa nhiều, lượng mưa tương đối lớn, tuy nhiên khu vực miền Trung vẫn còn bị ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng Bảy đạt được như sau: Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 33,8 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2013; một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới nhiều như: Thái Nguyên 2572 ha; Bắc Cạn 2526 ha; Hà Giang 1542 ha; Lạng Sơn 1087 ha; Thanh Hoá 1050 ha...; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 15,8 triệu cây, giảm 4,2%; sản lượng gỗ khai thác 417,9 nghìn m3, tăng 5,5%; sản lượng củi khai thác 2,48 triệu ste, tăng 3,8%. Tính chung bảy tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 105,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 126,5 triệu cây, giảm 1,1%; sản lượng gỗ khai thác 3033,9 nghìn m3, tăng 8,1%; sản lượng củi khai thác 17,85 triệu ste, tăng 3,2%.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết và nguy cơ cháy rừng cao ở các tỉnh miền Trung, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Công văn số 1724/BNN-TCLN ngày 02/6/2014 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng các tỉnh miền Trung. Mặc dù các địa phương đã tích cực chủ động trong việc phòng chống cháy rừng, tuy nhiên do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nhiều ngày không mưa, nắng nóng và khô hạn kéo dài nên tại một số tỉnh thuộc khu vực Trung bộ đã liên tiếp xảy ra cháy rừng, có nơi nghiêm trọng. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 412 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 330 ha (một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy lớn là Đà Nẵng 105,6 ha; Quảng Trị 95 ha; Bình Định 69,8 ha; Phú Yên 49,1 ha...); diện tích rừng bị chặt phá là 82 ha.
Tính chung bảy tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại ước tính là 2566 ha, tăng 83,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích rừng bị cháy là 2064 ha, tăng 133,3%; diện tích rừng bị chặt phá 502 ha, giảm 2,8%.
3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tháng Bảy ước đạt 595,9 nghìn tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá ước đạt 418,5 nghìn tấn, tăng 2%; tôm ước đạt 96,2 nghìn tấn, tăng 8,3%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 365 nghìn tấn, tăng 3% so cùng kỳ; trong đó cá ước đạt 257,4 nghìn tấn, tăng 1%; tôm ước đạt 85,8 nghìn tấn, tăng 9%.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện nay đối với các hộ nuôi vẫn còn gặp khó khăn do giá tiêu thụ thấp, không ổn định, thị trường tiêu thụ giảm, trong khi đó giá thức ăn vẫn liên tục tăng. Hiện tại, các cơ sở đang tiếp tục thả giống, nhìn chung cá nuôi đang phát triển tốt, sản lượng cá tra các tỉnh trọng điểm có giảm, xong không nhiều (An Giang đạt 18,2 nghìn tấn, giảm 4,4%; Cần Thơ đạt 16,6 nghìn tấn, giảm 4,7%;...)
Nuôi tôm tiếp tục phát triển theo hướng tăng tôm thẻ chân trắng cả về diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch. Trong tháng một số tỉnh có sản lượng tôm thẻ đạt khá, tăng cao như: Trà Vinh 4722,6 tấn, tăng 281,5%; Bạc Liêu 2011 tấn, tăng 391,7%; Bến Tre 3740 tấn, tăng 5,9%...
Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 230,9 nghìn tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ, trong đó khai thác biển 213,7 nghìn tấn, tăng 4,2%. Khai thác hải sản trong kỳ nhìn chung khá thuận lợi do biển êm, ít bão. Nghề câu cá Ngừ đại dương đang được các ngành chức năng hỗ trợ ngư dân cải tiến phương pháp thu câu và bảo quản sản phẩm cá ngừ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đánh bắt; sản lượng cá Ngừ trong tháng đạt khá: Bình Định 604,3 tấn, tăng 200%; Phú Yên 125 tấn, tăng 47,1%; Khánh Hòa 782,6 tấn, tăng 20%.
Tính chung 7 tháng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 3462,4 nghìn tấn, tăng 4,2%, trong đó cá ước đạt 2546,8 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm ước đạt 410,5 nghìn tấn, tăng 18%; thủy sản khác ước đạt 505,1 nghìn tấn, tăng 6,5%.
4. Giải pháp
- Thúc đẩy ngành trồng trọt, đảm bảo nguồn cung và chất lượng lúa giống, quản lý chặt chẽ thị trường thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho lúa, phát triển diện tích sản xuất theo mô h́nh cánh đồng mẫu lớn, diện tích áp dụng quy trình thực hành tốt trong nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt từ các diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn, hỗ trợ người dân thông qua chính sách hỗ trợ giống (Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014).
Dự báo tình hình sâu bệnh trong thời gian tới trên trà lúa hè thu muộn ở ĐBSCL, do tình hình mưa lớn gây đổ lúa, nắng lên bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh, gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng, bệnh khô cổ bông, cháy bìa lá, đốm vằn, lem lép hạt tiếp tục phát sinh trên lúa giai đoạn trỗ chín; Ngành Nông nghiệp các tỉnh cần chỉ đạo các trạm Khuyến nông và trạm Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố tăng cường khuyến cáo bà con nông thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp để phòng trị sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh.
Do bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa hè thu ĐBSCL trong điều kiện mưa nhiều do vậy các tỉnh, ngành chức năng kịp thời có phương án mua lúa tạm trữ vụ hè thu cho nông dân.
- Về chăn nuôi: Thúc đẩy hồi phục đàn gia súc gia cầm với số lượng hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng vẫn giữ được giá có lợi cho người chăn nuôi: tăng số lượng trâu bò và gia súc ăn cỏ...; tăng cường các biện pháp chống dịch; Kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm chăn nuôi.
- Về thủy sản: Tiếp tục đầu tư cho các trung tâm giống thủy sản; Đầu tư xử lý hạ tầng các vùng nuôi tập trung (đảm bảo nước canh tác cũng như xử lý môi trường để phòng chống dịch bệnh) tập trung chủ yếu cho khu vực ĐBSCL; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề tồn dư thuốc kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu; Tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho người nuôi cá tra, cá ba sa và tôm
- Về lâm nghiệp: Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Về thị trường: Tích cực xúc tiến phát triển thị trường, đặc biệt nhóm ngành đang khó khăn về thị trường, giá thấp như: rau củ quả, cao su, gạo, cá tra…. Đồng thời phải có các biện pháp quyết liệt để tăng cường năng lực của ngành công nghiệp chế biến nông sản.
- Hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng tránh thiên tai: kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, các dự án di dân khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sửa chữa nâng cấp đê sông, đê biển; các dự án chống cháy rừng...
File đính kèm: Bieu_BC_NongnghiepT7.14.docx
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư