Báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/3/2011
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Lúa đông xuân
Tính đến ngày 15/3/2011, cả nước đã gieo cấy được 3036,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước.
Các tỉnh miền Bắc gieo cấy đạt 1 095,1 nghìn ha, bằng 99,7% do thiếu nước tưới ở các tỉnh miền núi. Thời tiết trong tháng diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại đầu tháng 3 và tình hình thiếu nước tưới đã làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa và làm phát sinh sâu bệnh trên trà lúa xuân sớm.
Các tỉnh miền Nam gieo cấy đạt 1 941,6 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó Vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 1 568,4 nghìn ha, bằng 100,2% so cùng kỳ. Do giá lúa cao nên ngoài việc cấy hết diện tích, bà con nông dân cũng chuyển một số diện tích trồng rau màu sang trồng lúa.
Đến trung tuần tháng 3/2011, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 1 111,1 nghìn ha lúa Đông xuân, chiếm 69,7% diện tích gieo cấy, tăng 22% cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có tỷ lệ diện tích thu hoạch cao so với diện tích gieo cấy như: Tiền Giang đạt 88,2%; Vĩnh Long 95,6%; Đồng Tháp 72,5%, An Giang 72,1%; Kiên Giang 83,6%. Theo báo cáo ước tính của các tỉnh, năng suất lúa đông xuân của toàn vùng đạt 65,63 tạ/ha; xấp xỉ so với cùng kỳ. Sản lượng lúa đông xuân ước đạt 10 290,9 nghìn tấn, tăng 0,02% so vụ đông xuân 2010.
Lúa đông xuân tại các tỉnh khác cũng đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ. Hiện nay, do thời tiết âm u nên đã có trên 140 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh: Quảng Ngãi 863 ha nhiễm bệnh đạo ôn, Long An hơn 12 nghìn ha nhiễm đạo ôn, sâu cuốn lá, An Giang 86,5 nghìn ha nhiễm bệnh vàng lùn, Lâm Đồng gần 7 nghìn ha nhiễm rày nâu.
Cây hàng năm khác
Tính đến 15/3/2011, cả nước đã gieo trồng được 377,5 nghìn ha ngô, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước; 78,5 nghìn ha khoai lang, bằng 100,6%; 115,0 nghìn ha đậu tương, bằng 103,1%; 154,1 nghìn ha lạc, bằng 104,1395 nghìn ha %; rau đậu, bằng 107,7%.
b. Chăn nuôi
Chăn nuôi quý I năm 2011 gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và giá thức ăn tăng cao. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã làm chết 65.000 con gia súc, chủ yếu là trâu bò già và bê nghé. Dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh và lở mồm long móng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng ở đàn gia súc bùng phát trên diện rộng đã làm chết và tiêu hủy trên 3000 con trâu, bò, lợn. Bên cạnh những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra thì việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã làm tăng giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN), ảnh hưởng đến người chăn nuôi cả nước. Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, để sản xuất ra TĂCN thành phẩm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu từ nước ngoài (trong đó, các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu, phải nhập 90-95%; các chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%... Còn ngô, một trong những nguyên liệu chủ yếu trong ngành chăn nuôi, lượng nhập khẩu cũng lên tới hơn 50%). Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá điện, giá xăng… tăng, người chăn nuôi sẽ không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ước tính đàn trâu, bò và lợn cả nước giảm 0,5-1% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm ước tăng 7-8% do không chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai và dịch bệnh). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước tăng khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thịt trâu, bò tăng 7-8%, thịt gia cầm tăng8-9% .
2. Lâm nghiệp
Điều kiện thời tiết trong kỳ có rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, đồng thời khô hạn tại hầu khắp các địa phương nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án lâm nghiệp, đặc biệt là công tác trồng rừng mới. Cuối quý I thời tiết đã ấm áp trở lại và có mưa, tuy lượng mưa chưa lớn nhưng cũng đã giải quyết được phần nào tình trạng hạn hán, giảm bớt khó khăn cho sản xuất. Các địa phương hiện đang triển khai trồng rừng vụ Xuân, đồng thời khai thác gỗ và các loại lâm sản khác theo kế hoạch 2011. Công tác trồng cây phân tán đạt được kết quả khá do các địa phương đã tích cực hưởng ứng Chỉ thị số 75/CT-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Về việc Phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Mão năm 2011". Tình hình khai thác lâm sản đạt tốc độ tăng cao do các địa phương tăng sản lượng gỗ khai thác rừng trồng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến bột giấy, ván ép, dăm gỗ... Mặt khác giá tiêu thụ gỗ rừng trồng trong kỳ cũng tăng khá cao (có nơi tăng đến 10%) cũng là nguyên nhân để các chủ rừng tăng cường khai thác những diện tích rừng trồng đến tuổi.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng 3/2011 đạt được như sau: Diện tích rừng trồng tập trung 22 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 30,5 triệu cây; sản lượng gỗ khai thác 423,5 nghìn m3; sản lượng củi khai thác 2 210,5 nghìn ste.
Tính chung cả quý I/2011: Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 23 nghìn ha, bằng 85,8% so cùng kỳ 2010; diện tích rừng trồng được chăm sóc 135 nghìn ha, tăng 5,5%, một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới trong kỳ tương đối lớn như: Quảng Ninh 1 660 ha, Tuyên Quang 1.331 ha, Yên Bái 2.312 ha, Thanh Hóa 1.625 ha, Nghệ An 1.700 ha, Khánh Hòa 830 ha…; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 60,3 triệu cây, tăng 1%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 956,5 nghìn m3, tăng 6,4%; sản lượng củi khai thác 7.030,5 nghìn ste, tăng 2,5%.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng: Trong kỳ tình hình khô hạn kéo dài nên tại hầu khắp các địa phương đều có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt các tỉnh Trung bộ và Nam bộ, một số tỉnh có những khu vực đã nhiều ngày không mưa, rất dễ xảy ra cháy rừng. Theo thông tin cảnh báo từ Cục Kiểm lâm, tính đến ngày 21/3, 9 tỉnh có các khu vực đang ở cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm, nếu cháy rừng xảy ra thì tốc độ lan tràn rất nhanh; trong đó 4 tỉnh Đăk Nông, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh đều ở cấp V. Các địa phương đã tập trung huy động lực lượng tại chỗ của xã, thôn, bản, kết hợp với lực lượng công an, quân đội triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng như: Xây dựng xử lý các bờ lô chống cháy, làm các đường băng cản lửa, triển khai phương án phòng chống cháy rừng, tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng, thực hiện phân công trực 24/24 giờ ở những khu vực trọng điểm, nhằm ngăn chặn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng nếu xảy ra. Tình hình chặt phá rừng, làm nương rẫy trái phép, mặc dù các địa phương đã triển khai các biện pháp ngăn ngừa kết hợp tuyên truyền đến các xã, thôn bản, tuy nhiên một số nơi vẫn còn để xảy ra chặt phá rừng làm nương, chủ yếu khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tổng hợp sơ bộ diện tích rừng bị thiệt hại trong quý I là 96,7 ha, chỉ bằng 5,5% so cùng kỳ năm 2010, trong đó: Cháy rừng xảy ra 25 vụ, diện tích bị cháy 49,9 ha; Phá rừng 111 vụ, diện tích 46,8 ha.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản quí I năm 2011 ước đạt 1101,1 nghìn tấn tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng cá ước đạt 832,4 nghìn tấn tăng 2,97%, sản lượng tôm ước đạt 98,5 nghìn tấn tăng 6,01%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng nuôi trồng trong quí ước đạt 362,1 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 362 nghìn tấn tăng 4,8%, tôm đạt 71 nghìn tấn tăng 7,2%. Tình hình nuôi trồng thủy sản có tín hiệu phát triển khá do giá cả các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng...tăng.
Sản lượng cá tra tăng khá, đạt gần 230 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ (An giang thu được khoảng 90 nghìn tấn, tăng 12,5%; Bến tre 23 nghìn tấn, tăng 15%; Đồng Tháp 62 nghìn tấn, tăng 5,7%...). Giá cá tra nguyên liệu tăng đột phá với mức giá bình quân quý là 24.500đ/kg, tăng 5.300đ/kg so với mức giá bình quân chung năm 2010. Người nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng nuôi trở lại nhưng diện tích nuôi vẫn thấp so với thời điểm cao nhất: mới đạt khoảng 70% diện tích thả nuôi so vớinăm 2008 (Các địa phương diện tích nuôi còn đạt thấp là Bến Tre mới thả nuôi 420ha, chiếm 51,72% tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh; Vĩnh Long 304 ha, chiếm 50,8%;...) dẫn tới lượng cá nguyên liệu không đủ cung cấp cho các nhà máy. Diện tích nuôi cá tra còn thấp so với năm 2008 là do giá cả biến động thất thường trong thời gian dài, nhiều hộ vẫn chưa trả hết nợ do thua lỗ, thêm vào đó giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao và việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi còn khó khăn khiến người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư trở lại.
Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh tiếp tục được mở rộng trên các địa phương ven biển. Mặc dù lịch thả nuôi vụ I chậm nhưng tương đối đồng đều và được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất lượng con giống và thời điểm thả nuôi nên dịch bệnh xảy ra không nhiều so với năm trước, tôm nuôi phát triển chậm do lạnh nhưng khá tốt. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong kỳ chủ yếu từ các diện tích nuôi tỉa thưa thả bù và nuôi trong nội đồng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.
Nuôi các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định cùng với việc thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông lâm thủy sản. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua , tôm - lúa, lúa - cá…. Phát triển nuôi lồng, bè trên biển, với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài….
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 615 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 570 nghìn tấn, tăng 1,8%
Nhìn chung thời tiết và ngư trường vụ Bắc trong quí I năm nay không thuận lợi, nhất là vào tháng 1, tuy nhiên từ giữa tháng 2 trở đi, thời tiết êm dịu, các loài hải sản như cá cơm, cá nục, cá trác, cá hố, cá động, cá ngừ, cá bạc má, mực ống, nang, lá… xuất hiện nhiều các nghề chủ lực như VRC, VRM, VRC, lưới quét, lưới cản, giã cào, 3 màn, mành đèn, chông, câu, pha xúc, lưới dũ đang tích cực bám biển và đánh bắt có sản lượng nhiều. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao làm ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác thủy sản.
4. Giá cả nông sản (thông tin ngày 22/3/2011)
- Lương thực: giá lúa mua buôn tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 5500đ/kg đến 6800đ/kg tùy loại và không có biến động nhiều so với tháng trước. Cụ thể: lúa IR50404 có giá 5500-5700đ/kg (tăng nhẹ 100đ/kg), lúa Jasmine có giá 6600-6700đ/kg, lúa VNĐ 95-20 có giá 5600-5800đ/kg kéo theo giá gạo không có nhiều biến động. Gạo Jasmine có giá 13500đ- 14500đ/kg, gạo CLC 11000-12500đ/kg, gạo thường 9500đ/kg-10500đ/kg.
- Rau quả các loại: Giá bán tại chợ các loại rau quả vẫn ở mức cao. Giá cả tại chợ đầu mối như sau: cải xanh 7000đ/kg, xà lách 8000đ/kg, cà tím 6000đ/kg, cà chua 7000đ/kg.
- Giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng giảm tùy loại: giá lợn hơi 43000đ/kg, thịt lợn đùi 70000đ/kg (giảm khá so với tháng trước), thịt ba chỉ 68000đ/kg; gà nguyên con 105.000đ/kg; thịt bò 140.000đ/kg. Giá các loại thủy hải sản nhìn chung ổn định: cá diêu hồng 34000đ/kg, tôm càng xanh 220.000đ/kg
- Vật tư nông nghiệp: nhìn chung ổn định. Urê của Trung Quốc có giá 9800đ/kg, Urê Phú Mỹ có giá 10000đ/kg (giảm nhẹ so với tháng trước). Phân DAP của Philipin có giá 16000/đkg, DAP Trung Quốc 15500đ/kg.
5. Thiên tai, dịch bệnh
a. Thiên tai:
Từ đầu năm đến nay chưa có thiên tai lớn xảy ra trong cả nước. Diễn biến thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài các đợt rét đậm, rét hại đầu năm, trong cả nước ít mưa khiến mực nước ở một số hồ chứa giảm thấp, trữ nước ở mức thấp hơn so với thiết kế và mức bình quân. Căn cứ vào nguồn nước hiện tại và dự báo xu thế thời tiết, thủy văn tháng 3 năm 2011, tình hình thiếu nước và hạn hán vụ ĐX 2010-2011 tại các vùng được cảnh báo như sau:
- Các tỉnh Miền núi phía bắc thiếu nước vào giai đoạn cuối vụ Đông xuân (tháng 4, 5/2011), diện tích bị hạn sẽ tập trung ở các công trình thủy lợi nhỏ như phai, dập dâng... lấy nước ở suối, khe lạch và các huyện vùng cao.
- Các tỉnh miền Trung đã bắt đầu xuất hiện khô hạn cục bộ tại Nghệ An thiếu nước tưới 8.000 ha, trong đó hạn khoảng 1.000 ha ( 500 ha ở Quỳ Châu, 500 ha ở Quế Phong), diện tích thiếu nước khoảng 7.000 ha ở rải rác các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc. Vì vậy, thời gian tới tình hình hạn còn tiếp tục gay gắt hơn.
- Các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk tuy mới đầu vụ đã xuất hiện tình trạng thiếu nước với diện tích 11.200 ha, trong đó lúa: 6.291 ha lúa (2.527ha lúa bị mất trắng) , 4.909 ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày như vậy tình hình hạn vụ Đông Xuân đã diễn ra và có khả năng diễn ra gay gắt ở vùng này.
-Đông Nam bộ hiện nay chưa xảy ra thiếu nước và hạn, tuy nhiên có khả năng thiếu nước vào cuối vụ Đông Xuân, nhất là các diện tích tưới bằng hồ chứa nhỏ miền núi.
- Các tỉnh ĐBSCL đề phòng thiếu nước và xâm nhập mặn vào cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu.
b. Dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm: Tính đến ngày 21/3 cả nước vẫn còn 5 tỉnh là Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Nghệ An có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày; dịch lở mồm long móng còn29 tỉnh có ổ dịch chưa qua 21 ngày: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Tiền Giang, Long An, Lào Cai, Phú Yên, Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đăk Lăk, Bắc Giang, Tây Ninh, Khánh Hòa, Lai Châu và Vĩnh Long; cả nước còn tỉnh Hà Tĩnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng khó lường, môi trường ẩm thấp là điều kiện tốt cho các loại mầm bệnh phát triển. Ngày 14/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 365/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chính để dịch bệnh xảy ra trong thời gian gần đây trên diện rộng, kéo dài là do chủ quan, lơ là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ý thức chấp hành của người chăn nuôi trong phòng chống dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Việc tiêu hủy hoặc giết mổ gia cầm phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ và thực hiện theo quy định của cơ quan chuyên môn; áp dụng các biện pháp phòng dịch thường xuyên theo quy định./.
File đính kèm: BCKT Nong nghiep T3.11.pdf
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư