Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/02/2011-09:25:00 AM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 01 năm 2011
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt: Trong tháng 1, các địa phương miền Nam tiếp tục gieo trồng và chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân; các địa phương miền Bắc tiến hành thu hoạch cây vụ đông, chuẩn bị đất gieo trồng cây vụ đông xuân và gieo trồng lúa đông xuân trà sớm.
Tính đến ngày 15/1/2011, cả nước đã gieo cấy được 1904,3 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 104,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó các địa phương miền Bắc gieo cấy 84,7 nghìn ha, tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước, các địa phương miền Nam gieo cấy 1819,6 nghìn ha, tương đương cùng kỳ 2010.
Các tỉnh miền Bắc bắt đầu tiến hành gieo cấy lúa đông xuân trà sớm, tiến độ gieo trồng tăng cao so cùng kỳ chủ yếu là do tiến độ gieo trồng của vùng Bắc Trung Bộ đạt 72,0 ha, tăng 19,5% so cùng kỳ (+11,8 nghìn ha). Sản xuất lúa đông xuân 2011 ở Miền bắc được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, đây là năm thứ 2 liên tiếp các địa phương phía Bắc thiếu nước canh tác và tình hình rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của mạ. Trước tình hình đó, các địa phương đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi tập trung nạo vét kênh mương, nâng cấp, sửa chữa hệ thống bơm tưới đảm bảo hoạt động có hiệu quả, chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiệt bị lấy nước đổ ảikhi các hồ thuỷ điện xả nước đợt 1 (từ 27/1 đến 2/2/2011), và yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiến hành hướng dẫn bà con nông dân tập trung công tác phòng, chống rét cho cây trồng, đặc biệt là mạ đã gieo, đồng thời tiếp tục các khâu làm đất, chuẩn bị giống, phân bón.
Các tỉnh miền Nam tiếp tục tiến hành gieo sạ lúa đông xuân, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1506,8 nghìn ha, bằng 100,8% so cùng kỳ, toàn vùng sẽ kết thúc gieo cấy phần diện tích lúa đông xuân còn lại vào cuối tháng 1. Sản xuất lúa đông xuân 2011 của Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với một số khó khăn về thời tiết và sâu bệnh: mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang ở mức thấp có nguy cơ dẫn đến thiếu nước tưới cho những vựa lúa lớn; tình hình sâu bệnh xẩy ra trên diện rộng chủ yếu là các loại bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá và đạo ôn đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn ha lúa đông xuân đang trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng (Đồng Tháp có 17,2 nghìn ha lúa bị nhiễm rầy nâu, 5,6 nghìn ha nhiễm sâu cuốn lá và 11,6 nghìn ha nhiễm bệnh đạo ôn; An Giang trên 15 nghìn ha lúa nhiễm bệnh, Bạc Liêu trên 13 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh,...).
Tính đến trung tuần tháng 1 năm 2011, diện tích ngô gieo trồng đạt 217,3 ha, bằng 105.4% so với cung kỳ năm trước; khoai lang đạt 69,6 nghìn ha, bằng 100.3%; đậu tương đạt 95,7nghìn ha, bằng 112,3%; rau, đậu các loại đạt 241,1 nghìn ha, bằng 106.4%.
b)Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng gặp nhiều khó khăn do thoeif tiết và dịch bệnh. Rét đậm, rét hạn kéo dài ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã tác động xấu đến đàn trâu, bò. Theo báo cáo sơ bộ đến nay đã có khoảng 20 nghìn con trâu, bò bị chết chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé. Những địa phương đàn trâu, bò chết nhiều là Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn,...Đến ngày 23/01/2011, cả nước còn 12 tỉnh là Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An và Hòa Bình có dịch Lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Đàn lợn có xu hướng tăng do dịch lợn tai xanh đã được khống chế và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn tăng đã kích thích người chăn nuôi đầu tư tăng đàn lợn.
Đàn gia cầm ước tăng so với cùng kỳ năm trước do tiêu thụ thuận lợi và dịch cúm gia cầm đã được khống chế. Đến nay, không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm.
Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật và phòng chống rét cho gia súc, gia cầm vật nuôi đã và đang được các địa phương quan tâm.
2. Lâm nghiệp
Trong tháng 01/2011, các địa phương đang tập trung nghiệm thu, thanh, quyết toán khối lượng thực hiện năm 2010, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch trồng rừng 2011 như gieo ươm cây giống, phát dọn chuẩn bị diện tích cho trồng rừng tập trung. Do thời tiết rét đậm kéo dài nên đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đến nay các địa phương chưa triển khai trồng rừng tập trung 2011, mà các đơn vị/hộ gia đình chủ yếu đang chăm sóc đồng thời chú trọng phòng, chống rét cho cây giống lâm nghiệp.
Tình hình khai thác lâm sản, đến hết tháng 12/2010 các địa phương đã khóa sổ, ngừng khai thác gỗ kế hoạch 2010, tuy nhiên khu vực Tây Nguyên đến cuối tháng 11 mới có quyết định mở cửa rừng nên đến nay vẫn đang tiếp tục khai thác theo chỉ tiêu 2010 chuyển sang. Tổng hợp kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được như sau: Trồng cây lâm nghiệp phân tán 558,5 nghìn cây (chủ yếu các tỉnh Trung bộ và Nam bộ), so cùng kỳ năm 2010 tăng 0,1%; Sản lượng gỗ các loại khai thác ước đạt 300 nghìn m3, tăng 7,1%; Sản lượng củi khai thác ước đạt 2.380 nghìn Ste, tăng 1,3%.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại rừng: Tình hình khô hạn đang diễn ra tại nhiều nơi, khu vực Đông Nam bộ rừng tràm mực nước xuống thấp nên nguy cơ cháy rừng cao, các địa phương đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền phòng cháy rừng, đồng thời tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rùng, sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Trong kỳ tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép, diện tích rừng bị phá 26,1 ha (trong đó riêng Đăk Lăk 24 ha)
3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 01/2011 ước đạt 356,4 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng cá đạt 270,4 nghìn tấn tăng 1,1%, sản lượng tômđạt 30,9 nghìn tấn tăng 4,7%, sản lượng thuỷ sản khác đạt 55,1 nghìn tấngiảm 0,5%.
a) Nuôi trồng thuỷ sản: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 161,5 nghìn tấn, tăng 7,3%; chủ yếu từ cá và tôm: cá nuôi ước đạt 121 nghìn tấn tăng 8%; tôm nuôi đạt 21,5 nghìn tấn tăng 7,5%.
Sản lượng cá nuôi tăng khá do cá tra trong kỳ tiêu thụ tốt và được giá (giá cá tra nguyên liệu trên thị trường hiện giao động từ 21.000 đ/kg -23.000 đ/kg). Nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao nên các hộ nuôi đẩy mạnh đầu tư thâm canh để kịp xuất bán (An Giang dự kiến thu hoạch 37 nghìn tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ; Đồng Tháp 20 nghìn tấn tăng 6,9% ...). Lượng cá nguyên liệu hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, do chi phí đầu vàotăng, các hộ nuôi vẫn chưa thực sự an tâm nuôi lại vì e ngại giá cả không ổn định, ngân hàng cũng chưa mạnh dạn đầu tư cho vay vốn (hoặc cho vay với lãi suất cao) để phát triển trở lại… Tình hình thiếu cá nguyên liệu có thể diễn ra trong thời gian tới. Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu từ thu hoạch trên các diện tích nuôi tỉa thưa, thả bù để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Giá tôm đang ở mức cao nên người nuôi có xu hướng đầu tư mở rộng diện tích nuôi.
Trong tháng, các hộ nuôi trồng thuỷ sản tập trung cải tạo ao hồ để thả nuôi các đối tượng thuỷ sản trong vụ 1 năm 2011. Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường liên tục, trời âm u và lạnh chưa thích nghi cho việc thả nuôi, nên các ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm thả nuôi muộn so năm trước.
b) Khai thác thủy sản: Sản lượng thuỷ sản khai thác ước tính đạt 194,9 nghìn tấn, giảm 3,4 so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá 149,4 nghìn tấn giảm 3,9%, tôm đạt 8,8 nghìn tấn giảm 1,1%. Tuy đang vào vụ cá Bắc, thị trường khai thác hải sản tiêu thụ nhanh nhưng thời tiết biển biến động mạnh do gió mùa, giá xăng dầu tăng cao nên các tàu thuyền khai thác hải sản giảm bớt thời gian bám biển để tu bổ tàu thuyền và nghỉ ngơi đón tết, dẫn đến sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng đạt thấp hơn so với cùng kỳ.
4. Giá cả nông sản
- Lương thực: giá lúa hiện tăng khoảng 150-400đ/kg (Cụ thể lúa IR50404 khoảng 3900đ/kg (tăng 100đ/kg), lúa thường 6050đ/kg (đứng giá), giá lúa nguyên liệu loại I khoảng 5400-5500đ/kg), kéo theo giá gạo nguyên liệu tăng theo); giá gạo thành phẩm 6% tấm không bao bì hiện khoảng 6400-6500đ/kg. Nhìn chung cận Tết tuy nhiên giá lương thực trong nước không có nhiều biến động về giá cả cũng như cung cầu.
- Thực phẩm: Các loại thực phẩmvào dịp giáp Tết nên có mức tăng khá mạnh, giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá cụ thể như sau: thịt lợn thăn từ 69000 lên 75000đ/kg tại chợ đầu mối (tăng 6000đ/kg), tại các chợ nhỏ là 90.000đ/kg; sườn 90.000đ/kg,giá thịt bò khoảng 150.000 đ/kg (tăng 30000đ/kg), tôm càng xanh khoảng 220.000/kg (tăng 20.000đ/kg);
- Rau các loại: Do ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh các mặt hàng rau, củ quả tăng giá khá mạnh, nhiều mặt hàng tăng từ 30-50% so với tháng trước. Cụ thể: cải thảo tăng từ 8000đ/kg lên 11000đ/kg, dưa leo 11000đ/kg (tăng 3000đ/kg), cải bắp 4000đ/kg lên 10.000đ/kg(tăng 6000đ/kg). Nhìn chung giá các loại rau củ tăng mạnh khoảng 20-100% so với tháng cuối năm 2010.
- Vật tư nông nghiệp: thị trường phân bón thời gian qua diễn biến ổn định nhưng nhìn chung có xu hướng giảm về giá. Giá các loại phân bón cụ thể như sau: phân đạm Phú Mỹ có giá 7800đ/kg (giảm 300đ/kg so tháng 12 năm ngoái), NPK có giá 9400-9500đ/kg (giảm 600đ/kg), DAP có giá 13000đ/kg (giảm 500đ/kg), Kali có giá 9200-9400 đ/kg (tăng 200-400đ/kg).
5. Về triển khai kế hoạch đầu tư XDCB năm 2011 phần do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý: Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai phân bổ kế hoạch năm 2011./.

File đính kèm:
BCKinh teNNT1.11.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1392
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)