1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt:
Các tỉnh miền Bắc: Tính đến ngày 15/10/2010 đã thu hoạch 892,2 ngàn ha lúa mùa, chiếm 75% diện tích gieo cấy, trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đạt 87% diện tích trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các vùng Trung du và Miền núi thu hoạch đạt khoảng 60% diện tích gieo cấy. Các tỉnh vùng Bắc Trung bộ do chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 5 và mưa lũ nên mới thu hoạch được khoảng 75% diện tích gieo cấy. Nhìn chung, tốc độ thu hoạch lúa mùa tại các vùng không bị ảnh hưởng bởi bão lũ đều nhanh hơn cùng kì năm trước góp phần đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông.
Tính đến trung tuần tháng 10, các địa phương miền Bắc đã gieo trồng được 351,4 ngàn ha cây vụ đông các loại, tăng 6% so với cùng kì năm trước, trong đó cây ngô đạt 155 ngàn ha tăng 12,8%, đậu tương đạt 83,5 ngàn ngàn ha, tăng 14,6%, rau các loại đạt 74 ngàn ha, tăng 6,4%; các cây khoai lang, lạc đều đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Diện tích cây vụ đông bước đầu tăng khá là do các địa phương đã tích cực, chủ động trong việc bố trí cơ cấu lúa vụ mùa hợp lý và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai sản xuất khi thời tiết tương đối thuận lợi. Do ảnh hưởng của bão số 5, hàng nghìn ha cây vụ đông mới trồng đã bị ngập úng cục bộ sau những ngày mưa liên tục trên các địa bàn như: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam,…Diện tích bị ngập úng đã được các địa phương trên triển khai đồng bộ, khẩn trương các biện pháp tiêu úng kịp thời, kết hợp với việc chăm bón đúng kỹ thuật nên phần lớn diện tích cây vụ đông sau ngập đều đã phục hồi, triển vọng sinh trưởng và phát triển tốt.
Các tỉnh miền Nam: đã cơ bản kết thúc thu hoạch vụ lúa hè thu/thu đông đạt kết quả khá. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chuyển dần trọng tâm sang xuống giống lúa vụ mùa và vụ đông xuân sớm. Tính đến ngày 15/10/2010, tổng diện tích lúa mùa xuống giống đạt 665 ngàn ha, bằng 93,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh vùng ĐBSCL đạt 303,5 ngàn ha, bằng 84% cùng kỳ. Diện tích lúa đông xuân sớm xuống giống đạt gần 200 ngàn ha, bằng khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng ĐBSCL đạt 122 ngàn ha, bằng 84,5% cùng kỳ. Tốc độ xuống giống lúa mùa và đông xuân sớm tháng này chậm hơn khá nhiều so với cùng kì năm trước chủ yếu do tốc độ xuống giống tại vùng ĐBSCL đạt thấp trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi đối với lúa vụ mùa và các địa phương thực hiện chỉ đạo tránh né rầy bằng biện pháp xuống giống đồng loạt đối với lúa vụ đông xuân.
b) Chăn nuôi: Chăn nuôi cả nước vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn do tác động của thiên tai, dịch bệnh. Lũ lụt xảy ra tại một số tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Thống kê tại 4 tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của đợt mưa lũ vừa qua gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho thấy tổng số trâu bò chết khoảng 1.195 con, lợn 21.515 con và gia cầm 558.306 con; tổng thiệt hại ước tính khoảng 117 tỷ đồng. Ngoại trừ một số tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, chăn nuôi gia súc ăn cỏ cả nước phát triển tương đối ổn định. Theo số liệu báo cáo của TCTK, đàn bò sữa có xu hướng phát triển và mang lại hiệu quả cao, nhất là với những hộ chăn nuôi với số lượng nhiều. Trái với xu hướng phát triển của bò, đàn lợn hiện nay tăng không nhiều, do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh ở nhiều địa phương trong cả nước chưa được khống chế thành công, cộng với việc giá thức ăn chăn nuôi hiện nay còn ở mức cao và giá thịt hơi xuất chuồng giảm dẫn đến hiệu quả chăn nuôi còn đạt ở mức thấp. Hơn nữa dịch bệnh còn xảy ra trên diện rộng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi nên tốc độ tái đàn còn chậm, số hộ chăn nuôi qui mô nhỏ có xu hướng giảm, những hộ chăn nuôi quy mô lớn sẽ có xu hướng tăng khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế.
Đàn gia cầm: Tốc độ tái đàn và mở rộng qui mô chăn nuôi gia cầm có xu hướng tăng nhanh trở lại do hiện nay cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch bệnh phát sinh. Vịt chạy đồng đang phát triển mạnh nhất là ở các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp và một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng. Giá thịt gia cầm tăng nhẹ người chăn nuôi có lãi. Xu hướng chăn nuôi tập trung qui mô lớn đang được người chăn nuôi đầu tư.
Tình hình dịch bệnh:
- Dịch Cúm gia cầm: Trong tháng, không có dịch cúm gia cầm xảy ra.
- Dịch lở mồm long móng: Trong tháng, dịch LMLM đã phát sinh thêm ở 21 xã, 12 huyện thuộc 7 tỉnh là: Sơn La, Sóc Trăng, Long An, Bình Phước, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa làm 189 con trâu và 448 con bò mắc bệnh. Hiện nay, cả nước còn 10 tỉnh là Đăk Lăk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Phước, Sơn La, Sóc Trăng, Long An, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.
- Dịch Tai xanh trên lợn: Trong tháng dịch tai xanh đã phát sinh thêm 04 tỉnh mới là: Ninh Thuận, Phú Yên, Nam Định và Sơn La. Số lợn bị bệnh là 4.475 con trên tổng đàn 4.506 con, trong đó chết và tiêu hủy là 1.655 con. Hiện nay, cả nước có 25 tỉnh là Nghệ An, Sóc Trăng, Bình Dương, Bạc Liêu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kon Tum, Đăk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Sơn La và Nam Định có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Mặc dù trong tháng 10 có mưa lớn gây lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung, nhưng tại các địa phương khác trong cả nước thời tiết thuận lợi cho việc thực hiện công tác lâm sinh nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm nay đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính đến 20/10, kết quả thực hiện công tác lâm sinh như sau:
Diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước là 200,4 nghìn ha, tăng 16,4% so với cùng kỳ, đạt 97% kế hoạch năm. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 45,8 nghìn ha, tăng 13,4% so với cùng kỳ, đạt 70,7% kế hoạch năm; trồng rừng sản xuất là 154,6 nghìn ha, tăng 17,3% so với cùng kỳ, vượt 8,9 % kế hoạch năm; Chăm sóc rừng trồng đạt 288 nghìn ha, vượt 92,4% so với kế hoạch và tăng 31,5% so với cùng kỳ; Trồng cây phân tán đạt 170 triệu cây, đạt 85% kế hoạch; Khoanh nuôi tái sinh rừng đạt 728,6 nghìn ha, vượt 8,9% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ; Khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 2.566,5 nghìn ha, vượt 70,4% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ; Khai thác gỗ đạt 3.146,8 nghìn m3, đạt 67% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Tình hình thiệt hại rừng: Do đang trong mùa mưa lũ nên trong kỳ không xảy ra cháy rừng, tình hình chặt phá rừng làm nương rẫy cũng hạn chế nhiều so các tháng trước. Trong kỳ chỉ xảy ra 10 vụ chặt phá rừng tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, diện tích rừng bị phá khoảng 2 ha. Tính chung 10 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại 7.775,7 ha, gấp 2,46 lần so cùng kỳ, trong đó: Diện tích rừng bị cháy 6.718,3 ha, gấp 4,22 lần, diện tích rừng bị phá 1.057,4 ha bằng 67,6%.
3. Thuỷ sản
a) Nuôi trồng thuỷ sản: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 10 ước đạt 248 ngàn tấn, 10 tháng ước đạt 2.243 ngàn tấn, tăng 3,0 % so với cùng kỳ và đạt 84,6% so với kế hoạch năm. Trận lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung, các ao nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ, nhiều diện tích nuôi thủy sản bị mất trắng. Theo thống kê sơ bộ Nghệ An bị ngập tràn hơn 1.000 ha; Hà Tĩnh ngập tràn hơn 2.000 ha; Quảng Bình hơn 150 ha nuôi tôm và 1.600 ha nuôi cá nước ngọt bị ngập có nhiều khả năng bị mất trắng.
Hiện tại giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL khoảng 17.700 đ/kg, tăng 1.300 đ/kg so tháng trước và tăng 14% so cùng kỳ. So với giá thành sản xuất bình quân 16.000 đ/kg người nuôi lời khoảng 1.000 đ/kg. Tuy nhiên, hiện tại diện tích nuôi thả lại không nhiều nguyên nhân do: giá cá tra nguyên liệu chưa cao trong khi đó giá thức ăn và các khoản chi phí đầu vào tăng cao.
b) Khai thác thuỷ sản: Sản lượng đánh bắt thủy hải sản trong tháng 10/2010 giảm so với các tháng trước do đã bước vào mùa mưa bão, không thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, tuy nhiên do các địa phương chủ động trong công tác phòng tránh bão và số tàu có công suất 90 CV trở lên ra khơi nhiều hơn so với cùng kỳ, ngoài ra giá tiêu thụ sản phẩm luôn ở mức cao nên so với năm ngoái sản lượng đánh bắt thủy hải sản đạt khá. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng khai thác tháng 10 ước đạt 156 ngàn tấn (trong đó khai thác biển ước đạt 145 ngàn tấn); tổng sản lượng khai thác 10 tháng đầu năm 2010 đạt 2.007 ngàn tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ và đạt 83,6 % kế hoạch năm.
4. Thiên tai
Trong tháng 10, hai đợt lũ, lụt xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn về người và của: Đợt mưa lũ thứ nhất từ ngày 1-5/10/2010 tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế làm chết 66 người, mất tích 18 người, 2.133 nhà bị đổ trôi, 155.293 nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng. Đợt mưa lũ thứ hai từ ngày 14-21/10/2010 tại các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình. Tính đến ngày 21/10/2010 đã có 76 người chết, 6 người mất tích, 120 nhà bị đổ trôi, 276.481 nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại sơ bộ khoảng hơn 7.500 tỷ đồng.
Ngày 19/10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1917/QĐ-TTg hỗ trợ 660 tỷ đồng và 11.000 tấn gạo cho các tỉnh bị thiệt hại, trong đó: Tỉnh Hà Tĩnh 250 tỷ đồng và 5.000 tấn gạo, tỉnh Quảng Bình 250 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo, tỉnh Quảng Trị 20 tỷ đồng và 500 tấn gạo, tỉnh Nghệ An 100 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo, tỉnh Thừa Thiên Huế 10 tỷ đồng và 500 tấn gạo, tỉnh Thanh Hoá 30 tỷ đồng.
5. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Tính đến hết tháng 10/2010, thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý ước đạt 7.835,18 tỷ đồng, bằng 79,73% kế hoạch vốn được giao (bao gồm cả vốn bổ sung và vốn ứng trước kế hoạch năm 2011), trong đó: Vốn ngân sách tập trung thực hiện ước đạt 4.376,18 tỷ đồng, bằng 75,1% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 3.459 tỷ đồng, bằng 86,48% kế hoạch. Kết quả cụ thể như sau:
a) Vốn ngân sách tập trung do Bộ quản lý:
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng thực hiện 10 tháng năm 2010 ước đạt 4.376,18 tỷ đồng, bằng 75,1% kế hoạch năm (kế hoạch đã bổ sung), trong đó vốn ngoài nước đạt 2.900,5 tỷ đồng, bằng 82,67% kế hoạch, vốn trong nước đạt 1.475,68 tỷ đồng, bằng 114,7% kế hoạch; Về cơ bản tiến độ thực hiện các công trình, dự án toàn ngành vẫn đảm bảo mục tiêu, tiến độ theo yêu cầu và kế hoạch đã vạch ra, đặc biệt là các dự án ODA. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến trung tuần tháng 10/2010 do thời tiết mưa to gây ngập lụt trên diện rộng ở khu vực miền Trung đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và mức an toàn của các công trình thủy lợi. Kết quả thực hiện cụ thể như sau:
- Vốn thực hiện đầu tư đạt 4.071,58 tỷ đồng bằng 75,59% kế hoạch năm (Khối Thuỷ lợi : Ước đạt 3.037,5 tỷ đồng, bằng 79,49 % kế hoạch năm; Khối Nông nghiệp : Ước đạt 467 tỷ đồng, bằng 57,7% kế hoạch năm; Khối Lâm nghiệp : Ước đạt 252 tỷ đồng, bằng 71,19% kế hoạch năm; Khối Thuỷ sản : Ước đạt 118,5 tỷ đồng, bằng 89,3% kế hoạch năm; Khối Khoa học - Công nghệ : Ước đạt 48,5 tỷ đồng, bằng 97% KH; Khối Giáo dục - Đào tạo : Ước đạt 75,5 tỷ đồng, bằng 107,86% KH năm; Các ngành khác : Ước đạt 72,58 tỷ đồng, bằng 59,64% kế hoạch năm);
- Vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia : Ước đạt 41,1 tỷ đồng bằng 86,96% kế hoạch năm;
- Vốn đầu tư theo các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể : Ước đạt 228,5 tỷ đồng bằng 71,21% kế hoạch năm;
- Vốn chuẩn bị đầu tư : Ước đạt 35 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch;
b) Các công trình thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:
Khối lượng thực hiện 10 tháng ước đạt 3.459 tỷ đồng, bằng 86,48% kế hoạch, trong đó: Các dự án có trong Quyết định 171/2006/QĐ- TTg ước đạt 2.535 tỷ đồng, bằng 84,5% kế hoạch; Các dự án cấp bách bổ sung ước đạt 405 tỷ đồng, bằng 101,25% kế hoạch; Các dự án thuỷ lợi đồng bằng sông Hồng ước đạt 519 tỷ đồng, bằng 86,5% kế hoạch.
6. Kiến nghị một số giải pháp trong 2 tháng cuối năm
Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2010, trong 4 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
(1) Tiếp tục chăm sóc lúa mùa ở miền Nam và đẩy mạnh phát triển cây vụ Đông ở miền Bắc.
(2) Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng. Triển khai các biện pháp kỹ thuật kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu.
(3) Khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đối với vùng bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Chủ động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về sản xuất, người, tài sản.
(4) Triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là hệ thống phơi sấy cho vụ hè thu, hệ thống kho chứa lúa, thủy sản hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và công nghệ chế biến để giúp nông dân giảm thất thoát và tiêu thụ hiệu quả nông sản.
(5) Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiệm vụ trồng rừng thuộc Dự án 661 nhằm thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao theo Nghị quyết 73/2006/QH11.
(6) Tổ chức tốt việc thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa để phát triển thuỷ sản, kết hợp bảo vệ an ninh tổ quốc./.
File đính kèm: BC KTNongnghiep.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư