Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/12/2010-09:31:00 AM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư, nghiệp tháng 12 và cả năm 2010
Năm 2010, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010, ngành nông nghiệp và PTNT đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: đầu năm khô hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nước mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh ĐBSCL; tháng 10, 11 liên tục xảy ra 3 trận lũ lụt lớn ở miền Trung; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, nạn cháy rừng và chặt phá rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra nhiều; giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao.
Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ hiệu quả của các ngành và sự nỗ lực cao của toàn ngành trong việc triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 và Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2010, nên nông nghiệp, nông thôn nước ta tiếp tục phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009 và vượt mức kế hoạch đề ra.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2010 theo giá so sánh 1994 ước đạt 232 652,16 tỷ đồng, tăng 4,69% so với năm 2009; trong đó nông nghiệp đạt 168 385,56 tỷ đồng, tăng 4,24%, lâm nghiệp đạt 7 365 tỷ đồng, tăng 4,57%, thuỷ sản đạt 56 901,6 tỷ đồng tăng 6,05%. Tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2010 vẫn đạt 2,78% (năm 2009 đạt 1,83%). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36%/năm, vượt mức mục tiêu 3-3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra và kế hoạch phát triển 5 năm của ngành.
Kết quả sản xuất cụ thể từng ngành khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản như sau:
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt: Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 44,6 triệu tấn, tăng 1,27 triệu tấn (+2,9%) so với năm 2009; trong đó sản lượng lúa đạt xấp xỉ 40,0 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn (+2,74%), sản lượng ngô đạt 4,6 triệu tấn, tăng 235,1 nghìn tấn (+ 5,4%).
Cây lúa: Mặc dù hầu hết các địa phương đã phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước tưới đầu năm, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung trong quý III, sâu bệnh vẫn gây thiệt hại ở một số tỉnh, nhưng tính chung cả nước năm 2010 sản xuất lúa đã được mùa cả ba vụ. Sản lượng lúa năm 2010 tăng khá so với năm 2009 do cả năng suất và diện tích gieo trồng đều tăng. Diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 7513,7 nghìn ha, tăng 76,5 nghìn ha (+1,0%), năng suất lúa cả năm ước đạt 53,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha (+1,6%) so cùng kỳ.
Lúa đông xuân: Sản lượng lúa đông xuân năm 2010 đạt 19,2 triệu tấn, tăng 522,3 nghìn tấn (+2,8%) so với vụ đông xuân năm 2009 và tăng đều ở các địa phương, trong đó do diện tích tăng 25,2 nghìn ha (+0,8%) và năng suất tăng 1,2tạ/ha(+2,0%).
Lúa hè thu và thu đông: Sản lượng đạt 11,59 triệu tấn, tăng 383,5 nghìn tấn (+3,4%) so với vụ hè thu và thu đông năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh diện tích lúa thu đông của các tỉnh đồng bằng sông Cửu long (năm 2010 diện tích lúa thu đông đạt 318,4 nghìn ha, tăng 27,7%) dẫn đến tổng diện tích lúa hè thu và thu đông năm 2010 tăng 77,6 nghìn ha (+ 3,3%) so cùng kỳ, bên cạnh đó năng suất lúa hè thu và thu đông tăng nhẹ (+0,1 tạ/ha) cũng là yếu tố dẫn đến tăng sản lượng. Diện tích lúa thu đông tăng mạnh so cùng kỳ do nước lũ về muộn, mực nước ở các sông thấp nên phần lớn diện tích hè thu sớm sau khi thu hoạch có thể gieo sạ được (năm 2009 diện tích lúa thu đông giảm trên 50 nghìn ha do nước lũ về sớm nên nhiều chân ruộng hè thu sớm không gieo sạ được). Hầu hết các tỉnh sản xuất lúa hè thu và thu đông trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tình hình sâu bệnh diễn biến ít phức tạp, ngoài trừ các tỉnh miền Trung gặp nhiều khó khăn do thiếu nước làm đất gieo cấy nên không cấy hết được diện tích, giữa vụ thiếu nước tưới làm nhiều diện tích bị khô hạn, chết cháy, đến gần thời điểm thu hoạch hai cơn bão liên tiếp xẩy ra dẫn đến năng suất lúa hè thu toàn vùng chỉ đạt 38,5 tạ/ha, giảm 6,1 tạ/ha (- 13,7%) so cùng kỳ.
Lúa mùa: Diện tích gieo trồng lúa mùa ước đạt 1991,6 nghìn ha, giảm 26,3 nghìn ha (-1,3%), chủ yếu do thiếu nước canh tác nên các địa phương miền Bắc đã phải chuyển đổi những chân ruộng cao sang trồng các loại cây rau, màu; Năng suất lúa mùa ước đạt 46,1 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha (+ 2,8%), trong đó năng suất lúa mùa các tỉnh Bắc Trung Bộ chỉ bằng 95,3% so cùng kỳ (- 2,1 tạ/ha) do bão lũ đã làm mất trắng gần như toàn bộ lúa mùa của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tuy nhiên năng suất chung cả nước vẫn tăng mạnh do lúa mùa của các tỉnh miền Nam được mùa lớn, năng suất ước đạt 42,2 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha (+6,2%) do các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tiếp tục chuyển đổi mùa vụ, chuyển những diện tích lúa mùa thường bị mất do mưa lũ sang sản xuất vụ hè thu và vụ đông xuân. Sản lượng lúa mùa ước đạt 9,17 triệu tấn, tăng 132,9 nghìn tấn (+ 1,5%), tăng đáng kể là các tỉnh miền Nam với sản lượng ước đạt 3,4 triệu tấn, tăng 112,4 nghìn tấn (+ 3,4%)
Cây ngô: Sản lượng ngô năm 2010 ước đạt 4,6 triệu tấn, tăng 235,1 nghìn tấn (+5,4%) so với năm 2009, do tăng cả diện tích gieo trồng và năng suất. Diện tích ngô đạt 1126,9 nghìn ha, tăng 37,7 nghìn ha (+ 3,5%) do chuyển một phần diện tích lúa thiếu nước canh tác sang trồng ngô và do năm 2009 diện tích ngô của các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng bởi trận lụt lịch sử. Năng suất ngô năm 2010 ước đạt 40,9 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha (+1,9%).
Cây hàng năm khác: Sản lượng hầu hết cây hàng năm tăng khá so cùng kỳ chủ yếu do năm 2009 bị mất mùa vụ đông xuân ở Miền bắc. Sản lượng khoai lang đạt 1,3 triệu tấn, tăng 105,9 nghìn tấn (+8,7%) do tăng cả diện tích gieo trồng và năng suất thu hoạch. Diện tích khoai lang đạt 150,8 nghìn ha, tăng 4,2 nghìn ha (+ 2,9%); năng suất đạt 87,3 tạ/ha, tăng 4,7 tạ/ha (+ 5,7%).
Sản lượng đậu tương đạt 296,9 nghìn tấn, tăng 81,7 nghìn tấn (+38,0%) do chủ yếu tăng diện tích gieo trồng. Diện tích gieo trồng ước đạt 197,8 nghìn ha, tăng 50,8 nghìn ha (+ 34,6%); năng suất đạt 15,0 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha (+2,5%).
Sản lượng lạc đạt 485,7 nghìn tấn, giảm 25,2 nghìn tấn (- 4,9%) do diện tích gieo trồng giảm 5,6 nghìn ha (- 5,7%). Nămg suất ước đạt 21,0 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha (+ 0,8%).
Sản lượng sắn đạt 8,52 triệu tấn, giảm 8,9 nghìn tấn (- 0,1%) do diện tích giảm 11,6 nghìn tấn (- 2,3%). Năng suất đạt 171,7 tạ/ha, tăng 3,7 tạ/ha (+2,2%). Diện tích sắn tiếp tục giảm mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đây là năm thứ hai giảm liên tiếp do nhu cầu nguyên liệu giảm do đó nông dân trồng sắn đã chuyển đổi sang trồng loại cây trồng khác.
Sản lượng mía ước đạt 15,95 triệu tấn, tăng 338,5 nghìn tấn (+ 2,2%) so với năm 2009 do năng suất tăng 11,2 tạ/ha (+ 1,9%). Năng suất mía tăng bởi vì giá mía năm 2009 thấp nên bà con nông dân đã chuyển những diện tích trồng mía kém hiệu quả (cho năng suất thấp) sang trồng các loại cây khác
Sản lượng rau đậu các loại tiếp tục tăng khá. Sản lượng rau các loại tăng 8,8% do diện tích tăng 6,1% và năng suất tăng 2,6%;sản lượng sản lượng đậu các loại tăng 3,6% do diện tích tăng tăng 1,4%và năng suất tăng 2,1%.
Cây lâu năm:Diện tích các loại cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ. Diện tích chè búp hiện có ước đạt 129,4 nghìn ha, tăng 2,3 nghìn ha (+1,8%); diện tích cà phê ước đạt 548,2 nghìn ha, tăng 9,7 nghìn ha (+ 1,8%); diện tích cao su ước đạt 740,0 nghìn ha, tăng 22,3 nghìn ha (+ 9,2%); diện tích hồ tiêu ước đạt 51,3 nghìn ha, tăng 0,7 nghìn ha (+ 1,4%); diện tích điều ước đạt 391,4 nghìn ha, bằng cùng kỳ 2009; diện tích dừa ước đạt 140,2 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ.
Do nhiều diện tích đã đưa vào khai thác ổn định và thời tiết trong năm tương đối thuận lợi nên sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so cùng kỳ; Sản lượng chè búp tươi ước đạt 823,7 nghìn tấn, tăng 52,7 nghìn tấn (+ 6,8%) do diện tích cho sản phẩm tăng 1,6% và năng suất tăng 5,1%. Sản lượng cà phê ước đạt 1105,7 nghìn tấn, tăng 48,2 nghìn tấn (+ 4,6%) do diện tích cho sản phẩm tăng 1,4% và năng suất tăng 3,1%. Sản lượng cao su ước đạt 754,5 nghìn tấn, tăng 43,2 nghìn tấn (+ 6,1%) do diện tích cho sản phẩm tăng4,7% và năng suất tăng 1,3%; sản lượng hồ tiêu ước đạt 111,2 nghìn tấn, tăng 3,0% so cùng kỳ; sản lượng dừa ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 3,1%;
Cây ăn quả: Mặc dù diện tích gieo trồng và diện tích cho sản phẩm giảm sản lượng cam, quýt vẫn đạt 729,4 nghìn tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ; Sản lượng dứa đạt 502,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; sản lượng chuối đạt 1,7 triệu tấn, tăng 3,0%; sản lượng xoài đạt 574,0 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng bòng bởi đạt 394,1 nghìn ha, tăng 3,4%. Nhãn, vải, chôm chôm bị mất mùa nên sản lượng tiếp tục giảm, sản lượng nhãn đạt 590,6 nghìn tấn, giảm 2,6%; sản lượng vải, chôm chôm đạt 536,5 nghìn tấn, giảm 5,4%.
b)Chăn nuôi: Chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất qui mô lớn. Các mô hình chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại và trang trại tăng, các hộ chăn nuôi qui mô nhỏ giảm. Theo báo cáo của các địa phương, số trang trại chăn nuôi tại thời điểm 1/7/2010 tăng 13% so với thời điểm 1/7/2009. Các vùng có số lượng trang trại chăn nuôi tăng nhanh là: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (+26,7%), Đồng bằng sông Hồng (15,7%), Đồng bằng sông Cửu Long (14,4%).
Chăn nuôi trâu, bò: Tại thời điểm 1/10/2010, đàn trâu có 2.913,4 nghìn con bằng 100,93% so với thời điểm 1/10/2009, tăng nhẹ ở các tỉnh miền núi; sản lượng thịt trâu ước tăng 6,5%. Đàn bò có 5.916,3 nghìn con bằng 96,93%; sản lượng thịt bò ước tăng 5,9%. Xu hướng nuôi trâu, bò với mục đích lấy thịt ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi trâu, bò hiện vẫn phổ biến là nhỏ lẻ, hiệu quả chăn nuôi trâu, bò còn thấp nên chưa khuyến khích người chăn nuôi đầu tư tăng đàn. Đàn bò sữa hiện có 128,6 nghìn con, tăng 11,31%, tiếp tục phát triển ở những vùng nguyên liệu sữa. Sản lượng sữa tươi ước tăng 10,2% so với năm 2009.
Hiện nay, dịch lở mồm long móng còn xảy ra ở 14 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Quảng Ninh,Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc chưa qua 21 ngày
Chăn nuôi lợn: tại thời điểm 1/10/2010, đàn lợn có 27,37 triệu con, bằng99,08%, trong đó đàn lợn nái bằng 4,16 triệu con bằng 99,74% so 1/10/2009. Sản lượng thịt lợn hơi ước đạt mức năm 2009. Trong năm, dịch bệnh tai xanh đã xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, ảnh hưởng đến mức tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn và kết quả chăn nuôi lợn. Đến nay, đàn lợn đang có xu hướng phục hồi tốt do dịch bệnh dần được kiểm soát, giá thịt lợn hơi tăng và nhu cầu nuôi chuẩn bị nguồn thực phẩm cho dịp tết nguyên đán sắp tới. Dịch bệnh tai xanh cả nước hiện còn tỉnh Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày.
Đàn gia cầm năm 2010 tiếp tục tăng nhanh do dịch bệnh không lan rộng và nhu cầu thay thế nguồn thực phẩm do dịch bệnh tai xanh trên lợn. Tại thời điểm 1/10/2010 đàn gia cầm có 300,5 triệu con, tăng 7,25%, trong đó đàn gà có 218 triệu con, tăng 9,1% so với 1/10/2009. Sản lượng thịt gia cầm ước tăng 17,5%, sản lượng trứng ước tăng 16,5%. Đến nay, dịch cúm gia cầm còn ở 1 tỉnh là Cà Mau chưa qua 21 ngày.
Chăn nuôi khác giảm so cùng kỳ, trong đó đàn ngựa bằng 91,1%, đàn dê cừu bằng 93,69%.
2. Lâm nghiệp
Ngay từ đầu năm 2010 tình trạng khô hạn đã diễn ra tại hầu khắp các vùng miền cả nước làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, cây trồng chậm phát triển, đồng thời là nguyên nhân gây ra cháy rừng tại nhiều địa phương. Về thuận lợi, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển: Tháng 3/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 416/TTg-KTTH đồng ý cho các chủ đầu tư thực hiện dự án trồng rừng sản xuất sẽ được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được trả nợ một lần sau khi khai thác; Suất đầu tư trồng rừng phòng hộ của chương trình 661 được Chính phủ điều chỉnh tăng lên 10 triệu đồng/ha (từ năm 2009) đã được sự đồng thuận trong nhân dân cũng như các doanh nghiệp. Mặt khác tại khu vực miền Bắc và miền Trung năm nay mùa mưa đến sớm hơn, các địa phương đã tập trung chú trọng công tác chuẩn bị hiện trường, gieo ươm và chăm sóc cây giống và triển khai trồng rừng ngay từ đầu vụ Xuân, đến hết quý III các tỉnh miền núi phía Bắc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2010, các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ do thời vụ nên đến quý IV mới triển khai trồng rừng đại trà trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi.
Tình hình khai thác lâm sản, năm 2010 nhiều địa phương có rừng trồng sản xuất thuộc chương trình 5 triệu ha đến chu kỳ thu hoạch đã tăng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng. Mặt khác, do giá tiêu thụ các loại lâm sản chủ yếu trên thị trường tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ lớn phục vụ xây dựng cơ bản và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp (nguyên liệu giấy, ván ép…) nên các chủ rừng cũng tăng cường khai thác những diện tích rừng đến tuổi.
Các chỉ tiêu lâm nghiệp chủ yếu năm 2010 ước đều tăng so với năm 2009: Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 252,5 nghìn ha, tăng 3,9% so với năm 2009; Một số địa phương có diện tích rừng trồng nhiều như: Hà giang 15,5 nghìn ha; Tuyên Quang 15,5 nghìn ha, Yên Bái 14 nghìn ha; Thanh Hóa 15,3 nghìn ha, Nghệ An 14,1 nghìn ha; Quảng Nam 10,5 nghìn ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 181,5 triệu cây, tăng 0,6%. Diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng ước đạt 1.085.3 nghìn ha, tăng 5,2%. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 507,8 nghìn ha, tăng 4,5%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 4.042,6 nghìn m3, tăng 7,3%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác khá lớn như: Hà Giang 72,9 nghìn m3, Tuyên Quang 117,6 nghìn m3; Yên Bái 200,1 nghìn m3; Phú Thọ 243,5 nghìn m3; Hòa Bình 139,4 nghìn m3; Nghệ an 135 nghìn m3; Quảng Bình 104 nghìn m3; Quảng Nam 189 nghìn m3; Bình Định 208 nghìn m3... Sản lượng củi khai thác ước đạt 28.232 nghìn ste, tăng 1,4%;
Tình hình thiệt hại rừng:Trong những tháng đầu năm do khô hạn kéo dài nên tại hầu khắp các vùng miền trong cả nước có nguy cơ cháy rừng cao, tại nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng, có nơi nghiêm trọng (chủ yếu trong quý I và quý II), sang quý III và quý IV đã có mưa nhiều tại hầu khắp các địa phương nên đã hạn chế nguy cơ cháy rừng, trong quý IV trên phạm vi cả nước không còn xảy ra vụ cháy rừng nào lớn. Tình hình chặt phá rừng làm nương rẫy cũng đã được các địa phương quản lý chặt chẽ nên đã giảm hẳn so năm 2009. Tổng hợp chung cả nước năm 2010 diện tích rừng bị thiệt hại 7.780,7 ha, gấp 2,4 lần so cả năm 2009, trong đó: Diện tích rừng bị cháy 6.723,3 ha, gấp 4 lần (một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy tương đối lớn như Hà Giang 842 ha; Cao Bằng 232,3 ha; Lào Cai 795,5 ha; Yên Bái 740,5 ha; Sơn La 663 ha, Nghệ An 115,3 ha; Quảng Trị 180 ha, Kon Tum 171 ha, Đồng Tháp 130,4 ha...); diện tích rừng bị phá 1057,4 ha bằng 67,6% so với năm 2009.
3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 5127,6 ngàn tấn, tăng 5,3% so với năm 2009, trong đó cá đạt 3847,7 ngàn tấn, tăng 4,8%; tôm tăng khá, đạt 588,8 ngàn tấn, tăng 7,1%.
a) Nuôi trồng thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 2706,8 nghìn tấn, tăng 4,5 so với năm trước; trong đó cá 2058,5 nghìn tấn, tăng 4,9 %; tôm 450,3 nghìn tấn, tăng 7,4 %; thuỷ sản khác 198 nghìn tấn, giảm 4,7%.
Sản xuất cá tra gặp nhiều bất lợi do giá nguyên liệu tăng cao, thị trường tiêu thụ không thuận lợi. Các nhà máy chế biến nguyên liệu luôn trong tình trạng không chạy hết công suất do không đủ nguyên liệu đầu vào. Diện tích nuôi cá tra chưa khôi phục trở lại: So với thời điểm cuối năm 2008, diện tích nuôi cá tra công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 14%; so với thời điểm cùng kỳ năm trước thì diện tích nuôi giảm 5%. Các tỉnh giảm nhiều như An Giang (-9%); Cần Thơ (-13,6%), Bến Tre ( -8,11%). Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt một triệu tấn, giảm 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là các tỉnh nuôi truyền thống giảm nhiều về sản lượng như An Giang giảm 5,6%, Cận Thơ giảm 11,4%, Hậu Giang giảm 47,8%, còn các địa phương mới tập trung nuôi thả trong những năm gần đây đều tăng: Vĩnh Long tăng 13,7%; Tiền Giang tăng 5,8 %; Bến Tre tăng 6,3% ... Điều đó cho thấy Quyết định số 102/2008/QĐ-BNN về Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đã có tác dụng. Xu hướng nuôi đầu tư kỹ thuật với quy mô lớn tuân thủ theo qui trình sản xuất công nghiệp đang thay thế dần các hình thức nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Tuy sản lượng cá tra giảm, nhưng tổng sản lượng cá nuôi vẫn tăng 4,9% so với năm trước. Nguyên nhân do các địa phương tiếp tục thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, hướng vào thị trường nội địa, tăng năng suất nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững với các phương thức nuôi cá – lúa vùng Đồng bằng Sông Hồng, nuôi tôm sú kết hợp rừng ngập mặn tại Sóc Trăng, Cà Mau;… Đáng chú ý là nuôi thủy sản nước mặn phát triền khá mạnh với đa dạng đối tượng nuôi bằng hình thức lồng, bè. Số lượng lồng, bè nuôi các loại tăng gần 10 nghìn chiếc, bằng 9,3% cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi biển khoảng 90 nghìn lồng/bè, tăng 20%.
Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phát triển khá, giá tiêu thụ luôn ở mức cao, người nuôi đa phần có lãi, mặc dù có mưa lũ ngập tràn các ao nuôi ở Miền trung nhưng không ảnh hưởng lớn tới tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Nhiều hộ nuôi tôm chân trắng trái vụ ở Miền Trung cho hiệu quả kinh tế cao.
b) Khai thác thủy sản: Sản lượng thuỷ sản khai thác tiếp tục tăng khá, đạt 2420,8 nghìn tấn, tăng 6,2% so với năm 2009; trong đó sản lượng khai thác biển đạt 226,6 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác tăng do thời tiết khá thuận lợi cho khai thác thủy sản và năng lực khai thác thủy sản tăng. Số tầu khai thác hải sản (biển) có động cơ khoảng 130 ngàn chiếc, tăng 3,2%; tổng công suất các tàu tăng 8,4%. Số tàu trên 90CV đạt 18 ngàn chiếc, với tổng công suất tăng 9% chủ yếu do chính sách của Nhà nước về hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu khai thác hải sản từ 90 CV trở lên và thay máy tàu sang loại tiêu hao ít nhiên liệu đối với các tàu khai thác hải sản từ 40 CV trở lên (Quyết định số 289/QĐ-TTg). Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được tăng cao (Phú Yên khai thác được 5 nghìntấn, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; Bình Định 4 nghìn tấn, tăng 5,3%; Khánh Hòa 3,5 nghìn tấn, tăng 9%).
4. Xuất khẩu nông sản
Năm 2010, kinh tế thế giới đã vượt qua khủng hoảng, thương mại trên thị trường thế giới về hàng hóa nói chung, hàng nông lâm thủy sản nói riêngphục hồi, nhu cầu và giá cả tăng mạnh. Đồng thời với việc khai thác cơ hội thuận lợi từ thị trường thế giới, sản xuất trong nước được mùa nên nguồn hàng phục vụ xuất khẩu dồi dào, công tác quản lý chất lượng , vệ sinh ATTP vàhoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã tạo nên thắng lợi kép (tăng cả về lượng và giá trị) cho hoạt động xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục, ước đạt 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,6% so với năm 2009, vượt 77,3% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra (10,8 tỷ USD), tăng bình quân 17%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,95 tỉ USD, tăng 24,22% so với năm 2009; thuỷ sản đạt 4,94 tỷ USD, tăng 16,3%. Lâm sản và đồ gỗ đạt 3,63 tỷ USD, tăng 29,8%. Đã có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD thủy sản, đồ gỗ, gạo; 1 mặt hàng (cao su) có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và 2 mặt hàng (cà phê và hạt điều) có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD.
Nhờ xuất khẩu tăng mạnh, nên tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong nước nhất là những loại là nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đều thuận lợi về thị trường và giá cả. Năm 2010, ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản. Các loại nông sản có khối lượng hàng hóa lớn, khó tiêu thụ đã được hỗ trợ tạm trữ trong các thời điểm giá thế giới giảm hoặc khối lượng hàng hóa nhiều (cà phê, muối). Vì vậy, trong năm các loại nông lâm thủy sản đều được tiêu thụ kịp thời, là yếu tố quan trọng kích thích sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho nông dân.
5. Thiên tai
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLBTW, từ ngày 14/12 đến 16/12/2010 do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc ở hầu hết các tỉnh Nam Trung Bộ và một số nơi thuộc Nam Bộ mưa to, rét đậm, gió mạnh cấp 8 gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân; số người chết 07 người, mất tích 48 người.
Ước tính 12 tháng năm 2010 số người chết và mất tích do thiên tai gây ra trên 250 người; tổng thiệt hại về vật chất ước tính gần 20 ngàn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai 730 tỷ đồng, 14.000 tấn gạo.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 8308/VPCP-KTN ngày 15/11/2010 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua, đề xuất phương án khắc phục báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hiện nay, Bộ đang rà soát, tổng hợp xin ý kiến của các Bộ, trình phương án hỗ trợ cho 11 tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra (từ ngày 1/10/2010 đến 18/11/2010)./.

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NÔNG LÂM THUỶ SẢN 2010
(Giá cố định 1994)
Tỷ đồng
2009
2010
2010/2009
(%)
Toàn ngành NLTS
222 233,85
232 652,16
104,69
Chia ra
1. Nông nghiệp
161 536,45
168 385,56
104,24
1.1. Trồng trọt
124 487,26
129 406,73
103,95
1.2. Chăn nuôi
33 547,16
35 367,54
105,43
1.3. Dịch vụ
3 502,03
3 611,29
103,12
2. Lâm nghiệp
7 043,20
7 365,00
104,57
3. Thuỷ sản
53 654,20
56 901,60
106,05
3.1. Nuôi trồng
35 338,70
37 431,50
105,92
3.2. Khai thác
18 315,50
19 470,10
106,30
Diện tích, năng suất và sản lượng cây hàng năm năm 2010
Đơn vị tính
2009
2010
So sánh 2010/2009 (%)
Tổng sản lượng lương thực
1000 tấn
43.323,9
44595,7
102,9
Trong đó:+ Lúa
1000 tấn
38.950,2
39988,9
102,7
+ Ngô
1000 tấn
4.371,7
4606,8
105,4
Lúa cả năm
Diệntích
1000 ha
7.437,2
7513,7
101,0
Năng suất
tạ/ha
52,4
53,2
101,6
Sản lượng
1000 tấn
38.950,2
39988,9
102,7
Lúa Đông Xuân
Diệntích
1000 ha
3.060,9
3086,1
100,8
Năng suất
tạ/ha
61,1
62,3
102,0
Sản lượng
1000 tấn
18.695,8
19218,1
102,8
Lúa Hè Thu+ thu đông
Diệntích
1000 ha
2.358,4
2436,0
103,3
Năng suất
tạ/ha
47,5
47,6
100,1
Sản lượng
1000 tấn
11.212,2
11595,7
103,4
Lúa Mùa
Diệntích
1000 ha
2.017,9
1991,6
98,7
Năng suất
tạ/ha
44,8
46,1
102,8
Sản lượng
1000 tấn
9.042,2
9175,1
101,5
Ngô
Diệntích
1000 ha
1.089,2
1126,9
103,5
Năng suất
tạ/ha
40,1
40,9
101,9
Sản lượng
1000 tấn
4.371,7
4606,8
105,4
Khoai lang
Diệntích
1000 ha
146,6
150,8
102,9
Năng suất
tạ/ha
82,6
87,3
105,7
Sản lượng
1000 tấn
1.211,3
1317,2
108,7
Sắn
Diệntích
1000 ha
507,8
496,2
97,7
Năng suất
tạ/ha
168,0
171,7
102,2
Sản lượng
1000 tấn
8.530,5
8521,6
99,9
Mía
Diệntích
1000 ha
265,6
266,3
100,3
Năng suất
tạ/ha
587,7
598,8
101,9
Sản lượng
1000 tấn
15.608,3
15946,8
102,2
Đơn vị tính
2009
2010
So sánh 2010/2009 (%)
Thuốc lào
Diệntích
1000 ha
Năng suất
tạ/ha
16,0
16,6
103,6
Sản lượng
1000 tấn
5,6
6,3
112,5
Bông
Diệntích
1000 ha
9,6
9,1
94,8
Năng suất
tạ/ha
12,6
14,6
116,0
Sản lượng
1000 tấn
12,1
13,3
109,9
Đay
Diệntích
1000 ha
2,2
3,7
168,2
Năng suất
tạ/ha
26,8
33,2
124,0
Sản lượng
1000 tấn
5,9
12,3
208,5
Cói
Diệntích
1000 ha
10,6
10,4
98,1
Năng suất
tạ/ha
75,3
91,2
121,1
Sản lượng
1000 tấn
79,8
94,8
118,8
Lạc
Diệntích
1000 ha
245,0
231,0
94,3
Năng suất
tạ/ha
20,9
21,0
100,8
Sản lượng
1000 tấn
510,9
485,7
95,1
Đậu tương
Diệntích
1000 ha
147,0
197,8
134,6
Năng suất
tạ/ha
14,6
15,0
102,5
Sản lượng
1000 tấn
215,2
296,9
138,0
Rau các loại
Diệntích
1000 ha
735,5
780,1
106,1
Năng suất
tạ/ha
161,6
165,8
102,6
Sản lượng
1000 tấn
11.885,4
12935,3
108,8
Đậu các loại
Diệntích
1000 ha
187,6
190,3
101,4
Năng suất
tạ/ha
9,5
9,7
102,1
Sản lượng
1000 tấn
178,6
185,0
103,6

File đính kèm:
BC NongnghiepT12.10.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1539
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)