Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/09/2010-14:22:00 PM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2010
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2010 gặp nhiều khó khăn: vụ đông xuân thiếu nước trên phạm vi rộng; nắng nóng kéo dài đầu vụ hè thu và vụ mùa làm nhiều diện tích lúa phải chuyển sang trồng cây hàng năm khác; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi lan rộng ở nhiều địa phương, nhất là bệnh rầy nâu trên cây lúa và dịch bệnh tai xanh trên lợn; số vụ và quy mô cháy rừng, phá rừng có chiều hướng gia tăng so cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu tăng nhiều đợt có ảnh hưởng đến khai thác thuỷ sản;... Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi: Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể; các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác chống hạn, đảm bảo đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng cho cây trồng và hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp; thị trường xuất khẩu nhiều sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản khôi phục và phát triển;...Vì vậy, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2010 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2010 (theo giá cố định 1994) ước đạt 155 310,9 tỷ đồng, tăng 4,64% so cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 108 752,9 tỷ đồng tăng 4,41%, lâm nghiệp đạt 5 350 tỷ đồng tăng 4,09% và thuỷ sản đạt 41 208 tỷ đồng tăng 5,34%. Kết quả sản xuất từng ngành khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản như sau:
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Lúa mùa: Tính đến trung tuần tháng 9/2010, cả nước đã gieo cấy được 1606,0 nghìn ha lúa mùa, bằng 94,2%so với cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Bắc gieo cấy 1188,2 nghìn ha, bằng 96,0%; chủ yếu giảm diện tích do thiếu nước tưới. các địa phương phía Nam đang tiếp tục gieo cấy, đạt417,8 nghìn ha, bằng 85,0%. Diện tích lúa mùa 2010 cả nước ước đạt 1996,7 nghìn ha, giảm 21 nghìn ha so vụ mùa 2009 (-1%). Đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên lúa mùa ở miền Bắc sinh trưởng và phát triển tốt, hiện lúa mùa sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, nếu đến cuối vụ thời tiết không biến động phức tạp, năng suất lúa mùa 2010 ước đạt 45,8 tạ/ha, bằng 102,3%; sản lượng ước đạt 9,16 triệu tấn, tăng 110 nghìn tấn (+1,2%).
Lúa hè thu và thu đông:Diện tích lúa hè thu và thu đông năm 2010 ước đạt 2435,4 nghìn ha, tăng 3,3% so 2009. Đến ngày 15 tháng 9, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch 1692,4 nghìn ha lúa hè thu, tiến độ thu hoạch chậm hơn cùng kỳ năm trước (-5,2%). Trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1485,1 nghìn ha, bằng 97,9% so cùng kỳ, năng suất trên diện tích thu hoạch tăng nhẹ so vụ hè thu 2009 do thời tiết tương đối thuận lợi, tình hình sâu bệnh diễn biến ít phức tạp. Sản xuất lúa hè thu của các tỉnh Trung Bộ gặp nhiều khó khăn do thiếu nước làm đất gieo cấy nên không cấy hết được diện tích, giữa vụ thiếu nước tưới làm nhiều diện tích bị khô hạn, chết cháy, đến gần thời điểm thu hoạch con bão số 3 đã làm ngập úng, mất trắng hàng chục nghìn ha. Năng suất vụ hè thu và thu đông ước đạt 47,1 tạ/ha, giảm 0,8%; sản lượng ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 269,1 nghìn tấn (+ 2,4%) do yếu tố tăng diện tích (diện tích lúa thu đông 2010 tăng cao so với cùng kỳ (+27,4%).
Như vậy, nếu tính chung cả vụ đông xuân, ước tính diện tích lúa cả năm 2010 đạt 7518,5 nghìn ha, tăng 81,6 nghìn ha (+1,1%); năng suất ước đạt 53,0 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng đạt 39,85 triệu tấn, tăng 90,1 vạn tấn (+2,3%).
Cây hàng năm khác: Do diện tích, sản lượng cây vụ đông 2009-2010 tăng cao so với cùng kỳ nên hầu hết cây màu lương thực năm 2010 có diện tích và sản lượng cao hơn so cùng kỳ. Cây ngô diện tích tăng 3,0%, sản lượng ước tăng 155,2 nghìn tấn (+3,6%); Cây khoai lang diện tích tăng 3,5%, sản lượng tăng 9,2%; cây đậu tương diện tích tăng 35,2%, sản lượng tăng 37,7%; rau các loại diện tích tăng 5,7%, sản lượng tăng 8,6%...Sản xuất một số cây hàng năm bị ảnh hưởng như cây sắn và mía do đầu ra không ổn định. Diện tích sắn ước giảm 2%, sản lượng giảm 0,8%; diện tích mía giảm 0,4%, sản lượng giảm 0,6%.
Cây công nghiệp lâu năm: Diện tích trồng mới cây lâu năm 9 tháng năm 2010 đạt khá, trong đó chủ yếu là trồng mới cây chè (Yên Bái, Phú Thọ thay thế bằng giống mới), cao su trồng mới ở Tây nguyên theo dự án chuyển đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, dự án trồng cao su ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (Phú Thọ trồng mới trên 70 ha); cây cà phê, hồ tiêu chủ yếu là trồng thay thế trên diện tích cũ. Diện tích trồng mới cây ăn quả tăng nhẹ chủ yếu là tăng diện tích cam, quýt do chuyển từ đất trồng cây hàng năm qua và thay thế vườn cây già cỗi (nhãn, xoài).
Ước tính sản lượng một số cây lâu năm tăng hơn so với năm 2009 do diện tích cho sản phẩm tăng nhanh, mặt khác do được đầu tư nhiều hơn nên năng suất thu hoạch cũng giữ được ổn định và đạt khá, ước tính năm 2010 sản lượng chè búp tươi đạt 809,6 nghìn tấn, tăng 5,0% so cùng kỳ; sản lượng cao su ước đạt 761,1 nghìn tấn, tăng 7,0%; sản lượng cà phê ước đạt 1083,9 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng hồ tiêu ước đạt 110,7 nghìn tấn, tăng 2,5%. Riêng cây điều do hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều diện tích già cỗi đã được chuyển sang trồng các cây chủ lực khác, ước sản lượng điều đạt 286,0 nghìn ha, giảm 2% so cùng kỳ.
Cây ăn quả: Sản lượng nhiều loại cây ăn quả tăng so cùng kỳ do tăng cả diện tích cho sản phẩm và năng suất thu hoạch, trong đó sản lượng cam, quýt ước đạt bằng 103,5%, bưởi bằng 103,2%, nhãn ước tăng 0,5%, dứa tăng 3,0%, chuối tăng 6,5%, xoài tăng 3,0%. Riêng cây vải do mất mùa ở miền Bắc nên sản lượng vải, chôm chôm cả năm ước giảm 7,5% so cùng kỳ.
b)Chăn nuôi: Đàn trâu hiện có khoảng 2,9 triệu con, đạt xấp xỉ cùng kỳ, đàn bò có khoảng 6,2 triệu con, tăng nhẹ so cùng kỳ. Chăn nuôi trâu, bò khá thuận lợi do dịch bệnh không bị lan rộng. Sản lượng thịt trâu, bò hơi 9 tháng đầu năm ước tăng 4-5%.
Đàn gia cầm ước tăng 5-6% so với cùng kỳ do không bị ảnh hưởng của dịch bệnh; giá thịt gia cầm tương đối ổn định, người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất các loại hình trang trại, gia trại, khả năng đàn gia cầm phát triển tốt trong những tháng tiếp theo.
Đàn lợn ước tính hiện có khoảng 27,3 triệu con, bằng 98,8% so cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tai xanh; Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước tăng 3-4% so cùng kỳ, do sản lượng tiêu thụ mạnh trong những tháng đầu năm.
Trong tháng 7, 8 và 9, dịch lợn tai xanh bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước,lây lan rộng, đặc biệt ở các tỉnhĐồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, với tổng số con mắc bệnh trên 330 nghìn con, trong đó chết và tiêu hủy trên 194 nghìn con, một số tỉnh có số lợn chết và tiêu hủy lớn như Tiền Giang 44,8 nghìn con; Bà Rịa Vũng tàu 16,3 nghìn con; Bình Dương 10 nghìn, Tây Ninh 26,1 nghìn con;Lâm Đồng 18,4 nghìn con; Đồng Nai 13,3 nghìn con. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, giá thịt lợn hơi tại những tỉnh có dịch đã giảm mạnh, sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm từ 0,5 – 1,9% so cùng kỳ. Hiện nay, tại các địa phương công bố hết dịch, người dân tiếp tục chăn nuôi lại nhưng giá thức ăn chăn nuôi hiện nay còn ở mức cao, người chăn nuôi bị thiệt hại khá lớn, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh cũng gây tâm lý lo ngại khi tái đàn.
Tình hình dịch bệnh đến ngày 21/9/2010
Cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm.
Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Cả nước còn 03 tỉnh là Đăk Lăk,Hà Tĩnh và Quảng Bình có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.
Dịch bệnh tai xanh còn phát sinh ở 30 tỉnh là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Kon Tum, Đăk Nông, Gia Lai, Trà Vinh, Bình Thuận và Quảng Ninh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Đầu năm tình trạng khô hạn đã diễn ra tại hầu khắp các vùng, miền cả nước làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, cây trồng chậm phát triển, đồng thời là nguyên nhân gây ra cháy rừng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên sản xuất lâm nghiêp năm 2010 cũng có nhiều thuận lợi cơ bản: Tháng 3/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 416/TTg-KTTH đồng ý cho các chủ đầu tư thực hiện dự án trồng rừng sản xuất sẽ được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được trả nợ một lần sau khi khai thác, không tính lãi gộp; Suất đầu tư trồng rừng phòng hộ của chương trình 661 đã được Chính phủ điều chỉnh tăng lên 10 triệu đồng/ha (từ năm 2009) đã được sự đồng thuận trong nhân dân cũng như các doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp của Nhà nước đã tạo động lực thúc đẩy công tác phát triển rừng. Mặt khác tại các địa phương miền Bắc và miền Trung năm nay mùa mưa đến sớm hơn nên thuận lợi cho công tác trồng và nuôi rừng. Do công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng, gieo ươm và chăm sóc cây giống đã được chú trọng thực hiện sớm từ đầu năm nên nhiều địa phương đã tập trung, tăng cường trồng rừng ngay từ vụ Xuân, đến hết quý III các tỉnh miền núi phía Bắc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2010, các tỉnh Nam bộ hiện đang bước vào trồng rừng chính vụ. Tình hình khai thác lâm sản, do giá tiêu thụ các loại lâm sản chủ yếu trên thị trường tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ lớn phục vụ xây dựng cơ bản và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp (nguyên liệu giấy, ván ép…). Mặt khác nhiều địa phương có rừng trồng sản xuất thuộc chương trình 5 triệu ha đến chu kỳ thu hoạch đã tăng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng. Tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu lâm nghiệp đều tăng so cùng kỳ 2009. Tính chung 9 tháng đầu năm 2010 diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 164 nghìn ha, tăng 3,8% so cùng kỳ 2009; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 163,2 triệu cây, tăng 0,1%; Sản lượng gỗ khai thác đạt 2.740,8 nghìn m3, tăng 6,2%; Sản lượng củi khai thác 21.155 nghìn ste, tăng 2,5%.
Tình hình thiệt hại rừng:Trong những tháng đầu năm do khô hạn kéo dài nên tại hầu khắp các vùng miền trong cả nước có nguy cơ cháy rừng cao, tại nhiều địa phương do bất cẩn của người dân khi đi rừng kết hợp với thời tiết nắng nóng nên đã để xảy ra cháy rừng, có nơi nghiêm trọng (chủ yếu trong quý I và quý II), sang quý III trên phạm vi toàn quốc đã có mưa nhiều, độ ẩm cao nên nguy cơ cháy rừng thấp, trong tháng 9 chỉ còn xảy ra 10 vụ cháy, diện tích bị cháy 10,7 ha. Tính chung 9 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại 7.773,7 ha, gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm 2009, trong đó: Diện tích rừng bị cháy 6.718,3 ha, gấp 4,22 lần (một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy tương đối lớn như Hà Giang 842 ha; Cao Bằng 232,3 ha; Lào Cai 795,5 ha; Yên Bái 740,5 ha; Sơn La 663 ha, Nghệ An 115,3 ha; Quảng Trị 180 ha, Kon Tum 171 ha, Đồng Tháp 130,4 ha...); diện tích rừng bị phá 1.055,4 ha bằng 69,9%.
3. Thuỷ sản
Sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản trong 9 tháng đầu năm diễn biến khá phức tạp: Thời tiết nắng hạn vào những tháng giữa năm làm cho mực nước trong các ao hồ xuống thấp, nước biển xâm nhập vào các vùng nuôi ven biển làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài thủy sản. Giá thức ăn đầu vào cho nuôi thủy sản và chi phí nhiên liệu cho đánh bắt thủy sản cao, giá bán một số mặt hàng không ổn định ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất thủy sản. Tuy vậy, các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ thiên tai cho nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ công suất lớn và thay máy cũ tiêu hao nhiều nguyên liệubằng máy mới ít hao nguyên liệu hơn đã giúp được ngư dân yên tâm đầu tư sản xuất. Do vậy, sản xuất thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2010 ước đạt 3794 nghìn tấn, tăng 4,7 %, trong đó cá đạt 2871 nghìn tấn, tăng 4,5 %; tôm đạt 412 nghìn tấn, tăng 6,3 %.
a) Nuôi trồng thuỷ sản:Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 2013 nghìn tấn, tăng 4,8 % so cùng kỳ năm trước; trong đó cá 1526 nghìn tấn, tăng 4,5 %; tôm 320 nghìn tấn, tăng 6,8 %.
Nuôi cá tra không có tình trạng ứ đọng như năm trước nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn thuỷ sản vẫn ở mức cao, giá bán cá và thị trường tiêu thụ không ổn định , chỉ có các hộ nuôi qui mô lớn, trình độ kỹ thuật cao mới có lãi, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không thể nuôi trở lại dẫn tới diện tích cá tra giảm hơn so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 12 nghìn ha, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp khoảng 6 nghìn ha, xấp xỉ với cùng kỳ. Các địa phương diện tích thả nuôi cá tra giảm nhiều là: An Giang -19%; Cần Thơ -24%; Bến tre - 22%. Tính chung 9 tháng đầu năm, sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 994 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy sản lượng cá tra giảm, nhưng tổng sản lượng cá nuôi vẫn tăng 4,5% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các địa phương tiếp tục thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, tăng năng suất nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Điển hình là diện tích nuôi nước ngọt lúa-cá phát triển mạnh ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng và Miền Trung;nuôi kết hợp tôm-cá, tôm-cua , tôm - lúa ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang … ngoài ra số lượng lồng, bè nuôi các loại cá biển tiếp tục tăng ở nhiều địa phương như Quảng Ninh tăng 537 lồng (+7,4%), Hải Phòng tăng 634 lồng (+6,5%), Ninh Thuận tăng 98 lồng (gấp 2,6 lần), Kiên Giang tăng 84 lổng (+10%),…
Nuôi tôm chính vụ đã thu hoạch xong, giá bán cao do nhu cầu thị trường thế giới tăng, các nhà máy chế biến luôn bị thiếu hụt nguyên liệu. Sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico trong tháng 4-2010, khiến nhiều ngư trường khai thác thủy hải sản tại khu vực này phải đóng cửa; bên cạnh đó, việc nhiều nước xuất khẩu tôm lớn như ấn Độ, Thái Lan mất mùa khiến giá tôm xuất khẩu đang ở mức cao, tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm. Tuy nhiên do năm trước nuôi tôm sú không có lãi và tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng, dịch bệnh khiến người nuôi không mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục phát triển nhưng tốc độ tăng sản lượng chậm hơn năm trước (tăng 8%) do khu vực Miền Trung bị dịch bệnh thân đỏ đốm trắng.
b) Khai thác thủy sản:Sản lượng thuỷ sản khai thác 9 tháng đầu năm 2009 ước đạt 1781 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1640 nghìn tấn, tăng 5,2%. Sản lượng khai thác đạt khá do thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi thêm vào đó chính sách hỗ trợ ngư dân thay máy tàu sang loại máy mới tiêu hao ít nguyên liệu hơn và mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản có công suất máy từ 90 CV trở lên theo Quyết định289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phần nào đã tác động tích cực đến ngư dân khai thác. Số tàu khai thác biển có động cơ ước tính gần 130 nghìn chiếc, tăng 1,6% so với cùng. Trong đó số tàu trên 90CV gần 18 ngàn chiếc, tăng 5,4%. Tuy nhiên, khai thác thuỷ sản cũng đang gặp khó khăn vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2009, ước đạt 3623,3 nghìn tấn, tăng 4,1 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2755,3 nghìn tấn, tăng 3,7 %; tôm đạt 380,4 nghìn tấn, tăng 3,6 %.
4. Tình hình giá cả thị trường nông sản
Giá lúa gạo có chiều hướng tăng so với tháng 8 năm 2010: lúa tẻ thường phổ biến ở mức 4100-5200 tùy loại, mức tăng khoảng 300- 700đ/kg. Mặt hàng thịt lợn tăng giá so với tháng 8 năm 2010 bình quân khoảng 1400đ/kg do người tiêu dùng bắt đầu sử dụng thịt trở lại sau ảnh hưởng của dịch tai xanh: lợn hơi khoảng 33.000-34.000đ/kg (tăng 1000đ/kg). Các loại thực phẩm khác nhìn chung ổn định, giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá cụ thể như sau: giá thịt bò khoảng 95000-100.000 đ/kg (đứng giá), tôm càng xanh khoảng 190.000/kg-220.000đ/kg (tăng nhẹ); cá tra 22000 - (tăng 1000đ/kg); cá diêu hồng 33.000 đ/kg (giảm 1000đ/kg). Riêng các mặt hàng gia cầm tăng giá đáng kể do ảnh hưởng của dịch tai xanh ở lợn nên nhu cầu sản phẩm gia cầm tăng mạnh: vịt hơi khoảng 37.000đ/kg (tăng 5000đ/kg), thịt gà hơi 69.000 -74.000đ/kg (tăng 4000đ/kg). Giá các loại rau củ quả tăng không đáng kể so với tháng trước, riêng một số mặt hàng giảm giá như hành lá giảm 4000đ/kg còn 8000đ/kg, Cải xanh 5000đ/kg (đứng giá); rau cải ngọt 4000đ/kg (tăng 500đ/kg), rau muống 4000đ/kg (giảm 1000đ/kg), xà lách 8000đ/kg (đứng giá).
5. Thiên tai
Trong tháng 9 không xảy ra thiên tai nào lớn. Từ đầu năm đến nay trong cả nước đã xuất hiện 3 cơn bão và một số trận mưa, lũ quét, lũ ống, làm chết 46 người, bị thương 159 người. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW, thiệt hại do thiên tai gây ra trong 9 tháng đầu năm 2010 khoảng 1.699 tỷ đồng, trong đó: Lũ quét 104 tỷ đồng; lốc, sét, mưa khoảng 115,3 tỷ đồng, bão số 1 khoảng 74,5 tỷ đồng, bão số 2 khoảng 38 tỷ đồng, bão số 3 khoảng 1.367,3 tỷ đồng.
6. Kiến nghị một số giải pháp trong 3 tháng cuối năm
Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2010, trong 3 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
(1). Tiếp tục thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu. Đây là giải pháp lâu dài nhằm tránh sự quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong 1 giai đoạn nhất định, đồng thời tránh những rủi do cho người sản xuất.
(2). Triển khai các biện phápkỹ thuật kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu.
(3). Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là theo dõi diễn biến của dịch tai xanh, bùng phát trở lại dịch cúm gia cầm vào mùa đông, không để lây lan trên diện rộng gây thiệt hại và gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất. Tăng cường hơn nữa công tác giết mổ kiểm dịch và vận chuyển gia súc gia cầm để tránh tình trạng lây nan mầm bệnh sang các địa phương không bị dịch bệnh phát sinh.
(4). Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, kể cả khai thác thị trưởng tiêu dùng trong nước để thúc đẩy sản xuất phát triển.
(5) Tổ chức tốt việc thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa để phát triển thuỷ sản, kết hợp bảo vệ an ninh tổ quốc./.

File đính kèm:
BCNongnghiepT9.10.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1418
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)