Báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/4/2011
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Trọng tâm sản xuất nông nghiệp tháng Tư là chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.
Tính sơ bộ, đến trung tuần tháng 4/2011, các địa phương phía Bắc đã cơ bản kết thúc gieo cấy lúa đông xuân, diện tích gieo cấy đạt 1135,7 nghìn ha, tăng 1,1% so vụ đông xuân năm trước. Do thời tiết năm nay rét muộn, lúa và hoa màu sinh trưởng, phát triển chậm hơn cùng kỳ 7 đến 10 ngày. Đến nay, thời tiết ấm dần, thuận lợi cho cây trồng phát triển, lúa trà sớm đã bắt đầu trỗ bông, trà trung đã bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng, trà muộn đang đẻ nhánh rộ.
Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, độ ẩm trong không khí cao, tiết trời âm u ít nắng, là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh gây hại phát triển, chủ yếu là bệnh khô vằn, nghẹt rễ, rêu hại với trên 8 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùngĐồng bằng sông Hồng và vùng Trung du, miền núi phía Bắc (Hà Nam 5,2 nghìn ha); hơn 3 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lá sinh lý, chủ yếu là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ; 4,2 nghìn ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công (Điện Biên 3,3 nghìn ha). Các địa phương đang tích cực phun thuốc phòng trừ sâu bệnh để ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng, đồng thời theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh để kịp thời có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả sản xuất.
Tính đến trung tuần tháng 4, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.670,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 95,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1511,2 nghìn ha, chiếm 96% diện tích xuống giống và sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 4. Mặc dù năm nay các tỉnh vùng ĐBSCL mực nước lũ thấp, không có lượng phù sa về nhiều, nhưng thời tiết nhìn chung thuận lợi cho cây lúa như: đầu vụ mực nước thấp dễ gieo sạ, trong giai đoạn lúa từ trổ đến chín số giờ nắng trong ngày cao nên lúa phát triển tốt, ngoài ra người dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, nên theo báo cáo của các tỉnh, sản lượng lúa đông xuân sơ bộ toàn vùng đạt 10,38 triệu tấn, tăng khoảng 108 nghìn tấn (+1,1%) so với đông xuân năm 2010, do diện tích và năng suất tăng nhẹ: diện tích tăng 2,9 nghìn ha (+0,2%); năng xuất tăng 0,6 tạ/ha (+0,9%).
Các tỉnh duyên hải Nam trung bộ và Tây nguyên bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm, nhìn chung năng suất lúa năm nay dự ước giảm so đông xuân 2010 do ảnh hưởng của thời tiết rét lạnh kéo dài làm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển chậm. Khoảng 1.200 ha lúa trà 1, trà 2 của tỉnh Quảng Nam đang đồng loạt nở rộ thì gặp mưa lạnh kéo dài khiến hạt không ngậm sữa rồi thối đen; Hơn 4.600 ha lúa của các tỉnh Tây Nguyên bị thiếu nước, trong đó 1.300 ha bị mất trắng; Ngoài ra, các bệnh như đạo ôn, sâu cuốn lá, lem lép hạt… cũng là nguyên nhân làm giảm năng suất, sản lượng lúa các vùng trên.
Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã bắt đầu gieo sạ lúa hè thu, diện tích gieo sạ đạt 699,5 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 673,1 nghìn ha, bằng 104%. Một số tỉnh có tiến độ gieo sạ nhanh là: An Giang 110 nghìn ha; Cần Thơ 71,5 nghìn ha. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các cơn mưa chuyển mùa nên đến thời điểm này hầu hết diện tích lúa Hè Thu xuống giống đều đủ nước, cây lúa đang được nông dân tích cực chăm sóc nên sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm khác nhìn chung chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến trung tuần tháng Tư, cả nước gieo trồng được 348 nghìn ha ngô, bằng 80,5%; 91,2 nghìn ha khoai lang, bằng 98,3%; 172,7 nghìn ha lạc, bằng 103,6%; 119,4 nghìn ha đậu tương, bằng 96,4% và 482,9 nghìn ha rau đậu, bằng 108,3% so cùng kỳ năm trước.
b. Chăn nuôi
Chăn nuôi tháng 4 có chiều hướng phục hồi về số đầu con gia súc, gia cầm bị giảm do nhu cầu giết mổ từ những tháng đầu năm, trong đó đàn lợn và đàn trâu bò tăng nhẹ, đàn gia cầm tăng khá do không chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai và dịch bệnh; ngoài ra giá cả các loại thịt gia súc, gia cầm trên thị trường tăng lên, người nuôi tính toán có hiệu quả khi tái đàn. Do tháng 4 là tháng chuyển mùa nên rải rác ở các địa phương đã xuất hiện trâu bò, lợn ốm chết. Ngành thú y ở các địa phương đang triển khai công tác tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm.
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ điều kiện thời tiết nhìn chung khá thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp, hầu khắp các vùng miền trong cả nước đều đã có mưa nên tình trạng khô hạn kéo dài trong thời gian qua cơ bản đã kết thúc. Các địa phương (chủ yếu Bắc bộ và Trung bộ) đang tập trung thực hiện công tác trồng rừng vụ xuân đồng thời tiếp tục chăm sóc những diện tích rừng mới trồng và khoanh nuôi, tái sinh rừng. Về khai thác lâm sản, các địa phương đang tiếp tục thực hiện khai thác gỗ theo kế hoạch năm 2011 (trong quý I nhiều địa phương còn khai thác theo chỉ tiêu của năm2010), nhìn chung các loại lâm sản chủ yếu khai thác đều tăng so cùng kỳ năm trước. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng 4 đạt được như sau: Diện tích rừng trồng tập trung đạt 12,1 nghìn ha, so cùng kỳ năm 2010 tăng 7%; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán 17,2 triệu cây (tăng 0,6%); Sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 354 nghìn m3 (tăng 7,2%); Sản lượng củi khai thác 2,68 triệu ste (tăng 3%).
Tính chung 4 tháng đầu năm 2011 diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 33,1 nghìn ha, so 4 tháng đầu năm 2010 chỉ bằng 87%, do trong quý 1 hạn hán kéo dài tại hầu khắp các địa phương nên tiến độ trồng rừng thấp hơn so cùng kỳ năm 2010; số cây trồng phân tán 77,5 triệu cây (tăng 1%); gỗ khai thác đạt 1.310,5 nghìn m3 (tăng 6,6%); sản lượng củi khai thác 9,7 triệu ste (tăng 2,7%).
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng: Tình trạng hạn hán kéo dài trong những tháng đầu năm đến nay đã kết thúc, nguy cơ cháy rừng tại các vùng miền đã giảm hẳn so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên tại một số địa phương tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng diễn ra còn phức tạp, vẫn còn tình trạng lấn đất rừng để lấy đất canh tác. Trong kỳ chỉ xảy ra 5 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy 12,4 ha; chặt phá rừng trái phép 23 vụ, diện tích rừng bị phá 15,1 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại 124,2 ha, chỉ bằng 4,2% so cùng kỳ năm 2010, trong đó diện tích rừng bị cháy 52,3 ha, diện tích rừng bị phá 61,9 ha.
3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 4 ước đạt 396,3 nghìn tấn, tăng 3%, trong đó sản lượng cá đạt 315 nghìn tấn, tăng 3,2%; sản lượng tôm đạt 32,7 nghìn tấn, tăng 3,5%.
a. Nuôi trồng thuỷ sản
Ước tính sản lượng nuôi trồng trong tháng đạt 190,3 nghìn tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 156 nghìn tấn, tăng 6,3%; sản lượng tôm đạt 24 nghìn tấn, tăng 4,3%.
Giá cá tra nguyên liệu vẫn được duy trì ở mức cao (từ 25-26,5 nghìn đ/kg), với mức giá này người nuôi có thể có lãi từ 3-4 nghìn đ/kg. Tuy nhiên diện tích nuôi cá tra không mở rộng nhiều, người nuôi vẫn còn lo ngại do giá cả biến động thất thường trong thời gian dài, nhiều hộ vẫn chưa trả hết nợ do thua lỗ, thêm vào đó giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao và việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi còn khó khăn, yêu cầu chặt chẽ trong quy trình nuôi.
Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển tương đối tốt. Nhiều ao nuôi mới được đào ởnhững vùng được quy hoạch dẫn tới diện tích thả nuôi tăng khá: Bạc Liêu 116 nghìn ha đang thả nuôi, tăng 5,5% so với cùng kỳ; Cà Mau 270 nghìn ha, tăng 1%; Sóc Trăng 28 nghìn ha, tăng 3%... Mặc dù lịch thả nuôi vụ I chậm nhưng tôm nuôi được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất lượng con giống và thời điểm thả nuôi nên dịch bệnh xảy ra không nhiều so với năm trước.
Nuôi các loại thủy sản khác phát triển khá ổn định cùng với việc thực hiện chủ trương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững của ngành nông lâm thủy sản. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua , tôm - lúa, lúa - cá…. Phát triển nuôi lồng, bè trên biển, với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá giò, tu hài….
b. Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 206 nghìn tấn, tăng 0.6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 196 nghìn tấn, tăng 0,6%
Mặc dù thời tiết khá tốt cho khai thác biển, các loài hải sản như cá cơm, cá nục, cá trác, cá hố, cá động, cá ngừ, cá bạc má, mực ống, nang, lá… xuất hiện nhiều trên các ngư trường nhưng giá xăng dầu tăng cao khiến hầu hết các tàu bám biển dài ngày đều hoạt động không có lãi, nhiều tàu thuyền quay trở lại đánh bắt gần bở (Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Thuận...) làm ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác và nguồn lợi thủy sản.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản các loại đạt 1497 nghìn tấn, tăng 3,1%.
4. Giá cả nông sản
- Lương thực: giá lúa mua buôn tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 6350đ/kg đến 6950đ/kg tùy loại, tăng nhẹ so với tháng trước khoảng 100-600đ/kg. Cụ thể: lúa IR50404 có giá 6350đ/kg (tăng nhẹ 300đ/kg), lúa Jasmine có giá 6950đ/kg (tăng 250 đ/kg), lúa CLC VNDD95-20 có giá 6500đ/kg (tăng 600đ/kg) nhưng giá gạo không có xu hướng tăng mà đứng giá do tháng trước. Gạo Jasmine có giá 13000-14000đ/kg (đứng giá), gạo CLC 11000đ/kg (đứng giá), gạo thường 9700-10500đ/kg (tăng 300đ/kg).
- Rau quả các loại: Giá bán tại chợ các loại rau quả giảm so với tháng trước vẫn ở mức khá cao. Giá cả tại chợ đầu mối như sau: cải xanh 6000đ/kg (giảm 1000đ/kg), xà lách 6000đ/kg (giảm 2000đ/kg), cà tím 6000đ/kg (đứng giá), cà chua 7000đ/kg (đứng giá)
- Giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng giảm tùy loại: giá lợn hơi 46000-49000đ/kg (tăng 3000đ/kg), thịt lợn đùi 78000đ/kg (tăng 8000đ/kg so với tháng trước), thịt ba chỉ 73000đ/kg (tăng 5000đ/kg); gà nguyên con 110.000đ/kg (tăng 5000đ/kg); thịt bò 135.000đ/kg (giảm 5000đ/kg). Giá các loại thủy hải sản nhìn chung ổn định: cá diêu hồng 35000đ/kg (tăng 1000đ/kg), tôm càng xanh 200000đ/kg (giảm 20.000đ/kg)
- Vật tư nông nghiệp: nhìn chung ổn định. Urê của Trung Quốc có giá 920đ/kg (giảm 6000đ/kg); Urê Phú Mỹ có giá 9400đ/kg. Phân DAP của Philipin có giá 15600/đkg (giảm 400đ/kg), DAP Trung Quốc 15000đ/kg (giảm 500đ/kg
5. Thiên tai, dịch bệnh
a. Thiên tai: tình hình thiên tai trong tháng qua không có diễn biến bất thường trên đại bàn cả nước.
b. Dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiện diễn biến theo chiều hướng phức tạp (dịch tai xanh, LMLM, cúm gia cầm) ở nhiều địa phương trên các vùng của cả nước.
- Tình hình dịch cúm gia cầm: Hiện cả nước có 06 tỉnh là Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đắc Lắc, hà Nam, Bắc Cạn và Quảng Trị có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
- Dịch LMLM: Hiện nay trên toàn quốc có 20 tỉnh có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày bao gồm Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Phú Yên, Nghệ An, Quảng Nam, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Lai Châu và Lâm Đồng. Xu hướng dịch LMLM có giảm.
- Dịch tai xanh trên lợn: tại 2 địa phương phát hiện thêm ổ dịch mới là Nghệ An và Quảng Trị, tình hình diễn biến còn rất phức tạp và đây cũng là 02 địa phương còn ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Về công tác phòng chống dịch: Lãnh đạo Bộ, Cục Thú y đãthị sát và chỉ đạo trực tiếp công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Về nguồn vắc xin phòng chống, Bộ NN&PTNT chủ động điều hòa giữa các vùng, phù hợp với các chủng vi rút để đạt hiệu quả chống dịch cao nhất./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư