Báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 30/6/2011
1. Trồng trọt
Sản xuất lúa Đông Xuân cả nước đạt khoảng 3.069 ngàn ha, giảm 14 ngàn ha so với vụ đông xuân trước. Tuy nhiên, năng suất lúa ước tăng hơn so với Vụ Đông xuân trước khoảng 0,6 tạ/ha, bình quân đạt 63 tạ/ha nên sản lượng đạt khoảng 19,3 triệu tấn, tăng 87 ngàn tấn. Trong đó: các tỉnh phía Bắc đạt 1.134 ngàn ha, năng suất khoảng 61 tạ/ha, sản lượng đạt 6,9 triệu tấn, tăng 72 ngàn tấn; các tỉnh phía Nam đạt 1.935 ngàn ha, năng suất khoảng 64,1 tạ/ha, sản lượng đạt 12,4 triệu tấn, tăng trên 15 ngàn tấn.
Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đang tích cực xuống giống vụ Hè Thu, đến 15/6/2011 đã xuống giống được 1.265 nghìn ha/1.746 nghìn ha đạt 72,6% so với kế hoạch. Các tỉnh phía Bắc đang gấp rút chuẩn bị đất, giống cho Vụ Hè thu/mùa ở những nơi đã thu hoạch lúa Đông xuân.
Để thực hiện chủ trương sản xuất thêm 1 triệu tấn lúa năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xác định khả năng mở rộng diện tích sản xuất lúa Thu Đông, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo “làm đâu được đấy”, nhất là ở những nơi đã sản xuất thắng lợi trong những năm qua.
2 Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm bị tác động bởi: (1) rét đậm, rét hại kéo dài từ cuối năm 2010 đầu năm 2011 đã làm gần 100 ngàn trâu, bò và gia súc ăn cỏ trên cả nước bị chết; (2) dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi làm suy giảm đầu con và khả năng đầu tư, tái đàn thấp; (3) giá các loại thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn tăng cao. Để khắc phục khó khăn, các địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng chống rét, chống đói và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích khôi phục, phát triển sản xuất, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời đề xuất và phối hợp tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi.
Hiện nay, đàn lợn trên cả nước có 26,3 triệu con, giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm 2010; đàn trâu, bò có hơn 8,5 triệu con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có 293,7 triệu con, tăng 5,87% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy số lượng đầu con giảm nhưng sản lượng các sản phẩm chăn nuôi vẫn tăng, cụ thể: sản lượng thịt bò tăng 4,87%, thịt trâu tăng 9,3%, sản lượng thịt gia cầm tăng 16,8%, sản lượng trứng tăng 18,97%, sản lượng sữa tăng 5,44%.
3. Lâm nghiệp
Về công tác lâm sinh: ngay từ đầu năm các địa phương đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn vốn được cấp quá ít (so với chỉ tiêu nhiệm vụ còn thiếu 1.000 tỷ đồng) nên nhiều địa phương mới chỉ thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch theo vốn đã được phân bổ. Ước tính đến 20/6/2011, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 48,8 nghìn ha, bằng 62,3% so với cùng kỳ, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 1,8 nghìn ha, bằng 13,3% so với cùng kỳ; rừng sản xuất đạt 47 nghìn ha, bằng 72,5% so với cùng kỳ. Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 220 nghìn ha, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Trồng cây phân tán đạt 108,1 triệu cây, diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 647,2 nghìn ha tương đương cùng kỳ năm 2010.
Về công tác bảo vệ rừng: tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy; quyết liệt phòng chống phá rừng trái phép, nhất là các vùng trọng điểm ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Đến 31/5/2011 cả nước xảy ra 146 vụ cháy rừng và trảng cỏ cây bụi (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2010), diện tích thiệt hại trên 1.000 ha rừng (giảm 78% so với cung kỳ năm 2010). Các vụ cháy xảy ra đều được phát hiện và dập tắt kịp thời nên không xảy ra những vụ cháy lớn.
4. Thuỷ sản
Về nuôi trồng: giá thức ăn tăng cao cộng với thời tiết không thuận (nắng nóng ban ngày và nhiệt độ hạ thấp vào ban đêm, xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa) làm suy giảm sức đề kháng của các đối tượng nuôi, đồng thời xuất hiện nhiều mầm bệnh mới, hạn chế hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã tập trung hướng dẫn triển khai nuôi trồng thủy sản theo đối tượng phù hợp cho từng vùng sinh thái và theo mùa vụ; tăng cường quản lý các yếu tố đầu vào, trong đó chú trọng quản lý chất lượng giống và thức ăn; chỉ đạo đối phó với dịch bệnh, dập dịch không để lây lan. Ước sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 06 thángđạt 1.255,6 ngàn tấn, tăng 4,1% cùng kỳ năm 2010.
Về khai thác, 6 tháng đầu năm là thời điểm kết thúc vụ cá Bắc và bước vào sản xuất vụ cá Nam, tình hình thời tiết biển tương đối thuận lợi cho khai thác thủy hải sản, bà con ngư dân đã tích cực triển khai đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cá của ngư dân bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng lên hơn 40%. Để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý khai thác thuỷ sản một cách tổng hợp, toàn diện, cả về quản lý tàu thuyền, nghề khai thác, ngư dân, … hướng dẫn triển khai việc thành lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển; triển khai nhiều chương trình khuyến ngư, động viên, khuyến khích ngư dân tích cực bám biển kết hợp khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ biển đảo tổ quốc. Ước sản lượng khai thác thuỷ sản 06 thángước đạt 1.243,3 ngàn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2010.
5. Sản xuất muối
Sáu tháng đầu năm, thời tiết không thuận lợi cho sản xuất muối nên mặc dù diện tích muối của cả nước đạt khoảng 14.854 ha, bằng 98,3% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng sản lượng muối thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, ước đạt khoảng 450 ngàn tấn, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2010.
6. Giá cả nông sản, vật tư trong nước
- Lương thực: giá lúa mua buôn vụ Hè Thu từ 5700-7000đ/kg tùy loại (giảm so với tháng 5 nhưng với biên độ không lớn) do đang vào mùa thu hoạch. Cụ thể: lúa IR50404 có giá 5700-5800đ/kg (giảm 100-300đ/kg), lúa Jasmine có giá 6800-7000đ/kg (giảm 100đ /kg), lúa CLC VNĐ95-20 có giá 6000 đ/kg (giảm 300đ/kg) kéo theo giá gạo dao động không lớn hoặc đứng giá. Gạo Jasmine có giá 12500-14000đ/kg (giảm 500đ/kg), gạo CLC 10000đ/kg (giảm 1000đ/kg), gạo tẻ thường 9.500-10.500đ/kg (giảm 500đ/kg).
- Rau quả các loại: Giá bán lẻ tại các chợ như sau: cải xanh 6000đ/kg (giảm 1000đ/kg), xà lách 12000đ/kg (tăng 4000đ/kg), cà tím 8000đ/kg (tăng 2000đ/kg), cà chua 7000đ/kg (tăng 1000đkg). Nhìn chung giá cả các loại rau quả có xu hướng tăng, tăng mạnh ở vài mặt hàng nhất định, nguyên nhân có thể do thời tiết nắng nóng, quá trình sản xuất, thu hái và bảo quản gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến nguồn cung.
- Giá cả các mặt hàng thực phẩm nhìn chung khá ổn định: giá lợn hơi 55000đ/kg (đứng giá), thịt lợn đùi 90000đ/kg (đứng giá), thịt ba chỉ 87000đ/kg (tăng 2000đ/kg so vớitháng 5); gà nguyên con làm sẵn 115.000đ/kg (tăng 10.000đ/kg); thịt bò 150.000đ/kg (đứng giá). Giá các loại thủy hải sản nhìn chung ổn định: cá diêu hồng 35000đ/kg (đứng giá), tôm càng xanh 220.000đ/kg (đứng giá)
- Vật tư nông nghiệp tăng giá ở các mặt hàng phân đạm (cả trong nước và nhập khẩu): Urê của Trung Quốc có giá 10.300đ/kg (tăng 1.100đ/kg); Urê Phú Mỹ có giá 10.500đ/kg (tăng 1200đ/kg). Phân DAP của Philipin có giá 15800/đkg (đứng giá), DAP Trung Quốc 14300đ/kg (giảm 300đ/kg)
7. Thiên tai, dịch bệnh
a. Tình hình cơn bão số 2: Hồi 4 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8. Do ảnh hưởng của bão sẽ gây mưa lớn và gió giật cấp 6-7 ở khu vực Bắc Bộ và Bắctrung Bộ, hiện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện số 13/CĐ-VPTW và 14/CĐ-VPTW; Công điện số 15/CĐ-TW ngày 23/6/2011 gửi Ủy ban PCLB và TKCN các địa phương để chủ động đối phó với tình hình, diễn biến phức tạp của bão.
Tình hình thiệt hại do các thiên tai khác:
- Dông, lốc xoáy tại Hải Phòng: Theo báo cáo nhanh của BCH PCLB&TKCN thành phố Hải Phòng, lúc 17h15’ ngày 23/6/2011, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn xã An Lư, huyện Thủy Nguyên đã xảy ra trận lốc xoáy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thống kê thiệt hại ban đầu: 02 người người chết; 79 người bị thương; 16 nhà bị sập, 1.021 nhà bị tốc mái; 12 phòng học bị tốc mái và nhiều tài sản khác của nhân dân chưa thống kê được.
- Đêm hôm qua, tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã xảy ra dông, lốc trên diện rộng (20 xã), gió cấp 10, 11. Hiện chưa có thiệt hại về người; hoa màu và nhà cấp 4 đổ và tốc mái. UBND huyện đã cử cán bộ xuống chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục tại hiện trường và sẽ có báo cáo chính thức sau.
- Mưa, lũ quét tại Yên Bái: Theo báo cáo của trực ban PCLB&TKCN tỉnh Yên Bái, do mưa lớn đêm ngày 22/6, trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Căng Chải đã xảy ra lũ quét. Lũ quét đã cuốn trôi 4 người đi bắt cá trên suối, hiện mới tìm thấy thi thể 01 người, 03 người còn lại vẫn bị mất tích; làm hư hại 15ha lúa, trong đó 10ha mất trắng do bị bùn, đá vùi lấp. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện huy động lực lượng tại chỗ gồm huyện đội, công an địa phương để tìm kiếm cứu nạn. Hiện khu vực bản Xua Lông vẫn bị chia cắt.
- Tại tỉnh Đồng Tháp: Theo báo cáo nhanh của BCH PCLB&TKCN tỉnh Đồng Tháp, ngày 22/6/2011 trên địa bàn xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự đã xảy ra dông lốc kèm theo sấm sét đã làm 01 người chết và 02 người bị thương do bị sét đánh. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người bị thiệt hại.
b. Dịch bệnh trên gia súc gia cầm
- Tình hình dịch cúm gia cầm: Tính đến hết 17/6/2011, cẩ nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và không phát sinh ổ dịch mới.
- Dịch LMLM: Hiện nay trên toàn quốc còn tỉnh là Đắc Lắc có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày, không phát sinh ổ dịch mới.
- Dịch tai xanh trên lợn: Hiện cả nước còn tỉnh Bình Dương có ổ dịch chưa qua 21 ngày./.
File đính kèm: BCKT Nong nghiep T6.11.pdf
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư