Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/06/2010-09:24:00 AM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 6 và 6 tháng năm 2010
Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22 tháng 06 năm 2010
1. Tình hình chung
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2010 gặp nhiều khó khăn: thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài làm thiếu nước tưới trên diện rộng; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi phát triển ở nhiều địa phương, nhất là bệnh rầy nâu trên cây lúa và dịch bệnh tai xanh trên lợn; số vụ và quy mô cháy rừng, phá rừng có chiều hướng gia tăng so cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu tăng nhiều đợt có ảnh hưởng đến khai thác thuỷ sản;... Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi: Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và đơn vị sản xuất; thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản khôi phục và phát triển;...Vì vậy, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2010 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2010 (theo giá cố định 1994) ước đạt 103 387,7 tỷ đồng, tăng 5,34% so cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 75 874,8 tỷ đồng tăng 5,41%, lâm nghiệp đạt 3 400,5 tỷ đồng tăng 4% và thuỷ sản đạt 24 112,4 tỷ đồng tăng 5,32%.
2. Nông nghiệp
Lúa đông xuân: Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích gieo cấy lúa đông xuân 2010 cả nước đạt 3086,1 nghìn ha, tăng 25,4 nghìn ha (+0,8%) so cùng kỳ năm trước; năng suất lúa ước đạt 62,2 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha (+1,6%); sản lượng lúa đạt 19,19 triệu tấn, tăng 49,52 vạn tấn (+2,6%).
Các địa phương phía Bắc gặp khó khăn do thiếu nước tưới ngay từ đầu vụ, nhiều diện tích cấy lúa phải chuyển sang trồng cây khác, làm diện tích gieo cấy lúa giảm 3,2 nghìn ha; thời tiết nắng hạn kéo dài nên mức độ đẻ nhánh trung bình, một số diện tích lúa chân ruộng cao bị hạn cục bộ, sâu bệnh gây hại trên lúa phát triển,... đã làm năng suất lúa giảm nhẹ, do vậy sản lượng lúa toàn vùng đạt 6,82 triệu tấn, giảm 3,25 vạn tấn (- 0,5%). Các địa phương có sản lượng lúa giảm nhiều là: Hải Dương giảm 22 nghìn tấn, Thái Bình giảm 2,2 nghìn tấn, Hà Giang giảm 1,6 nghìn tấn, Cao Bằng giảm 6 nghìn tấn, Phú Thọ giảm 7 nghìn tấn, Thanh Hóa giảm 4,9 nghìn tấn, Nghệ An giảm 2,2 nghìn tấn,...
Sản lượng lúa của các địa phương phía Nam ước đạt 12,37 triệu tấn, tăng 52,77 vạn tấn (+4,5%) so cùng kỳ năm trước, do diện tích gieo cấy, tăng 28,7 nghìn ha (+1,5%) và năng suất tăng 1,8 tạ/ha (+2,9%). Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long diện tích tăng 15,8 nghìn ha (+1%), năng suất đạt 65,7 tạ/ha tăng 2,0 tạ/ha (+3,1%), đưa sản lượng lúa toàn vùng đạt 10,27 triệu tấn, tăng 41,86 vạn tấn (+4,1%). Nét mới trong gieo sạ lúa đông xuân năm nay là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long do có sự chỉ đạo điều hành về cơ cấu giống lúa, nên một số giống lúa có năng suất cao, tiêu thụ dễ dàng, bán được giá, chi phí đầu tư thấp như: IR 50404, OM 576, diện tích gieo sạ chiếm tỷ lệ cao hơn đông xuân năm trước (Tiền Giang tăng từ 13% vụ đông xuân năm trước lên 38% năm nay, Đồng Tháp từ 27% lên 37%; An Giang từ 6% lên 20%;...).
Cây trồng khác vụ đông xuân: cơ bản đã thu hoạch xong, sản lượng một số cây trồng như ngô, đỗ tương, rau, đậu đạt khá so cùng kỳ năm trước, do tăng cả diện tích và năng suất. Sản lượng ngô đạt 2,3 triệu tấn, tăng 12,1%; khoai lang 837,5 nghìn tấn, tăng 12,9%; đậu tương 164,4 nghìn tấn, tăng 2,2 lần;...
Lúa hè thu:Tính đến trung tuần tháng 6/2010, cả nước đã xuống giống được 1940,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 95,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ xuống giống được 131,6 nghìn ha, tăng 1,5%; các địa phương phía Nam xuống giống được 1797,8 nghìn ha, bằng 95,3%. Tiến độ gieo sạ lúa hè thu ở các địa phương phía Nam chậm hơn cùng kỳ năm trước do bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và tình hình khô hạn kéo dài, dẫn đến nhiều diện tích không đủ nước để làm đất gieo sạ.
Cây lâu năm: 6 tháng đầu năm 2010, thời tiết nắng nóng nhiều nên diện tích trồng mới cây lâu năm đạt thấp so cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào trồng thay thế cây ăn quả già cỗi (Bến Tre, Long An, Tiền Giang,...) và trồng mới giống chè cành (Thái Nguyên, Yên Bái,...).
Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2010 đạt khá so cùng kỳ năm trước do tăng diện tích cho sản phẩm: Chè tăng 5,5%, cao su tăng 9%, hồ tiêu tăng 1,2%, cam tăng 5%,…Riêng sản lượng vải quả của các địa phương phía Bắc tiếp tục là năm thứ 2 cho sản lượng thu hoạch thấp (Bắc Giang đạt 43%, Hải Dương đạt 45% so cùng kỳ năm trước) do thời kỳ cây ra hoa gặp thời tiết không thuận lợi.
Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 1/4/2010, đàn trâu đạt 2.902 nghìn con, tăng 0,5% và đàn bò đạt 6.020 nghìn con bằng 98,6% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung đàn trâu vẫn tăng nhẹ ở các địa phương miền núi cao, nơi có tập quán chăn thả lâu đời, người dân nuôi làm sức kéo và sinh sản (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái,...), và có xu hướng giảm nhẹ ở các địa phương vùng thấp do diện tích đồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi giảm, giá con giống, thức ăn chăn nuôi đều tăng cao, lao động chính trong chăn nuôi có xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp,...
Tổng đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con tăng 3,08% (+ 816,3 nghìn con) so cùng kỳ năm 2009; trong đó đàn nái 4,2 triệu con tăng 2,4%, đàn lợn thịt 23 triệu con tăng 3,2%. Chăn nuôi lợn những tháng đầu năm tăng khá do giá bán sản phẩm cao, giá thức ăn ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng Tư đến nay dịch tai xanh trên lợn đã xảy ra ở 518 xã, phường thuộc 75 huyện, quận của 16 tỉnh, thành phố, từ đầu dịch đến nay có gần 150 nghìn con lợn bị mắc bệnh, trong đó tiêu huỷ gần 66 nghìn con, ảnh hưởng nhiều đến kết quả chăn nuôi, khả năng sẽ hạn chế chăn nuôi lợn vào những tháng tới, nhất là ở những vùng có dịch bệnh phát sinh. Đàn gia cầm cả nước 277,4 triệu con, tăng 8,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó gà đạt 200,8 nghìn con, tăng 8,4%. Tình hình chăn nuôi gia cầm phát triển do dịch cúm gia cầm cơ bản không phát sinh nhiều, người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi theo qui mô lớn ngày càng tăng nhanh.
Sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2010 tăng khá so cùng kỳ năm trước; trong đó thịt lợn hơi đạt 1,79 triệu tấn tăng 4,7%, thịt gia cầm hơi 330,7 nghìn tấn tăng 17%, trứng gia cầm các loại 278,8 triệu quả, tăng 7,1%.
Tính đến ngày 18/6/2010, còn tỉnh Quảng Nam có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Dịch lở mồm long móng hiện nay không có tỉnh nào phát sinh. Dịch bệnh tai xanh còn xảy ra ở 13 tỉnh, thành phố là Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Hòa Bình, Cao Bằng và Sơn La chưa qua 21 ngày.
3. Lâm nghiệp
Những tháng đầu năm 2010, sản xuất lâm nghiệp gặp khó khăn do thời tiết khô hạn diễn ra trong cả nước, đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Từ tháng Tư, tranh thủ thời tiết có mưa sớm, các địa phương phía Bắc đã tập trung tích cực triển khai trồng rừng vụ xuân nên kết quả trồng và chăm sóc rừng tăng khá so cùng kỳ năm trước. Khai thác một số loại lâm sản chủ yếu tăng khá do diện tích rừng sản xuất đến chu kỳ khai thác (nhất là rừng nguyên liệu giấy); thị trường tiêu thụ gỗ nói chung khá ổn định, trong đó có gỗ nguyên liệu giấy là sản phẩm chiếm tỷ trọng khá cao trong sản lượng gỗ khai thác, nhiều địa phương, doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu nên giá tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản khác tương đối cao.
Diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 76,2 nghìn ha, tăng 4% (+2,9 nghìn ha) so với cùng kỳ năm 2009. Một số địa phương có diện tích rừng trồng mới tập trung tăng khá là: Hà Giang đạt 7.740 ha, gấp 2 lần; Tuyên Quang 13.989,6 ha, tăng 66,3%; Yên Bái 10.200 ha, tăng 19,4%; Phú Thọ 9.401,7 ha, tăng 87,1%; Thanh Hóa 6.585 ha, tăng 10,7%;... Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 107,6 triệu cây, tăng 0,1%. Công tác chăm sóc rừng mới trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng được các địa phương chú trọng thực hiện; diện tích rừng trồng được chăm sóc 383 nghìn ha, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi tái sinh 1000,4 nghìn ha, tăng 6,3%.
Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đầu năm 2010, đạt 1.775 nghìn m3, tăng 6% (+100,9 nghìn m3), so cùng kỳ năm 2009; trong đó sản lượng gỗ nguyên liệu giấy chiếm trên 50%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác nhiều và tăng khá là: Hà Giang 28.337,7 m3 ,tăng 12,9%; Tuyên Quang 87.196,4 m3 ,tăng 6,1%; Yên Bái 120.000 m3 ,tăng 39,8%; Phú Thọ 115.259 m3 ,tăng 24,9%; Nghệ An 63.237 m3 , tăng 2,1%; Quảng Nam 129.000 m3 , tăng 7%; Lâm Đồng 44.716m3,tăng 17,64%;.... Sản lượng củi khai thác ước đạt 13.735 nghìn ste, tăng 2,5% (+335 nghìn ste).
Công tác bảo vệ rừng: Trong kỳ thời tiết khô hạn kéo dài nên tình hình cháy rừng có diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm và tại hầu khắp các vùng trong cả nước, một số địa phương đã xảy ra cháy rừng nghiêm trọng với diện tích bị thiệt hại khá lớn. Theo báo cáo của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra 884 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy 6.348 ha gấp 4,5 lần so cùng kỳ năm trước; trong đó địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều như: Hà Giang 810,8 ha, Lào Cai 795,5 ha, Yên Bái 1.060 ha, Sơn La 1.099 ha, Phú Yên 264,4 ha, Long An 266,6 ha, Kiên giang 347,3 ha, Cà Mau 142 ha,...Tình hình chặt phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ trái phép đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn sảy ra 2.886 vụ với diện tích bị phá 1.006,2 ha bằng 84,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều như: Điện Biên 29,3 ha; Sơn La 230 ha; Phú Yên 90,7 ha; Kon Tum 76,8 ha; Lâm Đồng 73,4 ha, Đắc Nông 127 ha; Bình Phước 315 ha...
4. Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 2429,8 nghìn tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 1883,8 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 204,9 nghìn tấn, tăng 5,8%.
Nuôi trồng thuỷ sản: Đầu năm, thời tiết khá thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản cùng với sự khan hiếm về nguyên liệu tôm sú, dự báo về thị trường tiêu thụ cá tra, tôm súkhả quan, người dân thả nuôi tôm sú trở lại và diện tích nuôi cá tra có xu hướng phục hồi. Nhưng từ tháng Ba trở lại đây thời tiết nắng nóng kéo dài, nước biển xâm nhập vào các vùng nuôi thủy sản gần biển, mặt khác nguồn nước các ao hồ trong nội địa xuống thấp ảnh hưởng tới môi trường sống của các loại thủy sản, thêm vào đó giá thức ăn tăng cao, giá bán nguyên liệu không ổn định đã ảnh hưởng tới kết quả nuôi trồng thủy sản.
Sáu tháng đầu năm 2010, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 1206,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 964,6 nghìn tấn tăng 5,5% (cá tra đạt 500 nghìn tấn, tăng 5,8%, tôm 143,5 nghìn tấn tăng 6,1%, thuỷ sản khác đạt 98,6 nghìn tấn tăng 1%. Nguyên nhân do diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 972,5 nghìn ha, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá 312 ha nghìn ha tăng 8%, diện tích nuôi tôm 623,5 nghìn ha tăng 3%. Phát triển nuôi lồng, bè, nhất là nuôi trên biển, với tổng số lồng, bè đạt 280,4 nghìn cái, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, các địa phương thực hiện nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp, vừa phục vụ nguyên liệu chế biến xuất khẩu vừa hướng vào thị trường nội địa, tăng năng suất nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm–cá, tôm–cua, tôm - lúa, lúa – cá, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến có thả giống và cho ăn thức ăn thủy sản,….
Nuôi cá tra nhìn chung vẫn trầm lắng, tuy nhiêndo các doanh nghiệp chế biến cá tra tổ chức nuôi dọc hai bên dòng sông Hậu và cơ cấu hộ có diện tích nuôi cá tra qui mô lớn cho năng suất cao tăng, nên sản lượng cá tra tăng (Theo kết quả điều tra của An Giang, tỷ lệ hộ có diện tích nuôi từ 2.000 m2 trở lên từ 38,7% năm trước lên 62,4% năm nay). Do thay đổi cơ cấu đơn vị nuôi, nên năng suất thu hoạch cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 106 tấn/ha, tăng 16 tấn/ha so cùng kỳ năm trước; trong đó An Giang đạt 157 tấn/ha, tăng 30 tấn/ha, Cần Thơ 91 tấn/ha, tăng 18 tấn/ha, Đồng Tháp 97 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha,....
Nuôi tôm sú nhìn chung tương đối ổn định, hiện nay giá tôm nguyên liệu tăng cao,các nhà máy chế biến đang khan hiếm tôm sú nguyên liệu làm cho người dân phấn khởi tiếp tục thả nuôi. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, nước trong các ao nuôi cạn kiệt, độ mặn tăng cao, môi trường nước bị ô nhiễm khiến tôm bị dịch bệnh trên các diện tích nuôi quảng canh cải tiến và nuôi công nghiệp thả trước lịch thời vụ do vậy một số nơi người dân phải thu hoạch sớm.
Nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục thay thế tôm sú do năng suất cao, dễ nuôi, sản lượng ước tính 26,7 nghìn tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếuở khu vực Duyên hải miền Trung vàmột số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Phú Yên 1156 tấn, tăng 45%; Long An 1066 tấn, gấp 2,4 lần; Kiên Giang 3878 tấn, tăng 85%,.... )
Khai thác thủy sản
Sản lượng thuỷ sản khai thác 6 tháng đầu năm 2010, ước đạt 1223,1 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 1143,7 nghìn tấn, tăng 5,7%. Cá ngừ đại dương được mùa, được giá nên sản lượng khai thác tăng khá so cùng kỳ năm trước; riêng Bình Định 3.378 tấn, tăng 14,1%; Phú Yên 4.825 tấn, tăng 14,9%). Sản lượng thủy sản khai thác tăng khá do thời tiết biển tương đối thuận lợi, lại đang vào mùa cá nam, ngư trường xuất hiện nhiều và dày đặc cá cơm, cá ngừ đại dương, ruốc, mực,…; phương tiện khai thác biển có động cơ đạt 119 nghìn cái, tăng 20% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu và các nhu yếu phẩm phục vụ cho nghề khai thác thủy sản tăng và công tác bảo quản sản phẩm trên biển của ngư dân còn yếu nên hiệu quả khai thác thủy sản không cao.
5. Giá cả thị trường
Giá lúa gạo tăng nhẹ so với tháng 5 năm 2010: lúa tẻ thường phổ biến ở mức 4200-5400 tùy loại, tăng khoảng 200đ-300đ/kg; lúa OMCS 2000 khoảng 4400đ/kg- 4500 đ/kg (tăng 100đ/kg), lúa IR 50404 khoảng 4100đ/kg- 4300đ/kg (tăng 100đ/kg), lúa Jasmine mới khoảng 5200đ/kg-5400đ/kg (tăng 200đ/kg) tuy nhiên giá gạo lại không tăng, cụ thể: gạo Jasmine khoảng 9500-10500/kg (giảm 500đ/kg), gạo CLC khoảng 10000-11000đ/kg (đứng giá), gạo thường 6500-7500đ/kg (đứng giá).
Mặt hàng thịt lợn giảm giá so với tháng 4 năm 2010: lợn hơi khoảng 31.000-32.000đ/kg (giảm 2000đ/kg), giá lợn đùi ở mức 60000đ/kg – 65000đ/kg(đứng giá); thịt nạc vai 63000đ/kg-65000đ/kg (đứng giá), thịt rọi 55000-58000đ/kg (đứng giá). Các loại thực phẩm khác ổn định hoặc giảm giá nhẹ do nhu cầu ổn định và nguồn cung dồi dào, giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá cụ thể như sau: vịt hơi khoảng 28000-30.000đ/kg (giảm 1000đ/kg), giá thịt bò khoảng 95000-100.000 đ/kg (đứng giá), thịt gà hơi 65.000 -70.000đ/kg(giảm 5000đ/kg); tôm càng xanh khoảng 190.000/kg (đứng giá); cá tra 20000- 22000đ/kg (giảm 2000đ/kg); cá diêu hồng 30.000-32.000 đ/kg (đứng giá)
Giá các loại rau củ quả tăng giá đột biến so với tháng trước, nguyên nhân có thể do nắng nóng kéo dài, nhu cầu về rau củ quả các loại tăng cao: Cải xanh 8000đ/kg (tăng 3000đ/kg); rau cải ngọt 7000đ/kg (tăng 2000đ/kg), rau muống 7000đ/kg (tăng 2000đ/kg), xà lách 16000đ/kg (tăng 200%).
Giá phân bón trong nước biến động nhẹ: Giá urê Trung Quốc khoảng 6600đ/kg (giảm 200đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 7000đ/kg giảm 200đ/kg), Urê Liên Xô 6800đ/kg (giảm 200đ/kg); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 10600đ/kg (tăng 200đ/kg), DAP Trung Quốc 9600đ/kg (đứng giá)
6. Thiên tai
Tuy đã có mưa đầu mùa nhưng các tỉnh miền Bắc tiếp tục bị khô khô hạn; các tỉnh ĐBSCL hàng ngàn hecta cây ăn trái, hoa màu, tôm cá, lúa đang thiếu nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Các hồ chưa nước cạn kiệt gây khó khăn cho phát điện và tưới tiêu.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 3/3/2010, số 668/QĐ-TTg ngày 14/5/2010, số 669/QĐ-TTg ngày 14/5/2010 và số 910/QĐ-TTg ngày 21/6/2010 bổ sung 428,2 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn cho các địa phương.
7. Về triển khai kế hoạch đầu tư XDCB năm 2010 phần do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý:
(1). Vốn Ngân sách tập trung do Bộ quản lý:
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng thực hiện 6 thángnăm 2010 ước đạt 2.276,8 tỷ đồng, bằng 71,46% kế hoạch năm, trong đó :
- Vốn thực hiện đầu tưđạt2.113,8 tỷ đồng bằng 76,28% kế hoạch năm: Khối Thuỷ lợi : Ước đạt 1.707 tỷ đồng, bằng 98,39 % kế hoạch năm; Khối Nông nghiệp : Ước đạt 242,5 tỷ đồng, bằng 58,39% kế hoạch năm; Khối Lâm nghiệp : Ước đạt 39 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch năm; Khối Thuỷ sản : Ước đạt 16,8 tỷ đồng, bằng 67,2% kế hoạch năm; Khối Khoa học - Công nghệ : Ước đạt 22,5 tỷ đồng, bằng 16,33% KH; Khối Giáo dục - Đào tạo : Ước đạt 50,5 tỷ đồng, bằng 58,11% KH năm; Các ngành khác : Ước đạt 35,5 tỷ đồng, bằng 31,98% kế hoạch năm;
- Vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia : Ước đạt 43,5 tỷ đồng bằng 92,04% kế hoạch năm;
- Vốn đầu tư theo các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể : Ước đạt 92,5 tỷ đồng bằng 34,51% kế hoạch năm;
- Vốn chuẩn bị đầu tư : Ước đạt 27 tỷ đồng, bằng 77,14% kế hoạch năm;
(2). Các công trình thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:
Căn cứ vào thông báo vốn kế hoạch đầu tư năm 2010 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, về cơ bản Bộ NN& PTNT phối hợp với Bộ Tài chính đã thông báo vốn cho các chủ đầu tư ( kể cả các công trình đã phân cấp cho địa phương quản lý );
Khối lượng thực hiện 6 tháng ước đạt 1.767 tỷ đồng, bằng 44,18% kế hoạch, trong đó:
- Các dự án có trong Quyết định 171/2006/QĐ- TTg ước đạt 1.275 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch;
- Các dự án cấp bách bổ sung ước đạt 227 tỷ đồng, bằng 56,75% kế hoạch;
- Các dự án thuỷ lợi đồng bằng sông Hồng ước đạt 265 tỷ đồng, bằng 44,17% kế hoạch;
Đến hết tháng 6/2010, về cơ bản các dự án thủy lợi sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vẫn duy trì được tiến độ thi công đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu;
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ĐTXDCB 6 tháng đầu năm 2010:
Tiến độ thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2010 (bao gồm cả vốn ngân sách tập trung và vốn trái phiếu Chính phủ ) thuộc khung kế hoạch đầu tư năm 2010 của các dự án nhóm A, các dự án ODA, các dự án trọng điểm, cấp bách có khối lượng thực hiện đạt cao so với kế hoạch vốn được giao và cao hơn so với cùng kỳ năm 2009. Về cơ bản các dự án thuộc khối Thủy lợi, Nông nghiệp, Thủy sản, Giáo dục - Đào tạo có tiến độ thực hiện khá, đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu đầu tư;
Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình, dự án của ngành chưa đạt yêu cầu về mục tiêu và tiến độ thực hiện, lượng vốn giải ngân đạt thấp, đặc biệt là các dự án Lâm nghiệp, các dự án thuộc khối các Viện, Trung tâm, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trong nước;
Tổng hợp các báo cáo thống kê của các chủ đầu tư thì các nguyên nhân chủ yếu sau đây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án bị chậm :
- Công tác đền bù giải phóng mặt bằng bị vướng mắc, một số địa phương không bố trí đủ vốn cho việc đền bù tái định cư nên các nhà thầu không có mặt bằng để thi công;
- Cơ cấu bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA chưa hợp lý gây chậm tiến độ giải ngân thanh toán cho khối lượng đã hoàn thành, được nghiệm thu và đã lên phiếu giá;
- Vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2010 Chính phủ giao cho Bộ thấp: Vốn trái phiếu Chính phủ đáp ứng 53% so với nhu cầu, vốn ngân sách chỉ đáp ứng 40% so với nhu cầu, trong đó vốn đối ứng trong nước đáp ứng 30% nhu cầu mà Bộ đề nghị; Do vậy, Bộ NN - PTNT gặp nhiều khó khăn trong bố trí kế hoạch và giải quyết các mục tiêu cấp bách của ngành;
- Quy trình thẩm định, phê duyệt các quyết định triển khai các dự án ODA rườm rà, qua nhiều khâu, nhiều cấp quản lý dẫn tới thời gian tổ chức đấu thầu kéo dài gây chậm trễ trong việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn;
- Cơ chế chính sách về quản lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều điều bất hợp lý, chậm được sửa đổi, cơ chế tài chính trong nước và nhà tài trợ thiếu nhất quán dẫn tới vướng mắc cho các chủ đầu tư;
- Năng lực về kỹ thuật và tài chính của một số nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu;
- Năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ đầu tư địa phương ) còn yếu do vậy công tác triển khai gặp nhiều lúng túng;
8. Kiến nghị một số giải pháp trong 6 tháng cuối năm
(1). Tiếp tục thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu. Đây là giải pháp lâu dài nhằm tránh sự quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong 1 giai đoạn nhất định, đồng thời tránh những rủi do cho người sản xuất.
(2). Triển khai các biện phápkỹ thuật kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu.
(3). Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là theo dõi diễn biến của dịch tai xanh, bùng phát trở lại dịch cúm gia cầm vào mùa đông, không để lây lan trên diện rộng gây thiệt hại và gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất. Tăng cường hơn nữa công tác giết mổ kiểm dịch và vận chuyển gia súc gia cầm để tránh tình trạng lây nan mầm bệnh sang các địa phương không bị dịch bệnh phát sinh.
(4). Chủ động phòng, chống thiên tai khi sắp bước vào mùa mưa, bão để giảm thiểu thiệt hại về sản xuất, người, tài sản.
(5). Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, kể cả khai thác thị trưởng tiêu dùng trong nước để thúc đẩy sản xuất phát triển.
(6). Tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, đã có ảnh hưởng không nhỏ đến người và tài sản của ngư dân đi khai thác thủy sản. Nhà nước cần có giải pháp để ngư dân yên tâm đi khai thác biển./.

File đính kèm:
BCNongnghiepT6.10.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1426
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)