1. Tình hình chung
Năm nay do hiện tượng El nino, khí hậu khô hạn trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nước mặn xâm nhập sâu tại các cửa sông, kết hợp với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; Cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi và luôn tiềm ẩn những nguy cơ cao. Tuy nhiên, với nỗ lực cao của toàn ngành cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn duy trì phát triển.
2. Nông nghiệp
Trồng trọt
Trọng tâm sản xuất nông nghiệp trong tháng 5 là chăm sóc, thu hoạch lúa và rau mầu vụ đông xuân trên cả nước và xuống giống lúa, gieo trồngrau mầu vụ hè thu ở các địa phương phía Nam.
Tính đến trung tuần tháng 5/2010, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1913,7 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 98,6% diện tích gieo cấy; năng suất toàn vụ ước đạt 63,8 tạ/ha, tăng 1,8tạ/ha (+2,8%); sản lượng ước đạt 12,36 triệu tấn, tăng 518,3 nghìn tấn (+4,2%) sođông xuân 2009. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất đạt 65,7 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha (+ 3,1%); sản lượng đạt 10,3 triệu tấn, tăng 418,6 nghìn tấn (+4,1%) so với vụ đông xuân 2009. Các vùng khác cũng đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, năng suất lúa trên diện tích thu hoạch đạt khá, tăng nhẹ trên diện rộng so đông xuân 2009 do thời tiết cuối vụ tương đối thuận lợi. Như vậy, cùng với với yếu tố diện tích tăng (Duyên hải NTB tăng 7,7 nghìn ha, Tây nguyên tăng 2,6 nghìn ha, Đông Nam bộ tăng 2,2 nghìn ha do nhiều diện tích có đủ nước tưới từ đầu vụ do các hồ chứa đã chủ động tích nước từ cuối năm 2009 cho sản xuất đông xuân), thì sản lượng lúa đông xuân các vùng trên đều đạt khá: Duyên hải Nam Trung Bộ ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 80,9 nghìn tấn; Đông Nam bộ ước đạt 392,1 nghìn tấn, tăng 13 nghìn tấn, Tây nguyên ước đạt 418,7 nghìn tấn, tăng 5 nghìn tấn so với đông xuân 2009, trong đó một số tỉnh có sản lượng tăng cao là: Bình Thuận tăng 45,4 nghìn tấn (+ 26,3%); Bình Định tăng 15,5 nghìn tấn (+ 5,3%); Phú Yên tăng 11,7 nghìn tấn (tăng 6,7%).
Diện tích gieo trồng lúa đông xuân của các tỉnh phía Bắc đạt 1152,6 nghìn ha, bằng 100,2% so với vụ đông xuân 2009. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đông xuân các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ đang trong giai đoạn trỗ, lúa đông xuân của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho việc sinh trưởng của lúa. Đến nay dịch bệnh lùn sọc đen đã cơ bản được khống chế, hầu hết diện tích bị nhiễm bệnh đã được phun thuốc theo đúng quy trình nên đã giảm thiểu thiệt hại đến năng suất. Theo đánh giá ban đầu của các địa phương, nếu từ nay đến cuối vụ không có bất thường xảy ra thì năng suất lúa đông xuân miền Bắc vẫn đạt khá; trong đó vùng đồng bằng Sông Hồng ước đạt xấp xỉ so cùng kỳ; các tỉnh miền núi và vùng Bắc Trung Bộ ước giảm từ 1 đến 1,5 tạ/ha; một số tỉnh có năng suất giảm đáng kể như: Hải Dương (- 1,2 tạ/ha), Thái Bình (-1 tạ/ha), Quảng Ninh (- 2,7 tạ/ha), Vĩnh Phúc (- 1,2 tạ/ha), Phú Thọ (-4,3 tạ/ha), Thanh Hóa (-1,6 tạ/ha), Nghệ An (-4,7 tạ/ha) do ảnh hưởng bởi sâu bệnh.
Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đang tập trung gieo sạ lúa hè thu. Tính đến trung tuần tháng 5/2010, diện tích lúa hè thu gieo sạ đạt 1257,8 nghìn ha, bằng 93,5% cùng kỳ năm trước; trong đó vùng đồng bằng Sông Cửu Long 1117,2 nghìn ha, bằng 93,7%. Tiến độ gieo trồng trà lúa hè thu chính vụ chậm so với cùng kỳ do thiếu nước và nước mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh ĐBSCL (Kiên Giang chậm hơn 10 nghìn ha, Tiền Giang chậm hơn 30 nghìn ha, Trà Vinh chậm hơn 30,2 nghìn ha).
Ngoài việc tập trung gieo cấy và thu hoạch lúa, các địa phương tiếp tục gieo trồng cây màu vụ hè thu. Tính đến 15/5/2010, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 706,5 nghìn ha, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước; khoai lang 102,3 nghìn ha, bằng 102,9%; đậu tương 141,0 nghìn ha, bằng 108,6%; lạc 177,8 nghìn ha, bằng 91,4%; rau đậu 508,8 nghìn ha, bằng 101,5%.
Chăn nuôi
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 1/4/2010 đàn lợn cả nước hiện có 27,3 triệu con, tăng 3% so cùng kỳ năm trước (+813 nghìn con). Đàn lợn tăng đều ở các địa phương do trong những tháng đầu năm giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng ổn định, người nuôi không để trống chuồng, tiếp tục bổ sung số đầu con ngay sau khi xuất bán trong dịp tết. Sản lượng thịt lợn hơi trong 6 tháng qua tăng khoảng 3%. Trong tháng 4 và đầu tháng 5, dịch bệnh tai xanh trên lợn xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc (tại các tỉnh có dịch, đàn lợn giảm trên 1,5% - 5% so 1/4/2010), ảnh hưởng đến tiêu thụ và gây tâm lý lo ngại cho người chăn nuôi, khả năng sẽ hạn chế chăn nuôi lợn vào những tháng tới nhất là ở những vùng có dịch bệnh phát sinh.
Đàn gia cầm: Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 1/4/2010 đàn gia cầm cả nước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (+21.4 triệu con), trong đó đàn gà tăng 8,4% (+15,5 triệu con). Tình hình chăn nuôi gia cầm được phát triển do dịch cúm gia cầm cơ bản không tái phát; sản lượng thịt gia cầm trong 6 tháng qua ước tăng trên 20%. Hiện nay do dịch bệnh trên lợn, người tiêu dùng có xu hướng thay thế nguồn thực phẩm thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác, nên việc tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh, đó cũng là điều kiện tốt cho việc mở rộng, tăng quy mô đàn nuôi trong những tháng tiếp theo.
Đàn trâu, bò ước tính tăng nhẹ so cùng kỳ. Đàn trâu vẫn duy trì khoảng 2,9 triệu con, trong đó xu hướng chăn nuôi lấy thịt tăng lên. Đàn bò có khoảng 6 triệu con, trong đó tiếp tục duy trì và phát triển đàn bò thịt, tăng dần đàn bò sữa theo các chương trình mục tiêu. Sản lượng thịt trâu bò hơi 6 tháng qua tăng nhẹ so cùng kỳ
Tình hình dịch bệnh có đến ngày 21/5.
Từ đầu tháng 5 đến nay dịch cúm gia cầm chỉ còn 1 tỉnh là Đắc Lắc chưa qua 21 ngày. Dịch lở mồm long móng có tỉnh Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày. Dịch bệnh tai xanh hiện nay còn xảy ra trên 15 tỉnh, thành phố là Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An chưa qua 21 ngày.
3. Lâm nghiệp
Hiện nay do thời tiết phổ biến trong kỳ vẫn là khô hạn với nền nhiệt khá cao nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng theo kế hoạch năm 2010. Diện tích rừng trồng tập trung thực hiện tháng 5 đạt 11,3 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm 2009; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán 13,5 triệu cây (tăng 2,2%); Sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 340 nghìn m3 (tăng 5,6%); Sản lượng củi khai thác 2,55 triệu ste (tăng 2,2%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2010 diện tích rừng trồng tập trung đạt 49,1 nghìn ha, so 5 tháng đầu năm 2009 tăng 1,98%; Số cây trồng phân tán 89,4 triệu cây (tăng 0,2%). Gỗ khai thác đạt 1.481 nghìn m3 (tăng 5,9%); Sản lượng củi khai thác 11,95 triệu ste (tăng 2,3%).
Tình hình cháy rừng và chặt phá rừng: Do điều kiện thời tiết đã bắt đầu có mưa làm giảm nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên tại một số địa phương (chủ yếu Tây Bắc, Tây Nguyên) vẫn còn xảy ra cháy rừng, theo báo cáo của các tỉnh trong kỳ đã xảy ra 51 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy là 388,5 ha, trong đó một số tỉnh có số vụ và diện tích bị cháy khá lớn như Điện Biên 19 vụ, diện tích 16,94 ha; Sơn La 9 vụ, diện tích gần 100 ha; Lâm Đồng 5 vụ, 82,9 ha... Một số địa phương chủ yếu vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy, trong kỳ còn xảy ra 157 vụ chặt phá rừng, diện tích bị chặt phá 54,7 ha. Tính chung 5 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại (do bị cháy, chặt phá) là 3.415,1 ha, tăng 45,2%. Trong đó diện tích rừng bị cháy 3.087,1 ha (gấp 2,57 lần); Diện tích rừng bị chặt phá 328 ha (bằng 28,5%). Theo cảnh báo của Ban chỉ đạo trung ương PCCC rừng, đến ngày 20/5/2020, có 6 tỉnh còn khu vực cónguy cơ cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), 3 tỉnh còn khu vực có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV.
4. Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản ước đạt 376 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 291nghìn tấn tăng 5,1%, tôm đạt 34 nghìn tấn tăng 6,3%.
Nuôi trồng thuỷ sản:
Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 175,2 nghìn tấn, tăng 4,5%; trong đó cá đạt 143 nghìn tấn tăng 4,4%, tôm đạt 21,2 nghìn tấn tăng 6%.
Do trong tháng 5 thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, đất tại các ao nuôi bị xì phèn nên tiến độ thả nuôi tôm vụ chính vẫn còn chậm. Tình trạng dịch bệnh tôm thân đỏ đốm trắng tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương. Các tỉnh có diện tích tôm bị dịch bệnh nhiều là: Kiên Giang 16045 ha, chiếm 22,8%; Trà Vinh 3520ha, chiếm 18%; Tiền Giang 271 ha, chiếm 7,7%; Quảng Nam 500 ha, chiếm 35,7% diện tích đang thả nuôi. Một số hộ phải thu hoạch sớm để hạn chế rủi ro, năng suất thu hoạch đạt thấp.
Trong tháng tiến độ thả nuôi cá tra đạt thấp do chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán chỉ xấp xỉ giá thành và không ổn định nên chưa khuyến khích được người nuôi đầu tư thêm. Sản lượng thu hoạch đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước: An Giang thu hoạch khoảng 20 ngàn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ; Đồng Tháp 21 nghìn tấn, giảm 5%; Cần thơ 9 nghìn tấn, giảm 14,3%. Tuy nhiên nuôi các loài cá khác phát triển rộng khắp trên cả nước chủ yếu phát triển với hình thức nuôi lồng bè trên các sông hồ và nuôi ruộng trũng, bãi triều... vùng nước mặn, lợ làm cho sản lượng cá nuôi tăng hơn so với cùng kỳ.
Khai thác thuỷ sản:
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 200,8 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 185,3 nghìn tấn, tăng 6,3% do hiện nay đang bắt đầu vào mùa cá Nam, thời tiết biển tương đối thuận lợi. Nhiều hộ ngư dân nâng cấp tàu thuyền để đánh bắt xa bờ, số tàu khai thác hải sản xa bờ hoạt động nhiều hơn so với cùng kỳ dẫn tới sản lượng thủy sản khai thác đạt khá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 1824 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 814,1 ngàn tấn, tăng 5,2%; sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 933,8 nghìn tấn, tăng 4,8%. Cá ngừ đại dương tiếp tục được mùa, được giá: Phú Yên khai thác được 4.285 tấn tăng 17,4%, Bình Định trên 3 nghìn tấn, tăng 15% so với cùng kỳ.
5. Giá cả thị trường
Giá lúa gạo tăng nhẹ so với tháng 4 năm 2010: lúa tẻ thường phổ biến ở mức 4200-5050 tùy loại, tăng khoảng 200đ-300đ/kg. Mặt hàng thịt lợn giảm giá so với tháng 4 năm 2010: lợn hơi khoảng 33.000-35.000đ/kg (giảm 1000đ/kg.
Các loại thực phẩm khác ổn định hoặc tăng giá nhẹ do nhu cầu ổn định và nguồn cung dồi dào, giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá cụ thể như sau: vịt hơi khoảng 28000-31000đ/kg (đứng giá), giá thịt bò khoảng 95000-100.000 đ/kg (đứng giá), thịt gà hơi 70.000 -75000đ/kg(tăng 5000đ/kg); tôm càng xanh khoảng 180.000- 190.000/kg (tăng 20000đ/kg); cá tra 20000- 24000đ/kg (tăng 1000đ/kg); cá diêu hồng 30.000-32.000 đ/kg (tăng 1000đ/kg). Giá các loại rau củ quả ổn định so với tháng trước: Cải xanh 5000đ/kg (đứng giá); rau cải ngọt 5000đ/kg (tăng 500đ/kg), rau muống 5000đ/kg (tăng 500đ/kg), xà lách 8000đ/kg (đứng giá).
Giá phân bón trong nước biến động nhẹ: Giá urê Trung Quốc khoảng 6800đ/kg (giảm 200đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 7200đ/kg (đứng giá), Urê Liên Xô 7000đ/kg (giảm 200đ/kg); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 10400đ/kg (giảm 100đ/kg), DAP Trung Quốc 9600đ/kg (tăng 600đ/kg)
6. Thiên tai
Từ đầu tháng 5 năm 2010 đến nay đã xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc xoáy ở Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắc Lắk làm 02 người chết và hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, một số diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể; Tuy đã có mưa đầu mùa nhưng các tỉnh miền Bắc tiếp tục bị khô khô hạn; các tỉnh ĐBSCL hàng ngàn hecta cây ăn trái, hoa màu, tôm cá, lúa đang thiếu nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 3/3/2010, số 668/QĐ-TTg ngày 14/5/2010 và số 669/QĐ-TTg ngày 14/5/2010 bổ sung 328,1 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn cho các địa phương./.
File đính kèm: BCNongnghiepT5.10.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư