Báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24 tháng 10 năm 2011.
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THÁNG 10 NĂM 2011
1. Tình hình phát triển ngành du lịch
Trong tháng 10 tình hình du lịch trong nước có phần trầm lắng hơn so với các tháng trước do mùa du lịch hè đã kết thúc và ảnh hưởng của mưa bão khiến tình hình du lịch cũng chịu nhiều tác động.
Tại một số địa phương cả nước cũng diễn ra một số hoạt động nhằm kích cầu du lịch như: Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và văn hóa trà của Việt Nam, lễ hội Ánh sáng (còn gọi là lễ hội Diwali – một trong những lễ hội lớn nhất của người Ấn Độ) tại Trung tâm triển lãm văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội...
Bên cạnh đó hai tuyến bay thẳng quốc tế mới cũng được đưa vào hoạt động, hứa hẹn triển vọng thu hút khách từ các thị trường này trong thời gian tới là: đường bay thẳng từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Đà Nẵng của hãng hàng không AirAsia với tần suất 4 chuyến bay/tuần vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật; bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến đảo Jeju của Hàn Quốc 2 chuyến một tuần vào thứ ba và thứ bảy và được miễn visa nhập cảnh Hàn Quốc (chỉ được miễn khi đến Jeju) từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm nay do công ty du lịch hai bên phối hợp tổ chức cùng sự hỗ trợ của ngành du lịch Jeju.
Cũng trong tháng 10, tàu du lịch quốc tế Sun Princess (quốc tịch Bermuda) đã đưa 1.968 du khách quốc tế cập cảng SITV Phú Mỹ (huyện Tân Thành) để tham quan, tìm hiểu văn hóa và mua sắm sản phẩm tại các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10/2011 ước đạt hơn 309.425 lượt khách, tính chung tổng số khách trong 10 tháng đạt xấp xỉ 4,6 triệu lượt tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc đến Việt Nam từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Campuchia, Đài Loan, Úc...
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tiếp đến là đường bộ và đường biển.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch chủ yếu đi theo mục đích du lịch, nghỉ ngơi, tiếp đến là khách đi theo mục đích công việc, thăm thân nhân và cuối cùng là theo các mục đích khác.
2. Về xuất, nhập khẩu
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 10 năm 2011 đạt 8,3 tỷ USD, tăng 4,5%so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,3 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 78 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 37,1 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 6990 nghìn tấn, tăng 6,7% về lượng và tăng 53,5% về kim ngạch; than đá ước đạt hơn 14,1 triệu tấn, giảm 7,8% về lượng và tăng 7,8% về kim ngạch; dệt may 11,7 tỷ USD, tăng 29,3%; da giày 5,1 tỷ USD, tăng 25,8%; cao su 608 nghìn tấn, tăng 2,7% về lượng và tăng 55,7% về kim ngạch; gỗ và sản phẩm gỗ 3195 triệu USD, tăng 16,2%; linh kiện điện tử 3148 triệu USD, tăng 8,7%; thuỷ sản 4926 triệu USD, tăng 22,8%; gạo 6384 nghìn tấn, tăng 8,5% về lượng và 17,3% về kim ngạch; cà phê 1027 nghìn tấn, tăng 5,1% về lượng và tăng 59,1% về kim ngạch; sắn và sản phẩm sắn 2308 nghìn tấn, tăng 61,3% về lượng và tăng 93,6% về kim ngạch...
Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2011 so với cùng kỳ: giá hạt điều tăng 47,4%, cà phê tăng 51,4%, chè các loại tăng 3,7%, hạt tiêu tăng 68,1%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 20,1%, than đá tăng 17%, dầu thô tăng 43,9%, cao su tăng 51,6%. Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng 4,77 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 19% và chiếm tỷ trọng 17,8%; xuất khẩu vào EU tăng 45,8% và chiếm tỷ trọng 16,6%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 28% và chiếm tỷ trọng 13,8%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 37,5% và chiếm tỷ trọng 10,9%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 56,1% và chiếm tỷ trọng gần 10,9%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2011 ước đạt 9,1 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,05 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 86,4 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt gần 38,3 tỷ USD, tăng 29,2%.
Lượng và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 10 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước như sau: xăng dầu 9335 nghìn tấn, tăng 12,9% về lượng và tăng 65,6% về kim ngạch; sắt thép các loại 5808 nghìn tấn, giảm 20,5% về lượng và tăng 7,3% về kim ngạch; phân bón 3493 nghìn tấn, tăng 39,1% về lượng và tăng 73,5% về kim ngạch; giấy các loại 849 nghìn tấn, tăng 4,8% về lượng và tăng 18% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu 2038 nghìn tấn, tăng 4,3% về lượng và tăng 26% về kim ngạch; máy móc thiết bị đạt hơn 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%; máy tính và linh kiện 5647 triệu USD, tăng 37,7%; vải các loại 5507 triệu USD, tăng 28,2%; nguyên phụ liệu dệt may 2444 triệu USD, tăng 14,4%...
Cũng như xuất khẩu, giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 46,7%, khí đốt hóa lỏng tăng 25,5%, chất dẻo nguyên liệu tăng 20,8%, sợi các loại tăng 29,6%, sắt thép các loại tăng 26,7%, phân bón các loại tăng 24,8%, lúa mỳ tăng 38,2%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng gần 6,4 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2011, nhập khẩu từ châu Á chiếm 78% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng 22,4%, tỷ trọng ước đạt 22,6%), ASEAN (tăng 31,5%, tỷ trọng hơn 20%), Hàn Quốc (tăng 32,3%, chiếm tỷ trọng 12%), Nhật Bản (tăng 12,7%, chiếm tỷ trọng hơn 9,5%) và EU (tăng 16%, chiếm tỷ trọng hơn 7%).
Ước nhập siêu 10 tháng đầu năm 2011 là gần 8,4 tỷ USD, chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu hơn 1,2 tỷ USD.
10 tháng đầu năm 2011, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước như Trung Quốc (ước đạt gần 11,1tỷ USD), ASEAN (6,5 tỷ USD), Hàn Quốc (6,5tỷ USD), Đài Loan (hơn 5,5 tỷ USD).
Tóm lại, trong 10 tháng đầu năm 2011, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đã góp phần làm giảm dần tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu làm kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là do hầu hết giá cả các mặt hàng xuất khẩu đều tăng, trong đó giá nông sản và dầu thô tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu vàng và xuất khẩu điện thoại cũng đóng góp lớn vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu.
3. Phát triển thị trường trong nước
3.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 10/2011 ước đạt khoảng 167.546 tỷ đồng, tăng 1,55% so với tháng 9/2011. Tính cả 10 tháng đầu năm 2011, tổng mức bán lẻ cả nước ước đạt 1.560.987 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính cả 10 tháng đầu năm 2011, trong các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thành phần kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 50,31%, tiếp đó là kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước với tỷ trọng tương ứng là 34,83% và 10,97%. Giá trị đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,82%, trong khi khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,07 %.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.2. Chỉ số giá tiêu dùng
Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2011 tăng0,36% so với tháng 9/2011, đây là mức tăng thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây.
Trong tháng 10, có tới 03 nhóm giảm giá gồm: nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 0,17%; nhóm giao thông giảm 0,13%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%. Nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất 3,2%; các nhóm hàng còn lại chỉ tăng nhẹ: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,06% (trong đó lương thực tăng 1,27%; thực phẩm giảm 0,49%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; các nhóm hàng hóa còn lại có mức tăng dao động trong khoảng 0,2-0,63 %.
Như vậy, tính cả 10 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước đã tăng 17,05% so với tháng 12/2010.
(Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê)
3.3. Tình hình cung - cầu, giá cả một số mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
Thị trường thế giới:
Từ đầu tháng 10/2011, giá dầu thô thế giới bắt đầu đi lên và giữ được đà tăng khá đều đặn cho đến cuối tháng (23/10/2011). Dầu WTI thị trường New York tăng từ mức xấp xỉ 75 USD/thùng lên mức xấp xỉ 88 USD/thùng, dầu Brent thị trường London tăng từ mức xấp xỉ 99 USD/thùng lên mức xấp xỉ 110 USD/thùng. Nguyên nhân chính của sự tăng giá là do các nhà đầu tư tin tưởng Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế và châu Âu sẽ khống chế được cuộc khủng hoảng nợ.
Thị trường trong nước:
Ngày 10/10/2011, giá bán lẻ một số mặt hàng xăng dầu trong nước có biến động như sau: giá dầu diesel giảm 400 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 300 đồng/lít; giá bán xăng, dầu madut giữ ổn định như hiện hành.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 10 ước đạt 950 nghìn tấn, giảm 1% so với tháng 9, với trị giá ước khoảng 860 triệu USD; tính cả 10 tháng đầu năm 2011, ước đạt 9.335 nghìn tấn, trị giá ước khoảng 8.555 triệu USD, tăng 12,9% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
b) Sắt thép
Giá phôi thép trên thị trường thế giới trong tháng 10/2011 giảm nhẹ so với tháng 9. Tại thị trường Đông Nam Á, giá chào phôi thép ở mức 680 – 700 USD/tấn (CFR).
Trong nước, các công ty sản xuất thép đã đồng loạt tăng giá thép thành phẩm thêm 300.000 đồng/tấn, bắt đầu áp dụng từ giữa tháng 11/2011. Nguyên nhân do tỉ giá USD tăng, giá phôi thép tăng, các nhà phân phối bắt đầu nhập thép do trong kho đã hết hàng. Hiện giá thép cây xây dựng bán lẻ trên thị trường hiện dao động ở mức từ 14,5 đến 15 triệu đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT).
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu thực hiện tháng 9/2011 đạt 482 nghìn tấn, ước tháng 10/2011 đạt 500 nghìn tấn, tăng 3,7% về lượng so với tháng 9/2011 và đạt trị giá 453 triệu USD; tính cả 10 tháng đầu năm ước đạt 5.808 nghìn tấn, giảm 20.5% về lượng so với cùng kỳ năm 2010.
c) Phân bón
Thị trường phân bón trong nước nửa đầu tháng 10 có xu hướng tăng so với nửa đầu tháng 9/2011. Cụ thể: tại miền Bắc, giá phân ure dao động khoảng 10.800-11.100 đồng/kg, tăng 400-600 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 11.200-12.000 đồng/kg, tăng 400-700 đồng/kg.Dự báo trong thời gian tới, giá phân bón trong nước có thể tiếp tục tăng do lượng hàng dự trữ, lưu kho trong nước đang ở mức thấp trong khi giá phân bón thế giới có thể tăng nhẹ.
Theo số liệu sơ bộ, trong tháng 10/2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 470 nghìn tấn với trị giá 200 triệu USD (trong đó lượng ure nhập khẩu đạt 170 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD), tăng 2% so với tháng 9/2011. Tính cả 10 tháng đầu năm 2011, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 3.493 nghìn tấn với trị giá 1.435 triệu USD (trong đó ure đạt 889 nghìn tấn, trị giá 337 triệu USD), tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2010.
d) Xi măng
Thị trường xi măng trong nước nửa đầu tháng 10 diễn biến chậm, sản xuất và tiêu thụ xi măng giảm do thời tiết mưa bão, nhu cầu xây dựng giảm. Cụ thể, sản lượng của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam đạt 542 nghìn tấn, giảm 38 nghìn tấn; lượng tiêu thụ đạt 537 nghìn tấn, giảm 36 nghìn tấn so với cùng kỳ tháng trước. Về giá cả, giá tại các nhà máy vẫn ổn định, hiện giá bán lẻ trên thị trường miền Bắc ở mức 1.285.000 – 1.580.000 đồng/tấn; tại miền Nam ở mức 1.385.000 – 1.730.000 đồng/tấn, giảm từ 15.000 – 20.000 đồng/tấn so với tháng trước. Dự báo trong thời gian tới giá xi măng tiếp tục ổn định.
II. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2011
1. Về phát triển ngành du lịch
- Nghiên cứu, phát triển các hình thức du lịch mới như MICE (du lịch kết hợp khen thưởng, hội nghị, khảo sát, team building…); du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái ...
- Chú trọng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với đối tượng khách du lịch bằng đường biển về visa, thường gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa ...
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc chú trong phát triển chất lượng dịch vụ.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
2. Về xuất, nhập khẩu
- Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu đã nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí.
- Phát triển các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử...
- Rà soát cơ cấu đầu tư, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất.
- Tăng cường công tác hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, kiểm soát việc nhập nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu...
3. Về phát triển thị trường trong nước
3.1. Giải pháp chung
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP về 06 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội những tháng cuối năm 2011.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, thực hiện chương trình «Bình ổn vào dịp Tết Nguyên đán» trên nguyên tắc doanh nghiệp và nhà nước cùng làm, doanh nghiệp không bị lỗ, trong khi phát triển được thương mại trong nước, đảm bảo ổn định cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân, không để giá cả tăng đột biến vào các dịp cao điểm.
- Tập trung kiềm chế tốc độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
-Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, sắt thép, dược phẩm.
- Thực hiện tốt công tác điều tiết thị trường, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu…
- Rà soát các dự án đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phát hiện và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành theo tiến độ để đưa vào vận hành, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
- Đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
3.2. Giải pháp đối với các mặt hàng trọng yếu
a) Xăng dầu
- Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước.
b) Sắt thép
- Chỉ đạo các công ty sản xuất thép của Nhà nước, cũng như khuyến khích các công ty ngoài quốc doanh bố trí thời gian sản xuất phù hợp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.
c. Phân bón
- Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tránh tăng giá đột biến, đặc biệt khi bước vào cao điểm mùa vụ cuối năm.
- Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng phân bón giữa các vùng, miền được thông suốt.
d) Xi măng
-Theo dõi chặt chẽ giá phân bón thế giới để có biện pháp điều tiết nhập khẩu và sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu phân bón gây sốt giá cục bộ, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp cuối năm.
- Tăng cường công tác hải quan tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại phía Bắc nhằm giảm buôn lậu phân bón qua đường tiểu ngạch./.
File đính kèm: BC KTDV Thang 10.11.pdf
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư