Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/11/2011-15:20:00 PM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 11 năm 2011 và ước 12 tháng
Báo cáo số 610/BKHĐT-TH ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là thu hoạch lúa mùa; trồng, chăm sóc cây vụ đông ở Miền Bắc và gieo cấy lúa đông xuân ở Miền Nam.
Lúa mùa: Tính đến ngày 15/11/2011, cả nước đã thu hoạch được 1409 nghìn ha lúa mùa, chiếm 77,4% diện tích gieo cấy và bằng 96,9% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Bắc thu hoạch 1098,2 nghìn ha, chiếm 92% diện tích gieo cấy và bằng 96,5% cùng kỳ năm trước. Mặc dù thời tiết cuối vụ mưa nhiều ở hầu hết các tỉnh, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch của một số diện tích trà muộn của một số tỉnh nhưng do thời tiết trong vụ thuận lợi, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt nên năng suất lúa mùa của các địa phương phía Bắc cơ bản đạt khá, ước tính toàn miền đạt 48,9 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha (+2,3%) so với vụ mùa 2010; sản lượng ước đạt 5,83 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn (+2,28%) và tăng đều ở các địa phương.
Các địa phương Miền Nam đang tiến hành thu hoạch lúa mùa, đạt 317,2 nghìn ha, bằng 100,4% so cùng kỳ; năng suất lúa mùa đã thu hoạch của các tính đạt khá (Quảng Nam đạt 47,5 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha, Bình Định đạt 44,2 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha).
Lúa Đông xuân: Tính đến trung tuần tháng Mười Một, các địa phương phía Nam mới gieo sạ được 241,6 nghìn ha lúa đông xuân, chỉ bằng 63,7% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vụ đông xuân năm nay gieo sạ muộn hơn năm trước do trong tháng các tỉnh phía Nam mưa nhiều, nước lũ lên cao lại rút chậm, nhiều diện tích chưa xuống giống được.
Cây màu vụ đông: Song song với việc thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc đã và đang gieo trồng, chăm sóc cây màu vụ đông. Do thu hoạch lúa mùa chậm hơn 20 ngày nên thời vụ một số cây trồng đã hết, một số diện tích chuyển sang trồng rau ngắn ngày hoặc chuẩn bị cho trồng vụ xuân nên tiến độ hầu hết cây trồng đều chậm so cùng kỳ. Cây ngô trồng được 109,1 ha, bằng 70,1%; Khoai lang trồng được 37,9 ha, bằng 82,9%; lạc 4,5 nghìn ha, bằng 65,5%; đậu tương 54,7 nghìn ha, bằng 58,9 %; rau đậu các loại 137,9 nghìn ha, tăng 23,9%.
Tình hình mưa lũ: Do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trong những ngày đầu tháng 11, trên địa bàn một số tỉnh Miền nam có mưa to, lũ lụt trên diện rộng, gây ngập úng 14400 ha lúa và hoa màu, trong đó hơn 12,5 nghìn ha bị mất trắng (Tỉnh Quảng Nam: trên 650 ha lúa gieo; 3.520 ha rau màu các loại bị hư hỏng, ruộng bị bồi lấp 94 ha; lúa thịt và lúa giống bị ước, hư hỏng trên 2.000 tấn; Tỉnh Đắc Lắc: lúa bị thiệt hại: 738 Ha, ngô: 184 Ha. Trong đó mất trắng:13Ha; bông vải:125Ha; rau màu khác:141Ha; Tỉnh An Giang: lúa vụ thu đông mất trắng 5.445 ha; 79,7 hagặt ép, 1.255 ha lúa bị ngập, mất trắng 316 ha màu; Tỉnh Cần Thơ: 2.282 ha lúa Thu đông bị ngập lũ, trong đó có 98 ha mất trắng; 375ha diện tích rau màu bị ngập (Diện tích mất trắng: 76 ha).
Chăn nuôi
Đàn trâu: Theo kết quả điều tra thời điểm 1.10 đàn trâuhiện có 2,71 nghìn con, bằng 93,5% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu có xu hướng giảm dần ở các tỉnh đồng bằng, trung du và phát triển chủ yếu ở miền núi với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ kết hợp nuôi sinh sản và lấy thịt.
Đàn bò cả nước hiện có 5,34 nghìn con, bằng 90,1% so với cùng kỳ. Đàn bò giảm chủ yếu do giá thịt hơi trong năm tăng cao nên số con giết mổ tăng, đến nay chưa khôi phục kịp do thời gian chu kỳ chăn nuôi chậm. Đàn bò sữa vẫn phát triển ở các vùng nguyên liệu sữa; tại thời điểm 1/10, đàn bò sữa cả nước hiện có 142,7 nghìn con, tăng 14 nghìn con so cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Những tháng cuối năm dịch bệnh không bùng phát và nhu cầu tăng cao nên người chăn nuôi đang tập trung đầu tư tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường những tháng cuối năm. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến 1/10/2011 cả nước có khoảng 27,1 triệu con lợn, giảm 317 nghìn con (-0,73%) so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 755 nghìn con so 1/4/2011.
Chăn nuôi gia cầm: phát triển tương đối tốt. Mặc dù trong tháng 10 giá thực phẩm có giảm nhưng hiện nay giá gà thịt và gà giống đang tăng trở lại, tạo tâm lý tốt cho người chăn nuôi yên tâm ổn định sản xuất. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến 1/10/2011 đàn gia cầm của cả nước có khoảng 322 triệu con, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2010.
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ các tỉnh Bắc bộ chủ yếu tập trung cho công tác chăm sóc rừng trồng, đồng thời thực hiện gieo ươm cây giống lâm nghiệp chuẩn bị cho trồng rừng năm 2012; các tỉnh Trung và Nam Bộ đang bước vào trồng rừng chính vụ, tuy nhiên do ảnh hưởng của đợt mưa lũ từ cuối tháng 10 nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của vùng này, công tác trồng rừng tập trung chỉ thực hiện được sau khi nước rút hoàn toàn.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu ước tính tháng 11/2011: Diện tích rừng trồng tập trung đạt 3,5 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 5,8 triệu cây, tăng 2,68%; sản lượng củi khai thác 2,58 triệu ste, tăng 2,56%; sản lượng gỗ khai thác 438 nghìn m3, tăng 4,29%.
Tính chung 11 tháng năm 2011, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 160,5 nghìn ha, bằng 73,42% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 176,2 triệu cây, tăng 0,34%; sản lượng củi khai thác 26,8 triệu ste, tăng 2,64%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.968 nghìn m3, tăng 11,25%, một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng khá cao như: Quảng Ninh 210 nghìn m3, tăng gấp 2 lần; Yên Bái 265 nghìn m3, tăng 32,5%; Quảng Bình 103 nghìn m3, tăng 15%; Thừa Thiên – Huế 167 nghìn m3, tăng 182,6%...
Tình hình thiệt hại rừng: Trong kỳ do có mưa nhiều đồng thời các địa phương đã làm tốt công tác phòng chống cháy rừng nên không có vụ cháy rừng nào xảy ra, tuy nhiên rải rác tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy (như ở vùng núi phía Bắc) hay phá rừng để lấy diện tích làm đầm nuôi tôm (khu vực đồng bằng sông Cửu Long), trong kỳ đã xảy ra 54 vụ phá rừng, diện tích rừng bị phá 21,2 ha. Tính chung 11 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng là 2.038 ha, bằng 26,19% so cùng kỳ 2010, trong đó diện tích rừng bị cháy 994 ha, bằng 14,78%; diện tích rừng bị phá 1.044 ha, bằng 98,73%.
3. Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản sản xuất tháng 11/2011 ước tính đạt 460 nghìn tấn, tăng 4,4%, trong đó cá đạt 347 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 57,5 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 11 ước tính đạt 244,2 nghìn tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 194 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng tôm đạt 39,2 nghìn tấn, giảm 3,2%, sản lượng thủy sản khác đạt 11 nghìn tấn, tăng 4,8%.
Trong tháng, giá cá tra nguyên liệu đang tăng trở lại, hiện ở mức 25-26 ngàn đồng/kg, tăng 2.000 -3.000 đồng/kg so tháng trước, nguyên nhân do cầu mặt hàng thủy sản tăng về cuối năm. Sản xuất cá tra tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất tập trung trên qui mô lớn, mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn nhằm hướng đến tạo nguồn hàng phục vụ nhu cầu xuất khẩu, từng bước nâng cáo giá trị hàng hóa nông sản chế biến trên thị trường thế giới. Trong tháng, các địa phương có sản lượng cá tra thu hoạch tăng nhiều là: An Giang 20 nghìn tấn, tăng 11,1%; Đồng Tháp 22 nghìn tấn, tăng 2%; Cần Thơ 18,5 nghìn tấn, tăng 5%.
Nuôi nuôi tôm sú gặp khó khăn trên các diện tích nuôi vụ 2, mưa nhiều cùng với nguồn nước còn lẫn mầm bệnh chưa được xử lý hết từ trươc đó nên tôm bị bệnh lan rộng làm cho sản lượng tôm nuôi thu hoạch trong tháng đạt thấp: Cà Mau 9,2 nghìn tấn, giảm 12% so với cùng kỳ; Bạc Liêu 6 nghìn tấn, giảm 10,3% .
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2011 ước tính đạt 214,5 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 197,3 nghìn tấn, tăng 3,5%, khai thác nội địa đạt 17,2 nghìn tấn, tăng 8%.
Nước lũ về nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu long, kéo theo nguồn lợi về thủy sản là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sản lượng khai thác thủy nội địa tăng. Khai thác biển tương đối ổn định, cá nục, cá cơm xuất hiện khá dày tại khu vực biển miền Trung, mực ống và mực nang có nhiều ở vùng biển Nam bộ cùng với việc triển khai Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ cho tàu có công suất lớn khai thác trên các vùng biển xa nên các tàu khai thác biển xa bờ yên tâm bám biển, các nghề khai thác chủ lực là nghề cào và nghề lưới vây ánh sáng.
Tính chung 11 tháng, tổng sản lượng thuỷ sản các loại đạt 5009 nghìn tấn, tăng 4%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2658,7 nghìn tấn, tăng 5,5%, trong đó sản lượng cá nuôi đạt 2042 nghìn tấn, tăng 5,6%, sản lượng tôm nuôi đạt 425,7 nghìn tấn, tăng 4,2%; khai thác thủy sản đạt 2350,3 nghìn tấn, tăng 2,3%, khai thác hải sản (biển) đạt 2172,6 nghìn tấn, tăng 2,4%.
4. Ước thực hiện sản xuất 12 tháng năm 2011 như sau:
a. Trồng trọt
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất lúa nhằm tăng thêm 1 triệu tấn thóc, Bộ đã chỉ đạo sát sao các địa phương về mùa vụ, cơ cấu giống, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh; phối hợp với Bộ Công thương để điều tiết cấp nước tưới cho vụ Đông Xuân ở miền Bắc; chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL tu bổ đê bao bảo vệ lúa vụ 3...Kết quả, sản lượng lúa cả năm 2011 ước đạt 41,5 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2010, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo.
Diện tích rau năm 2011 ước đạt 792 nghìn ha, tăng khoảng 1,5% so với 2010; sản lượng ước đạt 13,3 triệu tấn, tăng 2,9% so với năm 2010.
Các cây công nghiệp ngắn ngày:
+ Cây mía: Diện tích mía cả nước khoảng 270.000 ha. Do điều kiện thời tiết khá thuận lợi và giá cả thu mua những năm qua đã dần hợp lý (hiện các nhà máy phía Nam công bố kế hoạch mua giá mua mía tại ruống cho vụ ép 2011-2012 khoảng 1000 đ/kg đối với mía có chữ đường 10CCS) nên diện tích mía vùng nguyên liệu tập trung trong cả nước đã tăng khoảng 5.000 ha. Trừ một số diện tích mía vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng lũ nên phải thu hoạch sớm, diện tích mía còn lại sinh trưởng phát triển tốt tương đương vụ mía năm trước. Dự kiến sản lượng mía ép cho chế biến đường công nghiệp đạt khoảng 12,5 triệu tấn.
+ Cây lạc: Diện tích lạc ước đạt 229 nghìn ha, tăng khoảng 12.000 ha so với năm trước, năng suất lạc bình quân vẫn giữ ở mức ổn định khoảng 21 tạ/ha.
+ Cây đậu tương: Diện tích trồng đậu tương cả nước đạt 193,5 nghìn ha, tương đương năm trước.
Cây công nghiệp lâu năm:
+ Cây cao su: Do được giá, cao su phát triển mạnh ở các vùng trên cả nước, diện tích cao su hiện đạt khoảng 810 nghìn ha, tăng khoảng 70 nghìn ha so với năm 2010. Trong đó diện tích kinh doanh đạt khoảng 445 nghìn ha, năng suất khoảng 16,7 tạ mủ khô/ha; sản lượng đến thời điểm này ước đạt 670.000 tấn mủ khô.
+ Cây cà phê: cà phê được giá cao nên ở nhiều nơi, nông dân tự phát trồng thêm nên diện tích tăng khoảng 2 nghìn ha, đạt khoảng 550.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 1,81 triệu tấn, tương đương năm 2010.
+ Cây chè: Diện tích chè trồng mới năm 2011 tăng khoảng 2.500 ha, đưa diện tích chè lên khoảng 132.000 ha, năng suất búp tươi khoảng 7,3 tấn/ha, sản lượng ước đạt 830 nghìn tấn chè búp tươi, tăng khoảng 0,8% so với năm 2010.
+ Cây điều: do nhiều vườn điều già cỗi, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, nông dân đốn bỏ chuyển sang trồng cây khác, nên diện tích điều bị thu hẹp hiện chỉ còn khoảng 360 nghìn ha. Mặc dù vậy, nhờ được giá nên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ như mục tiêu của Hiệp hội điều đề ra.
+ Cây hồ tiêu: Diện tích hồ tiêu được mở rộng, tăng khoảng 2 nghìn ha đưa diện tích hồ tiêu cả nước lên 53,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 115 nghìn tấn. 10 tháng đầu năm 2011 cả nước xuất khẩu 120 tấn hạt tiêu, thu về 702 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 95% về kim ngạch.
+ Cây ăn quả: Diện tích cây ăn quả ước đạt 770 nghìn ha, sản lượng trái cây cả nước ước khoảng 7 triệu tấn.
b. Chăn nuôi
Những tháng đầu năm sản xuất chăn nuôi bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao....Đặc biệt đợt rét đã làm chết gần 10 ngàn trâu bò, tiếp đó dịch lợn tai xanh bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, tháng 7 đầu năm đã xảy ra thiếu nguồn cung thịt làm giá cả tăng cao; từ tháng 9, sản xuất chăn nuôi đã hồi phục và phát triển; nguồn cung con giống và sản phẩm chăn nuôi phong phú. Ước cả năm 2011, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 4,25 triệu tấn, tăng 5,7%; sản lượng trứng ước đạt 6,35 tỷ quả, tăng 8%; sản lượng sữa tươi ước đạt 343,5 ngàn tấn, tăng 12%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2010.
c. Lâm nghiệp
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2011 ước đạt 40%.
d. Thủy sản
Ước cả năm đạt 5,4 triệu tấn, tăng 5,8% so với năm 2010.
e. Nghề muối
Năm 2011, thời tiết không thuận lợi: mưa trái vụ nhiều hơn, lượng mưa cao và nhiệt độ thấp, đặc biệt không có nắng to nên diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.615 ha, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng muối cả năm đạt khoảng 800.000 tấn, bằng 67% so với cùng kỳ năm trước.
f. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, góp phần giảm nhập siêu
Tranh thủ cơ hội thuận lợi của thị trường nông sản thế giới và nguồn hàng dồi dào trong nước, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu như: tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các thị trường lớn, chủ động làm việc với các tổ chức, các quốc gia để giải quyết các rào cản kỹ thuật,...Ước cả năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2010.
5. Tình hình thị trường nông sản, vật tư trong nước
5.1. Lương thực: giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL vẫn duy trì ở mức 7400-7550 đồng/kg (tăng giảm không đều ở một số loại như IR 50404, các dòng lúa OM, lúa Jasmin...): lúa IR 50404 khoảng 7100đ/kg (tăng nhẹ), Jasmin ở mức 7.500 đồng/kg (đứng giá); Giá gạo bán ổn định và có xu hướng giảm: gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm khoảng 9500đ/g (giảm 150đ/kg), gạo IR50404 còn 9650đ/kg (giảm 200đ/kg).
5.2. Thực phẩm: Cụ thể, giá lợn hơi tại các trại chăn nuôi tập trung ở mức 50.000 (đứng giá);thịt heo đùi 85.000 đồng/kg (đứng giá); Thịt bò thăn 150.000 đồng/kg; cá diêu hồng sống 35.000 đồng /kg (tăng 1000đ/kg), Giá cá tra ở mức 34.000 đồng/kg (đứng giá), giá cá lóc nuôi 50.000-55.000 đồng/kg (đứng giá)
5.3. Rau quả các loại: giá rau hiện nay tăng so với tháng trước. Rau muống 8.000đồng/kg (tăng 3000đ/kg), mồng tơi, cải ngọt, cải xanh 7.000 đồng/kg (tăng 1000đ/kg), dưa leo 11.000 đồng/kg (tăng 4000đ/kg),
5.4. Vật tư nông nghiệp: Giá phân có xu hướng tăng, giá bán lẻ phân Urê Phú Mỹ 12.200 đồng/kg (tăng 400đkg), phân DAP Trung Quốc 14.800 đ/kg (giảm 300đ/kg); NPK Philippine có giá 11600đ/kg. Giá cả có xu hướng tăng do nhu cầu phân bón, vật tư nông nghiệp đang tăng.
6. Tình hình thiên tai, dịch bệnh:
6.1. Thiên tai:
* Mưa lũ tại khu vực miền Trung: Đợt mưa lũ tại Miền Trung đầu tháng 11 đã gây thiệt hại cho người và của. Cụ thể
- Người chết: 20 người, trong đó: T.T.Huế: 01; Đà Nẵng: 03; Quảng Nam: 13; Quảng Ngãi: 01, Bình Định: 01; Đăk Lăk: 01.
- Mất tích: 04 người
- Tổng số nhà bị sập, hư hại: 43 cái.
- Tổng diện tích lúa bị ngập, hư hại: 2.616 ha.
- Tổng diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 4.284 ha.
* Mưa lũ tại Tây Nam Bộ: nửa đầu tháng 11 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong vùng.
6.2. Tình hình dịch bệnh
- Dịch Cúm gia cầm: hiện không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương. Cả nước còn tỉnh Nghệ An có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
- Dịch Lở mồm long móng (LMLM): không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương. Cả nước không có địa phương nào có dịch LMLM
- Dịch Tai xanh trên lợn: không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương. Hiện cả nước còn 03 tỉnh là Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Quảng Nam có ổ dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
7. Tình hình thực hiện nguồn vốn XDCB do Bộ NN&PTNT quản lý
7.1. Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước
- Tiết kiệm chi thường xuyên
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các cơ quan hành chính, đơn vị thuộc Bộ rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Tổng cộng số đăng ký tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị thuộc Bộ đạt 86,07 tỷ đồng.
Đến hết 3/11, 40 đơn vị khối hành chính sự nghiệp tiết kiệm được 27,13 tỷ đồng; 7 Ban quản lý dự án tiết kiệm được 21,68 tỷ đồng
- Về rà soát, cắt giảm đầu tư công
Nguồn vốn NSNN: Trong tổng số 47 dự án dự kiến khởi công mới, đã đình hoãn, ngừng khởi công 37 dự án và chỉ đề nghị tiếp tục khởi công mới 10 dự án (gồm 5 dự án ODA và 05 dự án cấp bách phòng chống thiên tai là: Dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh, 03 kho dự trữ quốc gia và dự án Đầu tưxây dựng cơ sở vật chất cơ quan kiểm lâm vùng 2); Tổng vốn Ngân sách nhà nước điều chuyển là 157,56 tỷ đồng, được điều chuyển bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hoàn thành trong năm 2011.
Nguồn vốn TPCP: Bộ đã rà soát, điều chỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2011. Kết quả rà soát đã điều chuyển, bổ sung 210,997 tỷ đồng cho các dự án chặn dòng, vượt lũ, các dự án hoàn thành trong năm 2011.
7.2. Ước thực hiện vốn XDCB 12 tháng năm 2011
Theo báo cáo tổng hợp của các đơn vị, khối lượng thực hiện cả năm 2011 ước đạt 5432 tỷ đồng, bằng 140% kế hoạch năm, trong đó: Vốn ngoài nước đạt 3707 tỷ đồng, bằng 170% kế; vốn trong nước đạt 1725 tỷ, bằng 100% kế hoạch giao.
-Vốn thực hiện dự ánđạt 3.117 tỷ đồng bằng 58% kế hoạch năm, gồm:
+ Khối Thuỷ lợi: Ước đạt 2.969 tỷ đồng, bằng 142% kế hoạch năm;
+ Khối Nông nghiệp: Ước đạt 1364 tỷ đồng, bằng 195% kế hoạch năm;
+ Khối Lâm nghiệp: Ước đạt 321 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch năm;
+ Khối Thuỷ sản: Ước đạt 22,9 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch ‘
+ Khối Khoa học - Công nghệ: Ước đạt 52,1 tỷ đồng, bằng 87% KH;
+ Khối Giáo dục - Đào tạo: Ước đạt 91 tỷ đồng, bằng 101% KH năm;
+ Các ngành khác: Ước đạt 187 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm;
- Vốn đầu tư theo các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể: Ước đạt 227 tỷ đồng bằng 96% kế hoạch năm;
- Vốn chuẩn bị đầu tư: Ước đạt 39,7 tỷ đồng, bằng % kế hoạch năm;
8. Dự báo tình hình trong nước, thế giới năm 2012 liên quan lĩnh vực nông nghiệp
8.1. Tình hình quốc tế
Năm 2012, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với 2011, tuy nhiên lạm phát và mất ổn định vĩ mô, suy giảm đà tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn (có khả năng chi phối) của thế giới.
Khủng hoảng chính trị, quân sự, thiên tai xảy ra ở một số quốc gia kéo theo bất ổn về an ninh, chính trị trên bình diện quốc tế.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân gây sức ép tăng giá hàng thế giới.
Dự báo thị trường nông sản thế giới: nhu cầu các sản phẩm nông sản của thế giới không suy giảm so với mức như năm 2011. Giá lương thực trong bối cảnh phần lớn các nước đều có sự gia tăng về nhu cầu, trong khi các nước xuất khẩu đều có xu hướng giảm lượng xuất khẩu và chú trọng mục tiêu an ninh lương thực nội địa. Gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh do giá.Dự báo tình hình giá nông sản trên bình diện thị trường quốc tế năm 2012 sẽ không có nhiều biến động, xu hướng tạo mặt bằng giá mới do chi phí đầu vào tăng.
8.2. Bối cảnh trong nước
Thuận lợi
Giá cả nông sản được thu mua ở mức cao là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông sản, đảm bảo nông dân có lãi.
Lạm phát trong nước dần được kiểm soát, khống chế, an sinh xã hội được duy trì ổn định, kinh tế vĩ mô dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục nhận được sự quan tâm và ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là rất lớn. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện để thu hút đầu tư trong và ngoài nước về khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Các chính sách mới để hỗ trợ ngành nông nghiệp, nông thôn dần đi vào cuộc sống, là tiền đề quan trọng phát triển ngành năm tới.
Các cam kết về hội nhập WTO của ta không có nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu cũng như sản xuất nông sản trong nước. Các hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu là hỗ trợ gián tiếp (hộp xanh, hộp xanh lơ), các hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất (hộp hổ phách) thấp. Việc thực hiện các cam kết WTO đã qua quá trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện từ các cam kết song phương với các quốc gia khác thực hiện trước, ảnh hưởng của các cam kết này là không lớn đối với sản xuất nông sản trong nước và xuất khẩu.
Về khó khăn
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng đồng thời các nước đều tìm kiếm cơ hội xâm nhập thị trường bên ngoài và trục lợi ở chính sách kích cầu của các nước khác. Đồ gỗ xuất khẩu yêu cầu phải có chứng chỉ rừng làm cho chi phí nhập nguyên liệu tăng, giá thành sản xuất tăng. Hàng hoá nông sản chịu sức ép cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước, tác động của biến động thị trường trong nước cũng trở nên trực tiếp và nhanh chóng hơn.
Ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao, khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, một số phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm, sâu bệnh vẫn luôn tiềm ẩn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tuy ổn định tương đối trong thời gian qua nhưng có thể tăng trong thời gian tới do nguy cơ lạm phát tăng trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Nhận thức của người dân, của các ngành, các cấp còn coi nhẹ sản xuất sạch, thiếu các biện pháp quản lý hữu hiệu. Thiếu hỗ trợ đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, sản xuất tập trung theo quy mô trang trại, công nghiệp. Các chính sách về xã hội hóa lĩnh vực nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào nông nghiệp nông thôn diễn ra chậm./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiepT11.11.pdf

Nguồn: Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1855
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)