Báo cáo của Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 8 năm 2011
1. Nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
Sản xuất nông nghiệp tháng 8 tập trung vào gieo cấy lúa mùa, lúa thu đông; thu hoạch lúa hè thu và phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước đã gieo cấy được 1429,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 100,9% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Bắc gieo cấy 1160,3 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam gieo cấy 269,6 nghìn ha, bằng 110,1%.
Các tỉnh Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng đã kết thúc gieo cấy lúa mùa, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc vẫn đang tiếp tục gieo cấy được trên 98% diện tích. Đến nay thời tiết khá thuận lợi, lúa phát triển tốt, trà đầu đang đẻ nhánh rộ; Lúa mùa chính vụ các tỉnh miền Nam cũng đang trong thời kỳ đứng cái – làm đòng và trổ.
Thời tiết tháng 8 có mưa nhiều, ngày nắng cũng là tác nhân cho sâu bệnh phát triển, nhất là bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, chuột... xuất hiện trên 53 nghìn ha diện tích lúa mới cấy tại hầu hết các tỉnh (Nghệ An nhiễm rầy nâu 16,5 nghìn ha, Ninh Bình 3,0 nghìn ha, Yên Bái 1,7 nghìn ha, Quảng Nam 1,5 nghìn ha);
Cùng với gieo cấy lúa mùa, cả nước đã thu hoạch được 1180 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,9% cùng kỳ. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1124,3 nghìn ha, chiếm 68% diện tích gieo cấy, tăng 1,9% cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương đã thu hoạch 100% diện tích gieo cấy như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp. Theo báo cáo ước tính của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm 2011 vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 51 tạ/ha, tăng gần 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước tính đạt 8,4 triệu tấn, tăng trên 300 nghìn tấn (+5,5%). Lúa hè thu của các vùng khác cũng đang bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt khá so cùng kỳ.
Ngoài ra, đến trung tuần tháng Tám, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuống giống được 336 nghìn ha lúa thu đông, bằng 155% so cùng kỳ do Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho sản xuất lúa vụ thu đông/vụ 3 ở những nơi có hệ thống thuỷ lợi nội đồng hoàn chỉnh, chủ động ngăn được lũ hoặc tiêu thoát nước tốt (Vĩnh Long xuống giống 48 nghìn ha; Đồng Tháp 85,4 nghìn ha, Kiên Giang 45,2 nghìn ha, Cần Thơ 54,2 nghìn ha, Hậu Giang 42 nghìn ha). Hiện nay các trà lúa thu đông phát triển khá tốt. Điều rất quan tâm là ở một vài địa phương đã xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (Cần Thơ 70 ha, Vĩnh Long 220 ha), vì vậy nguy cơ RN-VL-LXL rất cao đối với sản xuất lúa Thu Đông 2011, đặc biệt do diện tích tăng hơn các năm. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường khuyến cáo bà con nông dân tích cực áp dụng phương pháp canh tác ba giảm-ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa, thường xuyên thăm đồng ruộng, thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp để phòng trị sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bốn đúng,… nhằm tăng lợi nhuận trong điều kiện chi phí sản xuất vụ lúa thu đông ở mức cao.
Gieo trồng rau màu nhìn chung đảm bảo tiến độ do thời tiết thuận lợi. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước đã gieo trồng được 850,7 nghìn ha ngô, bằng 92,1% cùng kỳ năm trước; 121,4 nghìn ha khoai lang, bằng 99,5%; 167,5 nghìn ha đậu tương, bằng 93,8%; 205,2 nghìn ha lạc, bằng 97,9%; 760,4 nghìn ha rau, đậu, bằng 108,6%.
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: phát triển ổn định do dịch bệnh đã được khống chế. Đàn bò sữa phát triển tốt, nông dân nuôi bò sữa đang có lãi do giá sữa cao và duy trì ổn định.
Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm cả nước đang có chiều hướng tăng nhanh do dịch cúm gia cầm được khống chế, nhu cầu về các sản phẩm gia cầm tăng, người chăn nuôi có lãi bởi giá thịt, trứng gia cầm đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, hiện người chăn nuôi gia cầm nhất là chăn nuôi trang trại cũng đang gặp một số khó khăn về vốn và cùng với đó là dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát trở lại.
Chăn nuôi lợn: Đang dần khôi phục do dịch lợn tai xanh đã được khống chế và chăn nuôi hiện đang có lãi, chủ yếu là khôi phục chăn nuôi trang trại, gia trại. Tuy nhiên, hiện nay giá thịt lợn hơi giảm 5-10% trong khi các chi phí đầu vào vẫn ở mức cao đã làm giảm lợi nhuận thu được, ngoài ra tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát, người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng đến sự khôi phục phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới.
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ các địa phương thuộc Bắc Bộ tập trung trồng rừng chính vụ, các địa phương thuộc Trung và Nam Bộ do mùa mưa muộn nên đến nay mới bắt đầu triển khai trồng rừng theo kế hoạch 2011. Điều kiện thời tiết đến nay nhìn chung tại các địa phương trong cả nước đã có mưa nên thuận lợi cho công tác lâm sinh, tuy nhiên vào thời gian cuối tháng 7 khu vực Trung và Nam Bộ vẫn còn nắng nóng, khô hạn nên tiến độ trồng rừng chậm. Tổng hợp kết quả sản xuất trong kỳ một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 54 nghìn ha, tăng 6,93% so cùng kỳ 2010; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 13,5 triệu cây, tăng 0,75%; sản lượng gỗ khai thác 432 nghìn m3, tăng 9,30%; sản lượng củi khai thác 2,6 triệu ste, tăng 1,37%.
Tính chung 8 tháng đầu năm: Diện tích rừng trồng tập trung 137,5 nghìn ha, bằng 93,03%; số cây trồng phân tán 137,6 triệu cây, tăng 0,36%; sản lượng gỗ khai thác 2.781 nghìn m3, tăng 11,5%; sản lượng củi khai thác 19,1 triệu ste, tăng 2,39%.
Trong kỳ một số địa phương thuộc khu vực Trung Bộ còn xảy ra cháy rừng, chủ yếu trong đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài đến cuối tháng 7, đầu tháng 8; tình hình chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy vẫn còn rải rác một số nơi chủ yếu Tây Bắc, Tây Nguyên. Diện tích rừng bị thiệt hại là 112 ha, trong đó cháy rừng 19 vụ, 65 ha; phá rừng 207 vụ, 47 ha.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2011 diện tích rừng bị thiệt hại 1.799,3 ha, bằng 23,18 % so cùng kỳ 2011, trong đó diện tích rừng bị cháy 890,5 ha, bằng 12,83%; diện tích rừng bị phá 938,8 ha, bằng 88,95%.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 8 ước đạt 475 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng cá đạt 349 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng tôm đạt 79 nghìn tấn, tăng 5,6%.
3.1. Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 282 nghìn tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 200 nghìn tấn, tăng 5,8%; sản lượng tôm đạt 69 nghìn tấn, tăng 6,2%.
Cá tra đang trong kỳ thu hoạch tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu bán tăng trong khi thị trường nhập khẩu ở Châu Âu giảm nhu cầu mua, các doanh nghiệp không xuất khẩu được, giá cá tra nguyên liệu vẫn duy trì ở mức thấp, khoảng 23.500 - 24.000 đ/kg, giảm 5.000 đồng/kg so mức giá lúc cao điểm. Người nuôi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi khó khăn dẫn tới tình hình sản xuất cá tra trở lại bất ổn, diện tích thả nuôi chững lại, có xu hướng giảm và chuyển sang thả nuôi đối tượng khác: Cần thơ 714 ha, giảm 9,7%; Vĩnh Long 321ha, giảm 20%; Đồng Tháp 1425 ha, giảm 2,5%; Bến Tre 620ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ..
3.2. Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 194 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 174 nghìn tấn, tăng 3,1%
Thời tiết biển tương đối thuận lợi, mưa bão không nhiều so với cùng kỳ năm trước, phần lớn các tàu đi đánh bắt đều đạt sản lượng khá. Tuy nhiên giá xăng dầu vẫn ở mức cao cùng với giá các loại chi phí đi biển khác đều tăng nên hiệu quả khai thác không cao. Mô hình tổ chức khai tháctheo kiểu tổ đội kết hợp tiết kiệm được chi phí đang được các địa phương khuyến khích nhân rộng đảm bảo cho ngành khai thác hải sản tiếp tục phát triển.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản các loại đạt 3469 nghìn tấn, tăng 3,5%. Trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 1843 nghìn tấn, tăng 5,2% (sản lượng cá nuôi đạt 1437 nghìn tấn, tăng 5%; sản lượng tôm nuôi đạt 286 nghìn tấn, tăng 5,8%); khai thác thủy sản đạt 1626 nghìn tấn, tăng 1,7%,khai thác hải sản (biển) đạt 1508 nghìn tấn, tăng 1,8%.
4. Giá cả nông sản, vật tư trong nước
4.1. Lương thực: giá lúa biến động nhẹ có với tháng trước do có nguồn cung rất dồi dào kéo theo giá gạo có biến động không lớn, giá gạo tẻ thường vào khoảng 11.000đ/kg (tăng nhẹ so với tháng trước); các loại gạo khác hầu như đứng giá hoặc có dao động với biên độ không lớn.
4.2. Thực phẩm: giá thịt có xu hướng tăng ở lợn hơi với mức tăng khoảng 5000đ/kg so tháng trước kéo theo giá thịt lợn các loại (thịt lợn mông, lợn đùi..) tăng ỏ một số thị trường lớn (Cần Thơ, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh); giá gia cầm không biến động nhiều so tháng trước và có xu hướng giảm (giảm khoảng 5000đ/kg so tháng trước, ở mức 110.000đ/kg gà hơi); giá tôm cũng có xu hướng giảm (200.000đ/kg, giảm 20.000đ/kg); giá cá tra tại ĐBSCL đã giảm, xuống ở mức 25.500đ/kg;
4.3. Rau quả các loại: Giá bán lẻ tại các chợ như sau: cải ngọt 7000đ/kg, cà chua 17000đ/kg, bí xanh 4500đ/kg,…. Nhìn chung giá cả các loại rau quả có xu hướng giảm và giảm khá mạnh ở một số mặt hàng.
4.4. Vật tư nông nghiệp: Urê của Trung Quốc có giá 9500đ/kg (giảm 900đ.kg); Urê Phú Mỹ có giá 10.600đ/kg (đứng giá). Phân DAP của Philipin có giá 16000/đkg (tăng 200đ/kg), DAP Trung Quốc 14300đ/kg (đứng giá)
5. Tình hình thiên tai, dịch bệnh
Dịch cúm gia cầm: Hiện còn tỉnh Nghệ An có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày; Dịch lở mồm long móng: hiện cả nước còn tỉnh Quảng Ngãi có dịch chưa qua 21 ngày./.
File đính kèm: BCKTNongnghiepT8.11.pdf
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư