Theo đó, trong 503 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ có tới 257 TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp (chiếm trên 51%). Để thực thi các phương án đơn giản hóa quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đơn giản hóa 113/257 TTHC thuộc lĩnh thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó số TTHC cần bãi bỏ là 24/28.
1. Việc đơn giản hóa TTHC thành lập và phát triển doanh nghiệp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 tháng 2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thay thế cho Nghị định số 139/2007/NĐ-CP
Sau khi rà soát, thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Quyết định số 1665/QĐ-BKHĐT ngày 02/11/2011 công bố TTHC sửa đổi, bổ sung và TTHC mới. Theo đó, số TTHC liên quan đến việc thành lập và phát triển doanh nghiệp chỉ còn lại 125 so với 257 TTHC trước đây với việc hủy bỏ 11 TTHC đăng ký đối với doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước và bãi bỏ 122 TTHC tại Ban quản lý tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/5/2011 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 234/BKHĐT-VP về việc đẩy nhanh tiến độ thực thi các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính để chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, các đơn vị phải khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao để thực thi nội dung đơn giản hóa TTHC theo các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC theo hướng dùng một văn bản sửa nhiều văn bản, không chờ thực hiện chương trình sửa đổi tổng thể riêng từng văn bản (tham khảo Công văn 165/VP-KSTT ngày 28/3/2011).
Trên cơ sở đó, tháng 11/2012 Bộ đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa các Nghị định 87/2005/NĐ-CP, Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Nghị định 43/2010/NĐ-CP để thực thi phương án đơn giản hóa 179 TTHC thuộc các Lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp, thành lập và hoạt động hợp tác xã, đấu thầu.
Ngày 06/3/2012, sau khi làm việc với đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa các Nghị định 87/2005/NĐ-CP, Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Nghị định 43/2010/NĐ-CP và đã giải trình bổ sung về một số nội dung trong dự thảo Nghị định gửi Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 1260/BKHĐT-PC.
Sau khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định[1] sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thay vì trình Chính phủ Nghị định sửa nhiều Nghị định như phương án ban đầu.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư[2] hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Nghị định số 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thay thế Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04/6/2010. Theo đó một số TTHC tiếp tục được đơn giản hóa nhằm làm tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thuận lợi nhưng đồng thời cũng đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Ngoài ra một số TTHC mới được bổ sung nhằm hoàn thiện hơn hệ thống TTHC thông qua việc quy định rõ ràng để giải quyết những vấn đề tồn tại trước đây chưa được xử lý thống nhất trên phạm vi cả nước và những vấn đề chưa được hướng dẫn để xử lý, ví dụ như các TTHC “Đăng ký thay đổi chủ sở hữu do thừa kế theo pháp luật”; “Tặng, cho doanh nghiệp”,... Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học và công nghệ.
2. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo Kế hoạchrà soát TTHC trọng tâm năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện việc rà soát thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với kết quả tại Báo cáo số 9503 /BC- BKHĐT ngày 16/11/2012, cụ thể:
a/ Về rà soát thủ tục đăng ký doanh nghiệp có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong các thủ tục đăng ký doanh nghiệp chỉ có 02 loại yêu cầu về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải có trong thành phần hồ sơ là: (i) Văn bản xác nhận vốn pháp định và (ii) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề. Doanh nghiệp chỉ phải nộp kèm theo văn bản trên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoặc vốn pháp định. Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề “kinh doanh bất động sản”. Theo quy định tại Nghị định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ thì doanh nghiệp phải có vốn pháp định là 6 tỷ đồng, theo đó hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp phải nộp kèm theo văn bản xác nhận về việc sở hữu hợp pháp nguồn vốn hoặc tài sản có giá trị tương đương 6 tỷ đồng.
Về việc rà soát thủ tục đăng ký doanh nghiệp có yêu cầu văn bản xác nhận vốn pháp định và bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề: nội dung này đã được rà soát trước đây và đã được cụ thể hóa tại Phần I Nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ. Theo đó, việc xử lý đối với yêu cầu về chứng chỉ hành nghề và vốn pháp định trong đăng ký doanh nghiệp sẽ được xử lý theo một trong hai phương án (i) Bỏ yêu cầu phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định; bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề (người đề nghị chỉ xuất trình các giấy tờ nêu trên khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định hoặc phải có chứng chỉ hành nghề). (ii) Trong hồ sơ đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, kể cả các giấy tờ nêu trên. Cơ quan ĐKKD làm đầu mối kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ, liên hệ giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa liên thông.
Ngày 03/3/2011 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 1278/BKHĐT-PC đề nghị thực hiện theo phương án (i). Để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành sửa đổi quy định tại Luật Doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2013.
b/ Về rà soát thủ hành chính liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thì điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức (i) Giấy phép kinh doanh, (ii) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, (iii) Chứng chỉ hành nghề, (iv) Chứng nhận trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp, (v) Xác nhận vốn pháp định, (vi) Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, (vii) Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành, nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất cứ hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì: ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị định chuyên ngành; việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành.
Đồng thời, khoản 1 Điều 27 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính cũng quy định: Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý ngành, lĩnh vực được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính và quy định có liên quan đến thủ tục hành chính không đáp ứng quy định.
Căn cứ các quy định trên, việc rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ quản lý chuyên ngành./.
[1] Dự kiến Nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành trong Quý I/2013
[2] Dự kiến Thông tư này sẽ được hoàn thành, trình Bộ trưởng ký ban hành trong Quý I/2013.