Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/04/2015-09:28:00 AM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 4 và 4 tháng năm 2015

1. Nông nghiệp

Trồng trọt

Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng Tư là tập trung chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.

- Cây lúa

Tính đến 15/4/2015, cả nước đã gieo cấy được 3094,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1152,2 nghìn ha, bằng 100,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1942,5 nghìn ha, bằng 99,6%.

Tại các địa phương phía Bắc, một số cơn mưa đầu mùa đem nước tưới đến những chân ruộng cao, hạn chế phần nào tình trạng khô hạn. Đến nay, lúa đông xuân đang phát triển và sinh trưởng tốt, trà lúa sớm đang giai đoạn làm đòng, trà trung đang giai đoạn cuối đẻ nhánh, trà xuân muộn đang đẻ nhánh rộ. Các công ty thuỷ lợi tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện bơm nước, điều tiết đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa sinh trưởng và phát triển.

Tại các địa phương phía Nam, do xuống giống sớm nên nhiều diện tích lúa đông xuân đã cho thu hoạch. Tính đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1653,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 112,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản thu hoạch xong với 1531 nghìn ha, bằng 115,1%.

Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa Đồng bằng sông Cửu Long đạt 70,8 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Diện tích gieo trồng lúa đông xuân toàn vùng năm 2015 ước đạt 1561,9 nghìn ha, giảm 822 ha do thực hiện đề án tái cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, giảm dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng cây ăn trái, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau màu,… phá thế độc canh cây lúa để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao đời sống nhân dân. Như vậy, cả diện tích và năng suất đều giảm, nên sản lượng lúa đông xuân cả vùng ước tính chỉ đạt hơn 11 triệu tấn, giảm hơn 100 nghìn tấn so với năm trước.

Trên những chân ruộng lúa Đông xuân đã thu hoạch, bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, giữ khô và cày ải phơi đất, sau đó xuống giống vụ Hè thu. Tính đến trung tuần tháng tư, các địa phương phía Nam gieo sạ được 665,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 126,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 643 nghìn ha, bằng 127,4%. Tiến độ gieo cấy lúa hè thu ở các địa phương phía Nam nhanh hơn cùng kỳ do lúa đông xuân thu hoạch sớm. Một số tỉnh có tiến độ gieo sạ nhanh là: Đồng Tháp 132 nghìn ha; Kiên Giang 100 nghìn ha; Cần Thơ 70 nghìn; An Giang 60 nghìn ha; Long An 60 nghìn ha.

- Cây trồng khác

Tính đến trung tuần tháng Tư, cả nước gieo trồng được 468,2 nghìn ha ngô, bằng 103,3% cùng kỳ năm trước; 77,8 nghìn ha khoai lang, bằng 97,3%; 60,5 nghìn ha đậu tương, bằng 109,5%; 136,5 nghìn ha lạc, bằng 92,2%; 526,6 nghìn ha rau đậu, bằng 101,1%. Nhìn chung các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, kết hợp gặp thời tiết ấm nên đang sinh trưởng và phát triển tốt: Ngô đang xoáy nõn, trỗ cờ; Đậu tương đang ra hoa và quả non,…

- Tình hình hạn hán:

Tuy những ngày đầu tháng Tư, trên địa bàn một số tỉnh Vùng Tây Nguyên có mưa nhưng chỉ là những cơn mưa rải rác, cục bộ một số vùng, góp phần làm tăng độ ẩm cho đất và không khí nhưng vẫn chưa cứu vãn được tình hình hạn hán đang diễn ra tại đây. Tính đến nay nhiều hồ, đập nhỏ và vừa có mực nước xuống thấp gần mực nước chết. Hầu hết các suối nhỏ đã cạn, suối lớn lượng dòng chảy rất hạn chế, mực nước các sông xuống quá thấp, lượng nước ngầm suy giảm mạnh gây khó khăn cho công tác chống hạn. Tính đến 15/4, hơn 44 nghìn ha cây trồng đang bị hạn nặng, trong đó 2,3 nghìn ha đã mất trắng; hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, có vùng dân không còn nước giếng, phải đi lấy nước từ khe núi để phục vụ sinh hoạt. Tình trạng khô hạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn nước chống hạn ngày càng khó khăn, số hộ dân bị thiếu nước và diện tích cây trồng bị khô hạn có thể còn tăng thêm trong thời gian tới.

- Tình hình mưa lũ:

Trong khoảng từ ngày 25-28 tháng 3, tại một số tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa lớn, làm ngập úng hơn 7300 ha lúa và hoa màu, thiệt hại 470 ha. Những tỉnh bị ảnh hưởng lớn là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

- Tình hình sâu bệnh:

Trong tháng có 77 nghìn lúa và hoa màu trên cả nước bị nhiễm sâu bệnh, nhiều nhất là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá với diện tích bị nhiễm 25 nghìn ha; ốc bưu vàng 18 nghìn ha; chuột phá hoại gần 6000 ha... Sâu bệnh sinh trưởng nhiều trên cây lúa, làm giảm năng suất và tăng chi phí đầu vào, gây tổn thất cho bà con nông dân. Đông xuân là vụ lúa cho năng suất, chất lượng cao nhất trong năm. Tuy vậy, lợi nhuận cao hay thấp còn tùy thuộc vào thị trường lúa gạo, nhưng yếu tố mang tính quyết định vẫn là trình độ thâm canh của nhà nông. Muốn ổn định thu nhập bà con nông dân cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành và giữ vững năng suất, chất lượng lúa. Khi đó, nếu giá lúa tăng cao thì lợi nhuận sẽ tăng, nếu giá lúa giảm thì cũng tránh được tình trạng lỗ vốn

Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu, bò: Thiên tai, dịch bệnh lớn không xảy ra; đàn trâu bò thịt phát triển khá ổn định, đàn bò sữa phát triển tốt do một số doanh nghiệp tăng cường đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Ước tính tổng số trâu của cả nước giảm khoảng 2-2,5%, tổng số bò tăng khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Chăn nuôi lợn: Tình hình chăn nuôi lợn không có biến động nhiều, dịch lợn tai xanh không xảy ra. Mặc dù chăn nuôi lợn vẫn đang có lãi nhưng do nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân thời điểm từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm thường giảm nên hiện tại mức độ tái đàn không cao. Ước tính tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2014.

Chăn nuôi gia cầm: dịch cúm gia cầm vẫn còn xuất hiện ở một vài tỉnh tuy không xảy ra trên diện rộng nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn gia cầm. Xu hướng chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, an toàn dịch bệnh ngày càng phát triển trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ ngày càng giảm dần. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2014.

* Tình hình dịch bệnh

- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 19/4/2015 cả nước còn tỉnh Nghệ An và Cần Thơ có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 19/4/2015 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.

- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 19/4/2015 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

2. Lâm nghiệp

Tổng hợp kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng Tư đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 7,6 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2014; cây lâm nghiệp trồng phân tán 17,5 triệu cây, tương đương so cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 476 nghìn m3 (+6,8%); sản lượng củi khai thác ước đạt 2,9 triệu ste (+0,7%).

Tính chung 4 tháng đầu năm: Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 20,4 nghìn ha, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014; cây lâm nghiệp trồng phân tán 82,3 triệu cây (+0,7%); sản lượng gỗ khai thác 1978 nghìn m3 (+7,8%); sản lượng củi khai thác 10,54 triệu ste (+0,4%).

Tình hình thiệt hại rừng: Do thời tiết khô hạn trên diện rộng nên một số nơi đã xảy ra cháy rừng, chủ yếu ở các tỉnh Trung du miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trong kỳ diện tích rừng bị thiệt hại là 626 ha tăng 161,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 461 ha, diện tích rừng bị phá 165 ha, một số tỉnh có diện tích cháy rừng lớn như Đắc Lắc 265 ha; Sơn La 88 ha; Kiên Giang 30 ha… Tính chung 4 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại là 785 ha (-6,5%), trong đó diện tích rừng bị cháy 534 ha (-20,8%); diện tích rừng bị phá 251 ha (+52,2%). Theo tin từ Cục kiểm lâm tình hình khô hạn nắng nóng vẫn kéo dài, một số tỉnh có cấp cảnh báo cháy rừng cao cần phải tập trung thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng như Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau, Bắc Giang, Cao Bằng.

3. Thủy sản

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tháng Tư ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 425,1 nghìn tấn (+3,0%); tôm 43,8 nghìn tấn (-0,5%).

Nuôi trồng thuỷ sản

Thời tiết không ổn định, nắng ấm xen kẽ việc xuất hiện không khí lạnh, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao đã tạo điều kiện cho các loài ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh trên tôm và cá đã làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 240,6 nghìn tấn (-0,7%), trong đó cá 193,9 nghìn tấn (-1,0%); tôm 34,4 nghìn tấn (-2,0%).

- Nuôi cá tra:

Qui mô nuôi cá tra tiếp tục chuyển dịch nhẹ từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, liên kết chuỗi sản xuất. Giá thu mua cá tra nguyên liệu hiện nay tiếp tục tăng lên 24.000-24.500đ/kg (tăng 500đ/kg so với tháng trước), người sản xuất đã có lời từ 1.000 - 1.500đ/kg, nhưng do những khó khăn của năm trước chưa được khắc phục, diện tích nuôi thu hẹp dẫn tới sản lượng thu hoạch một số địa phương sụt giảm (An Giang 25 nghìn tấn, giảm 2,6%; Bến Tre 9,5 nghìn tấn, giảm 43%, Vĩnh Long 4,8 nghìn tấn, giảm 24%...)

Các địa phương đang triển khai thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tái cấu trúc ngành cá tra để phát triển ổn định, tuyên truyền các vùng nuôi thực hiện nuôi theo hướng chuỗi liên kết và áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn về chất lượng (VietGap). Tuy nhiên người nuôi chưa có nhiều quan tâm vì nếu áp dụng tiêu chuẩn này thì chi phí sản xuất tăng, trong khi doanh nghiệp vẫn đồng nhất giá mua với sản phẩm không áp dụng nên việc tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn.

- Nuôi tôm nước lợ:

Do trong những tháng đầu năm thời tiết lạnh thất thường nên các địa phương chỉ đạo lịch thả giống muộn để đảm bảo an toàn cho nuôi tôm. Trong tháng, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của hầu hết các tỉnh, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 16,9 nghìn tấn, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó: Bến Tre đạt 1,24 nghìn tấn (-51,4%); Cà Mau 4,5 nghìn tấn (-7,3%); Bạc Liêu 0,9 nghìn tấn (-25%)... Tôm sú ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng thu hoạch ước đạt 14,6 nghìn tấn, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó: Cà Mau ước đạt 7,5 nghìn tấn (+25%); Bạc Liêu 4,7 nghìn tấn (+49%)... hiện nay đang vào vụ thu hoạch tôm sú, giá tôm tương đối cao. Các tỉnh cũng đang tập trung vào cải tạo ao nuôi, thả giống khi có điều kiện thuận lợi. Diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng ước tăng 16,3%, tôm sú ước tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Khai thác thuỷ sản

Thời tiết các ngư trường thuận lợi cho việc ra khơi, giá các mặt hàng hải sản tương đối ổn định, giá xăng dầu giảm, đang là thời gian vào vụ cá nam nên ngư dân tích cực ra khơi. Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tư ước tính đạt 322,6 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 312,6 nghìn tấn, tăng 6,6%.

Tính chung bốn tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 1748,4 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng 738,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1009,9 nghìn tấn (+4,4%), trong đó: sản lượng khai thác biển 961,5 nghìn tấn (+4,7%). Một số tỉnh có sản lượng khai thác tăng khá như: Kiên Giang 40,6 nghìn tấn, tăng 3,9%; Bến Tre 14,2 nghìn tấn (+18,3%); Cà Mau 18 nghìn tấn (+20%); Bạc Liêu 10,4 nghìn tấn (+37%); Quảng Ngãi 13,7 nghìn tấn (5,6%)... Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 3,9 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

4. Một số giải pháp chỉ đạo điều hành

- Theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường các sản phẩm chăn nuôi để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở có giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất và kiểm soát giá giống vật nuôi, đảm bảo bình ổn thị trường và phục vụ tái đàn, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi;

- Tăng cường chỉ đạo và giám sát tình hình phòng chống dịch bệnh; công tác kiểm soát chất lượng giống và vật tư chăn nuôi, tập trung vào thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y và chất cấm tại một số địa phương; triển khai chương trình ViepGAP trong chăn nuôi.

- Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc biệt một số mặt hàng nông sản có kỳ thu hoạch tập trung (như vụ vải sắp tới).

- Về công tác phòng chống lụt bão, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp với cường độ và tần suất cao hơn. Để chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới, đảm bảo an toàn tính mạng, đời sống và sản xuất của người dân, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án phòng chống thiên tai như sửa chữa đê điều, kè chống sạt lở, an toàn hồ chứa...

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Quyết định 899/QĐ-TTg), trong đó có việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng màu có giá trị kinh tế cao hơn, ban hành các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân chuyển đổi./.


File đính kèm:
So_lieu_BC_T4.15.doc

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3111
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)