1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Sản xuất nông nghiệp tháng Tám tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa, lúa thu đông; thu hoạch lúa hè thu và phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng.
Tình hình gieo trồng lúa mùa:Tính đến 15/8/2014, cả nước đã gieo cấy được 1446,5 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó: các địa phương phía Bắc cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1179,1 nghìn ha, bằng năm 2013; các địa phương phía Nam gieo cấy 267,4 nghìn ha, bằng 92,7%. Hiện trà lúa mùa sớm, đầu trà trung đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, trà lúa mùa trung và trà muộn đang trong thời kỳ đẻ nhánh - cuối đẻ nhánh. Các trà giống lúa đã được bón lót và thúc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nên đến nay các diện tích lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Thu hoạch lúa Hè thu: Song song với công tác gieo cấy lúa mùa, cả nước đã thu hoạch được 1116,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 94,9 % năm trước, tập trung chủ yếu ở các địa phương Phía Nam. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1051,7 nghìn ha, chiếm 62,3% diện tích gieo cấy và bằng 96,1% cùng kỳ. Các tỉnh Duyên hải miền trung đầu vụ gặp khó khăn vì thời tiết nắng nóng, tuy nhiên với sự chỉ đạo sản xuất, khắc phục khó khăn và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nên năng suất chỉ giảm nhẹ, ước tính chung cả nước năng suất lúa hè thu năm 2014 cả nước đạt 53,3 tạ/ha, tăng so với năm trước 1,2 tạ/ha. Sản lượng lúa hè thu toàn quốc ước tính 11,3 triệu tấn, tăng hơn 90 nghìn tấn. Hiện nay, tình hình thời tiết có những diễn biến bất thường, mưa giông thường xuyên xảy ra, chính vì vậy việc thu hoạch lúa Hè thu của nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn: lúa bị ngã đổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tiến độ.
Trong tháng giá lúa khô ổn định so với tháng trước cụ thể như sau: giá lúa Jasmine 85: 7.500-7.600 đồng/kg, giá các giống lúa OM: 5.900-6.000 đồng/kg, giá lúa IR 50404: 5.500-5.600 đồng/kg.
Gieo trồng lúa thu đông đồng bằng sông Cửu Long: Trên những chân ruộng đã thu hoạch xong lúa Hè thu và màu Xuân hè, bà con nông dân tiếp tục sản xuất vụ lúa Thu Đông 2014. Tính đến 15/8/2014, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 396,2 nghìn ha lúa thu đông, tăng 7,8 % so với cùng kỳ năm trước, diện tích năm nay tăng lên do tỉnh Long An chủ động tách một phần diện tích lúa đông xuân chuyển sang vụ thu đông để sản xuất. Nhìn chung tiến độ gieo cấy vụ thu đông các tỉnh chậm hơn hàng năm là do thời tiết có biến đổi nên hầu hết các vụ lúa đều chậm hơn so cùng kỳ. Hiện nay, lúa Thu Đông 2014 chủ yếu ở giai đoạn mạ đến làm đòng sinh trưởng và phát triển khá. Tuy nhiên, trên những chân ruộng sạ dầy, bón thừa phân đạm hoặc vệ sinh không kỹ trước khi xuống giống đã xuất hiện bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, ngộ độc hữu cơ.
Dự báo tình hình sâu bệnh: trong thời gian tới trên lúa hè thu có hiện tượng nhiễm rầy nâu; bệnh vàng lá, khô cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá vẫn còn gây hại trên lúa hè thu muộn. Trên lúa thu đông, mùa có rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng phát sinh trên trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trỗ.
Gieo trồng rau màu nhìn chung khá thuận lợi trong gieo trồng chăm sóc so với mọi năm, lịch thời vụ và thời tiết thuận lợi cho các loại rau màu phát triển. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước đã gieo trồng được 992,5 nghìn ha ngô, bằng 103,1% cùng kỳ năm trước; 127,4 nghìn ha khoai lang, bằng 102,5%; 96,1 nghìn ha đậu tương, bằng 87,8 %; 186,1 nghìn ha lạc, bằng 94,9 %; 894,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 108,7%.
Tình hình thiên tai, dịch bệnh: Những ngày qua thời tiết bất thường, sâu bệnh phát triển mạnh, so với năm trước, năm nay sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn. Cả nước có hơn 315 nghìn ha lúa và hoa màu bị nhiễm sâu bệnh, trong đó các tỉnh Miền Bắc bị nhiễm 183 nghìn ha, các tỉnh Miền Nam bị nhiễm 131 nghìn ha. Tuy nhiên, các diện tích bị nhiễm nhẹ, bà con đã chủ động phòng chống thành công, chỉ có hơn 50 ha bị nhiễm nặng, chủ yếu là sâu cuốn lá và rầy nâu. Các địa phương đang tích cực phun thuốc phòng trừ để ngăn chặn sự lây lan, đồng thời theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh, kịp thời có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả sản xuất.
Cây lâu năm: Hiện nay nông dân tiếp tục chăm sóc các vườn cây ăn trái và đang thu hoạch một số loại cây ăn trái như: dừa, chuối, cam, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Nhiều loại cây ăn trái đang vào mùa thu hoạch. Bên cạnh đó ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục vận động nông dân khôi phục cây ăn trái tập trung, chuyên canh chủ yếu các loại cây như: Cam mật, bưởi năm roi, vú sữa, sầu riêng. Theo quan sát các vùng trồng chuyên canh và nhận định nông dân có kinh nghiệm thì năm nay thời tiết, mùa vụ thuận lợi nên ước tính một số loại cây ăn quả sẽ trúng mùa hơn cùng kỳ năm trước.
Giá cả một số sản phẩm cây ăn quả phổ biến tại ĐB sông Cửu Long
Trong tháng báo cáo, giá các loại trái cây biến động mạnh do ảnh hưởng mùa vụ, cụ thể như sau: Bưởi da xanh loại 1 (từ 1,4 kg/trái trở lên) giá 45.000 đồng/kg, bưởi loại 2 có giá 38.000 đồng/kg; Cam sành giá bán loại 1 có giá từ 32.000 - 35.000 đồng/kg; Sầu riêng cuối vụ, sản lượng ít nên giá bán cũng tăng lên, sầu riêng Ri6 loại 1 được các thương lái thu mua giá 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so tháng trước, loại 2 có giá 21.000 đồng/kg, sầu riêng sữa hạt lép loại 1 có giá 25.000 đồng/kg, loại 2 giá 18.000 đồng/kg; Chôm chôm Thái được các thương lái thu mua với giá 14.000 đồng/kg, Chôm chôm đường giá 11.000 đồng/kg, Chôm chôm javal giá 6.500 đồng/kg; Nhãn tiêu da bò được các thương lái mua tại vườn có giá 7.000 đồng/kg, nhãn xuồng giá 20.000 đồng; Chanh giá 4.000 đồng/kg, Chuối già giá 4.000 đồng/kg
b) Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò phát triển khá ổn định và không chịu tác động nhiều từ thiên tai, dịch bệnh. Đàn trâu, bò nuôi thịt giảm do diện tích chăn thả thu hẹp và hiệu quả kinh tế chưa cao trong khi đàn bò sữa phát triển tương đối tốt và giá sữa khá ổn định, người chăn nuôi có lãi. Ước tính số lượng trâu của cả nước tháng 8 năm 2014 giảm khoảng 1%, bò tăng 0,5-1% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi lợn: giá bán lợn hơi trong những tháng gần đây tăng và khá ổn định kết hợp với dịch lợn tai xanh không xảy ra đã tạo tâm lý tốt cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Hiện tại chăn nuôi lợn đang có lãi nên công tác tái đàn diễn ra khá thuận lợi; chăn nuôi theo hình thức gia trại và trang trại ngày càng phát triển trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 8 năm 2014 tăng khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi gia cầm không có biến động lớn do dịch cúm gia cầm đã được khống chế và giá bán các sản phẩm gia cầm có chiều hướng ổn định hơn trước. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để góp phần bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi thì các địa phương cần tích cực chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh vì nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại là rất cao do thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp và các hoạt động chăn nuôi tái đàn phục vụ tiêu dùng từ nay đến cuối năm gia tăng. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 8 năm 2014 tăng khoảng 1-2% so với cùng kỳ năm 2013.
* Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 20/8/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 20/8/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 20/8/2014 cả nước còn tỉnh Nghệ An có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp do miền Bắc đã có mưa nhiều, lượng mưa tương đối lớn; tuy nhiên năm nay thời tiết diễn biến bất thường, do có mưa muộn, đến đầu tháng 8 khu vực miền Trung vẫn còn bị khô hạn nên phần nào ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính tháng Tám đạt được như sau:Diện tích rừng trồng tập trung 15,4 nghìn ha, tăng 10,5% sao với cùng kỳ năm 2013; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 8 triệu cây, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2013; sản lượng gỗ khai thác 622 nghìn m3, tăng 6,1%; sản lượng củi khai thác 2,8 triệu ste, tăng 3,7%.
Tính chung tám tháng đầu năm 2014 một số chỉ tiêu chủ yếu ước tính đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 120,6 nghìn ha, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 134,5 triệu cây, giảm 1,1%; sản lượng gỗ khai thác 3656 nghìn m3, tăng 7,8%; sản lượng củi khai thác 20,7 triệu ste, tăng 3,3%.
Trước nguy cơ cháy rừng cao ở các tỉnh miền Trung, mặc dù các địa phương đã tích cực chủ động trong việc phòng, chống cháy rừng, tuy nhiên do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài nên tại một số địa phương đã xảy ra cháy rừng, có nơi nghiêm trọng. Tổng hợp sơ bộ diện tích rừng bị thiệt hại trong kỳ là 448 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 440 ha (một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy khá lớn như Bình Định 250,8 ha, Phú Yên 98,5 ha, Quảng Trị 41,5 ha, Thanh Hóa 22,8 ha...); diện tích rừng bị chặt phá 8 ha.
Tính chung tám tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại 3014 ha, tăng 113% so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích rừng bị cháy là 2504 ha, tăng 188,3%; diện tích rừng bị chặt phá 510 ha, giảm 6,7%.
3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tháng Tám năm 2014 ước đạt 544,2 ngàn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cá 368,4 ngàn tấn (+0,6%), tôm 77,9 ngàn tấn (+8,5%).
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản thu hoạch từ nuôi trồng trong tháng ước đạt 300,3 ngàn tấn, tăng 1,09% so với cùng kỳ; trong đó cá 205,4 ngàn tấn (-1%), tôm 60,2 ngàn tấn (+10%).
Tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra: Do thị trường xuất khẩu khó khăn, giá cá tra không ổn định và có chiều hướng giảm, nên nuôi cá tra hiệu quả không cao, thậm chí thua lỗ, người nuôi cá gặp khó khăn trong việc tái đầu tư. Sản lượng cá tra tháng tám ở các địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm như: An Giang 21,1 ngàn tấn (-7,03%), Cần Thơ 17,1 ngàn tấn (-6,04%), Bến Tre 10,2 ngàn tấn (-22,91%)...
Nuôi tôm ở một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh như: Đốm trắng, hội chứng gan tụy.... Tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi ở những tỉnh trọng điểm vẫn tăng và có xu hướng chuyển dịch từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng.
Khai thác thủy sản
Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tám ước đạt 243,9 ngàn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ, trong đó cá khai thác 163,0 ngàn tấn (+2,7%), tôm khai thác 17,7 ngàn tấn (+ 3,5%). Sản lượng khai thác biển ước đạt 223,8 ngàn tấn (+3,1%). Thời tiết khá thuận lợi cho việc khai thác hải sản ở các ngư trường phía Nam, đặc biệt cá ngừ đại dương trong tháng được mùa nên sản lượng khai thác tăng khá so cùng kỳ: Khánh Hòa tăng 182,2%; Bình Định tăng 25%...
Tính chung tám tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 4006,6 ngàn tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng cá 2915,2 ngàn tấn(+1,7%); sản lượng tôm 488,4 ngàn tấn (+16,4%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng 2118,3 ngàn tấn (+3,1%). Sản lượng thủy sản khai thác 1888,3 ngàn tấn (+ 4,9%), trong đó sản lượng khai thác biển 1766,2 ngàn tấn(+ 5,1%).
4. Về xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn
Trong năm 2014, với sự tăng cường nguồn lực từ nguồn TPCP, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới có điều kiện để đẩy nhanh hơn. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được hoàn thành. Sản xuất được quan tâm, các dự án phát triển sản xuất trên cơ sở Đề án xây dựng nông thôn mới được triển khai, kết quả rất khả quan, giá trị thu nhập trên một diện tích đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản liên tục tăng, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn.
Đến nay có 11,6% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 31,7% số xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 67,2% số xã đạt tiêu chí số 4 về về điện; 21,9% xã đạt tiêu chí số 5 trường học; 7,7% số xã đạt chuẩn số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 30,2% số xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn; 77% số xã đạt tiêu chí số 8 về về bưu điện..
Qua gần 4 năm thực hiện, bình quân mức đạt các tiêu chí NTM trên cả nước là 8,62 tiêu chí/xã (tăng gần 4 tiêu chí/xã so với năm 2011), trong đó số xã đạt 19 tiêu chí: 185 xã, chiếm tỷ lệ 2,05%; các xã dưới 5 tiêu chí chỉ còn dưới 17%.
Những vấn đề khó khăn về cơ chế và cách thức điều hành của các cấp từng bước được tháo gỡ. Một số những bất cập trong huy động vốn đóng góp của dân để xây dựng nông thôn mới đã được tháo gỡ kịp thời.[1]
[1] Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 và Công văn số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 gửi các tỉnh để đấy nhanh tiến độ và chấn chỉnh một số bất cập trong quá trình điều hành Chương trình.
File đính kèm: Bieu_.doc
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư