Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chín tháng năm 2014 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 548,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 395,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,36%; lâm nghiệp đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,12%; thuỷ sản đạt 134,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,51%.
I. Nông nghiệp
1. Trồng trọt
a) Lúa mùa
Tính đến trung tuần tháng Chín, cả nước đã gieo cấy được 1778,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 102,5% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy, đạt 1179,4 nghìn ha, bằng 99,5%; các địa phương phía Nam tiếp tục gieo cấy, đạt 598,8 nghìn ha, bằng 109,1% so cùng kỳ.
Diện tích lúa mùa Miền Bắc giảm nhẹ (giảm 3,9 nghìn ha) chủ yếu do chuyển đổi diện tích không hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác hoặc xây dựng các công trình hạ tầng trong chương trình nông thôn mới (Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh giảm khoảng 1 nghìn ha, Sơn La giảm 2,5 nghìn ha). Thời tiết vụ mùa đến nay khá thuận lợi, đầu vụ, mưa nắng xen kẽ thuận lợi cho phân giải chất hữu cơ, ít diện tích bị nghẹt rễ, giữa vụ mưa rải đều cung cấp đủ nước cho chăm sóc và tưới dưỡng cho lúa. Nông dân tích cực chăm bón nên tỷ lệ đẻ nhánh cao, lúa tương đối tốt và đồng đều. Hiện nay, lúa mùa tại các địa phương phía Bắc đã trỗ bông, trà lúa sớm đang trong giai đoạn vào chắc và chín, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ cho thu hoạch đại trà, năng suất dự kiến đạt khá, tăng từ 2-3 tạ/ha; sản lượng toàn miền ước đạt 5,83 triệu tấn, tăng 4,1% so vụ mùa 2013.
Các địa phương phía Nam đã xuống giống lúa mùa được khoảng 77% diện tích cả vụ, trong đó diện tích ước giảm ở Bình Định (-2,3 nghìn ha), Đồng Nai (-3,9 nghìn ha), Ninh Thuận (-1,2 nghìn ha), Kiên Giang (-3,5 nghìn ha), Cà Mau (-2,5 nghìn ha) do chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nếu từ nay đến cuối vụ nếu không có bất thường xảy ra thì năng suất lúa mùa cả nước 2014 ước tính đạt 48,7 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha (+3,5%); sản lượng lúa mùa ước tính đạt gần 9,58 triệu tấn, tăng 228,4 nghìn ha (+2,4%) so với vụ mùa năm 2013;
b) Lúa hè thu và Thu đông:
Diện tích lúa hè thu cả nước ước đạt 2,1 triệu ha, giảm 39,8 nghìn ha, trong đó ĐBSCL đạt 1,668 nghìn ha, giảm 40,5 nghìn ha (-2,4%) (Long An giảm 25,5 nghìn ha, An Giang giảm 8,7 nghìn ha, Sóc Trăng giảm 8,7 nghìn ha)… do thực hiện chuyển đổi cơ cấu vùa vụ (Long An); cơ cấu cây trồng (An Giang, Sóc Trăng) theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích hoa màu. Tại Sóc Trăng do những năm trước nhiều diện tích lúa hè thu bị nhiễm mặn, nên vụ này bà con chuyển sang gieo trồng cây hàng năm khác.
Tính đến 15/9/2014, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1798,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 92,9% diện tích gieo trồng, bằng 94,9% so cùng kỳ; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1552 nghìn ha, bằng 93% cùng kỳ. Do thời tiết thuận lợi trên cả nước, bà con chăm sóc thường xuyên nên theo ước tính của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước ước đạt 53,4 tạ/ha (+1,2 tạ/ha); nên mặc dù diện tích giảm 1,9% nhưng sản lượng vẫn tăng nhẹ, ước đạt 11,2 triệu tấn, tăng 53,8 nghìn tấn, (+0.5%); trong đó ĐBSCL sản lượng đạt gần 9 triệu tấn, giảm 33,4 nghìn tấn (-0,4%). Một điểm sáng trong sản xuất hè thu ở ĐBSCL là diện tích cánh đồng mẫu lớn, diện tích ký hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp tăng khá trong vụ hè thu (An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp) nên giá lúa hiện vẫn tăng khá, người dân yên tâm sản xuất.
Cùng với thu hoạch lúa hè thu, tính đến ngày 15/9/2014, các tỉnh ĐBSCL mới gieo cấy được 584,8 nghìn ha lúa thu đông, bằng 97,4% so cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa Thu đông giảm ở hầu hết các tỉnh của ĐBSCL. Nguyên nhân là do mùa lũ năm nay nước lũ về sớm và có diễn biến phức tạp nên người dân chưa mạnh dạn xuống giống lúa mà chuyển đổi sang trồng các loại rau, màu khác (Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang), do hiệu quả kinh tế thấp, bà con nông tạm ngưng sản xuất để đầu tư cho vụ sau hoặc chuyển đổi gieo trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn. Hiện nay diện tích lúa chủ yếu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng; đã có 36,4 nghìn ha thu đông sớm ở Đồng Tháp đã cho thu hoạch, năng suất giảm nhẹ so cùng kỳ. Dự kiến cả diện tích, năng suất và sản lượng lúa thu đông ĐBSCL giảm so thu đông 2014.
Như vậy, ước tính sản lượng lúa cả năm 2014 ước đạt 44,86 triệu tấn, tăng 816 nghìn tấn (+1,9%) so năm trước, trong đó lúa đông xuân đạt 20,85 triệu tấn, tăng 830 nghìn tấn (+4,1%); sản lượng lúa hè thu và thu đông đạt 14,43 triệu tấn, giảm 242,6 nghìn tấn (-1,7%); sản lượng lúa mùa đạt 9,58 triệu tấn, tăng 228,5 nghìn tấn (+2,4%).
c) Cây hàng năm khác
Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác đến nay tăng hơn so cùng kỳ, trong đó cây ngô và nhóm rau đậu tăng hơn rõ rệt so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thực hiện thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô và rau màu thực phẩm.
Đến trung tuần tháng Chín, cả nước đã gieo trồng được 1065,5 nghìn ha ngô, tăng 7,3 % so với cùng kỳ năm 2013; diện tích khoai lang đạt 129,2 nghìn ha, bằng 98,4%; đậu tương 108,3 nghìn ha, bằng 93.9%; lạc 202,3 nghìn ha, bằng 98,5%; và 901,4 nghìn ha rau, đậu, tăng 4%.
Hiện nay ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long một số vùng áp dụng mô hình sản xuất qui mô lớn có hiệu quả (tác động vào lịch gieo trồng, giống, thu hoạch đồng loạt) rất dễ phòng ngừa dịch bệnh và dễ tiêu thụ do bán số lượng lớn; tuy nhiên phần lớn nông dân sản xuất tự phát, còn sử dụng nhiều nhóm giống chất lượng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; trong đó quyết tâm thực hiện các khâu liên kết, quy hoạch vùng sản xuất, sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sạch, an toàn, nâng cao chất lượng, hạ giá thành.
d) Cây lâu năm
Theo báo cáo ước tính năm 2014 tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm biến động không nhiều, ước đạt 3.153 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Cơ cấu các loại cây trồng có sự biến động phù hợp với điều kiện canh tác của mỗi vùng miền và đem lại hiệu quả kinh tế. Ước tính năng suất, sản lượng một số cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm cho sản phẩm đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò 9 tháng năm 2014 không có biến động nhiều, dịch bệnh lớn không xảy ra. Đàn trâu, bò nuôi thịt giảm trong khi đàn bò sữa phát triển tương đối tốt và tập trung nhiều ở một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Sơn La, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh và Long An. Uớc tính tổng số trâu của cả nước vào tháng 9/2014 giảm nhẹ, số lượng bò đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2013; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2014 giảm khoảng 0,5%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2014 tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi lợn 9 tháng năm 2014 khá thuận lợi do dịch lợn tai xanh không xảy ra kết hợp với giá bán lợn hơi tăng và tương đối ổn định đã tạo tâm lý tốt cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Xu hướng chăn nuôi lợn đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ có hiệu quả kinh tế thấp sang chăn nuôi theo hình thức gia trại và trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại chăn nuôi lợn có lãi nên người chăn nuôi đang tập trung tái đàn chuẩn bị nguồn thịt cung cấp cho thị trường tiêu dùng những tháng cuối năm. Ước tính tổng số lợn của cả nước vào tháng 9/2014 tăng khoảng 1,5-2%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2014 tăng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi gia cầm: Dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh thời điểm tháng 2 và tháng 3 kết hợp với nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 và H10N8 từ Trung Quốc vào Việt Nam đã gây cản trở lớn đến hoạt động chăn nuôi gia cầm trên cả nước quí I năm 2014. Những tháng gần đây, giá bán các sản phẩm gia cầm có chiều hướng tăng và dịch cúm gia cầm cơ bản được khống chế nên nhiều hộ chăn nuôi gia cầm đã tiến hành tái đàn trở lại. Tuy vậy, chăn nuôi gia cầm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nên để chăn nuôi đạt hiệu quả tốt thì song song với việc tái đàn người chăn nuôi cũng cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước vào tháng 9/2014 tăng 2%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2014 tăng 2,8%; sản lượng trứng gia cầm 9 tháng năm 2014 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2013.
* Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 21/9/2014 cả nước còn tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày; từ đầu năm đến nay có 28 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là Bắc Ninh, Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hải Dương, Sóc Trăng, Gia Lai, Hưng Yên, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam, Bến Tre và Bình Thuận.
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 21/9/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày; từ đầu năm đến nay không có tỉnh nào xuất hiện dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 21/9/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày; từ đầu năm đến nay có 9 tỉnh xuất hiện dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Trị, Sơn La, Hà Tĩnh, Yên Bái, Kon Tum và Nghệ An.
II. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp 9 tháng đầu năm 2014 gặp khó khăn do thời tiết khô hạn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, đặc biệt các tỉnh Trung bộ. Tuy nhiên, ở các tỉnh Miền Bắc do có mưa sớm hơn nên công tác trồng rừng được triển khai đảm bảo thời vụ. Nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp được triển khai, trong đó chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng được tiếp tục thực hiện đã tạo điều kiện cho người trồng rừng có thêm nguồn lực đầu tư trồng rừng. Tình hình khai thác lâm sản khá thuận lợi do thị trường tiêu thụ gỗ và các loại lâm sản khác cả trong nước và xuất khẩu ổn định, các loại lâm sản chủ yếu khai thác đều tăng khá so cùng kỳ năm 2013.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tháng Chín đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 40,8 nghìn ha, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2013; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 10,4 triệu cây (-1,9%) sản lượng gỗ khai thác 474 nghìn m3 (+7,2%); sản lượng củi khai thác 2,6 triệu ste (+5,8%).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2014 diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 168 nghìn ha (+10,5%). Một số tỉnh/thành phố có diện tích rừng trồng mới nhiều và tăng khá như: Tuyên Quang 13,3 nghìn ha (+ 332 ha); Yên Bái 13,2 nghìn ha (+ 701 ha); Quảng Ninh 12,8 nghìn ha (+1681 ha); số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 144,9 triệu cây (-1,2%); sản lượng gỗ khai thác 3939 nghìn m3 (+7,8%). Một số địa phương có tỷ lệ gỗ khai thác tăng cao như: Hoà Bình (+45,7%), Hà Tĩnh (+41,2%), Thừa Thiên Huế (+35,6%), Tuyên Quang (+26,3%), Quảng Ngãi (+23,4%), Nghệ An (21,8%), Bình Định (+18,4%), …; sản lượng củi khai thác ước đạt 23,2 triệu ste (+3,6%).
Ước tính cả năm 2014: Diện tích rừng trồng mới tập trung 218 nghìn ha (+2,3%) so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính 178,8 triệu cây (-1,9%); sản lượng gỗ khai thác ước tính 6056,6 nghìn m3 (+8%); sản lượng củi khai thác 29 triệu ste (+3,5%); giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh 2010 ước tính 23816 tỷ đồng (+6,5%).
Tình hình thiệt hại rừng: Mặc dù, các địa phương đã rất tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên do thời tiết có diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài nên một số địa phương đã xảy ra cháy rừng; đặc biệt ở khu vực Miền Trung đến tháng Tám vẫn còn xảy ra cháy rừng khá nghiêm trọng (mọi năm vào thời điểm này đã vào mùa mưa nên cả nước hầu như không còn cháy rừng). Một số địa phương vẫn còn tình trạng chặt phá rừng trái phép làm nương rẫy, chủ yếu thuộc khu vực trung du miền núi phía bắc và Tây Nguyên.
Tính chung chín tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại 3713 ha, tăng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2013, trong đó diện tích rừng bị cháy 3062 ha (tăng 3,5 lần); diện tích rừng bị phá 651 ha (+12,6%); một số tỉnh có diện tích rừng bị cháy nhiều như: Yên Bái 692 ha, Bình Định 388 ha, Phú Yên 317 ha, Quảng Trị 235 ha, Lai Châu 211 ha, Nghệ An 175 ha, Đà Nẵng 130 ha…; một số tỉnh có diện tích rừng bị phá nhiều như: Đắc Nông 112 ha, Sơn La 94 ha, Bắc Giang 89 ha, Lâm Đồng 76 ha, Kon Tum 55 ha…
III. Thủy sản
Từ đầu năm đến nay, thời tiết khá thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới khai thác biển ít hơn so với các năm trước. Sản xuất thủy sản tiếp tục chuyển dịch và phát triển theo hướng tập trung qui mô lớn vào các mặt hàng thủy sản chủ lực. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất cá tra bị thua lỗ kéo dài phần nào ảnh hưởng tới kết quả sản xuất thủy sản trong năm.
1)Nuôi trồng thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng ước đạt 1030,8 nghìn ha, tăng 0,5% so với năm trước, trong đó diện tích nuôi cá 316,6 nghìn ha, giảm 2%, diện tích nuôi tôm 638,3 nghìn ha, tăng 1,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2495,1 nghìn tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 1799,1 nghìn tấn, tăng 2%; sản lượng tôm đạt 449,4 nghìn tấn, tăng 18%.
Nuôi cá tra vẫn còn nhiều khó khăn: Giá cá tra nguyên liệu từ đầu năm đến nay không ổn định do các nước nhập khẩu áp đặt các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá, ép giá... Đồng thời khó khăn kéo dài từ các năm trước đã làm cho một số doanh nghiệp đến nay gần như cạn kiệt, thiếu vốn hoạt động, mang nợ xấu nên khó tiếp cận được nguồn vốn tính dụng để hoạt động sản xuất. Trong những tháng đầu năm giá cá tra có xu hướng tăng và đạt mức giá cao nhất khoảng 26.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn, con giống, thuốc thủy sản và các chi phí khác có liên quan tăng. Từ tháng 5 cho đến nay, giá cá tra giảm dần, dao động từ 20.500-22.000 đồng/kg, với mức giá này thì nuôi cá tra chỉ hòa đến lỗ vốn, điều này làm cho quy mô nuôi cá tra tiếp tục bị thu hẹp. Các địa phương giảm cả diện tích và sản lượng cá tra là: Cần Thơ (-6.6%) và (-8.5%); Vĩnh Long (-14%) và (-13.8%); An Giang (-3%) và (-2%); Trà Vinh (-32.3%) và (-38.2%).
Nuôi tôm nước lợ tiếp tục chuyển dịch mạnh từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng: Diện tích tôm sú thu hoạch trong 9 tháng ước tính 525,6 nghìn ha, giảm 7,8% (-45 nghìn ha); tôm thẻ chân trắng đạt 85 nghìn ha, tăng 68,9% (+34 nghìn ha). Song song với đó, sản lượng tôm sú giảm 3,9%, đạt 192 nghìn tấn trong khi sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng mạnh, vượt qua sản lượng tôm sú và ước đạt 246,9 nghìn tấn, tăng 44,9 % so với cùng kỳ. Các tỉnh nuôi tôm trọng điểm đều có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng nhiều như: Sóc trăng 45 nghìn tấn (+28,7%), Bến Tre 34 nghìn tấn (+52,3%), Cà mau đạt 29,4 nghìn tấn (+169%), Trà Vinh 17 nghìn tấn (+208,9%), Bạc Liêu 15,4 nghìn tấn (+165,5%),... Nuôi tôm đạt sản lượng khá không chỉ do chuyển dịch cơ cấu tôm nuôi mà còn do người dân được hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, kiểm soát chất lượng con giống chặt chẽ và kịp thời xử lý mầm bệnh. Mặt khác cuối năm 2013 sau khi thắng lợi nuôi tôm thẻ vụ 2 nông dân tiếp tục thả nuôi tiếp vụ 3 (vụ nghịch) cho thu hoạch nhiều vào đầu năm 2014.
Cả năm, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1058 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 325 nghìn ha, giảm 1,4%; diện tích nuôi tôm đạt 655 nghìn ha, tăng 2%; diện tích nuôi tôm sú có xu hướng tăng trở lại vào những tháng cuối năm do thời gian gần đây tôm sú nguyên liệu được giá; diện tích nuôi thả cá tra tiếp tục giảm ở khu vực hộ nuôi do thua lỗ kéo dài. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong năm ước đạt 3376,4 nghìn tấn, tăng 5%.
2. Khai thác thủy sản
Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước đạt 2243,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 2104,9 nghìn tấn, tăng 5%.
Thời tiết biển từ đầu năm tới nay tương đối thuận lợi, ít bão, ngư dân chuyển đổi ngư trường đánh bắt, chọn thời điểm khai thác thích hợp trên mọi ngành nghề, đồng thời chú trọng tập trung vào khai thác những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nhiều địa phương đã hình thành các tổ hợp tác đánh bắt hải sản xa bờ và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Thêm vào đó với sự hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân đánh bắt vùng biển khơi, các hộ đánh bắt hải sản đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi phương tiện, cải hoán tàu thuyền, đóng tàu sắt, mua sắm tàu mới, củng cố một số ngư lưới cụ sẵn có và mua sắm thêm thiết bị như máy thông tin liên lạc, máy định vị,.. trên tàu đánh bắt xa bờ để phù hợp với nghề đánh bắt mới. Số tàu khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên ở các địa phương đều tăng so cùng kỳ: Kiên Giang 4.020 chiếc (+ 5%); Cà Mau 1.357 chiếc (+11%), Quảng Bình 1.076 chiếc (+8,8%), Bình Định 2.738 chiếc (+10.8%).... Do vậy kết quả hoạt động đánh bắt đạt khá. Nghề câu cá Ngừ đại dương đang được ngành chức năng quan tâm và hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến phương pháp thu câu và bảo quản sản phẩm nhằm bảo đảm chất lượng và giá bán sản phẩm tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác. Tuy nhiên, thời gian trước đây kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương chưa đáp ứng được chất lượng cá ngừ xuất khẩu, giá cá ngừ không ổn định làm hiệu quả các chuyến khai thác cá ngừ đại dương giảm. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 9 tháng đầu năm của Bình Định đạt 7.098 tấn, giảm 3%; Phú Yên 3375 tấn, giảm 19.6%; Khánh Hòa 2540 tấn, giảm 4.9%.
Cả năm, sản lượng thủy sản khai thác đạt 2916,8 nghìn tấn, tăng 4%, trong đó sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 2756 nghìn tấn, tăng 5,7%. Khai thác biển đạt khá do các địa phương tiếp tục cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn đặc biệt là tàu vỏ sắt có độ bền cao để đánh bắt xa bờ.
Tính chung sản lượng toàn ngành thủy sản năm 2014, ước tính đạt 6327,9 nghìn tấn, tăng 5,1%, trong đó cá đạt 4531,4 nghìn tấn, tăng 3,6%, tôm 812,1 nghìn tấn, tăng 12,3% và thủy sản khác đạt 984,4 nghìn tấn, tăng 6,7% so với năm 2013.
IV. Giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trong thời gian tới
Để sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển bền vững và đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành với tốc độ cao để thay đổi về chất, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có hiệu quả. Cụ thể cần tập trung vào các vẫn đề sau:
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Thực hiện các khâu liên kết, quy hoạch vùng sản xuất, sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, chính sách tài chính, xuất khẩu hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp;
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sạch, an toàn, nâng cao chất lượng, hạ giá thành. Trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; mở rộng diện tích gieo trồng những giống lúa chất lượng cao, phục vụ cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo phát triển sản xuất ngô.
b) Chăn nuôi
- Giải pháp chung
+ Để chăn nuôi phát triển tốt hơn, bền vững hơn Nhà nước cần có các chính sách hướng đến tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ tập trung và tiêu thụ gắn với thị trường;
+ Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kêu gọi nhà đầu tư trong nước tổ chức sản xuất giống gia súc, gia cầm tập trung tại chỗ đặc biệt là vùng miền núi, biên giới đồng thời quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm; Quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước;
+ Tái cơ cấu phương thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn; tái cơ cấu vật nuôi, khuyến khích phát triển những loại vật nuôi có lợi thế của Việt Nam; cơ cấu về vùng chăn nuôi sẽ chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng có mật độ dân số cao sang vùng có mật độ dân số thấp; tái cơ cấu về đầu tư phát triển chăn nuôi.
- Đối với công tác Thú y và vệ sinh môi trường
+ Xây dựng và công nhận cơ sở, vùng và liên vùng an toàn dịch bệnh, nhất là những vùng có các cơ sở sản xuất giống và vùng chăn nuôi lớn, tập trung;
+ Thực hiện tốt việc vệ sinh trong chăn nuôi, tiêm phòng định kỳ và điều trị kịp thời các bệnh của đàn gia súc, gia cầm. Tiêm phòng bệnh bắt buộc các loại vaccin cho đàn gia súc, gia cầm trên cả nước theo quy định của ngành thú y;
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường chăn nuôi.
2. Lâm nghiệp
- Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010, tạo điều kiện cho người trồng rừng có thêm nguồn lực đầu tư phát triển rừng;
- Tiếp tục triển khai công tác giao đất, khoán rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; thu hút đầu tư vào trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản tạo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
3. Thủy sản
- Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm; trọng tâm là khai thác biển, nuôi tôm nước lợ, cá tra, ba sa, nhuyễn thể hai mảnh vỏ; tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến thủy sản.
- Đối với nuôi trồng thủy sản: thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Xây dựng và đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống thú y thủy sản từ trung ương đến địa phương;
- Tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống, tổ chức quản lý và khai thác một cách hiệu quả nguồn giống thủy sản, đặc biệt nghiên cứu tạo ra các con giống bố mẹ như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng...để chủ động có nguồn giống chất lượng tốt và giá rẻ, giảm chi phí đầu vào (Hiện nay nước ta mới chủ động được con giống bố mẹ cá tra, còn các loại khác phải nhập khẩu nên giá rất đắt);
- Đối với khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: thành lập các đoàn tàu công ích hoạt động trên 4 ngư trường trọng điểm: Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản sản xuất hiệu quả. Tổ chức các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, mua gom sản phẩm cho các tàu khai thác xa bờ...
- Đối với chế biến và tiêu thụ sản phẩm: xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa nông ngư dân sản xuất nguyên liệu với các nhà doanh nghiệp (trong và ngoài nước) trong chế biến thủy sản, đặc biệt trong sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản theo hình thức đa sở hữu để cùng chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên; Quy hoạch phát triển hệ thống nhà máy chế biến và kho lạnh thương mại để tăng hiệu suất sử dụng, điều tiết được nguồn nguyên liệu ổn định, góp phần điều tiết bình ổn giá thủy sản trên thị trường và giảm các tổn thất sau thu hoạch.
- Hỗ trợ tín dụng cho người dân đánh bắt, nuôi trổng thủy sản./.
File đính kèm: So_lieu_BC_NNT9.14.doc
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư