Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/01/2015-16:15:00 PM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 01 năm 2015
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong tháng 01/2015 là hoàn thành công tác thu hoạch cây trồng vụ Đông tại các tỉnh phía Bắc; gieo trồng, chăm sóc lúa và hoa màu vụ Đông xuân trên cả nước.
- Cây lúa
Tính đến ngày 15/01/2015, cả nước đã gieo cấy 1892,6 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 98,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 56,1 nghìn ha, bằng 85,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1836,5 nghìn ha, bằng 98,6%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 1511,7 nghìn ha, bằng 99,6% cùng kỳ.
Các tỉnh Miền Bắc tập trung vào công tác làm đất, lấy nước và gieo mạ lúa Đông xuân theo kế hoạch thời vụ của Bộ Nông nghiệp. Thời tiết rét đậm rét hại nhưng ban ngày vẫn có nắng ấm, tạo điều kiện thuận lợi cho diện tích mạ đã gieo và lúa đã cấy ở khu vực Bắc trung bộ phát triển tốt, không bị chết rét.
Tại các tỉnh phía Nam, diện tích gieo trồng lúa Đông xuân giảm chủ yếu ở những vùng mưa ít, thiếu nguồn nước ở Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Ninh Thuận … Hiện nay, lúa Đông xuân các tỉnh ĐBSCL chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, trổ bông. Một số diện tích lúa gieo trồng sớm đã cho thu hoạch. Thời tiết se lạnh vào đêm và sáng sớm tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Tính từ đầu vụ đến nay, đã có gần 120 ngàn lượt ha bị nhiễm sâu bệnh, trong đó nhiều nhất là bệnh đạo ôn lá 45,6 nghìn ha, sâu cuốn lá 19,6 nghìn ha, rầy nâu 18,8 nghìn ha… Tuy nhiên, mức độ gây hại chủ yếu từ nhẹ đến trung bình nên chưa có thiệt hại
Trong năm 2015, ngành Nông nghiệp triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững dự kiến cả nước sẽ giảm khoảng 104.000 ha diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng một số cây hàng năm (đặc biệt là cây ngô) và cây ăn quả đang có thị trường thuận lợi, thu nhập cao. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ở các địa phương trên cơ sở đã được phê duyệt nên dự báo năm nay diện tích gieo trồng lúa tiếp tục giảm. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng các giống lúa có giá trị thương mại cao, xây dựng và phát triển chương trình thâm canh lúa đồng bộ, mở rộng chương trình cánh đồng mẫu lớn nhằm tăng năng suất, chất lượng gạo thành phẩm.
Tình hình thu mua lúa ở ĐBSCL: Cho đến thời điểm này, lúa trong dân không còn nhiều, lúa vụ Đông xuân 2015 chưa thu hoạch rộ nên tình hình thu mua lúa có phần lắng đọng, một số thương lái mua lượng lúa còn trữ lại của vụ trước, giá lúa Jasmine 8 tăng nhẹ và giảm nhẹ ở các giống OM và giống IR 50404 so với tháng trước
- Cây trồng khác
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến trung tuần tháng Một, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 186,5 nghìn ha ngô, bằng 105% cùng kỳ năm trước; 52,5 nghìn ha khoai lang, bằng 104%; 37,1 nghìn ha đậu tương, bằng 93,2%; 31,9 nghìn ha lạc, bằng 90,5%; 317,9 nghìn ha rau, đậu, bằng 105,3%.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Trong tháng đã có một số đợt không khí lạnh trực tiếp gây rét đậm, rét hại, một số huyện vùng núi phía Bắc có nơi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, xuất hiện băng tuyết, ảnh hưởng đến chăn nuôi trâu, bò nhưng công tác phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò của các địa phương được chuẩn bị khá chu đáo và kịp thời nên hiện tượng trâu, bò chết rét không xảy ra trên diện rộng, chủ yếu là trâu bò già. Ước tính tổng số trâu của cả nước tháng một năm 2015 giảm khoảng 2-2,5%, tổng số bò tăng khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2014; Đàn bò sữa vẫn phát triển khá, tăng 2-2,5% so cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Dịch lợn tai xanh không xảy ra, giá lợn hơi khá ổn định kết hợp với nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân những tháng cuối năm tăng mạnh nên người chăn nuôi đang tích cực chăm sóc đàn nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn thịt cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán 2015. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng một năm 2015 tăng khoảng 2-2,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Chăn nuôi gia cầm: Phát triển ổn định, xu hướng chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học kiểm soát dịch bệnh đang được các cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi quan tâm. Dịch cúm gia cầm không xảy ra nhưng do thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh buôn bán vận chuyển gia cầm phục vụ tết Nguyên đán tăng mạnh...nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao vì vậy người chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện tại chăn nuôi gia cầm đang tập trung chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho thị trường tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán 2015. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng một năm 2015 tăng khoảng 3-3,5% so với cùng kỳ năm 2014.
* Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 21/1/2015 cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 21/1/2015 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 21/1/2015 cả nước còn tỉnh Sơn La có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu chăm sóc, bảo vệ rừng và nghiệm thu lâm sinh năm 2014 đồng thời triển khai công tác chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Ất Mùi và trồng rừng tập trung năm 2015. Trong tháng Một, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 571 nghìn cây, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014; gỗ khai thác ước đạt 396 nghìn m3, tăng 3,7%; củi khai thác ước đạt 2,67 triệu ste, tăng 2,7%.
Do thời tiết đang thời kỳ khô hanh, miền Trung và Nam Bộ đã nhiều ngày không mưa nên có nguy cơ cháy rừng cao. Theo cảnh báo cháy rừng đến ngày 21/01 từ Cục Kiểm Lâm, một số tỉnh thuộc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ như: Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai... có khu vực nguy cơ cháy rừng ở vấp IV, cấp V (nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Trong tháng diện tích rừng bị thiệt hại là 41,8 ha, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2014 trong đó diện tích rừng bị cháy là 21,3 ha tăng 63,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 20,5 ha.
3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tháng Một ước đạt 412,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ, trong đó cá ước đạt 302,3 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm ước đạt 42,8 nghìn tấn, tăng 7,5%.
- Nuôi trồng thuỷ sản
Nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 187,6 nghìn tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ, trong đó cá 131,2 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm 32,6 nghìn tấn, tăng 9%. Trong tháng giá cá tra có nhích lên do các doanh nghiệp tăng cường thu mua cá tra nguyên liệu chuẩn bị hàng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu được dự đoán sẽ tăng vào dịp Tết. Sản lượng thu hoạch của một số tỉnh nhờ đó tăng nhẹ như: Cần Thơ đạt 8,2 nghìn tấn, tăng 5%; Bến tre 11 nghìn tấn, tăng 8,1%; An Giang gần 20 nghìn tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái... Nuôi cá tra năm 2015 được dự báo có khả năng thuận lợi, nửa đầu tháng 1 năm 2015 các đơn hàng xuất khẩu cá tra được gia tăng đáng kể. Nuôi tôm đang trong thời kỳ thu hoạch trái vụ, chuẩn bị cho vụ thả nuôi mới. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi trong tháng tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục thể hiện sự chuyển dịch từ tôm sú (-0,3%) sang tôm thẻ chân trắng (+21,6%). Các tỉnh có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng cao là: Bến Tre đạt 2035 tấn, tăng 198,8%; Bạc Liêu 784 tấn, tăng 152,9%; Kiên Giang 785 tấn, tăng 21,9%; Tp Hồ Chí Minh 1274 tấn, tăng 25,3%.
- Khai thác thuỷ sản
Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 224,8 nghìn tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển ước đạt 212,4 nghìn tấn, tăng 4,1%. Sản lượng khai thác tăng do: Thời tiết tương đối thuận lợi; cuối năm 2014 giá xăng dầu liên tục giảm nên những chuyến đi biển đạt hiệu quả cao; giá các mặt hàng hải sản giữ ở mức ổn định nên các chủ tàu tranh thủ ra khơi, tăng chuyến khai thác.
4. Nhiệm vụ, giải pháp điều hành trong tháng
- Tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng tránh rét cho gia súc.
- Đáp ứng nguồn cung lương thực và thực phẩm trong dịp tết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép các sản phẩm nông sản vào Việt Nam; Nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
- Hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cần thiết để những hộ nghèo, hộ chưa có khả năng cân đối đủ lương thực để đảm bảo không có hộ dân nào chịu đói trong dịp Tết.
- Tăng cường tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân thực hiện chuyển đổi.
- Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

File đính kèm:
So_lieu_T1.15.doc

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5105
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)