Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/03/2015-15:00:00 PM
Báo cáo tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2015

1. Trồng trọt

Sản xuất nông nghiệp tháng Hai tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ đông xuân. Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2387,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 92,0% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 479,2 nghìn ha, bằng 73,9%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1908,1 nghìn ha, bằng 98%.

Tại các địa phương phía Bắc, từ đầu tháng 2 đến nay liên tục có các đợt rét đậm rét hại, nhiệt độ ban ngày thường xuyên dưới 15oC, không đảm bảo cho cây lúa phát triển, nên bà con tạm lùi thời vụ gieo trồng. Bên cạnh đó, do mực nước trên các triền sông thấp, kể cả trong các đợt xả nước của các hồ thủy điện, nên công tác đổ ải gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất. Tính đến thời điểm báo cáo, tiến độ gieo cấy lúa Đông xuân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng ước đạt 84,8 nghìn ha, bằng 41,2% so với cùng kỳ năm trước (Vĩnh Phúc bằng 92%, Hải Phòng bằng 90%, Hà Nội bằng 12,2%, Hải Dương bằng 29,7%, Bắc Ninh bằng 10,8%, Thái Bình bằng 1,2% so cùng kỳ); các tỉnh Bắc Trung bộ gieo cấy đạt 305,8 nghìn ha, bằng 94,6% so cùng kỳ (Thanh Hóa bằng 80%, Nghệ An bằng 102% so cùng kỳ). Tiết trời lập xuân đang ấm dần, bà con tiếp tục chuấn bị cấy những diện tích còn lại trong khung thời vụ và chăm sóc đối với những diện tích đã cấy. Đối với những diện tích mạ đã gieo, do được được che phủ ni lông và chăm sóc tốt nên không có diện tích mạ chết rét.

Các địa phương phía Nam cơ bản kết thúc gieo cấy lúa đông xuân. Do chủ trương giảm diện tích lúa trên những chân ruộng kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây ăn quả và cây hàng năm khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích lúa Đông xuân tại một số địa phương phía Nam giảm nhẹ so cùng kỳ. Tại các tỉnh vùng ĐBSCL, diện tích gieo cấy ước đạt 1562,5 nghìn ha, xấp xỉ năm 2014; hiện nay trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, số ít trong giai đoạn chuẩn bị trỗ, hiện đã có 319,6 nghìn ha lúa Đông xuân vùng này được thu hoạch, bằng 137,7% so cùng kỳ và chiếm 20,5% diện tích gieo cấy. Do được chăm sóc tốt nên diện tích bị nhiễm sâu bệnh toàn vùng chỉ gần 46 nghìn ha và không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến ngày 15/2, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 247,4 nghìn ha ngô, bằng 98,3% cùng kỳ; 58,2 nghìn ha khoai lang, bằng 100%; 37,9 nghìn ha đậu tương, bằng 88%; 87,1 nghìn ha lạc, bằng 87,2%; 395,4 nghìn ha rau đậu, bằng 101,6%.

Về tạm trữ lúa: Tuy các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân 2015, một vụ mùa chủ lực trong năm nhưng tình trạng giá lúa xuống thấp cùng với việc khó tiêu thụ khiến nhiều người dân lo lắng.

Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang lao dốc. Vì lượng gạo thành phẩm trong kho chưa có đầu ra nên các doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu đầu vào cũng rất chậm. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm triển khai mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông-Xuân 2014 - 2015. Sau khi có chủ trương tạm trữ, giá lúa trong khu vực đã tăng từ 100-200 đồng/kg.

Chăn nuôi

Chăn nuôi trong nước tập trung chuẩn bị nguồn thịt cung cấp cho thị trường tiêu dùng dịp tết Nguyên đán 2015 và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Đàn trâu, bò của cả nước phát triển khá tốt do thời tiết ấm lên và dịch bệnh lớn không xảy ra. Ước tính tổng số trâu của cả nước tháng hai năm 2015 giảm khoảng 2%, tổng số bò tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Chăn nuôi lợn gặp nhiều thuận lợi, nguồn cung dồi dào vì từ năm 2014 các hộ dân tái đàn, tăng đàn mạnh. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng hai năm 2015 tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Do nhu cầu sử dụng các sản phẩm gia cầm của người dân trong dịp Tết gia tăng nên thời gian gần đây giá các sản phẩm gia cầm tăng mạnh. Dịch cúm gia cầm tuy không bùng phát nhưng do thời tiết thay đổi thất thường, các hoạt động kinh doanh buôn bán vận chuyển gia cầm phục vụ tết Nguyên đán tăng mạnh và tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, người chăn nuôi cần tích cực chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng hai năm 2015 tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2014.

* Tình hình dịch bệnh

- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 22/2/2015 cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 22/2/2015 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.

- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 22/2/2015 cả nước còn tỉnh Bắc Kạn có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

2. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào việc trồng rừng, chăm sóc cây giống và công tác chuẩn bị Tết trồng cây xuân Ất Mùi. Trong hai tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 1258 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 26,1 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 728 nghìn m3, tăng 8,3%; sản lượng củi khai thác đạt 3,1 triệu ste, tăng 0,3%.

Thời tiết đang vào mùa khô hạn nên công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các địa phương tích cực quan tâm, đảm bảo sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Trong tháng Hai, diện tích rừng bị thiệt hại là 8,1 ha, trong đó diện tích bị cháy 4,3 ha; diện tích bị chặt phá 3,8 ha. Tính chung hai tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 49,9 ha, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích bị cháy là 25,6 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 24,3 ha.

3. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản tháng Hai ước đạt 380,6 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng cá ước đạt 295,3 nghìn tấn, tăng 3%; sản lượng tôm ước đạt 28,7 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ.

Nuôi trồng thủy sản

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng chỉ tăng nhẹ, ước đạt 143,6 nghìn tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá nuôi đạt 110,3 nghìn tấn, tăng 2%, sản lượng tôm nuôi ước đạt 16,8 nghìn tấn, giảm 2,9%. Sản lượng cá tra ước đạt 80 nghìn tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Cá tra tháng này giảm so với cùng kỳ do nhu cầu nhập khẩu cá tra của các thị trường giảm, tuy nhiên, do giá cá tra nguyên liệu đang tăng nên người nuôi phấn khởi. Giá cá tra nguyên liệu hiện giao động khoảng 22.000-23.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi đã có lãi 1.000-2.000 đồng/kg.

Sản lượng tôm sú ước đạt 13,2 nghìn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng 6,6 nghìn tấn (-9,6%). Do yếu tố thời vụ, trong kỳ bà con tập trung cải tạo ao nuôi nên sản lượng thu hoạch giảm. Các tỉnh giảm nhiều là: Cà Mau tôm sú (-5%) và tôm thẻ chân trắng (-10%); Bạc Liêu tôm sú (-1,5%) và tôm thẻ chân trắng (-49,2%); Bến Tre tôm sú (-46,2%)… Sản lượng cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng giảm so với cùng kỳ nhưng sản lượng nuôi trồng vẫn tăng do sản lượng thu hoạch các loại thủy sản khác tăng mạnh phục vụ Tết Ất Mùi.

Khai thác thủy sản

Khai thác thủy sản trong tháng ước đạt 237 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ trong đó sản lượng cá đạt 185 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng tôm ước đạt 11,9 nghìn tấn, tăng 2,6%. Khai thác thủy sản tăng là do tháng này thời tiết biển thuận lợi và ngư dân đang tập trung sản xuất để chuẩn bị cho nghỉ Tết Nguyên đán.

Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 793 ngàn tấn, tăng 3,1%. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 331,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 461,8 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

4. Một số nhiệm vụ giải pháp trong tháng

- Tại các tỉnh phía Bắc: Theo dõi tình hình làm mạ, làm đất, lấy nước và gieo cấy lúa Đông xuân; theo dõi sát tình hình sâu bệnh để chỉ đạo hiệu quả sản xuất lúa, rau màu vụ Đông xuân; quan tâm chỉ đạo sản xuất thích ứng với điều kiện thời tiết ấm.

- Tại các tỉnh phía Nam: Chỉ đạo công tác thu hoạch lúa Mùa và gieo cấy, thu hoạch lúa Đông xuân; thực hiện tốt công tác thu mua tạm trữ lúa Đông Xuân; theo dõi tình hình sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, dược liệu.

- Tiếp tục chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, giống lúa phù hợp với diễn biến thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt với vụ Hè thu của các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời các loại dịch hại cây trồng trên lúa; đẩy mạnh và nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trên nhãn, hồ tiêu,…

- Theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường các sản phẩm chăn nuôi sau Tết để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở có giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống cho sản xuất và kiểm soát giá giống vật nuôi, đảm bảo bình ổn thị trường và phục vụ tái đàn, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi; Tăng cường chỉ đạo và giám sát tình hình phòng chống dịch bệnh, thiên tai; công tác kiểm soát chất lượng giống và vật tư chăn nuôi, tập trung vào thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y và chất cấm tại một số địa phương; triển khai chương trình ViepGAP trong chăn nuôi.

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình nhập lậu sản phẩm chăn nuôi tại các tỉnh biên giới, tình hình lưu thông, buôn bán sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Đồng thời, kiểm soát và ngăn chặn không cho dịch H7N9 vào Việt Nam qua biên giới các tỉnh phía Bắc.

- Chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015; chuẩn bị cây giống và hiện trường trồng rừng vụ xuân ở các tỉnh phía Bắc; Tăng cường các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa hanh khô.

- Về thủy sản: Chỉ đạo và kiểm tra tình hình chuẩn bị mùa vụ nuôi mới; khảo sát việc sản xuất kinh doanh thức ăn của các doanh nghiệp.

Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển; tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 36 và Nghị định 67, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để đề xuất tháo gỡ.

Tổ chức tuần tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên biển; thực hiện nhiệm vụ thường trực Tổ công tác của Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ; tổ chức trực công tác thông tin Kiểm ngư và thông tin tàu cá hoạt động trên biển./.


Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3301
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)