1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào thu hoạch lúa mùa tại các địa phương phía Bắc; gieo cấy lúa mùa tại các địa phương phía Nam và thu hoạch lúa hè thu, thu đông sớm trên cả nước.
Tính đến trung tuần tháng Mười, do thời tiết năm nay thuận lợi nên các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 866,4 nghìn ha lúa mùa, chiếm hơn 73% diện tích gieo cấy và bằng 102,3% cùng kỳ năm 2013. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng thu hoạch được 434,5 nghìn ha, chiếm 76,9% diện tích gieo cấy. Một số tỉnh đã thu hoạch được trên 90% diện tích gieo cấy như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa… Tại các địa phương phía Nam, diện tích gieo cấy lúa mùa mới đạt 784,1 nghìn ha bằng 97,4% so cùng kỳ, lý do diện tích gieo trồng lúa giảm là do bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác, mặt khác do diện tích gieo trồng lúa mùa năm 2013 tăng nhiều so với những năm trước, trong đó 96,5 nghìn ha lúa mùa sớm đã cho thu hoạch.
Cùng với việc gieo cấy và thu hoạch lúa mùa, đến giữa tháng Mười cả nước đã thu hoạch được 2109,5 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 100% diện tích gieo cấy và bằng 98,3% cùng kỳ năm trước. Vụ hè thu năm nay do thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích hoa màu nên diện tích gieo trồng giảm 13,2 nghìn ha, (tương đương -0,6%); năng suất đạt 53,3 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tương đương +1,9%), sản lượng đạt 11,2 triệu tấn, tăng 142,5 nghìn tấn (tương đương +1,3%). Như vậy có thể thấy, ngoại trừ nguyên nhân do thời tiết thì hiệu quả gieo trồng lúa hè thu có xu hướng ngày càng tăng do ngành nông nghiệp các tỉnh đã có những chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời về đào tạo, về giống cây trồng, phân bón, thủy lợi, về bao tiêu sản phẩm… Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn được triển khai đồng bộ, chặt chẽ phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, mô hình đã gắn kết sản xuất lúa giữa nông dân với doanh nghiệp. Thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với người sản xuất; nông dân có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý nên người nông dân yên tâm sản xuất; doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Đối với sản xuất lúa thu đông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đến trung tuần tháng 10 đã gieo cấy được 614,6 nghìn ha, bằng 98% so cùng kỳ. Hiện tại trà lúa thu đông sớm đã cho thu hoạch với diện tích 282,4 nghìn ha, bằng 84,1% so cùng kỳ.
Tiến độ gieo trồng một số cây vụ đông năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/10, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 100,3 nghìn ha, bằng 97,8%; khoai lang đạt 18,6 nghìn ha, bằng 88%; đậu tương đạt 27,6 nghìn ha, bằng 86,4%; rau đậu đạt 85,3 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ. Tiến độ gieo trồng cây vụ đông năm nay chậm hơn năm trước và có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao, mất nhiều công chăm sóc. Bên cạnh đó, thời tiết vụ Đông thường không ổn định, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất. Thêm vào đó, công tác xúc tiến thị trường, tiêu thu sản phẩm của nông dân còn gặp khó khăn; thậm chí không tiêu thụ được, đặc biệt vào thời kỳ cao điểm thu hoạch rau màu giá giảm mạnh gây tâm lý ảnh hưởng lớn đến đầu tư trong sản xuất vụ đông. Tiến bộ về công nghệ sau thu hoạch còn yếu, gây thất thoát sau sản xuất làm giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ đông.
b) Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò không có biến động nhiều; ước tính số lượng trâu của cả nước giảm nhẹ, số lượng bò đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện nay, giá bán lợn hơi đang ở mức tương đối cao và dịch lợn tai xanh không xảy ra nên tình hình chăn nuôi lợn phát triển khá tốt, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Do nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân những tháng cuối năm tăng mạnh nên nhiều hộ chăn nuôi đang tập trung đầu tư tái đàn, mở rộng qui mô nuôi. Mặc dù chăn nuôi lợn đang gặp nhiều thuận lợi nhưng các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt vì giá lợn hơi luôn diễn biến bất thường và giá thành chăn nuôi vẫn ở mức cao nên nguy cơ thua lỗ khi giá lợn hơi giảm là rất lớn. Ước tính tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2013.
Chăn nuôi gia cầm khá ổn định, dịch cúm gia cầm không xảy ra nên nhiều hộ chăn nuôi gia cầm đang tiến hành tái đàn để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường tiêu dùng những tháng cuối năm 2014. Chăn nuôi gia cầm có lợi thế là thời gian quay vòng ngắn, chi phí đầu tư không cao nhưng thường chịu thiệt hại nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cho nên để chăn nuôi gia cầm đạt hiệu quả cao, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêm ngừa vắc xin đầy đủ trong suốt quá trình nuôi. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 2-2,5% so với cùng kỳ năm 2013.
* Tình hình dịch bệnh
- Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 19/10/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày;
- Dịch lợn tai xanh: Tính đến ngày 19/10/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày;
- Dịch lở mồm long móng: Tính đến ngày 19/10/2014 cả nước không còn tỉnh nào có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Trong tháng, thời tiết thuận lợi cho cây lâm nghiệp sinh trưởng và phát triển. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Mười ước tính đạt 22 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2013; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7,7 triệu cây, tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác đạt 588 nghìn m3, tăng 10,1%; sản lượng củi khai thác đạt 3 triệu ste, tăng 3,4%.
Tính chung mười tháng diện tích rừng trồng tập trung cả nước đạt 190 nghìn ha, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, một số tỉnh có diện tích rừng trồng lớn như: Nghệ An 13,8 nghìn ha, Tuyên Quang 13,7 nghìn ha, Quảng Ninh 12,8 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 152,6 triệu cây, giảm 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4527 nghìn m3, tăng 8,1%; sản lượng củi khai thác đạt 26,2 triệu ste, tăng 3,6%.
Do cuối tháng 9 thời tiết vẫn còn nắng nóng nên một số tỉnh tại khu vực miền Trung đã xảy ra hiện tượng cháy rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Mười khoảng 61,9 ha, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 40,7 ha, diện tích chủ yếu xảy ra trên địa bàn các tỉnh: Bình Định là 25,4 ha, Hà Tĩnh 6,5 ha, Quảng Bình 3,4 ha; diện tích rừng bị chặt phá hơn 21,2 ha. Tính chung mười tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 3775 ha. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 3103 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 672 ha.
3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Mười ước tính đạt 526,8 nghìn tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2013, trong đó cá đạt 380,4 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 71 nghìn tấn, tăng 8,4%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 284,7 nghìn tấn, tăng 2,4%. Trong đó, sản lượng cá ước đạt 208,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; sản lượng tôm ước đạt 54,3 nghìn tấn, tăng 9,9%. Nuôi cá tra tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng tập trung qui mô lớn ở khu vực doanh nghiệp, khi đó các doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và thu hẹp khu vực hộ nuôi nhỏ lẻ. Chính sách phát triển nuôi cá tra đã được triển khai, các ngân hàng chuyển hướng cho vay vào các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Theo đó, ngân hàng cùng doanh nghiệp, hộ nuôi tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, hiện tại tác động của các chính sách chưa đủ mạnh, nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do cung cầu không ổn định, giá cá nguyên liệu thấp hơn giá thành vì giá các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc, con giống…) luôn tăng trong khi đầu ra không ổn định. Sản lượng nuôi cá tra tháng Mười của các tỉnh trọng điểm tiếp tục giảm: Bến tre đạt 7,1 nghìn tấn giảm 33%; An Giang đạt 20 nghìn tấn, giảm 9,7%; Cần Thơ đạt 13,1 nghìn tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ. Nuôi tôm phát triển ổn định theo hướng chuyển dịch từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng, giá tôm nguyên liệu từ đầu năm đến nay tương đối bình ổn và có lúc tăng tạo hấp dẫn cho người nuôi tôm. Các tỉnh có sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng khá là: Kiên Giang 3,0 nghìn tấn, tăng 303,7%; Bạc Liêu 1,1 nghìn tấn, tăng 18,5%; Sóc Trăng 7,0 nghìn tấn, tăng 16,7%.
Khai thác thủy sản
Khai thác thủy sản tháng Mười ước tính đạt 242,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ. Trong đó khai thác biển đạt 220,4 nghìn tấn, tăng 3%. Từ đầu năm thời tiết biển tương đối thuận lợi, số cơn bão ảnh hưởng tới khai thác ít hơn so với cùng kỳ năm trước, cùng với các chính sách hỗ trợ vốn của nhà nước cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, tăng tàu có công suất lớn… đã khuyến khích ngư dân ra khơi, bám biển.
Tính chung mười tháng năm 2014, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 5265,5 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó cá ước đạt 3820,9 nghìn tấn, tăng 3%; tôm 638,1 nghìn tấn, tăng 14%. Sản lượng nuôi trồng ước tính đạt 2779,8 nghìn tấn, tăng 4,8%. Trong đó cá đạt 2007,7 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 503,7 nghìn tấn, tăng 17,1%. Khai thác ước đạt 2485,7 nghìn tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ. Trong đó khai thác biển đạt 2325,3 nghìn tấn, tăng 4,8%.
4. Các giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm
Về sản xuất nông nghiệp: Tiếp tục chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, quản lý chặt chẽ khâu sản xuất, cung ứng giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu các tháng cuối năm; Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý về vật tư nông nghiệp; tăng cường quản lý chặt chẽ về chất lượng và giá cả vật tư nông nghiệp trên thị trường; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tăng niềm tin của người tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Về tái cơ cấu nông nghiệp: Thực hiện rà soát các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành và các ngành hàng chủ yếu cho phù hợp với định hướng mới; Quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng (trước tiên là việc chuyển đổi các diện tích lúa kém năng suất sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn); Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất; Thực hiện tốt các chính sách mới như Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Về xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục đẩy mạnh chương trình nông thôn mới; khuyến khích giao cộng đồng tự thực hiện các công trình nhỏ, kỹ thuật đơn giản để giảm chi phí; đôn đốc các địa phương phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ theo đúng quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chấn chỉnh việc huy động quá sức dân tại một số địa phương./.
File đính kèm: Bieu_T10.14.doc
Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư